Tác giả Tác pBm (B)
TRẦN THY VÂN “TIẾNG HỜN CHÂN MÂY”

: Vương Trùng Dương :::

(Người Việt 2/7/2000
Đất Nước 7/2000
Sàigòn Nhỏ 7/7/2000
Dân Quyền 7/2000
Sàigòn Times 30/6/2000
Trẻ Magazine 1/7/2000)
Mùa hạ năm 1996, Trần Thy Vân tặng tôi tác phẩm Anh Hùng Bạt Mạng trước khi ra mắt ở thủ đô tị nạn. Tuy là tác phẩm đầu tay nhưng văn phong và cốt truyện đã cuốn hút người đọc từ đầu đến cuối trang sách. Cuốn sách viết về người lính trong binh chủng Biệt Động Quân, vào sinh ra tử, đối diện trực tiếp với địch ở Sa Huỳnh, miền trung vào thời điểm 1973. Nơi đây, xảy ra mối tình giữa chàng Trung úy Đại đội trưởng BĐQ với cô nữ sinh trong khu vực đóng quân. Anh Hùng Bạt Mạng được tái bản lần thứ hai và sắp tái bản lần thứ ba…
Mùa hạ năm 2000, tác phẩm Tiếng Hờn Chân Mây của Trần Thy Vân được trình làng. Bối cảnh xảy ra sau ngày đất nước rơi vào tay Cộng Sản. Cuộc đời của chàng phế binh Trần Thy Vân đã hiến thân thể của mình trong công cuộc bảo vệ quê hương -cụt cả hai chân- trong hoàn cảnh đau thương và bất.hạnh. Chân dung người tình năm xưa trở thành người bạn đời, gắn bó với nhau qua thời kỳ đen tối tột cùng của cuộc sống.
TÁC GIẢ – TÁC PHẨM
Đôi nét về tác giả được ghi trong tác phẩm: (Tiểu sử…)
Tiếng Hờn Chân Mây viết về thời điểm của tác giả từ chương đầu Chuyến Đi Về Sáng “cuối tháng 3/1975, toàn bộ Quân đoàn I, năm tỉnh địa đầu cùng các vùng phụ cận, đã rã ngũ, lần lượt rơi vào tay giặc”, trải qua 5 năm nơi vùng quê ở Đức Trọng, phía Nam thành phố Đà Lạt, cho đến khi cảm thấy tính mệnh lại bị đe dọa, đến chương cuối Xuôi Nam “Nhưng trên bước đường cùng xuôi nam tôi phải lao đi, rồi bốn cha con ghì chặt nhau thả dốc mà như bay bổng, tưởng chừng không bao giờ hạ cánh”.
Khi Đà Nẵng thất thủ, từ Tổng Y Viện Duy Tân, theo làn sóng người di tản, tác giả chạy vào Phan Rang đón mấy đứa con để đưa lên vùng đất của làng dân tộc R’ Chai, Phú Hội, Đức Trọng, phía Nam Đà Lạt. Khi đó, tác giả đã chia tay với người vợ đầu, không biết tá túc nơi nào nên về miền quê này, có thân mẫu của tác giả, bỏ quê nhà lưu lạc ẩn thân.
“Không còn sự lựa chọn nào khác, tôi đành chấp nhận nơi này dựng một căn nhà nhỏ giữa ba sào đất gồ ghề, lởm chởm đá ong, nằm đìu hiu một mình ở cuối xã Phú Hội, huyện Đức Trọng Lâm Đồng... Các bác nông dân hàng xóm thương tình giúp đỡ, mà cũng ngao ngán cho tôi, hoa màu le te không lớn nổi, cỏ dại chằng chịt, và hạn hán kéo dài, ruộng vườn nứt nẻ “ (THCM tr. 87, 88.
Nơi đây anh “gặp lại kẻ thù’, Đại đội C7 thuộc Sư đoàn 304 CSBV đóng ở R’chai. Đơn vị CS này với đơn vị Biệt Động Quân của anh đã bao lần đụng trận ở địa đầu giới tuyến. Anh không giấu giếm lý lịch của mình, hai bên kể cho nhau nghe nội tình trong lúc đụng trận, anh nhận thấy người lính có hào phóng riêng của nó, trong trận chiến hai bên sinh tử với nhau, lòng hận thù không trút lên đầu kẻ chiến bại khi rơi vào bước đường cùng. Trong khi đó, những tên nằm vùng, loại ác ôn địa phương cực kỳ gian ác, đe dọa, khủng bố, vu cáo, rình rập, tìm mọi cách hãm hại thành phần “ngụy quân, ngụy quyền”, con người tàn phế như anh cũng là cái đích để chúng chĩa mũi dùi.
Tác giả phải đương đầu với bao tai ương, nghịch cảnh. Biến cố Vinh Sơn ở Sài Gòn, biến động của anh em phục quốc xảy ra trong làng quê mà anh đang tá túc càng làm cho mũi dùi đó đâm thủng vào tấm thân tàn tạ của anh. Anh bất chấp, chiến trường đã thử thách quá nhiều với súng đạn, còn gì thiết tha mà nhụt chí. Giữa cơn lốc phũ phàng đó, cô nữ sinh tên Nhị (Hoa) năm xưa, bằng tình yêu chân chính, từ nơi xa tìm đến, cùng nhau chia ngọt xẻ bùi với anh, đi trọn cuộc đời. Với tôi, hình ảnh người con gái với mối tình này còn đẹp hơn trong nhiều tiểu thuyết mà tôi đã bắt gặp.
Vợ chồng, con cái sống được thời gian vài năm giữa nơi khỉ ho cò gáy rồi cũng không yên, phải tìm nơi khác tá túc. Với chiếc xe Honda được chế thành 3 bánh trước năm 1975 làm phương tiện di chuyển khắp nơi. Tác giả lên đường, lập lại cuộc đời te tua, rách nát.
CÂU CHUYỆN VĂN HỌC
Trần Thy Vân là chứng nhân chuyện đồng tính của Xuân Diệu xảy ra với người dượng – chồng thứ hai với thân mẫu tác giả. Trước đây, bài viết: Xuân Diệu, Nhà Thơ Tâm Bệnh Hay Đồng Tính Luyến ái đăng tải trên tờ Tay Phải của Du Tử Lê số ra ngày 7-2-85, tác giả cho biết “việc tiết lộ “mối tình tay ba chồng chéo “, đồng tính luyến ái, đã được sự chấp thuận của những người trong cuộc: Dương Hồ Cũ, Xuân Diệu và Mẹ tôi” nhưng có lẽ, bài viết trên báo thuở đó với tên tuổi còn xa lạ không làm cho giới cầm bút quan tâm để ghi vào văn học về chân dung nhà thơ tiền chiến. Xuân Diệu mang bệnh đồng tính với Huy Cận đã được đề cập qua thi ca và văn học. Bài viết đó được đề cập lại trong chương Xuân Diệu Đồng Tính Luyến ái trong THCM:
” Vừa tới ngõ tôi thấy nơi sân trước, dương Hồ Cũ, đời chồng sau của mẹ tôi, đang ôm hôn rối rít một người đàn ông lạ mặt. Mẹ tôi thì đứng bên cạnh, như chờ đến lượt mình, miệng cười cười nói nói huyên thiên... “
” Hồi đó, năm 1936, dượng 24 tuổi, làm công chánh cho Pháp ở Quy Nhơn. Diệu thì 20 tuổi, vừa hoàn tất ban thành chung, sắp ra Hà Nội học thi tú tài. Hai đứa gặp và quen nhau… Dượng ngạc nhiên. Thú thật, lúc ấy dượng cũng khoái cái vẻ đẹp trai của Diệu. Vậy là cả hai mê mẩn nhau, không rời nhau nửa bước.. Diệu xin phép bố mẹ để Diệu cùng dượng về xây tổ “uyên ương ” ở vạn Gò Bồi,. Bình Định, quê ngoại Diệu… Sống với Diệu được một năm lại chia tay, vì dượng gặp mẹ của Lý, ngoài Quảng Nam vào, phải trở về Quy Nhơn... Năm 1937, dượng mua một căn nhà kế bờ biển Quy Nhơn. Vào một đêm hè, Xuân Diệu đột nhiên tới, nhằm lúc dượng và mẹ của Lý đang nằm trong phòng. Diệu biết nên không vào cứ đi quanh ngoài nhà. Vài hôm sau Xuân Diệu kể lại làm dượng cảm động muốn khóc... Sau khi theo cha ra Hà Nội, Diệu gửi thư vô dượng tới tấp, lá nào tình cảm cũng dạt dào “.
Sau bao năm xa cách, đến tuổi lục tuần, cả hai ông bạn già vẫn còn đồng tính với nhau, thân mẫu của tác giả đã hiểu rõ nên trả lại tự do luyến ái” cho chồng:
” – Ông lên nằm với Diệu như ngày nào đi. Đêm qua ông ngủ dưới này Diệu nó ghen tôi, không thấy sao? Ghen cả đời “.
Trong phần chú thích, tác giả ghi: “Xuân Diệu vì tâm bệnh, nên ông thiếu may mắn trên trường tình, sống độc thân cho đến ngày từ giã cõi đời, 1986, thọ 69 tuổi”.
Tôi nói với tác giả phần ghi chú này không được chính xác. TTV cho biết tháng 6, 1976 Xuân Diệu đến ở trong căn nhà của dượng và mẹ anh ở Phú Hội, Đức Trọng, anh chứng kiến hình ảnh đó không thấy đề cập gì đến chuyện vợ con cả nên vẫn tưởng nhà thơ cô đơn với tình trai gái. Trong nhiều lần trò chuyện với Xuân Diệu, Trần Thy Vân hỏi thăm gia đình nhưng thấy thái độ bất bình nên không tìm hiểu thêm về đời tư.
Sau này, TÔ HOÀI qua hồi ký Cát Bụi Chân Ai (Nhà xuất bản Hồng Lĩnh, 1993) ghi lại hình ảnh thi sĩ Xuân Diệu mang bệnh đồng tính với Tô Hoài.
Trong bài Thơ Bút Tre, Ghe Bích Liễu trên Đất Nước số ra ngày 9-9-1999, tôi đã đề cập đến chuyện đồng tính của Xuân Diệu với Huy Cận:
” Xuân Diệu mang bệnh đồng tính luyến ái nên đã bắt chước hai thi sĩ lừng danh của Pháp vào hậu bán thế kỷ XIX Arthur Rimbaud (1854-/891) và Paul Verlaine (1844-1896). Và người bạn đồng tính với ông là Huy Cận...Xuân Diệu gặp gỡ Huy Cận ở Huế năm 1936, cả hai đều ảnh hưởng văn chương lãng mạn Pháp, trở thành đôi bạn tri kỷ tri bỉ. Năm 1943 Xuân Diệu ra Hà Nội sống chung với Huy Cận, nhỏ hơn ông hai tuổi...
Xuân Diệu tham gia kháng chiến rồi trở thành cán bộ văn nghệ cấp cao của đảng. ông làm ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, đại biểu Quốc Hội. Huy Cận trở thành cán bộ lãnh đạo, Thứ trưởng Bộ Văn Hóa-thông Tin. Vì vậy, trong suốt nhiều thập niên, cả hai đều được gần gũi nhau.
Tuy mang bệnh đồng tính nhưng Xuân Diệu cũng lập gia đình với với người đẹp Bích Liễu “lá liễu dài như một nét mi “. Người vợ không được chàng đáp ứng chuyện chăn gối…Mỗi khi Xuân Diệu đi công tác xa, bận họp... Bích Liễu tha hồ đế ghe cho từng cây bút trong Hội Nhà Văn cắm sào...
Từ đó, hình ảnh Thơ Bút Tre, Ghe Bích Liễu nó đi đôi với nhau và được phổ biến khắp nơi bởi vần tre đi gần với vần ghe “.
Cùng trong thời điểm, Xuân Diệu đồng tính luyến ái với hai người bạn.
BÊN LỀ CUỘC ĐỜI
TTV đề cập đến trường hợp Xuân Diệu vô Nam công tác, ghé thăm Hồ Nghinh, Chủ tịch ủy ban Quân Quản Đà Nẵng để tìm người bạn “tri bỉ” Hồ Cũ. Ông Hồ Cũ bà con với Hồ Nghinh, Hồ Nghinh là anh con chú bác với hai anh em ruột Hồ Liên (Hoàng Bích Sơn, Trưởng ban Đối Ngoại Trung ương đảng, Thứ trưởng Ngoại Giao) và Hồ Đàn (Đinh Bá Thi, Đại sứ CSVN tại Liên Hiệp Quốc, bị thanh toán khi về Việt Nam). Ông Hồ Cũ tuy giỏi Pháp văn nhưng không hành nghề giáo mà chuyển sang ngành Y tá, lập cơ nghiệp ở vùng quê Phú Hội, Đức Trọng. Mối tình ông Hồ Cũ với thân mẫu tác giả – bà LTC- hợp tan rồi hợp. Sau năm 1954, ông vào vùng quê ở xứ Thượng để tránh nạn, lấy thêm chữ lót Đắc rồi lập nghiệp luôn nơi đó. Vì vậy Xuân Diệu vẫn nhớ hình ảnh người bạn đồng tính xa xưa mà tìm gặp.
Nói về “dây mơ rễ má”, Trần Thy Vân có bà con khá đông đầy chức quyền trong chế độ Cộng Sản, có thể dựa đẫm để sống yên thân làm ăn nhưng bản tính cương trực, gan lì, bất khuất vẫn tàng ẩn trong con người chiến sĩ Biệt Động Quân, đem máu xương bảo vệ màu cờ sắc áo không làm cho anh quỵ lụy. Vào giữa thập niên 80, khi còn ở Đà Lạt, tôi quen với người cùng xóm, anh Hồ Lý, vợ chồng đều là giáo chức. Có lần Hồ Lý đề cập đến người anh em trong gia đình, bị tàn phế, sống bất cần đời, ngang bướng, nghe tin anh và đứa con vượt biên, đoán chừng vào Nam, đi xe lăn sống lây lất qua biên giới để vượt biên đường bộ. Con người này, dám nói dám làm… Nào ngờ người đó, sau này tôi gặp là tác giả của AHBM và THCM, gợi trong tôi vài câu chuyện về hình ảnh năm xưa. TTV cho biết, anh đưa vợ con về tá túc qua ngày đoạn tháng ở Nhà Bè, Sài Gòn, gặp anh bạn lối xóm, thương cảnh ngộ, giúp đỡ hai cha con vượt biển vào tháng 7-83, hai tháng sau được tị nạn tại Hoa Kỳ. Cơm ăn không có, làm gì có vàng để toan tính vượt biển.
Như đã đề cập khi viết về tác phẩm Anh Hùng Bạt Mạng của TTV trước đây “thức trọn đêm để sống với hình ảnh một thời binh lửa do anh viết, vô cùng cảm xúc”, xúc động từ chân thật, nghịch cảnh, oan khiên của tác giả gánh chịu, bi kịch trong gia đình, trong cuộc sống xảy ra trong hoàn cảnh chiến tranh. Vì vậy khi tôi viết những gì biết thêm đôi nét về anh, tôi thận trọng, dọ hỏi ý kiến. Anh cho biết, sự thật không cần gì phải che đậy, trong chiến tranh có biết bao bi kịch, biết bao thảm cảnh như vậy trong mỗi gia đình, nhưng trong lằn ranh Quốc-Cộng, mỗi người có lý tưởng riêng để bảo vệ được thể hiện qua cuộc sống. Con cháu chúng ta sau này biết thêm về thân phận của đất nước nhược tiểu bị xâu xé bởi chiến tranh.
Cuộc đời Trần Thy Vân như chiếc thuyền nan trôi bồng bềnh trên sóng nước, giữa phong ba bão táp. Thân mẫu anh thuộc dòng dõi hoàng phái ở Mỹ Lợi -Huế, thế rồi mẹ con xa cách nhau, qua bao thập niên, “Đại khái tôi với ba nó thôi nhau, sau ảnh chết, còn Vân lưu lạc hồi nhỏ. Đến năm 1970, hai mẹ con gặp lại thì nó đã là lính “ngụy” rồi. Cứng đầu lắm, không ai nói nó nghe “. (THCM trang 173)
Hồi ký Tiếng Hờn Chân Mây ghi lại bức tranh tang thương mà “bối cảnh và các nhân vật trong truyện đều có thật ‘, trong vũng lầy đen tối đó, xuất hiện bông hoa tươi đẹp với mối tình hiếm có trong cuộc đời này đã đem lại nguồn sống cho Trần Thy Vân làm chất liệu để sáng tác.
::: Vương Trùng Dương:::