Nằm tròn trong chiếc võng mắc ở hành lang sau hè, Gia Uyên vừa lim dim mắt vừa hát: "Từ khi quen anh em đã biết bối rối - vì những lúc thoáng nghe anh cười. Và em biết con tim yêu anh mất rồi... " Đang thả hồn theo dòng cảm xúc, Uyên giật nảy người vì bị đạp mạnh vào chân. Chồm dậy cô thấy Tuệ My đứng nhìn mình, miệng cười toe toét. Uyên càu nhàu: - Mày làm tao mất hứng hết trơn. Ngôi xuống cái đôn sứ hình con voi kê sát góc cột, My lý sự: - Tình yêu là nguồn hứng bất tận, mày đang chất ngất thì làm sao mất hứng được. Lườm My một cái dài mấy cây số, Gia Uyên nghênh mặt: - Ai bảo mày tao đang.. đang chất ngất chứ? Chả lẽ chỉ có mày mới biết yêu? - Hừ! Tự thú rồi đó nhé! Thế nào, ông Khanh tỏ tình với mày bao giờ, ở đâu? Có lãng mạn y như mày tưởng tượng không? Có hôn lên môi mày y như trong phim không? Uyên gắt: - Bạo mồm vừa thôi mày! Đúng là nghệ sĩ ăn nói thoải mái nghe đến... nổi gai ốc. Tuệ My thản nhiên: - Mày nổi ốc vì bị tao đoán trúng tim đen tim đỏ chớ đâu phải vì tao bạo mồm. Nhưng trả lời đi chứ! Đã Kiss nhau mấy cái rồi? Mặt đỏ ửng lên, Uyên lắc đầu: - Làm gì có. Nhưng mà tao tức Hoàng lắm! My tròn mắt: - Sao lại dính líu đến Hoàng nữa? Ngập ngừng mãi Gia Uyên đành kể hểt cho My nghe hành động của Hoàng đêm ấy. Tuệ My vỗ tay đánh bốp: - Tao đã bảo mày phải coi chừng Hoàng bao nhiêu lâu mà mày vẫn không cảnh giác. Đã vậy khi xảy ra chuyện rồi, còn dại dột tự thú với Khanh. Đàn ông, tên nào cũng ích kỷ như nhau. Gia Uyên gân cổ lên: - Nhưng Khanh thì khác. Rõ ràng ngay sau đó ảnh đã... đã ngỏ lời với tao. My chống cằm: - Mày ngây thơ quá. Cơ hội tới, dại gì Khanh không... cầm tay em thì thầm câu yêu đương. Lúc này còn đang hận Hoàng, Khanh bày tỏ tình cảm với mày là đúng quá rồi! Chuyện yêu của tụi bay mới bắt đâu hà! Từ từ mày vào tròng và sẽ thấy cái ích kỷ của bọn đàn ông. Phớt lờ vẻ hoang mang của Uyên, My tiếp tục bô bô, ba loa: - Nghe Duy nói ông Khanh rất cố chấp, chinh vì vậy nên... Ông dứt khoát không chịu bà Vân Huyền thế vào vị trí của người mẹ đã mất của mình. Tính Khanh không cởi mở như Duy, yêu ông ta mày phải chịu đựng nhiều thứ. Gia Uyên nhăn nhó: - Đừng hù nữa mày! Tao đang rầu vì ba tao không thích Khanh, giờ lại thêm mày không ủng hộ. Buồn quá! Tuệ My phân bua: - Đâu phải tao không ủng hộ, có điều tao cần nói cai tao biết với mày. Nhân vô thập toàn. Ai không có ít nhất một tật xấu. Nếu chấp nhận được tật xấu của người mình yêu thì cứ yêu tiếp tục. - Nhưng cố chấp phải là một tật xấu không? My nhún vai: - Tao không biết vì Duy không có tật đó! Gia Uyên ức lắm: - Vậy mà cũng nói! Tuệ My tủm tỉm cười. Cô nhìn gương mặt giận dỗi của Uyên và hỏi: - Từ buổi tối đó tới nay Hoàng có gặp mày không? Uyên càu nhàu: - Ngày nào không đến nhà thì cũng gọi điện kiếm. Hoàng làm như tao mắc nợ ảnh không bằng. - Người ta... yêu đến thế còn than. Chưa chắc Khanh yêu mày bằng Hoàng đâu nha! - Yêu kiểu... quờ quạng đó tao không ham. Tuệ My bật cười: - Yêu là phải quờ quạng. Tại ông Khanh chưa trổ tài đó thôi. Tuy cách bày tỏ của Hoàng có hơi táo bạo, nhưng lại mạnh mẽ đầy ấn tượng. Tao dám cá suốt đời, mày sẽ không thể nào quên..... Nghe My kéo dài ra như đang hát, Uyên cũng cười theo, nhưng nụ cười của cô gượng gạo làm sao. Đúng là nụ hôn cưỡng đoạt của Hoàng đầy ấn tượng. Tiếc rằng lại là ấn tượng xấu đến múc làm cô ghét cả bản thân mình mới khổ. Giọng My lại vang lên: - Mày không thực tập ở Rạng Đông nữa, vậy làm sao gặp ông Khanh? Gia Uyên lấp lửng: - Muốn gặp nhau thì thiếu gì cách. - Ghê nhỉ! Cứ như mình là người từng trải trong tình trường không bằng. Mày và Khanh tính sao, nếu bác Đạt cương quyết chống đối? Uyên đáp rất tỉnh: - Tao lớn rồi, biết tự định đoạt cuộc đời mình chứ! Tuệ My nói: - Nhưng bác Đạt chỉ có mình mày. Mày can đảm bỏ ba mình vì Khanh mà không sợ mang tội à? Gia Uyên bóp những ngón tay: - Đừng bắt bí tao chứ! Khanh sẽ làm đủ mọi cách để được lòng ba tao. Anh đã nói thế! My tiếp tục chất vấn: - Nếu bác Đat nhất định không đồng ý? Cắn moi, Uyên nói: - Tao nghĩ không đến đỗi vì Khanh cũng đâu có tệ. So với Hoàng, ảnh còn nhiều điểm hơn. Nhìn My, Gia Uyên nhíu mày: - Nhưng tại sao mày tới chất vấn tao đủ điều vậy? Có chuyện gì à? Tuệ My buông một cấu: - Tao đã gặp bác Đat ở nhà Duy. Uyên thảng thốt: - Hồi nào? - Trước khi tao tới đây. Gia Uyên thờ thẫn: - Ba tao đến đó làm chi kìa? Tuệ My lắc đầu: - Tao không biết bác Đạt đã nói gì mà bà Vân Huyền khóc đỏ cả mắt. Chuyện chắc chắn có dính tới bộ ba: mày, Hoàng và Khanh. Giọng Uyên yếu ớt: - Sao mày dám khẳng định như vậy? Biết đâu ba tao chỉ đơn thuần đến thăm bác Phú và bà Vân Huyền thôi! My nhún vai: - Chả lẽ trùng hợp đến thế sao? Tao nghĩ phải có cái gì đó, bác Đat mới thân chinh gặp bà Huyền và bác Phú. Tiếc rằng tao không nghe được nội dung câu chuyện để báo động trước với mày. Gia Uyên lo lắng thật su. Cô cố đoán nhưng vẫn không ra mục đích cuộc viếng thăm của ba mình. Tuệ My lấy trong túi ra một chồng đĩa CD: - Tao gởi trả mày dĩa nhạc, với lại cho mày mượn mấy dĩa mới. Có phiền muộn, lo âu gì nghe nhạc cũng thư giãn đôi chút. Tao về đây! Uyên không còn tâm trí đâu để giữ My lại. Cô máy móc tiễn bạn ra cửa. Trở lại cái võng Uyên nằm đong đưa với ức tỷ thắc mắc trong đầu, Uyên nhớ dì Năm từng nói ba biết rất rõ về bà Huyền và ông Phú. Chả lẽ hôm nay ông tới để nhắc đến chuyện xưa, và câu chuyện ấy đã khiến bà Huyền rơi lệ? Nếu đúng như dì Năm nói thi bà Huyền và ông Phú đã có một người con. Vậy người đó đâu rồi, và là con trai hay con gái nhỉ? Gia Uyên đang chập chờn trong mớ hỗn độn ấy thì ông Đat về. Thay vì vào nhà, ông bước đến chỗ Uyên mắc võng và ngồi xuống cái đôn lúc nãy Tuệ My đã ngồi và nói liền một hơi: - Bác Phong và ba đã tính sẽ tổ chức lễ hỏi cho con và Hoàng trong năm nay. Bao giờ con ra trường là cưới ngay. Bật dậy như cái lò xo, Gia Uyên gào lên: - Con không chịu đâu! Ba đừng có ép. Ông Đạt vẫn nhỏ nhẹ: - Tại sao lại không chịu? - Tại con không thích Hoàng. - Con thích ai? Gia Uyên ngậm tăm, Ông Đạt lên tiếng: - Con từng nói Khanh chưa bao giờ có ý gì với con. Nhưng ba thấy nó lại khiến Hoàng và con nay giận mai hờn. Ba nghĩ phaả quyết định giúp con chuyện hệ trọng cả đời này, nếu không sẽ rắc rối lắm! Gia Uyên ấp a ấp úng: - Anh... anh đã nói với con rồi... Giọng cứ đều đều, ông Đạt hỏi tới: - Nó đã nói gì với con? Uyên gãi đầu: - Khanh biết ba không thích ảnh, nên ảnh nói sẽ bằng mọi cách làm vừa lòng ba. Có như vậy ba mới đồng ý để... để... - Để cho nó yêu con phải không? Uyên đỏ mặt làm thinh. Ông Đat chép miệng: - Chuyện ba lo rồi cũng xảy ra. Gia Uyên ngập ngừng: - Ba không tin tưởng Khanh à? Ông Đạt lắc đầu: - Không hẳn như vậy. Ba chỉ thấy khó xử thôi. Vì con, Khanh và Hoàng sẽ càng bất hòa hơn nữa. Ba không muốn như vậy. Nghĩ tới bà Vân Huyền, ba thấy tội nghiệp, bà ấy sẽ mãi bị dằn vặt bởi những đứa con mình. Gia Uyên ngỡ ngàng: - Những con nào của bác Huyền hả ba? Móc trong túi ra gói thuốc, ông Đạt rút một điếu ra châm hút rồi chậm rãi nói: - Thường các cuộc tình tay ba đều rắc rối. Dù không muốn ba cũng phải kể cho con nghe một câu chuyện để con suy gẫm. Gia Uyên dè dặt: - Phải chuyện của bác Phong, bác Phú và bác Huyền không ba? Ông Đạt gật đầu: - Con giống mẹ Ở cái nết thông mình giỏi đoán chuyện. Tiếc rằng mẹ không sống để trò chuyện với con những lúc cần thiết như vậy. Ba là đàn ông khi nhìn một vấn đề có thể không sâu sắc như đàn bà. Nhưng biết làm sao hơn khi ba là.. gà trống nuôi con. Lòng Uyên chợt nhói lên vì những lời của ông Đat. Cô rất it khi cãi lời ông, nhưng nếu ba không đồng ý Khanh thì sao? Nén tiếng thở dài xuống, Uyên lắng nghe ông nói: - Hồi xưa mẹ con và bà Vân Huyền là bạn thân. Còn ba, bác Phong, bác Phú cũng là một bộ ba ăn ý. Thưở con gái Vân Huyền rất đẹp. Bên cạnh cô ấy mẹ con như nụ hoa đồng nội và đóa hồng nhung đài các rực rỡ. Bọn con trai thời ấy đeo theo Vân Huyền không biết bao nhiêu mà kể. Gia Uyên chớp mắt hỏi: - Trong đó có ba không? Ông Đạt hiền lành đáp: - Ba không thích vẻ đẹp của Vân Huyền, với ba, mẹ con là số một, ngoài mẹ con ra ba chưa bao giờ nghĩ tới ai khác. Chính vì vậy vô tình ba mẹ đã là nhân chứng của một cuộc tình tay ba đầy nước mắt và hận thù. Im lặng một lát, ông Đat ngập ngừng kể: - Bác Phong và bác Phú xưa kia từng là anh em, ở chung một nhà. Uyên trợn to mắt: - Trời ơi! Hai anh em lại... lại cùng... Ông Đạt điềm đạm nói tiếp: - Bác Phú là con nuôi, được cha me bác Phong cho ăn học, nhưng đối xử chẳng khác nào ké ăn người ở. Gia đinh bác Phong vừa giàu có vừa có thế lực nhất vùng. Dân ở đó chẳng ai dám làm mất lòng họ. Bác Phong rất mê Vân Huyền và luôn tin rằng mình sẽ làm chủ trái tim của người đẹp, nên không tiếc công tiếc của bỏ ra đe đeo đuổi cho bằng được nàng. Rít một hơi thuốc, ông Đat trầm giọng: - Tuy là học chung lớp và mang tiếng là anh em nhưng Phong luôn đối xử với Phú theo kiểu kẻ trên người dưới và Phú không được căi bất cứ chuyện gì. Chinh vì thế trong bộ ba chàng ngự lâm pháo thủ, tự nhiên ba thân và thương Phú hơn vì dù hoàn cảnh sống khổ hơn người, Phú luôn cam chịu với niềm hy vọng ngày nào đó sẽ vươn lên. Ba nhớ rất rõ, bác Phú học giỏi lại tài hoa, nên dù số phận có nghiệt ngã, bác ấy vẫn được các cô gái ghé mắt đến. Trong số đó có Vân Huyền. Trước một cô gái đẹp lại có tình ý với mình, được mấy gã đàn ông can đảm từ chối? Bác Phú biết phận mình nên dù yêu Vân Huyền tới đâu cũng không dám đáp lại tình cảm ấy nồng nhiệt. Hai người cứ lén lút rất khổ. Hồi đó ba mẹ là giao liên của hai người. Vi biết tánh bác Phong vừa ích kỷ, vừa hiểm nên ba mẹ giấu kín mối tình của bác Phú và bác Huyền. Thở dài, ông Đat xa xôi: - Cây kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra, nói chi hai kẻ đang yêu. Chuyện rồi cũng đến tai Phong. Bác ấy nổi trận lôi đình vì ghen tuông, vì ganh ghét và cả vì tuyệt vọng. Lần đó bác Phong đã nhào tới đấm đá bác Phú như một kẻ mất trí. Vất vả lắm ba mới giữ ông ta lại được. Uyên ngập ngừng: - Thế bác Phú không chống trả lại sao? Ông Đạt lắc đầu: - Không! Bác ấy ngồi yên như tượng, mặc cho bác Phong đấm đá tơi bời. Sau đó một thời gian bác Phú xin ba mẹ nuôi cho mình ra ở ngoài lều chăn vịt. Uyên kêu lên: - Ủa! Tại sao bác ấy làm thế? - Tại bác ấy thấy ngại khi ra vào đụng mặt bác Phong. Đó cững là cách ngầm bảo rằng bác ấy và bà Vân Huyền sẽ không rời xa nhau. Mọi chuyện tưởng là yên vì bác Phong chả có biểu hiện gì sau khi nện cho bác Phú một trận nhớ đời đó. Ai ngờ đằng sau sự im lặng như cam chịu của kẻ thua cuộc ấy là một âm mưu. Gia Uyên thắc thỏm nhìn ba phà khói. Cô tuy nghịch ngợm, ngông nghênh nhưng lại đa cảm. Do đó Uyên rất sợ nghe kể những chuyện bị thảm. Nhất là chuyện có thật. Ông Đạt nhếch môi chán chường: - Ba nhớ hôm đó trời mưa dầm, ba và bác Phú đang trong chòi ôm đàn hát ư ư? bài Diễm Xưa thì ba bác Phong cùng bốn năm người làm ập vào. Bọn ba chưa biết ất giáp gì thì đã bị trói gô lại. Ba bác Phong không ngớt mồm mắng bác Phú là đồ vong ân bội nghĩa, đã ăn trộm của nhà ông ta mấy chục lượng vàng... Vừa quát mắng, ông vừa cho người đào xới, lục soát khắp cái lều chăn vịt trước sự sợ hãi cửa ba và bác Phú. Gia Uyên hỏi bằng giọng hồi hộp: - Họ đã tìm ra vàng trong cái chòi ấy à? - Đúng vậy! Bây giờ nhớ lại ba vẫn còn nguyên cảm giác kinh hoàng của ngày mưa đó! Cây đàn bị đập nát, mỗi thằng lãnh mấy cái tát tai trong uất hận và nhục nhã. Họ kéo bọn ba đi trong mưa để lên đồn cảnh sát. Dù một mực kêu oan, ba cũng bị giam vì tội đồng lõa. Gia đình bác Phong thưa bác Phú tội ăn cắp. Ba bị giam một tuan mới được thả ra sau khi tra hỏi thấy ba chẳng có gì.. Thở dài, ông Đạt nói tiếp: - Bác Phú bị kết án 5 năm tù. Nghĩ cũng tội, có lẽ vì tinh yêu, bác Phú định tìm một số vốn rồi rủ bà Huyền trốn đi. Nào ngờ.. Chưa chi đã bị bắt, rồi còn liên lụy cả ba nữa chứ! Gia Uyên ngập ngừng: - Bác Phú đã khai như vậy à? Ông Đạt lắc đầu: - Không! Nhưng sau này ba và bác Phong đoán rằng, khi rời khỏi nhà bác Phong để ra ở ngoài lều chăn vịt, bác Phú đã có ý đó. Gia Uyên hỏi tới: - Thế còn bác Huyền? Bác ấy ra sao khi bác Phú ở tù? Ông Đạt hơi mai mỉa: - Đàn bà thì biết làm gì ngoài việc khóc. Và khi khóc lại cần một người an ủi. - Mẹ đã an ủi bà Huyền phải không ba? - Mẹ con chỉ an ủi phần nào thôi, phần còn lại bác Phong.. bao thầu hết. Vốn mồm mép, bác ấy một mặt tỏ vẻ rất tiếc vì không thể xin giảm án hơn nữa cho bác Phu, một mặt bác lại bỏ tiền ra lo thang thuốc cho mẹ bác Huyền. Bà ấy bị bệnh tim rất nặng. Chuyện bác Phú bị ngồi tù qua chưa được bao lâu thì ba mẹ nghe tin bà Huyền đã chịu làm vợ bác Phong. Thật là một tin chấn động dễ làm nản lòng những người đang yêu, từng thề non hẹn biển với nhau như ba và mẹ. Thoạt đầu mẹ con không tin, nên đã tìm đến hỏi Vân Huyền. Đến khi chính miệng cô ấy xác nhận đó là sự thật, thì mẹ con giận đến mức đám cưới không thèm dự. Gia Uyên thắc mắc rất trẻ con: - Còn ba thì sao? Ba có dự không? Ông Đạt ray rứt: - Phong hay Phú cũng là bạn. Ba đã không có được một lập trường riêng như me, nên ba chẳng muốn mất lòng bác Phong.. điều này khiến bác Phú gịân ba đến tận bây giờ. Từng này tuổi đời, ngồi ngẫm lại chuyện đã qua, ba mới nhận ra ngày còn trẻ mình đúng là hời hợt, cũng may mẹ con không chấp nhất, mà vẫn một lòng với ba. Gia Uyên nhìn ông Đạt bằng ánh mắt cảm thông. Cô đã hiểu tai sao ông và ông Phú từng là bạn nhưng không còn liên lạc với nhau. Nhưng vì lý do gì bà Huyền lại bỏ chồng để trở về với người yêu cũ kìa? Như để giải đáp thắc mắc của Gia Uyên, ông Đạt nói: - Từ khi Vân Huyền làm vợ Phong, mẹ con xem như tuyệt giao hẳn với cả hai vợ chồng, mặc kệ ba khuyên giải. Mãi đến một hôm, có người tới bảo bà Huyền sanh khó, nhắn mẹ tới gấp. Mẹ con động lòng mới tới bệnh viện. Khi trở về, mẹ cho ba biết Vân Huyền sanh thiếu tháng và đứa bé đã chết. Sau lần gặp lại đó, mẹ con thường tới lui thăm Vân Huyền hơn. Cho đến khi ba mẹ cưới nhau rồi đưa nhau về Sài Gòn, mẹ và bà Huyền mới thôi gặp nhau, nhưng vẫn liên lạc bằng thơ. Tình bạn bền bỉ ấy đôi lúc làm ba phát ghen. Gia Uyên tủm tỉm: - Con nhớ ba đâu phải người nhỏ mọn. Ông Đạt hóm hỉnh: - Trong cái nhìn của con, ba lúc nào cũng tốt, đúng không? Uyên chưa kịp trả lời, ông Đạt đã nói tiếp: - Nhưng thật ra người tốt nhất chính là mẹ con. Với chồng một mực thương yêu, với bạn một mực chung thủy. Cho đến khi bệnh nằm một chỗ mẹ mới cho biết tại sao ngày đó Vân Huyền một sớm một chiều đồng ý lấy Phong... thì ra khi Phú bị bắt Vân Huyền đã có mang. Vì sợ mẹ mình chịu không nổi cú sốc không chồng mà chửa ấy, Huyền phải nhắm mắt đưa chân lấy người mình không yêu. Đến khi sanh ra đứa bé, Vân Huyền bị gia đinh chồng ép phải bỏ đứa con rồi phao lên là nó đã chết. Một lần nữa vì bà mẹ bệnh hoạn, Vân Huyền phải đứt ruột bỏ con. Gia Uyên căm phẫn: - Sao có người độc ác đến thế hả ba? Ông Đạt không trả lời mà nói tiếp: - Thật ra lúc bà Huyền sanh, bác Phong đi vắng, người ép Vân Huyền làm chuyện ấy là mẹ bác Phong. Bà ta là một người sắc sảo, nổi tiếng dữ trong vùng. Ngoài cái nét dữ ra bà còn có tật thương con mù quáng. Chính vì thương con, bà ta mới vờ làm ngơ để cho bác Phong cưới bác Huyền dù trong lòng không hề muốn. Rồi sợ Phong nuôi con thiên hạ, bà lại buoc Vân Huyền bỏ núm ruột của mình. Uyên xót xa: - Tội nghiệp bác Phú, vừa mất vợ lại mất luôn đứa con. Chắc bác ấy hận bác Phong lắm! Ông Đạt gật đầu: - Đương nhiên là phải hận rồi. Mãn hạn tù, Phú lặng lẽ bỏ phố thị lên rừng tìm trầm. Bẵng đi cả chục năm, ba không được tin tức gì của bác ấy hết. Khi gặp lại, bác Phú đã là một người giầu có với vợ đẹp con ngoan không thua kém ai. Sau này nghe kể, ba mới biết bác Phú nhờ trúng một mẻ trầm hàng trăm triệu nên mới đổi đời. Nghĩ cho cùng, sau cơn bĩ cực tới hồi thái lại, bác Phú cũng đáng được hưởng như thế. Trầm ngâm một chút, ông Đạt lại nói: - Lúc đó có một điều khiền ba ngạc nhiên là khi bác Phú đưa vợ tới thăm mẹ, hai bà đã ôm nhau rơm rớm nước mắt như đã thân quen từ hồi nào. Hỏi ra mới biết một cách thông suốt toàn bộ câu chuyện của Vân Huyền hồi ấy... Gia Uyên đang nhíu mày, không hiểu ông Đạt muốn nói gì khi bảo "thông suốt toàn bộ câu chuyện" thì ông đã nói tiếp: - Thật ra đứa con của bác Phú và bà Huyền ngày đó do chính mẹ con mang đi cho người ta. Người xin không ai khác hơn vợ của bác Phú sau này.. Mặt tái đi vì xúc động, Gia Uyên lắp bắp: - Ba muốn nói đứa bé đó là... là... anh Khanh à? Ông Đạt chậm chạp gật đầu: - Đúng vậy! Uyên khó nhọc đặt câu hỏi: - Sao ảnh lại không biết chuyện này? - Vì mặc cảm, bà Vân Huyền không muốn cho Khanh biết sự thật. - Con không hiểu nổi sự im lặng lạ lùng đó. Bác Phú và bác Huyền nghĩ sao lại để Khanh mù tịt về chính bản thân mình? Ảnh có quyền được biết mẹ ruột mình là ai chứ! Ông Đạt bảo: - Nói như con thì dễ lắm! Nhưng nghĩ cho cùng khó thốt thành lời vô cùng. Thử tưởng tượng xem Khanh sẽ phản ứng thế nào khi bác Phú cho Khanh biết sự thật. Là người cố chấp chắc gì cậu ta tin. Lúc ấy sẽ xảy ra những xung đột mới, những mâu thuẫn mới, trong khi những mâu thuẫn cũ vẫn chưa giải quyết xong. Gia Uyên phản ứng: - Chả lẽ cứ giấu Khanh mãi? Chắc con không giữ được bí mật này đâu! - Con tưởng sẽ dễ dàng khi mở miệng à? Ngay cả Hoàng cũng chưa biết bí mật này. Uyên kêu lên: - Vậy tại sao ba lại nói với con? Ông Đạt nhẹ nhàng: - Vì con đang là mấu chốt của nhiều mâu thuẫn mà giải quyết cách nào cũng không trọn vẹn. Ba không muốn bi kịch ngày xưa tái diễn. - Nhưng trong vấn đề này con đâu có lỗi gì. Ông bà nội Hoang và bác Phong thủ đoạn như vậy, sao ba lại muốn con làm vợ ảnh chứ? Đầu hơi gục xuống giữa hai vai, giọng ông Đạt bùi ngùi: - Vì hồi trẻ mẹ con và bà Huyền hay đùa về già sẽ làm sui gia với nhau. Ba thấy Hoàng là đứa có tương lai, lại thương con nên mới vun vào. Bà nội nó có độc ác khi bắt phải cho thằng Khanh, nhưng Hoàng đâu có lỗi gì, nó là một người đàn ông tốt mà con có thể nương tựa cả đời. Gia Uyên nói rành rọt: - Cha me, ông bà làm điều thất đức, con cháu sẽ lãnh quả báo. Con rất tin chuyện đó. Lẽ nào ba muốn con làm dâu một gia đình vô hậu? Ba khen Hoàng tốt, nhưng Khanh cũng tốt vậy. Ông Đạt vẫn giữ lập trường của mình: - Con quen nó được bao lâu mà dám nói chắc thế! Dù bây giờ ba đã biết rõ nguồn gốc của Khanh, nhưng ba vẫn chưa hiểu con người của nó, ba không thể an tâm để con giao du với Khanh. Tình cảm con dành cho nó chỉ là xúc động nhất thời. Nếu không gặp một thời gian, chắc chắn con sẽ quên. Theo ba, Hoàng mới là người thích hợp với con, chỉ có nó mới đủ kiên nhẫn và yêu thương để lo lắng, chiều chuộng một đứa trái tính trái nết như con. Gia Uyên kêu lên: - Rõ ràng ba có thành kiến với Khanh, khi trong toàn bộ câu chuyện ba kể, ảnh là người đáng thương nhất. - Kẻ đáng thương chưa chắc là người hiền, người tốt. Ba vẫn không tin Khanh thật lòng với con. Thử nghĩ lại xem. Từ lúc hai đứa quen nhau tới nay đã được bao lâu mà đã nói yêu với thuong. Con không thấy quá vội à? Khanh đâu phải mười tám đôi mươi để bồng bột bày tỏ lòng mình. Nó ngỏ lời nhanh như thế chẳng qua muốn đoat con trên tay Hoàng nhằm trả thù thôi. Bit tai lại, Gia Uyên nức nở: - Ba đừng nói nữa. Con không tin, con không tin Khanh là người như thế. Ba cố tình nêu ra những điều không tưởng để lung lạc con chớ gì? Ngừng lại để thở, Uyên nói tiếp: - Dù ba nói thế nào, con cũng không ưng Hoàng đâu. Gia đình, dòng họ ảnh mới là người xấu ấy. Dứt lời, cô vùng dậy chạy về phòng mình. Trốn trong phòng là cách tốt nhất để khỏi phải nghe những lời mình không muốn và cũng là cách biểu lộ sự chống đối của mình. Giờ thì rõ rồi, ba nhất định không chấp nhận Khanh. Trong tâm tưởng ông xưa nay chỉ có Hoàng và dường như ông đã quen điều đó, còn cô lại thiếu khả năng thuyết phục ba mình có một cái nhìn khác về Khanh. Gia Uyên ray rức bồn chồn với những chuyện đã nghe. Cô có nên nói lại với Khanh hay không? Nếu nên, cô sẽ bắt đầu như thế nào đây? Và khi nói xong rồi, chuyện gì sẽ ập đến? Nằm không yên với những thắc mắc không ai giải đáp, Gia Uyên rón rén bước xuống nhà và nhấc điện thoại lên gọi cho Khanh... Chuông reng liên hồi nhưng không ai nhấc máy. Mím môi suy tính, Uyên mạnh dạn nhấn tiếp số điện nhà Duy. Đầu dây bên kia giọng bà Huyền dịu dàng vang lên khiến Uyên bối rối. Ngập ngừng mất mấy giây cô mới hỏi: - Dạ.. thưa.. có anh Khanh ở đấy không ạ? Bà Huyền hỏi xúc động: - Gia Uyên phải không? - Dạ phải! - Khanh đang ở đây nhưng bận nói chuyện với bác Phú nên không gặp cháu được. Co gì cần gấp không Uyên? Cô liếm môi: - Dạ, không đâu ạ! - Nếu vậy chừng nào Khanh và bác Phú trò chuyện xong, bác sẽ nói Khanh điện cho cháu nhé! Gia Uyên ngập ngừng: - Phải lúc nãy ba cháu đến nhà bác không? Bà Huyền ngập ngừng: - Phải! Sao cháu biết? Ba cháu nói à? - Lúc nãy tình cờ Tuệ My thấy ba cháu ở nhà bác... ba cháu đến làm chi? Bác có thể cho cháu biết không? - À.. cũng chẳng có gì. Chỉ để thăm nhau và nhắc lại những kỷ niệm cũ của bác và mẹ cháu. Thôi bác ngưng nha! Hôm nào đến nhà bác chơi nhé! Gia Uyên thẫn thờ gác máy. Lúc nãy nhỏ My nói thấy mắt bà Huyền đỏ vì khóc. Có phải những kỷ niệm cũ ấy đã làm bà khóc không? Rõ ràng bà đang giấu cô điều gì đó. Chưa được giải đáp những thắc mắc cũ, Uyên lại rối thêm vì những thắc mắc mới. Thật nhẫn nại, cô ngồi chờ điện thoại của Khanh. Nhưng Uyên chờ hết đêm đó, rồi những hôm sau vẫn không có điện của anh...