Chương 12

Đời sống thật đáng yêu.Tôi thực sự nghĩ như vậy khi bước chân vào năm mới, khi treo cuốn lịch mới lên tường, khi thay đổi cuốn sổ ghi show, khi nhận cú phone đầu tiên lúc đồng hồ vừa chỉ 12 giờ 15 của Sơn Tuyền, ngay khi chúng tôi bước vào nhà với những cành lộc đầu năm.
Tưởng mình đi chiều 30, ai dè mở vé máy bay ra mới biết sẽ được đón Giao thừa ở nhà. Sáng Một Tết cũng như những buổi sáng bình thường. Cà phê xong, tắm rửa sạch sẽ, quần áo gọn gàng ra phi trường. Các con vẫn đi học như thường mặc dù tụi nó cũng biết hôm nay là Tểt và đêm Giao Thừa, cả hai chịu khó thức với bố mẹ, xem bố mẹ cúng Trời Đất, đi hái lộc và lì xì.
Tuy là đầu năm, tôi đã thấy vất vả. Dường như cuộc đời tôi là cả một chuỗi dài vất vả liên tục. 5 giờ sáng, trời lạnh như dao cắt. Mỹ Hoàng chở tôi lên tận phi trường Los Angeles đi Canada. Cả đêm không ngủ, tôi hối Hoàng về trước. Chờ đợi một mình ở phi trường là nghề của nàng bởi đầu năm, làm phiền cô em như thế là quá nhiều rồi. Phải nói là Hoàng thương tôi lắm, chứ nếu là người khác, cái đó còn phải hỏi lại. Dễ dầu gì lôi người ta ra khỏi nhà vào giờ đó.
Vào trong rồi mà tôi vẫn lạnh. Lạnh vì thiếu ngủ và đói. Áo lạnh ôm ở tay mà không dám mặc, sợ bị đòn vì tội lấy lông thú làm áo. Đành ngồi chịu trận 2 tiếng đồng hồ. Chuyến bay cũng thập phần khốn khổ, khốn nạn. Tàu dừng ở Toronto. Chờ 4 tiếng đồng hồ mới có chuyến đi Quebec. Tổng cộng 12 tiếng nghĩa là dài và lâu bằng từ Los đi Âu Châu. Vừa từ xứ tuyết về, lại đến nơi phủ đầy tuyết. Được đi hát ngày đầu năm, vui thì có vui nhưng cái sự đi đứng cực khổ không thể tránh khỏi.
Đã rất nhiều lần trên Thời Báo, tôi kể cho mọi người cùng nghe những gian nan của các ca sĩ. Có người tin vì biết rõ chúng tôi như cậu mợ Du Miên, như chị Lâu, như Kathy Huệ. Biết rõ vì đã nhiều lần gặp chúng tôi khi vừa ở phi trường về. Không thể tả được cái …tấm nhan sắc sau nhiều tiếng đồng hồ bị máy bay nhồi như nhồi bột. Có nhiều người không mấy tin lắm… Mấy mợ ca sĩ chúa là làm màu, nhỏng nhẽo, đứt cái tay mà làm như là đổ ruột. Tàu bay nó bay chứ có phải mình đội tàu bay đâu mà kêu. Nghéo một cái đã tới nơi. Vừa được ăn, vừa được hát, vừa được nói, vừa được gói mang về. Sướng …thấy mẹ, còn cứ lảng nhảng kêu rêu. Cứ như là bị đi làm thuỷ lợi hay kinh tế mới không bằng.
Mà nào đã hết đâu. Vừa về đến nhà đã có điện thoại …đòi nợ. Mợ Lệ Thu đòi nợ …ăn. Số là hồi trong năm, hồi năm ngoái, gặp nhau ở tiệm Nhật Thuỵ, mợ đòi ăn nộm rau muống. Món này chỉ có Bắc kỳ rốn mới rành nhưng nó lích kích, lỉnh kỉnh mà mùa đông, rau muống mắc hơn hột xoàn. Tuy nhiên bạn mình một năm đòi ăn có một lần, mệt cỡ nào, rau mắc cỡ nào tôi cũng phải làm kẻo đầu năm, đầu tháng nợ nần không trả không xong với mợ Lệ Thu. Trong khi đó, mợ Ngọc Minh đòi mắm kho, tôi kho cho một nồi to tướng nhưng mợ thì bóng chim tăm cá. Đầu năm thì đầu, tôi cũng gọi mợ cự nự một hồi. Giọng mợ …thều thào cố hữu …Tao phải làm việc, mệt quá, 9-10 giờ đêm mới bò về nhà. Có kịp ăn uống gì đâu, leo lên giường nằm thở cũng no rồi. Tuần sau …nấu nữa nhé. Đúng rồi Minh ạ, tao đang thiếu …bà nội để hầu đây. Tuần sau sẽ nấu nhưng tuần sau năm tới nhé cưng.
Mỗi người đòi nợ một món. Sơn Tuyền thì bún riêu. Hố Nai lớn thì bún bò. Cô Hiền đòi cá hấp trong khi đầu bếp này, cái gì cũng đớp, đớp như cá tra, cá vồ. Nộm rau muống làm xong, nhường cho chồng, cho bạn, cho vợ chồng Nhật Thuỵ. Nửa đêm, còn lại vài cọng, tôi gắp ăn đỡ cho biết mùi và đỡ thèm. Nói nghe tội nghiệp nhưng thật ra, với tôi, chút mắm muối cũng xong bữa. Nhìn tôi ăn, mọi người sẽ nghĩ rằng ăn như thế, chẳng mấy lúc mà khá. Cái thú của tôi là nấu và ngồi nhìn …người khác ăn. Nhìn người ăn tôi cảm thấy như chính mình ăn và tự động no theo.
Một tuần ít nhất tôi nấu 3 món đặc biệt cho gia đình và các bạn. Nhưng cũng chỉ là nghề tay trái của nàng. Cái chính dĩ nhiên vẫn là hát và làm băng nhạc. Ít khi tôi nhắc đến các băng nhạc của mình trên trang báo Thời Báo dành cho tôi. Sợ lại vướng vào cái bịnh tự quảng cáo cho mình. Tuy nhiên, từ mấy chục năm nay, tôi sống chết với con đường mình đã chọn nên gì thì gì, không thể tách rời những công việc này ra khỏi sinh hoạt hàng ngày của tôi. Nó cũng quan trọng và được tôi yêu như cái việc nấu nướng hầu bạn bè vậy.
Người ta thường nói hai cái đầu bao giờ cũng hơn một. Tôi chỉ góp ý chút chút vào dự tính của Đoan nhưng nhiêu đó cũng đủ gây những trận bàn cãi sôi nổi. Bàn để tìm ra cái tốt hơn cho mình, rồi nghe thêm ý kiến của các bạn. Chúng tôi, cả hai đều biết nghe, biết nhìn nhận khuyết điểm của mình. Người có tiền làm được việc là chuyện thường, không đáng nói. Người có tiền đôi khi cũng …ngu vậy, huống chi mình không có bao nhiêu, muốn làm được việc, nghĩa là muốn làm một việc gì tương đối được phải cần nhiều cố gắng, phải biết nghe, biết nhìn. Cho dù có học lóm của người thì cũng nên tìm cái hay mà học.
Làm băng nhạc hay video, chúng tôi chỉ nghĩ mình làm cho mọi người và cho chính mình. Cái sì tin của mình từ hồi nào tới giờ được mọi người đồng ý thì cứ thế mà khai triển thêm ra thì sẽ không phụ lòng ai. Bắt chước người khác là điều tối kỵ. Tôi ít khi chờ người khác ăn ốc, mình ôm vỏ đi đổ. Ganh đua, cạnh tranh bằng chính khả năng của mình. Đó là ý kiến của tôi, một người…dốt nhưng không …ngu. Tôi phục vụ cho người yêu mình từ bao nhiêu năm qua. Ngày mình còn trẻ, mọi người cũng còn trẻ. Giờ mình lớn hơn, mọi người cũng lớn hơn nhưng vẫn cứ theo nhau mãi. Ngày nào những người yêu tôi không còn, tôi cũng …đi luôn.
Để sống còn, người ca sĩ có nhiều nỗi khổ tâm, có nhiều điều tối kỵ. Khổ tâm vì luôn luôn phải làm mới công việc của mình, con người của mình. Trong nghệ thuật, đứng là lùi. Nhưng nếu không tiến được thì cũng phải làm sao để cái “đứng” lại của mình không bị lu mờ. Tối kỵ là những việc dẫm chân người khác. Không muốn như vậy, người làm văn nghệ phải có sáng tạo, chứ không phải cứ ngồi chờ sẵn đó, ai có sáng kiến hay là nhào vô…ăn có. Ăn thì cũng được, xứ này tự do mà, ai muốn làm gì ai cũng chẳng sao nhưng điều đó chứng tỏ cho mọi người thấy rõ một điều là mình …nghèo quá. Nghèo tiền đã đành, cái đầu cũng nghèo thì văn nghệ ở đây sẽ chỉ là một sự lập lại của nhau. Tôi thích bản chính và nếu đã có bản chính, ai dại gì coi cái bản chụp lại.
Tụi tôi học hành chẳng bao nhiêu bên cạnh cái túi rỗng, nhưng xứ Mỹ này dù không mấy yêu nó, dù chống Mỹ đến cùng, cũng phải công nhận rằng đây là một xứ sở có quá nhiều cái hay, cái tốt để mình học và bắt chước. Dĩ nhiên không thể nào đủ cả 10 nhưng ít ra cứ bắt chước hay học được một cái hay của họ thôi, mình đã khá hơn rồi. Chính vì nghĩ như thế, chúng tôi ít xem video của VN. Tránh được nhiều thứ cố gắng thu nhập cái hay của người, chế biến đi cho hợp …khẩu vị người mình. Trong tinh thần đó, chúng tôi bắt tay vào cuốn video kỷ niệm 50 năm của đời tôi.
Xin Trả Nợ Người đang được bắt đầu sau một năm dài chuẩn bị, bàn cãi, lấy ý kiến của nhiều người, nhiều giới khắp mọi nơi. Cái khó là tôi không muốn giống ai. Không giống thì không sợ có sự so sánh. Nó cũng như cái tóc của tôi 30 năm nay. Nó như thế, giản dị như nó là tôi. Thế thôi. Những cảnh đã quay, coi lại, thấy không “đạt” lắm. Bỏ. Bỏ ngay không thương tiếc dù biết rằng mình vừa đốt một ít tiền. Đốt thế chứ phải đốt thêm nữa, tôi cũng không ngần ngại. Tuổi đời và tuổi nghề đã không cho phép tôi làm việc một cách …bôi bác, giựt tiền của người ta.
Quanh mâm cơm, chúng tôi ngồi bàn bạc với nhau những điều nên làm, cái gì nên tránh. Sơn Tuyền là một người thông minh và rất thẳng tánh. Anh Dzu có mắt nhìn và kinh nghiệm sân khấu. Tô Quang nắm rõ thị trường và thị hiếu khán giả. Khánh Phương có tấm lòng yêu nghề. Thầy Thiêng kinh nghiệm chiến trường đầy mình. Cùng ngồi với nhau. Cùng muốn …trả nợ người một cách nghiêm chỉnh, đứng đắn, đầy thận trọng, sự thận trọng của người biết …yêu mình, yêu công việc của mình nhưng ít tiền.
Bây giờ mọi chuyện đã xong xuôi.Chỉ còn chờ lúc đèn sân khấu bật sáng và máy quay bắt đầu hoạt động. Thật không uổng công tôi sau những chuyến đi thập phần vất vả còn cong đuôi lên nấu nướng. Được nhờ cái bạn bè thương, lúc nào cũng sẵn sàng cho tôi những ý kiến đúng và tốt. Cho đến bây giờ thì tôi rõ một điều là tôi không chơi với người xấu mặc dù tôi thừa biết cái gì đúng, cái gì sai, cái gì xấu, cái gì tốt. Nhưng gặp được bạn tốt vẫn là điều đáng quý vì người tốt vốn hiếm hoi, người tốt mà lại tốt với cả người khác. Ôi thắp đuốc giữa ban ngày cũng khỏi thấy nữa mà.
Từ băng nhạc, mix xong cũng cho bạn nghe. Xin ý kiến. Bài nào nên để đầu băng. Ông Thành Hiện Đại, Kathy Huệ, Sơn Tuyền luôn luôn là những người nghe và xem băng của tôi đầu tiên. Bài này dở hả? Bỏ luôn. Xách cổ nó bỏ qua một bên. Cứ như thế mà hiện giờ tôi có 20 bài…nằm chơi xơi nước, chưa biết đến bao giờ mới đụng tới. Đó cũng là lỗi của tôi, thấy bài hay, thấy người ta hát hay, tôi tưởng mình cũng có thể hát được, bèn nhắm mắt thâu. Hát xong, khi nghe lại mới thấy mình …hố. Mình đâu phải người ta. Đồng ý là ca sĩ có thế hát được tất cả các bài hát mình thích và nhạc sĩ làm ra một bài hát để mọi người ai hát cũng được nhưng có người “đạt” có người không. Rủi mà mình rớt nhằm cái “không được” ấy thì cứ coi như mình ngu và mất tiền toi.
Bác Lê Nguyễn cười bảo tôi:… “Con mẹ này sao mà kỳ quá, sao mà khó quá vậy.” Bác Lâu bảo… “Tôi thấy được đấuy chứ, sao bà lại chê. Bỏ uổng quá”… Khánh Phương khen hay Đoan bảo OK được lắm rồi, anh thấy được…. -“Anh thấy la một chuyên”. Ai thấy cũng không quan trọng bằng chính mình. Bao giờ cũng vậy. Tôi nghĩ …mình có thể khá hơn. Và dù cho băng có mix rồi, tôi vẫn lấy phòng, chịu tốn tiền thêm để hát lại.Có thể dở hơn nhưng cứ thử may ra khá hơn chăng và lại cái lần trước còn giữ đó, có xoá đi đâu. Nếu hát lần sau dở và biết chắc mình không thể hay hơn được, rằng sức mình chỉ ngang đó, thì lại xài lại cái đã hát. Có sao đâu. Nhưng ít nhất là tôi cảm thấy yên ổn khi đã cố gắng hết sức mình.
Nhiều người đã hỏi khi nào có Xin Trả Nợ Người? Tôi không biết chắc. Khi nào xong sẽ có. Chúng tôi có thì giờ và cũng đã ngày hai bữa từ bao nhiêu năm nay nên không bao giờ vội vã. Gạo mình chưa nấu thì cũng còn đó. Cũng là của mình. Ai muốn làm gì cứ tự nhiên. Đi vội, đi nhanh, dễ vướng dây, dễ vấy té. Cứ từ từ mà chắc. Người ta khi yêu, 30 năm còn chờ được cơ mà. Miễn là khi gặp, người mình yêu đừng bèo nhèo quá, mà muốn không bèo nhèo thì phải chau chuốt cho gọn gàng. Ấy thế mới biết ở đời chẳng có gì là dễ cả. Nếu được yêu, chín sẽ bỏ làm mười. Ngược lại dù có hay mười mươi đi chăng nữa cũng chỉ vứt thùng rác mà thôi. Tóm lại, ở đâu cũng thế, bên Tàu, bên Tây cũng như bên ta, cái tiền chẳng có nghĩa lý gì. Cái Tâm, phải, chỉ có cái Tâm mới đáng quý mà thôi. Cái Tâm với chính mình, với đời sống và trong công việc, kể cả việc nấu ăn trả nợ bạn bè.
Điều này tôi đang cố gắng cắt nghĩa cho các con tôi hiểu và cũng tự nhắc nhở mình mỗi ngày bởi đời sống ở đây đã làm mất mát quá nhiều. Tôi chấp nhận mất mát đó như một sự tự nhiên tuy có cái Tâm, là điều duy nhất tôi còn mong giữ lại được. Có thể chẳng để làm gì. Có thể chỉ để gió cuốn đi.
Khánh Ly
(Thời báo số 136, ngày 11-3-1994)