Nam Phương Hoàng Hậu
Bà Hoàng Hậu Cuối Cùng Của Triều Nguyễn
Tôn Thất An Cựu

    
iai phẩm Việt Báo Tết năm Mão (1998), trong loạt bài đặc biệt về "100 năm áo dài Việt Nam" có phần bài viết sơ lược về Nam Phương Hoàng Hậu va hinh ảnh bà mang áo dài Việt Nam. Nhiều bạn đọc, từ hai năm qua, vẫn ngỏ ý mong sẽ có một bài viết đầy đủ hơn về vị Hoàng Hậu cuối cùng, không chỉ của Triều Nguyễn, mà là của lịch sử nước Việt.
Việt Báo Tết Tân Tỵ trân trọng giới thiệu bài viết đặc biệt của nhà bỉnh bút Tôn Thất An Cựu.
Trong gần sáu mươi năm qua, kể từ khi Triều Nguyễn chấm dứt vào năm 1945 đến nay, có rất nhiều người viết về cựu Hoàng Bảo Đại, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn. Nhưng rất ít người nhắc đến bà Hoàng hậu cuối cùng, tức Nam Phương hoàng hậu. Có chăng thì cũng chỉ nhắc đến một vài chi tiết viết chung trong tài liệu nói về vua Bảo Đại. Hoặc nói cho đúng thì chưa có ai viết một tài liệu riêng về Hoàng hậu Nam Phương. Do đó nên cũng rất ít người biết đến một bà Hoàng hậu mà trong thời gian giữ ngôi vị mẫu nghi thiên hạ đã có nhiều đóng góp cho Hoàng tộc Nguyễn Phước và cho xã hội lúc bấy giờ.
Để tưởng nhớ đến một người đàn bà tài sắc, đức hạnh và mẫu mực, đã từng là đệ nhất phu nhân của nước Việt Nam suốt mười một năm, tôi xin ghi lại đôi điều về Nam Phương hoàng hậu mà tôi đã tham khảo theo tài liệu của người bí thư của bà, ông Nguyễn Tiến Lãng, con rể của cố học giả Phạm Quỳnh và một số tài liệu khác thu thập trong cuốn hồi ký của cựu hoàng Bảo Đại và của hai sử gia Pháp là Jean Renaud và Daniel Grandclément như dưới đây:
Nam Phương Hoàng Hậu, khuê danh Nguyễn Hữu Thị Lan hay là Marie Thérèse, sinh năm 1914 tại Gò Công Nam phần, con của đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào và là cháu ngoại của ông Lê Phát Đạt, tức huyện Sỹ, một trong những người giàu có nhất miền Nam, có thể sánh ngang hàng với gia đình Bạch công tử ở Bặc Liêu. Ông huyện Sỹ là người đã bỏ tiền ra xây cất ngôi thánh đường nguy nga ở cuối đường Võ Tánh Sài Gòn thường được gọi là nhà thờ huyện Sỹ mà đến nay vẫn còn tồn tại.
Năm 1926, Nguyễn Hữu Thị Lan, 12 tuổi, được gia đình cho sang Pháp tòng học tại trường Couvent des Oiseaux, một trường nữ danh tiếng thuộc loại nhà giàu ở Paris do các nữ tu điều hành. Sau khi thi đậu Tú tài vào năm 1932, cô gái miền Nam theo chuyến tàu của hãng Messagerie Maritime trở về nước. Tình cờ trên chiếc tàu nầy có ông vua Việt Nam hồi loan sau khi hoàn tất việc học, đó là vua Bảo Đại mà hồi đó giới sinh viên ở Pháp thường gọi một cách thân mật là Prince Vĩnh Thụy.
Tuy cùng trên một chiếc tàu bồng bềnh giửa đại dương một thời gian khá lâu nhưng Nguyễn Hữu Thị Lan chưa có cơ hội làm quen với vị Vua trẻ tuổi. Mãi cho đến gần một năm sau, nhân dịp vua Bảo Đại nghỉ mát tại Đà Lạt và do sự sắp đặt của Toàn quyền Đông Dương, viên Đốc Lý (tức Thị Trưởng sau nầy) thành phố Đà Lạt tổ chức một buổi dạ tiệc tại khách sạn Palace (sau gọi làkhách sạn Langbian) để tìm cách cho hai người gặp nhau. Tối hôm đó, trong chiếc áo lụa màu thiên thanh, Nguyễn Hữu Thị Lan đã xuất hiện trước Hoàng đế Bảo Đại để rồi chiếm gọn trái tim của một người có địa vị cao nhất nước.
Tưởng cũng nên nói thêm là trước đây có nhiều nguồn tin nói rằng vua Bảo Đại đã gặp Marie Thérèse trên chuyến tàu thủy từ Pháp về Việt Nam, nhưng căn cứ vào hồi ký của vua Bảo Đại và tiết lộ của Hoàng hậu Nam Phương được chúng tôi trích dẫn dưới đây thì hai người đã gặp nhau trong một hoàn cảnh khác.
Nhờ tòng học ở một trường thuộc nhà Dòng, được các nữ tu chỉ dạy các lễ nghi Tây phương đối với Vua Chúa nên tối hôm đó, lúc vừa diện kiến vua Bảo Đại, Nguyễn Hữu Thị Lan đã quỳ một gối và cúi đầu sát mặt đất để tỏ lòng tôn kính nhà Vua. Lẽ tất nhiên, một vị vua trẻ tuổi và hào hoa như vua Bảo Đại thì làm sao ông có thể không xiêu lòng trước sắc đẹp mỹ miều của Nguyễn Hữu Thị Lan. Và chuyện sẽ đến đã đến: đám cưới của vị thiếu quân hào hoa với một nữ lưu tràn trề hương sắc miền Nam đã diễn ra tại Huế ngày 20-3-1934. Ngay ngày hôm đó Nguyễn Hửu Thị Lan được tấn phong làm Hoàng hậu với danh hiệu Nam Phương. Sự kiện Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong Hoàng hậu ngay sau khi cưới là một biệt lệ đối với các bà vợ Vua thuộc triều Nguyễn. Vì mười hai đời vua Nguyễn trước kia, các bà vợ Vua chỉ được phong tước Vương phi, đến khi chết mới được truy phong Hoàng hậu.
Nhắc đến cuộc nhân duyên với Hoàng hậu Nam Phương, cựu hoàng Bảo Đại đã ghi lại trong cuốn CON RỒNG VIỆT NAM:
"Sau lần hội ngộ đầu tiên ấy, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp nhau để trao đổi tâm tình. Marie Thérèse thường nhắc đến những kỷ niệm ở trường Couvent des Oiseaux một cách thích thú. Cũng như tôi, Marie Thérèse rất thích thể thao và âm nhạc. Cô ta có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy mà tôi đã chọn từ kép Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng. Các vị Tiên Đế của tôi cũng thường hướng về người đàn bà miền Nam. Nếu tôi nhớ không sai thì trước Hoàng hậu Nam Phương, có đến bảy phụ nữ miền Nam đã từng là chủ nhân của Hoàng thành Huế. Khi chọn phụ nữ miền Nam làm vợ, hình như đức Tiên Đế và tôi đều nghĩ rằng trước kia đức Thế Tổ Cao Hoàng (tức vua Gia Long) đã được nhân dân miền Nam yểm trợ trong việc khôi phục giang sơn. Chính đó là sự ràng buộc tình cảm giữa Hoàng triều Huế với người dân miền Nam".
Về phần Hoàng hậu Nam Phương, bà đã nhắc lại "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" như sau:
"Hôm đó ông Darle, Đốc Lý thành phố Đà Lạt gởi giấy mời cậu Lê Phát An tôi (Lê Phát An là anh ruột bà Nguyễn Hữu Hào) và tôi đến dự dạ tiệc ở Hotel Palace. Tôi không muốn đi nhưng cậu An tôi năn nỉ và hứa với tôi là chỉ đến tham dự một chút và vái chào nhà Vua xong là về nên tôi phải đi một cách miễn cưỡng và tôi cũng chỉ trang điểm sơ sài thôi. Chúng tôi đến trễ nên buổi tiệc đã bắt đầu từ lâu. Cậu tôi kéo ghế định ngồi ngoài hiên thì ông Darle trông thấy, ông ta chạy đến chào chúng tôi rồi nắm tay cậu tôi kéo chúng tôi vô nhà. Vừa đi ông vừa nói: "Ông và cô phải đến bái yết Hoàng thượng mới được". Khi cánh cửa phòng khách vừa mở, tôi thấy vua Bảo Đại ngồi trên chiếc ghế bành chính giữa nhà. Ông Darle bước tới bên cạnh Vua rồi nghiêng mình cúi chào và kính cẩn nói:
-Votre Majesté, Monsieur Lê Phát An et sa nièce, Mademoiselle Marie Thérèse. (Tâu Hoàng thượng, đây là ông Lê Phát An và người cháu gái, cô Marie Thérèse)
Nhờ các nữ tu ở trường Couvent des Oiseaux từng chỉ dạy nên tôi biết phải làm gì để tỏ lòng tôn kính đối với bậc Quân Vương, vì vậy tôi đã không ngần ngại đến trước mặt Hoàng Đế, qùy một gối và cúi đầu sát nền nhà cho đến khi thấy bàn tay cậu tôi kéo tôi dậy tôi mới đứng lên. Vua gật đầu chào tôi đúng lúc tiếng nhạc vừa trổi theo nhịp điệu Tango, Ngài ngỏ lời mời và dìu tôi ra sàn nhảy rồi chúng tôi bắt đầu nói chuyện.
Về sau, khi đã trở thành vợ chồng, Ngài mới cho tôi biết hôm đó Ngài rất chú ý cách phục sức đơn sơ của tôi. Tôi nghĩ rằng tôi được nhà Vua lưu ý một phần do trong suốt buổi dạ tiệc chỉ có tôi là người đàn bà Việt Nam duy nhất nói tiếng Pháp và theo đúng cung cách lễ nghi Âu tây đối với Ngài".
Sau lễ cưới, vua Bảo Đại cùng hoàng hậu Nam Phương dọn về ở tại điện Kiến Trung thuộc khu vực cấm thành. Điện nầy xây cất từ thời vua Khải Định nhưng được sửa chữa và tân trang các tiện nghi Tây phương vào đầu triều vua Bảo Đại.
Tại điện Kiến Trung, Hoàng hậu Nam Phương đã lần lượt hạ sanh 5 người con gồm có:
-Thái tử Bảo Long, sinh ngày 4-1-1936
-Công chúa Phương Mai, sinh ngày 1-8-1937
-Công chúa Phương Liên, sinh ngày 3-11-1938
-Công chúa Phương Dung, sinh ngày 5-2-1942
-Hoàng tử Bảo Thắng, sinh ngày 9-12-1943
Thường ngày, ngoài việc chăm sóc dạy dỗ con cái, thỉnh thoảng hoàng hậu Nam Phương phải cùng các quan ở Bộ Lễ bàn thảo các lễ lạc trong cung đình, lo việc cúng giỗ các Tiên đế và đi vấn an sức khỏe các bà Tiên cung và Hoàng thái hậu Từ Cung, tức mẹ vua Bảo Đại. Tóm lại, bà rất chu toàn bổn phận làm dâu.
Ngoài việc quản trị nội cung như đã nói trên đây, hoàng hậu Nam Phương còn tham gia các việc xã hội và từ thiện. Như đi thăm trường nữ Trung học Đồng Khánh ở đường Jules Ferry (tức Lê Lợi sau nầy), bà thường tiếp xúc với các Giáo sư, nhắc nhở họ cố gắng làm tròn thiên chức của một nhà mô phạm; đi thăm Nữ Công Học Hội ở đường Khải Định (tức đường Nguyển Huệ ngày nay). Theo lời nử sĩ Đạm Phương sau nầy kể lại thì có lần Hoàng hậu Nam Phương bảo bà làm đơn xin phép Bộ Giáo Dục đem môn nữ công gia chánh vào học đường. Hàng năm bà đều tham dự các buổi phát giải thưởng cho các học sinh giỏi tổ chức tại trung tâm Accueil gần nhà dòng Cứu Thế.
Ngày nay, không ai còn lạ lùng khi trông thấy quý vị đệ nhất phu nhân xuất hiện nơi công cọng để giúp chồng trong việc ngoại giao, nhưng cách đây sáu mươi năm, Hoàng hậu Nam Phương giúp vua Bảo Đại trong việc tiếp kiến các nhà ngoại giao là một điều quý hiếm. Vào thời đó, nhiều người ở kinh đô Huế đều biết trong những lần vua Bảo Đại tiếp đón các quốc khách như Thống Chế Tưởng Giới Thạch của Đài Loan, Quốc Vương Soupha Vangvong Lào quốc hoặc Quốc vương Sihanouk của Cao Mên v.v%85đều có sự hiện diện của hoàng hậu Nam Phương. Lần vua Bảo Đại tự mình lái xe hơi đi thăm Nam Vang cũng có mặt Hoàng hậu tháp tùng.
Chi tiết đáng kể nhất là việc Hoàng hậu Nam Phương đã đem lại hòa khí giữa các chức sắc đạo Thiên Chúa ở Việt Nam với Hoàng tộc nhà Nguyễn. Vì như chúng ta đã biết, đạo Thiên Chúa với các vị vua triều Nguyễn vốn có những căng thẳng lịch sử thì Nam Phương hoàng hậu, như một làn gió mát, đã thoa dịu sự căng thẳng lịch sử tưởng chừng như không bao giờ thay đổi.
Nhân đây, tưởng cũng nên nhắc lại một hành động chứng tỏ lòng thiết tha với quê hương đất nước của Hoàng hậu Nam Phương mà chúng tôi mới tìm thấy trong tài liệu của sử gia Pháp Jean Renaud do nhà xuất bản Guy Boussac ấn hành năm 1949:
Số là sau khi quân Pháp dựa vào thế lực của quân Anh quốc để gây hấn ở miền Nam với ý đồ tái chiếm thuộc địa Việt Nam. (Xin lưu ý bạn đọc lúc cuộc chiến khởi đầu tại Nam phần là thuần túy giửa thực dân Pháp một bên và một bên là người Việt Nam chống lại sự đô hộ của người Pháp, không giống thực chất cuộc chiến Quốc Cộng sau nầy). Lúc đó vua Bảo Đại đã từ chức, bà Nam Phương đang ở tại An Định cung bên bờ sông An Cựu. Đau lòng trước thảm cảnh mà đồng bào miền Nam, quê hương của bà đang trực tiếp gánh chịu, cựu Hoàng hậu Nam Phương đã gởi một Thông điệp (Message) cho bạn bè ở năm châu yêu cầu họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lăng của thực dân Pháp với lời lẽ như sau:
"Kể từ tháng 3 năm 1945, nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp nhưng vì lòng tham của một thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay máu của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục chảy trên mãnh đất vốn đã có quá nhiều đau khổ. Hành động nầy của thực dân Pháp là trái với chủ trương của Đồng Minh mà nước Pháp lại là một thành viên. Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh đang ngày đêm tàn phá đất nước tôi.
Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi và bạn bè của nước Việt Nam hãy bênh vực cho tự do. Xin các chính phủ của khối tự do sớm can thiệp để kiến tạo một nền hòa bình công minh và chân chính và xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của tất cả đồng bào của chúng tôi".
Ký tên:
Bà Vĩnh Thụy
(tức Hoàng hậu Nam Phương.
)
Trong một dịp tiếp xúc riêng tư, một người Việt Nam trong ngành ngoại giao trước năm 1975 hiện ở Pháp nói với chúng tôi rằng bức thông điệp trên đây đã được bàΡm Phương gởi đến Tổng Thống Truman của Hiệp Chủng Quốc vào đầu năm 1946 để nhờ can thiệp. Tuy nhiên, đối với một tin tức có tính cách lịch sử nhưng vì không được tận mắt nhìn thấy trên giấy trắng mực đen nên tôi xin ghi lại஦#417i đây với tất cả sự dè dặt thường lệ.
Bà Hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn đã trút hơi thở cuối cùng tại làng Chabrignac, một vùng quê thuộc miền Bắc nước Pháp theo như lời thuật lại sau đây:
Ngày 14 tháng 9 năm 1963, vào khoảng 5 giờ chiều, cựu hoàng hậu Nam Phương cảm thấy mệt bèn cho người nhà đi mời Bác sỹ đến thăm mạch. Sau khi chẩn khám, Bác sĩ cho biết bà bị viêm họng nhẹ, chỉ uống thuốc vài hôm là khỏi. Nhưng không dè, Bác sĩ vừa rời khỏi nhà chừng vài tiếng đồng hồ thì bà cảm thấy khó thở. Ngươi hầu bà bèn nhờ một người Pháp hàng xóm đi mời một Bác sĩ khác, nhưng người Bác sĩ thứ hai chưa đến kịp thì cựu Hoàng hậu Nam Phương đã êm ái lìa đời ngay trong đêm đó khi vừa tròn 49 tuổi. Ngoài hai người giúp việc trong nhà, không có một người ruột thịt nào có mặt bên cạnh bà trong giờ phút lâm chung, vì các con bà đều ở tận Paris để làm việc và đi học.
Đám tang của bà Hoàng hậu Viêt Nam lưu vong được tổ chức một cách sơ sài lặng lẽ như những năm tháng cuối đời của bà. Hôm đưa đám, ngoài hai Hoàng tử và ba Công chúa đi bên cạnh quan tài của mẹ không có một người bà con nào khác. Về phía quan chức Pháp thì chỉ có ông quan đầu Tỉnh Brive la Gaillarde và ông Xã Trưởng Chabrignac.
Trong suốt thời gian tang lễ cựu Hoàng Bảo Đại cũng không có mặt mà sau nầy, kẻ viết bài nầy trong thời gian ở Pháp được nghe kể lại thì khi hay tin mẹ chết, công chúa Phương Liên tức tốc đánh điện tín báo tin cho cựu Hoàng nhưng gặp lúc cựu Hoàng vắng nhà vì bận đi chơi xa với bà Mộng Điệp, vì vậy mà cựu Hoàng Bảo Đại không hay biết gì nên đã vắng mặt trong ngày đám tang của một người mà có thời đã cùng ông đầu ấp tay gối. Sự kiện đó đã gây sự hiểu lầm khiến về sau các Hoàng tử và Công chúa đã ôm lòng oán hận người cha mà họ nghĩ là một người chồng không trọn nghĩa thủy chung!
Trong lần trở lại Pháp vào tháng 4 năm 1999, do đề nghị của một người bạn thường giao thiệp với Hoàng tử Bảo Long, từ Paris tôi theo người bạn đi về làng Chabrignac, cách tỉnh Brive la Gaillarde ba mươi cây số để viếng mộ Hoàng Hậu Nam Phương.
Gió chiều nghĩa trang lồng lộng thổi, trước mắt tôi là một ngôi mộ đơn sơ với tấm bia đá hai mặt ghi hai hàng chữ bằng hai thứ tiếng khác nhau, mặt trước viết chữ Hán, mặt sau viết chữ Pháp như dưới đây:
Bia chữ Hán: ĐẠI NAM NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU CHI MỘ, có nghĩa là:
"Mộ phần của bà Hoàng hậu nước Đại Nam là Nam Phương".
Bia chữ Pháp: ICI REPOSE L`IMPÉRATRICE D`ANNAM NÉE MARIE THÉRÈSE NGUYEN HUU THI LAN, có nghĩa là: "Đây là nơi an nghỉ của bà Hoàng hậu Việt Nam tên là Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan".
Tôi lặng nhìn ngôi mộ với những cành hoa đã úa vàng lăn lóc đó đây, lòng bồi hồi nhớ lại hơn năm mươi năm trước, từ nhà tôi đi dọc theo bờ sông An Cựu, mỗi khi đi ngang cung An Định tôi ngẩng nhìn lên bao-lơn, nhiều lần tôi bắt gặp Hoàng hậu Nam phương đang tựa lưng vào tường, mắt đăm đăm nhìn đám lục bình trôi lờ lững giữa giòng sông. Tự nhiên lòng tôi se lại, thương tiếc bà Hoàng hậu của kinh đô Huế thuở nào và buồn cho chính thân tôi, một thời thơ ấu nay đã đi qua! Thuở ấy, có một đôi lần tôi đứng xếp hàng trong hàng ngủ học sinh Tiểu học để đón chào Hoàng hậu. Chúng tôi, với nét mặt rạng rở tay cầm cờ vàng phất lia lịa mỗi khi Hoàng hậu xuất hiện và hướng mắt về phía đám nhóc con Tiểu học. Than ôi! Ngày ấy nay còn đâu?
Tôi kính dâng lên hương linh Hoàng hậu Nam Phương những hàng chữ thô thiển nầy và xin Hoàng hậu chứng giám cho lòng kính trọng vô vàn của người viết khi ghi lại những chi tiết về cuộc đời trong sáng của bà.
Tháng 9 năm 2000. Kỷ niệm 37 năm ngày mất của Hoàng hậu Nam Phương
Tôn Thất An Cựu
Tài liệu tham khảo:
- La Famille d`Annam của Nguyễn Tiến Lãng
- Le Dragon d`Annam của Bảo Đại
- Souverains et Notabilités củaJean Renaud
- Les Derniers Jours De L`Empire d`Annam của Daniel Grandclément