Chương 12
DAMER TIẾNG SÚNG TÀN QUÂN

     t, chủ nhân nhà máy xay lúa ở R’chai, với dáng điệu bơ phờ, thấp thoáng ngoài sân. Sự xuất hiện của ông bạn người tỉnh Long An, dù thân thiết, coi nhau như anh em vẫn làm tôi hồi hộp, vì năm khi mười họa anh mới tới. Vừa ngồi xuống tấm phản, Út đưa hai tay ôm mặt:
- Đi có một chút đã xây xẩm, muốn ngã.
Út nhỏ tuổi hơn tôi, mà trông anh quá yếu ớt, mang chứng sốt rét kinh niên, da dẻ bủng xì, tai tái thiếu máu.
Tôi hỏi:
- Thuốc Thượng cho uống không bớt sao? Nghe lời tôi đi, bắt trùn mổ ruột bào sạch, xào nửa chén ăn hết ngay. Thằng em nuôi tôi hồi trước đi lính cũng bị vậy, ăn có nửa chén hết.
- Tôi còn bệnh gan nữa, để tôi về dùng thử coi, nhưng mà trùn nó dơ quá anh ơi! À này, bọn Sư đoàn 304 biến đâu mất, chắc di chuyển sang tỉnh khác.
- Cách đây mấy hôm, Thượng sĩ Nguyễn Tuất, người đen đen nhớ không, từ trong phòng giam anh có viết thư tạm biệt tôi, nói rằng đơn vị anh sẽ trở về Bắc. Thôi, kệ cha chúng, đi đâu đi.
- Lý do gì Tuất bị nhốt?
- Tụi bộ đội cũng giống lính miền Nam ngày xưa, chuồn búa như điên. Thượng sĩ Nguyễn Tuất vọt xuống Phan Rang chơi, chẳng may gặp tuần cảnh túm cổ trả về đơn vị thi hành kỷ luật. Nghe anh em kể, nhốt đâu ba hôm được thả, Tuất lại nổi điên chụp khẩu B40 kê lên vai nhắm hướng Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn, đóng ngoài xã Phú Hội, miệng thì hô to: “Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn, một quả bắn!”. Tuất chỉ làm dởm cho đỡ tức thôi, chứ không bóp cò, nhưng an ninh nó còng thật. Tuất có nhiều chuyện bất mãn, uất ức nhất là vụ bị lột lon chuẩn úy xuống thượng sĩ, vì sơ hở khi giải giao để một tù binh, thiếu tá của Quân Lực VNCH, vọt được, còn lấy theo cây súng.
Lạ, tôi lại cảm tình bọn thằng Tuất, nói chung C7 của Đại đội trưởng Nguyễn văn Đường. Họ cũng mến tôi. Tình cảm đó thay thế cho hận thù, vì ngày xưa C7 và Đại đội 1/21 Biệt Động Quân do tôi chỉ huy, đã đụng trận nhau hai lần nảy lửa. Một: giữa vùng rừng núi tây bắc Huế, tôi thua. Nhưng ở quận Mai Lĩnh, Quảng Trị, tôi đánh nát C7 của Đường chết la liệt hai bên đầu cầu Bến Đá, “Đại Lộ Kinh Hoàng”, chỉ còn chín mống (theo Đường tự thú).
Nhớ tụi nó chớ! Trong lá thư Tuất có viết:. “Khi anh nhận được mấy dòng này, Tuất đã rời khỏi Lâm Đồng”.
Út rầu rầu nét mặt:
- Nghe phong phanh một tiểu đoàn công an biên phòng sẽ về R’chai. Nếu quả vậy mình khó thở. Tại Thượng không chịu vô hợp tác xã lao động. Bao lần cán bộ trên huyện Đức Trọng xuống họp lập danh sách chia tổ, phân đội, Thượng cứ nằng nặc đòi ở ngoài tự do làm ăn. Ai nói gì nói, tờ mờ sáng họ mang gùi vác xà gạc bung hết ra rẫy bắt chuột đồng hoặc hái lá sắn hầm nhuyễn với gạo thành cháo ăn, kiểu du mục. Công an biên phòng sẽ làm khó dân hơn, bộ đội vậy mà dễ.
Tôi rót Út một ly nước trà nguội:
- Lá sắn đăng đắng, chỉ hợp khẩu bọn Thượng, còn chuột đồng ướp gia vị ram hay nướng, nhậu hết sẩy. Út đến có việc gì không?
Út R’chai uể oải, giọng rề rề:
- Anh vô Damer trả nợ chị Hai dùm tôi…
Tôi cau mày:
- Nãy giờ không nói? Tôi định lát nữa lên Tùng Nghĩa…
Út đằng hắng:
- Tại mình mãi nói chuyện đấm đá với chiến trường xưa. Thì, như anh rõ, cái máy xay lúa tôi mua lại của chị Hai tám trăm ngàn, đã đưa trước phân nửa, còn bốn trăm mà ông bà cứ đòi chèo chẹo. Tôi bệnh đi không được, anh chạy Honda vô trả dứt, chứ tôi gặp mặt là dễ gây lộn với ông anh rể…
- Chà, 400.000$ tức bao nhiêu tiền mới?
- 800$, tôi đem theo đây.
Út trao bọc nylon gói kỹ, tôi nhét vào cái túi may sẵn bên trong lớp áo võ Nhu Đạo màu lam đang mặc. Tôi lằm bằm:
- Đi Damer, phải tới ngã ba Liên Khương, vòng vô hướng tây qua một cánh đồng trống, xa lắc! Được, đi sớm về sớm. Coi như lệnh hành quân!
Út kéo giúp chiếc Honda ba bánh lui ra sân và đóng cửa. Tôi chở bỏ Út trước nhà anh rồi quay đầu chạy vù trên QL 20.
Tới Liên Khương tôi rẽ trái theo tỉnh lộ 9, và chưa ra khỏi trung tâm sầm uất huyện Đức Trọng, tôi thấy trước mặt thấp thoáng hai tên bộ đội cầm AK đứng giữa đường. Xe còn xa, họ đã quơ tay bảo dừng. Nhớ xấp bạc dày cộm trong túi, tôi hồi hộp, sợ tịch thu, còn bị đục te tua và ngồi tù oan nữa, như một “chiến sĩ phục quốc” mang năm ngàn đồng tiền mới từ nhà thờ Vinh Sơn, Sài Gòn, lên chốn gió tanh mưa máu này năm ngoái.
Tôi thắng lại giữa hai họng súng. Họ hất hàm:
- Đi đâu?
Tôi định hỏi ngược tại sao hôm nay cấm lưu thông đường này, nhưng kịp nghĩ cả đất nước miền Nam chúng còn cướp, lọ là một con lộ nơi thâm sơn cùng cốc này, và thật may, tôi nghe có tiếng gọi lớn từ trong một căn nhà:
- Anh Thy Vân!
Tôi quay vô, thấy Hồng, người Nùng Lạng Sơn, bộ đội C7 của Trung úy Đường, Sư đoàn 304 Cộng Sản Bắc Việt, từng đóng quân ở R’chai, đang bước vội ra. Mừng quá, không đợi Hồng hỏi, tôi nói:
- Tôi đi Damer!
Ông bạn nón cối to béo, đã hơn một lần kẹp nách 10 tấm tôn cuộn tròn, tháo trộm trong doanh trại, đem bán rẻ cho tôi lợp nhà, tỉnh bơ đẩy chiếc Honda của tôi vô ban chỉ huy trung đội anh đặt dưới một mái hiên bên lề làm hai tên dép râu kia ngơ ngác.
Hồng kê cái bàn cùng mấy cái ghế nhỏ sát hông xe:
- Anh ngồi chờ chút, Hồng kêu cà phê uống, và mời ông Tuất về. Các cậu đang chơi phía sau.
Hồng vụt lủi vô con hẻm. Một lát, có tiếng nói tiếng cười, những khuôn mặt quen thuộc xuất hiện.
Tuất vỗ vai tôi:
- Anh đi đâu thế?
- Damer. Sao bộ đội chặn đường vậy, Tuất?
Tuất đưa mắt nhìn quanh một vòng rồi nói:
- Tí nữa sẽ rõ, giờ anh uống cà phê với bọn này xong về, đừng vào đấy. Này Bình, chạy bảo thằng Hồng lấy thêm bình trà ngon.
Tôi vẫn còn hồi hộp:
- Nhà ai ở sau?
- Quán cà phê!
- Vậy à? Tuất giống dân chơi miền Nam ghê!
Viên chuẩn úy đã bị lột lon mỉm cười:
- Tuất đã được đồng hóa kể từ ngày theo quân “giải lao” vào đây
Người bộ đội ngồi đối diện vội đưa ngón tay lên miệng:
- Nói lớn thế, Thủ trưởng nghe đấy?
Hai tiếng “Thủ trướng” gợi tôi nhớ Đường:
- Quên, Trung úy Đường đâu?
- Ông đổi sang ngành vận chuyển dưới miền Tây rồi!
Tôi chau mày, cảm thấy hơi buồn:
- Tôi nhớ anh Đường nói trước khi thuyên chuyển sẽ ghé thăm tôi. Vậy mà âm thầm đi mất…
- Sẵn chán ngấy đời quân ngũ nhận được lệnh là ông vọt. Chúng tôi cũng nhớ ông. Bố mới về này gay lắm!
Tôi nhìn những kẻ cựu thù:
- Đường đã thật sự giã từ vũ khí, hả Tuất?
Bốn tiếng “giã từ vũ khí”, hình như vô tình làm động lòng trắc ẩn của người lính Bắc Việt bất đắc dĩ này. Tuất im lặng, mắt nhìn ra xa nghĩ ngợi. Chắc anh đang nhớ lại những tháng năm cùng đơn vị gieo chết chóc cơ man vạn kể cho dân miền Nam, nơi mà hôm nay đã cho anh thấy sự lừa dối, chính nó ở ngay trên quê hương miền Bắc, đảng Cộng Sản, của anh. Kìa, nào mùa hè đỏ lửa, phá sập cầu Bến Đá quận Mai Lĩnh tạo ra “Đại Lộ Kinh Hoàng” Quảng Trị 1972… đẫm máu và đầy xác người…
Bình và Hồng khệ nệ bưng khay cà phê, nước trà, một gói thuốc Lạng Sơn sản xuất tại Tùng Nghĩa, đến đặt trên bàn.
Bình hỏi:
- Anh Vân quen ai trong Damer?
- Chị Hai của chú Út xay lúa ở thôn R’chai. Chị nhắn tôi vô chị cho gạo nấu mấy đứa nhỏ ăn…
- Gì mà thảm thế?
- Đường xa, chắc chị cho cả chục ký!
Tuất đưa tách cà phê lên ngang miệng:
- Hoãn lại, hôm nào hãy đi, giờ nguy hiểm, tàn quân mới đột kích ủy Ban Nhân Dân Xã Damer đêm qua.
Tôi giật mình:
- Vậy sao? Có ai hề hấn gì không?
Tuất ghé tai:
- Chủ tịch xã và khoảng mười cậu du kích chết. May mắn ông bí thư nghỉ phép Hà Nội về, còn nằm ngoài phố này, nên thoát nạn.
Bình xen vô:
- Cô y tá Thảo, người ấp 7 Phú Hội anh đấy, cũng bị bắn.
Tôi gật gật cái đầu. Tiếc cho cô gái, ngày nào còn đi học, lại ngu xuẩn thoát ly gia đình theo giặc làm “cách mạng 30″.
- Tôi biết Thảo, cô ta hiền lắm! Giết y tá làm gì nhỉ? Bọn tàn quân ẩu thật. Còn họ sao, thiệt hại không?
Bình lắc đầu:
- Chả thấy bố nào bỏ xác lại. Đêm qua tụi này ngồi uống cà phê, nghe súng nổ rất lâu là biết có chuyện. Sáng nay C7 vào giữ an ninh để cán bộ huyện xem xét, mới hay tàn quân đánh Damer một cách chớp nhoáng! Đám du kích ngủ trường học xách súng chạy ra bị bắn gục ngay ở cổng. Trước khi rút, bọn tàn quân phá thùng conex thả hết số tù công an bắt chưa kịp giải giao, thu hết vũ khí, rồi phóng hỏa đốt trụ sở xã.
Tuất thêm vào:
- Lúc súng bắt đầu nổ ông Chủ tịch ủy Ban Nhân Dân lủi vào bụi chuối phía sau, chúng rượt theo bắn nốt. Chắc chúng đã lưu ý ông.
Tôi hỏi:
- Chủ tịch là người Nam, phải không?
- Chức vụ này cũng như các công an xã, thường dân miền Nam nắm giữ, vì họ biết rõ địa phương hơn.
Hỏi chơi chứ tôi thừa hiểu đồng bào rất căm thù những kẻ tiếp tay giặc. Điều đó tôi có nói Tuất nghe lúc C7 đóng quân ở R’chai. Giai đoạn đầu, các phần tử sẵn máu gian ác, và vì nhiều lý do bất mãn chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, xuất hiện chạy theo khiến quân cướp nước tưởng đồng bào ở đây yêu thích cái chủ nghĩa xã hội bệnh hoạn của chúng.
Thấy Sư đoàn 304 còn lảng vảng Đức Trọng, tôi hỏi:
- Đơn vị chưa đi à?
- Các ông còn bắt học tập.
Tôi nheo mắt:
- Học gì nữa?
Tuất ngoảnh mặt lên trời, miệng mủm mỉm:
- Học cách nói láo. Khi về Bắc không được kể rõ cho dân nghe miền Nam giàu có, nào thừa mứa vật chất, nhà cao cửa rộng, Ô tô chạy đầy đường… Ra ngoài ấy tả thật là bỏ xừ.
Tôi cười:
- Chứ mấy ổng dạy sao?
Bình trả lời thay Tuất:
- Nói nghèo! Chuyến này về chắc tớ xin phục viên đấy.
Tuất liếc Bình:
- Đừng hòng! Sư 304 thành lập là để đi, không qua Miên cũng sang Lào thôi. Các bố cảo miệng thế…
Vừa nói tới đó, đột nhiên Tuất ghé miệng vào tai tôi:
- Tháng Giêng 1979 này Sư đoàn 304 của chúng tôi sang Miên diệt bọn Pol Pot, Khmer Đỏ, đấy!
Thì ra là vậy. Tôi kiếu từ đám bộ đội của Tuất:
- Thôi, trời đã trưa, xin phép anh em…
- Vâng! Gởi lời thăm các cháu anh Vân nhé!
- Chúc tất cả bình an, may mắn!
Đến nhà, tôi tường thuật cho Út biết chuyến đi bất thành, chuyện tàn quân giết chết hàng chục người, có ông chủ tịch xã Damer, nhưng chưa rõ tình trạng gia đình chị Hai thế nào, Út hoảng hồn.
Các giới chức địa phương khó mà bưng bít vụ Damer. Tuy vậy cũng đôi tuần tin tức mới lan truyền xa trong dân chúng. Như Trà In, một vùng kinh tế khắc nghiệt nhất Lâm Đồng, nằm giữa rừng sâu, tứ bề núi bọc, phía đông Đại Ninh, cách quốc lộ 20 trên mười cây số. Cư dân Trà In hầu hết từ thành phố Đà Lạt bị cưỡng bách, lưu đày xuống khai quang lập ấp, dưới sự cai trị ác ôn của Cộng Sản, chẳng khác lao tù. Giữa năm 1976, một tổ chức kháng Cộng bất thần đột kích Trà In. Tiếng súng đủ loại vọng ra tới xóm nhà tôi ở Phú Hội, nghe như một trận đánh trước 1975. Rồi thôi, ai cũng ngán công an chìm nổi theo dõi, không dám bàn tán. Chỉ riêng vụ Jirong Tambor, một buôn Thượng lâu đời, kế R’ Chai, thì xôn xao cả huyện. Vì cấp thôn không có cơ quan của nhà cầm quyền, du kích xã Phú Hội lại lui tới ban ngày. Bất ngờ một buổi tối nọ, một nhân vật người Huế, cầm đầu một nhóm phục quốc lặng lẽ về họp dân tuyên truyền rồi đi. Họ nói rõ không cấm cản đời sống phải chung đụng với quân cướp nước trong các hợp tác xã lao động, nhưng nếu ai ác ôn sẽ bị trừng phạt. Tin tức vụ Jirong Tambor khắp huyện Đức Trọng đều biết, làm lòng người phấn khởi vì đêm đó có sự hiện diện mấy giáo viên ăn ở tại trường sơ cấp R’chai và Jirong Tambor, báo cáo lại.
Hai hôm sau, Út nhờ tôi đi Damer lần nữa để trả món nợ. Vẫn đường cũ, khi xe ra khỏi khu phố bị chặn hôm trước, tôi chạy băng qua một khoảng đồng không mông quạnh, lô nhô những gốc cây cháy nám to bằng thân người như những bóng ma ngồi ủ rũ. Nơi đây, tôi nhớ tám năm trước đã diễn ra một trận xáp lá cà đẫm máu giữa Tiểu đoàn 22 Biệt Động Quân và Việt Cộng. Cứ mỗi gốc cây đen xì, một tên địch đào hố ẩn núp, phục kích một đại đội Mũ Nâu dẫn đầu. Họ choảng nhau bằng lưỡi lê, bá súng… Hai bên tổn thất nhân mạng khá cao. Bây giờ quân cướp nước đang xí phần sẵn vùng đất bao la màu mỡ này cho thân nhân chúng từ Bắc vào chiếm ở, gọi là khu “Kinh Tế Mới Hà Nội” với con đường chính xuyên qua mang tên Nguyễn Thị Minh Khai.
Tới Damer, tôi thấy trước mặt ủy ban xã, các vách tường loang lổ đầy dấu đạn do Phục Quốc tiến công. Đồng bào vẫn còn tu sửa các phòng ốc, bàn ghế và dọn dẹp chung quanh… Thấy tôi dừng xe ngoài hiên, anh Đẩu chồng chị Hai của Út trong nhà bước ra, vừa kê lưng cõng tôi vào vừa hỏi nhỏ:
- Chuyện gì mà Vân bất thần xuất hiện lúc này ghê vậy?
- Có ai lạ mặt ở trong không mà giọng anh hỏi nghe cũng “ghê vậy”?
- Có cha bí thư xã đang biên viết gì đó trên phòng khách.
Đẩu đặt tôi ngồi xuống cái đi-văng nơi căn nhà ngang.
Để anh khỏi hồi hộp, tôi rỉ tai ngay:
- Chú Út trả món nợ 400.000$ nè, tiền mới là 800$.
Mắt Đẩu sáng lên:
- Hay quá, vợ chồng anh đang cần.
Tôi giả bộ gườm anh:
- Hèn gì cả vợ lẫn chồng đòi con người ta chèo chẹo.
Đẩu im lặng, vội nhét gói bạc dưới cái gối dài đầu giường kế bên. Chị Hai sau vườn bước vô nhoẻn miệng cười:
- Khỏe không, Vân?
- Dạ khỏe!
Chị tới chỗ cửa hông, đứng nói lên nhà trên:
- Anh Ninh, có chú em từ Phú Hội đến chơi.
Một giọng Bắc khàn khàn của tên cán bộ vọng xuống:
- Ờ, bà con à? Tôi đang cố lập cho xong bản phúc trình.
Đoạn, ông ôm cặp đi ra ngoài. Đẩu ngồi xuống kế tôi:
- Ngoài đó nghe gì chưa?
Tôi vờ ngạc nhiên:
- Nghe gì?
- Trời ơi, suýt tí nữa anh chết mẹ nó rồi. Bất ngờ mấy ông “tàn canh” nhà ta về đục tử thương tùm lum…
- Đùa anh chơi chớ qua hôm sau tôi nghe liền cú đột kích ngoạn mục đó!
- Nói nho nhỏ, mày rống cái họng? Sao hay vậy?
- Thì trên đường đi trả tiền, tôi bị một tốp bộ đội chặn lại ở Liên Khương, cho biết tình hình Damer, tôi phải trở lui.
Anh Đẩu trố mắt:
- May thiệt! Nếu Vân vô thì mất cha nó gói bạc rồi.
- Sao mất?
Anh Đẩu thở phào:
- Con người từng chỉ huy đánh giặc lại hỏi nghe thất cười. Tao nói sáng bữa đó, công an bộ đội đầy hết, mặt thằng nào cũng đằng đằng sát khí. Nếu sớn sác Vân đút đầu vào với bị tiền thì…, anh cười hì hì, người lẫn của chắc đã khoán trắng cho Bác Hồ rồi. Trời ơi, may quá! Họ đi đường đem có mười ký gạo mà chúng còn tịch thu, huống hồ 800 đồng, mua trên một tấn rưỡi gạo.
Đẩu cũng gốc lính, dân miền Tây. Sau 30/4/75, anh ngược đời dắt vợ lên Damer, một bản Thượng hóc hiểm này, để ẩn dật. Giống như tôi, vì thời thế đành lang bạt tới Phú Hội, gần R’chai, sinh sống. Tính anh vui vẻ, xề xòa, nhưng lại không hạp ý với thằng em vợ là Út.
Tôi cười:
- Nói giỡn chớ tôi ngu sao? Mạng tôi to thật, gặp đám bộ đội quen đón đường, mời vào uống cà phê, còn được bọn nó kể về tình hình “chiến sự” nóng hổi Damer, ngon không?
- Đêm đó anh run quá! Nghe tiếng lựu đạn nổ ình ình đầu tiên, anh và chị vội chun xuống gầm giường. Tiếp theo là các loại súng bắn liên tục. Run mà đã…
- Tưởng anh vội ra tiếp tay, làm nội ứng, trong lúc ngoại kích như vậy, anh lại nằm im re dưới gầm giường….
- Thôi mày, nói bậy tù cả đám bây giờ. À, thằng cha chủ tịch xã chết trước sân anh mới đau chớ. Chắc chả đang bò vô nhà, Phục Quốc rượt theo phơ nốt. Mẹ nó, hết chỗ gục, nhè ngay cửa ngõ gục, làm tụi nhỏ sợ ma tối không dám ra ngoài.
- Nghe nói có 12 người tử thương.
Đẩu lắc đầu:
- 12 là riêng mấy ông “cách mạng”, còn dân bốn nữa…
- Bị lạc đạn?
Anh Đẩu vừa thò tay vô túi lấy gói thuốc rê vừa nói:
- Đáng lẽ chỉ giết mình chủ nhà, vì ông hay báo cáo bậy, làm khó dễ bà con trong đội hợp tác xã nông nghiệp, nhưng đám cô hồn “tàn canh” quá mạnh tay, dùng nguyên một quả M72 chết ráo cả gia đình.
Tôi chọc anh Đẩu:
- Vì mạnh tay mới dừng nguyên quả, còn nhẹ thì theo anh nên bẻ đôi trái đạn bắn một nửa phải không?
- Vân sửa lưng anh nhiều rồi, giờ đem xì đế ra nhậu.
Dứt lời, anh đứng dậy lấy chai rượu nếp than đen thui trên kệ ván xuống. Thấy chai rượu tôi phát ớn và nghĩ bụng, đối ẩm với tay hũ chìm này, thì chỉ có chết tới bị thương thôi.
Tôi hỏi:
- Nhậu với món gì, anh Đẩu?
Anh đáp bằng giọng nhựa nhựa như đã say:
- Khỏi lo anh đãi ăn chim áo đà ram mặn, mới mua sáng nay 200 con, béo lắm? Mình lai rai rồi dùng cơm trưa luôn.
Nhắc đến món chim ram, tôi náo nức:
- Chà, 200 con, nhổ lông móc ruột bao giờ xong?
Đẩu không trả lời thẳng, quay hỏi xuống bếp:
- Xong chưa má sắp nhỏ?
- Anh mời chú Vân vào bàn lần đi!
Đẩu đắc ý cười khà khà rồi xề lưng cõng tôi:
- Nghe chưa bạn? Cho dù cả một “tiểu đoàn” chim đi nữa, chị Hai Đẩu nhà ta cũng bóp họng cái rét trong tích tắc.
Chị Hai háy anh:
- Thôi mà, chim thì nói là đàn, bày đặt tiểu đoàn, sư đoàn có ngày rắc rối.
Quả thật, chị đem tới một đĩa thịt thơm phức. Thịt con nào con nấy úc núc như hột mít, tươm mỡ vàng, rất bắt mồi. Anh Đẩu lấy chén đũa, rồi rót rượu ra hai ly.
- Mời Thy Vân!
- Mời ai nữa cho vui chứ? Nhậu mà thiếu tay cũng buồn.
Đẩu vừa lắc đầu vừa nâng ly rượu lên, tỏ ý mời tôi cụng:
- Ai đâu. Chỉ có một thằng Thượng hợp gu. Thằng rất tốt, chuyện gì nặng nhọc anh kêu nó. Còn nhậu, nó thuộc loại hũ chìm, uống chết bỏ. Nhưng bậy một cái gắp mồi không dùng đũa, nó cứ lấy tay bươi bốc. Thôi, để dịp khác.
Tôi nhìn vợ anh Đẩu loay hoay nơi bếp:
- Ngon quá, chị Hai? Chị bày tôi cách nhổ lông chim cho mau, chứ mấy trăm con nhỏ xíu vậy, ngồi vặt từng sợi lông, móc từng đùm ruột, bao giờ xong?
Chị cười, nụ cười hiền thục của người thiếu phụ Long An:
- Chú Vân không biết thiệt sao?
- Thiệt! Đến mùa gặt lúa mới có dịp ăn nó. Ăn thì nhiều lần, nhưng chưa thấy cách làm…
- Dễ! Khi mua, dĩ nhiên chim sống còn bay được, họ nhốt hàng trăm con vào bao cát. Để nguyên vậy nhúng nước lạnh ướt sơ rồi tưới nước sôi lên chung quanh phía ngoài vài lần. Hơi nóng làm lông bị tuột gốc, sẵn sàng rụng. Xong, lấy tay vò cái bao, động tác giống như mình giặt khăn, không những lông trụi lủi, phân cũng xịt ra hết, khỏi moi ruột. Chim áo đà chỉ ăn lúa, ruột ngắn, ít phân, như cá cơm hay tôm. Sau cùng, rửa sạch.
Khi bẫy loại chim này, mấy người thợ đem theo nhiều bao cát hay giỏ dày để chứa. Nếu đánh trúng thì cả ngàn con.
- Chắc họ đánh bằng lưới?
- Ừ, giăng lưới, họ dùng mấy cây sào tre chống lưới căng lên ngay vạt ruộng vừa thu hoạch. Nếu cần, rải thêm lúa chỗ bẫy để nhử, chim mau tụ lại.
Nghe kể thích thú, tôi hỏi đùa:
- Họ đánh chim như vậy, còn chị bẫy anh Đẩu cách nào?
-Ảnh bẫy tôi thì có?
Quay sang Đẩu, tôi cười khật khật:
- Anh chỉ tôi vài chiêu đi.
Miệng Đẩu nhóp nhép:
- Cứ lo hỏi, mày không nhậu gì hết. Nghe lời bả có ngày bán lúa giống. Lần đầu tiên tao đến nhà, bả liếc tao trước…
Chị Hai mủm mỉm:
- Ảnh tán gái giỏi lắm, chú Vân! Nhớ lúc mới quen nhau, ảnh dụ tôi: “Với hai bàn tay trắng anh sẽ tạo nên sự nghiệp”. Câu nói ảnh mượn ý của thi sĩ Quách Tấn hay Huỳnh Tấn gì đó Gs trường TH Võ Tánh Nha Trang đầu thập niên 60. Chú Vân biết không, sự nghiệp đâu chưa thấy, tôi chỉ thấy được vợ rồi là ảnh đi nhậu hoài.
Tôi có thêm một trận cười nữa. Chị vừa nói vừa dọn cơm lên bàn. Tôi ăn cầm hơi chứ bụng no cứng một đĩa thịt chim.
Xong bữa trưa, mặt trời đã ngả về hướng tây, và vì đường xa, tôi ngỏ ý kiếu từ.
Đẩu nói:
- Vân đem về chục ký gạo cho sắp nhỏ.
- Có lý ạ? Nó phù hợp lời tôi nói tụi bộ đội hôm nọ. Dưới 10 ký thôi, để các trạm kiểm soát khỏi tịch thu.
Anh Đẩu rút cái bao cát trên bồ lúa:
- Anh biết. Cái bao này cột túm miệng là đúng y chín ký, không thể tịch thu. Chúng ác lắm, phải bóp họng mới được. À, em gói lá chuối ít thịt chim đã ướp để Vân đem về chiên cho mấy đứa nhỏ ăn chiều…
Chị Hai mở tủ:
- Em đã soạn sẵn đây rồi. Chuối khô nữa.
Tôi cảm động:
- Anh chị chu đáo quá, cám ơn nhiều!
Đẩu mỉm cười:
- Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ mày, anh chị còn mang ơn Vân, không bao giờ trả nổi…
- Chuyện gì mà anh nâng tôi lên hàng ân nhân dữ vậy?
- Vụ máy xay lúa. Năm ngoái, nếu Vân không “biến hóa” tài tình thì công an huyện Đức Trọng đã xơi tái cái giàn máy anh bán cho cậu Út.
Anh nhắc tôi mới nhớ sự việc. Đầu năm 1976, đột nhiên công an tới xét nhà, và niêm phong cái máy xay lúa của Út, vì không có giấy chủ quyền, do Đẩu bán lại. Hôm đó, tình cờ tôi ghé Út R’chai chơi, thấy tên Cẩn, trung úy, đang ngồi lập biên bản, Út thì khúm núm đứng bên cạnh. Sẵn mang chứng sốt kinh niên, Út phát run lập cập, trông tội nghiệp.
Trung úy Cẩn nói:
- Các thứ máy móc lớn, loại sản xuất, không có giấy chủ quyền đăng ký, nhà nước phải quản lý.
Lợi dụng quen biết từ lúc nhà tôi bị mất cướp và xin Út cả chục ký gạo cho Cẩn, tôi xen vào, nói như thật, cốt để hắn ta nghe:
- Có giấy tờ đàng hoàng sao không? Út quên à? Hôm bán máy, anh Đẩu nói là chừng nào Út trả hết tiền ảnh mới giao giấy chủ quyền. Nếu Út bệnh không đi được để mai tôi vào Damer lấy giấy cho, chứ giờ tháo gỡ cái máy chở lên huyện, phải đập phá nền xi măng, rồi họ lại trả về, nó nặng cả tấn, chắc hư hết. Khách hàng Thượng sẽ làm reo nữa, vì hai thôn R’chai và Jirong Tambor chỉ nhờ có cái máy xay lúa này.
Biết tôi bạo phổi nói bừa để cứu vãn tình thế, Út há mồm nhìn tôi, còn Cẩn công an thì tin rôm tốp:
- Vâng, anh Vân giúp Út chút, nếu không, kẹt lắm!
Chợt nhớ tới một câu tuyên truyền của chúng vẽ trên các vách tường ngoài phố, tôi khai thác:
- Cách mạng có nói rằng “Bắt cũng được, không bắt cũng được, thì nên tha”. Anh Cẩn thấy rõ vấn đề, sao không tha?
Cẩn đứng dậy:
- Biên bản sẽ sửa đúng, nếu mai anh đem giấy chủ quyền lên huyện đưa tôi xem.
Tôi phân bua:
- Đường vào Damer quá xa, xin anh cho trễ đôi ngày, và đích thân Út gặp anh.
- Ừ, anh Út!
Dứt lời, Cẩn cùng đồng bọn kéo nhau ra xe. Út vẫn chưa hoàn hồn, mặt bị xị:
- Anh hứa vậy, giờ sao? Anh Đẩu làm gì có biên lai?
- Sáng mai tụi mình đi Đà Lạt gấp, tới một người chuyên làm giấy giả. Khai sanh, hôn thú còn được, nhằm nhò gì cái biên lai, chủ quyền, chỉ trả đôi ba đồng tiền công là xong.
- Ông Cẩn có biết giấy dởm không?
- Mấy thằng mọi rú trong rừng ra, biết mốc gì? Còn Cẩn, chữ nghĩa lem nhem. Hắn đã thành thật kể hồi nhỏ hắn đang chăn trâu bị Việt Cộng bắt đi theo, nên dốt đến bây giờ. Vả lại, Cẩn cảm tình mình, nhờ Út cho gạo, không nhớ à? Hồi nãy ông Cẩn do dự, tỏ vẻ dễ dãi. Tôi biết tẩy quân này lắm! Chúng luôn hù dọa để ăn hối lộ, ông Cẩn cũng vậy thôi. Đôi khi mình cương lên thì nó sợ. Tôi có nói Út nghe vụ cơ quan kiều lộ Đức Trọng đòi tịch thu chiếc Honda ba bánh của tôi ngày tái đăng ký, vì xe chỉ có số sườn, không có số máy. Tôi giải thích loại 72 phân khối, hồi xưa Mỹ du nhập, tôi mua lại để biến cải thêm một bánh nữa cho người cụt chân sử dụng. Họ không chịu. Tức quá, tôi nói thẳng với tên trưởng phòng, nguyên là kỹ sư công chánh Đà Lạt trước năm 1975 được lưu dụng: “Anh ở miền Nam phải rõ tình trạng các xe gắn máy hai bánh như loại 72 thế này không bán trên thị trường chứ! Muốn tịch thu cứ tịch thu, tôi lết về!”. Nghe tôi hét, bọn cách mạng 30, trở cờ tiếp tay giặc, vội gật đầu chịu làm. Sau một tháng tôi đến công an huyện nhận thẻ chủ quyền xe, họ trao một mảnh giấy bằng bàn tay, có in thêm một hàng chữ đỏ to chính giữa rất mọi rợ: “Cấm bán và cho tặng”. Út yên trí…
Quả thật, Út thoát nạn. Tờ giấy biên lai giả cũng cũ rích ra phết, thích hợp với thời gian, xuất xứ từ mẫu in của một cửa tiệm chuyên bán nông cụ tại Sài Gòn, mà chủ đã cao xa bay chạy đâu những ngày giặc vào tháng 4/1975.
Chuyện nhỏ, “ba cái lẻ tẻ”, anh Đẩu cũng nhập tâm, nhớ ơn. Anh đưa tôi ra xe và cột chặt giỏ đồ ăn gồm bao gạo với gói thịt chim áo đà phía sau khung sắt. Tôi nổ máy dưới nắng chiều vàng hực. Trước mắt, tôi sẽ băng qua một đoạn đường dài quanh co, lốc chốc những gốc cây đen thui sau nhiều năm mà vẫn còn nguyên, như những bóng ma luôn luôn chập chờn rình rập…