Những rổ cam vàng rượm không cành không cuống gợi sự tò mò của khách hàng khi họ đi ngang chỗ bán trái cây của nhóm đàn bà hùn chung vốn. Chúng cũng đã khiến cho mấy người khách hàng quên hẳn điều kiêng kỵ và tật mê tín dị đoan của mấy người buôn bán như “bán mơ xưa”, “bán mở hàng”, “vía nặng, vía nhẹ”, khi họ đặt nhiều câu hỏi không nên hỏi về sản phẩm không tốt của người buôn khi mà chẳng hề có ý định mua những sản phẩm ấy. - Trời ơi! Cam gì mà vàng chét vậy?- Chưa bao giờ tui thấy cam lạ như vầy? Cam bị sao vậy chị?- Cam trông như cam héo mà sao nhiều dữ vậy mấy chị? Lúc đầu, những người đàn bà bán hàng còn lịch sự trả lời, tâm sự hay năn nỉ khách như:- Cam quít bị rụng bởi vì thuốc khai quang đó chị. - Chị mua dùm em ít trái em bán rẻ cho!- Mua cam về vắt nước uống cho khoẻ chị ơi! - Không muốn cúng thì vắt nước uống, mua dùm em đi! Dần dần, nhận thấy không thuyết phục được khách hàng, họ không thèm trả lời cũng không năn nỉ bất cứ ai nữa, để mặc cho cam trong rổ ngày càng héo nhăn héo nheo ra sao thì ra. Mọi người đều hiểu là không ai dại đến nỗi bỏ tiền ra mua trái cây héo uá để trưng bày trong những ngày đầu năm, khi mà táo Mỹ, lê Mỹ và cam Mỹ xuất hiện đầy dẫy trong các gian hàng lớn của những người đại lý thầu trái cây. Khách hàng xúm xít quanh các gian hàng lớn phảng phất mùi thơm ngọt ngào của trái cây ngoại để tranh nhau mua những trái tươi tốt nhất. Ngoài những thứ trái cây thường được mua theo tập tục dành cho Tết nguyên đán như dưa hấu, thơm, chuối, đu đủ người ta ra vẻ biết hưởng thụ khi lựa chọn những trái cây có kèm theo cái tên Mỹ như táo Mỹ, lê Mỹ hay cam Mỹ. Những thứ trái cây mà bà mẹ và những bà bạn hàng của bà đã từng mua bán thử nhưng không thể nào đủ tiền để mua sỉ và bán lẻ trong những ngày chợ nhộn nhịp nhân dịp Tết Nguyên Đán sắp đến. Số vốn hùn hạp của họ hầu như đã phải dốc hết để trả nợ cho những người chủ vườn, tiền vận chuyển, và các khoản chi phí chuyên chở, bốc xếp cho ba gác từ nhà bà mẹ đến chợ vào lúc trời tờ mờ sáng và từ chợ về nhà khi trời tối mịt. Mỗi ngày, sau khi tan chợ, mấy bà bạn hàng lại họp nhau ở căn nhà nhỏ của ba mẹ con, tính toán phân chia số tiền ít ỏi mà họ kiếm được trong ngày và cả một số cam héo. Dần dà, tin đồn cam bị nhiễm độc lan rộng, hàng họ ế ẩm đến nỗi số tiền bán cam trong ngày không đủ trả chi phí chuyên chở bốc xếp và, nhóm người buôn bán với bà mẹ hai con nhỏ bàn nhau đem đổ hết thảy mấy thúng cam rụng bởi thuốc khai quang còn lại vào khu chứa rác của chợ. Chuyến buôn bán cam trong những ngày cận Tết của họ đã hoàn toàn thất bại. Thâm hụt vốn, nhóm buôn bán trái cây với bà mẹ hai con nhỏ đành phải giải tán việc hùn hạp của họ và bà mẹ phải ở nhà chăm sóc hai đứa nhỏ và quán xuyến công việc nội trợ như lúc chưa đi buôn bán. Sự có mặt thường xuyên của mẹ trong nhà khiến hai chị em con nhỏ vui sướng hẳn lên. Mặc dù chúng không còn được đi thăm những khu vườn cây trái xanh tươi, không được gặp những người buôn bán chung với mẹ, không được ăn những cái mặt trái cây thừa, không thấy thịt cá trong những bữa ăn, hai con nhỏ hạnh phúc bên mẹ của chúng lắm.Có lẽ những người trong ngôi nhà lớn đoán được sự thay đổi trong đời sống ba mẹ con ở căn nhà nhỏ khi không còn thấy chiếc xe ba gác chở hàng đi đi về về và không còn nghe tiếng nói cười cởi mở của những người đàn bà buôn bán, tuy nhiên, chẳng ai đề cập đến chuyện gì đã xảy ra. Bà nội im lặng. Ông bà bác Cả im lặng. Cô Sáu im lặng. Cô Út không nói gì và cũng không chửi bới nữa. Hôm ấy là ngày hai mươi ba tháng chạp âm lịch, ngày đưa ông táo về trời theo phong tục tập quán của những người theo dạo thờ cúng ông bà. Sáng sớm, trước khi đi chợ, cô Sáu đi ngang khu vườn cây ăn trái, gõ cửa căn nhà nhỏ và nói với bà mẹ: - Chút nữa, chị đưa ra hai cháu ra hàng em nghe. Em sẽ cho chúng tiền ăn sáng.Nghe như thế, bà mẹ làm y theo lời. Đúng chín giờ sáng bà dắt hai đứa ra chợ, để chúng lẩn quẩn quanh sạp tạp hóa của cô Sáu, rồi lân la qua mấy cái hàng buôn bán trái cây quen biết trước đó. Hai đứa nhỏ loay hoay xung quanh sạp hàng tạp hóa của cô Sáu, nhìn cô bán hàng cho khách và chờ nhận tiền. Sau khi nhận tiền của khách, cô Sáu đếm tiền cho hai đứa nhỏ rồi bảo chúng dắt nhau đi xuống những hàng bán thức ăn để chọn những món ăn sáng mà chúng thích.Len lỏi quanh các quầy thức ăn với em, con chị ngơ ngẩn nhận ra là chưa bao giờ mẹ chúng đi ăn hàng cùng với chúng. Nó nghĩ đến mẹ và nhớ những ngày buôn bán tần tảo của bà. Nó nhớ những buổi tối sau khi chia lời với những người buôn bán chung, mẹ nó thường chắt chiu từng đồng cho chúng tiền ăn sáng nhưng luôn luôn ăn những thức ăn cũ, những mẫu cơm cháy, hay cơm ngui để lót lòng. Nó còn hiểu là cô Sáu chỉ cho hai đứa tiền ăn sáng chứ không bao giờ cho tiền để mẹ chúng ăn với chúng. Nó biết là trong khi hai chị em nó đang ăn, mẹ chúng đang đói và lang thang từ hàng trái cây này đến hàng trái cây khác cho đến lúc dẫn chúng đi về nhà. Nó nghĩ đến cô Sáu và hiểu rõ là cô Sáu đã kiếm tiền cho hai chị nó ăn trong khi cô phải nhịn đói vì tất bật buôn bán. Nó cảm kích đức tính hy sinh của những người lớn và mơ mộng sẽ được cô tiên ban phép thần như trong những truyện cổ tích do mẹ kể để được đền công ơn của những người mà nó hàm ơn. Con em không nghĩ ngợi vẩn vơ. Nó thường vòi chị dẫn đi khắp các gian hàng ăn trước khi quyết định món ăn mà nó thích. Ăn sáng xong, chiều em, con chị dắt con em đi ngang các sạp hàng bán đồ chơi để nhìn những con búp bê nhựa rẻ tiền hay những con thú nhựa nho nhỏ nằm trong những gói ni lông với một hai viên kẹo bên trong. Con em thường ao ưóc có một thứ gì trong gian hàng bán đồ chơi mà chẳng bao giờ nó có được bởi vì con chị luôn luôn nói với nó là “tiền là để ăn sáng chứ không phải tiền để mua đồ chơi.” Con chị biết con em vừa muốn ăn sáng và cũng muốn có đồ chơi nhưng số tiền cô Sáu cho chị em nó không thể đáp nổi cho cả tiền ăn sáng và tiền đồ chơi cho nên nó luôn khư khư với những gì người lớn căn dặn. Ăn sáng xong, dắt em đi ngang các hàng đồ chơi một chốc, nó dắt em trở lại gian hàng tạp hóa của cô Sáu ngay. Nó thích nhìn cảnh người đi qua lại trước hàng cô và nhìn cảnh xếp xếp, gói gói. Công việc chẳng khác nào trò chơi buôn bán mà nó bày cho con em dưới gốc cây vú sữa. Bởi vì gian hàng tạp hóa của cô Sáu có rất nhiều thứ như kẹp tóc, dầu thơm, long não, dầu khuynh diệp, thuốc nhum tóc, khăn trài bàn, áo quần đàn ông, áo quần đàn bà, áo quần trẻ con và đủ các thứ linh tinh khác, và bởi vì người ta có phong tục mua đồ mới trong những ngày cuối năm để chuẩn bị cho những ngày tết âm lịch cho nên cô Sáu luôn luôn bị bận rộn bởi vô số khách vây quanh hàng. Cô không thể vừa tiếp chuyện với khách, vửa gói hàng, vừa thu tiền, và vừa thối tiền cho nên dần dần cô giao cho hai đứa nhỏ những việc nhỏ như thu dọn các thứ khách tạm lựa còn để bề bộn trên các hộp kiếng, hay bỏ đồ vào bao cho khách, cho đến những việc quan trọng hơn như thu tiền, hay thối tiền. Quay lại đón hai đứa nhỏ, bà mẹ hiểu ra rằng cô Sáu cần chúng phụ giúp cô trong dịp tết nên bà lưu chúng ở lại và dặn dò đến chiều tối sẽ đón chúng về. Khi trở về nhà một mình, cảnh chợ tết tấp nập kẻ bán người mua bây giờ mới thu hút tâm trí bà. Những bộ áo đầm, giày và dép trẻ em xinh xắn kiểu mới nhất được treo trên móc hay trong tủ kính của các gian hàng trung tâm; những nhánh mai vàng đầy búp xen lẫn một vài bông hoa vừa hé nở, những cây tắc xanh tươi trĩu quả, những chậu cúc, chậu hồng, vạn thọ, thược dược muôn hồng ngàn tía được đặt ngay ngắn trên lề các lối dẫn vào trung tâm chợ; và những trái dưa hấu xanh thẫm, những đòn bánh tét no tròn, những hộp bánh mứt gói giấy bóng kính đủ màu bày chồng lớp trên các kệ hàng. Tất cả như đang đón mời, nhưng tất cả chợt đem đến cho bà bao nỗi muộn phiền, day dứt. Bà xót xa nhớ đến cảnh nhà đơn chiếc chưa sắm sửa được gì. Bà không nghĩ đến mình nhưng hai con bà vẫn chưa có quần áo mới. Ngay cả bàn thờ Phật và bàn thờ chồng hiện cũng chỉ bày vỏn vẹn hai ly nước trắng, cái quả bồng và bình hoa trống trơn. Nghĩ đến số tiền eo hẹp trong túi, bà không dám ngừng lại hay hỏi giá một người bán hàng nào. Cho đến lúc lướt ngang gian hàng bánh mứt cuối cùng, nơi mà có những cái bánh in hình cối bọc trong giấy bóng sặc sỡ và người bán hàng niềm nở mời mọc, thì bà mới mạnh dạn ghé lại thăm dò giá cả. Nét mặt bà dãn hẳn ra khi bà biết được những cái bánh in hình cối kia có giá tiền vừa phải với số tiền còn lại mà bà đang có. Nghĩ rằng chúng vừa có thể thay thế cho mứt tết và hoa quả, vừa có thể tôn vẻ trang trọng hơn cho bàn thờ trong dịp Tết, bà quyết định móc tiền mua bảy cái rồi rảo nhanh về nhà.Chiều hôm ấy, cô Sáu cho hai chị em con nhỏ cùng đi xích lô về nhà sớm. Chiếc xe đầy ắp các giỏ hoa quả, bánh trái trên đùi, và dưới chân cô Sáu và con chị. Con em đứng sau lưng hai người, ôm mấy bó hoa.Cô Sáu vui vẻ nói với ông xích lô:- Anh chịu khó chở nặng một chút, đến chỗ tui đưa thêm tiền cho.Ông xích lô vui vẻ không kém gì cô Sáu:- Được rồi mà chị Sáu! Thêm hai đứa nhỏ có là bao.- Hôm nay tui mua đồ nhiều lắm, tui sẽ trả thêm cho anh. Cái gì ra cái nấy. Anh coi đấy! Lo mua bán đến ngày đưa ông táo về trời cũng không nhớ. Thấy mấy bà đi chợ nói tui mới nhớ! Tui mua vội mua vã các thứ để kịp cúng tối nay.Ông xích lô không trả lời. Ông phải gồng người đẩy chiếc xe trên cái dốc giữa đám người đông đúc. Con em là người vui nhất trong xe. Lần đầu tiên nó được đi xe xích lô vì vậy nó ra vẻ quan trọng lắm. Đi ngang nhà mấy đứa hàng xóm nó nhoài người vẫy tay, gọi con nhỏ bạn học:- Ê Hoa! Hoa! Tao được đi xe xích lô nè!Ông xích lô la nó:- Đứng đàng hoàng, coi chừng té đó!Con chị ngồi im không nói gì. Đến cổng, nó và con em phụ xách một chiếc giỏ, đi theo ông xích lô và cô Sáu vào ngôi nhà lớn của nội, rồi dắt em trở về nhà. Hai đứa về nhà khi bà mẹ lúi húi lau những chiếc bóng đèn dầu bên chiếc bàn cạnh cửa sổ. Bu quanh mẹ hai đứa chăm chú nhìn những bóng đèn tròn trên bàn. Con em huyên thuyên:- Má ơi, tụi con về rồi nè! Tụi con đi xích lô. Má khỏi cần phải đón.Bà mẹ hỏi:- Vậy hai đứa con ăn chiều chưa?Con em gật đầu, chớp đôi mắt linh lợi:- Con ăn rồi! Chiều nay cô Sáu bán đắt lắm. Cô Sáu cho ăn bánh hỏi với thịt quay. Tụi con có gói để dành cho má nữa. Tụi con nói không muốn ăn nữa rồi gói lại để dành đem về cho má đó!Bà mẹ lắc đầu:- Má không ăn đâu. Để dành mai các con ăn. Má ăn cơm rồi.Con chị lên tiếng:- Má ăn cơm với gì vậy má?- Má ăn với xì dầu.- Sao hôm nay má ăn chay vậy? Hôm nay có phải là ngày rằm hay mùng một không?- Má thích ăn chay thì ăn chứ đâu cần ngày rằm hay mùng một!Con em nằn nì:- Má ăn đi má! Ngày mai tụi con đi ra hàng cô Sáu nữa. Cô sẽ cho tụi con ăn nữa, má đừng lo.Suy nghĩ một lúc, con em nói tiếp:- Tối nay cô Sáu còn cho mình đồ ăn nữa má à! Cô Sáu nói cúng đưa ông táo về trời xong sẽ cho tụi con đồ ăn.Con chị nhìn về phía nhà lớn. Ánh điện trong ngôi nhà lớn của nhà hai bác Cả và nhà cô Sáu lập lòe sau những hàng cây. Tiếng gọi, tiếng nói từ trong sân gạch phía sau nhà bác Cả văng vẳng trong khu vườn đêm. Giờ này chắc hẳn bà nội, cô Sáu, và Cô Út đang rộn ràng làm bánh mứt và sửa soạn các thứ để cúng đưa ông táo. Con chị hỏi mẹ:- Má có cúng đưa ông Táo không má?- Có chứ, má cúng rồi! Má lau mấy cái bóng đèn này để cúng Phật Bà và ba con. - Má cúng ông táo ở đâu vậy má?- Ở dưới bếp đó con à!Con chị đứng lên, bước ra khỏi bàn, đến ngưỡng cửa và bước xuống bếp. Bên cạnh bếp lò một chiếc đèn dầu chân vịt nho nhỏ được thắp sáng. Ánh đèn vàng vọt chiếu hắt lên cái dĩa sành đựng ba cái bánh in gói giấy bóng kính, hai chén nước lạnh và ba nén nhang. Tất cả mọi vật trong bếp câm nín với ánh đèn như cái im lặng của con chị. Nó quay ra khỏi bếp, đến giếng, thả gàu xuống nước. Mùi mứt gừng thơm thoang thoảng trong khí đêm khiến nó hướng mắt về phiá cái sân gạch. Ánh điện lung linh, bóng người qua lại, tiếng nói, tiếng cười ở cái sân sau ngôi nhà lớn cho nó hiểu bà nội và cô Út đang làm các thứ mứt gừng, mứt khoai, mứt bí ở ngoài sân như mọi năm. Cảnh xôn xao đàng sau ngôi nhà lớn cho nó có ý nghĩ là ông Táo sẽ vui vẻ tìm đến nhà nội và cô Sáu hơn là đến căn nhà nhỏ của ba mẹ con nó và ông Táo cũng sẽ thích đến bếp của bà nội hơn là đến bếp của mẹ nó. Lặng lẽ, nó xối nước lên đôi chân. Nước mát tràn trên hai bàn chân làm con nhỏ chị dễ chịu. Nó đạp chân lên nhau để kỳ cọ những đất ghét bám trên các ngón chân và gót chân. Ngước mặt nhìn lên trên, nó lại bắt gặp hai sợi dây điện đan trong những tàu lá dừa và cảm giác khoan khái như bị tan biến. Những cây dừa này không hiểu do ai trồng, đã vô tình tiếp tay cho sự tăm tối và u buồn ngàn đời trong căn nhà nhỏ của ba mẹ con nó. Nghĩ đến ba, nó bước nhanh vào nhà hỏi mẹ:- Con thắp hương cho ba nghe má!Mẹ nó vừa ngạc nhiên vừa trả lời:- Má vừa thắp hương cho ba xong nhưng con muốn thắp nữa cũng được.Con chị không nói, cũng không hỏi thêm. Nó lặng lẽ đến bàn thờ của ba nó, lấy một cây nhang và đốt cháy trong cái đèn nho nhỏ ở chính giữa bàn thờ. Đó là lần đầu tiên con chị thắp hương cho ba nó. Nó không biết người lớn mở đầu lời cầu nguyện như thế nào nên im lặng nhìn tấm ảnh bán thân của ông và mọi thứ trên bàn thờ. Cũng như nơi cúng ông Táo, bàn thờ ba nó chỉ có hai chén nước lã, hai cái bánh in trên quả bồng, không có đèn cầy, không có hoa, không có trái. Những đồ vật trống trải trên bàn thờ khiến nó nhớ những trái cây mà mẹ nó từng bày cúng trên những quả bồng khi mẹ nó buôn bán trái cây. Nó nhớ những ngày đi vườn, những buổi tối chia lời của mẹ, rồi quyết định cầu nguyện ba nó giúp cho mẹ nó có cơ hi tiếp tục buôn bán trái cây để mẹ nó có trái cây cúng ba, cúng phật và có tiền nuôi sống chị em nó. Ánh đèn leo lét của ngọn đèn dầu gây cho nó tủi thân nghĩ hai sợi dây điện trong những cành lá dừa và cảnh tối tăm trong căn nhà nhỏ. Nó thì thầm thêm lời cầu nguyện. Nó cầu ba nó làm cho cây dừa rụng hết lá để bác Cả gái bằng lòng “mở điện” truyền từ nhà ngôi nhà lớn đến căn nhà nhỏ. Tham lam hơn, nó cầu nguyện nhiều thứ khác như được học giỏi, được quà bất ngờ, được áo đẹp, và được nhiều đồ chơi đắt tiền. Càng khấn, nó càng hạ thấp giọng để không cho con nhỏ em tò mò đang đứng bên nghe lóm. Bà mẹ chờ con chị thắp hương cho ba nó và cầu nguyện xong, định hỏi điều gì đó nhưng thấy khuôn mặt trang trọng của nó thì nén lại. Con em bám theo chị đến cái bàn gỗ, hỏi ríu rít:- Chị Hạ nói gì với ba vậy?- Chị nói gì Vy hỏi làm chi?Con em không hết thắc mắc:- Chị có cầu ba làm cái gì tốt cho em không?Con chị trả lời:- Chị cầu ba làm nhiều điều tốt cho tất cả ba mẹ con mình.Nó quay sang hỏi mẹ:- Sao má cúng ba và Phật Bà chỉ có hai cái bánh mà cúng ông Táo đến ba cái bánh vậy?- Vì ông táo có ba người.- Ba người? Con nghe ông Táo con nghĩ chỉ có một người thôi chứ!- Ba người lận con à cho nên con thấy bếp lò có ba cục gạch đó!Con chị buồn rầu:- Con nghĩ ông táo không đến nhà nhà mình đâu.- Vì sao? Bà mẹ hỏi.- Mình đâu có cúng đủ lễ! Không có hoa, không có trái cây.- Con đừng nói bậy mà mang ti! Ông Táo là Táo quân gồm có hai Táo ông một Táo bà. Ông bà Táo là vua bếp nên lúc nào cũng ở trong bếp để theo dõi mọi chuyện trong gia đình người. Táo quân thường tâu những việc làm xấu tốt của mình cho Ngọc Hoàng nghe để Ngọc Hoàng phán xét. Thánh thần không phân biệt giàu nghèo đâu. Hôm nay ông Táo về trời, đến sau tết mình sẽ đón ông trở lại.Con chị lắc đầu:- Con không hiểu gì về chuyện này. Tối nay má kể chuyện ông Táo cho tụi con trước khi đi ngủ đi! Mình đi ngủ sớm nghe má!Bà mẹ gật đầu ưng thuận. Những buổi tối dưới ánh đèn dầu lù mù, khi hai đứa nhỏ không còn có bài làm, bài học, bà thường cho chúng đi ngủ sớm để kể chuyện cho chúng nghe. Đó là thú tiêu khiển duy nhất của chúng mà bà có thể làm cho. Con chị bảo em:- Vy ra lu rửa chân mau đi! Đi ngủ sớm để má kể chuyện Ông Táo cho mình nghe.Con em đáp gọn lỏn:- Không! Em chưa muốn đi ngủ.Con chị trợn mắt tức giận bởi vì nó chưa bao giờ bị con em cãi lại như thế. Nó hỏi với giọng khô khan:- Thức làm gì nữa? Vy muốn ngồi đây chờ muỗi cắn hả?Con em chỉ tay về phia ngôi nhà lớn:- Em chờ cô Sáu với cô Út cho đồ cúng ông Táo. Hai cổ ra nhà mình cho đồ kìa!Xuyên qua mấy khung cửa sổ, con chị thấy hai cái bóng lụp xụp gần bờ giếng đang hướng về nhà nó. Tiếng cô Sáu vang ở ngoài vườn:- Chị Năm ơi, ra lấy đồ cho mấy cháu nì!Ba mẹ con chạy đến cửa ra vào. Hai người đàn bà bước vào nhà không phải là cô Sáu và cô Út mà là cô Sáu và cô Mỹ. Bà mẹ hỏi cô Mỹ vồn vã:- Trời ơi! Cô đi đâu mà tối quá vậy?- Em đến thăm chị để cho các cháu mấy xấp vải may áo dài. Chị đưa hai cháu đi may áo dài đi. Bao nhiêu tiền công em trả lại.Bà mẹ cúi đầu:- Cảm ơn cô. Tui buôn bán thất bại quá không sắm sửa được gì.Nhìn quanh nhà và các bàn thờ, cô Mỹ chép miệng:- Tội nghiệp! Ngày tư ngày Tết mà chị làm ăn thất bại, còn tụi em thì bận rộn không ngớt tay. Nắm tay bà mẹ, cô thân mật đề nghị:- Hiện giờ tiệm em còn có một số giày dép kiểu cũ mà mấy người đi phố chẳng muốn hỏi tới. Em muốn bày bán số hàng tồn này với giá rẻ mạt ở trên đường Phan Bội Châu mà không có ai coi. Nếu chị phụ em bán thì em sẽ chia hoa hồng cho chị.Cô Sáu chen vào:- Còn mấy ngày nữa đến Tết rồi. Khi mô chỉ mới bắt đầu được?Cô Mỹ nói:- Ngày mai! Ngày mai chị đến tiệm em lấy đồ dọn ra đường Phan Bội Châu bán. Em biểu mấy đứa giúp việc làm cái bảng đại hạ giá để chị bán mau hết. Được giá nào bán giá đó không cần kèo nài gì cả! Sau tết, hàng mới về không để mấy thứ cũ đó làm gì. Bất cứ giá nào cũng phải bán hết trước tết.Sau khi căn dặn cẩn thận những việc cần làm cho ngày hôm sau, cô Sáu và cô Bảy Mỹ vội vã chào từ giã rồi khuất dạng sau bờ giếng. Dưới ánh đèn dầu nhạt nhòa bên khung cửa sổ, ba mẹ con nói nói, cười cười không thôi. Con nhỏ em hân hoan với những thứ đồ cúng ông Táo mà cô Sáu cho, bà mẹ rộn ràng với tương lai hứa hẹn của ngày mai và con nhỏ chị sung sướng mân mê hai xấp vải lụa hồng phấn trên tay. Con chị thầm cảm ơn ba nó đã chấp nhận một trong những lời mà nó cầu xin.