Chương 11

    
ì thế, Phi lừng khưng đi thẳng vào trong. Thật ra Phi cũng không hiểu tại sao chàng không thể dẹp bỏ một chút tự ái nhỏ nhen, một chút xích mích tầm thường để sang nói chuyện với Tân. Cũng không phải vì chàng còn biết thêm rằng trước khi vào quân ngũ Tân là một thứ thanh niên cao bồi, quen giao thiệp với du đãng, học hành dở dang thi mãi không đậu nên Tân thi vào trường võ bị. Tại sao Tân đậu để được theo học ở đây, đó là điều Phi không tìm hiểu và cũng không ai muốn tìm hiểu, người ta chỉ biết Tân có mặt trong mái trường võ bị này. Không phải Tân chỉ gây sự với một mình Phi mà hắn gây sự với nhiều người. Một số rất đông anh em không ai ưa Tân cả, họ ghét nhưng không nói ra. Một số khác ở gần Tân, chơi với Tân, song chưa chắc đã vì thích Tân mà vì... cần được che chở hoặc khôn ngoan thích nhờ vả những chuyện vặt vãnh khác. Thật tâm Phi không hề khinh Tân, ghét Tân vì những chuyện đó. Chàng chỉ ngại ngùng, có lẽ chàng cho rằng nếu chàng làm huề bây giờ, Tân có thể hiểu lầm là chàng sợ Tân. Gì chứ sợ Tân thì không bao giờ Phi sợ cả. Chàng cũng có máu liều trong người, nếu cần đánh lộn, thì chưa chắc ai đã ăn ai, việc gì chàng phải sợ, chắc Tân có thể nói với những người khác là chàng sợ nhưng trong lòng Tân không hề dám nghĩ như vậy.
Phi loay hoay đi đi lại lại mãi trong phòng với những ý nghĩ đó.
Bỗng một tiếng “ồ” lớn vang động ngoài vũ đình trường và sau đó gần năm trăm sinh viên sĩ quan giải tán chạy nhanh về phòng. Phi ngạc nhiên ra cửa đợi, chàng hất hàm hỏi một người bạn vào trước nhất:
- Gì vậy? Sao không ra xe mà lại trở về?
- Sĩ quan kiểm soát kêu phòng bẩn phải ở lại ba mười phút dọn phòng.
Phi cười trong khi những tiếng ồn ào, tiếng lao xao chửi thề vang lên:
- Mẹ kiếp mấy thằng bên Trung đội 16 hại chúng mình, tụi quỷ đó có tiếng là bẩn.
- Hôm nay tới phiên thằng nào làm phòng?
- Tiến đâu, Dũng đâu, Huy đâu.
Tiến ném phuỵch cái cặp da trên giường, mặt khó đăm đăm, chàng tháo giầy trèo lên giường, cởi chiếc áo ngoài, mặt may-ô và hét tướng lên:
- Chúng mày ra hết ngoài đi, đứng như cha nội người ta thế kia làm ăn mẹ gì được. Thằng Dũng thằng Huy đâu, cởi giầy, cởi áo ra đi chứ. Lẹ lên không lỡ chuyến xe mười giờ về Saigon của ông bây giờ.
Cả Trung đội lục tục kéo nhau ra ngoài. Dũng vừa cởi áo vừa nói với Phi:
- Họa sĩ lại nổi cơn bốc đồng vặt lên rồi. Lúc nó bốc đồng coi nó dễ thương hơn là lúc nó ngồi hút thuốc lá mặt nó ngây ra vì nhớ đào.
Phi gật gù rồi chàng cúi xuống:
- Để mình giúp các cậu một tay cho nhanh.
Một vài người khác ném chổi, giẻ lau cho Tiến. Bốn người ra sức làm quần quật từ góc nhà phía trong cùng ra rới ngoài cửa, mất hai mươi phút mới xong. Dũng nằm sấp xuống sàn nhà nhin nghiêng trên mặt gạch hao một lát rồi kêu ầm lên:
- Chỗ thằng Huy lau phía giường thằng Thân không được bóng lắm, lau lại đi.
Huy ngẩn mặt:
- Chỗ nào?
- Mày đi tới một chút đi... đó... lau mạnh vào, chỗ giữa chân giường và lối đi.
Những bắp thịt Huy nổi cuồn cuộn, mồ hôi vã ra bóng loáng. Tiến từ trên bực cửa sổ trèo xuống rồi ngửa cổ nhìn lên nói với mọi người:
- Theo con mắt họa sĩ của tao thì lau cửa đến thế này là nghệ thuật nhất rồi, không thể hơn được nữa. Cả đến cái khe cửa cũng muốn bóng như giày đi chơi, còn muốn gì nữa.
Cả bọn khoái chí cười ầm ầm. Một người bạn Tiến nói đùa:
- Con mắt họa sĩ của mày vốn nhìn bẩn quen rồi, nhưng con mắt ông sĩ quan trực nhật hôm nay là mắt cú, chưa chắc gì mày đã chịu nổi đâu.
Nói lén được một câu người đã hành hạ mình cả bọn có vẻ khoái lắm. Một người khác phụ họa:
- Mắt ông ấy trông ghê thật. Lông mày rậm, ông ấy dâm lắm đấy hả?
- Không dâm mà tám đứa con.
Tiếng cười thét từ đầu căn nhà vang lại “vào hàng phắc” khiến suốt một dãy nhà im bặt. Tiếng thì thào vọng vào trong nhà:
- Xong chưa, ông ấy đến.
- Ông nào?
- Ông lông mày rậm.
- Bỏ mẹ ông ấy khám thì chết cha, tử thần đó. Sao ông ấy không để Thiếu úy Thảo khám đỡ cho nó phải phúc chúng mình to bằng trái núi không?
- Tao thấy ông Thảo khám dãy bên Đại đội 2.
- Đại đội mình hôm nay số vất vả rồi.
- Chúng mày có “suya” là sạch rồi không?
Tiến đi bít tất ôm giày và quần áo ra ngoài hành lang
- Suya lắm, nhưng nếu có một tí bụi nào là ngoài ý muốn của tụi tao. Chúng mày lau giày sạch chưa?
- Rồi.
- Vào giường đi.
Mọi người kéo nhau vào giường đứng, mỗi người săn sóc lại chỗ mình và mỗi người thủ sẵn một chiếc mùi xoa, lau từ một vết mờ không không phải là bụi ở thành giường gỗ lau tới một hạt cát ở mũi giày.
Cuộc khám xét tới phòng bên cạnh. Mọi người hồi hộp đợi chờ. Chính Phi cũng cảm thấy hồi hộp.
Tiếng giầy nện cồm cộp qua phòng Phi. Một tiếng hô dõng dạc vang lên. Vị sĩ quan lông mày sâu róm mập như con trâu lừng lững tiến vào. Những sinh viên sĩ quan đứng cứng ngắc ở trước giường ngủ như những pho tượng đá. Vị sĩ quan “lông mày sâu róm” đi từ đầu tới cuối gian phòng rồi quay trở lại. Trái với thường lệ ông chỉ nhìn qua rồi quay trở lại giữa nhà. Nụ cười của ông “lông mầy sâu róm” thật quý, mọi người đều có cảm tưởng là chưa có nụ cười nào quý đến thế, ngay cả nụ cười của người yêu sau một vụ giận hờn. Tuy nhiên ông “lông mày sâu róm” mới chỉ cười thôi thì ba mười sáu cặp mắt khác vẫn chỉ mới được khép long lanh chuyển động nhìn ông ta và nhìn nhau tỏ một dấu hiệu vui mừng.
Biết đâu ông ta cười nhưng không cho phép mọi người cười vì trong tư thế đứng nghiêm. Rất có thể một sinh viên nào đó dễ tính cười theo thì lãnh đủ bằng cách “cúp” phép. Chuyện đó đã xảy ra một lần bên Đại đội 2. Mọi người vẫn đề phòng không một ai dám nhếch mép, sợ ông này đưa vào tròng.
Nhưng có lẽ hôm nay ông “lông mày sâu róm”, mang tới cho mọi người một điều ngạc nhiên thích thú để làm kỷ niệm mang về nghỉ lễ vui với ngày Chúa Giáng Sinh. Ông ta cười với mọi người rồi gật gù:
- Tốt lắm, không cần khám tôi cũng biết anh em lau chùi từ cái lỗ khóa, cám ơn anh em. Nghỉ!
Mọi người cùng đặt chân ra một lượt và cùng bàng hoàng như nhau. Ông “lông mày sâu róm” tiếp bằng một giọng ôn hòa:
- Tôi không muốn “áp” phép của anh nào bởi vì ngày mai tôi cũng đi phép. Vợ tôi chờ từ sáu tháng nay ở Huế.
Những tiếng cười nho nhỏ nổi lên. Giữa lúc đó, ông “lông mày sâu róm” xoay lưng bỏ đi:
- Chúc tất cả vui.
Một tiếng hô “nghiêm” dõng dạc vang lên. Ông “lông mày sâu róm” ra khỏi phòng, tức khác có tiếng hô “nghỉ” và tiếng la đuổi theo:
- Đại úy dễ thương quá!
- Chưa bao giờ Đại úy đáng yêu như hôm nay.
- Chúc Đại úy để đứa con thứ chín.
- Thôi chúc Đại úy đẻ luôn hai một lượt cho chẵn mười đứa.
Sau đó vài phút tiếng còi tập hợp nổi lên giữa vũ đình trường. Từ khắp các phòng, sinh viên sĩ quan lại đổ xô ra, rồi hàng ngũ lại chỉnh tề.
Đoàn xe GMC gầm gừ nổ máy.
Lần lượt từng hàng dọc tiến ra con đường đậu xe. Mỗi nhịp chân là một tiếng reo.
Phía giữa dãy nhà Phi đứng lặng nhìn theo với một nụ cười. Ở cuối dãy đằng kia, Tân ngồi chồm hổm trên bờ tường ngoài hành lang buồn bã nhìn theo. Phi ở lại với một hy vọng, một nguồn an ủi lớn mà lúc này chàng cũng thấy nao nao, cũng thấy muốn được hòa mình vào trong niềm vui mừng của mọi người là cắp cặp leo lên xe GMC để về với mọi người.
Chàng ngước sang nhìn Tân, chàng tin là Tân ở lại đây vì một lý do nào khác chứ không phải vì mang một hy vọng chờ đón như chàng. Chắc là Tân buồn lắm. Cứ trông cái dáng ngồi chán chường cái nhìn đăm đăm thèm muốn của Tân là đủ rồi. Phi thấy thương Tân vô cùng.
Phi quyết định là sẽ gặp Tân để nói chuyện cho bớt buồn. Nhưng ngay bây giờ phăng phăng đi sang thì kỳ quá có lẽ nên đợi chút nữa khi đoàn xe GMC đi hết rồi đi ngang qua phòng Tân rủ Tân xuống câu lạc bộ thì tiện hơn.
Nghĩ vậy, Phi lại yên lặng đứng nhìn đoàn xe chuyển bánh. Một tiếng còi từ cuối đoàn “cong-voa” của người hạ sĩ quan trực lanh lảnh vang lên, chiếc xe thứ nhất chuyển bánh rồi chiếc thứ hai, thứ ba... Phi đưa tay vẫy khi chiếc xe chở Tiến, Dũng và những người trong Trung đội chàng rời lề đường. Những bàn tay và những nụ cười trả lời.
Phi để ý từ nãy Tân không vẫy ai cả. Tân ngồi nhìn về phía đoàn xe mà như nhìn đi tận đâu đâu. Cho đến khi chiếc xe cuối cùng mất hút sau cổng trại, Tân vẫn ngồi im không nhúc nhích. Phi qua trở vào phòng mặc quần áo để xuống câu lạc bộ.
Đi ngang chỗ Tân, Phi cố nện mạnh gót giầy cho Tân chú ý tới mình, Tân hơi nghiên người nhìn trở lại, Phi mỉm cười gật gật đầu ra dấu chào hỏi, Tân buông thõng một câu làm lành:
- Ở nhà à?
Phi dừng lại:
- Ừ. Còn cậu.
- Không muốn đi đâu cả.
- Xuống câu lạc bộ uống cà phê không?
Tân lừng khừng:
- Đi thì đi.
Hai người đi bên nhau vượt qua một khoảng trống mưa bụi, men theo những mái hiên. Những quả đồi trọc, những thung lũng nằm im lìm dưới trời mưa sau hàng rào dây kẽm gai. Phi có cảm tưởng là chúng nằm nghỉ mệt chờ chàng và những người đồng ngũ của chàng sau dịp lễ Giáng Sinh này để rồi vùng dậy hành hạ, chàng mỉm cười với ý nghĩ trẻ con ấy.
Xuống câu lạc bộ, Phi và Tân ngồi trên hai chiếc ghế đẩu cao ở quầy hành. Bà chủ đon đả thăm hỏi vài câu xã giao rồi ngồi vào một góc nhà đọc báo. Phi gợi chuyện hỏi Tân:
- Có chuyện gì buồn không?
Tân lắc đầu:
- Không.
- Sao không đi phép?
Tân ngước nhìn Phi dò hỏi, chàng rút một điếu thuốc lá do Phi mời rồi nhún vai:
- Không có chỗ nào đáng về cả.
- Nhà cậu đâu?
- Chết hết rồi.
Phi sững người trước câu trả lời ngắn ngủi và bình thản đó của Tân. Chàng bật quẹt châm thuốc lá cho Tân, đôi mắt không rời khuôn mặt bướng bỉnh đầy mụn trứng cá của bạn. Một phút sau, Tân vừa thở khói thuốc vừa nói:
- Ông bô và bà bô chết từ lâu, tôi ở với ông chú. Ở mãi cũng chán, nổi nóng bỏ đi. Bây giờ đi phép cóc biết về đâu.
Nói rồi Tân cười hực lên, nét mặt u ám, Tân cúi xuống ly cà phê nóng. Dáng ngồi gù gù, đôi vai co cao, điếu thuốc ngậm lệch của Tân vẫn còn mang đầy đủ dấu hiệu của những thanh niên lông bông thành phố, thích bắt chước James Dean. Tiếng Tân trầm xuống:
- Bây giờ về với mấy thằng bạn du đãng cũ thì... không muốn, mình không còn hợp với mấy thằng đó nữa. Thà là tránh đi còn hơn.
Chỉ bằng ấy câu nói, Phi hiểu rõ ràng tâm trạng Tân lúc này. Quân ngũ đã biến đổi và có thể cải hóa Tân trở thành một con người khác, xứng đáng hơn. Nếp sống kỷ luật của binh đội và những bạn đồng ngũ, nhất là ở một trường võ bị, dù khắc khổ cực nhọc song bao giờ cũng giữ một truyền thống riêng biệt có thể gọi là rất dễ dàng biến cải con người. Nhưng không phải là chỉ một thời gian ngắn ngủi đủ để thay đổi được tất cả. Lúc này Tân như con kén đang cắn ổ, phá phách để thoát thân, chắp cánh bay cao. Tân đang bứt rứt vì sự đoạn tuyệt một dĩ vãng. Tân đang bị dằn co mãnh liệt. Phải kể là Tân nhớ những ngày tháng lông bống với những người bạn lòng cũ, nhưng Tân muốn xa, chàng trốn tránh để dễ dàng quên lãng. Phi nhìn Tân bằng đôi mắt thán phục. Phi nhìn rõ thấy bản năng lương thiện trong con người mà thiên hạ quen gọi là “loại cao bồi” đó. Bản năng lương thiện đang có dịp trổi dậy, đồng thời Phi cũng nhận thấy chính mình có một phần trách nhiệm trong việc phát triển cái bản năng lương thiện trong con người Tân. Chàng hối hận vì đôi lần đã tỏ ra khinh bỉ, coi thường, xa lánh Tân, Phi nghĩ từ giờ chàng sẽ hết sức cố gắng gần gũi Tân và chàng sẽ rủ cả những người bạn khác gần gụi với Tân hơn, cho Tân dứt bỏ được hết mặc cảm bị bỏ rơi, bị coi thường.
Vì ý nghĩ ấy, Phi khoác nhẹ vai Tân:
- Ở đây, tôi với cậu đi chơi với nhau.
Tân cười:
- Đồng ý lắm, có “mục” gì không?
- Có nhiều mục lắm
Rồi Phi nheo một bên con mắt:
- Có người đẹp ở Saigon lên chơi.
- Có “cộ” không?
Phi ngây mặt vì danh từ “cộ” mà Tân vừa dùng nhưng chàng bình tĩnh làm ra vẻ hiểu biết mỉm cười cúi xuống uống cà phê để dùng kế hoạch hoãn binh suy nghĩ. Vài phút sau Phi mới nhớ ra danh từ “cộ” ở đấy Tân muốn ám chỉ là “xe hơi”. Phi cười khanh khách:
- Có, nhất định là có “cộ” rồi. Cát xăng troa, được không?
Tân lè lưỡi:
- Hách nhỉ. Của em hay là của cậu?
- Của em.
- Con nhà lành à?
- Ừ. Con nhà lành.
- Đẹp không?
- Cũng khá. Nói chuyện được, nhảy nhót được.
Tân lắc đầu:
- Nếu vậy thì đây chê.
- Sao vậy?
- Không thích con nhà lành, mất công lắm. Vả lại... tôi cũng không hợp với loại đó. Đi chơi với chúng nó lỡ mồm chửi thề vài câu, chúng nó tối mặt lại, chúng nó khinh mình, chịu gì nổi.
Phi cười, cố làm ra vui vẻ mà thực tình chàng hại Tân. Chàng biết là Tân đã nghĩ đúng, loại người thường như Loan và Phượng và ngay cả những người như Liên cũng không thể thích hợp với Tân. Tân ngại là phải, mặc dầu thực tâm Tân muốn hay là bắt đầu muốn tiến tới gần gũi với những người đó. Phi co một chân lên thành ghế:
- Thử một lần cho biết, nếu không thích thì lần sau thôi không đi nữa, mất mát gì đâu.
- Ừ thì thử. Bao giờ em lên?
- Trong hôm nay hay ngày mai thì là cùng.
- Được lắm. Phải đi đón em à?
- Không, các em sẽ đón ở đây. Tôi lấy một phòng ngoài “Palace”, cậu có thể ra ngoài đó ở cho hách. Khi nào các em tới tôi sẽ ra đón cậu.
Tân lừng khừng rồi cười hì hì:
- Chương trình có vẻ hấp dẫn đấy nhé. Tuy nhiên moa nói thật là moa không còn đồng xu nào dính túi cả. Lãnh lương xong trả câu lạc bộ một nửa, còn một nửa gửi về cho mấy thằng bạn ma cà bông rách như cái mền, có thằng còn phải lo cho đào vào nhà hộ sanh có chết cha người ta không. Thời buổi này mà còn đèo bòng thì vỡ nợ.
Phi cười, vỗ tay vào túi quần sau:
- Yên tâm, có tiền đây, nhiều là đằng khác. Tiền bán xe còn lại. Cậu cần thì cầm tạm hai cái giấy xanh xanh tiêu đi.
- Tiền không có nhưng tôi có cái tật là không cần tiền bao giờ cả?
- Đừng ngại, anh em với nhau, tháng sau cậu trả tôi chứ tôi có cho cậu đâu.
Tân ngần ngại một chút rồi gật đầu:
- Được rồi, lấy một tờ xanh xanh đủ rồi.
Phi rút ví đưa cho Tân tờ giấy năm trăm. Tân kêu tính tiến cà phê và nói đùa.
- Tính tôi không thích cầm tiền chẵn.
Vài phút sau, Tân và Phi lại kéo nhau trở về phòng. Tân lôi Phi vào giường mình, hai người nằm dài trên giường tán gẫu. Tân tâm sự:
- Tôi mê quân đội ngay từ năm mười lăm mười sáu tuổi. Thực ra tôi cũng không ngờ sẽ có ngày được theo học ở đây. Người ta có cái số. Vào đây là tôi hiền lắm rồi đó, cố giữ gìn mà đôi khi không nhịn được. Đập nhau hai lần rồi, nhưng may không ai báo cáo. Nếu tôi rời bỏ quân đội bây giờ, chỉ còn mỗi cách là... đi ăn cướp, vào tù cũng đành.
Nói rồi Tân cười, song Phi biết là Tân đã nói rất thật tâm lúc đó. Khi một cố gắng cuối cùng của mình không thành, người ta có thể phá chính mình, điều đó không có gì lạ. Phi nói lảng sang chuyện khác:
- Mọi năm sinh viên sĩ quan tổ chức lễ Giáng sinh trong trường. Năm nay trùng thứ bảy chủ nhật nên khóa mình được đi phép hết. Chắc cũng có bốn năm người ở lại đây thôi.
- Cậu làm, nhiều đứa ở lại, nhưng chúng nó ra phố đón gia đình ở xa tối. Từ hôm qua, Đà Lạt đông lắm, có lẽ vui hơn Saigon nhiều, tôi chưa ở đây vào dịp này bao giờ cả. Ra phố hôm nay chắc là gặp nhiều người quen lắm.
- Ừ, có thể.
- Hay là chúng mình ra phố chơi?
Phi lắc đầu:
- Tôi ở lại đón... người nhà.
Tân cười khanh khách:
- Không còn gì thú bằng được chờ đợi như thế này. Tôi ở đây với cậu buổi sáng nay thôi. Chiều tôi ra phố, phòng cậu thuê rồi hả, nhớ ghi số cho tôi.
Phi gật đầu:
- Bốn mươi ba bis, ghi đi kẻo lộn phòng có phen bị vu oan ạ. Nhất là trông cậu cũng không lương thiện lắm đâu.
Tân chỉ cười khanh khách:
- Yên trí, nhớ rồi. Cứ nói phòng cho ông Phi là đủ chứ gì.
- Vũ Tiến Phi. Làm nghề sinh viên sĩ quan.
- Ô kê. Bốn mươi ba bis.
Con số đó nhắc Phi nhớ lại những ngày vui cũ, buổi chiều đầy nắng ấm trên đồi, buổi tối trong phòng trà... và nỗi đau buồn hiện tại. Chàng nhớ Liên, nhớ. Cứ một nét mặt, một ánh mắt, một dáng điệu trẻ thơ. Chàng nhớ lời hẹn hò cũ, hình ảnh buổi sáng cuối cùng trong căn phòng nhỏ khi va-li đã sẵn sàng để trở về, Liên ghì lấy chàng bên khung cửa, thiết tha nói với chàng tiếng nói của tình yêu: “Noel mình trở lại đây anh nhé”. Và Liên đã hôn chàng rồi đưa tay lên môi hôn tất cả khung trời. Hai người ôm nhau xuống thang lầu để ra xe và cùng có cảm giác như trống rỗng, như mất mát. Bây giờ cảm giác đó cũng lại đến với Phi nhưng người yêu không còn nữa. Chàng nói với Tân:
- Hồi nào đó, tôi đã có hẹn với một người con gái là Noel này cùng lên Đà Lạt, nhưng đến nay mọi chuyện không thành. Đời lính chúng mình có những lời hứa không bao giờ thực hiện được
Tân cười:
- Biết đâu người con gái đó chẳng lên đây với đàn ông khác?
- Có thể lắm.
Trả lời câu đó một cách thản nhiên mà tự trong lòng Phi cảm thấy nhói buốt. Thực ra Phi đã nghĩ tới điều đó từ lâu, có thể là từ ngày xách ba lô lên đây và rõ rệt nhất là khi lấy phòng ở khách sạn chàng sợ là sẽ gặp Liên và tất nhiên nàng không lên đây một mình dù chỉ là để đi tìm kỷ niệm cũ. Tưởng tượng ra cái cảnh gặp gỡ này. Phi cố nhắm mắt xua đuổi, dù nhiều nghị lực đến đâu Phi cũng biết rằng không thể nào chàng chịu nổi nếu có trường hợp đó xảy ra. Phi đứng dậy vươn vai:
- Thôi mình về nằm ngủ. Thà là được chờ đợi còn hơn là nằm tưởng tượng tới những câu chuyện lòng.
Tân mỉm cười nhìn theo bóng Phi khuất sau khung cửa.
Người hạ sĩ quan trực chạy vun vút xuống câu lạc bộ, gã ngó quanh ngó quẩn rồi khi nhìn thấy Phi gã bỗng đứng sững lại rồi hỏi:
- Anh có phải là sinh viên Vũ Tiến Phi không?
Mắt Phi sáng lên, chàng đã tưởng là có Loan và Phượng tới kiếm, nhưng người sĩ quan trực vừa thở hổn hển vừa nói bằng một giọng quan trọng:
- Anh lên trình diện gấp với Đại tá chỉ huy trưởng.
Phi ngây người:
- Tôi à?
- Phải! Anh chớ còn ai nữa. Tìm anh hụt hơi suốt từ nãy tới giờ. Tưởng anh đi phố thì vỡ mặt.
Phi vẫn còn chưa hết ngạc nhiên:
- Ơ hay. Tôi làm gì mà Đại tá gọi.
Người hạ sĩ quan trực hất hàm.
- Thôi, lẹ đi. Xe đang đợi.
Phi lừng khừng ra dáng chưa chịu tin:
- Tôi sợ anh lầm. Ông ấy kêu tôi làm gì?
Người hạ sĩ quan trực tỏ vẻ khó chịu, gã chìa một miếng giấy nhỏ cho Phi xem:
- Có phải sinh viên Vũ Tiến Phi ở Trung đội 12 Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 không?
- Đúng, quái nhỉ có chuyện gì vậy?
Phi đứng dậy vội vàng, chàng nói tiếp:
- Thì cũng phải cho tôi về phòng vận quần áo đã, chẳng lẽ vận quần áo này sao?
- Ừ, lẹ đi, lệnh gọi trình diện trong vòng mười lăm phút. Thay đồ xong anh lên phòng trực.
Quen với luật lệ ở đây, Phi chạy như biến về phòng và nhanh nhẹn như một con sóc Phi thay quần áo thật nhanh. Không đầy mười phút sau Phi đã có mặt ở phòng rực. Người hạ sĩ quan trực chờ sẵn Phi trước cửa, anh ta cằn nhằn:
- Anh làm gì mà lâu quá vậy?
Phi trả lời thản nhiên:
- Thay đồ chứ làm gì, bộ anh tưởng tôi ngủ chắc?
- Thay đồ mà tới mười phút à?
Phi nổi nóng:
- Ừ, mười phút là may đó, tôi thường thay cả giờ đồng hồ thì đã sao.
- Vô đây đừng có làm tàng nghe cha nội, khi nào ra trường đeo bông mai hãy hay.
Phi giận điên người quắc mắt nhìn anh hạ sĩ quan trực rồi cười gằn:
- Tôi nói chuyện với sĩ quan trực, anh không phải là người chỉ huy tôi ở đây, anh biết chứ?
- Biết, nhưng sĩ quan trực đi ăn cơm chưa về, tôi thay mặt sĩ quan trực anh biết không?
- Không.
Người sĩ quan trực lực lưỡng muốn gầm lên:
- Anh có giỏi thì không đi trình diện tôi coi thử.
Phi nhún vai:
- Tôi có trình diện Đại tá hay không là công việc của các anh, tôi tới đây là đủ rồi.
- Muốn bướng hả.
- Lâu lâu bướng một tí, bướng đứng luật, đâu có sao!
Người hạ sĩ quan trực có vẻ bí, không biết phải nói thế nào nên dở mặt dọa nạt:
- Bướng thì ở tù.
Phi chọc tức thêm:
- Anh bỏ tù được tôi còn khó lắm.
- Tôi ghi vào sổ trực là anh ba gai, bướng bỉnh không chịu tuân lệnh thượng cấp. Đại tá gọi anh coi thường và nói là không cần trình diện.
- Tùy anh ghi thế nào cũng được.
Người sĩ quan trực hầm hầm bước vào phòng trực, lật mạnh cuốn sổ bìa dầy. Vừa lúc đó Tân ở ngoài cổng bước vào. Trong lúc trình giấy ở điểm gác, Tân đã nghe thấy chuyện lộn xộn giữa người hạ sĩ quan trực và Phi. Tân đến bên Phi khẽ nói:
- Chuyện gì vậy?
- Đại tá gọi tao, không biết chuyện gì, thằng cha hạ sĩ quan trực này muốn gây sự, nó tính báo cáo để bỏ tù tao, nó đang ghi sổ trực là tao bất tuân thượng lệnh.
Tân nổi nóng, ghé nhìn vào phòng, gã hạ sĩ quan trực đang cắm cúi ghi lên trang sổ rộng. Tân lẩm bẩm chửi thề:
- Mẹ thằng này hỗn lắm, nó làm ở văn phòng Trung tá chỉ huy phó đấy, hạch sách anh em hoài. Để tao vào bảo nó.
Phi giữ tay Tân lại:
- Thây kệ nó muốn làm gì thì làm, mình đâu có phải tội mà sợ. Đừng gây sự với nó.
Tân giằng tay Phi:
- Bộ mày tưởng tao ngốc đến gây lộn với nó ở đây sao. Tao năn nỉ nó cho mày coi, nếu nó không nghe thì mình đợi nó ra phố tính sau. Để nó ghi vào sổ trực thì mình cũng nguy chứ mày tưởng đùa à.
Nói rồi Tân phăng phăng đi vào phòng trực, chàng lẩn thẩn đứng ghé xuống nhìn trên trang giấy người hạ sĩ quan trực đang viết. Tân nhìn thoáng thấy giòng cuối “đương sự tỏ ra ngang ngạnh vô kỷ luật, không xứng đáng là một sinh viên sĩ quan”.
Người hạ sĩ quan trực ngước lên nhìn Tân, đôi mắt tóe lửa. Gã vừa định gây sự thì Tân đã toét miệng cười hì hì:
- Sao Thượng sĩ không bật đèn lên cho sáng có phải dễ viết hơn không? Viết tối quá hại mắt lắm đấy. Mắt Thượng sĩ coi đa tình, thế kia còn phải giữ gìn chứ. Hôm họ gặp Thượng sĩ đi với cô nào ngoài chợ đẹp không thể tả. Vợ hay người yêu đó?
Người hạ sĩ quan trược gườm gườm nhìn Tân, dường như gã hiểu rõ ý định của Tân nên gã vẫn giữ một thái độ cáu kỉnh khó chịu:
- Vợ! Cậu hỏi làm gì?
Tân vẫn cười:
- Hỏi cho biết vậy mà. Để tôi bật đèn cho Thượng sĩ nghe. Coi bộ hôm nay Thượng sĩ hơi nóng tính đấy, có chuyện gì làm Thượng sĩ bực mình không?
Nói rồi Tân phăng phăng chạy ra mở công tắc, ánh đèn điện chói sáng. Tiếng người Hạ sĩ cộc lốc:
- Không có việc gì ở phòng trực thì về phòng đi cho người khác làm việc.
Tân cười, chàng trở lại kéo một chiếc ghế đẩu ngồi xuống bên cạnh gã sĩ quan trực, chàng rút bao thuốc lá đưa mời:
- Thượng sĩ hút thuốc. Lucky ba hàng chữ đấy, thứ này hiếm lắm, lùng khắp mãi Đà Lạt mới có một gói. Phải là tay “sừng” lắm mói kiếm nổi, nếu không thì nhất cũng phải là nhân tình của cô hàng chủ tiệm cà phê mới “truy tầm” được thứ này.
- Cảm ơn, tôi không hút. Tôi đã nói là nếu anh không có việc gì thì về phòng ngủ đi.
Rồi người hạ sĩ quan trở ra ngoài hiên lẩm bẩm nguyền rủa:
- Thằng mắc dịch này đi đâu nữa. Mỗi việc lấy xăng mà cũng mất cả nửa giờ đồng hồ.
Phi vẫn đứng tỉnh không, bộ mặt ngơ ngơ lành lạnh. Chàng biết là anh chàng này đang sốt ruột vì người tài xế xe trực đi đổ xăng chưa về để đưa chàng đến trình diện với vị chỉ huy trưởng. Chàng cũng móc túi lấy thuốc lá ra hút.
Tân lại lừng khừng trở ra bên người hạ sĩ quan trực nhật, tiếng Tân dí dỏm nhưng Phi biết rõ đó là sự cố gắng hết mức một con người chỉ hùng hổ như Tân:
- Buồn quá Thượng sĩ ơi. Noel mà nằm một mình ở đây, buồn chết đi được. Thượng sĩ có gia đình ở đây, vợ đẹp con khôn ấm cúng quá.
- Ừ.
- Thượng sĩ nên thương những thằng như tôi, có mỗi mình ở đây, vừa buồn, vừa lạnh, vừa nhớ gia đình, vừa đói.
Người hạ sĩ quan trực vẫn đứng im lìm nhìn phía con đường trải nhựa chạy dài dưới cơn mưa. Màu trời xẫm lại, buổi tối cao nguyên bắt đầu vào lúc sáu giờ.
Tân cũng đứng nhìn theo con đường đó, chàng lại tiếp tục gạ chuyện:
- Như tôi và thằng bạn tôi đây, gia đình ở xa, nằm một mình ở đây buồn chết đi được mà lại còn bị phạt mấy ngày tù quân nữa thì sống thế nào được. Thượng sĩ nên tha cho nó đừng ghi chép vào sổ trực làm gì lôi thôi mất công lắm.
Nghe Tân tán tỉnh như vậy. Phi nóng mặt vì ngượng, chàng kéo vai Tân:
- Thôi, xin xỏ làm gì cho mệt.
Tân gạt phăng ngay đi:
- Sao lại không, Thượng sĩ này biết điều lắm mà, mày đừng có lăng nhăng để tao nói giúp cho.
Người hạ sĩ quan vẫn giữ nguyên vẻ mặt lạnh như tiền, gã quắc mắt giở giọng cáu kỉnh cả với Tân:
- Này tôi bảo cho anh biết không phải việc của anh, khôn hồn thì về phòng đi kẻo lôi thôi bây giờ, cả anh nữa đừng tưởng đứng đó mà giỡn.
Tân cười:
- Ơ hay. Thượng sĩ cáu cả với tôi sao?
- Chứ anh là cái gì. Bước đi cho khuất mắt tôi.
- Nóng vừa thôi chứ.
Phi nhận thấy giọng Tân cũng đã có vẻ bướng bỉnh hết hòa nhã và với Tân khi đã dùng tới giọng nói xấc xược ngang ngạnh thì chắc không thể tránh khỏi những chuyện đáng tiếc. Phi định xen vào kéo Tân ra, nhưng Tân đã nói phăng phăng:
- Thấy người ta năn nỉ thì làm tàng phải không? Tính làm cha người ta hả. Báo tin cho anh biết là tôi chưa nhịn nhục ai như thế này.
Người hạ sĩ quan trực thấy phản ứng khá mạnh đó của Tân thì hơi sững người một chút, song đã trót lên mặt làm tàng chẳng lẽ lại đầu hàng thì coi không được nên gã đứng khuỳnh tay ra:
- Mày muốn gì?
- Lịch sự một chút đi, kêu tao bằng anh. Tao muốn ăn thịt mày. Nhưng ở đây không tiện, hẹn tao ở đâu đi. Bao giờ mày hết trực? Sáng mai nhé?
Người hạ sĩ quan trực nhìn Tân từ đầu tới chân rồi nhếch môi cười:
- Ngay bây giờ mày không dám à?
- Dám chứ gì mà không dám, nhưng đấm mày trong phòng trực là tao có lỗi. Chút nữa mày qua câu lạc bộ đi, không có ai ở đấy cả. Có thể đấm lộn tới sáng. Nhưng mày không chịu nổi hai quả đấm của tao đâu, sợ có năm phút mày đo ván rồi. Đừng làm phách, thằng nào sợ mày chứ tao thì tao chấp đấy.
Người hạ sĩ quan trực không chịu được nữa, hùng hổ sấn tới nhưng Tân nhanh chân lùi ra ngoài hiên:
- Tao đợi mày ở dưới câu lạc bô.
Vừa lúc đó chiếc xe dodge 4x4 đỗ lại trước cửa. Tân mỉm cười khiêu khích thêm:
- Mày làm nhiệm vụ đi rồi tính sau, tao đi ăn cái gì đã. Đói quá rồi.
Và Tân quay sang nói với Phi:
- Ra ngoài đó rồi có chuyện gì về cho biết ngay nhé. Mình chờ ở phòng.
Phi giữ chặt tay Tân:
- Thôi bỏ qua mọi chuyện đi, đánh lộn làm gì vô ích. Mình biết thế là đủ rồi.
- Để mình cho nó một bài học.
- Bỏ đi. Cậu nên nhớ cậu là sinh viên sĩ quan, cậu cũng đang cần học hơn là dạy người khác.
Câu nói đó vang vào lòng Tân và thoáng chỉ cho Tân thấy rõ cả một tương lai đang chờ đợi. Tân lặng lẽ quay đi bóng Tân lầm lũi dưới ánh đèn vừa đủ soi rõ những hạt mưa dăng đầy mặt đường. Phi thở dài rất nhẹ.
- Lên xe đi chứ còn chờ gì nữa!
Tiếng người sĩ quan trực cục cằn vang lên. Tân làm theo như một cái máy, chàng không buồn để ý đến những lời lẽ bực dọc đó nữa
Chàng bỗng cảm thấy ân hận vì đã cố chấp với người hạ sĩ quan trực để đến nỗi xảy ra chuyện này. Chàng sợ khi chàng đi rồi ở nhà Tân có thể đập lộn và Tân có thể bị phạt và hơn nữa là đưa ra hội đồng kỷ luật nếu bị “trùn”. Chàng muốn ngõ lời xin lỗi người hạ sĩ quan trực song chưa biết mở đầu thế nào trong khi bộ mặt người đó vẫn hầm hầm ra lệnh cho người tài xế:
- Đưa anh này tới tư thất Đại tá. Gấp lên!
Chiếc dodge 4x4 lao đi khỏi cổng. Phi ngồi ngẩn ngơ trên xe, phần lo cho Tân, phần lo cho mình. Chàng không hiểu nguyên nhân nào chàng đã “được” hay “bị” Đại tá chỉ huy trưởng “chiếu cố” đây? Không biết sẽ là một hân hạnh hay là một mối họa lớn? Cố nhớ lại những buổi đi tập những giờ ngồi trong phòng học, những phút vui với anh em trong phòng ăn, xem chàng có làm điều gì vô lễ, có thù oán với ai để đến nỗi bị báo cáo tới tai vị chỉ huy trưởng hay không? Nhưng Phi nhớ mãi mà không thấy mình có điều gì thất thố cả. Chàng yên tâm và bỗng chàng nghĩ đến Loan và Phượng. Có thể là Trung tá Lạc quen thân với Đại tá chỉ huy trưởng và gửi Loan và Phượng ở trên này vài ngày. Nghĩ thế, Phi bỗng cảm thấy giận Loan vô cùng. Tại sao Loan không thể đến trường kiếm chàng mà lại dùng cách này? Phi cũng cảm thấy tủi thân. Chàng định bụng là nếu đúng gặp Loan và Phượng ở đây chàng sẽ tỏ ra lạnh nhạt để cho Loan biết là chàng nổi giận.
Chiếc xe vòng lên một con đường dốc. Vị Đại tá chỉ huy trưởng ở một căn biệt thự thật đẹp. Phi nhảy xuống xe và nói với anh tài xế.
- Anh đợi tôi một chút nhé!
Rồi chàng sửa lại quần áo, mạnh dạn bấm chuông. Người làm công dẫn Phi vào trước hang hiên rộng được bao phủ bởi một dàn hoa tigôn có những cành lá rậm rạp ùm tùm. Phi dừng lại ngơ ngác nhìn vào trong nhà. Có lẽ họ ở trên lầu hoặc ở đằng sau. Vài phút sau, có những tiếng cười và tiếng giầy khua lộn xộn trên sân nhà, Phi nhìn thấy vị Đại tá chỉ huy trưởng mặc bộ pyjama màu xanh đậm, dáng người tuy hơi già nhưng vẫn còn duyên dáng. Bà vợ to béo mang vẻ đài các của những bà vợ mang từ nhà quê lên tỉnh.
Lui lại phía sau là Toàn, Loan và Phượng dắt hai đứa trẻ có vẻ là con của ông bà Đại tá. Phi rất ngạc nhiên về sự có mặt của Toàn, chàng nghĩ là Toàn đã theo Loan và Phượng lên đây.
Khi mấy người ra đến nơi, Phi đứng cứng người hai gót giầy dập vào nhau kêu cốp rồi dõng dạc trình diện thường lệ như tất cả các sinh viên sĩ quan thường làm mỗi khi trình diện với thượng cấp.
Loan và Phượng trố mắt nhìn Phi tủm tỉm cười. Vị Đại tá lại tỏ vẻ ngạc nhiên trước sự có mặt của Phi. Ông hấp háy con mắt rồi cau mày nghĩ xem có chuyện gì không. Giữa lúc đó Toàn phải nhảy vào cản tay Phi bằng cách giới thiệu:
- Thưa ba, anh Phi là bạn của con.
Vị Đại tá “à” khẽ một tiếng rồi giơ tay mời Phi:
- Ngồi chơi.
Nói rồi ông quay vào trong nhà. Phi vẫn đứng im như khúc gỗ. Phượng cười khúc khích, Loan nhìn Phi bằng ánh mắt thân mật mừng rỡ. Toàn thân mật vỗ vai Phi:
- Mời anh ngồi chơi. Hồi này trông anh đen và khỏe ra nhiều.
Quả thật lúc này Phi bỗng cảm thấy ngượng ngùng. Chàng không ngờ cuộc đến thăm của Loan lại có thể... phức tạp và khó chịu đến như thế này. Chàng tưởng rằng chỉ nên làm mặt giận Loan thôi, ai ngờ bây giờ chàng giận thật. Chàng cố tỏ thái độ lễ phép nói với Toàn thật mỉa mai:
- Cảm ơn anh. Anh cho gọi tôi có chuyện gì?
Toàn sững người, chàng liếc nhìn nhanh sang Loan và Phượng. Loan biết ngay là Phi giận, nàng bỗng cảm thấy lo sợ và ngượng ngập. Phượng thì vui cười hồn nhiên như không, nàng đưa tay lên bắt chước Phi chào theo kiểu nhà binh và trình diện:
- Sinh viên sĩ quan Nguyễn Kim Phượng Đại đội 3 Tiểu đoàn 1 trình diện...
Nói rồi Phượng lại cười khanh khách. Nhưng cử chỉ đó của Phượng chỉ được Phi trả lời bằng một cái nhếch mép.
Loan vội tiến đến bên Phi:
- Xin lỗi anh, Loan tới trễ, xe bị hư, bọn này còn bị ướt nữa nên lên tới là vào đây ngay không đến thẳng đằng trường kiếm anh được. Muốn gặp anh gấp để anh đừng mong nên anh Toàn kêu điện thoại vào trường nhờ phòng trực kiếm anh dùm.
Phi nhìn Loan vài giây, cái nhìn đầy thiện cảm nhưng thái độ vẫn lễ phép lạnh nhạt:
- Vì vậy nên tôi phải vận quần áo đến trình diện ngay, không dám trễ một phút.
Khuôn mặt Loan hiện rõ vẻ buồn khổ. Toàn cúi xuống xếp mấy chiếc gối màu trên mặt đệm salon, chàng mời Phi một lần nữa:
- Anh ngồi chơi đây đi anh Phi. Chắc là anh chưa ăn cơm, tiện gặp bữa, anh ăn luôn với chúng tôi cho vui nhé?
Mặc dầu đang đói nhưng Phi cũng từ chối:
- Cảm ơn anh, tôi vừa ăn rồi.
Nói rồi Phi xoay người ngồi xuống ghế một cách miễn cưỡng. Loan kéo chiếc ghế nhỏ ngồi sát bên Phi, tiếng nàng nhỏ và ấm:
- Anh giận Loan vì chuyện đó à?
Phi ngồi im, hai bàn tay nắm lại với nhau; vài giây sau Phi lên tiếng:
- Không.
- Anh nói dối, Loan biết mà, Loan xin lỗi anh. Trò đùa nghịch này là tại anh Toàn và Phượng, chứ Loan không hề có ý kiến gì trong việc này.
Toàn nhìn Phi và Loan rồi mỉm cười bỏ vào trong nhà. Phượng cũng bắt chước Loan kéo ngồi sát xuống bên Phi, tiếng nàng nhí nhảnh:
- Ông sĩ quan ở trong phòng trực đi kiếm anh phải không? Anh Toàn đùa giai quá nên làm ông ta hoảng hồn, líu cả lưỡi lại. Anh Toàn ra hẹn có mười lăm phút phải kiếm được anh để ra trình diện với Đại tá.
Phi cũng mỉm cười, nhưng kỳ thật tự trong lòng Phi cảm thấy bực bội đau buốt. Dù ở đâu, trong quân đội vẫn chưa tránh hết được những cảnh đau lòng tương tự như thế này. Bất cứ một “gia nhân” nào ở nhà một “ông lớn” cũng có thể làm tàng với một số người quen sống với những lo âu sợ sệt ở một vài cơ quan, nhất là cơ quan đó chính người có trách nhiệm chỉ huy. Những gia nhân hách hơn người chỉ huy, hiện tượng đó là thường, Phi hiểu rõ điều đó và chàng buồn tủi hậm hực không phải là vô lý. Chàng cũng không tin rằng một người như Toàn lại ỷ thế là con vị Đại tá để mà hống hách xằng. Chàng cho là trong một phút cao hứng Toàn đùa nghịch một cách vô ý thức thế mà thôi. Tuy vậy chàng vẫn không tránh khỏi bực bội, chàng nói khẽ:
- Giá anh Toàn đừng làm như vậy thì tốt hơn.
Phượng vẫn cười khanh khách:
- Anh bị ông sĩ quan trực hối thúc cho cuống lên bây giờ anh cáu phải không?
Phi lắc đầu:
- Không phải vậy. Ông sĩ quan trực không hiểu chuyện gì nên đi kiếm tôi để rồi gây sự với một người bạn của tôi. Câu chuyện không đẹp tí nào. Tôi sợ khi tôi đi rồi hai đứa đánh lộn ở trong đó.
Đôi mắt Loan tròn lên:
- Sao vậy? Có chuyện đó thật à?
- Tôi nói dối làm gì!
Cho đến phút này Phượng vẫn còn cười; nàng cho rằng Phi nói dối để “quan trọng hóa” câu chuyện nặng nề thêm cho Phi có cớ để giận thêm. Phượng hấp háy con mắt tỏ vẻ không tin. Phi bực mình nói phăng hết mọi chuyện từ lúc chàng ngồi dưới câu lạc bộ đến lúc Tân và gã sĩ quan trực gây lộn với nhau ở phòng trực cho đến lúc chàng lên xe ra đây.
Vẻ mặt Loan hối hận và lo lắng:
- Bây giờ làm thế nào, anh?
Phi nhún vai xòe hai bàn tay:
- Làm thế nào bây giờ! Chỉ có cách là tôi phải trở về trường ngay để kéo Tân đi cho yên.
Phượng nêu ý kiến:
- Không cần, lại nhờ anh Toàn kêu anh bạn của anh ra đây luôn cho tiện.
Phi lắc đầu quầy quậy:
- Chuyện gì chứ chuyện đó thì không nên đùa lần thứ hai.
Loan bối rối:
- Hay là anh về trường ngay đi rồi ra đây?
- Có lẽ nên thế lắm.
Phi đã toan đứng dậy thì Toàn mang đĩa bánh ra đến nơi, Phượng nói ngay bằng một giọng nửa thú vị nửa lo sợ:
- Anh có biết chuyện anh gọi điện thoại vào trường gây phiền phức cho bao nhiêu người không? Suýt nữa thì xảy ra hai vụ đập lộn.
Mắt Toàn cũng tròn xoe lên, Phượng lại tiếp tục kể hết lại mọi chuyện xảy ra giữa Phi, Tân và người hạ sĩ quan trực.
Toàn cúi đầu ân hận:
- Tôi thành thật xin lỗi anh và các bạn anh. Đáng lẽ tôi không nên đùa như thế.
Phi cầm mũ đứng dậy:
- Tôi phải về coi xem ra sao.
Toàn và Phượng, Loan cùng đứng im. Phi xoay người theo động tác “cơ bản thao diễn” rồi đi nhanh xuống bực thềm. Ba người khúc khích cười. Đi hết con đường lát gạch ra đến cổng Phi mới chợt hiểu tại sao bọn Toàn lại cười như vậy. Chàng đã quen cái thói quen của một sinh viên sĩ quan mỗi lần quay trái, quay phải, quay đằng sau đều phải dùng những động tác đúng theo khuôn phép mẫu mực này. Phi chợt thấy nóng mặt, chỉ muốn chạy trốn ngay khỏi nơi này. Nhưng khi lên xe, chàng tự an ủi: “Chẳng qua méo mó nghề nghiệp một chút đâu có sao” và chàng giơ tay vẫy chào bọn Toàn đang đứng nhìn theo.