Chương 9

Tôi vừa chia hũ cà cuối cùng. Một cho Ngọc Minh. Một cho bà nội của Cu. Thế là hết 100 pounds cà cha Nam Hải gửi cho. Tôi đã làm đúng lời cha dặn. Chia cho mỗi người một ít gọi là quà cha gởi tặng, trong khi tôi lại là người được hưởng ít nhất. Bởi bị cúm cả hơn tháng, tôi chẳng dám đụng tới một quả cà. Vừa ngớt bịnh, chuẩn bị thâu băng, Giang lại bồi thêm một cú. Này, đừng có ăn cà, khản tiếng đấy. Đành nhịn thèm nhìn các hủ cà to, nhỏ trên tay các bạn. Bye.
Chắc tương lai tôi khi về già sẽ gần gũi với ruộng vườn, gia súc. Lần đầu tiên những cây ớt tôi gieo trồng đầu mùa xuân cho tôi nhiều trái. Thích trồng cây nhưng không biết cách, lại lười tưới bón, có khi đi hát xa cả tháng, về đến nhà, cây cối chết tiệt. Năm nay chịu khó hơn, tôi thăm chừng mấy cây ớt mỗi ngày, kể từ lúc mới nhú trong chậu, cho đến khi tôi đánh cây con trồng riêng ở ngoài.
Đây là những cây ớt VN. Tôi lấy giống từ nhà Sĩ Nguyên ở Úc. Ớt cũng từ VN qua Úc rồi từ Úc nhập cảnh lậu vào Mỹ. Mọi người dọa. Này, mang trái cây vào Mỹ là tội đó, tụi nó mà bắt được. Tôi cứ gân cổ cãi. A, bắt được thì phạt chứ sao. Tớ đếch sợ, tớ có chỗ dấu. Dấu ở đâu, trong...quần à, ớt mà dính...vào đó, cay hết biết, mà rồi bà có trồng được, cũng không ai dám ăn. Kệ cha tôi, tôi dấu chỗ nào là chuyện của tôi, trồng cây đâu phải để hòng hái trái, ngó cũng vui mắt rồi, muốn ăn, ra chợ mua chứ tội gì bứt cây mình trồng.
Chỉ có em là điên như thế thôi. Đoan bảo vậy. Hoa thì không trồng lại đi trồng ớt, trồng xả, trồng rau, mà rồi lại không cho hái, không cho nhổ. Ừ, em điên kệ em, muốn ăn, muốn hái, muốn nhổ cũng được nhưng phải tuỳ. Tùy cái gì? Thì tuỳ người em quý, người quý em, nhớ đến công em săn sóc tưới bón chứ. Em thật là điên còn vớ vẩn, ai ăn mà chả thế, còn bày đặt lựa người rồi mới cho ăn. Kệ em, anh có công việc của anh, em có công việc của em. Công việc nào cũng cần sự suy nghĩ và lựa chọn.
Hoàng Xuân Giang cười. Đoan nói đúng đấy, cây hết trái, hết mùa, phải tỉa, cắt bớt những cành yếu, cây mới mạnh, lứa sau sẽ nhiều trái. Xả phải nhổ bớt nó mới đâm thêm chồi mới, giềng gom lại 1 bụi đủ rồi, ớt phải trồng chỗ nhiều nắng, phải thêm đất, thêm phân. Nghe lời Giang và nể chồng, tôi hát ớt....đãi bạn. Tùng Giang, Du Miên ăn ớt như nhồng, nhìn mấy trái ớt đen thẫm tôi đưa với cặp mắt...khinh bỉ. Mẹ ơi, cả hai người gần té đái vì cay, gật gù. Được, ớt này được, bẻ ra đã nghe cay rồi. Người nào trồng ớt cay là người tốt. Tôi chẳng biết thầy Thiêng nói có đúng không vì thầy này là vua điển tích. Song tôi vui vì đây là công lao của tôi.
Ổi tôi được ăn nhiều. Ở nhà chị Hà, ở nhà Kiều Loan, ổi nhà Elvis Phương nhưng không ổi nào ngon bằng cây ổi tôi mua 15 đồng 6 năm trước. Đúng là ổi xá lị. Ngọt, dòn và thơm. Ăn một miếng, sướng một miếng, nuốt tới đâu, sướng tới đó. Mùa đầu tiên, nó chỉ có hai trái to hơn cái bát ăn cơm. Mấy năm nay, trái khá nhiều nhưng nhỏ. Nam Lộc bảo tôi khi hết trái phải tỉa bớt cành, chỉ giữ lại những cành mạnh thì năm sau trái mới to. Tôi cứ thương thương, tiếc tiếc thế nào ấy, không chịu nghe lời. Nhìn cái cây cành lá đang xum xuê, bảo tôi phải cắt bớt, tôi không nỡ. Tôi sợ cái cây nó đau sao?
Cam cũng thế, bơ cũng thế. Cứ để chín vàng cho đẹp. Đừng ai bứt trái, bẻ cành của tôi. Muốn ăn thì đi mua. Không tiền thì nhìn cũng đủ...mát ruột rồi. Trái nào chín quá rụng xuống, tôi mới ăn. Bơ nhà tôi ngon lắm, hột nhỏ, cơm dầy, vàng và béo ngậy. Trái chỉ dành để biếu bạn, cho con dâu là salade vì mùa này ở chợ Mỹ bán gần 2 đồng một trái.
Đấy, tôi chỉ có thế, gia tài của mẹ chỉ có thế. Tôi nói với con tôi như vậy. Và đó còn là những người bạn của tôi nữa. Những người bạn không biết nói. Bảo Linh đưa vợ con lại thăm tôi, nó nhìn tôi cười và nói. Mẹ thích chó và cây vì nó không biết nói. Tôi cũng cười, không trả lời. Con tôi đã thành nhân.
Những cây hồng dòn, cây mận nhà Du Miên nặng trĩu đến gãy cả cành làm tôi tiếc mãi, xót xa mãi như chính mình bị thương vậy. Cây ngọc lan vẫn là nỗi ao ước của tôi. Năm tới tôi sẽ mua một cây, một cây lớn có hoa ngay, khỏi phải chờ đợi. Mua cả hồng dòn nữa. Nhất định mùa xuân tới tôi sẽ mua, lúc đó nếu có Hoàng Xuân Giang ở đây, sẽ nhờ Giang phụ một tay...đào đất. Tôi tự hẹn với tôi như vậy và khi tôi nói ra, Đoan bảo. Em muốn cái gì thì có trời xuống cản nổi. Muốn thì mua ngay đi. Cái thích của tôi ngang với cái lười. Thôi để vào xuân đã, bây giờ gần đông rồi. Thế đấy.
Vẫn biết là muốn gì được nấy, không ai có thể cản được. Chính vì thế mà tôi...ít muốn và...muốn ít. Nhưng cái "ít" của tôi làm Đoan nhiều khi chạy...sút quần. Muốn thâu băng là thâu ngay. Tự lựa bài, tự đưa bài làm hoà âm, tự gọi điện lấy phòng thâu, mặc cho Đoan tự động chạy tiền. Không cần biết bao giờ mới phát hành. Cứ thâu. Vì sao? Vì tôi thích chứ vì sao. Cuốn này chưa xong, nhồi thêm cuốn nữa. Đoan chạy tiền bở người mà không dám hé răng cằn nhằn. Sợ con điên nổi cơn thì còn mệt hơn lúc chạy tiền.
Được cái Đoan cũng mê văn nghệ, hát hò. Có nhiều khi anh...chỉ tôi cả cách diễn tả bài hát nữa. Em phải hát như thế này mới đúng ý ông Sơn, giống như anh Giang đã chỉ em đó. Rồi anh thản nhiên nhắm mắt nhắm mũi, tay múa loạn lên như đang trình diễn, như nhạc trưởng đang điều khiển một dàn nhạc đại hoà tấu. Trước mặt ông Thiện, ông Thiêng, John, Mai và bác Lê Nguyễn, Đoan say sưa hát, khi trầm như lời thủ thỉ, khi bổng tiếng kêu đau thương của người tuyệt vọng. Lúc đó là lúc anh hoàn toàn quên những cơn điên của tôi, quên cái cảnh chạy tiền trả nhạc sĩ, phòng thâu. Ngược lại, tôi nghĩ anh rất hài lòng.
Có người bảo. Mẹ, thâu gì mà thâu lắm thế, bán cho ai, bán cho chó à. Ấy, đừng nói thế, băng nhạc thì bán cho người chứ sao lại bán cho chó. Nói sao nghe nặng nề thế, không sợ à. (Chả là chúng tôi có ông Tổ và ông Tổ này, nghe kể lại thì đó là một con người ăn mày, do đó có cái lệ ca sĩ kiêng không cho tiền những ai ăn xin. Vì sao thì tôi không biết.) Tổ rất linh. Bên cổ nhạc thường xá Tổ trước khi ra sân khấu. Tôi không làm vậy, chỉ làm dấu thánh giá nhưng cũng e dè không dám làm điều gì...bất nhân vì sợ Tổ lấy lại nghề hay lộc Tổ đã đãi. Thế nên khi nghe những lời nói ác độc, tôi làm lơ và tiếp tục công việc của mình.
Tôi sợ, tôi sợ một buổi sáng đẹp trời nào đó, mở mắt dậy nói không ra hơi, khào khào như vịt, ngan, ngỗng kêu. Chắc tôi sẽ tự tử chết cho rồi. Có gì bảo đảm đâu? VN mình có được bao nhiêu Kim Tước, Châu Hà, Thái Thanh, Mai Hương, Hà Thanh? Mà đâu phải lúc nào cũng có, lúc nào cũng lấy rổ đong được. 35 năm cũng là quá nhiều cho một việc làm mang ý nghĩa, giá trị tinh thần nhiều hơn. Không hát được nữa thì tôi sẽ làm sao với bao nhiêu tâm sự ngổn ngang muốn gởi gắm qua các bài hát. Chỉ có chết là hết chuyện.
Lê Bá Chư cũng than buồn. Ôi, đá cũng đổ mồ hôi sao? Tưởng Chư không bao giờ buồn, không bao giờ biết buồn chứ? Băng nhạc nào ra, tuần lễ đầu cũng bán gần chục ngàn cuốn, dưới trướng là bao nhiêu ca sĩ nổi tiếng. Có tiền, đẹp trai lại một thân một mình, tìm đâu cả ra người yêu (°). Buồn cái nỗi gì? Buồn vì sao? Than buồn rồi còn muốn...chết nữa. Gì mà ghê vậy. Có buồn thì cũng in ít thôi, chừa lại cho anh em với chứ. Buồn thì có...danh giá gì mà dành về phần mình hết vậy. Ơi Chư ơi là Chư, nếu quả thật có buồn thì về nhà, vào phòng đóng cửa lại, chửi thề một tiếng thật to, hét lên một tiếng thật to là xong ngay. Đừng chết nhé. Uổng. Đời đẹp lắm. Cũng còn những điều khả dĩ có thể yêu được, chẳng hạn như Hội Nhớ Huế của Chư đó. Cả bọn cười vang phòng thâu.
John trố mắt nhìn, tưởng chúng tôi điên. Đường về khuya vắng vẻ. Đoan cho xe chạy chầm chậm lướt qua những trụ đèn. Anh lẩm nhẩm hát theo một bài vừa thâu. Tôi im lặng nhìn ra ngoài. Những trụ đèn trong đêm trông buồn bã lạ thường. Tôi nhớ những trụ đèn ở Dalat, ở Huế, ở Paris, ở Canada. Những trụ đèn ở đâu trong bóng đêm, cũng buồn như nhau. Xuân, Hạ, Thu, Đông, ngày, đêm, mưa, nắng. Những trụ đèn vẫn đứng đó im lặng. Trông tội nghiệp ghê đi. Nó cũng biết đau đấy chứ. Nó cũng có những niềm đau của nó. Nó cũng biết buồn đấy chứ. Nó đang...thở dài đó. Có ai nghe tiếng thở dài của những trụ đèn đó không. Người và xe vẫn thản nhiên lướt qua. Tôi nghĩ đến những trái ớt, những trái ổi đã chín mà tôi định hái sáng mai./.
Bên Đời Hiu Quạnh (92 - 23/10)
Chị Ký Điệu gặp tôi, chửi toáng lên. Tiên sư mày, tao chỉ định là sẽ đi Hongkong chơi, trước khi trao trả lại cho Trung Cộng. Chỉ định thôi chứ đã đi đâu mà mày la om xòm. Mẹ, cái mồm như mồm.… Mồm gì thì nói đại ra đi, mồm tao cũng giống mồm mày thôi. Thì tao cũng nói là mày định đi chứ tao có nói thêm đâu mà mày làm ào ào…. Ừ thì tao cũng muốn đi chơi một chuyến cho khuây khoả. Mẹ, cày bừa hoài, mệt quá rồi.
Giọng Minh dịu hẳn lại. Tôi hơi ngạc nhiên vì bà cô xứ Thái này ít khi toả ra … sầu đời, ít khi thở ra hơi chán nản. Cái gì xảy ra đây? Chị than thở tiếp… Đời sống ngắn ngủi quá, sống nay, chết mai, ai biết được, có làm lắm cũng đến thế, tay buông xuôi, có mang được gì theo đâu… Bộ bây giờ mày mới biết à?. Tao nói thì mày chửi. Nào là tao không lo, không biết. Nào là tao ngu, tao điên. Riết rồi chồng tao cũng nhập tâm là tao …ngu. Tao điên thật. Nói xin lỗi mày chứ, cứ bán cái ngu của tao đi, nuôi được 100 thằng khôn. Bán cái điên tao đi, nuôi được ngàn thằng tỉnh.
Minh buồn hơn tất cả những lần tâm sự. Từ trước tới giờ tôi cứ nghĩ Minh là con người sống bằng lý nhiều hơn tình. Điểm trái ngược thứ nhất giữa hai đứa tôi. Minh sống căn cơ, vén khéo, bạn ít, ít bạn, luôn luôn có giới hạn. Minh tự giới hạn, tự đóng khung đời sống của mình, ngay cả đến tôi, người bạn gần như duy nhất của nó cũng không thể vượt qua. Tuy vậy cũng có lúc chị tâm sự với tôi …tất cả. Đó là những giây phút Minh sống thật với chính mình và phá vỡ tất cả mọi giới hạn. Những giây phút ấy không nhiều nhưng đã rất đủ cho tôi hiểu điều nó thường giấu kín.
Đó là điều trái ngược thứ hai. Tôi đã nói với Minh nhiều lần. Cái điều người ta thường muốn giấu kín, thật ra không có gì ghê gớm lắm đâu, nó chỉ là một điều …giấu kín mà thôi. Và chính điều đó làm ta nặng lòng hơn cả. Có cái gì quan trọng đâu? Không, trên đời này, ngó vậy mà chẳng có gì quan trọng cả. Chỉ vì mình cho nó là quan trọng mà thôi. Minh nói … tao không thể như mày được. “Tại sao không thể và như tao là như thế nào? Tao nhởn nhơ quá chăng? Tao dễ sống quá chăng? Tao hời hợt quá chăng? Không đúng vậy mà …hơn vậy nữa.”
“Nói như mày chướng bỏ mẹ đi, bố ai mà hiểu mày nói gì”. “Mày thông minh lắm Minh à, mày hiểu hết dù tao không nói. Cuộc sống tao, đôi khi làm mình khó chịu nhưng tao cảm thấy rất thoải mái. Cái gì cũng vậy, khi thấy không thể nắm giữ được thì tao buông. Bất cứ cái gì. Không hề hối tiếc, … Mày đã biết đời sống ngắn ngủi - biết hơi trễ đó Minh – thì tại sao không tìm kiếm, không tạo dựng cho mình, cái ngắn ngủi ấy, trở thành đẹp đẽ. Một ngày đẹp một ngày, một giờ đẹp một giờ.”
“Mày làm như dễ lắm, muốn là được à.” “Được chứ có khó khăn gì. Đừng muốn gì quá tầm tay. Hạnh phúc là gì? Mấy ai hiểu được đúng nghĩa hai chữ đó. Hạnh phúc chẳng là …mẹ gì, nó rất tầm thường song nếu mình bằng lòng thì nó trở thành một điều tuyệt vời.Thế thôi. Đừng suy diễn nhiều quá, dễ trở thành rắc rối và rồi chính mình bị vướng vào, không gỡ ra nổi. Ngày xưa, khi còn trẻ, tao luôn mơ những điều mà cho đến một lúc, tao nhận thức ra, đó là những điều chỉ có trong …tiểu thuyết. May mà tao sớm biết, nếu không đời tao còn gọi là …ăn mày chán.”
Minh nhìn tôi có vẻ nghi ngờ. Nhiều người cũng nghi ngờ, cũng tự cho là tôi không có hạnh phúc. Ôi cái hạnh phúc chẳng phải là một cái áo, một đôi giày. Nó lại càng không phải là một cục hột xoàn để có thể đem theo khoe cho mọi người thấy. Hạnh phúc không nằm giữa đường Bolsa. Hạnh phúc không có mặt trong các vũ trường, sòng bạc hay ở trong những ly rượu đầy. Hạnh phúc đơn giản hơn nhiều. Đôi khi là một gói đậu phọng luộc. Một miếng đậu hũ còn nóng. Đôi khi là một con cá chiên giòn, nóng hổi bên cạnh chén nước mắm tỏi và đĩa rau lang luộc. Hạnh phúc ở trong lời thăm hỏi bình thường, trong cái nắm tay nhè nhẹ, trong cả những phút im lặng bên nhau.
Hạnh phúc của tôi là như thế. Hạnh phúc ở trong trái tim mình. Hạnh phúc chính là …mình. Tiền bạc và danh vọng đều …không ăn gì cả, đều vứt đi hết. Hột xoàn dù sáng cũng không che được cái lấp lánh của giọt nước mắt. Cái áo có đẹp, có đắt tiền, cũng không gói kín, làm ấm lại một trái tim lạnh lẽo, tan vỡ. Có thể cho đây là cách suy diễn tự an ủi mình để mà sống tuy nhiên để có đủ sáng suốt để suy diễn như vậy, không có mấy người.
“Minh à, mày một mẹ, một con lại chồng lúc nào cũng ở bên cạnh yêu chiều, có gì để mày phải lo nghĩ, buồn phiền. Con đã lớn, nó có đời sống của nó nhưng bất luận thế nào, nó cũng là con mình…”. Ừ, lẽ ra tao không đi, tao muốn ở lại với mẹ nhưng thằng bé cứ khóc, đòi theo mẹ Mai để được đi học, nên tao cắn răng ôm con sang đây. Bây giờ, mẹ không còn, con đã lớn thế là mình đã mất mẹ lại sắp sửa mất luôn con…”. “Mày vớ vẩn bỏ mẹ đi.Trai lớn có vợ, gái lớn có chồng. Đời cua, cua máy, đời cáy, cáy đào. Bổn phận của tụi mình là nuôi con cho khôn lớn, tiền bạc không có để lại cho con – mà tụi nó cũng chẳng cần tiền của mình – thì mình đã để lại cho nó, đã tạo dựng cho nó cái vốn chữ nghĩa cho tương lai. Tao nghĩ thế là đủ rồi.”
“Thì tao cũng như mày, thế cho nên bây giờ, sau bao nhiêu năm cực nhọc tao mới có thời giờ nghĩ …đến tao. Tao định dành tiền để mỗi năm đi một nước chơi cho thoải mái cái đầu”. “Thì cứ đi, tao đi với, rủ Hà cũng đi nhưng mà đừng đi Hongkong, có mẹ gì ở đó mà đi.Tao muốn tới Trung Cộng coi cái Vạn Lý Trường Thành nó ra sao, coi cái Di Hoà Viên của Từ Hi đẹp cỡ nào.” “Chừng nào đi, nói để tao lấy ngày nghỉ”. “Ấy, từ từ, để đợi tao dư dư chút đã, giờ chưa đủ sức đi chơi, mẹ kiếp. Bill tới tấp như lá mùa thu. Khoan nói chuyện đi chơi đã.” “Mày, chán bỏ mẹ, cứ hẹn hoài, biết bao giờ mày mới …đủ”.
Cuộc tâm sự của chúng tôi ngang đó thôi. Không phải là lần đầu.Tôi lại nghệch mặt ra nghe Minh chửi. Đi thì đã đi quá nhiều rồi nên không còn là một nhu cầu nữa. Song nhất định lần này tụi tôi sẽ kéo nhau đi coi Vạn Lý Trường Thành. Nhất định rồi, mọi chuyện đã chuẩn bị xong xuôi, chỉ còn chờ …tiền. Thế nào bà cô trên ngàn xứ Thái cũng rít lên… “Mẹ, đúng là cái con …ăn cứt không biết thối”. Sorry chị, tại em nghèo, em cũng ham chơi lắm nhưng laoví nặng quá, chờ em với nhé.
Ngưng cuộc đấu láo với thị Minh, tôi quay qua nồi cá kho đã bén lửa.Tí nữa thì mất ăn. Trên bàn cả chục chai nước mắm thị Hà mang lên nhờ pha dùm. Con dâu tôi cũng, mẹ pha hộ con nước mắm ăn bún. Kể ra, nghề sến nương của tôi cũng không đến nỗi vô dụng lắm. Cứ được bạn nhờ là vui rồi. Thích nấu mắm là nấu, thảm nhung gì tôi cũng không care. Cái thảm thì cũng chỉ là cái thảm thôi, có gì mà phải dữ vậy.
“Này, khi nào mày không hát nữa, đi rửa chén cũng sống đấy con ạ”. “Rửa chén thì đã sao, bộ rửa chén xấu lắm à, ngày xưa lúc tao mới qua, tao chùi cầu tiêu vẫn thấy …thơm. Vẫn sống phẻ. Minh cười khằng khặc. Nói với mày tao nói với …đầu gối sướng hơn. Ấy, mày đừng tưởng nói với đầu gối mà dễ nghe con. Đầu gối tao quý lắm à. Phải là chuyện gì hay ho lắm, quan trọng lắm tao mới dám vạch đầu gối ra nói”. “Sư mày, đụng chút là mỉa mai, là nói móc”. “Đâu có, tại tao thấy đầu gối tao nó biết nghe, biết điều phải trái nên tao chọn nó chứ đâu dám mỉa mai móc mỏ gì mày.”
Minh này tao sẽ tự làm cho tao một buổi hát, mày có mặt nhé. Ra mắt băng à? Không, mày biết tao mà, có bao giờ tao dám đâu, làm một buổi hát với nhau cho đời thêm vui thôi… Khi nào mày làm? Sẽ. Sẽ là bao giờ. Sắp. Cái con này, mày không thể nói chuyện tử tế được sao mà lúc nào cũng đùa nghịch. À, khi nào tao nói chuyện tử tế thì mày nên coi chừng…cứt tao ấy. Có làm thật thì cho tao hay. Dĩ nhiên, nhưng tao còn đang chờ. Chờ gì? Chờ …tiền./.
Bên Ðời Hiu Quạnh (92 - 6/12)
Có nhiều lúc, tôi nói mà chẳng hiểu mình nói gì. Nhiều lúc viết mà cũng không biết mình viết gì. Bởi tôi nghĩ gì nói đó, ghi xuống đó. Rồi thôi. Rồi gió cuốn đi. Chẳng phải tôi là kẻ vô tình. Chỉ vì lúc đó tôi nghĩ thế và... như thế.
Buồn, vui như trời nắng, trời mưa. Như lúc nóng, lúc lạnh. Con người sống phải như thế. Lúc lên voi, lúc xuống chó. Lúc buồn tủi. Lúc hân hoan hạnh phúc. Vì nếu không đau khổ, nếu không nghèo ai biết được cái cảm giác “không tả được” khi ra khỏi cảnh huống đó.
Nói là buồn. Buồn thật đấy. Nhưng nỗi buồn không ở lại trong tôi lâu dài. Ði là một niềm vui. Ði mang lại niềm vui. Ði sẽ thấy niềm vui. Và đồng thời thấy rằng, nỗi buồn của mình thật ra chẳng đáng gì, so với bất hạnh của người.
Ðiều oái oăm là chính những người thiếu may mắn hơn tôi lại chính là người mang lại cho tôi hạnh phúc. 500 người, 700 đến nghe tôi hát, đâu phải tất cả đều sung sướng hạnh phúc. Họ cũng như tôi, có những nỗi khổ tâm không nói được. Cả hai tìm đến nhau. Cả hai đều mong được chia xẻ, cách này, cách khác. Cả hai đều mong được vay mượn của nhau chút hạnh phúc mong manh ngắn ngủi.
Nhiều người mới rời quê nhà đến đây. Lòng đã hoang mang, ngán ngẫm. Chân đã muốn tìm đường về. Họ mất 17 năm. Họ đi chậm hết 17 năm. Họ đã gặp những tảng băng dày, kết lại từ 17 năm. 17 năm trước, họ đã mất. 17 năm sau, lại mất thêm lần nữa. Mà đời người có được bao nhiêu ngày để sống, để phải mất mát nhiều như vậy. Tôi biết nói sao bây giờ bởi nỗi buồn của những người đi sau lớn quá. Nỗi khổ và sự chịu đựng của họ vĩ đại quá. Bỗng nhiên tôi cảm thấy mình nhỏ bé, thấp hèn trước những khuôn mặt ngơ ngác, những cái nhìn buồn bã câm lặng.
Ngược lại, cũng có những người dù đã ở đây một thời gian khá dài, mà càng ở lâu thì lại càng buồn (trong đó có tôi chăng). Bởi không cách chi họ có thể hội nhập vào đời sống này. mà có nói ra điều đó, cũng không mấy ai tin. “Có mà điên à. Ở đây sướng như thiên đường còn đòi hỏi gì nữa. Cứ thử về Việt Nam bây giờ xem. Nóng điên người, ăn uống thì bao quanh toàn là ruồi muỗi không. Ðường toàn là xe đạp, bụi và khói”.
17 năm trước, khi tới đây, có phải họ chạy trốn cái nóng không? Có phải vì họ sợ ruồi muỗi, xe đạp và bụi không? Có phải vì họ nghĩ đây là thiên đường hay không? Không. Hoàn toàn không bởi trên mảnh đất tang thương rách rưới đó, họ đã được sinh ra và lớn lên. Lòng đã quá gắn bó với đất mẹ. Không có hạnh phúc nào có thể đánh đổi được. Họ vẫn sống. Nhưng loài cây được bứng đi từ nơi này, trồng ở nơi khác. Những cây sẽ không bao giờ còn cho trái nữa.
Ðời sống đáng thương lắm chứ. Tôi đang ở đâu đây? Tôi đang sống cuộc sống của... ai vậy? Tôi đang ăn hay ai ăn. Tôi đang nói hay ai nói. Tôi đang đi hay ai đi. Tôi đang thở hay ai thở. Ðêm của ai. Ngày của ai. Chẳng phải của tôi. Một đời sống vay mượn. Những mái tóc cứ bạc đi cùng nỗi nhọc nhằn, khắc khoải. Nhìn lại mình trong gương bỗng ôm mặt khóc. Ai đó không phải là tôi. Không còn là tôi.
Tôi buồn cho tôi, cho cả nỗi buồn của người khác. Tôi không có thói quen đổ lỗi hay trách móc bất cứ ai. Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi mọi đàng. Có được bao nhiêu vui, buồn tôi trút tất cả vào bài hát, bài viết. Ðến gần mọi người. Cố gắng kéo mọi người đến gần mình. Chỉ cần 2 người thôi, là không còn lẻ loi nữa. Anh cứ nói. Chị cứ nói. Em cứ nói. Bác cứ nói. Tôi nghe và tôi hát.
Dĩ nhiên mỗi người ôm một nỗi niềm riêng, nhưng tất cả được gọi chung là Buồn. Chỉ có khác là nói ra hay không nói ra. Im lặng chịu đựng là một hành động can đảm nhưng đó cũng là cách tự tử chậm. Ðiều này không nên. Ðời của tôi, tôi muốn làm gì... kệ cha tôi, kể cả hủy diệt nó. Cái này thì sai bởi mình đâu có phải từ “lỗ nẻ” chui lên. Mình đâu có từ đá nứt ra. Và khi được sinh ra, ai cho phép mình muốn làm gì đời mình thì làm.
Ngay đến như Tề Thiên Ðại Thánh kia, nứt từ đá nứt ra, tấm thân đó cũng giúp cho thầy Tam Tạng đường xa vạn dặm, tìm kinh, dù tấm thân đó chẳng đẹp đẽ gì. Cứ thử hỏi ta đã giúp đỡ được gì, cho những ai. Nếu mọi người, cứ hễ buồn, nghèo hay tự tử thì thế gian này còn ai, còn có bao nhiêu người nữa.
Nhiều ít gì, thì ai cũng có bạn. Mà bạn để làm gì? Không phải để đàn đúm giỡn hót, nói chuyện người này, người kia hay xúi giục, che chở cho bạn mình làm những điều không phải. Bạn đúng nghĩa là luôn luôn có mặt bên nhau trong cơn hoạn nạn. Bạn tốt là người biết nghe, biết chia xẻ, biết phân biệt phải trái, biết khuyên nhủ bạn mình những điều nên làm, biết thẳng thắn ngăn bạn mình những điều bậy, biết vun xới, xây đắp hạnh phúc gia đình cho bạn.
Ðôi khi, trong những chuyến đi hát xa, tôi gặp những người hoàn toàn xa lạ, thế nhưng chỉ qua vài ba câu chuyện, chúng tôi đột nhiên trở thành thân thiết. Cùng chia xẻ với nhau những khó khăn của đời sống, những trắc trở của hạnh phúc gia đình, chồng con. Sở dĩ tôi hay tạo được sự thông cảm mau lẹ với những người ngoài giới dù chưa bao giờ quen biết, là bởi trong câu chuyện, tôi không bao giờ tỏ ra mình là người hạnh phúc, may mắn hơn. Lúc đó tôi không phải là một ca sĩ, chỉ như một người bạn đồng cảnh ngộ. Chị khổ. Tôi cũng không sướng gì. Cảnh của chị cũng giống như tôi. Hai người không may gặp nhau, dễ có sự thông cảm. Bởi đó tôi có nhiều bạn. Bạn ở cùng khắp. Mới đầu là bạn, sau gần như người nhà.
Thật ra, chẳng phải vì cuộc đổi đời mà đời đổi, mà những nghịch cảnh mới xảy ra. Ðừng đổ lỗi cho cho bất cứ điều gì, bất cứ ai. Ở đâu thì khi chuyện phải đến, cũng đến, cách này, cách khác. Tại mình mà thôi. Tại cái lòng mình khi yêu, khi ghét. Tại lòng mình quá nhỏ không dung chứa nổi nghịch cảnh mà chỉ muốn nhìn lên. Nhìn lên không bằng ai. Thế cho nên buồn.
Ở lứa tuổi như tôi, nếu nói là hưởng thì quả thật chúng tôi hưởng đã quá nhiều, quá đủ. Giờ ở xứ người, kéo cầy trả nợ đâu có phải cho mình, mà cho các con có được một đời sống tử tế, an lành. Cực khổ mấy tôi cũng bằng lòng. Ðôi khi “nhõng nhẽo” than thở chút đỉnh về nỗi cực nhọc của những chuyến đi, chỉ là chút tâm sự của một ca sĩ với khán thính giả. Nghề nào lại không cực khổ, không phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có miếng cơm. Ngồi trên tiền còn khổ huống gì phải chạy tiền từng tháng.
Ða số những chuyện khổ tâm, thường không do ngoại cảnh đưa tới. Nó phát xuất từ ngay trong chính gia đình mọi người. Từ cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, con cái, họ hàng làng nước quanh mình. Ôi, Làm sao ở cho vừa lòng tất cả mọi người? Biết thế nào là rộng, thế nào là hẹp. Bao nhiêu là đủ, bao nhiêu là thiếu. Cứ nói ngay tôi đây. Chẳng bao giờ ai vừa lòng. Từ gia đình đến bạn bè trong giới. Ai cũng sẵn sàng chỉ trích. Không làm gì. Làm thinh. Cũng bị chửi.
Riết rồi tôi cũng chẳng muốn đi đâu. Chẳng muốn làm gì. Chẳng muốn gặp ai. Chỉ còn vài người bạn gan ruột. Những người bạn tôi quí hơn vàng bạc châu báu. Những người bạn sẵn sàng chia xẻ với tôi mọi điều, kể cả bữa cơm đạm bạc nhà nghèo đông con. Thanh Tuyền, Phật giáo, tôi, Công giáo. Lần nào gặp nhau, hai đứa đều nói về đạo của mình, cũng an ủi nhau, khuyên nhau, chia xẻ nhau những khó khăn đời sống. Ðó là gặp người và nói ra những u uẩn của lòng mình. Như khi mình tìm đến khán thính giả, người nghe, người hát, chẳng biết nhau mà thật ấm lòng biết bao nhiêu.
Ðời có lúc buồn, có khi vui như sông lúc êm ả, lúc qua gềnh qua núi. Nhưng đời đáng sống nếu ta cứ nghĩ rằng trong cuộc đời - dù là một vật thừa thãi dưới cái nhìn của gia đình - chúng ta vẫn còn có thể mang lại niềm vui dù nhỏ nhoi đến cho người khác, những người không may mắn. Khi nào Chúa, Phật gọi, lúc đó sẽ hay. Cứ biết rằng ta đang sống và hãy tạ ơn Trời đất, tạ ơn Thượng Ðế.
Cứ nói thẳng ra những điều mình nghĩ. Chẳng ai chê trách. Cứ khóc khi cần khóc, cứ cười lúc muốn cười. Ðêm Lễ Tạ Ơn, nhìn mọi người chung quanh mình cười nói xôn xao, quấn quít nhau trên sàn nhảy, nước mắt tôi bỗng ứa ra. Phương Anh đưa cho tôi ly rượu “Em nhớ lấy thêm một ly cho Jenny Mai”. Tôi đốt một điếu thuốc gác ngang ly rượu. Mai ơi, về mà vui với chị em, chỗ này là chỗ của em, chưa ai quên em đâu... Chúng tôi im lặng cạnh nhau. Hà Cẩm Tú. Mỹ Hoàng. Phương Anh, Quốc Bảo, ai cũng có điều gì thầm kín muốn nhắn gửi người đã đi. Ðã đi, nhưng sống mãi trong lòng mọi người.
Nhờ mọi người thương, tôi mới còn có ngày hôm nay. Ðiều đó chắc chắn là như thế. Tình thương của mọi tầng lớp khán thính giả đã thay thế tình yêu gia đình và an ủi tôi rất nhiều. Hơn 30 năm qua, tôi sống như thế và tôi biết ơn những người đã cho tôi tình thương, điều tôi mơ ước hơn bất cứ mọi thứ của đời sống. Và khi tôi được đến gần mọi người, bao nhiêu nỗi buồn phiền cũng tan biến.
Lời ca, tiếng nhạc nuôi tôi sống - cứ hiểu theo hai nghĩa - lựa chọn đúng nhất và duy nhất của tôi. Nói như thế không có nghĩa những lựa chọn khác là lỗi lầm. Tôi không bao giờ hối tiếc những việc mình đã làm, cho dù cái giá tôi đã trả không phải là nhỏ. Hối tiếc là việc vô ích và càng làm ta khổ tâm hơn. Chuyện gì đã xảy ra, đã qua. Thuộc về dĩ vãng. Gia đình, bạn bè có thương hay không. No big deal anymore.
Ðó là lời nói thật lòng tôi. Bao nhiêu năm nay, tôi đã sống bằng tình thương của nhiều người. Có những người không bao giờ giáp mặt hay nói với tôi nửa lời. Nhưng tôi biết người ta thương tôi... Có hai người là không còn lẻ loi. Vậy thì tôi không có quyền tự ý sử dụng cái đời của tôi theo những ý định rồ dại. Ở khắp các nơi đã đi qua, tôi nợ mọi người một ân tình quá lớn. Tôi muốn được trả lại bằng tất cả hơi sức còn lại của tôi. Dù không còn được bao lâu nữa.
Tôi nói với các con của tôi. Ngày nào, đối với mẹ cũng là ngày Lễ Tạ Ơn. Tôi nói cho các con tôi nghe về cuộc đời của tôi, về những món nợ tôi đã mang, các con tôi cũng mang... “Mẹ cố gắng cho các con một đời sống tốt đẹp. Hãy vì thế mà làm những điều tốt đẹp. Nhưng trước hết, các con phải làm cho đời mình bởi nếu cuộc đời con có tốt đẹp, con mới có thể làm được cho người khác. Các con không hề nợ mẹ đời sống nhưng các con nợ cuộc đời, hãy sử dụng đời mình cho xứng đáng. Ðó là các con nhớ và yêu mẹ...”
Chỉ còn vài tuần nữa, năm cũ sẽ qua. Mùa Ðông đã đến nhưng rồi mùa Ðông cũng sẽ qua. Và mặc dù giữa những ngày Ðông tháng giá, tôi vẫn mở lòng sẵn sàng đón mùa Xuân. Mà cũng có thể, đời tôi vốn đã là mùa Xuân. Buồn nhiều quá rồi. Bây giờ dù bất cứ chuyện gì xảy ra, cũng coi như không dính líu gì đến tôi. Một chút tâm sự gói ghém trong mấy câu thơ tầm thường, tôi làm bên cạnh Sơn trong một ngày tuyết rơi trắng cả tâm hồn. Ðọc rồi, ai muốn hiểu sao cũng được. Dĩ nhiên là thơ rất dở, nhưng tôi quan niệm, cái gì thật vẫn hơn. Thì đây là những gì thật thà nhất:
Từ trời mưa đổ oan khiên
Bờ vai bạc mệnh một miền cưu mang
Xót thân lệ chẩy hai hàng
Tà dương kia cũng bàng hoàng phút giây
Thương sao phận mỏng như mây
Phận hèn như cỏ, phận gầy như lau
Phận buồn như hạt mưa mau
Gọi thêm tóc trắng nỗi sầu trăm năm
Ngủ đi thôi. Một giấc đằm
Thiên thu rồi sẽ về nằm cùng ta
Nhớ nhau một giọt lệ sa
Có thương thì cũng đã là... là thôi
Sơn đọc xong. Anh không chê dở. Chỉ nói... Sao buồn vậy. Vì sao.
Khánh Ly
(Trích Thời Báo số 73, ngày 06-12-1992)