ừ hôm đó, Xương và Tâm lại càng trở nên thân mật. Xương sẵn lòng nghe những lời khuyên bảo của Tâm. Còn Tâm thì cũng thấy lòng mình đầy kiêu hãnh, đầy bối rối... Tâm đã đọc nhiều và đi khắp mọi nơi. Chàng thường kể lại cho Xương biết những nơi chàng đã đi qua ở miền Nam. Bởi thế câu chuyện của chàng kể lại Xương cho là đầy lý thú. Nhưng trong khi nghe chuyện của Tâm, nàng đã thấy cái bóng của Hòa hiện đến, và lượn quanh chỗ hai người. Trong mỗi phong cảnh đẹp đều có khuôn mặt của Hòa hiện ra mờ nhạt, nhưng chẳng dễ cho người xua đuổi. Thỉnh thoảng Ái lại gửi cho Xương một bức ảnh, một phong thư ngắn ngủi. Xương đọc thấy những câu: “Em và cô đương ở Huế. Huế đẹp lắm, để khi về em sẽ kể...” Hay là: “Em và cô đã tới Sài Gòn...”, và thiếu nữ đoán ra rằng Ái đã viết cho chiếu lệ, để cho người không được đi có thể an ủi là mình vẫn có người nhớ đến. Rồi nàng lại tự hỏi xem Ái có đem theo bút và giấy để vẽ trộm bà cô một vài cảnh đẹp chăng? Ái có còn giữ được cái tính thích vẽ, và cái tài hơi khô khan ngày xưa đã khiến cho Ái nổi tiếng là người con vẽ khéo trong nhà chăng? Không. Chắc là không đời nào cô Cả cho phép Ái làm như thế ở dọc đường. Cô Cả sẽ cho thế là không lịch sự. Một cô gái ngồi ở đường để vẽ? Người ta sẽ bàn tán thế nào? Thực ra, được mặc quần áo đẹp và đi du lịch với cô, Ái cũng phải bỏ mất cái thú vô hại của mình ngày bé, cái mộng trở nên một nghệ sĩ tài hoa, danh tiếng.Đối với Ái hay với ai cũng vậy, cuộc đời không có cho không một cái gì. Được một chút vui, thì người ta lại phải trả lại gấp hai lần, bằng những sự buồn, sự tiếc. Xương nghĩ vậy, và nàng cho cái cuộc du lịch trong tưởng tượng của nàng qua lời nói của Tâm, lại còn đầy đủ mặn mà hơn là cuộc du lịch của Ái bên cạnh một bà cô khó tính. Ái đi được hai tháng, thì một đêm, bà Phán Hàng Đào rủ cả Tâm và Xương cùng đi xem diễn kịch ở nhà hát lớn với mẹ con bà. Đêm đó người ta diễn một tích mới quá, bà Phán không hiểu nên nửa chừng bà dặn hai người ở lại xem và đưa mấy đứa con bà về sau, vì bà buồn ngủ. Lúc tan hát, Tâm và Xương cùng mỗi tay dắt một đứa trẻ đi bộ về nhà. Trời đã trở thu, không khí mát mẻ, dễ chịu. Tiếng chân người đi trên hè phố vang giòn. Xương khẽ nhẩm lại theo điệu hát vừa nghe vai đào chính ở trên sân khấu hát. OEm nhạc của ban thanh niên đã giúp vui thêm cho buổi diễn đã khiến lòng nàng rộn rã. Nhiều lúc Xương nắm lấy cánh tay Tâm mà bước. Còn Tâm thì sung sướng nhìn thấy vẻ hân hoan trên nét mặt nàng. Xương mặc một cái áo lụa mỏng trắng tinh có điểm hoa thêu nhỏ, mặt nàng rực rỡ hồng hào, mắt nàng cũng sáng lên khác ngày thường. Tâm nắm lấy bàn tay gầy nhỏ của Xương. Chàng nghĩ rằng đêm nay chàng sẽ nói cho Xương rõ... Nhưng chàng còn sợ đến phút cuối cùng lại ngập ngừng không nói ra lời. Đó là một dịp hiếm có. Không mấy khi hai người được đi cạnh nhau trong đêm khuya với hai đứa trẻ nhỏ trên hè phố như thế này. Nên chàng không có can đảm nói... Tâm vừa nghĩ vậy, thì Xương cất tiếng:- Tôi vừa mới nhận được thư của em tôi ban chiều. Ái và cô tôi đã gặp Hòa và cụ án ở Đà Lạt, và họ sẽ cùng đi chơi nhiều chỗ khác với nhau. Tâm mừng thầm khi nhận ra rằng Xương đã nói đến cái tên “Hòa” một cách lãnh đạm khác mọi khi. Chàng tự nhủ bây giờ không còn gì ngăn cách chàng và Xương nữa... Tâm chỉ cần nắm chặt lấy tay Xương mà nói ra tất cả nỗi lòng mình bấy lâu là đủ... Tâm không dám nghĩ đến việc nó sẽ xảy ra cho mình cách thế nào. Nhưng mà chàng chắc nó sẽ khiến được chàng vui sướng lắm... Tuy vậy hai người vẫn đi cạnh nhau, rất lâu mà Tâm chưa nói được ra. Lòng chàng đau xót khi thấy chỉ còn một phố nữa đã tới nhà. Chàng hoảng lên, và liều nói:- Cô Xương ạ. Cô có thể cho phép tôi viết thư về Phủ Lý được chứ? Tôi có một điều rất quan hệ để nói với ông Thông... quan hệ lắm!Tâm cho cách đó là hơn cả. Chàng biết rằng không bao giờ mình dám nói ra câu chuyện ấy với Xương. Từ lâu, chàng định sẽ viết thẳng thư cho ông bà Thông để hỏi Xương. Như vậy thì không “lãng mạn” chút nào, có lẽ Xương giận chàng cũng nên. Nhưng làm thế thì đứng đắn, và đỡ ngượng. Xương hơi lấy làm sửng sốt. Nhưng lòng nàng lúc đó đương hớn hở, nàng bắt chước dáng điệu của vai đào trong vở kịch vừa nghiêng mình vừa nói với Tâm:- Tại sao lại không cho phép? Cả nhà tôi đã biết ông Tâm là ai rồi. Tôi vẫn thường kể chuyện ông Tâm với các em tôi.Rồi nàng lại hỏi trêu:- Nhưng mà ông Tâm muốn viết thư về nhà tôi làm gì vậy? Để phàn nàn về cô học trò hư và dốt của ông Tâm chăng?Tâm thấy máu chạy bừng bừng trên mặt và trong đầu. Chàng không biết nói gì thêm nữa. Chàng là một kẻ đàn ông vụng về và lương thiện. Chàng chỉ biết rằng mình nên tự cho mình là sung sướng nhất đời. Bởi Xương đã nói đến mình trong những bức thư gửi về nhà. Mấy đứa trẻ đương buồn ngủ thấy đã tới nhà thì đấm cửa ồn lên gọi người mở cửa. Bà Phán nằm trong màn vừa tỉnh giấc liền gọi Xương lại gần và đưa cho nàng một cái dây thép vừa gửi tới lúc bà ở nhà hát lớn ra về. Bà bắt Xương mở ra để xem ngay có việc gì hệ trọng không. Mặt Xương bỗng nhiên tái ngắt. Nàng biết là có việc không hay xảy ra trong gia đình nàng rồi. Cái thứ giấy báo tin kia bao giờ chẳng báo những tin làm cho người ta đau khổ. Tâm nhìn Xương và cũng thấy lo lắng như chính việc của mình. Cái dây thép đã mở ra trên tay run rẩy của Xương: “Thuần ốm nặng. Xương phải về ngay tức khắc”. Xương biết là lần này thì hết. Thuần sẽ đi khỏi gia đình vĩnh viễn. Nàng hối hận trong lúc Thuần đau yếu, nàng lại không có mặt ở đầu giường em. Nàng đoán thầm những nỗi lo sợ của các em, của bà Thông, và nàng khóc. Nàng khóc ngay ở cửa màn bà Phán. Mấy đứa trẻ con cũng xúm lại bên nàng mà khóc theo người chúng vẫn yêu. Bà Phán cũng thấy nghẹn ngào nước mắt. Còn Tâm thì chàng hiểu rằng trong trường hợp ấy, chàng hóa ra một người vô dụng. Chàng biết rằng Xương đang đau khổ lắm. Nhưng mà những lời an ủi của chàng sẽ hóa ra vô ích.