hờ sự nỗ lực của Tôlich và của bà Xtêpanôvna, Bim đã bình phục. Qua hai tuần cái chân đau đã lên da non, mặc dù vẫn thấy kềnh kệnh bè bè ra so với ba chân kia; Bim đã thử đi bằng chân ấy, nhưng vẫn chỉ là đi thử tí thôi. Bộ lông được Tôlich chải chuốt làm cho Bim nom chững chạc hẳn lên. Thế nhưng cái đầu thì vẫn chưa hết đau: do đòn của Lão Xám nên bây giờ có cái gì trong đó bị xộc xệch. Đôi lúc Bim cảm thấy bị chóng mặt, nó dừng lại, ngơ ngác chờ đợi, xem có điều gì sẽ xảy ra với nó không, nhưng nhờ trời mọi sự đều qua đi cho đến lần sau. Hệt như ở con người khi đột ngột bị chấn thương hoặc bàng hoàng trước một sự bất công, thường không có phản ứng ngay lúc đó, mà một lát sau mới thấy tai ù lên, đầu choáng váng, tim đập loạn mạch, và người lảo đảo, phải dừng lại, chờ đợi trong tâm trạng kinh ngạc cay đắng xem có chuyện gì sẽ đến với mình; rồi thực tế mọi sự cũng qua đi, đôi khi cũng chẳng thấy tái diễn nữa. Mọi sự xảy ra rồi mọi sự lại qua đi. Người cũng là động vật, chỉ có điều là nhạy cảm hơn. … Mãi đến cuối thu, khi đã có băng giá rét đậm, Bim mới đi được bốn chân, nhưng cũng vẫn còn tập tễnh - cái chân kia tự nhiên đã ngắn đi mất một tí. Đúng, Bim đã trở thành tàn tật, còn cái đầu xem chừng đã ổn rồi. Quả là: mọi sự xảy ra rồi, mọi sự lại qua đi. Cái đó có thể còn chịu được, nhưng ông chủ, ông chủ thì vẫn chẳng thấy đâu. Và tờ giấy trong phong thư kia lâu nay cũng hết mùi rồi và nằm lăn lóc trong góc phòng như những tờ giấy bình thường, vô dụng. Bim bấy giờ có thể lại đi tìm bạn được đấy nhưng Tôlich không buông sợi xích mỗi khi đi dạo chơi với nó. Tôlich vẫn còn sợ cả cái bảng thông cáo đăng trên báo kia lẫn Lão Xám. Rồi đôi khi có người qua đường lại hỏi: "Có phải con chó dại tai đen đó không?". Tôlich không đáp vội vã bước đi, ngoái đầu lại nhìn. Nó có thể nói: "Không, không phải con này" và thế là xong. Nhưng nó không biết nói dối và giấu giếm những xúc động của mình: sợ hãi, lo lắng, nghi ngờ v.v...; thậm chí những điều đó còn được bộc lộ ra rõ ràng và thẳng thắn. Sự dối trá nó gọi là dối trá, sự thật nó gọi là sự thật. Hơn nữa trong nó còn nẩy sinh cái tính hài hước, coi như một phương tiện để biểu hiện điều chính nghĩa, cái chất hài hước thật sự, nói chuyện buồn cười mà không hề cười, và có thể trong bụng lại muốn phát khóc. Sự biểu lộ đầu tiên của cái tính ấy chính là bài luận kia mà chính bản thân nó cũng chưa hiểu thực chất. Nó chưa nhận thức được tí gì cho đến nơi đến chốn. Nó chỉ lơ mơ bắt đầu đoán ra được đôi điều mà thôi. Như vậy là thường có một cậu bé mặc quần gôn thể thao mùa thu, đi đôi giày cao cổ màu vàng, khoác áo mầu nâu nhạt, đội mũ lưỡi trai mùa thu có lông, ngày nào trước lúc trời đổ tối cũng đi cùng với một con chó thọt theo một lộ trình nhất định. Nó trông lúc nào cũng sạch sẽ và tươm tất làm cho bất luận ai gặp cũng nghĩ bụng: "Đúng là thằng bé con nhà có giáo dục". Những người sống ở dọc lộ trình nó đi đâm ra quen mặt nó, một vài người hỏi nhau: "Thằng bé xinh xắn hiền lành kia không biết con nhà ai thế nhỉ?". Tôlich chơi rất thân với con bé cháu gái bà Xtêpanôvna, tên là Liuxia cùng tuổi với nó, người trắng trẻo, điềm đạm và khiêm tốn, mặc dù không hiểu sao Tôlich cứ xấu hổ, không dám rủ con bé đi dạo cùng. Xong ở tại phòng Ivan Ivanưts thì chúng đôi khi lại cùng đùa giỡn với con Bim, và Bim đã đáp lại chúng bằng một tình yêu chung thủy và sự quan tâm chu đáo. Bà Xtêpanôvna ngồi đó đan áo, nhìn bọn trẻ trong lòng vui vui. Một lần hai đứa đang ngồi chải lông ở chân và lông đuôi Bim, thì Liuxia hỏi: - Bố bạn ở thị xã này ư? - Ừ, ở đây. Chỉ có điều là sáng nào người ta cũng đến chở ba mình đi làm việc, rồi đến tối mịt mới đưa về. Ba mệt phờ ra! Ba bảo: "Thần kinh như lò xo bị căng ra hết cỡ!". - Thế còn má? - Má thì lúc nào cũng bận. Không hở lúc nào. Hết thợ giặt đến lại thợ lau sàn nhà, rồi thợ may, lúc thì điện thoại réo chuông liên tục - chẳng lúc nào má được ngồi yên. Thậm chí không dứt ra mà đi họp phụ huynh được. - Gay nhỉ, - Liuxia thở dài, chân thật xác nhận, mặt thoáng vẻ buồn. Con bé đặt cho Tôlich những câu hỏi như vậy là vì lúc nào nó cũng nghĩ đến bố mẹ nó. Do đó mà nó đã thốt ra: - Bố mẹ mình ở xa lắm. Đi bằng máy bay cơ. Ở nhà chỉ có mình và bà... - Rồi hoàn toàn vui vẻ nói thêm: - Mỗi ngày hai bà cháu tiêu hai rúp, có vậy thôi! - Nhờ trời thì cũng tạm đủ, - bà Xtêpanôvna đỡ lời. - Có thể mua được chục chiếc bánh mì trắng. Còn gì nữa? Đã có lúc lâu rồi... cháu nhớ không. Cái gì-ì nhỉ? Chao ôi khó khăn lắm: đôi ủng của ông nội cháu, Liuxia ạ, chỉ đổi được có một chiếc bánh thôi... - Hồi nào thế hả bà? - Tôlich ngạc nhiên, rướn mày lên hỏi. - Hồi nội chiến ấy. Lâu lắm rồi. Các cháu còn chưa đẻ đâu. Lạy Chúa phù hộ cho các cháu khỏi phải qua cái cảnh ấy. Tôlich kinh ngạc hết nhìn Liuxia lại nhìn bà Xtêpanôvna: đối với nó những điều đó hoàn toàn khó hiểu. Làm sao lại có thể bố mẹ sống xa con cái được, và sao có lúc phải lấy giầy đi đổi bánh mì? Nhìn mắt thằng bé, bà Xtêpanôvna đoán ra ý nghĩ của nó: - Phải, nhưng hai bà cháu không thể bỏ đây mà ra đi được. Căn hộ này phải có chủ giữ... không thì sẽ bị họ thu hồi mất. Bây giờ lại phải giữ cả căn phòng này nữa cho ông Ivan Ivanưts chờ ông ấy về. Chẳng gì thì ông Ivan Ivanưts đây với bà cháu tôi cũng là láng dềng[2] với nhau mà. Bim nhìn chằm chặp vào mặt bà Xtêpanôvna và đoán ra: Ivan Ivanưts vẫn còn! Nhưng giờ đây ông ở đâu? Tìm, cần phải đi tìm. Nó xin thả nó ra. Nguyện vọng đó đã trở thành viển vông. Nó đành nằm xuống ngay bậu cửa và chờ đợi. Dường như chẳng ai trong những người có mặt ở đây là cần thiết cho nó cả. Chờ đợi! - Đó là mục đích tồn tại của nó. Tìm và chờ đợi. Tôlich nhận xét thấy bà Xtêpanôvna nói sai tiếng "láng giềng", nhưng bây giờ khác với lần gặp đầu, nó im lặng, bởi vì nó đã tôn kính bà lão, mặc dù nếu hỏi thì nó cũng không thể nói được vì sao. Đơn giản chỉ vì bà là người bà hiền hậu của Liuxia. Ngay Bim đây, nó cũng quý mến bà Xtêpanôvna. Tôlich đã hỏi nó: - Bim ơi, mày có yêu bà Xtêpanôvna không? Bim không chỉ biết tất cả mọi người theo tên tuổi, không chỉ biết rằng mọi vật đều phải có tên gọi, thậm chí cả đến con chó xấu xí nhất cũng vậy, nó còn biết thi hành lệnh của bọn trẻ sai đi lấy giầy của ai. Bây giờ Bim có thể nhận xét theo khóe mắt của Tôlich và của bà Xtêpanôvna, theo nụ cười của bà mà hiểu ra ngay là câu chuyện đang nói về nó, do vậy nó tiến lại chỗ bà, đặt đầu nó lên đầu gối bà. Trước đây bà Xtêpanôvna rất thờ ơ với loài chó. (Dây với chó lôi thôi lắm!) Nhưng Bim đã buộc bà phải quý mến nó, nó buộc bà bằng tính phúc hậu, niềm tin và lòng chung thuỷ đối với người bạn Người của nó. Bốn linh hồn - ba người một chó - ở trong căn phòng của người khác này sao mà đầm ấm và dễ thương thế. Trong lòng bà Xtêpanôvna cũng thấy ấm áp và yên ổn vô cùng. Tuổi già có cần gì hơn nữa đâu! Sau này, qua đi nhiều năm nữa, Tôlich sẽ nhớ lại những giờ phút hoàng hôn bên ô cửa sổ màu tím nhạt này. Nó sẽ nhớ lại. Tất nhiên là nó sẽ nhớ nếu trái tim nó vẫn mở rộng đối với mọi người và nếu con đỉa của sự ngờ vực chưa bám hút được trái tim của nó... Nhưng ngay lúc đó nó bỗng sự nhớ: - Cháu phải có mặt ở nhà lúc chín giờ. Đúng chín giờ đi ngủ. Luixia ạ, mai mình sẽ mang cho bạn tập an bom để vẽ và bút chì màu Tiệp Khắc, loại này chả có cửa hàng nào bán, có tiền cũng không mua được, giầy cũng không đổi được đâu. Bút thì ngoại mà! - Thật à? - Liuxia mừng rỡ. - Thế cháu có nói với ba cháu là cháu đi đâu không? - Bà Xtêpanôvna hỏi. - Khô-ông. Sao ạ? - Phải nói chứ. Sao lại không, hả Tôlich? Nhất thiết phải nói! - Ba cháu chả bao giờ hỏi. Cả má cũng không. Cứ đến chín giờ là cháu đã có mặt ở nhà rồi. Tôlich đi khỏi rồi, Bim năn nỉ van xin được thả ra, nhưng mọi van xin đều vô ích. Người ta bảo vệ và thương xót nó, không đếm xỉa gì đến chuyện nó đang đau khổ và buồn bã nhớ ông bạn nó, mặc dù nó vẫn quý họ. Hôm sau Tôlich không tới. Còn Liuxia thì đợi nó mang an bom và hộp bút chì đến - loại bút không bao giờ có ở cửa hàng và có tiền cũng không mua được. Con bé cứ đợi hoài, nó nhắc đi nhắc lại với Bim nhiều lần: - Chả thấy Tôlich đâu cả. Tôlich không đến rồi. Tất nhiên Bim cũng hiểu được sự nóng ruột của cô bé. Mà cái giờ Tôlich thường đến đã qua rồi, vì vậy Bim và cô bé cứ ngó qua cửa sổ ra đường, ngong ngóng nóng ruột. Nhưng Tôlich vẫn không thây xuất hiện. "Nó đã kể với ba nó rồi", - Bà Xtêpanôvna thầm nghĩ, rồi nói thành tiếng: - Rắc rối với con chó đấy... không có Tôlich thì gay. Ai sẽ dắt Bim đi bây giờ? Con tim non trẻ cua Liuxia đau thắt lại, dường như nó báo trước một điều gì chẳng lành. - Gay go, - cô bé đồng ý bằng một giọng run run. Bim tiến lại gần cô, nhìn lên đôi bàn tay đang ôm mặt và kêu lên khe khẽ. (Nín đi, Liuxia, nín đi). Nó nhớ lại trước đây Ivan Ivanưts vẫn ngồi ở bàn, tì khuỷu tay lên đó, có lúc cũng lấy bàn tay ôm mặt như thế là có chuyện không hay rồi - Bim biết chứ. Trong những trường hợp như vậy Bim bao giờ cũng đến bên ông, còn chủ nó thì vuốt lên đầu nó và nói: "Cám ơn, Bim, cám ơn!". Lần này Liuxia cũng vậy, cô bé bỏ bàn tay ôm mặt ra và cũng vuốt ve đầu Bim. - Có thế thôi mà Liuxia ơi, thế thôi. Đáng gì mà phải khóc? Tôlich rồi sẽ đến, sẽ đến thôi, đừng lo, cháu ạ! Tôlich sẽ đến mà, - bà dỗ cháu. Bim tập tễnh đi ra cửa, như muốn bảo: "Tôlich sẽ đến. Ta đi tìm anh ấy đi". - Nó đòi ra đây, - bà Xtêpanôvna nói. - Bà cũng đâm ra hiểu nó rồi. Không đưa đi không được... giống vật mà! Liuxia hất cái cằm nhỏ bé lên, nom vẻ lạ hẳn, chẳng như xưa nay và rắn rỏi nói: - Cháu sẽ tự dẫn đi. Bà Xtêpanôvna bỗng nhận thấy con bé lớn không phải từng ngày mà từng giờ. Và bà cũng thấy khổ tâm vì Tôlich không đến. Cô bé cùng với con chó đi trên đường phố. Có ba thằng bé đi ngược lại. - Này con bé kia! Một thằng trong bọn, thằng Kônôpatich tóc hung liến thoắng, - chó của mày đấy à, nó là đàn ông hay đàn bà? - Mất dạy! - Uuxia trả lời ngắn gọn. Cả ba đứa vây quanh con bé và con chó. Cô bé chực khóc vì lần đầu tiên trong đời gặp phải sự thô bỉ. Nhưng thấy Bim xù lông gáy lên và đầu cúi gằm gằm xuống - cô bé bỗng hăng lên, quát: - Lui ra! Bim sủa và xông lên một cái ghê đến nỗi làm cả ba đứa bỏ chạy tán loạn. Thằng Kônôpatich chạy ra xa rồi hậm hực về sự sợ hãi của chính mình, bèn kêu toáng lên bằng cái giọng chim dẽ mào: - Ê! Ê! Con gái với con chó đực! Ê! Trơ chưa kìa! Ê! Ê! Liuxia cắm đầu cắm cổ chạy thẳng về nhà. Tất nhiên là Bim phóng theo sau. Lần đầu tiên trong đời nó gặp một người bé xấu bụng: Kônôpatich. Sau lần đó Bim lại được thả cho đi một mình như cũ. Lúc đầu, Liuxia bước theo sau con chó rồi đứng ở một góc, theo dõi và huýt sáo kiểu con trai cho nó đừng đi xa. Về sau bà Xtêpanôvna thả nó ra ngay từ sớm, cho đi một mình. Rồi từ lần đó trở đi Bim đi dạo một mình, đến chiều thì trở về và ăn uống một cách ngon lành. Đáng tiếc là lại có chuyện xảy ra! Một lần, đang đứng ở chỗ ngã tư, lối đi qua đường tầu điện, nó nghe thấy có ai gọi: - Bim! Nó ngoái lại. Từ trong cửa toa xe chị lái quen thuộc ló đầu ra ngoài: - Chào Bim nhé. Bim chạy đến và chìa chân ra... Đây chính là người đàn bà phúc hậu đã chở chủ và Bim đi đến bến ô tô buýt trên đường đi săn. Đúng chị ta! - Đã lâu sao không thấy chủ mày đâu? Hay là Ivan Ivanưts bị ốm rồi? Bim giật thót mình: Chị ta biết chuyện, có lẽ chị đi đến chỗ ông ấy đấy. Lúc toa xe chuyển bánh, Bim nhẩy qua ngưỡng cửa toa vào bên trong. Một bà hành khách kêu lên thất thanh, một ông quát ầm (Cút đi-i...!), một số khác cười, thông cảm với Bim. Chị lái tàu dừng xe lại, rời buồng máy bước xuống nói cho hành khách an tâm. (Bim thấy chắc chắn là như vậy) và bảo Bim: - Đi xuống thôi, Bim! Đi xuống! Không đi được. - Chị nhè nhẹ đẩy nó và nói thêm: - Không có chủ không đi được, không có Ivan Ivanưts thì không được. Biết làm thế nào: Không được là không được. Bim xuống tàu, ngồi đó một lát rồi lon ton chạy về hướng con tàu chạy. Nó với ông chủ đã từng đến đây. Đúng rồi đến đây, chỗ ngoặt cạnh tháp nước đây, người cảnh sát đứng gác đây! Bim chạy theo đường xe điện, nhưng không cắt ngang qua ngay cả ở chỗ ngoặt. Người cảnh sát thổi còi. Bim vừa chạy vừa ngoái đầu lại rồi vẫn cứ đường mình mà chạy. Bim kính nể các ông cảnh sát. Những người ấy chưa bao giờ làm tình làm tội nó, chưa bao giờ cả; nó còn nhớ cái lần đầu tiên bị đưa vào đồn, nó nhớ lắm, nó là chó khôn mà. Rồi cũng từ chỗ ấy nó đã cùng cô Đasa quay trở về nhà, và mọi việc diễn ra tốt đẹp. Hơn thế nữa, nó còn nhiều lần gặp ông cảnh sát này cùng với một con chó - con chó đen nhánh, mới thoạt nhìn đã thấy là rất nghiêm nghị; một lần nó cũng đã bắt quen với con chó này trên vỉa hè. Ivan Ivanưts và người cảnh sát đã cho chúng đến gặp nhau, tạo cho chúng hoàn cảnh chuyện trò thoải mái. "Người này có mùi rừng." - Con Đen nhìn người cảnh sát nói. - Hôm qua chúng tôi đi săn, - Ivan Ivanưts xác nhận. - “Mày sạch sẽ thật đấy!" - Bim nói với con Đen sau khi đã làm xong thủ tục đánh hơi như quy định. - "Làm sao có thể khác được! Công việc nó thế mà!" - Con Đen vây vẫy cái đuôi cụt. Để đánh dấu tình bạn kể từ lúc đó được xác nhận, cả hai con đã ký tên ngay vào dưới một gốc cây cùng một chỗ. Không, ông cảnh sát là người tốt, ông ta rất thích chó, trong chuyện này thì không đánh lừa, không bịp được Bim đâu. Và thế là nó cứ chạy, lần theo đường xe điện, nhưng chạy lánh sang bên, vì vẫn nhớ là chớ có đi trên đường tàu: nó kẹp chân cho đấy. Đến chỗ cuối đường tàu, nó chạy vòng quanh toa xe điện và dừng lại ở trạm đỗ. Nó ngồi một chỗ, nhìn: mọi người xung quanh đều phúc hậu cả. Thế là tốt. Từ đấy nó đã cùng Ivan lvanưts qua đường đi đến chỗ có chiếc bảng đen trên cột. Bim lững thững đến đó và ngồi xuống ngay cạnh hàng người chẳng đông lắm đang đứng chờ xe buýt. Nó quan sát kỹ: ở đây cũng không có người xấu. Khi xe đến hàng người xếp hàng từ từ vào cửa. Bim lóp ngóp đi theo sau cùng, đứng như một con chó biết điều. - Mày đi đâu? - Người lái xe gọi to. Chợt gã nhìn Bim lại một lần nữa và reo lên: - Khoan, khoan đã, tao với mày là chỗ quen biết thì phải! Bim nhớ chính xác đây là cái ông bạn đã nhận tờ giấy nhỏ ông chủ mình đưa cho.Và nó vẫy đuôi. - Nhớ ra chưa, tấm lòng chó! - Người lái xe thốt lên, suy nghĩ một lát, gã gọi Bim vào buồng lái" - Lại đây với tao! Bim ngồi đó, nép vào kính xe để khỏi vướng đến người khác, trong bụng hồi hộp: đúng là cái ông lái này đã có lần chở nó và chủ vào rừng đi săn. Chiếc xe buýt gào lên, gào lên, chạy, ầm ầm chạy, chạy mãi tới các bến, nơi mà nó vẫn cùng chủ đi xuống để vào rừng, chiếc xe im bặt. Thế là Bim cuống cuồng lên! Nó cào cào cửa, kêu rít lên, van xin, nước mắt rưng rưng: "Thả tôi ra. Tôi cần xuống đây". - Ngồi yên đấy! - Gã tài xế nghiêm giọng nạt nó. Bim đành phải tuân theo. Chiếc xe lại gào lên. Trong hành khách có một ông tiến đến chỗ người lái xe, chỉ trỏ Bim và hỏi: - Chó của anh à? - Vâng, của tôi, - gã lái xe trả lời. - Đã được luyện chưa? - Chưa nhiều... nhưng khôn lắm. Nom đây này. Nằm xuống! Bim nằm. - Anh có bán không? Con của tôi chết mất rồi, mà tôi đang cần chăn đàn cừu. - Ừ bán đấy. - Bao nhiêu? - Hai lăm tờ. - Ừ hữ! - Người hành khách thốt lên và bỏ đi, vỗ vỗ vào tai Bim, lẩm bẩm: - Con chó được đấy, được đấy. Những tiếng tốt đẹp đó đối với Bim rất là quen thuộc, những tiếng chủ nó vẫn nói. Nó vẫy đuôi chào người lạ mặt. Giờ đây Bim hoàn toàn không biết mình đi đâu. Nhưng ngồi trong buồng máy nhìn qua lá kính chắn gió, nó quan sát con đường đang đi, như mọi con chó lần đầu tiên đi đến một nơi mới: bản năng của chó là thế, nhờ đó nó không bao giờ quên đường về. Ở con người, cái bản năng này đang mất dần đi theo năm tháng, hoặc đã mất từ lâu rồi. Thật là uổng. Cái khả năng không quên đường về là rất có lợi. Đến một bến xe buýt, Ông Phúc Hậu có mùi cỏ xuống xe; gã tài cũng bước xuống, để Bim lại trong buồng lái. Bim theo dõi họ, không rời mắt. Kìa, gã lái chỉ về phía Bim, khoác tay lên vai ông Phúc Hậu, còn ông này mỉm cười rút trong túi ra những tờ giấy nhỏ và đưa cho anh lái, sau đó khoác ba lô lên vai, đi vào buồng lái, tháo dây lưng ra, móc vào cổ đề Bim và nói: - Nào, ta đi thôi! - Đi được vài bước ra khỏi xe, ông ngoái lại hỏi: - Tên nó là gì nhỉ? Anh lái nhìn Bim dò xét rồi nhìn người mua, trả lời với giọng tự thống nhất: - Tai Đen. - Con chó này xem ra không phải của anh thì phải? Nói thật đi! - Của tôi mà, của tôi. Tai Đen, đúng mà. - Rồi anh ta lái xe đi. Thế là Bim bị bán lấy tiền. Nó hiểu rằng vừa rồi đã xảy ra một việc không ra sao, thực không ra sao. Nhưng con người có mùi cỏ kia thì rõ ràng là người phúc hậu, và Bim lẽo đẽo bên ông buồn bã và hoang mang. Cả hai bước đi, lặng lẽ, rồi đột nhiên ông kia quay sang nói trực tiếp với Bim: - Không, mày không phải tên Tai Đen: không ai đặt tên cho nó như vậy. Mà nếu tìm thấy chủ mày, - thì ông ta phải đền tao mười lăm rúp. Có phải không? Bim nhìn ông ta, đầu ngoẹo sang một bên dường như muốn nói: "Tôi không hiểu nổi ông đâu". - Còn mày, chú em ạ, mày xem ra là con chó khá đấy, thông minh. Lại một lần nữa ông ta nói những tiếng mà chủ nó đã bao lần nhắc tới. Giờ đây Bim vẫy đuôi tỏ vẻ biết ơn sự trìu mến đó. - Thôi, đã như vậy thì hãy ở với tao, - ông ta kết luận. Rồi cả hai lại đi tiếp. Trên đường đi Bim đôi lần cứ định níu lại, kéo căng dây dắt và nó đưa mắt chỉ về phía sau (Buông tôi ra! Tôi không đi đến đó đâu). Ông kia dừng lại, vuốt ve con chó và nói: - Đành thôi... Đành thôi, mày ơi!... Thực ra thì dễ như bỡn: chiếc thắt lưng kia chỉ cắn một hai cái là đứt đôi. Nhưng Bim hiểu: cái dây sinh ra là để dẫn nó đi, để nó không đi quá xa hoặc quá gần, ở một khoảng cách thích hợp. Và nó thôi không yêu sách nữa. Lúc đầu hai thầy trò đi theo đường rừng. Cây cối đứng trầm ngâm và lặng lẽ - trần trụi, lạnh lẽo, im lặng vì giá rét. Cỏ trong rừng khô úa, tả tơi, nhàu nát và thảm hại. Bim buồn quá là buồn. Rồi lại đến những cánh ruộng mới gieo trải ra thành một tấm thảm mềm mại và vui tươi. Trong lòng Bim cũng phần nào nhẹ đi. Cảnh vật thoáng đẹp, bầu trời rộng mở, tiếng huýt sáo vui vẻ của người đi bên cạnh. Thế này mà đi bên Ivan Ivanưts thì bao giờ cũng thích. Nhưng khi con đường chạy vào khu đất đã ngả ải thì lại cảm thấy kém vui đi: đất xám xịt có lẫn những hạt vôi trắng, mặt ruộng không còn lấy một cục đất to sót lại. Có cảm giác như đất đã chết, đôi chỗ còn ngắc ngoải - cánh ruộng bị cày bừa tơi tả, bị bào mòn. Ông kia rời đường, bước xuống mảnh đất đã cày ải, và thở dài. - Hỏng mất, người anh em ạ. - Ông ta nói với Bim. - Thêm một hai cơn bão đen nữa là thất bát hết. Hỏng bét cả, anh bạn. Tiếng "Hỏng bét, anh bạn" thì Bim rất quen thuộc do thường nghe thấy Ivan Ivanưts nói. Nó biết rằng tiếng đó nghĩa là buồn bã, bi đát hoặc "có cái gì đó không ổn". Còn tiếng "bão đen" nó cho là "tai đen" trong một cách diễn giải mà nó chưa biết. Chuyện này có dính líu đến ruộng đất thì nó vượt ra ngoài tầm nhận thức của nó. Rõ ràng ông kia đã đoán ra như vậy. - Dĩ nhiên, mày là con là chó, mày không hiểu được gì đâu nhưng còn nói với ai được nữa? Tao chỉ có than thở với mày thôi, Tai Đen ạ. Khoan đã! - Ông nhìn Bim nói tiếp: - Thôi cứ cho tên mày là Tai Đen đi. Tai Đen nghe cũng hợp với chó. Vấn đề tự nó cũng nói lên như thế. Ờ thì sao nhỉ? Khi còn chưa đi tới đầu làng, Bim đã biết rằng giờ đây tên nó là Tai Đen: Ông ấy cứ trìu mến nhắc đi nhắc lại nhiều lần: - Tai Đen, hay lắm! Hoặc: Giỏi lắm, Tai Đen, mày đi ngoan đấy. - Hoặc tương tự như vậy, nhưng cứ một điều hai điều "Tai Đen!". Vậy là người ta vì tiền mà đã bán đi cái tên Bim hiền lành của nó. Cũng may là Bim không biết được điều đó, cũng như không biết chuyện chỉ vì những tờ giấy kia mà con người có thể bán cả danh dự, lòng trung thành và trái tim đi. Thật là phúc cho chó đã không biết đến điều này. Nhưng Bim giờ đây buộc phải quên cái tên mình đi. Biết làm sao được - nghĩa là phải như vậy thôi. Có điều là nó không lúc nào quên người bạn của mình - ông Ivan Ivanưts. Cho dù cuộc sống đã khác đi rồi, hoàn toàn không giống như trước nữa, nhưng nó không thể nào quên được ông. Chú thích [2] Do phát âm sai, đọc là "giềng"