Đoạn kết

Pháo đài Brét đứng sừng sững trên biên giới miền cực Tây của Liên Xô. Từ Mátxcơva đến đây không xa lắm, đi tàu hoả không đến một ngày đêm. Không riêng gì khách du lịch và tất cả những người khi ra nước ngoài hoặc trên đường về nước đều đến thăm pháo đài này.
Ở đây người ta không nói to: những ngày tháng của năm một nghìn chín trăm bốn mốt vô cùng vang động và những tảng đá ở đây đã ghi nhớ rất nhiều. Những người hướng dẫn điềm tĩnh đưa những tốp người qua những nơi chiến địa, người ta có thể chui xuống dãy hầm ngầm của trung đoàn 333, sờ tay vào những viên gạch bị súng phun lửa làm cho cháy sém, đi qua cổng Têretxpôn và cổng Khôlmxki, hoặc đứng lặng lẽ trước ngôi nhà thờ cũ.
Đừng vội vã. Hãy nhớ lại tất cả. Hãy cúi đầu mặc niệm.
Trong nhà bảo tàng pháo đài người ta cho bạn thấy những khẩu súng có lần đã nhả đạn và những đôi giày nhà binh được buộc vội vã trong buổi sáng ngày 22 tháng 6. Bạn sẽ được cho xem những vật dụng cá nhân của những chiến sĩ bảo vệ pháo đài, và sẽ được kể cho nghe chuyện những chiến sĩ ấy đã phát điên như thế nào vì khát nước trong khi phải dành toàn bộ số nước cho trẻ em và súng máy. Bạn sẽ được đứng bên cạnh lá cờ, lá cờ duy nhất vừa mới được tìm thấy dưới căn hầm, bây giờ người ta vẫn tiếp tục tìm các lá cờ vì pháo đài không đầu hàng và bọn Đức không lấy được lá cờ chiến đấu nào.
Pháo đài không gục ngã. Pháo đài chỉ đổ máu thôi.
Những nhà viết sử không thích những truyền thuyết nhưng chắc bạn sẽ được nghe kể về một chiến sĩ vô danh bảo vệ pháo đài, người mà bọn Đức chỉ có thể bắt được vào tháng thứ mười của cuộc chiến tranh. Tháng thứ mười, vào tháng 4 năm 1942. Người chiến sĩ đó đã chiến đấu gần một năm. Một năm chiến đấu không biết tin tức, không có đồng đội bên cạnh, không được giao mệnh lệnh, không có hậu phương, không được cung cấp, không được tiếp ứng và không nhận được lá thư nào của gia đình. Thời gian đã không cho ta biết tên và chức vụ của anh, nhưng chúng ta biết rõ: anh là người lính Nga.
Trong nhà bảo tàng pháo đài có nhiều hiện vật. Những hiện vật ấy không thể trưng bày hết được, phần lớn được bảo quan trong các kho của bảo tàng. Nhưng nếu được phép xem kỹ những hiện vật ấy, bạn có thể tìm thấy trong số đó một chiếc chân giả bằng gỗ, bé nhỏ và một chiếc giày phụ nữ còn sót lại. Chúng được tìm thấy tại một hố bom không xa hàng rào của toà Điện Trắng như những chiến sĩ bảo vệ pháo đài đã gọi toà nhà của ban công binh.
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 22 tháng 6, pháo đài Brét lại trọng thể và buồn rầu kỷ niệm ngày mở đầu của cuộc chiến tranh. Vào những ngày ấy, những chiến sĩ bảo vệ pháo đài còn sống sót lại đến đặt vòng hoa tại pháo đài và thay nhau làm hàng rào danh dự, đứng nghiêm không động đậy.
Ngày 22 tháng 6 hàng năm, một phụ nữ đã già lại đáp chuyến tàu sớm nhất đến ga Brét. Bà không vội vã rời khỏi khu ga nhộn nhịp và cũng chưa lần nào đặt chân đến pháo đài. Ra khỏi cửa ga, bà bước đến quảng trường, nơi có một tấm đá cẩm thạch được gắn vào bức tường nằm cạnh cửa ra vào:

TỪ NGÀY 22 THÁNG 6

ĐẾN NGÀY 2 THÁNG 7 NĂM 1941
DƯỚI SỰ CHỈ HUY CỦA
TRUNG UÝ NIKÔLAI
(không rõ họ)
VÀ CHUẨN UÝ
PAVEN BAXNÉP
BỘ ĐỘI VÀ CÔNG NHÂN HOẢ XA
ĐÃ BẢO VỆ THẮNG LỢI NHÀ GA.

Suốt ngày hôm ấy, người phụ nữ già đã nhẩm đọc hàng ghi trên bia đá. Bà đứng cạnh bên cạnh nó như một người lính gác danh dự. Bà đi để rồi sau đó quay trở lại với một bó hoa. Bà lại đứng và lại đọc. Đọc cái tên có bảy chữ:

“NIKÔLAI”

Khu ga này vẫn tấp nập trong nhịp sống vui tươi thường ngày của nó. Những con tàu đến rồi lại đi, những người trực ban nhắc nhở hành khách đừng quên vé, những khúc nhạc vang lên hoà giữa những tiếng cười vui vẻ. Nhưng người phụ nữ ấy vẫn đứng lặng cạnh tấm bia đá cẩm thạch.
Không cần thiết phải giải thích cho bà điều gì cả. Những người con của chúng ta yên nghỉ ở nơi nào, điều đó không thực sự quan trọng. Điều quan trọng là họ đã hy sinh vì mục đích gì.

HẾT


Xem Tiếp: ----