Vào lúc chập tối, cha Mariô ngủ li bì, Ăngtoan để bệnh nhân cho một tu sĩ trong nom rồi ra ngoài tu viện và đi dạo để suy nghĩ trong một khu vườn xây kín. Anh yêu nơi yên tĩnh ấy, chỗ lánh mình ưa thích nhất của anh trong buổi chiều cuối xuân này thơm nức mùi hoa, những bông hoa mà thầy dòng Phrăngxi, một người gần loà, làm vườn cho tu viện, đã chăm nom một cách trìu mến.Giữa một vườn hoa, pho tượng Đấng cứu thế bằng đồng đỏ mỉm cười dịu dàng với căn nhà hiến dâng cho sự việc phụng sự người. Mọi lối đi trong vườn kín đều quy tụ về chỗ bức tượng này và bước chân Ăngtoan đưa anh đến đây như thường lệ. Chân anh vấp phải bệ tượng Chúa, một sức mạnh bất thường làm anh quỳ gối trên sỏi ở lối đi và anh cúi đầu, lặng lẽ cầu khẩn để xin Chúa ban cho một dấu hiệu trong cơn bối rối của mình.Trong bóng tối có cái gì động đậy, tim Ăngtoan đập nhanh một dáng dấp phụ nữ mờ ảo trong chỗ tối. Đức Mẹ rất thánh phải chăng đã nghe thấy lời cầu khẩn của con trai Người nên chính Người đã đến đây để làm cho tâm trạng bối rối của ngưòi thầy thuốc được êm dịu đi chăng? Nhưng không, đây chỉ là Luxia Belacmi, đứng trong bóng đêm, khoác một chiếc áo choàng dài, chỉ để lộ khuôn mặt mờ mờ, một vệt sáng trong đêm tối.- Thưa tiểu thư, – anh ấp úng – tôi không biết là tiểu thư ở đây.Người thiếu nữ tiến lại gần anh và khi nàng nói, giọng nàng dịu dàng:- Tôi rất tiếc đã làm ông bị đột ngột, thưa ông thầy thuốc. Ông cầu Chúa cho bác tôi đấy ư?- Không, – anh thú thực – Tôi cầu xin sự cứu giúp… trong một việc riêng.Không hỏi thêm nữa, nàng ngồi xuống và nhìn anh rất dịu dàng đến nỗi Ằngtoan ngạc nhiên thấy nàng có thái độ khác hẳn lúc chiều.- Tại sao khi ở trong phòng của bác tôi anh lại nhìn tôi như vậy? – Nàng hỏi một cách giản dị.- Tôi rất tiếc đã có vẻ thiếu lễ độ đối với tiểu thư, – anh khẽ nói.- Đây là lời xin lỗi. Không phải lời giải thích.Ăngtoan thoáng đỏ mặt- Tôi có cảm tưởng đã trông thấy tiểu thư, hơn nữa, đã được biết tiểu thư từ rất… rất lâu rồi.Nàng không trả lời ngay, nhưng đến lúc nàng nói, giọng nàng êm ái một cách kỳ lạ.- Vậy thì, anh có thể giải thích được không?- Đáng tiếc là không, – anh nói và cúi đầu. – Không thể giải thích được. Tôi chắc rằng chưa bao giờ được trông thấy tiểu thư trước buổi chiều hôm nay.- Chưa bao giờ đâu, đúng như thế.Nàng đột ngột đổi đề tài:- Anh định sẽ thụ giáo phải không, cha Phêlíp nói với chúng tôi như thế. Vì lẽ gì mà một người trẻ tuổi – một thanh niên như anh – lại trở thành tu sĩ?Ngạc nhiên vì câu hỏi, Ăngtoan không trả lời.- Nếu tôi là nam giới, – Luxia Belacmi nói thêm, – tôi mong muốn, trên hết mọi sự, là tạo cho mình một địa vị.- Có lẽ trong thế giới này còn nhiều điều quan trọng hơn là tạo cho mình một địa vị, thưa tiểu thư, – anh mỉm cười nói.- Có thể. Nhưng một trong những điều quan trọng ấy chắc chắn không phải là trốn tránh khó khăn trong cuộc sống để ẩn mình trong một nhà tu.- Tiểu thư có còn quá trẻ để tranh luận về những việc này không, thưa tiểu thư? – anh hỏi một cách nhã nhặn.Nhưng nàng kiêu hãnh giậm chân trên sỏi.- Tôi đã hai mươi tuổi. Ở tuổi anh, ông tôi đã tìm ra Tân Thế Giới!- Ông của tiểu thư sao? Tiểu thư có họ với ông Côlông à?- Ông tôi là Amêrigô Vexpucxi, – nàng sửa lại một cách tự hào. – Ông cụ không sợ đấu tranh, không nấp sau những bức tường. Ông đã vượt qua các biển khơi xa xôi và liều mình để tìm ra những miền đất lạ.- Nhưng họ tiểu thư là Belacmi?- Tôi là Vexpucxi, theo họ của mẹ tôi. Trước đây chúng tôi là chủ ngân hàng của nhà Mêđixi.- Vậy mà bác tiểu thư đã chọn nhà tu?Chiếc miệng xinh đẹp đanh lại:- Bác Mariô vốn vẫn là người lạc lõng trong gia đình. Bác ấy thích trở thành người của Nhà thờ hơn là bị cầm tù. Hơn nữa đây là một việc tốt cho nhà Belacmi, khi có một người trong gia đình thuộc giới tăng lữ cao cấp.Đó là lời bộc lộ đáng sợ khi nghe nó thốt ra bởi cái miệng còn trẻ măng như vậy. Cô Luxia này trí tuệ sắc sảo và miệng lưỡi cũng sắc bén, Ăngtoan thầm nghĩ như vậy?- Tiểu thư kiêu hãnh về gia đình mình lắm phải không?- Tại sao lại không? Bà Belacmi là một trong những nhà quý tộc có tiếng nhất của toàn nước Ý.Ăngtoan bắt đầu nhắc nàng lời dạy của kinh thánh: “Sự kiêu căng đi trước sự huỷ diệt…” nhưng nàng tức giận ngắt lời anh:- Đó là tiếng nói của tu sĩ! Ông là người như thế nào nhỉ, ông thầy thuốc, mà ông phải tách rời khỏi thế giới và chọn lấy con đường yên tĩnh, chắc chắn ấy?Nàng đứng lên, giận giữ giậm chân, đá mạnh vào nền đường làm bụi bốc lên, phủ cho Ăngtoan một làn mưa sỏi, sạn.- Nếu tôi là đàn ông, sẽ không ai cần đi tìm tôi ở một chỗ ẩn núp nào cả đâu. Tôi chúc ông ngủ ngon, ông thầy tu. Hãy về phòng tu sĩ của ông đi, chúc ông ngủ ngon giấc.Ăngtoan nín lặng, anh nhìn cái hình dáng dong dỏng cao đi xa dần và biến mất. Một lúc sau, tiếng cánh cửa sập mạnh như đặt một dấu chấm hết cho câu chuyện. Ăngtoan ngồi một lát nữa trên ghế đá. Luxia Belacmi vừa tóm tắt gọn trong mấy lời nỗi bối rối đang ở trong anh. “Nơi này là nơi quyết định, là điểm mà hai con đường mở ra đằng trước mình”, anh nghĩ như vậy. Ngay trước khi rời khỏi nơi này anh phải chọn được hướng đi.Một bên là cuộc sống suy ngẫm, cuộc sống mà hơn năm năm nay từ anh ở Pađu anh đã hết sức yêu mến. Trong cuộc sống này, chắc chắn anh sẽ được sự tôn trọng của đồng nghiệp, được vinh dự là giáo sư đại học, cũng có thể, biết đâu đấy, sẽ được chiếc mũ giám mục hay chiễc mũ đỏ của giáo chủ. Bên kia, anh đã thấy những mạo hiểm, những sự xỉ vả, các vụ truy tố không còn nghi ngờ gì, có thể cả cái chết, cái chết sau cực hình, cho xứng đáng với những kẻ nào dám bảo vệ một luận đề mang tính chất tà giáo, những kẻ nào tán thành học thuyết của một tên tà giáo, những kẻ ấy sẽ bị cả luật đạo và luật đời buộc tội.Có một người khác đã đứng trước sự lựa chọn như thế này trên một quả núi gọi là núi Gôngôta. Người ấy đã không lùi bước trước gánh nặng của chân lý, dù gánh nặng ấy là do Thánh giá tạo ra, dù sự lựa chọn ấy đưa anh ta đến cái chết vì Thánh giá. Tâm hồn Ăngtoan êm ả hẳn lại khi anh suy nghĩ đến điểm này và trong niềm tự hào mới, vừa bột phát, anh vươn thẳng hai vai đang trĩu xuống. Bây giờ anh đã hiểu một cách sâu sắc, anh hiểu rằng không thể hoà hoãn, thoả hiệp trước chân lý.Chính cái ấy, cái điều duy nhất ấy, con người phải dựa vào nó – dù con người có bị chiến bại, ngã xuống chiến trường và bị giày xéo lên mà chết.