Chương 11
VINH SƠN CHIẾN SỬ

     ấy đứa con vừa đi học, tôi định ra sau cắt mớ ngọn lang cho heo thì nghe có tiếng động ở cửa trước. Một bà trong hội phụ nữ, tuổi khoảng 50, xăm xăm bước vào, đứng ngó quanh trong nhà một vòng dò xét, nghe ngóng động tĩnh, rồi khuôn mặt bà đanh lại, hất hàm:
- Này, tôi hỏi ông, cớ sao ông mắng cả hội trường người ta đang họp là đồ chó? Có ai la chó mà kêu bằng “đồ”, hả?
Mới sáng sớm tôi bị bà giũa một hơi. Tôi kịp nhớ chuyện xảy ra hôm qua khi tôi đến ủy ban xã Phú Hội xin xác nhận chiếc Honda tôi đang chạy đã được biến cải thành ba bánh để người cụt hai chân như tôi sử dụng từ trước 1975, nay cơ quan kiều lộ huyện nói sửa đổi như vậy sái luật, không cho đăng ký cấp thẻ chủ quyền mới. Khi vào ủy ban nhằm lúc có buổi đại hội phụ nữ, treo rợp cờ xí, biểu ngữ đỏ lòm, tôi quay ra, thì con chó vện của tên bí thư Bắc kỳ từ trong hốc xó nào đó rượt theo sủa ỏm tỏi. Nó thật dữ, vừa nhe răng vừa sấn cái mõm tới muốn táp bắp đùi tôi. Tôi vờ hoảng hốt la to:
- Chó? Đồ chó! Tao đập chết cha mày bây giờ!
Xong, tôi tống ga chạy, vì máy cũ bạc lỏng, chiếc Honda nổ chát chúa, ống bô phun khói đen xì vào tuốt phòng hội.
Nay bà Hội trưởng Phụ Nữ đến gây sự. Tôi nói:
- À tôi la chó, mà bà bảo tôi chửi họ? Sao lại nhân cách hóa chó lên hàng người vậy?
- Tức quá! Thấy ông đơn chiếc tôi nói cho nghe để dè dặt, phòng thân, ông cứ ngang ngạnh, vặn vẹo, thì khổ thôi! Hôm qua có các cán bộ tỉnh huyện về dự, ai cũng nhăn mặt. Liệu hồn la chó kiểu xách mé đó!
- Được, tôi xin chừa, từ rày không dám mắng chó nữa. Cái giống ngu, phản chủ, thây kệ nó…
Tôi chưa dứt lời, bà đã khoát tay, lắc đầu:
- Thôi, thôi, tôi xin kiếu! ông mắng luôn tôi rồi?
Nói xong, người phụ nữ “cách mạng 30″ quây quẩy bước ra khỏi cửa. Tôi cười thầm: ” Dốt đặc cán mai, bày đặt giắt cây viết Bic nơi túi áo bà ba, tới hù “. Vừa lúc một anh bộ đội quen mặt, mang bên hông khẩu AK, ghé chơi. Anh chào tôi, rồi hỏi:
- Chuyện gì mà trông bà ấy hầm hầm thế?
- Bà tới dạy khôn tôi đủ điều. Xin lỗi, anh tên gì tôi chưa được biết?
- Cháu tên Thành. Tối hôm nọ cháu có đến nghe chú kể về cuộc hành quân Lào đấy! Bà ấy làm chức gì nhỉ?
Tôi vừa ngả lưng xuống đầu giường vừa đáp:
- Hội trưởng phụ nữ Phú Hội. Ai cũng ngán, bà hay kiếm cớ làm khó dễ những người chân lấm tay bùn, nhất là vợ con các sĩ quan chế độ cũ đang bị tù. Ngày xưa bà cũng là nông dân, nay đổi đời đâm lối.
Bộ đội Thành ngồi xuống tấm phản:
- Ngoài Bắc cũng thế, chú ơi! Bố cháu kể, họ tố những ai có nhà to cửa rộng, ruộng vườn. Nội cháu chết vì tội địa chủ là do thứ xoi mói ấy. Bố thù lắm!..
Sự việc xảy ra lâu rồi, thuở còn tấm bé, nay nhắc lại, mặt Thành vẫn tái mét căm phẫn. Tôi khai thác ý nghĩ của người bộ đội trẻ đang cầm súng bên hàng ngũ đối phương:
- Thành bực mình nói vậy, chứ phong trào cách mạng nào mới nổi lên không dẹp cường hào ác bá?
- Cách mạng mẹ gì? Chúng muốn cướp của ai cứ việc gán cho họ cường hào ác bá. Bố cháu chửi mãi thôi. Ngày cháu không chịu đi B, bố bảo: “Chuyện ông nội để đó bố lo, phận làm trai con nên chấp hành”. Thú thật chú Vân, nếu quân đội xưa của chú trở lại thì 70 phần trăm bọn cháu theo ngay.
Nghe Thành nói tôi sững sốt. Tôi không biết anh dựa vào đâu đưa tỉ lệ 70 phần trăm bộ đội Cộng Sản Bắc Việt có tư tưởng “phản động”, gặp cơ hội là sẵn sàng quay súng bắn lại. Cái chế độ điên khùng này có lắm kẻ thù truyền kiếp, không những bên ngoài, ngay trong nội bộ của chúng. Chắc Bắc Bộ Phủ đã phóng lao theo lao, lỡ độc tài thì độc tài luôn, không thể thay đổi, thay đổi ắt phải chết. Tính gian manh của người Cộng Sản đã trở thành bản chất, một thứ độc hại sẽ di truyền đến đời con đời cháu, một loại siêu vi trùng nguy hiểm nhất đối với nhân loại.
Tuy tin lời Thành, tôi vẫn lái sang chuyện khác:
- Hôm tối tôi nói chơi về cuộc hành quân Lào, các anh ấy có phật ý không?
- Các ông thích. Chú thuật lại rất hay. Thủ trường Đường bảo chú thẳng thắn. Sau về anh em còn trò chuyện suốt đêm.
- Tôi cứ ngại là đã dùng các từ như “kẻ thù”, “địch quân” và “anh hùng Biệt Động”…
- Chú Vân có nói trước mà! Ngay trong C7 nhiều anh mỗi lần phẫn nộ cũng chửi thẳng mặt nhau như tát nước…
- Bộ đội Bình hay bắt bẻ tôi.
Thành quơ tay:
- Đừng ngại cái ông ưa bắt bẻ ấy, lúc nào ông cũng muốn chuồn về Bắc thôi…
Đột nhiên Thành hạ giọng hỏi:
- À chú Vân nghe gì chưa?
Thấy tôi lắc đầu, anh nói:
- Sài Gòn vừa có chuyện lộn xộn. Một số lính thuộc chế độ cũ còn tại đào, cả Cha đạo tham gia nữa, mưu toan lật đổ chính phủ cách mạng bằng vũ lực, bị phát giác bắn chết ngay tại nhà thờ.
Tôi ngạc nhiên:
- Vậy sao? Tại nhà thờ nào?
- Vinh Sơn, Sài Gòn!
Tôi không giấu được nỗi xúc động. Nguồn tin có thể chính xác, tôi dè dặt nói với Thành:
- Bây giờ mà đề cập tới sự đấu tranh, chết chóc, tôi ngán lắm! Công an phát giác hay nhỉ?
Ông bạn trẻ nghiêm nghị:
- Chú không biết đấy, từ năm ngoái đến nay có nhiều tổ chức phản động thành lập, cái này vỡ cái khác ra đời. Chung quanh chúng mình đây tàn quân vẫn còn lẩn quất trong rừng. Họ rải truyền đơn báo trước sẽ quấy phá lung tung, nên bọn cháu có lệnh luôn luôn đề cao cảnh giác. Hôm trước tết, đại đội C7 bắt được một anh mang 5.000 đồng (6) lên nuôi quân trên này.
- Bắt ở đâu?
- R’chai.
Tôi trố mắt nhìn Thành:
- R’chai kế đây à? Chắc người đó buôn bán với Thượng chứ gì?
- Không, bắt anh ta lúc ngồi trên chiếc xe đò Sài Gòn-Đà Lạt. Trước đấy công an huyện Đức Trọng cho điềm chỉ viên giả dạng bộ đội cùng C7 chặn hết các xe chạy lên từ hướng Bảo Lộc. Rồi một anh lộ mặt bị mời xuống. Lúc đầu anh ta chống cự, bảo đi đường có giấy thông hành tại sao bắt nhưng anh vẫn bị giải giao về huyện. Chắc công an khai thác đánh dữ lắm, chú Vân!
Tôi lắc đầu:
- Cách mạng đâu có tàn nhẫn.
Thành chu miệng:
-Úi giời, chú thật thà thế? Hôm nọ cháu vào chơi ở thôn Lam Sơn, phía sau nhà chú, gặp một thanh niên Nùng da đầu bị phỏng, tóc cháy cả. Hỏi mới biết công an tưới xăng đốt tra khảo về trái lựu đạn nằm dưới ao nước sau hè. Họ cho rằng anh cất giấu vũ khí để đánh phá cách mạng…
Thành đang nói thì có chiếc xe Lam chở khách đỗ ngoài đường và tiếng chân người đi vào:
- Vân?
Tôi nhìn ra thấy Thành Đà Lạt, lưng đeo ba lô, bên hông kẹp một bao cát cột túm miệng, chắc là gạo, đứng tần ngần giữa cửa.
Mừng quá tôi kêu to:
- Anh Thành!
Thành để ba lô trên góc phản:
- Tụi nhỏ đâu hết?
- Đi học rồi. Làm gì mà sáu tháng nay mới xuống? À, xin giới thiệu chú Thành bộ đội đây là bạn tôi, cũng tên Thành, nhà Đà Lạt.
Đang lúc nhị Thành bắt tay nhau, tôi vỗ vai ông Đà Lạt:
- Tự nhiên nghe? Thành thuộc Đại đội C7, Sư đoàn 304, đóng quân trên xóm R’chai. Sao, bác Sáu khỏe không? Lâu ghê, tôi chưa lên thăm…
Thành có vẻ bực bội. Chắc vì sự hiện diện của người lính Bắc Việt anh không thích. Anh ngước nhìn vu vơ lên tấm lịch treo trên vách:
- Khỏe. Tối qua ông già nằng nặc bảo hôm nay tôi phải đi thăm, coi thử Vân còn sống hay đã chết.
Tôi cười:
- Tôi cứ ngóng ngóng Thành hoài.
Biết bạn bè lâu ngày gặp lại, cần chút riêng tư, Thành C7 đứng dậy:
- Cháu xin phép về, chú Vân!
- Ở chơi chút đã.
- Còn đi công tác nữa, chú!
Tôi tiễn Thành bộ đội đến cửa. Thành Đà Lạt bước theo, đứng đưa mắt lên hướng R’chai:
- Vân chơi với “thứ” đó, hả?
Tôi đáp:
- Đừng ngại, tụi C7 của 304 tốt lắm, riêng thằng Thành là cháu nội của một địa chủ bị giết thời Cải Cách Ruộng Đất…
- Chắc hai hàm răng đã mòn hết, không nghiến nữa? Kẻ thù, mà nói chúng tốt?
- Tùy người. Có một số công khai tỏ thái độ bất mãn cấp lãnh đạo tụi nó, Trung úy Đại đội trưởng Nguyễn văn Đường cũng vậy, tuy không quá lộ liễu. Điều lạ là ngày xưa Đại đội 1 Biệt Động Quân của tôi từng chạm súng kịch liệt với Đại đội C7 này tại Quảng Trị, chỗ đoạn đường mà về sau người ta gọi: “Đại Lộ Kinh Hoàng”. Lần khác, trong rừng núi phía tây bắc Huế, 1972. Hai lần tôi đều tấn công trước. Khi nghe kể lại các trận đánh, họ đã không tự ái, còn vui vẻ, nể phục minh. Bọn chịu chơi thiệt!
- Nguy hiểm! Quên giai thoại giữa Đặng Trần Thường và Ngô Thời Nhiệm à?…
Thành cằn nhằn xong, móc trong ba lô ra để trên bàn nào thịt heo muối, cá khô, nào cặp đường bát, hộp bánh ngọt và bịch thuốc rê, giấy quyến…
- Ba bảo mua thêm nhưng tôi sợ các trạm kiểm soát công an thuế vụ, nhất là ngã ba Finom, tịch thu nên đem chừng đó. Còn 10 ký gạo thì mua tại Tùng Nghĩa đây… Chết cha, quên xách năm lít dầu lửa theo. Ba ổng hối quá làm quên hết trọi. Với lại, mãi nói chuyện về Vân suốt đêm, ý ông khuyên nên dè dặt lời ăn tiếng nói, trong tay giặc mà Vân cứ như là còn thuở tung hoành. À, ba cho Vân 10 đồng, để trên kệ ván kìa, nhớ mua bánh cho tụi nhỏ.
- Cám ơn bác Sáu và Thành. Kỳ “tiếp tế” này đúng lúc…
- Chuyện nhỏ. Bây giờ hai đứa xuống nấu cơm. Ăn xong mình vọt lên Tùng Nghĩa uống cà phê, tiện thể ghé qua thăm thằng bạn Nùng ở Lam Sơn. Vân soạn nồi niêu xoong chảo… Ồ, có ai gõ cửa, Vân ơi!…
Tôi lăn xe tới trước:
- Chào bác Mai?
- Ông Vân khỏe không? Bé Thảo đâu?
Thiếu tá Mai, Trung đoàn trướng của Sư 304, vừa hỏi vừa bước vào ngồi xuống phản.
- Dạ, các cháu đi học chưa về.
Thành nhà dưới lên khẽ gật đầu chào người khách. Thiếu tá Mai nhếch môi cười:
- Anh bà con với ông Vân?
- Tôi là bạn học.
- Có đi lính chế độ cũ không nhỉ?
Thành không một chút ấp úng đáp:
- Dạ không. Tôi giáo viên dạy tiểu học, trường Tây Hồ, ở Đà Nẵng, được miễn nhập ngũ.
Chỉ vài câu đối đáp xã giao, Thành quá điêu luyện, trả lời xạo mà rất ăn khớp, chứ Thành có bao giờ dạy học dạy hành gì ở quê tôi đâu, nên tôi sợ ông Mai chánh gốc người Nam Ô Liên Chiểu, chỉ cách Đà Nẵng 20 cây số, quay riết một hồi Thành bể mánh hết. Tôi xen ngang nói phả lả:
- Bác Mai quê Quảng Nam đó Thành. À bác Mai, vừa rồi C7 bắt được một anh phản động Sài Gòn lên…
Mai buột miệng:
- Nó vọt rồi!
- Sao vọt?
- Các ông công an huyện Đức Trọng làm ăn thế nào đấy, để nó sổng mất.
Che đậy một niềm vui, tôi lại đánh trống lảng:
- Chiếc Jeep bác đậu ngoài đường, phải không?
- Quên nhỉ. Thôi, ra lấy quà cho bé Thảo, rồi tôi về luôn.
Tôi lăn xe theo. Thấy anh bộ đội tài xế ngồi trước tay lái, tôi vờ hối tiếc:
- Ồ, nãy giờ bác Mai không nói để mời chú vô nhà chơi.
Ông Mai lên xe, chồm lui phía sau lấy bọc giấy:
- Bánh in của bọn nhỏ này.
Tôi vừa đưa tay cầm gói quà vừa cười:
- Cảm ơn? Còn bố chúng nó món nào đâu?
- Bố chúng nó thì có cái roi! Thôi đi nhé!
Tôi gật đầu, quay vô nhà. Thành đứng nơi cửa:
- Tụi này coi vậy mà dễ thở.
- Tôi đã nói mà! Không rõ các sư đoàn khác sao chứ “ba linh tư” được lắm! Nói chung bọn chính quy CSBV có nhiều điểm giống các binh chủng lớn của mình, ngoài chiến trường đánh nhau chết bỏ rồi thôi, không sinh sự hay bắt bẻ chính trị nhỏ mọn. Thành biết không, nhà tôi thì ở cuối thôn, đơn độc, buồn, nhưng có cái lợi ngoài tầm kiểm soát của công an, du kích về đêm. Chính C7 cho biết từ cây cầu đúc dưới dốc, bên trái mặt nhà, trở vào R’chai đến Đại Ninh thuộc lãnh nhiệm của bộ đội đi tuần tiểu. Mấy thằng nhóc xã bén mảng tới, C7 nó bắn bỏ mẹ.
Nghe người ta nói, năm kia lúc tôi chưa về ở đây, trời mới sẩm tối một sĩ quan Sư đoàn 304 chạy Honda ngang thác Gu-ga bị “tàn quân” núp bắn sẻ một phát chết toi. Thì ra, phe ta bắt chước chơi ngón “cắc cừ’ của các anh ba Việt Cộng ngày xưa. Từ đó vùng thác Gu-ga tăng thêm vẻ rùng rợn, ai đi qua cũng ngán. Hèn gì, khi thấy tôi đến cất nhà ở, làng trên xóm dưới bàn tán ông Vân lì đòn, dám cả gan chơi với ma, liên hệ “tàn quân”. Họ đâu biết mình đã cùng đường thì như “thằng điếc không sợ súng”.
Có lần tôi vào Tân Hội, một xã kinh tế mới, phía tây cách thôn R’chai một cây số, để mua rau lang về trồng nuôi heo. Thấy tôi, người chủ vườn tên Tám niềm nở đón tiếp. Ông sai con cắt cho một mớ không lấy tiền. Thoạt đầu, tôi tướng ông có lòng tốt với người thương phế binh chế độ cũ như tôi. Bất ngờ, bằng giọng tức tưởi ông nói:
- Nhà tôi nghèo, bổn mạng chỉ còn một cái máy cưa cây hiệu Mi-cô-lốc, cũng bị Nguyễn Núi bí thư xã tịch thu. Hắn bảo các loại máy dùng sản xuất phải quốc hữu hóa, tư nhân không được làm chủ. Tôi bỏ tiền ra mua cái cưa mà hắn bảo phải để nhà nước làm chủ. Lạ đời không? Chú Vân hãy cho tôi giết hắn, chú chỉ gật đầu thôi, khỏi cần văn thư án lệnh, tốn giấy tốn mực của Phục Quốc…
Ông nói như thiệt, càng nghe tôi càng run. Tôi nghĩ trong bụng người bị giết sẽ là tôi, chứ chẳng thằng Núi thằng non nào hết. Núi Bắc kỳ, bí thư xã Tân Hội, Đức Trọng, ai không biết hắn là hung thần vùng kinh tế này. Đã một lần bắt được một tàn quân, Núi trói cứng con người ta vào trụ cờ cho muỗi đốt suốt đêm đến xỉu luôn trước khi đưa tòa án nhân dân xử bắn Tôi hả họng nhìn ông già lẩm cẩm:
- Chết, ông Tám ơi, ông nói chuyện với ai vậy? Tai vách mạch rừng, tù cả đám bây giờ. Tôi là cái thứ gì, gật đầu một cái ông thần Núi đi đoong? Tôi xin phép về.
Tôi lết ra xe, ông còn theo hầm hừ:
- Thằng bí thư ác ôn thường xuống đây họp khuya lắm, tôi xán cho hắn một nhát cuốc là xong ngay…
Tôi lật đật leo lên Honda nổ máy tống ga chạy một mạch.
Thành Đà Lạt ôm bụng cười nhạo tôi:
- Oai! Vân bỗng nhiên có quyền “Tiền trảm hậu tấu”. À, hồi nãy Vân có đề cập tới người “phản động” Sài Gòn lên bị bắt và ông Mai nói anh ta đã “sổng” rồi, ai vậy?
- Ừ, tôi cố ý gợi lại sự việc để Thành nghe ông Mai nói về một tổ chức phục quốc Sài Gòn, mới bể hôm nào đó Thành. C7 cho biết có người chết và bị thương tại nhà thờ Vinh Sơn.
Thành đổi sắc mặt. Hai thằng xuống bếp tiếp tục nấu cơm trưa, kho một xoong cá khô cùng thịt heo muối. Đang lúc anh vo gạo, tôi vừa thổi lửa vừa kể vụ cô gái “tóc ngắn” liên hệ nhóm kháng Cộng của ông Phong, nguyên Tiểu đoàn trưởng 304 Địa Phương Quân, đơn vị cũ của Thành phục vụ trước 75 và chuyện người mang 5,000 đồng bị C7 bắt tại R’Chai, tin cũng do Thành bộ đội rỉ tai.
Giọng Thành Đà Lạt cay đắng:
- Mấy tháng vừa qua không xuống Vân được vì tôi đi làm thủy lợi. Khi về mới hay tin vụ nhà thờ Vinh Sơn, chỉ nghe đại khái. Như vậy Vinh Sơn bại lộ là do người bị bắt khi đem tiền lên nuôi quân tạo thêm cơ sở trên này. Chắc ảnh hưởng tới Linh Mục Nguyễn Văn Vàng. Nguy to! Cha đại diện “Hội Đồng Liên Minh Các Tôn Giáo” của các tổ chức phục quốc.
Cơm xong, Thành vội đón xe về Đà Lạt trong ngày.