Chương 10
TRẬN CHIẾN

CỰC BẮC TCHÉPONE LÀO

     ể Trung úy Nguyễn văn Đường còn thấm ý ngồi cười, tôi lăn xe xuống bếp và đang loay hoay nhen lửa nấu nước châm trà, thì nhà trên có tiếng xì xầm, một giọng hỏi quen quen:
- Anh Vân làm gì dưới đấy?
Tôi quay lên thấy đám bộ đội, cũng gồm Tuất, Bình, Hồng và hai người nữa tôi chưa biết tên, đứng xớ rớ bên tấm phản. Tôi gật đầu và mỉm cười thay lời chào tổng quát.
Đường nói:
- Các anh đến sớm một tí là đã nghe được câu chuyện vui ông Vân kể.
Nguyễn Bình hỏi:
- Về vấn đề gì, Thủ trưởng?
- Chuyện Quảng Trị năm 72, lúc ta đánh căn cứ có tăng Mỹ, và vụ cây cầu sập ở huyện Mai Lĩnh?
- Có anh Vân kịch chiến nữa à?
- Thế!
- Rất tiếc chúng tôi bận giải quyết mấy ông Thượng xóm R’chai say sưa, chửi lộn suốt ngày.
Tôi xen vô:
- Này, Đại đội tôi đã đụng đại đội C7 nhiều lần lận. Lạ!
Chẳng ai lưu ý câu tôi nói. Tuất thì nhìn quanh căn nhà:
- Mấy thằng nhóc đi đâu cả, còn con bé nằm queo ngủ, trông tội nghiệp. Tôi có đem ít quà cho chúng.
Tuất vừa nói vừa mở bao cát lấy gói kẹo và hai thẻ bánh làm bằng nếp với đậu xanh, loại lương khô bộ đội Bắc Việt ăn thay cơm lúc hành quân không nấu nướng được. Món này tụi nhỏ thích lắm.
- Cám ơn Tuất. Hai đứa lớn đi mua hàng hợp tác xã dưới xóm từ chiều. Chắc các cháu ghé bà nội ăn cơm tối luôn rồi.
- Hợp tác xã ở đây bán các thứ gì?
- Thường thì gạo, khoai, bo bo, cá khô, mắm muối và dầu lửa… Đôi khi hàng tới tay người dân đã mục nát hết.
Trung úy Đường nói:
- Ngoài Bắc cũng thế. Các loại thịt tươi như thịt lợn mỗi tháng họ bán một ký. Vấn đề thực phẩm căng lắm!
Để mấy gói quà Tuất cho trên cái kệ ván xong, tôi nói:
- Trước kia thực phẩm thừa mứa. Ngày nay vải mặc cũng hiếm, loại thô thôi, năm sáu tháng mới thấy hàng về, và chỉ mua được vài thước, được áo thiếu quần, thiên hạ ngày càng rách bươm, thậm chí cái xà lỏn cũng chắp trước vá sau. Cơm ăn độn, hơn phân nửa là khoai sắn, bo bo. Ông nhà nước tính kiểu gì để nhân dân “điêu tàn” dữ vậy, anh Đường?
Anh sửa lại thế ngồi rồi nhếch môi:
- Chúng tôi quân đội không làm kinh tế!
Hồng xen vô:
- Chiến tranh mới chấm dứt, sao “no” kịp nhỉ?
- Hồng nói no tức no nê hay lo lắng?
- Thôi, bây giờ nói chuyện khác.
Gương mặt Thượng sĩ Tuất hớn hở:
- Hoan nghênh ý kiến Thủ trướng! Anh Vân có dự cuộc hành quân Nam Lào 1971 chứ?
Bình reo lên:
- Vụ Nam Lào, tớ chưa đi bộ đội, nhưng có xem phim tài liệu, hay lắm! Ngụy chết như sung rụng…
Tuất liếc mắt gườm Bình:
- Nói bừa? “Ngụy” thế nào?
- Hỏi anh Vân có dự hay không đã chứ!
- Cứ cãi bướng.
Nghe họ chỉnh nhau tôi cười:
- Không sao? Từ sau ngày giải phóng thiên hạ hay dùng, tiếng ấy gán cho những ai phục vụ chế độ cũ. Thoạt đầu nghe gọi vậy, tôi lấy làm khó chịu nhưng riết rồi quen. Vả lại, nếu “ngụy” thì 17 triệu dân miền Nam đều “ngụy”.
Chuyện hành quân Lào, lâu quá tôi quên chi tiết, chỉ nhớ đại khái. Hồi chiều anh Đường nói lính thích kể chuyện lính hơn chính trị. Đúng vậy! Nó hạp với chúng ta khi đề cập đến bao gian khổ, bao hy sinh của người chiến sĩ ngoài mặt trận dù cùng chiến tuyến hay đối nghịch. Tôi lại không rành chính trị, lãnh vực mà Pascal, một nhà hiền triết Pháp, đã ví như cái nồi hai quai, xách quai nào cũng được.
Làm chính trị phải tráo trở, tráo trở cả với chính mình, chứ quân đội thì không. Nhiệm vụ của người lính, lúc chiến tranh xông pha mặt trận bảo vệ đất nước, hòa bình, nếu còn sống, họ lui về đời thường.
Tôi nói không ngoài mục đích tỏ bày sự thán phục những ai vì lý tướng mà vào sinh ra tử, cái lý tưởng dù đã một thời chúng ta không chung cùng. Sự khác biệt chắc hắn do nhiều nguyên nhân, chủ yếu từ thế giới bên ngoài. Gần đây, một vị lãnh đạo chính phủ cho rằng cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc vừa qua chẳng bên nào thắng hay thua, chỉ có nhân dân Việt Nam thắng. Tôi nghĩ khác, nhân dân mới ra khỏi sức ép giữa hai thế lực ngoại bang, một bên tiêu biểu Mỹ, một bên Nga Tàu. Họ đã khôn khéo khai thác lòng yêu nước, đức hy sinh của chúng ta để lôi kéo chúng ta vào vòng tranh chấp quốc tế và đất nước Việt Nam là một chiến trường họ đọ sức, thử nghiệm vũ khí, nhất cử lưỡng tiện. Không hiểu sự nhận định này có mâu thuẫn?
Khi nhắc đến mấy cuộc hành quân tôi tham dự trước đây, các anh miễn chấp một số từ tôi lặp lại nguyên văn đã diễn ra cùng sự kiện lúc đó. Vậy mới trung thực và lý thú…
Nói tới đó tôi ngưng, lấy cớ hớp miếng nước để xem phản ứng. Các anh bộ đội cấp nhỏ nghe tôi yêu cầu, họ như tê liệt, nghẹt thở. Tuất và Bình đưa mắt nhìn nhau. Trung úy Đường Sư đoàn thép, thủ phạm phá sập cầu Bến Đá, tạo ra “Đại Lộ Kinh Hoàng” Quảng Trị 1972, thì cầm điếu Tam Đảo thổ nhẹ trên mặt bàn cho thuốc chặt rồi bật lửa đất hút. Anh hít mạnh một hơi làm hai gò má lõm vào, khiến khuôn mặt vốn xương xẩu càng nổi thêm u cục. Anh nheo mắt nhả một luồng khói xong anh nói:
- Ý kiến tôi thế này. ông Vân bảo ông không rành chính trị nhưng nghe cách nói rất bài bản hơn các nhà chính trị nữa. Việc dùng từ không sao miễn đừng bôi bác. Chúng ta chỉ nói chuyện chơi, trao đổi kinh nghiệm. ông Vân cứ tự nhiên.
- Quý anh dễ dãi là vui rồi, còn lời khen của anh Đường tôi không dám nhận. Hôm nay tôi hân hạnh được nói chuyện với bộ đội Sư đoàn 304, đại đơn vị mà ngày xưa tôi đánh giá rất cao về kỹ thuật tác chiến, như các binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, Dù, Biệt Động miền Nam vậy. Tôi thích bàn qua lãnh vực này hơn.
- Đồng ý. Tôi chỉ thắc mắc một điều, trước đây nhiều anh chế độ cũ bị bất ở mặt trận, khi hỏi thì họ ngang tàng trả lời: “Thích đánh giặc nên đi lính, không quan tâm đến chính trị”. Tai sao thích đánh giặc nhỉ? Mà lại chiến đấu kiên trì nữa.
- Dễ hiểu thôi. Để tôi nói có đúng không. Nhân dân cũng như quân đội miền Bắc mỗi lần học tập một vấn đề nào đều được nhấn mạnh miền Nam bị Mỹ xâm lược và chúng tôi là lính đánh thuê, để hun đúc lòng căm thù. Do đó, chúng tôi buộc phải lâm vào cuộc chiến tự vệ, chống sự thôn tính của quân đội miền Bắc. Tôi dùng hai tiếng “thôn tính” chắc các anh không hài lòng, vì ngày 30-4-1975 vừa qua đã đánh dấu sự thành công là “giải phóng” miền Nam thống nhất đất nước. Ngày ấy có đủ ý nghĩa hơn, dân tộc tính, nếu các anh không mang sứ mạng của những người Marxist, đừng bắt nhân dân sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa vô sản xa lạ thế này…
Vì hiểu được lý lẽ nên người tỉnh miền Nam chúng tôi đã chiến đấu, thi hành bổn phận công dân làm chính sự, không chính trị, và kiên trì là vậy.
Đường bị đưa vào thế kẹt, không thể nghĩ tôi có tư tưởng phản động, bài bác, phủ nhận cái kết quả mà Cộng Sản Việt Nam cho là vinh quang nhất. Anh tỏ vẻ bực bội:
- Riêng anh thì chúng tôi vào đây dưới danh nghĩa nào?
Để làm dịu bớt tôi đáp:
- Tôi chỉ nói theo dư luận lúc bấy giờ.
Tuất với nét mặt thản nhiên xen vào:
- Thôi đủ rồi, chúng ta xoay qua vấn đề khác.
- Okay!
Bộ đội Bình xọt ngang sửa lưng tôi:
- Úi giời, tiếng Mỹ nữa.
- Xin lỗi, tôi quen miệng thôi. Cũng vì tiếng “OK” đó, mà ông Trung tá Mai, Trung đoàn trưởng của các anh, chỉnh nhẹ tôi một lần.
Đường hỏi:
- Anh quen ông Mai à?
- Sức mấy được quen ổng. Cách đây vài tuần, nhân dịp từ Tùng Nghĩa về Đại Ninh, khi chạy ngang qua đây, chợt thấy con bé Thảo tôi dễ thương, ngồi vọc đất chơi một mình bên lề đường trước sân, ông dừng xe Jeep, xuống bế nó vào nhà, tiện thể hỏi thăm gia đình tôi. Do đó, tôi mới biết tên ông, và tự nhiên tôi nhớ đến một tin đồn vào những ngày cuối tháng 3/1975, chiến cuộc miền trung sắp kết thúc, là có một trung đoàn trưởng Việt Cộng tên Mai, đem quân về giải phóng nơi chôn nhau cắt rốn của ông để cứu mẹ già ở Nam Ô, một ngôi làng sống nghề chài lưới ven biển, kế Liên Chiểu dưới chân đèo Hải Vân. Cái tin thoạt nghe như một cốt truyện bi hùng được tóm lược từ một cuốn tiểu thuyết chiến tranh. Nghe tôi nói vậy, ông Mai có vẻ cảm động.
Câu chuyện thực hư ra sao tôi không rõ vì thời gian đó tôi còn nằm bệnh viện. Sau buổi gặp gỡ đầu tiên giữa hai người cùng quê hương lại khác nhau hai chiến tuyến, ông hay ghé đây thăm bé Thảo mỗi lần đi công tác ngang qua. Một hôm, biết tôi hết xăng chạy chiếc Honda ba bánh, ông rút cho hai lít, và dặn cẩn thận kẻo bắt lửa cháy nhà. Tôi vô tình trả lời: “Okay”. Ông Mai gườm tôi: “Cậu quên à, Mỹ đã cút về nước rồi nhé”. Tôi chỉ biết cười trừ.
Hôm rày bố Mai của Thảo không tới. Hình như con bé có ý mong đợi… những phong bánh “lương khô”. Chắc ông bận, chuẩn bị ra Bắc tranh cử dân biểu quốc hội. Và…
- Và… đừng quên kể tiếp chuyện hành quân Nam Lào cho chúng tôi nghe.
Tuất nhắc khéo làm cả bọn phá lên cười.
- Hạ Lào, bên các anh hay gọi là Nam Lào, một vùng đất bao la, núi non trùng điệp hiểm trở, thuộc quận Tchépone, Savannakhet, giáp quận Hương Hóa, với đèo Lao Bảo, phía tây Quảng Trị. Con đường mòn Hồ Chí Minh từ bắc vô nam, uốn khúc khi ẩn khi hiện giữa rừng già âm u ma quái, xuyên qua Vương Quốc Ai Lao.
Nơi đó đã diễn ra một trận chiến thế kỷ, không những đã làm kinh hoàng những ai tham dự, mà ngay cả kẻ bàng quan ngoại cuộc cũng phải rúng động. Mức độ giết hại con người quá khủng khiếp. Với số bom đạn khổng lồ rải dưới đất lẫn trên không thì sự chết như thúc lại một khoảng thời gian thực tế ngắn ngủi 30 ngày, từ lúc đổ quân ngày 8/2 tới khi rút về 7/3/1971, mặc dù Tổng Thống Richard M. Nixon Hoa Kỳ ký lệnh hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào ngày 23/12/1970, trước một tháng rưỡi.
Những người sống sót từ trận chiến, sau về hành quân nội địa, trở thành những tay súng thiện nghệ và can trường hơn…
Bộ đội Bình trề môi:
- Tại sao Nít-xơn ký lệnh, miền Nam thi hành? Chúng tôi chiến đấu vì lý tưởng dân tộc, khỏi cần sau lần chết hụt ở Lào mới thiện nghệ trong nước.
Thượng sĩ Tuất cằn nhằn Bình:
- Để nghe đã!
- Anh Vân nhận xét sai tớ bổ khuyết chứ!
- Đồng ý nhưng sai chỗ nào? Đánh nhau kinh hồn như thế ai không rút kinh nghiệm?
Dù biết anh chàng đã một lần đào ngũ chuồn về Bắc, tính ưa vặn vẹo, tôi vẫn rào đón:
- Chúng ta đã đồng ý không để chính trị xen vào. Tôi chỉ đề cập tới bản năng sinh tồn lúc lâm nguy, nên kể một cách trung thực vậy.
- Ừ, kể chuyện vui thôi!
Ý của Trung úy Nguyễn văn Đường nhắc nhở chung mọi người tránh va chạm. Tôi gật đầu:
- Hồi đó, trước vụ Hạ Lào, tôi còn mang lon thiếu úy. Sau sáu tháng làm trung đội trưởng trung đội Biệt Động biệt phái nhảy viễn thám cho Sư đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, Bộ Tư Lệnh đồn trú trên khu đồi Phước Tường Đà Nẵng, tôi được gọi về làm phụ tá ban 3 Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân. Một buổi sáng, khoảng cuối tháng 1/1971, hình như ngày 30 Tết ta, tôi có lệnh đi du học một khóa “Rừng Núi Sình Lầy” ở Mã Lai, nhưng vì tôi vắng mặt, vọt ra phố chơi, Tiểu đoàn trưởng tức giận, cử sĩ quan khác thay thế. Chiều trở vô thì tôi thấy toàn bộ Liên đoàn 1 Biệt Động Quân bị cấm trại trăm phần trăm rất ngặt. Tất cả lính tráng trong khu gia binh, hoặc đang rong chơi khắp hang cùng ngỏ hẻm, nghe tin, đã vội vã kéo nhau vào hậu cứ tập họp với ba lô súng đạn đầy đủ.
Thoạt đầu, anh em tưởng việc cấm trại là chuyện thường mỗi dịp Tết đến, chỉ đề phòng Việt Cộng tấn công bất ngờ, như vụ Mậu Thân 1968. Có lẽ năm nay cũng vậy, quân đội sẽ làm như đầu xuân Kỷ Dậu 1969, các đơn vị tác chiến cẩn thận hơn, lớp tung ra hoạt động quanh khu vực, lớp túc trực tại chỗ, sẵn sàng ứng phó. Do đó mà Biệt Động Quân đã kịp đánh bật mấy “ổng” khi vừa chiếm một số vị trí trong quận Hòa Vang, Quảng Nam. Anh em suy luận lung tung như vậy.
Nhưng lần này, sinh khí lại khác thường, các phố phường Đà Nẵng rất xôn xao, ngay Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn, cấp cao nhất vùng I, cũng nhộn nhịp. Nhiều người hồi nào giờ mang tiếng đi lính chứ mặt mũi trắng phau, áo quần thẳng nếp, đôi giày đen bóng, chưa từng bắn một viên đạn, bỗng đeo súng, đội nón sắt, giắt lựu đạn đầy mình, có kẻ khoác thêm cái áo giáp dày cộm, trông giống lính La Mã cổ xưa, làm như giặc đã tới sát nách rồi.
Dĩ nhiên, cỡ sĩ quan nhỏ tụi tôi thì mù tịt, chỉ cấp lớn biết trước chuyện gì xảy ra, nếu hành quân thì ở đâu, nhưng mấy ổng quá kín đáo. Rồi nửa đêm đó mọi người bỗng thấm buồn, không kịp từ giã vợ con, bạn bè, lệnh tức tốc lên xe, trực chỉ hướng đèo Hải Vân, trong lúc tiếng pháo giao thừa đón xuân Tân Hợi vang rền sau lưng.
Thấy hướng đi Huế, lòng tôi càng nôn nao. Lâu lắm, nay mới có dịp trở lại kinh thành thơ mộng thuở còn học trò, với những buổi chiều đa tình đứng ngắm các suối tóc buông thề, những tà áo thiên thanh trên con đò Bến Ngự… Nhưng không, đoàn xe xuyên qua cố đô giữa màn đêm trừ tịch, đến Quảng Trị, Đông Hà, rồi theo quốc lộ 9 vòng lên Cam Lộ, Khe Sanh còn nực mùi lửa đạn…
Ngại mấy anh bộ đội này tự ái, tôi không nói rõ lửa đạn ở đây là của các chiến sĩ Tiểu đoàn 37, thuộc Liên đoàn 1 Biệt Động Việt Nam, với Trung đoàn 26 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, trong trận đẫm máu tử thủ bảo vệ căn cứ Khe Sanh, từ cuối tháng Giêng đến đầu tháng Tư 1968. Đơn vị Thiên Thần Mũ Nâu 37 cùng 6.000 lính Mỹ đã dũng cảm đánh trả cuộc tấn công quy mô của quân Bắc Việt từng giờ từng phút. Qua báo chí thì lúc bấy giờ tại Hoa Thịnh Đốn, vị tổng thống thứ 36 của nước Cờ Huê, Lyndon B. Johnson, đã mất ăn mất ngủ, vì số thương vong khá cao và nhiều lý do khác.
Khe Sanh, thuộc quận Hương Hóa, hướng tây Quảng Trị, gần biên giới Lào Việt, là cửa ngõ rất trọng yếu địch thường xâm nhập các tỉnh địa đầu miền Nam. Nếu chúng đã không bị giết tại chỗ ngót mười ngàn tên khi đem bốn sư đoàn gồm 304, 320, 324, 325 cùng thiết giáp vây hãm Khe Sanh thì thế giới bên ngoài chưa biết rõ địa danh lịch sử ấy với sức chiến đấu kỳ lạ của Biệt Động Quân Việt Nam như thế nào…
Tôi kể tiếp:
- Kế đó các đơn vị xuống xe tại Cà Lu, chờ các quân binh chủng tề tựu. Tôi nhớ lúc sắp xếp chia toán, cứ 8 người sẵn sàng để lên một chiếc trực thăng, Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Quân đoàn I, xuất hiện. Ông đứng trước hàng quân chúng tôi, sau đôi phút diễn giải về tầm mức quan trọng của các điểm hậu cần bên Lào cung ứng phương tiện chiến tranh cho Cộng Sản Bắc Việt xâm chiếm miền Nam, ông cầm cây can chỉ qua hướng tây Tchépone, Savannakhet, rồi hạ lệnh:
- Bây giờ Biệt Động Quân tiên phong nhảy vào sào huyệt tiêu diệt chúng. Khoan cho báo chí biết. Chúc các anh thành công, hoàn tất nhiệm vụ!…
Dứt lời, ông cùng đám tùy tùng lên chiếc UH-IB đậu sau lưng, cất cánh bay lui.
Giữa giờ phút, đơn vị đang lêu bêu trong rừng, núi bọc tứ bề, làm gì có phóng viên cơ quan truyền thông nào, mà ông bảo khoan cho biết. Chính lúc đó chúng tôi mới rõ cuộc hành quân này đánh qua Lào, gọi là “Lam Sơn 719″.
Một cố vấn Mỹ của Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân, trước khi về Bộ Tư Lệnh Tiền Phương đặt ở Khe Sanh, nói với Đại úy Nguyễn văn Gio, Trưởng ban 3, chuyến hành quân ngoại biên này, người Mỹ không tham dự dưới đất, chỉ làm nhiệm vụ không yểm, vận tải và hỏa lực. Nghe nói ai cũng rầu vì sẽ gặp nhiều khó khăn gian nguy, cũng có thể lấm anh em ra đi không ngày về…
Trung úy Đường thắc mắc:
- Anh thử giải thích tại sao khó khăn khi Mỹ không tham dự trực tiếp dưới đất?
- Xưa nay, các đơn vị tác chiến, từ tiểu đoàn trở lên luôn luôn có ban cố vấn Mỹ bên cạnh bộ chỉ huy, để khi cần tới, họ đáp ứng ngay các nhu cầu khẩn cấp như phi pháo, tiếp tế, tải thương… Cuộc hành quân xứ người chắc sẽ ác liệt, thiếu họ thì chúng tôi phải gọi máy qua nhiều giới chức trung gian, đi vòng vòng, mọi việc trễ nải.
Quan trọng chứ, có mặt người Mỹ, khi lâm trận, việc cứu nguy rất nhanh chóng. Vì cái nguy nó cũng tới với họ. Tôi sẽ nói tại sao một trung đoàn các anh, nếu tôi nhớ không lầm là Trung đoàn 18 Biệt Khu Thủ Đô Hà Nội, vây đánh suốt mấy ngày đêm vẫn không tràn ngập nổi Tiểu đoàn 39 Biệt Động Quân chúng tôi tại căn cứ Ranger Nanh, cực bắc Tchépone, trên một chặng đường mòn Hồ Chí Minh.
- Ừ, chúng tôi cần biết chứ!
- Trước hết, trực thăng từ Cam Lộ vào bốc Tiểu đoàn 21 Biệt Động đổ xuống dãy đồi ngay trên biên giới Lào Việt, có tên Động A Hai, kế Tà Bạt, phía bắc đèo Lao Bảo, nơi đây ngày hôm sau Bộ Chỉ Huy Liên đoàn 1 và Tiểu đoàn 37 Biệt Động thiết lập căn cứ, đặt tên “Phú Lộc”, là để chỉ huy cánh quân Mũ Nâu.
“Phú Lộc”, địa danh một xã thuộc quận Hòa Vang Quảng Nam, cách Đà Nẵng 15 cây số, cũng là tên hậu cứ BCH Liên đoàn 1 Biệt Động Quân với hai Tiểu đoàn 21 và 37, riêng 39 ở Miếu Bông, gần Cẩm Lệ, xã Hòa Phước.
Mặc dù Động A Hai, Tiểu đoàn tạm dừng quân qua đêm, còn êm ả, chưa có sự phản ứng nào của đối phương, chỉ thỉnh thoảng vài loạt đại bác do quân bạn dưới Khe Sanh bắn quấy rối quanh vị trí, nhưng cái lạnh cắt da từ xứ Lào lùa sang làm chúng tôi không ngủ được. Anh em phải đốt lửa thâu đêm và ngồi nhìn rừng núi đầy sương mù.
Rồi, sáng sớm hôm sau, ngày 8-2-1971, bắt đầu sấm sét, bom đạn đã nổ tung khấp vòm trời phía đông nước Lào, mục đích để làm sạch các bãi đáp cho đoàn quân viễn chinh. Tiểu đoàn 21 Biệt Động lên trực thăng tiên phong nhảy vào từng đợt xuống một khu đồi thấp, kế đầu con sông Sésamou, phía bắc Tchépone Savannakhet, cách biên giới Việt Nam gần 10 cây số.
Lập tức các cây phòng không 12ly8, 37ly của đối phương, như đã mai phục sẵn trên các triền núi quanh vùng, đồng loạt bắn rạt xuống. Rất may, đợt đầu đổ quân không một UH-IB nào thiệt hại. Tiếp theo, đại bác 57 với 75ly không giật cũng tới tấp trực xạ ngay giữa đội hình Biệt Động Quân đang dốc toàn lực tiến chiếm ngọn đồi cao 300 mét hướng tây. Cấp chỉ huy kêu phản pháo không xuể, vì ngày đầu tiên bên đất Lào, chưa thiết lập hai căn cứ hỏa lực 30, 31 của binh chủng Dù ở phía đông nam và tây nam, chỉ một Tiểu đoàn 64 Pháo Binh 105ly từ “Phú Lộc” biên giới và các máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ yểm trợ, nên Cọp Rừng 21 chết và bị thương khoảng 20 người.
Sự thiệt hại nặng nề ấy, một phần do âm thanh các phản lực cơ Phantom, Cobra cùng với bom đạn nổ chát chúa, lấn át khiến mũi tiên phong không nhận biết được tiếng départ của các loại vũ khí Cộng quân nã tới từ đâu. Tụi tôi cứ tưởng máy bay Mỹ bắn lầm, nên chửi thề các tướng “đem con bỏ chợ”. Các xác chết và thương binh được mang theo, trèo đèo vượt suối đôi bên chưa chạm mặt.
Rồi cũng dập tắt bớt các họng súng đối phương, đơn vị tôi lên chiếm một ngọn đồi cao 300 thước làm căn cứ chiến đấu đầu tiên của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trên đất Lào…
Trung úy Đường nhìn tôi:
- Anh có biết bao nhiêu quân miền Nam dự trận ấy?
- Anh đoán thử, chứ tôi không rõ con số chính xác.
Đường gật gật cái đầu:
- Khoảng 20.000 người.
- Nếu vậy, thì mới bằng hai phần ba con số bên phía anh tham chiến, gồm các Sư đoàn 304, 308, 320, 324B… Chưa kể tăng thiết giáp, pháo binh, lực lượng hậu cần…
- Kể gì đám hậu cần, tu bổ đường sá… đấy!
Tôi cười:
- Lính tôi đụng rồi, họ đánh như điên!
- Thế Dù và lính thủy đánh bộ ở mặt nào?
- Mấy ngày đầu, vì phụ tá ban ba, tức ban hành quân, tôi thấy đại khái trên bản đồ của Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn 21, các binh chủng chủ lực khác cũng do máy bay Hoa Kỳ đổ hướng nam Biệt Động Quân. Lấy quốc lộ 9 làm chuẩn cho dễ hiểu. Con đường này từ Đông Hà đâm ngang Cà Lu xuyên qua đèo Lao Bảo nơi biên giới, rồi thẳng vào tây, đến trung tâm quận Tchépone, tỉnh Savannakhet.
Như tôi nói lúc nãy, Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân chúng tôi bị tống sang Lào trước hết, nhằm mục đích thử nghiệm để xem lực lượng các anh ở mức nào. Hồi đó có tin đồn rằng kế hoạch cuộc hành quân Lam Sơn 719 đã lộ. Chắc do vậy mà mãi đến hai ngày sau các binh chủng bạn mới được tung vào mặt trận. Một cách tổng quát thì:
Cặp theo con lộ 9, phần đất Lào, nhiệm vụ của Sư đoàn 1 Bộ Binh, có Lữ đoàn 1 Thiết Kỵ yểm trợ, nỗ lực chính tiến đánh Tchépone. Bên hông phải, tức hướng bắc của Bộ Binh là Lữ đoàn 3 Dù, gồm pháo binh cơ hữu, thêm một pháo đội 155ly của Tiểu đoàn 44 Pháo Binh tăng cường, lập hai căn cứ hỏa lực 30, 31. Phía cực bắc do hai Tiểu đoàn 21 và 39 Biệt Động án ngữ, chặn Cộng quân tiếp viện theo đường mòn Hồ Chí Minh tiến vào. Ngoài ra, có một Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến là thành phần trừ bị, nằm đói meo râu ở mạn nam đèo Lao Bảo.
Tất cả dưới sự chỉ huy của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân đoàn I đặt tại Khe Sanh…
Bộ đội Hồng nãy giờ ngồi im lặng bỗng nổi lên cười:
- Anh Vân vừa nói bọn lính thủy đánh bộ “đói meo râu”. Hết thức ăn à?
Nghe thằng ngáo hỏi, tôi bật cười:
- Ừ tụi Cọp Biển ghê lắm, Hồng! Thường thường tụi nó đi tìm mồi để vồ. Cuộc hành quân Lào bị bắt nằm yên một chỗ, chờ xong chuyện rồi mới vọt qua biên giới nên chả đớp được các anh một mống nào, không đói meo sao được?
Cả bọn trố mắt nhìn tôi. Tuất xen vô:
- Tôi thắc mắc một điều, việc gì cũng do Mỹ quyết định, còn ông Thiệu?…
Gặp dịp Bình lại xen vô nói móc:
- Chúng ta thừa hiểu Mỹ điều khiển toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược, lấy Việt Nam làm lò sát sinh. Thiệu bù nhìn, tay sai thôi!
Nói xong, anh chàng ngả lưng lên đống gối mền trên đầu tấm phản, miệng phì phà điếu thuốc. Tính hắn thích câu mâu mà tốt, tuy nhiên tôi vẫn không ngại quạt nhẹ:
- Còn ngoài Bắc, nào Liên Sô, Trung Quốc thì sao? Nước chậm tiến nào không bị ảnh hưởng ngoại bang?
Bình bật ngồi dậy, nêu dẫn một vấn đề:
- Anh Vân không biết đấy, Hà Nội đã xảy ra chuyện một cán bộ Trung Quốc bị bắn chết toi, chỉ vì nó ném cái nón cối có gắn quốc huy Quân Đội Nhân Dân Việt Nam của một anh bộ đội xuống đất lúc cãi nhau. Phải biết tự ái dân tộc, không để ai xúc phạm đến danh dự tổ quốc…
Dứt lời, Bình lại nằm xuống với thái độ bực tức. Trung úy Đường tỏ ra không hài lòng người lính của ông:
- Bình chuyển sang vấn đề khác rồi! Hãy tập trung nghe chuyện Lào.
Tôi thản nhiên tiếp tục:
- Ngày đầu tiên, tuy cô quạnh, vị trí đóng quân của chúng tôi vẫn còn yên tĩnh, chẳng có gì để gọi là chiến trường đẫm máu. Như thường lệ, lính tráng chỉ lo đào hầm hố cá nhân rất kỹ và một giao thông hào sâu ngang bụng, chạy vòng quanh bờ tuyến. Bên ngoài, gài chằng chịt các loại mìn Claymore, soi sáng, tựu đạn… và đặt nhiều tiền đồn, cũng như chấm sẵn các điểm quấy rối lẫn tiên liệu để khi cần yểm trợ, pháo binh bắn chính xác, nhanh chóng. Xong, Tiểu đoàn tung ra xa vài trung đội đi lục soát dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh ngoằn ngoèo sát dưới chân đồi căn cứ, từ bên hướng đông bắc vòng qua phía tây nam.
Ngày thứ nhì, 9-2-1971, hệ thống phòng thủ tiếp tục được tu bổ, chỉ bồi đắp thêm những chỗ còn mong manh, nên anh em thư thả, kẻ đứng hút thuốc, người ngồi nhìn rừng núi âm u nơi xứ lạ, thì bỗng có hai trực thăng xuất hiện ở hướng đông biên giới, sắp ngang qua trên đầu căn cứ Ranger South Biệt Động chúng tôi. Cả hai nối đuôi nhau có khuynh hướng như muốn bay thẳng vào tỉnh Savannakhet. Thấy lạ, tôi nói các sĩ quan bên cạnh: “Kìa, sao hai con chuồn chuồn bay khơi khơi vậy không sợ phòng không bắn à?”. Quả thật, đâu mấy phút chiếc trước nổ tung như xác pháo. Chúng tôi lại hồi hộp cho chiếc kế, mong nó vòng lui, nhưng không, nó cứ ung dung… rồi cùng chung số phận. Hai chiếc đều rơi xuống một triền núi cách căn cứ Tiểu đoàn 21 Biệt Động hai cây số, hướng tây (phương giác 5200). Sau nghe tin, trên một trong hai trực thăng có một thiếu úy Biệt Động. Vì có một sĩ quan mũ nâu trong tai nạn, nên tôi nghĩ họ cất cánh từ dưới Đông Hà hay Khe Sánh vào căn cứ Phú Lộc ở biên giới, rồi bay quá lố qua Lào. Hoặc Phú Lộc về hướng 3 giờ, phương đông, nhưng bay nhầm ngược chiều 180 độ hướng 9 giờ, sang tây. Lạ thật! Lẽ nào thằng trước đui, thằng sau cũng mù luôn?
Tôi không rõ bao nhiêu người chết trong hai “đóm lửa ma trơi” đó, chỉ một điều tôi biết chắc họ là những kẻ bị loại khỏi vòng chiến đầu tiên trên không phận Lào của Lam Sơn 719.
Mấy cái chết bí ẩn ấy không làm chúng tôi nao núng, chỉ một thoáng buồn man mác. Rồi anh em lại reo lên khi thấy phía đông nam bốn cây số đường chim bay, căn cứ hỏa lực 30 của Lữ đoàn 3 Dù xuất hiện trên một đồi trọc. Vị trí mỗi lúc một trơ màu đất đỏ dưới ánh mặt trời. Và từ đó, những phát súng đại bác 155ly khởi bắn vào hướng tây, yểm trợ thiết lập tiếp căn cứ 31, gần A Lưới. Biệt Động Quân bớt cô đơn giữa núi rừng ngoại biên.
Tôi đang nhìn khoảng không gian có vẻ yên tịnh thì Trung úy Đỗ văn Nai, Đại đội trưởng Đại đội 4, mời tôi qua căn lều Bộ Chỉ Huy anh nhậu. Nói đến món lưu linh tôi chẳng mấy thích, nhưng vì cả nể, tôi đã “dzô” thẳng thừng một lon, loại đựng trái cây thập cẩm ration Mỹ bằng hộp sữa bò, đầy nhóc Hennessy. Rượu vào tôi say mềm đã đành, trời đất Lào hôm ấy cũng chếnh choáng luôn. Người lẫn vật như đá núi cỏ cây bắt đầu thi nhau lộn tùng phèo trong cơn… pháo? Cộng quân rót, rót rất đầy…không phải Hennessy, Cognac Pháp, mà 75ly không giật với 130 ly như mưa, làm bật tung hết hầm hố. Ai chết nằm tại chỗ, khổ nhất những anh bị thương, kêu la chí chóe, y tá băng bó không kịp, lớp thì lo đào xới kéo lên hết người này tới kẻ khác dưới các căn hầm sập.
Trong lúc rối ren, sĩ quan truyền tin Tiểu đoàn lại nhận tin từ chiếc phi cơ quan sát L19 Hoa Kỳ gọi cho hay Việt Cộng đang di chuyển đến gần chúng tôi. Lính tráng vội ùa ra giao thông hào sẵn sàng chiến đấu. Riêng tôi thì được lệnh xuống giữ chức vụ Đại đội phó Đại đội 2/21, đơn vị cũ của tôi trước ngày tôi biệt phái nhảy viễn thám cho Sư đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ 1969-1970. Trái với nhiều người cầu an, ở một nơi mà quân đội gọi là “núp bóng từ bi”, tôi lại mừng ra đại đội, dĩ nhiên gian nguy, trực tiếp cầm quân đấm đá, hơn làm cái công việc phụ tá ban 3 tù túng, và bên cạnh một ông tiểu đoàn trưởng Bắc kỳ khó tính, quan liêu Nguyễn Hiệp.
Đại đội 2 Biệt Động đang bao quanh mỏm đồi đông nam của căn cứ, thiếu sĩ quan trầm trọng, ngay cả đại đội trưởng, Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn cũng cử Trần Quang Giảng còn mang lon thiếu úy từ bên Đại đội 3 qua nắm quyền xử lý, chứ cấp số quy định phải là trung úy.
Tuy tốt nghiệp sĩ quan trước một khóa và dù bạn bè đồng lứa, thường chơi ngang nhau hằng ngày, nhưng vì bị đặt dưới sự chỉ huy, tôi phải đứng nghiêm trong tích tắc giữa lửa đạn mịt mù, đưa tay chào trình diện Thiếu úy Trần Quang Giảng, Đại đội trưởng. Ngày ấy, tâm trạng mọi người lính đều phập phồng lo sợ cảnh “đem con bỏ chợ” và khiếm khuyết đủ thứ, nên khi thấy tôi đến đáo nhậm đúng lúc rất cần thiết tại mặt trận, Giảng mừng reo lên:
-Trung đội 3 mới báo cáo bắn chết ba tên thu 3 khẩu AK và đốt cháy một kho đạn phòng không 37ly tại cộc số DC16, đường mòn Hồ Chí Minh. Tao bảo tụi nó tiếp tục lục soát.
Đám nhỏ lốc chốc mà bạo gan của Tiểu đoàn 21 mũ nâu, cùng cấp bậc một bông mai vàng, tụi tôi vẫn hay xưng hô tao mày, trừ phi trước hàng quân, có lính tráng.
Thấy trời đã gần tối, Giảng vẫn chưa cho lệnh Trung đội 3 rút vô, tôi đề nghị:
- Soát gì nữa, bảo tụi nó về Giảng ơi? Mình nằm tít ngoài này, nguy hiểm lắm?
Tôi vừa dứt lời thì súng nổ vang dưới trũng ở hướng đông trước mặt. Người truyền tin kế bên mở lớn volume, speaker của máy PRC-25 phát ra các tiếng gọi dồn dập.
Giảng đứng dậy hét:
- Thiếu úy Vân điều động Trung đội 3 vào, để tôi xin Bộ Chỉ Huy kêu pháo binh.
Tôi bắt ống liên hợp, bên kia đầu máy người chỉ huy vừa nói vừa thở hổn hển:
- Gio Linh, Gio Linh đây Ba Mươi! (Gio Linh là danh hiệu của Trần Quang Giảng).
Tôi đáp:
- Nghe rồi, Ba Mươi kéo hết về ngay, nghe rõ không!
Máy bỗng im lặng. Chắc người đối thoại ở Trung đội 3 đã quên giọng nói của tôi, nên nghi ngờ tôi là địch lọt vô tần số. Ngoài chiến trường hay xảy ra vậy. Tôi nói nhỏ nhưng nhanh hơn đủ để hiểu:
- Thẩm quyền Vẻ Vang (Thiếu úy Vân) của 3/2 ngày xưa đây nhớ chưa? Hiện là Đại Bàng phó. Lệnh Gio Linh bảo Ba Mươi rút về gấp!
Buộc lòng tôi phải nhắc nhở để họ nhớ tôi người chỉ huy cũ của Ba Mươi, tức Trung đội 3, hai năm trước. Bỗng Trung sĩ I Lê văn Châu, cựu học sinh Nguyễn Công Trứ Đà Nẵng thi rớt tú tài I, buồn đời tình nguyện đi lính, vào quân trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế Nha Trang, vừa nhận ra tiếng tôi, anh rống lên:
- Trình thẩm quyền Vẻ Vang! Ba Mươi đang chạm súng, hai “dài hạn”, và địch đang chặn đường…
Tôi giật mình:
- Anh em xuống ngay!
Tôi quay qua vị Đại đội trưởng:
- Trung đội 3 bị đánh, đã chết hai, cần tiếp cứu.
Thiếu úy Giảng vội trao ống liên hợp máy liên lạc Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn lại cho Huỳnh Sỹ truyền tin, rồi nói lớn:
- Thượng sĩ Nhơn cho “gia đình” vọt lẹ!
Th/sĩ Nguyễn Nhơn vội khoát tay, Trung đội 1 đang đứng dọc dưới giao thông hào phóng ra mỏm. Nhưng chưa gì súng đã nổ dữ dội, đạn từ đường mòn Hồ Chí Minh bắn thẳng lên. Qua cuộc điện đàm của Giảng, tôi nghe Nhơn báo cáo Trung đội của Th/sĩ Nhơn cũng bị một thành phần địch bám sát căn cứ chặn đánh. Như vậy Cộng quân đang ở giữa Trung đội 3 ngoài xa và sát bên bờ tuyến Đại đội 2. Chưa hiểu lực lượng đối phương có đông không, nhưng biết chắc họ dựa chúng tôi để tránh bom đạn, chờ dịp tấn công. Đại đội 3 mặt bắc cho hay có tiếng sột soạt địch đào hầm. Trời sắp tối, mìn bẫy lại gài chằng chịt, không thể ra lục soát được. Tôi đề nghị trình Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn gấp Việt Cộng đang nằm sát bờ tuyến nhưng Giảng chẳng nói năng gì hết, cứ mãi lo điều động hai thằng con 1 và 3 tháo lui.
Rồi hai trung đội tả tơi về được căn cứ và chưa kịp nghỉ, cơn pháo lại tới nữa. Lần này khiếp hơn, vẫn là đại bác 130ly, nhất là 75ly đều trúng ngay giữa căn cứ, nướng đỏ khu đồi. Nhiều căn hầm thêm một phen sập bẹp. Dứt pháo, anh em phải đào lôi đồng đội lên, cứ thế, việc làm giống như người ta hốt cốt cải táng.
Nhưng địch chẳng để yên, bắt đầu tấn công. Dĩ nhiên Biệt Động Quân chống trả mãnh liệt, dưới vòm trời sáng rực hỏa châu do máy bay C47 của Mỹ thả liên tục, và hàng ngàn đạn, cối 60ly, 81ly cơ hữu cùng đại bác l05ly Phú Lộc biên giới bắn qua, rải quanh sát phòng tuyến. Kẻ chết người bị thương đôi bên nằm ngổn ngang từ trong ra ngoài chiến hào. Đó là đêm ác liệt đầu tiên của Tiểu đoàn 21 Biệt Động…
Thấy tôi ngưng và thở dài, bộ đội Nguyễn văn Đường, Sư đoàn 304 BV, mỉm cười, nụ cười như chia sẻ nỗi gian nguy đời lính, cả những người xuất thân bên kia Bến Hải.
- Lần đầu ấy đơn vị anh chết và bị thương bao nhiêu?
- Tôi không nhớ chính xác, chung tiểu đoàn thì xấp xỉ 30 người. Sáng hôm sau, trực thăng Mỹ vào tiếp tế đạn dược, tải thương vẫn bị phòng không bắn xối xả, nổ như pháo bông, có chiếc bốc cháy ngay trên bầu trời, hay rơi tan tành ở bãi đáp. Việc cấp cứu ngày thêm khó khăn và chậm, mặc dù mỗi lần các trực thăng Huey vào vùng luôn luôn có các chiếc Cobra bay kèm theo bảo vệ.
Tôi phải nói trong trận chiến Hạ Lào các phi công Mỹ lẫn Việt rất can đảm. Nhiều chuyến bay không bao giờ đáp, thật hào hùng. Chỉ tiếc sự liên lạc phối hợp giữa dưới đất với trên không, tức giữa đơn vị lâm chiến và máy bay, ít khi được trực tiếp điều khiển không yểm, mà phải nhờ giới chức thứ ba tại nội địa Việt Nam. Vì gọi xin yểm trợ qua trung gian nên quá trễ, tổn thất nhân mạng cao là vậy.
Lợi dụng lúc các phi vụ đang oanh kích, đại bác bắn quấy rối chung quanh, Biệt Động Quân tu bổ hệ thống phòng thủ. Họ hạ các cây lớn, gần bằng thân người, cưa từng khúc, dài một thước rưỡi để làm hầm chữ “A”, phỏng theo kiểu của các anh du kích, rất vững chắc, chỉ chịu thua đầu đạn điều chỉnh “Delay”, hay hỏa tiễn 122ly thôi.
Mặt khác, vì địch quân bám dưới chân đồi căn cứ, Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn có lần yêu cầu ném bom Napalm sát chung quanh, lửa liếm bờ tuyến làm mìn bẫy gài nổ hết. Xong, cho lính ra lục soát thấy nhiều xác chết và bắt được một cán binh bị phỏng nhẹ mình mẩy. Điều lạ, trong bình đông anh ta có dầm một loại thuốc, nước màu nâu. Gặng hỏi thì anh nói để uống khỏe. Ai cũng nghĩ đó là thứ kích thích, làm con người hăng máu, “thà chết chứ không hề lui”. Phải không?…
Đám bộ đội ngồi cười. Trung úy Đường gục gặc cái đầu:
- Anh tếu lấm! Còn tiểu đoàn gì khi rút lui có người bám vào cái càng “máy bay lên thẳng” đấy?
Đường hỏi móc vụ một chú lính Tiểu đoàn 39 Biệt Động ôm dưới càng trực thăng. Chuyện có thật. Báo chí ngoại quốc khai thác bôi bẩn, còn đài phát thanh Hà Nội thì gọi là “biệt động bò”. Cứ mỗi lần loan tin về chiến sự “Nam Lào” họ đều lặp lại cụm từ đó để mỉa mai người lính miền Nam.
Tôi trả lời:
- Đó là Tiểu đoàn 39 Biệt Động Quân. Lát nữa tôi sẽ nói vì sao. Bây giờ tôi kể sơ qua đơn vị mũ nâu này. Trong binh chủng, 39 là một tiểu đoàn luôn luôn gặp xui xẻo, đến nỗi cả Liên đoàn 1 đều biết. Xui nhiều cái không ngờ được. Riêng cuộc hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào, đúng ra nhiệm vụ của Tiểu đoàn 39 là bảo vệ Bộ Chỉ Huy Liên đoàn 1 Biệt Động Quân tại căn cứ Phú Lộc biên giới, không phải vào đất Lào. Nhưng khi lệnh xuống bảo đẩy Tiểu đoàn 37 Biệt Động tiếp sau 21 bọn tôi thì người chuyển lệnh lại lẩm cẩm tống nhầm Tiểu đoàn 39 lên trực thăng. Chuyện bốc lộn đó các giới chức giấu kín, để rồi ba ngày sau, đơn vị ấy chết lẫn bị thương và mất tích hết mấy trăm quân. Trước khi rút lui, Tiểu đoàn 39 Biệt Động đã dũng cảm chặn đứng bên ngoài nhiều đợt xung phong bằng biển người của một trung đoàn các anh suốt bốn ngày thư hùng, đẫm máu như sau:
Ngày 11/2/71, Tiểu đoàn 39 được đổ xuống một ngọn đồi cách Tiểu đoàn 21 BĐQ hai cây số đường chim bay, về phía đông bắc, trên một đoạn đường Hồ Chí Minh. Cũng chiếm cứ một vị thế hiểm độc, chặn nghẹt cái sinh lộ duy nhất địch từ Bắc vào cứu nguy vùng hậu cần quanh Tchépone sắp bị tiêu hủy, rõ ràng Biệt Động Quân 39 đứng mũi chịu sào” nơi cứ điểm Ranger North. Chắc chắn đối phương không để yên.
Lấy kinh nghiệm mấy ngày qua Ranger South chúng tôi bị pháo tả tơi, Ranger North thiết lập ngay hệ thống phòng thủ kiên cố hơn. Chưa đầy một buổi ngọn đồi thơ mộng, cây cao bóng mát, đã trụi lủi, lô nhô hầm hố quanh chiến hào.
Chúng tôi cảm thấy vui, nam bắc có bạn. Nhưng chỉ được vài hôm, ngày 14/2, một chiếc phi cơ quan sát L19 của Hoa Kỳ gọi xuống báo có một đoàn xe Molotova chở khoảng một trung đoàn Cộng quân từ hướng bắc đã gần tới các vị trí Biệt Động, lính cả hai căn cứ đều ra hết phòng tuyến chờ đợi.
Điều tôi lấy làm lạ, mục tiêu di động lộ liễu và khẩn cấp, mà chẳng ai gọi máy bay oanh kích. Rồi họ xuống xe và như cao bồi, tấn công ngay Tiểu đoàn 39, cùng lúc, mở một trận pháo cỡ lớn vào 21 đến nghẹt thở. Suốt đêm đó, hai nơi khác là căn cứ hỏa lực 30, 31 của Lữ đoàn 3 Dù ở hướng nam cũng rền vang tiếng súng. Địch đồng loạt đánh mạnh hết các vị trí quân miền Nam trên đất Lào, nặng và dai dẳng nhất là Tiểu đoàn 39, như đã nói, đó là mục tiêu ưu tiên hàng đầu, Cộng quân cần phải thanh toán trước. Máy bay C-47 thả hỏa châu liên tục nhưng không thắp sáng vòm trời hơn lửa đạn của đôi bên. Pháo binh l05ly Tiểu đoàn 64 biên giới cùng 155ly của Pháo đội C/44 từ căn cứ 30 dành ưu tiên hỏa lực để cứu nguy Ranger North, cực bắc Tchépone, từng giây từng phút.
Vị trí của Ranger North gồm hai ngọn đồi, cái lớn, cao do Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn cùng ba đại đội trấn thủ, cái nhỏ hơn ở phía tây bắc thì chỉ một đại đội nằm giữ. Giữa hai điểm là thế đất yên ngựa, cách nhau khoảng trên một trăm thước.
Từ lúc mở màn tấn công, địch dồn nỗ lực cố đánh chiếm khu đồi nhỏ làm bàn đạp và có cái lợi cho họ nữa là đại bác của Tiểu đoàn 44 và 64 bị giới hạn, đạn đạo đi từ hướng đông nam phải vòng qua sát đầu Bộ Chỉ Huy 39 mới rơi xuống. Sự điều chỉnh tác xạ xa hay kéo gần đều rất nguy hiểm cho Biệt Động Quân.
Vì sự yểm trợ chặn địch tràn ngập không hữu hiệu và tổn thất nhân mạng đã nhiều, Trung úy Nguyễn văn Hòe Đại đội trưởng 4/39 BĐQ ngoài mỏm, được lệnh rút Đại đội nhập vào đồi lớn.
Hai bên giằng co nhau trên từng tấc đất. Qua máy PRC25, tôi nghe tiếng nói của Tiểu đoàn phó 39 gọi báo dồn dập lên Bộ Chỉ Huy Liên đoàn 1 Biệt Động Quân ở Phú Lộc con số thương vong ta và địch không thể kể xiết. Việt Cộng mỗi lúc một áp sát bờ tuyến, ông xin cứu nguy. Tôi không nghe rõ vị thẩm quyền bên kia đầu máy trả lời sao, chỉ thấy giữa đêm, ngoài hai căn cứ Phú Lộc và hỏa lực 30, không còn tiếng súng nơi nào yểm trợ nữa…
Kể tới đây tôi cảm thấy mệt, tâm trạng như đang sống lại trong bối cảnh trận Hạ Lào năm xưa. Trung úy Đường hỏi:
- Sao không gọi máy bay?
- Máy bay thì có các loại phản lực, trực thăng chiến đấu, chỉ dùng ban ngày mới hữu hiệu, ban đêm chúng còn tệ hơn thằng mù. Vả lại, lúc ấy đôi bên quá kề cận, muốn xáp lá cà, ôm vật nhau. Tôi có nghe sau cuộc hành quân Lào các tướng lãnh Việt Mỹ trách nhau sự thiếu yểm trợ Ranger North và kế đó là các căn cứ 30, 31 của Dù, và Ranger South Biệt Động, thảy đều điêu tàn…
- Đúng như anh đã nhận xét, họ “đem con bỏ chợ”, và tôi nghĩ, ngay từ lúc đó Mỹ đã muốn bỏ rơi miền Nam.
Tôi nuốt nước bọt:
- Có thể. Mãi đến 1973 cấp nhỏ chúng tôi mới hiểu không những mặt trận Hạ Lào, các cuộc chiến khác được diễn song song với chính trị theo ý xấu của tên Kissinger, Ngoại trưởng Mỹ, làm tiêu hao lực lượng chúng tôi chỉ vì cụm từ ngoa ngữ là “Việt Nam hóa chiến tranh” để Mỹ rút quân về nước trong danh dự. Tháng 4/1975 thì thế giới đã thấy rõ “danh dự” của Mỹ là không kịp cuốn cờ, đạp lên nhau mà chạy…
Trở lại vấn đề căn cứ 39 Biệt Động Quân. Qua hôm sau, cả đôi bên đều uể oải, toàn vùng Hạ Lào lại êm dịu, mức độ tấn công vào Ranger North có vẻ cầm hơi.
Tiểu đoàn 21 thấm thoát đã tới kỳ tiếp tế, trực thăng liên tục đổ lương thực, gồm ration C, đạn dược các loại. Đợt tiếp tế này, không những khá nhiều để dự trữ, còn có các gói quà cho ba ngày tết Tân Hợi dù muộn, vì mấy ngày đầu xuân ấy rực lên xương trắng máu đào. Những bức thư lẫn thiệp chúc mừng năm mới đầy màu sắc, với thức ăn, do thân nhân, bằng hữu gởi qua chưa kịp phân phát, đã tung bay như bươm bướm bởi trúng đạn pháo. Trước mắt tôi, trên bãi đáp Tiểu đoàn 21, những người chết, và các anh thương binh, đâu biết trong cái xơ xác rơi lả tả đó lại có những dòng chữ thâm tình thăm hỏi, tỏ nỗi lo âu của vợ con gởi mình.
Mặc dù vị trí bị pháo kích te tua, thực phẩm vẫn dư thừa, chỉ thiếu nước uống. Sát dưới chân đồi, mạn bắc, có một con suối duy nhất mà mỗi ngày mỗi khô dần vì bom đạn cày xới. Đã vậy, mấy ngày sau này sáng nào Việt Cộng các anh cũng tới “cắm dùi” giành uống một mình. Mỗi lần lính Biệt Động xuống lấy nước lại giống như đi uýnh giặc, phải cử một trung đội đầy đủ vũ khí mở đường và gặp địch hay không cũng bắn rạt hết. Có hôm chạm súng thật, phe tôi thua liểng xiểng, vội xách bình đông, ống đạn 106, rùa nhựa xẹp lép chạy lên, làm đơn vị khốn đốn. Tức mình, Tiểu đoàn trưởng cho cả một đại đội hạ sơn đánh thẳng thừng, đổi máu lấy nước…
Chuyện đi lấy nước tôi còn nhớ một vụ rất rùng rợn, như lần Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân lạc vào vùng phi quân sự, DMZ (Demilitanzed Zone). Nơi đó gồm nhiều dải núi đá, có tên gọi là Khu Đinh. Các bình đông nước đều khô cạn. Tiểu đoàn cho dừng quân, tung lính đi lục lạo các thung lũng khe đồi, và khi vừa tìm được “nguồn sống” thì xảy ra “cuộc chiến nước uống”. Trước lúc nổ súng hai bên còn hỏi han, đùa giỡn đã rồi mới bắn nhau, máu nhuộm đỏ một khúc suối.
Ai cũng biết đây là vùng phi quân sự, Hiệp Định Genève 1954 quy định hai miền Nam Bắc không được đưa quân vào. Nhưng vì trời quá nóng, như lửa hắt từ các vách đá trọc đen thui, nên khi gặp một con suối, bọn lính liền nhảy xuống tắm luôn. Bất ngờ, chẳng rõ từ đâu, một chú Cộng nhí lại sớn sác đến lặn hụp kế bên. Biệt Động Quân thấy lạ, liền thộp cổ:
- Mày là Việt Cộng, phải không?
Nghe ông Cọp Rừng hỏi một câu hết sức ngớ ngẩn, nó trả lời tỉnh bơ:
- Em ở Vĩnh Linh, bên kia Bến Hải, qua đây bẻ măng le, nóng quá em tắm!…
Giữa lúc ấy, Trung sĩ Ba, vừa tốt nghiệp Hạ sĩ quan Đồng Đế, về đơn vị này chưa đầy tháng, làm tài khôn quát to:
- Ở đây toàn là núi đá, măng đâu mà bẻ? Dìa nhà tắm!
Chú nhóc mặc cái quần xà lỏn ướt dầm, vội cắm đầu chạy mất dạng. Chắc Trung sĩ Ba tưởng là con sông ranh giới được dễ dàng qua lại mới bảo về nhà tắm. Nghe chuyện lạ, Thiếu úy Phước, Ấn Độ lai, kêu hết cả đám lính lên giũa:
- Đồ ngu, để sẩy mất tên Việt Cộng? Nếu nó không phải bộ đội Sư đoàn 324B thì là hà bá của con suối này thôi! Cái nữa, Bến Hải đâu đây, còn tuốt xa ngoài kia, cả chục cây số! Vậy mà cả đám tin lời thằng ma đó nói đi bẻ măng le. Nó bẻ họng tụi bay cho le lưỡi ếch thì có!…
Th/u Phước đang nói đến đó thì một tràng AK lẫn B40 từ mé đồi đối diện bắn xối xả xuống, làm đám Biệt Động Quân dưới suối bị thương mấy người…
Nghe tôi kể chuyện Biệt Động Quân “dư ăn thiếu uống”, gian nan đi tìm nước, Việt Cộng lại “dư uống thiếu ăn”, mấy chú bộ đội cười khật khật. Tôi chợt nghĩ, có thể vì “dư uống thiếu ăn” là một nguyên nhân tạo nên cuộc chiến hai miền. Một bên, người dân sống dưới mực nước sông Hồng, hồn treo trên đê; bên thì hả hê, những đồng ruộng lúa vàng bát ngát, cò bay thẳng cánh.
Nhưng trong câu chuyện “tìm nước” còn một vần đề khác cứ lẩn quẩn trong đầu, tôi không tiện bộc lộ.
Nhờ chuyến đi lạc đó, Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân mới phát hiện một nghĩa địa “Sinh Bắc Tử Nam” vĩ đại giữa vùng phi quân sự, vùi chôn cả chục vạn bộ đội Cộng Sản Bắc Việt chết trên chiến trường miền Nam. Khu nghĩa địa chiếm một thung lũng rộng thênh thang, tràn lên tới các triền núi tứ bề. Dưới chân mỗi nấm mộ cắm một trụ cây cao một thước, trên đính một miếng tôn nhỏ có khắc tên, số quân, đơn vị, ngày tử trận của kẻ bạc mệnh bằng lỗ đinh. Khi Tiểu đoàn 21 Biệt Động băng qua, tôi tưởng như lạc xuống địa ngục. Dù ai chai đá cách mấy cũng cảm thấy bùi ngùi trước một rừng mồ mả nằm lặng yên, thiên thu nơi chốn thâm sơn cùng cốc.
Hàng trăm ngàn hài cốt chôn ở DMZ bao gồm số tử vong từ các trận đánh kinh hoàng Vùng 1, nào Khe Sanh, Tết Mậu Thân Huế 1968, Hạ Lào 1971, nào Quảng Trị 72… từng làm chấn động thế giới. Đặc biệt Cồn Thiên, 1967, tên Mỹ: “Hill of Angels”, phía tây Gio Linh, nơi mà Tiểu đoàn 319 Sư đoàn 3 TQLC Hoa Kỳ đã tử thủ trước sự tấn công của Cộng quân từ 11/9 đến 31/10/1967. Mặc dù đơn vị đồng minh này tơi tả, địch cũng bỏ lại trên 2000 xác tại chỗ. Với mức độ đẫm máu chung quanh ngọn đồi đã khiến tướng Westmoreland ví Cồn Thiên như một trận Điện Biên Phủ cỡ trung bình và hậu quả của nó đã làm chính trường Mỹ bắt đầu rối ren, chia rẽ, bên ủng hộ, bên chống đối, cả hai xuống đường biểu tình cấu xé lẫn nhau một thời. Các thương phế binh GI thì bị những phần tử phản chiến hèn nhát, lợi dụng xuyên tạc rằng thanh niên Mỹ không thể chết cho một đất nước Việt Nam xa lạ. Họ cố khai thác các bức thư gởi về từ mặt trận, các cuộn băng thu lời ta thán thống khổ của những người lính viễn chinh, trong đó có con rể Tổng Thống Lyndon B. Johnson, làm ông xúc động, gục đầu xuống bàn, đưa ông đến quyết định không tái tranh cử tổng thống nhiệm kỳ kế, 1968, vì chiến tranh Việt Nam đã thật sự sa lầy.
Khi khám phá ra cái nghĩa trang mờ ám ấy, chúng tôi đã hiểu được ý đồ “bác và đảng” không cho mang thân xác của kẻ chết trận về Bắc, mà phải chôn tại vùng phi quân sự, hay vùi dập đâu đó trên tuyến đường xâm nhập, để khỏi lộ chân tướng dối trá. Biết bao cán binh chết rục đâu rồi, họ vẫn nói còn sống để lừa bịp các thế hệ thanh niên tiếp tục vào Nam.
Chuyện khuất lấp của Cộng Sản có tính trước là làm tiền thân nhân những kẻ bạc mệnh khi chiến tranh chấm dứt. Sau tháng 4/1975 nghĩa địa “Sinh Bắc Tử Nam” trở thành một kho tàng béo bở, để Đảng hái ra tiền từ những gia đình, họ hàng muốn tìm hài cốt thân nhân về cải táng.
Thật vậy, việc đi tìm hài cốt sau 15 năm chinh chiến khác nào cá tìm chim. Nay Đảng đã tập trung sẵn hàng trăm ngàn nấm mộ ở vùng phi quân sự, như một vựa chứa “vĩ đại”, do sở quốc doanh Cựu Chiến Binh CSVN đầu cơ tích trữ…
Tôi im lặng, suy nghĩ lung tung, hai tay cứ loay hoay quấn mãi điếu thuốc rê chưa xong, vì miếng giấy lịch rách toạc…
Thấy tôi ngưng nói, bộ đội Bình nhắc khéo:
- Anh Vân thích thuốc nặng nên khổ.
- Ai mà thích! à xin lỗi, lúc nãy anh Đường hỏi vụ người lính bám càng trực thăng khi triệt thoái. Chuyện như thế này: qua hai ngày 17 và 18/2, toàn vùng trở nên căng thẳng. Các trực thăng UH-IB Mỹ vào tải thương, bị bắn rớt khá nhiều. Các thương binh và người chết của Tiểu đoàn 21 chúng tôi, đa số bên căn cứ Ranger North còn kẹt lại, nằm ngổn ngang. Như tôi đã nói, Tiểu đoàn 39 Biệt Động Quân đứng mũi chịu sào, địch bất cứ giá nào cũng bứng cho được, họ dồn hỏa lực đánh mỗi lúc một ác liệt hơn, cả khu đồi muốn bốc cháy.
Tôi nghe Đại úy Đỗ Đức Chiến Tiểu đoàn phó 39 báo cáo về biên giới là ông đã bị thương. Mặt khác, trước nguy cơ bị đối phương tràn ngập biển người, Chiến cũng cấp tốc gọi qua cầu cứu Tiểu đoàn 21 tìm cách giải vây, nhưng 21 đành chịu. Thiếu tá Hồng Hà 21 (Tôi giấu, không nói tên thật là Nguyễn Hiệp) chỉ điều động bốn khẩu l06ly bắn trục xạ tối đa sát bờ tuyến phía tây nam TĐ 39, mặt đối diện 21, khoảng cách hai cây số đường chim bay, nhìn bằng mắt trần thấy nhau rất rõ. Mức sát hại của đầu đạn l06ly chẳng khác nào l05ly, thế mà địch vẫn tiến, kẻ sống đẩy xác người chết lăn theo phía trước chắn đạn, hết lớp này tới lớp khác. Phút chốc khu đồi trụi lủi như cái đầu trọc quấn vành khăn đen xác người.
Rồi cả bốn cây 106ly Tiểu đoàn 21 bị đại bác 130ly Cộng quân trả đũa, phủ dập sứt gọng gãy càng, hầm đạn bốc cháy nổ tung khắp chiến hào, Ranger South te tua. Việc ăn miếng trả miếng rất ngoạn mục giữa trận mạc tranh hùng.
Pháo đội C/44 ở căn cứ hỏa lực 30 Dù, cũng hết mình nã 155ly tới tấp cứu nguy 39, và bóp họng dùm 21 mấy “con gà cồ” đang gáy đinh tai nhức óc trên các sườn đồi phía tây.
Người mà lâu nay tôi khâm phục, để bụng không nói ra, là Trung tá Nguyễn văn Hiệp. Lúc ấy danh hiệu: Sơn Linh, Liên đoàn trưởng Liên đoàn 1 Biệt Động Quân đang ở Bộ Chỉ Huy Phú Lộc biên giới. Vì nóng lòng và để giữ vững tinh thán các binh sĩ dưới quyền giữa những giờ phút thập tử nhất sinh, Nguyễn văn Hiệp, người hùng đã từng điều quân bách chiến bách thắng ở nội địa, đã không nệ gian nguy, lên trực thăng bay vào. Thật mong manh, đơn độc, chiếc UH-IB của ông đảo quanh trên vùng trời lửa đạn, giữa mạng lưới phòng không địch. Sự xuất hiện của vị anh cả Liên đoàn 1 Biệt Động như thiên thần. Nghe tin, Đại úy Đỗ Đức Chiến, dù đã bị thương, mừng reo lên, nắm máy liên lạc, ông kêu to bằng bạch văn:
- Sơn Linh! Sơn Linh? Con cái chết nhiều rồi!…
Nghe Chiến gọi, giọng nói như từ cõi âm vọng lên, các sĩ quan chỉ huy 21 rúng động, tôi cũng chảy nước mắt. Trung tá Hiệp thúc các gunship tiếp tục xạ kích dọc theo bờ tuyến 39, chặn đứng từng đợt xung phong cơ hồ như sóng vỗ, cùng lúc xin trục thăng chở đạn tiếp tế và tải thương. Mỗi lần ra khỏi vùng về Khe Sánh đổ xăng ông đều báo: “Tôi đi lấy Whisky, sẽ trở lại ngay”. Một lối ngụy thoại thông thường mà rất mới, tình nghĩa trên chiến trường Lào. Rồi chấm đen vụt chao đảo, lượn giữa tầng mây bạc đầy những tia đạn phòng không như hoa nở tiễn đưa. Hình ảnh Sơn Linh thật tuyệt vời!…
Trung úy Đường Sư đoàn 304 CSBV khẽ cười:
- Nó không thể đẹp hơn cách anh bộc trực mô tả đâu!
- Bộc trực?
- Thì trong câu chuyện anh kể.
- Thời đó anh ở đâu, không dự cuộc hành quân Lào à?
- Tôi chưa vào bộ đội, còn đi lao động. Xin anh tiếp tục.
- Đang lúc cận chiến thì một trực thăng cứu thương liều mình đáp xuống khu đồi 39 nhưng tôi không thấy nó bay lên, đến chiếc kế cũng vậy, cả hai đã bốc cháy.
Sau đó tôi mới biết, các nhân viên phi hành bị thương gần hết, chỉ viên y tá tên Fujii, Dennis Fujii, được Đại úy Đỗ Đức Chiến dìu vào hầm Bộ Chỉ Huy Ranger North.
Tôi xin nói thêm về nhân vật tên Fujii. Ngay lập tức anh được sử dụng, có thể nói vào việc quyết định sự sống còn của 39, đứng vững vài ngày trước khi thất thủ. Mặc dù nhiệm vụ là nhân viên cấp cứu, của Lữ đoàn 44 Quân Y Hoa Kỳ, nhưng Dennis Fujii là một chứng nhân cho thế giới biết sự chiến đấu hào hùng của Tiểu đoàn 39, nói chung là Biệt Động Quân ở cực bắc Tchépone. Nhắc đến Fujii để giải thích tại sao cuộc hành quân Lam Sơn 719 không có Mỹ tham dự trực tiếp dưới đất mặc dù sợ xâm phạm đất Lào, chúng tôi bị gài vào cái thế gặp nhiều khó khăn, tổn thất nặng, và mang tiếng xấu có người lính bám càng trực thăng. Thiệt hư ra sao?
Đại úy Chiến (5) sĩ quan hiện dịch, tốt nghiệp khóa 20 VB Đà Lạt, thừa hiểu trong tình huống đó, nếu không một người Mỹ nào lâm nguy dưới đất, thì việc không yểm của Hoa Kỳ thiếu tận tình, nên Chiến kéo Fujii vô hầm, để nhờ anh ta gọi trực tiếp các chiến đấu cơ đến oanh kích mau hơn qua trung gian người Việt Nam. Quả thật, khi nghe Fujii cầu cứu trong máy, các giới chức Mỹ ở Khe Sanh, như định lệ, lập tức cho hai F-4 Plantom với Cobra vào vùng chặn địch, mặt khác, hai chiếc trực thăng đáp xuống căn cứ 39 tiếp tế đạn và chưa kịp tải thương về, lại bốc cháy. Địch quá đông, cứ vây hãm, Biệt Động Quân diệt không xuể, mà thiệt hại mỗi lúc càng nặng, gần hết khả năng chống cự. Để cứu nguy giữa lúc thoi thóp, Dennis Fujii run sợ, anh quyết theo sự hướng dẫn của Đại úy Chiến là bảo máy bay đánh bom ngay trên nửa phần đồi tây bắc mà Cộng quân đã tràn vào bên trong tuyến. Hành động đó để rồi sau này viên Y tá trở thành một anh hùng của nước Mỹ. Nhưng tôi khoái nhất thuật “dụng nhân như dụng mộc” của Đại úy Đỗ Đức Chiến Tiểu đoàn phó, mà ông đã kể cho tôi nghe dưới căn hầm, bên khúc sông đầu Sésamou Lào, vào mấy ngày ông bị thương chờ tải về Việt Nam.
Chưa hết, từ 21 nhìn qua 39, âm thanh hỗn loạn, khói lửa mịt mù, tôi thấy lòng mình như thiêu đốt. Nơi speaker PRC- 25 phát ra giọng Fujii run rẩy, có lúc dồn dập kêu gọi, dù các Cobra đang phóng rocket, đại liên quạt ngay trên chiến hào. Màn đêm lẫn sương mù Savannakhet bắt đầu bao phủ, khiến sự yểm trợ bị giới hạn.
Sáng hôm sau, trong khi đôi bên đang nhừ tử, không đánh nổi nữa, thì đột nhiên một chiếc trực thăng bay lướt sát ngọn cây rồi nhủi xuống giữa đồi 39 để bốc Fujii, nhằm lúc Đại úy Đỗ Đức Chiến bị trúng đạn lần thứ hai, gãy một tay ngã chúi, Fujii vội chạy tới bồng ông bỏ lên trực thăng. Thấy vậy, một người lính Biệt Động Quân, vốn là cận vệ của Đại úy Chiến, liền phóng theo với ý định là để săn sóc vị chỉ huy của mình dù ở đâu, khi lâm nguy hay lúc yên bình. Nhưng Dennis Fujii không hiểu, lấy tay xô anh ra, viên xạ thủ đại liên (the door gunner) cũng tống bồi một đạp khiến người lính mũ nâu văng xuống nằm trên cái càng giữa lúc chiếc trực thăng đã cất lên cao lướt ra khỏi ngọn đồi. Vì dưới chân là thung lũng sâu anh phải nắm cứng cái càng, và chỉ mấy phút, hẳn đuối sức, anh buông tay rơi xuống khe đá. Như các anh biết, sau có một số sách báo mỉa mai chuyện “bám càng”, chết hèn. Theo tôi đó là cái chết chỉ vì lòng trung nghĩa của người lính trận.
Nhưng, chiếc trực thăng tải thương đợt cuối cùng ấy lại bị Cộng quân bắn gãy đuôi, quay chuồn chuồn, và may mắn sà đầu xuống được căn cứ 21 Biệt Động Quân rồi cháy rụi, sau khi viên xạ thủ kịp lôi Chiến ra ngoài trước mất cách tôi 30m.
Thượng sĩ Tuất nãy giờ im lặng, anh chợt thở dài:
- Thời ấy, đài phát thanh Hà Nội loan tin trận đánh Nam Lào hỗn loạn lắm? Các anh rút quân vì pháo. Nói chung hai bên đều thiệt hại nặng. Chúng tôi phần nhiều bị B-52…
- Đúng vậy. Một cuộc chiến hỗn loạn. Nhưng không vì lẽ một thời đối nghịch nhau chúng ta lại để ngoại bang vin vào hình ảnh người lính bám càng máy bay, có nhận xét sai lệch cái tinh thần chiến đấu chung của dân tộc Việt.
Như tôi vừa kể, chiếc UH-IB chỉ để bốc Dennis Fujii, Đại úy Đỗ Đức Chiến giờ phút chót mới bị thương, khi bay lên thì bị phòng không bắn. Pilot cho sà xuống căn cứ 21, trước khi máy bay nổ cháy, viên xạ thủ đã lôi kịp Chiến ra ngoài, nằm bất tỉnh bên sườn đồi. Dù đang trong cơn pháo, tôi cùng hai anh lính vội tuôn ra kẻo vị sĩ quan Tiểu đoàn phó 39 vào Bộ Chỉ Huy Đại đội 2/21 của tôi. Toàn thân Chiến đẫm máu, mắt trợn dộc. Còn Fujii lủi thắng tới căn hầm của Tiểu đoàn trưởng. Thế là anh Y tá thêm một phen bất đắc dĩ phải chiến đấu hai ngày nữa trước khi trực thăng bốc về Khe Sanh.
Trải qua mấy ngày đầy ấn tượng đã làm Dennis Fujii kinh ngạc. Sau, trở về quê hương Fujii được gắn một huy chương cao quý và tường thuật lại cho giới truyền thông báo chí biết sự chiến đấu dũng cảm của những người lính Biệt Động miền Nam. Anh kể khi trục thăng hạ thấp xuống để đáp, chính mắt anh thấy hàng trăm xác chết với vũ khí của địch quân nằm la liệt quanh bờ tuyến Ranger North. Nhưng viên Y tá Mỹ, gốc Ái Nhĩ Lan lai Nhật hải đảo Hawaii, 21 tuổi, ấy cũng không quên tả oán tả sầu anh lính Mũ Nâu ôm càng trực thăng, mà không nói rõ vì sao.
Tuất thắc mắc:
- Căn cứ 39 chết và bị thương nhiều chứ, sao máy bay chỉ tải có hai người, Fujii với ông Chiến?
- Chính số lượng chết lẫn bị thương quá cao, lại đang cận chiến, không ai dám đáp xuống. Chiếc trực thăng lủi vào đó là phi vụ đặc biệt, coi như cảm tử, để bốc Fujii là người Mỹ, Chiến bị thương trước mặt Fujii nên được may mắn tải luôn.
Đó là chuyến tải thương cuối cùng đối với căn cứ 39 phía đông bắc Tchépone. Mặc dù các Cobra, Plantom tiếp tục xạ kích, dội bom quanh vị trí 39, nhưng Thiếu tá Vũ Đình Khang Tiểu đoàn trưởng thấy lính đã kiệt sức, thiếu khả năng chống trả, vội lợi dụng màn đêm, cho lệnh đơn vị mở đường máu di tản qua Tiểu đoàn 21 cách đó hai cây số đường rừng. Cuộc lui quân cũng bi thảm của những người chưa quen chiến bại, đành bỏ lại sau lưng ngót 150 xác bạn nằm xen lẫn với xác thù, luôn cả mấy chục thương binh đã phải chết ngay sau đó bởi một trận bom B-52 hủy diệt toàn bộ.
Thoạt đầu chưa biết, tôi lấy làm lạ, là bỗng nhiên không còn nghe tiếng súng đại bác yểm trợ từ Phú Lộc biên giới và Hỏa Lực 30 bắn nữa. Khi hiểu ra, Biệt Động Quân 21 ai nấy buồn xo, nhất là Đại úy Đỗ Đức Chiến nằm rên rỉ dưới hầm, nghe nói Tiểu đoàn 39 đã thất thủ, ông rưng rưng nước mắt.
Sáng hôm sau, 21/2/1971, một ngày bận rộn. Tiểu đoàn 21 cử một trung đội xuống chân đồi phía bắc đón “tàn quân” 39 di chuyển qua, một số đã lạc vào vùng đất địch, còn lại chưa đầy 200 tay súng, mà hết phân nửa bị thương nhẹ. Mặt khác, vẫn trong cơn mưa pháo, trực thăng xuống bốc Đại úy Chiến, Dennis Fujii, nhân viên phi hành, và lần lượt các quân nhân bất khả dụng của Tiểu đoàn 39 Biệt Động về Việt Nam.
Xong, còn trơ trọi chúng tôi. Ai cũng hiểu địch quân phải tiếp tục nhổ cái chốt 21 này, sẽ ồ ạt hơn. Chung quanh ngọn đồi trừ cái mỏm hướng đông, giáp đường mòn Hồ Chí Minh, và mé con suối nước bên mặt bắc, hai nơi lính thường xuyên lên xuống lục soát, địch đều bám sát như đỉa đói. Đã mất một đơn vị dũng cảm đứng đầu gió, hẳn nhiên 21 nhận đủ sức ép, Sư đoàn 308 Bắc Việt vây hãm. Nhưng là một tiểu đoàn Mũ Nâu thuộc Liên đoàn 1 Biệt Động Quân, đã từng bách chiến bách thắng và tiên phong nhảy vào đây, dễ gì nao núng, cho dù đối phương có cuồng bạo tấn công những ngày cuối cùng trên đất Lào: 22, 23, 24 tháng 2, 1971. Quả y như vậy.
Sáng ngày 25/2/1971, đoàn trục thăng vào bốc Tiểu đoàn 21 Biệt Động giữa những đầu đạn phòng không địch nở hoa đưa tiễn để chuyển qua căn cứ hỏa lực 30 Dù, trước khi về lại Động A Hai-tà Bạt, biên giới, nơi ngày đầu xuất phát cuộc hành quân. Hôm ấy đồi 31 Dù lại bị thất thủ, người hùng mũ đỏ Đại úy Nguyễn văn Đương tự sát, Đại tá Nguyễn văn Thọ, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 Dù, bị bắt, rồi căn cứ Hỏa Lực 30, Sư đoàn 1 Bộ Binh, Thiết giáp và các đơn vị công binh chiến đấu đều di tản, rút lui vô trật tự về biên giới Việt Nam. Sự triệt thoái ngoài kế hoạch ấy, dĩ nhiên có phần tang thương, nhưng chưa kinh khiếp bằng hàng trăm xác chết đã đành, mà cả một số lớn thương binh bị bỏ lại, là cứ điểm Ranger North Tiểu đoàn 39 Biệt Động, phải vùi thây trên chiến hào cùng các cán binh Cộng Sản Bắc Việt bởi trận mưa bom B52 Hoa Kỳ bình địa.
Trung úy Đường gục gặc cái đầu:
- Nghe nói bên anh sau về lại Huế ăn mừng chiến thắng Nam Lào. Anh nghĩ đúng không?
- Nói thắng thì không đúng, thua cũng chẳng phải. Chúng tôi chỉ làm xong một nhiệm vụ: phá vỡ phần lớn một đại hậu cần tích trữ và chuyển tiếp phương tiện chiến tranh xâm nhập miền Nam. Rất tiếc, chúng tôi đã đổi cái giá quá đắt. Thông thường, sau một trận đánh lởn thì có cuộc khao quân để khen thưởng những chiến sĩ có công…
Đêm đã khuya, câu chuyện Lam Sơn 719 được kết thúc, mấy anh bộ đội uể oải đứng dậy, dáng điệu như người về từ Hạ Lào. Trước khi ra cửa, Trung, úy Nguyễn văn Đường, Đại đội trưởng C7, Sư đoàn 304 Cộng Sản Bắc Việt, siết tay tôi:
- Chúng tôi thành thật khâm phục các anh. Mặt trận Nam Lào 304 có tham dự, riêng tôi thì không. Chẳng bao lâu nữa tôi được cải nhiệm, sang ngành vận chuyển dưới miền Tây. Trước khi đi, tôi sẽ ghé thăm anh cùng các cháu.
Nghe lời từ giã của kẻ cựu thù, tự nhiên tôi thấy buồn, cô quạnh. Ngoài trời không gian vắng lặng, tối om như mực.