Nguyễn Lan Đồng dịch
Phần 5 - Chương 1
Phần 5 - Cada Xăngta
Chương 1

Tay áo xắn đến khuỷu, dao mổ trong tay, Ăngtoan cúi xuống tử thi một đứa trẻ nhỏ. Công việc diễn ra trong căn phòng tầng dưới nhà Vêdan, căn phòng ấy gần đây được chuyển thành giảng đường cơ thể học. Vua Philíp đệ nhị đã cho phép hai nhà cơ thể học hàng năm được mổ nhiều tử thi để giảng dạy cho ngành y học Tây Ban Nha, đặc ân này dành cho thầy thuốc riêng của Người nhưng được tăng lên hơn sau khi Ăngtoan nổi tiếng về vụ án ly kỳ của anh trước Toà án tôn giáo.
Khoảng mười người tham dự đang đứng xúm quanh Ăngtoan sáng hôm nay. Đó là các thầy thuốc, triết gia, sinh viên, thêm người phụ việc của Vêdan là Đơ Ônít. Sự chăm chú kính cẩn khi họ theo dõi bài giảng của người thầy trẻ tuổi, lời nói và thái độ kính trọng của họ đối với anh cho phép xác nhận rằng tình hình đã thay đổi một cách rõ ràng kể từ ngày Ăngtoan ra khỏi ngục tối với hai tay bị xích để đến trước mặt vua và chiến thắng trong vụ án.
Ăngtoan rạch nhanh một nhát từ trên xuống dưới bụng đứa bé. Một làn gió mùa xuân còn hơi buốt nhưng đã đượm hương thơm (ở độ cao này khí hậu chậm ấm hơn vùng bờ biển) lùa vào các cửa sổ mở.
- Các ông hãy lưu ý, – anh nói và dùng mũi dao mổ chỉ, theo lời nói, – ở đây có một chỗ phồng lên có vẻ như không phải ở thành bụng mà từ sâu trong ổ bụng.
- Một cái u chăng? – một người thầy thuốc hỏi.
- Một u loại đặc biệt nên sự chẩn đoán thống nhất của bác sĩ Vêdan và của tôi chính xác. Trước khi xảy ra tai biến làm cho đứa bé chết, nó đã ở lâu trong vùng đầm lầy cạnh bờ biển thường có sốt rét cơn.
Bác sĩ Vêdan và tôi xác định rằng ở đây cũng như ở nước Ý, nơi nào có bệnh sốt rét cơn hoành hành thì những người ở nơi đó hay bị to bụng, nhất là ở vùng lách.
Anh vừa làm rất nhanh vừa giảng, mải mê trong công việc, anh không trông thấy Vêdan đi vào với một người khách giản dị, chiếc áo dài đen và chiếc mũ nồi dẹt bằng nhung biểu hiện rõ nghề nghiệp.
- Các ông hãy quan sát các bắp thịt ở thành bụng và sẽ thấy chúng toả theo nhiều hướng khác nhau như những thanh nhỏ trong chiếc kẹp nướng chả. Bác sĩ Vêdan đã miêu tả chính xác như vậy trong cuốn Phabrica của ông.
Rạch bắp thịt, Ăngtoan đê lộ rõ tấm màn sát trong bụng, có thể nói là lót bên trong của thành băng thịt ấy: Đây là màng bụng.
- Bệnh ấy có phải do sốt rét cơn gây ra hay không? – một thầy thuốc hỏi.
- Nói theo một cách nào đó thì đúng như thế nhưng trong trường hợp này, chết không phải vì cái u.
- Vậy thì vì sốt rét sao?
- Về điều này tôi cũng vẫn phải trả lời là: “không trực tiếp”. Trong khi đang chơi, đứa bé bị bạn đẩy mạnh. Nhưng sự va chạm chưa đủ làm cho chết. Đứa bé chết sau đó không lâu. Xin thử đoán xem tại sao?
- Có lẽ do các chất dịch bị tích tụ?
- Do một cơn sốt mạnh và đột ngột chăng?
Ăngtoan thích thú với những cách tìm tòi như vậy. Nếu Vêdan và anh đã chẩn đoán đúng thì người thầy thuốc nào thờ ơ nhất cũng sẽ phải ngạc nhiên. Các công trình nghiên cứu y học đã khẳng định là: trong mỗi căn bệnh, mỗi trường hợp tử vong, đều có mối quan hệ trực tiếp giữa nguyên nhân và kết quả.
- Đức trẻ này chết vì xuất huyết – anh nói.
- Lạ thật! – một người tham dự lẩm bẩm. – Tại sao lại như thế được? không có máu, cũng không có vết thương lộ rõ.
- Không có máu và không có vết thương lộ rõ, đúng thế. Vì cả hai thứ đó đều ở bên trong. Một người có thể chết vì xuất huyết kín, không biết rõ, chẳng hạn như bị kiếm đâm vào trúng phổi mà không trông thấy. Đứa bé này cũng thế, nó chết vì bị xuất huyết sau khi vỡ lá lách.
Một thính giả nói:
- Nhưng lách ít khi bị thương vì vùng lách được xương sườn che chở. Cuốn Phabrica của bác sĩ Vêdan đã giải thích như thế.
- Hoàn toàn đúng như vậy, – Ăngtoan trả lời. – Nhưng một số những đặc điểm và điều phiền phức của bệnh sốt rét cơn là làm phồng to và tụ máu ở lách, khối lượng lách lớn ra đến mức sa xuống dưới xương sườn cụt, thấp hơn chỗ lồng ngực thường bảo vệ cho nó. Như vậy tất nhiên phần lách bị lộ như vậy dễ bị thương hơn.
Biên nhận này hợp lý đến nỗi mọi người rì rầm với nhau tỏ vẻ tán thành. Ăngtoan lại cầm dao mổ. Anh cảm thấy như trở về giảng đường thân yêu ở Pađu với thời gian mà nhóm học sinh hăng hái và chăm chú theo dõi anh trình bày. Sự việc ấy đã cách đây một năm rồi sao? Và năm tháng trời trôi qua từ khi anh thắng giáo sĩ Inhaxiô Môlina rồi sao? Thật khó lòng tin được vì trong năm tháng này anh đã đốt cháy của giai đoạn thắng lợi và đang lên vùn vụt như diều gặp gió.
Thầy thuốc của Hoàng hậu nổi danh gần như thầy của mình là Angdrê Vêdan và được khắp nơi đến mời. Nhưng trước hết anh giành thời gian cần thiết để chăm sóc sức khoẻ cho ông Girôlamô Beclacmi gần liệt giường từ khi tim ông bị suy thường xuyên. Tiền vàng đã chảy vào túi anh; các quà biếu sang trọng hay đơn sơ đã đưa đến tận tay anh, nhưng không gì mê hoặc được anh. Anh cũng hiểu như thầy của anh là Vêdan rằng ân huệ của vua chúa cũng như của quần chúng đều thoảng qua và thất thường. Trừ một số tiền nhỏ anh dành cho việc chi tiêu thông thường, từng đồng đuca, từng thứ quà tặng đều được trao hết cho Luxia và chuyển từ đôi tay xinh đẹp của cô vào két của nhà Mêđixi trong ngân hàng ở Pari của họ.
Ăngtoan dần dần trở thành giàu có. Của cải đến với anh do anh đã vạch rõ sự phản bội của viên pháp quan ở Mađơrit, cùng do ông Vêdan luôn tiến cử anh với mọi người.
Tuy vậy anh vẫn rất không hài lòng với danh vọng ấy và tiền của ấy, cả hai thứ đều đến với anh quá nhanh và quá sớm.
Từ khi Vua cho phép anh mổ tử thi, anh mới thấy đôi chút lý thú trong cuộc sống. Nhất là khi có vấn đề cần đến tài năng của anh, có trường hợp để thử lại sự chính xác của lý thuyết của anh, ví dụ như trường hợp ngày hôm nay. Ngoài ra anh cảm thấy mình bỏ phí thời gian; dù bề ngoài hào nhoáng, nhưng anh sống ở Mađơrít một cuộc sống ngưng đọng về mặt trí tuệ. Ý nghĩ ấy làm cho anh vô cùng chán nản.
Tiếng nói của anh đưa anh về với thực tại:
- Bây giờ chúng ta sẽ mổ cả ổ bụng.
Dao mổ của anh rạch vào màng bụng một vết ngắn đủ lùa một ngón tay vào. Các khán giả cúi xuống để xem cho rõ hơn. Vêdan và người khách đi cùng tiến lại gần bàn.
Mở rộng vết mổ, Ăngtoan thông báo một cách hài lòng nhưng điềm đạm:
- Có máu ở trong bụng.
Trong khi anh nói, một dòng máu sẫm lẫn những mảnh bông vì cơ thể đã chết chảy ra từ chỗ vừa mổ. Anh thấm máu, vạch màng bụng để lộ các bộ phận bên trong. Một bàn tay anh đẩy các phủ tạng sang một bên và bàn tay kia anh nâng cao thành bụng để lá lách lộ rõ cho mọi người thông thấy:
- Đây rồi! – Anh kêu lên một cách thắng lợi. – Đúng như chúng tôi đã dự đoán: lá lách to phình đã bị vỡ.
- Quỷ quái! – Ông khách của Vêdan kêu lên. – Đúng như anh ta đã nói nhỉ!
Bộ phận này đầy phè nửa bụng trái, màu xanh pha đỏ xám, bị rách một vết hình ngôi sao để chảy ra một chất như bột nhão và nhầy máu. Ở phần diện tích lộ ra ngoài, máu đã đông lại, hình như cơ thể muốn tự cầm máu bằng cách tự khép kín các huyết quản bị đứt hoặc nát – mà đúng là cơ thể muốn làm như vậy – nhưng không đạt được. Máu cứ tiếp tục chảy từ chỗ lách bị rách vào trong cơ thể.
Ăngtoan nhanh chóng lôi lách ra đặt lên bàn để có thể quan sát một cách đầy đủ nhất.
- Thưa các ông, hiếm có khi người ta phát hiện được cả nguyên nhân và kết quả của một căn bệnh. Nếu không phải nguyên nhân, chắc chắn là kết quả, cứ từ cái này ngược lại là đi đến cái kia. Muốn thực sự học ngành y phải học ở trên bàn giải phẫu.
Anh đặt dao mổ xuống đi đến chỗ chiếc thau để ở góc phòng rửa tay trong khi những người tham dự quây lấy anh, người hỏi thêm, người khen ngợi sự chẩn đoán chính xác của anh. Phải đến mười lăm phút nhóm người đứng quanh anh mới tản đi.
Đến lúc ấy người thầy thuốc trẻ mới nhìn thấy Vêdan và người khách, anh mỉm cười đến gần họ.
- Bác sĩ Vêdan, tôi không biết thầy ở đây, nếu không tôi đã mời thầy làm phẫu tích này vì dù sao thì cách chuẩn đoán ấy chính là của thầy.
Vêdan lịch sự nói:
- Vô cùng hân hạnh. Cả thế giới đều biết tiếng các công trình của bác sĩ Giôn Caiơt.
Người bác sĩ nước Anh trả lời bằng tiếng Ý rất thành thạo:
- Nếu tôi không lầm thì một ngày kia thế giới sẽ biết tiếng các công trình của bác sĩ Ăngtôniô Xecvêtut.Cho phép tôi khen ngợi tác giả cuốn De Motu Sangguinem Pulmonale.
Lời khen làm Ăngtoan đỏ mặt vì vui sướng.
Anh nhớ đến bức thư đã nhận được múa hè trước của Valăngtanh Xim, người xuất bản ở Lôn đôn, và hỏi:
- Cuốn ấy được xuất bản bằng tiếng Anh rồi sao?
- Đã bốn tháng rồi, – Caiơt trả lời. – Và được tiếp nhận rất tốt. Tôi khẳng định với anh thế.
- Lên phòng làm việc của tôi đi các bạn, – Vêdan đề nghị. – Chúng ta có nhiều vấn đề phải đề cập đến.
Việc bác sĩ Giôn Caiơt từ Luôn đôn đến thăm là một sự kiện quan trọng trong đời Ăngtoan. Người Anh này đã học ở Pađu cùng thời với Vêdan và học cùng ở với nhau một ngôi nhà. Hiện nay Caiơt được coi là người thầy thuốc hạng nhất của nước Anh và là thầy dạy ở trường “Gôngvin và Caiơt” ở Cambritgiơ. Vị trí của ông trong ngành y của nước Anh cũng như vị trí của Vêdan trong ngành y của nước Ý.
Trong phòng làm việc của Vêdan, một căn phòng yên tĩnh và ở khuất vào phía trong, họ uống rượu nho, ăn bánh ngọt. Chủ nhà hỏi:
- Anh nghĩ thế nào về buổi thuyết trình lúc nãy, Giôn?
- Nghĩ như thế này: bác sĩ Ăngtoan đúng hệt như anh khi anh ở tuổi anh ấy, Ăngđrê ạ, – Giôn Caiơt nói và mỉm cười.
Vêdan xoay chiếc chân cốc trong tay, tự lự nhìn thứ nước đỏ như ngọc lựu trong cốc. Ông thong thả nói:
- Thật là điều tốt, anh đã đến Mađơrít và làm cho tôi nhớ lại rằng tôi đã có thể đạt được những gì. Nếu tôi có đủ can đảm để chống lại những kẻ muốn kìm hãm đà tiến của mình thì tôi đã thực hiện dược nhiều việc tốt đẹp.
- Biết đâu đấy, Ăngđrê? Có thể do thời gian chưa đủ chín muồi. Cũng đến năm nay tôi mới được nữ hoàng Elidabet cho phép làm phẫu tích ở trường “Giônvin và Caiđơt”. Quay lại phía Ăngtoan, Giôn Caiơt hỏi:
- Tập Điều trần của anh được đón tiếp ra sao, bác sĩ Xecvêtut?
Ăngtoan mỉm cười cay đắng:
- Tôi gần như ở trong tình trạng của bác sĩ Vêdan trước đây.
- Sao lại thế? Trong vấn đề tuần hoàn máu qua phổi có cái gì có thể buộc là chống đối tôn giáo?
- Nhưng tôi là em của Misen Xecvêtut, – Ăngtoan đột ngột nói.
- Của Misen à?
Caiơt nhìn anh chăm chú như vẻ không tin, nhưng rồi mặt ông rạng rỡ hẳn lên:
- Thật hiển nhiên rồi! Tại sao tôi lại không nhận ra sự giống nhau nhỉ? Tôi rất biết anh của anh. Nhưng có gì liên quan giữa anh ấy và tác phẩm của anh?
Ăngtoan kể lướt qua những khó khăn anh đã gặp nhưng bỏ qua không nhắc đến cuộc đấu tranh kỳ lạ của mình với giáo sĩ Phêlíp Xăngtôt.
Khi anh kể xong, Caiơt khẽ nói:
- Nhờ trời ở nước Anh chúng tôi gần như thoát khỏi quyền lực của tôn giáo trong lĩnh vực khoa học, Hoàng hậu đã rộng lượng cho phép sinh viên được tự do suy nghĩ và hành động.
Ăngtoan nhìn ông với vẻ thèm muốn được như thế.
Tự do suy nghĩ và hành động, anh lật đi lật lại những từ ấy trong tâm trí mình, chúng âm vang một cách diệu kỳ. Sự tự do như vậy đáng quý biết chừng nào! Còn xứ sở nào bằng xứ sở ở đó mọi người có quyền tư do suy nghĩ. Nói năng và viết lách cũng được tự do không lo sợ!
- Cậu nghĩ thế nào, Ăngtoan? Cậu có thích nghiên cứu và giảng dạy ở một nhà trường như thế không? – Vêdan hỏi.
Ăngtoan bừng tỉnh giấc mơ đẹp, anh mỉm cười:
- Nếu được như thế thì thật là tuyệt vời! Tôi sẽ có thể tiến hành biết bao thí nghiệm đang ở trong tình trạng ước mơ! Tôi sẽ có thể nghiên cứu biết bao nhiêu vấn đề! Còn ở đây… không, không nên nghĩ đến những điều ấy nữa.
Bác sĩ Caiơt mỉm cười:
- Vậy thì tại sao không đến nước Anh? Ghế giáo sư khoa ngoại và khoa cơ thể học ở trường “Giôngvin và Caiơt” hiện chưa có người đảm nhiệm. Chỉ cần anh nói một tiếng, bác sĩ Xecvêtut ạ, ghế ấy sẽ thuộc về anh.
Ăngtoan không tin điều tai nghe và rất hồi hộp. Sống không sợ hãi, suy nghĩ không bị cưỡng ép, làm phẫu thuật, giảng dạy không phải bận tâm đến hậu quả của lời này hay lời khác, không phải bận tâm đến hậu quả của lời này hay lời khác, không phải tự bảo mình rằng mỗi cử chỉ, lời nói đều có nguy cơ bị một giáo sĩ đa nghi nào đó suy diễn sai và bẻ quẹo ý nghĩa: mọi ước mơ ấy đều được thực hiện! Nhưng không… Không thể được rồi! Tình trạng ông Belacmi ngày một nặng thêm; nếu nghĩ đến việc xa rời ông ấy lúc này thì thật là xấu và hèn. Ăngtoan trả lời một cách vô cùng tiếc rẻ nhưng không lưỡng lự.
- Bác sĩ Caiơt, việc ngài ngỏ ý làm tôi sung sướng và vinh dự không nói xiết. Nhưng tôi không thể nghĩ đến việc rời bỏ thân chủ của tôi là ông Belacmi trong lúc này.
Caiơt phản đối:
- Rời bỏ! Thật là một từ quá lớn! Phải không? Tôi chắc rằng ông ấy sẽ hiểu… Bất cứ ai cũng hiểu…
- Tình trạng ông ấy rất nặng. Trước đấy mấy tháng ông ấy bị một cơn nghiêm trọng, nếu không phải lỗi tại tôi thì ra cũng là vì tôi. Một cơn nữa sẽ khốc liệt cho ông ấy. Tôi hứa với ông ấy, với cháu gái ông ta tôi sẽ chăm sóc ông ấy.
- Mình thú thực rằng, – Vêdan buồn rầu thú nhận, – mình chưa lường trước được trở ngại này. Mình chỉ muốn cậu được tiếp tục công trình trong sự an toàn, Tôniô ạ, nên cách đây mấy tháng mình viết thư cho bác sĩ Caiơt để nói về cậu với anh ấy.
- Tôi rất biết ơn thầy về việc này, thưa thầy, vì tôi biết rằng tôi đã và hiện vẫn đang luôn bị sự đe doạ của các Pháp quan Toà giáo. Có lẽ điều này đối với ngài là một trở ngại chăng, bác sĩ Caiơt?
- Trái lại! Tôi lại tôi lại muốn càng mời anh, – Caiơt nói. – Nhưng toà án Tôn giáo lôi thôi với anh vì lẽ gì?
Ăngtôniô và Vêdan kể cho ông nghe về sự đụng độ ly kỳ với linh mục Inhaxiô. Bác sĩ Caiơt trả lời ngay:
- Tôi đã đọc kỹ những gì nói về thôi miên trong các luận văn của Paraxen, nhưng tôi chưa hề nghĩ rằng nó có uy lực như thế.
- Uy lực rất lớn! – Ăngtôniô trịnh trọng nói. – Có lẽ tôi sẽ không bao giờ dùng đến cách điều trị này nữa.
Caiơt thuyết phục anh:
- Anh xem, nếu anh ở tình trạng bị Toà án Tôn giáo truy nã đấy lại là một lý do nữa và là lý do nghiêm trọng để anh rời Tây Ban Nha đến nước Anh, nơi anh có thể làm việc bình yên suốt cuộc đời.
Ăngtôniô buồn bã lắc đầu, khẽ nói:
- Ông Belacmi có nói đến việc đi Pari. Tôi cho rằng bác sĩ Parê có thể làm cho tình trạng của ông ấy khá hơn. Nhưng cuộc hành trình này quá dài, và…
- Ít ra thì ở đấy anh cũng được an toàn hơn.
- Vâng, tôi biết như thế, thưa bác sĩ, và ở đấy tôi có thể tiếp tục nghiên cứu.
- Học! Học mãi, – Vêdan nói một cách thích thú, – Trong khi mới ở lứa tuổi của anh ta, anh ta đã hiểu biết hơn nhiều bác sĩ trong cả cuộc đời họ. Nhưng này, Ăngtôniô, đừng để lỡ dịp này, khó mà hy vọng có đấy. Tại sao cậu không nói với ông Belacmi?
Ăngtoan lắc đầu từ chối:
- Vì ông ấy sẽ khuyên tôi đi mà tôi không muốn như thế. Ông Belacmi đã có lòng tốt giúp tôi trong lúc tôi chỉ có một mình và ốm nặng. Tôi không thể làm gì khác việc ở gần ông ấy trong khi tình trạng của ông ấy đòi hỏi sự chăm sóc của tôi.
- Vậy thì chúng tôi tôn trọng lòng trung thành của ông, bác sĩ Xecvêtut ạ, – bác sĩ Caiơt nói. – Trong sáu tháng nữa tôi cũng ít hy vọng chỉ định được một người vào ghế đang trống này, và nhiều sự việc có thể xảy ra trong sáu tháng! Trong thời hạn này, xin cứ coi như ghế đó của anh, anh có thể đến nhận nó khi nào phù hợp với anh. Ta giao ước như thế nhé?
- Xin giao ước như thế, – Ăngtôniô cảm động khẽ nói.