Chương 4

     hư mọi lần, khi qua cổng, Nhung đi rẽ vào ngõ con về nhà. Lúc bây giờ trời đã xâm xẩm tối. Suôt ngày đi Hưng Hóa với Nghĩa, nàng thấy đầu óc nặng nề và chân tay mỏi mệt. Nhung vừa đi trên đường làng vừa nhớ lại những cảnh vui vẻ đẹp của cuộc đi chơi vụng trộm mà nàng thấy ngắn ngủi quá. Con đường hai bên trồng soan tây từ bên Trung Hà vào Hưng Hóa và quả đồi làng Nghĩa bên kia đầm Thượng Nông với những nóc nhà tranh ẩn trong lũy tre. Nhung tưởng như những cảnh của một thế giới sáng lạng, về gần tới nhà, Nhung mất hết cả bạo dạn như khi còn ở bên cạnh Nghĩa. Bao nhiêu những điều đã quyết định nàng thấy khó lòng thành được sự thực, những ước vọng khi nói chuyện với Nghĩa mãi mãi cũng chỉ là những ước vọng hão huyền. Đời không dễ dàng và tốt đẹp như nàng tưởng.
Một người quen gặp nàng, nhìn gói giấy nàng cầm ở tay mỉm cười hỏi:
- Mợ lại mua thức gì?
Nhung giơ gói lên, cười gượng:
- Mua cái áo len cho cháu.
Lần nào khi ra tỉnh thăm Nghĩa, nàng cũng cố tìm thức mua để khi về có cớ nói với bà Án, nên nàng thấy câu hỏi của người kia có ý mỉa mai. Nàng không quay lại nhưng biết rằng người đó đương đứng tò mò nhìn theo nàng.
Nhung về đến ngõ nhà, thấy cửa đã đóng. Vú già vừa mở cổng vừa nói:
- Hôm nay mợ về muộn quá.
Câu nói vô tình của vú già làm nàng khó chịu. Bà Án, Lịch và Hòa lúc đó đương đứng ở sân cùng nhìn ra, Nhung nhận thấy rõ vẻ ngạc nhiên trên nét mặt mọi người trong nhà về việc nàng đi vắng suốt một ngày. Bà Án cũng nhận thấy vậy, bà lại đau lòng nữa vì bà biết là Nhung đã đến nhà Nghĩa. Sợ đầy tớ hiện đứng quanh đây sinh ra nghi ngờ, nên bà hỏi Nhung có ý làm như chính mình đã sai con dâu lên tỉnh:
- Thế nào, mợ đã thu xếp xong việc tôi dặn chưa?
Ba hỏi vậy vì bà nhớ mấy hòm trước có dặn Nhung một việc khi nào lên tỉnh nhớ thu xếp hộ. Song Nhung đã quên hẳn việc mẹ chồng dặn. Nàng ngơ ngác nhìn, và một lúc lâu mới hiểu cái thâm ý của bà Án. Nhờ câu ấy, nàng đỡ ngượng. Nàng trả lời một cách mập mờ:
- Thưa mẹ, chưa ngã ngũ ra sao cả.
Thấy bà Án và Hòa nhìn mình như dò xét, Nhung ngượng nghịu cúi mặt. Nàng giở gói, đưa chiếc áo mà nàng đã vội vàng mua trong một lúc đỗ xe cho mẹ chồng xem:
- Mẹ xem chiếc áo len con mua cho thằng Giao. Đi chọn mãi mới được đấy.
Nàng thấy hai má nóng bừng và nói luôn:
- Chị An cũng đi với con cứ chê mãi. Chị ấy thích chiếc áo đỏ, nhưng con trông nó lòe loẹt làm sao ấy.
Nhung nghẹn ngào ở cổ. Nàng thấy nàng đã chán những sự giả dối. Nàng muốn kêu to lên một tiếng, nàng muốn ngay lúc ấy nói rõ sự thực, tất cả sự thực. Giá nàng có đủ can đảm nói hết được:
- Tôi thế đây, cần gì phải giấu diếm ai nữa!
Nàng tưởng giá nói được câu ấy thì nàng sẽ sung sướng, nhẹ nhàng xiết bao!
Bà Án mỉm cười ngọt ngào bảo Nhung:
- Thôi con vào rửa chân tay rồi ăn cơm. Bụi cát đầy người thế kia.
Nhung giật mình nhìn vạt áo lương nhầu nát và đôi mũi giầy mờ bụi, ngẫm nghĩ:
-... Không ai ngờ đâu là bụi đường Hưng Hóa và vạt áo nát vì ngồi thuyền ở Trung Hà với tình nhân.
Lịch vào buồng khách cầm ra một phong thư đến cho Nhung. Nhung nhìn nhìn nét chữ nói:
- Thư của cô Hai trên Bắc Cạn.
Nhung về phòng dở thư ra xem. Trong thư Phương hỏi thăm nhà cửa, kể qua loa về cái đời nàng sống ở trên Bắc Cạn và báo cho chị biết rằng sắp có tin mừng. Nhung đọc thư thấy rõ ràng Phương được sung sướng và nàng có cái cảm tưởng rằng Phương sống biệt lập hẳn một cuộc đời khác, nàng hỏi thăm đến việc nhà nhưng không tha thiết, coi như là không can dự gì đến nàng nữa.
Nhung đọc lại câu: “Chị được cái may ở gần nhà đi lại thăm mẹ luôn. Mẹ vì thế cũng đỡ buồn mà em ở xa cũng an tâm”.
Có tiếng động, Nhung ngửng lên. Giao ở ngoài đi vào, hai chân lê sệt sệt trên nền nhà, người ưỡn ra đằng trước, như khi nó bắt chước xe hỏa chạy, Nhung gấp thư lại, hỏi:
- Bà vừa mặc áo đẹp cho Giao đây phải không? Ai mua áo đẹp cho Giao đấy?
Giao đáp không lưỡng lự:
- Mợ mua.
- Sao Giao biết?
Giao nhảy lên ngồi vào lòng mẹ, nói:
- U già bảo mợ đi vắng để mua áo đẹp cho Giao.
Lúc bấy giờ Nhung mới hốì hận đã đi suốt cả ngày không nghĩ gì đến con, và chột dạ nghĩ đến những lúc Giao ở nhà khóc đòi mẹ khiến mọi người chú ý đến sự đi vắng của mình. Nhung tưởng nghe thấy rõ những lời nhắc nhở của bà Án: “Mợ ấy đi đâu mãi không thấy về để con quấy thế kia. Mợ ấy độ rày làm sao ấy” và những câu thêm vào của Hòa “... Chị con độ này chắc buồn việc gì nên thấy đi vắng luôn”. Đã ít lâu nay Nhung thấy cái oai quyền của mình ở trong nhà có phần giảm bớt. Trước kia, nàng ăn ở giữ gìn, đức hạnh của nàng sáng tỏ quá nên Hòa vẫn dành lòng không ghen tị với nàng. Bây giờ nàng thấy Hòa tuy chưa hẳn ra mặt, nhưng đã có cái ý ngầm muốn dìm nàng xuống để cho mình nổi lên, Nhung thở dài lẩm bẩm:
- Nhưng mà tranh nhau như thế để làm gì?
Giao dứt áo mẹ nũng nịu:
- Mợ cài cúc áo cho Giao.
Thấy con sung sướng được mặc chiếc áo đẹp, chiếc áo mà nàng đã mua để cho mọi người khỏi nghi ngờ mình đi với nhân tình, Nhung mỉm cười chua chát, bế con lên. Nàng nhớ lại câu Nghĩa nói với nàng khi nhắc đến việc đem Giao trốn đi.
- Con em cũng như con anh.
Nhung cũng còn ngần ngại vì nàng thấy con nàng không phải chỉ thuộc về mình nàng. Nàng cũng không biết rằng mình có quyền đem Giao đi không. Để hôm nào nàng thử hỏi Nghĩa lại cho cẩn thận về việc đó. Dẫu sao, có quyền hay không cũng thế thôi, vì nàng biết rằng vẫn có quyền bỏ đi lấy chồng, nhưng có những cái khác mạnh hơn ngăn cấm. Có quyền đi lấy chồng nhưng nếu lấy chồng thì hóa ra một người mất hết hạnh phẩm, một người đi theo trai. Nhung hôn con rồi áp má mình vào má con, hai mắt mơ mộng, lẩm bẩm bên tai Giao như muốn nói:
- Còn con tôi này nữa, lớn lên biết nghĩ chắc rồi nó cũng khinh mẹ nó.

*

Tối hôm ấy, khi mọi người đã đi ngủ, trong buồng bà Án và Nhung vẫn còn ngồi nói chuyện. Hỏi vẩn vơ ít câu rồi bà dịu dàng nhắc đến việc Nhung hay đi chơi vắng một mình.
Nhung trong người đã mỏi mệt vì cuộc đi chơi xa, liền vừa lấy tay che những cái ngáp, vừa đáp lại uể oải. Nàng làm như không quan lâm đến những câu hỏi của bà Án, cho đó là những lời thông thường của một bà mẹ chồng răn bảo con dâu:
- Thưa mẹ, không biết sao độ này con cứ làm sao buồn bã trong người nên chỉ muốn đi chơi cho khuây khỏa.
Nàng không để ý nên không nhận thấy rằng nỗi buồn vô cớ của nàng và những cuộc đi chơi để giải buồn lại trúng ngay vào giữa lúc Nghĩa thôi dạy học ở nhà được ít lâu.
Bà An lạnh lùng nói như nói đến một việc quan trọng khiến Nhung phải nghiêm nét mặt lại.
- Tôi thương mợ, cũng muốn cho mợ đi chơi chỗ này chỗ khác. Tôi có cấm đâu, cần gì mợ phải giấu diếm một mình thế.
Bà dằn lừng tiếng:
-... E không tiện, mợ ạ.
Nhung nói:
- Con xin lỗi mẹ.
Bà Án ngắt lời:
- Mợ không có lỗi gì mà phải xin tôi... Nghĩa... nghĩa là...
Nhung đã giật mình tưởng bà Án nhắc đến tên Nghĩa. Bà ngập ngừng rồi nói tiếp:
- Nghĩa là... mợ không để ý đến. Mợ phải biết mợ khác mà các chị em bạn của mợ khác. Mợ phải nghĩ đến thân mình, một người đàn bà góa không thể đua đòi chị em, đi chơi nay chỗ này mai chỗ khác như họ được.
Nhung mừng biết chắc bà Án không mảy may nghi ngờ nàng đi với Nghĩa. Bà chỉ muốn khuyên nàng để phòng xa giữ tiếng. Từ nay nàng không còn có cách gì đến thăm Nghĩa nữa hay chỉ còn một giản dị nhất là: trốn đi hẳn. Nàng vô tình đặt tay lên bụng, thầm mong:
- Giá mà mình có thai!
Nàng nghĩ nếu bà Án đã biết hết cả chuyện thì thật là một cách rất hay giúp nàng liều được. Thầm mong có chửa, thầm mong bà Án chưa nghi ngờ, lại mong bà ngăn cản để mình khỏi sa mãi vào vùng lội lỗi, có thể lại quay về với cái đời đức hạnh, bao nhiêu trái ngược nhau loạn xạ trong óc. Nhung thấy mình lúc đó như cái chong chóng quay đủ chiều không nhất định chiều nào. Nàng nghĩ thầm:
- Không bao giờ mình có thể thành một người cương quyết. Mình do dự mà khổ vì do dự.
Nhung nói với mẹ chồng:
- Thưa mẹ, con thật là vô tâm để mẹ phải nhắc. Từ nay con xin có ý tứ hơn.
Bà Án lộ vỏ vui mừng:
- Mợ nghĩ thế là phải. Họ khác, họ tự do được. Còn mợ, không phải mợ chỉ giữ gìn cho nhà chồng, cho nhà mợ lại còn làng nước người ta trông vào nữa.
Khi bà Án ra khỏi, Nhung nằm vắt tay lên trán nhìn đỉnh màn.
Nàng nhớ lại câu nàng nói với Minh hôm ở nhà có chuyện lôi thôi về Phương.
- Ai chẳng biết sung sướng lấy thân, nhưng nhiều khi cũng phải nghĩ đến danh giá của nhà mình.
Câu của nàng hôm đó giống hệt câu của bà Án vừa nói nàng lúc nãy.
Nhung lại nghĩ đến những lời Minh bênh vực Phương, bảo nàng không hiểu được cái khổ của Phương và nói cho nàng biết không gì khổ hơn là cứ luôn luôn phải sống trong sự giả dối.
Nhung thấy mình cứ quanh quẩn với hai ý tưởng trái ngược nhau ấy không sao thoát ra được, lấy bàn tay đập lên trán, nhăn mặt khó chịu.
- Cứ ngủ đi là xong chuyện.
Nhung nhắm mắt, úp mặt xuống gối và nàng thấy hiện ra cái cảnh sáng láng của đầm Thượng Nông với bên kia bờ, trên một trái đồi, những nóc nhà tranh ẩn núp sau lũy tre. Nhung như còn nghe vẳng bên tai câu nói của Nghĩa:
“Chốn quê hẻo lánh ấy sẽ là cái tổ êm ấm để hai con chim lạc đàn, khổ sở đã nhiều, có chỗ dung thân”