Phần 2

Hành Trình Vào Hỗn Mang 
Tôi nằm lặng một mình trong những đêm dài hôn mê. Tâm hồn tôi lang thang lạc về những xứ sở hoang sơ kỳ ảo. Đêm chẳng phải đêm! Ngày chẳng ra ngày! Âm ti chăng? Thiên đường chăng? Cội nguồn chăng? Vũ trụ chăng? 
Tôi khát! Tôi khát! 
Chao ôi là nóng! 
Cơn nóng trong tôi lúc âm ỉ, lúc bừng bừng lửa đốt. Nó soi đuốc gọi thẳm đêm về hợp giao cùng hoang tưởng, để làm sống lại những kỷ niệm đã bị chôn vùi trong nghĩa địa âm u sọ não. 
Những mơ ước cháy bỏng nhất, những hình ảnh hoang sơ nhất, những ký ức tái tê nhất hoặc vui đến nổ trời, những bóng ma bị quên lãng đã nắm tay tôi dẫn vào vũ hội, để nhảy những điệu nhảy hỗn mang. Tiếng hò hét cuồng nộ kéo ta vào những cơn mê cuồng, vui đến rơi nước mắt. Khúc nhạc buồn héo hắt làm chân ta lãng đãng. Ta bủn rủn nghe tiếng thầm thì, rủ ta về hòa lẫn vào hỗn nang. 
Có nhiều người, cũng như tôi, đã bất hạnh hay may mắn được hành trình vào xứ Hỗn mang. Rất nhiều kẻ vì sợ hãi hay buồn phiền đã úp tay vào mặt, cố ý kéo màn che ký ức. Nhiều người khác không may đã bị bóng tối của Hỗn mang kéo tụt vào đêm đen vô tận. Hiếm người thoát hiểm! Vì thế, nhiều cuốn hồi ký Hỗn mang đã chẳng được khai sinh. Tôi thuộc số người may mắn đã thoát khỏi hỗn mang trở về. Tôi vội vã ghi chép lại sự tự nghiệm kỳ lạ, cố giữ lại cái hơi thở hoang sơ nguyên thủy, và những xúc cảm cuồng nộ đầy mê đắm của nó.
I. Con vật huyền thoại 
 
Ngày đầu tiên, tôi nằm dài hôn mê. Mắt nhắm nghiền. Thở thoi thóp. Chân tay thẳng dẵng. Bất động. Tai chẳng nghe thấy gì nữa. Cảm giác nhẹ nhàng bâng khuâng của một ly rượu. Hết nóng, hết lạnh, hết đau đớn, hết suy nghĩ.... 
Khi bóng tối ập xuống, trạng thái kỳ lạ ấy bỗng được chuyển sang trạng thái khác. Nếu gọi trạng thái trước là mấp mé bờ chết, thì trạng thái thứ hai này là mấp mé bờ sống. Có thể cái mầm sống trong tôi đã thoi thóp, nay cố gắng rãy rụa chăng? Nó bám vào bờ sống nhưng không đủ sức ngoi lên. Đã mang máng nghe thấy hình như có tiếng người. Ai khóc đấy? Có phải tiếng sụt sùi của vợ tôi? Có phải tiếng tấm tức của thằng con Út. Có phải tiếng đều đều an ủi của thằng Linh? 
Tôi thấy buồn buồn nơi bàn tay. Phải chăng bàn tay ấy muốn giơ lên, muốn vẫy gọi, hay muốn đặt nhẹ lên mớ tóc của đứa con yêu. Không xác định nổi đấy là phản ứng của sự sợ hãi, hay phản ứng của tình thương. Nhưng, bàn tay vẫn nằm yên, không nhúc nhích. Tiếp đó là sự bằng lặng của một giấc ngủ êm, nhưng mong manh. Tất cả lại chìm trong màn sương trắng. Như có một chuỗi mây bồng bềnh trôi qua; lúc mây dày thì mắt ta nằm trong màu sữa; lúc mây mỏng thì lại trông thấy một ngọn đèn dầu lạc, úa nhòe nhòa; lúc mây quá nặng thì ta như chui bên trong một chiếc chăn dày kín mít. 
Kìa! Một làn mây quá mỏng! Ta lại chợt nhìn thấy thê gian qua một tấm kính mờ. Chợt thấy rõ không phải ngọn đèn dầu lạc, mà là một chiếc bóng điện. Trước mắt ta, lay động một trái dừa... một quả bưởi... những quả bóng... kỳ lạ vậy? À... Đó là những đầu người. Chắc là vợ ta, con ta, bạn bè ta đang ngồi kế cận giường ta. Có tiếng rì rào... tiếng thì thầm của những rặng tre. Ta hiểu rồi, họ đang trò chuyện. 
Chợt một nỗi buồn thăm thẳm toát ra từ xương tủy. Cái ý thức le lói trong ta chợt bùng lên. Ta buồn vì biết rằng mình đang chết. Một đám mây lướt qua mi mắt chợt làm tôi rùng mình; ta sợ một bàn tay nào đó đặt lên mắt ta, và vuốt nhẹ; như thế tức là chiếc cửa sổ tâm hồn được khép kín vĩnh viễn khép kín. Tâm hồn chập chờn, le lói của ta chợt rung lên; đôi mi mắt cố rướn lên, cố mở to ra; nhưng sao đôi mi mắt quá nhỏ bé mà lại nặng nề đến thế; tưởng như những tấm cửa lim ngăn cách. Tâm hồn tôi gào to: 
-Chưa! Chưa phải là hết! 
Nhưng buồn thay! Từ miệng ta chẳng có âm thanh nào lọt ra. Giọt nước mắt bất lực, phải chăng giọt nước mắt cuối cùng của đời ta chợt ứa ra, từ từ lăn trên gò má. Nhưng tiếc thay! Chẳng ai để ý đến những giọt nước mắt bơ vơ đó. Vợ ta, con ta, bạn bè ta đều không nhìn thấy nó. Ta biết chắc vậy, vì chẳng có ai cầm khăn thấm nó, nó cô đơn chậm chạp bò dần trên đôi gò má khô héo, nóng bừng; nó âm thầm rơi xuống gối; ta đoan chắc là nghe thấy tiếng rơi của nó. 
Lạ chưa! Tai ta đã phân biệt được âm thanh. Tiếng rì rào bỗng hóa tiếng người: Giọng ồ ồ là của Hợi, giọng thanh thanh là của thằng Út, giọng ngập ngừng là tiếng nói vợ ta, giọng trầm đều là tiếng của thằng Linh, giọng phẫn khích là của chú Lân. 
Ta nghe lõm bõm. Âm thanh lúc xa, lúc gần, lúc tỏ, lúc mờ, lúc liên tục, lúc đứt quãng...
"Lợn... lợn..."
Hay thật! Họ lại vẫn bàn chuyện lợn bên cạnh giường người đang chết.
"Bò.. bò.. hổ hổ... khổng lồ... tạ, tấn..."
Chắc là họ đang bàn đến những con lợn Bò, lợn Hổ, những con lợn nặng hàng tấn thịt. Giọng ồ ồ lên bổng, xuống trầm. Chỉ nghe thấy giai điệu, nhịp điệu, sắc điệu của âm thanh chứ không nghe thấy rõ ràng lời nói, nhưng ta biết đó là giọng của Hợi, ông chủ lò. Chợt vụt hiện trong óc một chuỗi hình ảnh mà một lần ta đã gặp... Một người đàn ông lực lưỡng, cởi trần, chân đi ủng cao su, đứng giữa một đàn lợn khổng lồ. Tay anh ta cầm một vòi nước chảy xiết và phun vào lũ lợn. Đàn lợn rú gầm chạy tán loạn; chạy mãi, chạy mãi, để rồi cuối cùng kiệt sức nép vào nhau, run rẩy đứng ở xó chuồng. Người lực lưỡng cởi trần, lúc này, cầm một con dao điện trong tay. Hắn dí điện vào gáy từng con lợn. Lũ lợn khổng lồ lăn ra rãy rụa. Rồi sau đó, người lực lưỡng cầm con dao lá lúa mà sọc mà đâm một cách rất chính xác. Con lợn nào cũng bị lưỡi dao phóng trúng cổ, trúng tim. Máu lợn phun ra òng ọc, lênh láng. Người đồ tể nghệ sĩ đâm như múa, càng đâm càng nhanh, càng chính xác, càng đâm bàn tay càng dẻo... Cuối cùng anh giơ con dao lá lúa lên, đứng giữa ao máu mà cười... Nụ cười hân hoan đón nhận tràng vỗ tay của đám đông khán giả cũng đang say sưa như anh.
À... Hiểu rồi! Nhớ ra rồi! Thảo nào thấy âm sắc của giọng Hợi quá quen thuộc. Thì ra, Hợi đang kể cho mọi người nghe cách giết lợn hiện đại, cách giết lợn hàng loạt, cách giết những con lợn khổng lồ bằng dao điện. Chính mắt tôi đã được dự cuộc biểu diễn đồ tể hiện đại ấy mà Hợi là người thao tác mẫu, cách đây mấy tháng, tại lò lợn.
Những bóng mờ trước mắt bỗng tan biến. Qua màn sương ngăn cách, tôi chỉ còn thấy bóng đèn vàng hiu hắt và một bóng hình mờ mờ nào đó. Chắc mọi người đã ra về và chỉ còn một người ở lại chăm sóc tôi. 
Sao lúc này im lặng đến vậy? Im lặng đến nỗi tôi nghe rõ cả tiếng tim mình đập. Tôi muốn kêu lên:"Các người đi hết rồi ư? Chỉ còn ta hấp hối với đêm dài lặng lẽ. Cái bóng ngồi kia là ai vậy? Vợ ta, hay con ta? Hãy đến mà nói với ta, mà nắm tay ta, Sao lại im lặng?Lại ngủ rồi ư? Chỉ còn một mình kẻ hấp hối này là thức thôi ư? Kẻ sống thì ngủ, kẻ chết thì thức. Sự trái ngược ấy càng làm cho nỗi cô đơn thêm rợn. Ta muốn khóc nức nở, nhưng nước mắt ta lại cạn kiệt hay sao?
Có tiếng gì rờn rợn, lạ lùng ở xa vời. Tiếng đó làm sởn gai ốc... Ta hồi hộp lắng nghe. Biết rồi! Tiếng mèo! Con mèo gào trong không gian khuya và tối đen. Mỗi lúc tiếng gào lại mỗi gần. Một phản xạ như muốn chạy trốn mà không trốn nỗi. Ta cũng biết rồi. Chắc là con mèo đen; con mèo mặc áo choàng đen, đi tuần du trong bóng tối như gã canh ngục thất. Nó lượn lờ quanh nhà ta ở. Tiếng mèo u oa nức nở. Đồ quỷ! Nó bỗng gào lên như tiếng trẻ con bị bóp cổ. Giống mèo đêm đêm thường đi tìm những linh hồn bơ vơ. Mèo bơ vơ, mèo hoang đi tìm những giống người bơ vơ, giống người hoang... Kẻ bơ vơ là người hấp hối... Tiếng mèo chợt rú như bị chọc tiết; tâm hồn tôi chợt cũng co quắp, rúm ró theo... ôi... lạnh toát đến tận đáy hộp sọ. Tôi muốn kêu cứu, nhưng đã mất âm thanh. Tôi muốn chống đỡ, nhưng chân tay tê liệt.
Đang lúc nguy cấp, khốn cùng như vậy, thì chợt thấy hơi thở ấm áp bên tai. Một tiếng thì thầm:
-Hoàng! Đừng có sợ. Còn có tôi đây.
-Ai vậy?
-Tám đây! Hoàng chẳng nhận ra sao?
-Ôi, anh Tám! - Tôi vui mừng - Sao anh đến chậm vậy?
Tiếng thở dài:
-Bạn bè chỉ giúp nhau hơi ấm. Cái chính là ở anh.
-Anh cứu tôi với! - Tôi năn nỉ.
-Hoàng sợ gì?
-Sợ tiếng mèo.
-Tôi hiểu rồi. Chắc anh nghĩ đến con mèo đen nhảy qua người anh. Và anh sẽ biến thành quỷ nhập tràng?
-Ôi chao! Đúng là điều tôi sợ vậy. Anh Tám đuổi con mèo ấy đi. Tôi không muốn biến thành quỷ. 
-Giống quỷ bao giờ cũng muốn mọi người đều biến thành quỷ như mình. Anh sợ cũng phải. Nhưng tôi biết làm thế nào bây giờ?
-Anh Tám giúp tôi với. Cho tôi một liều thuốc... cho tôi khỏi bệnh.
-Poócxinômani? Làm gì có thuốc.
-Vậy là tôi chẳng còn gì hy vọng? Tôi sẽ nằm dài hấp hối và cuối cùng tất cả sẽ nhỏ dần... mờ dần... để đi đến kết thúc?
-Có hai cách kết thúc. - Tám lặng lẽ trả lời - Một là anh cứ nằm yên ở đây một đêm, hai đêm, ba đêm... Và đêm nào tiếng mèo cũng rú lên đe dọa anh, làm mất của anh một phần tinh lực. Rồi toàn bộ tinh lực của anh sẽ dần dần bị phung phí, tiêu hao vào nỗi sợ hãi... Một kết thúc như vậy chẳng đáng buồn lắm sao! Hai là, anh cố đi về phía bờ sống. Cảm giác là mấp mé bờ sống; nhưng thực ra khoảng cách đó rất xa. Đừng chọn nẻo đường gần; đường gần hiếm khi tới đích. Đường tới bờ sống đích thực là con đường hun hút và khúc khuỷu. 
Tôi thở dài: 
-Tức là anh khuyên tôi nên quay lưng lại với con đường gần. Và chọn hướng bước đi vào nẻo đường xa vời mà bóng chân trời chỉ là một vết mờ?
-Đúng - Tấm gật đầu thở dài - Đó là đường qua thế giới hỗn mang. Nó hun hút và đen ngòm. Dọa đấy! Thực thực hư hư... Đầy hiểm họa song cũng đầy hấp dẫn... Phải tỉnh táo qua đó mới hòng tìm tới bến bờ thực sự.
Điều kỳ lạ là khi hướng về phía con đường hun hút ây thì chân tôi lại đứng lên nổi. Nỗi cô đơn đã làm sức tôi kiệt, nhưng hơi ấm bạn bè lại tiếp sức cho tôi.
Tôi một mình đi vào xứ Hỗn mang, cố tìm về bờ sống. Con đường xa lạ, nhưng có cảm giác như một lần ta đã đặt chân đến rồi. Đen ngòm và chẳng thấy lối mòn. Chỉ biết nhằm phía xa xa, nơi có ánh sáng leo lét mờ mờ, mà đi tới. 
Ta bỏ lại nhân gian sau lưng để đi tìm con đường về với nhân gian. Hết ngọn đèn vàng hiu hắt, ngọn đèn nơi ta nằm chờ chết. Hết những bóng hình mờ ảo thân quen. Hết những tiếng nói thường hằng mà ta biết rõ từng âm sắc.
Ánh sáng tỏ dần, ta nhận ra mình đang đứng trong xứ sở mây mù. Mây nối đuôi nhau trôi dài. Mây trắng dày đặc, thu ngắn tầm mắt ta vưon xa. Ta chẳng hề biết sau biển mây mù ấy là cái gì. Còn đang tần ngần, chẳng biết đi hướng nào, bỗng một tiếng cười như sấm vang rền, tiếp sau đó một tiếng hỏi:
-Anh đi đâu?
Tôi căng mắt nhìn về phía tiếng nói và chợt nhận ra một bóng trắng khổng lồ, thường dễ cao đến vài chục mét. Đó là một con quái vật mà tôi chưa rõ hình thù. Tôi hỏi:
-Người là ai?
Tiếng sấm rền từ cao vọng xuống, đe dọa:
-Ta canh giữ ải hoang. Và ta chỉ cho đi qua những kẻ nào trả lời được câu ta hỏi:
Tôi nhìn con quái trắng ngồi chồm hỗm và chợt rùng mình nhớ đến chuyện xưa. Phải chăng đó là con nhân sư thời thượng cổ? Con nhân sư bí hiểm đã đưa ra câu đố mà người đời không giảng nổi. Đã bao kẻ bất hạnh vì không trả lời được câu hỏi mà bị chui vào dạ dày của nó. Chỉ có một mình Ơ đíp, người Hy Lạp xưa, đã giải nổi. Con quái vật đã tức giận chịu thua trí tuệ con người nên đã nhảy tùm xuống biển sâu và đã bao đời nay không xuất hiện. Đến nay, nó lại ló mặt ra đời tác quái. Bụng thì lo nhưng tôi vẫn phải ra vẻ đỉnh đạc cất giọng:
-Hỡi nhân sư! Đừng khoe trò bịp. Ngươi không biết xấu hổ sao? Câu hỏi của ngươi, Ơ đíp đã giải từ mấy ngàn năm về trước rồi. Sách cổ còn ghi chép rành rành; nay ngươi còn tiết rẻ gì nơi trần thế, mà lại điên đảo trở về tác quái?
Quái trắng cười sằng sặc. Lúc này tôi mới nhìn rõ cái đầu người lắc lư trên thân hình thú vật của nó. Quái trắng trả lời:
-Ngươi nhầm rồi. Hãy nhìn cho kỹ. Ta đâu có phải giống nhân sư. 
-Lấp liếm làm gì, hỡi giống đầu người mình thú.
-Chớ láo xược. Ta đây chính là con vật huyền thoại hiện đại.
-Vật huyền thoại hiện đại!
Tôi cố căng mắt nhìn cho rõ, rồi cười to:
-Chà! Cái tên kêu quá! Tưởng lá ngọc cành vàng, hóa ra chỉ là cái đầu người chắp vào mình con lợn. Ha,ha... Ta biết rồi. Ngươi là giống Nhân - Trư. 
Con quái vật gầm lên tức giận làm những đám mây trắng sợ hãi cuống quýt, vội bay nhanh. 
-Tên kia! Chớ bẻm mép! Hãy nghe kỹ lời ta hỏi. Nếu không trả lời đúng, đừng trách ta ác độc. Này, hãy nghe cho kỹ:"Con vật gì buổi sáng ăn thịt người, buổi trưa nằm nghỉ ngơi, buổi tối lại ăn thịt người?"
Tôi ngẫm nghĩ: Câu đố có vẻ hao hao giống câu đố mà xưa kia Nhân sư đã hỏi Ơ đíp... Nhưng sao lại có chuyện ăn thịt người ở đây?
Con quái trắng thấy tôi tư lự, suy nghĩ, liền cười to khoái trá. Nó tìm cách làm tôi rối trí:
-Ta đếm từ một đến mười. Nếu không trả lời nổi sau mười phút, thì ta buộc lòng phải ă thịt ngươi. Một phút... hai phút... cố nghĩ cho kỹ, trông ngươi quá gầy còm, kể cũng đáng thương. Ba phút... bốn phút... Ngươi chỉ có da bọc xương, ăn chả bỏ tanh miệng. Năm phút... Hay nếu ngươi không trả lời nổi, thì hãy quỳ xuống lạy. Ta sẽ tha mạng và cho ngươi quay trở lại... Thôi hãy quỳ xuống ngay đi, hỡi anh học trò bẻm mép... Sĩ diện hảo làm gì... à, nếu quay trở lại, thì ngươi sẽ chết hẳn... Hay là ngươi sợ chết? Nếu vậy, hãy quỳ lạy ta, và rập đầu xuống đất ba lần. Ta sẽ tha bổng cho ngươi... sẽ cho ngươi sống lại... trở về cõi nhân gian... với vợ, với con, với bạn bè, với ly rượu say. 
Con quái trắng sỉ nhục tôi như vậy, làm đầu óc tôi sưng tấy căm giận. Nhưng cũng nhờ thế nên óc tôi làm việc mạnh và chợt lóe sáng. Tôi đã nghĩ ra câu trả lời:
-Hỡi chú lợn quỷ. Hãy bình tĩnh vểnh tai lên nghe ta giải: Con vật, buổi sáng ăn thịt người... chính là con người lúc khai thiên lập địa. Con người nguyên thủy sống trong mông muội, ăn thịt lẫn nhau. Buổi trưa nằm nghỉ ngơi, tức là con người khoảng vài ngàn năm nay. Con người đã ý thức được nhân phẩm. Tệ ăn thịt người đã bị loại bỏ. Buổi tối lại ăn thịt người... Ta hiểu ngươi định ám chỉ con người hiện đại lại quay trở về mông muội. Nhưng ta biết ngươi đã nghĩ sai. 
Quái trắng cười to ha hả:
-Khá khen thay ngươi biết trả lời. Nhưng ngươi còn muốn cưỡng lại định mệnh. Ta cần nhắc lại, đến như Ơ đíp mà cũng không cưỡng lại nỗi định mệnh. 
-Ta không tin định mệnh!
-Ngụy biện làm gì? Mông - Muội - Mới chính là tên gọi của thời nay. Xấu hổ mà làm gì? Loài người lúc nào mồm chả nhoe nhoét máu. Chối cãi mà làm gì? Ta biết điều đó chẳng hay ho, nhưng nó là sự thực.
-Ngươi nói làm ta lợm giọng. Ta thấy cả vị tanh tưởi của lời nói ấy chẹn ứ lấp họng ta. Ta biết ngươi thích nhấm nháp thịt người. Ta biết sự thực có con đường Mông - Muội - Mới nhưng ta biết cũng vẫn còn một ngả đường khác. 
-Hề, hề... Cãi mà làm gì? Bởi vì ta là con vật huyền thoại hiện đại. Hiện đại ở chỗ, trong óc, trong bụng ta có những bộ máy tính điện tử tinh vi nhất. Các nhà bác học đã làm nhiều phép tính và đã tìm ra được nhiều đáp số. Nhưng kết luận cuối cùng: Đáp số hàm ẩn, mà ta vừa nói đối với câu hỏi của ta, vẫn là đáp số tối ưu.
-Nói xong, con Nhân Trư sờ tay vào ngực, bấm nút. Hai chiếc cánh giấu kín trong người nó chợt xòe ra. Rồi một tiếng nổ bùng... Con quái trắng chợt bay tít lên cao như một quả tên lửa. Tiếng cười của nó như sấm rền. Nó nhỏ dần và biến mất, chỉ còn để lại một vệt trắng trong không gian mây mù...