Triết lý Nho học được khởi xướng từ Khổng Tử, nhưng người hoàn chỉnh bước đầu, hệ thống hóa tư tưởng Nho học đó là Mạnh Tử. Trong buổi đang có nhiều học phái cạnh tranh, mà Nho học giành được chỗ đứng vững vàng, tiếp tục bành trướng sức ảnh hưởng trong xã hội. Trung Quốc thời phong kiến, cũng là nhờ Mạnh Tử có nhiều sáng kiến bổ khuyết, đi du thuyết nhiều nước và chăm dạy học trò, chẳng kém gì Khổng Tử trước đó cả trăm năm. Tuy là kẻ thừa kế đạo Nho của Khổng Tử, nhưng Mạnh Tử biết linh động, thích ứng với thời thế, đưa ra đúng lúc quan mềm mới, làm tăng giá trị thực dụng cho Nho học. Điểm khác biệt lớn nhất về thế cuộc là, thời Xuân Thu, vương quyền nhà Chu tuy có suy vi thật, nhưng chư hầu vẫn còn tiêu biểu chung một lý tưởng là, "Tôn vương nhương di". (Tôn thờ vương thất nhà Chu, chống ngoại tộc xâm nhập). Một mặt, bề ngoài vẫn coi nhà Chu là chúa chung, mặt khác, giữa các nước Chư hầu, cố gắng giữ thế quân bằng, mong được sống chung hòa bình với trật tự hiện hữu. Cục diện chính trị quốc tế đó, là nguyên nhân chính, khiến Khổng Tử chủ trương duy trì chế độ cũng như văn hóa nhà Chu, mà Chu công là người có công sáng lập nhiều nhất. Sang đến thời Chiến Quốc, thì tình thế đã thay đổi hẳn. Lúc đó, về mặt chính trị, hệ thống cai trị của tập đoàn quý tộc đã tan rã, chế độ phong kiến bắt đầu băng hoại, dù là bá chủ cũng chẳng làm gì được cho thiên hạ nhờ; về mặt xã hội, thì đức Lễ, Tín chẳng còn, trật tự tôn pháp và thuần phong mỹ tục không ai tôn trọng nữa; về mặt tư tưởng học thuật, cũng chẳng đơn thuần như thời Khổng Tử, bởi phong khí du thuyết rất thịnh, từng tập đoàn sĩ phu đã bắt đầu hình thành giai cấp mới, trong khi các học phái tranh đua nhau quyết liệt hơn. Thời Khổng Tử, tuy đã có Đạo học của Lão Tử, nhưng hai học phái ít có xung đột nhau, Khổng Tử còn hạ mình vấn lễ cùng Lão Tử nữa. Nhưng vào thời Mạnh Tử, thì đã có nhiều học thuyết khác nhau ra đời, chủ trương trái ngược với đạo Nho, buộc Mạnh Tử phải lớn tiếng bài bác họ, phê phán họ, nhất là đối với Dương Chu và Mặc Địch, Mạnh Tử cho rằng, "Dương Mặc chi đạo bất tức, Khổng Tử chi đạo bất trứ". (Nếu đạo của phái họ Dương, họ Mặc không dẹp đi, thì đạo của Đức Khổng chưa thể sáng tỏ được) Như đã nói trên, ngoài đức NHÂN ra, Mạnh Tử rất chú trọng về đức NGHĨA. Người đã bảo: "Sinh diệc ngã sở dục giã, nghĩa diệc ngã sở dục giã, nhị giả bất khả đắc kiêm, xá sinh nhi thủ nghĩa giả giã". (Sống ta vốn muốn mà nghĩa ta cũng cần. khi không thể trọn lẽ đôi bề, thì xá sinh mà giữ lấy nghĩa vậy). Cái khó nhất của người đời, là thường gặp trường hợp bắt buộc phải chọn lựa. Điều Mạnh Tử nêu ra, là điều chọn lựa sinh tử, hệ trọng nhất trong đời người: nên giữ mạng hay giữ nghĩa? Trên lịch sử, biết bao nhân vật vĩ đại phải trải qua thử thách lớn lao, nhiên hậu mới trở thành vĩ nhân. Cho nên Mạnh Tử hô hào phần tử trí thức, khi trực diện với vấn đề sinh tử, thì phải đủ can đảm giữ lấy tiết nghĩa hơn là mạng sống, nếu thiếu tinh thần đó, thì chẳng bao giờ dám hy sinh cho lý tưởng cao cả. Tóm lại, công tích của Mạnh Tử trong công trình xây dựng hệ thống Nho học, cực kỳ lớn lao, cho nên địa vị của Mạnh Tử trong Nho học, chỉ có dưới một người là Khổng Tử thôi. Do đó, người ta thường gọi chung Nho học là đạo Khổng - Mạnh.