P 1 - I

Ngày... tháng...
Cả ngày hôm nay tôi sốt.
Ngày... tháng...
Cơn sốt nhè nhẹ ru tôi vào một giấc ngủ triền miên. Ngủ mà chẳng phải là ngủ. Tôi lạc vào khu rừng rậm những ký ức, những hình ảnh, những suy nghĩ lan man không đầu không cuối. Tôi mặc cho chúng  bay lượn, nổi trôi, hòng mong chúng giúp tôi giải tỏa những năng lượng đang bị kìm hãm, để cuối cùng sự cân bằng tinh thần  được trở lại.
Khi sự cân bằng đến, tức là tôi đã chết đi một chút. Hết ước muốn, hết ảo mộng, hết những trang giấy mà vợ tôi sẽ nhét đầy áo quan khi  tôi chết, hết oán hận và có khi hết cả tình yêu.
Lúc này, trước mặt tôi chỉ còn cái thường nhật chán phè. Lúc này bên tai tôi, chỉ còn tiếng lợn kêu và những lo toan eo óc. Chắc tôi còn chút ham sống nào đó, nên những lo toan ấy còn tồn tại trong tôi, nếu những âu lo sinh vật ấy cũng rời bỏ tôi nốt, chắc chắn tôi đã không còn chút mong muốn bám víu vào cõi đời này nữa.
Anh Lân đã về. Tôi chẳng ngạc nhiên gì điều đó. Anh đến thăm tôi. Chúng tôi nắm lấy tay nhau chẳng nói câu gì. Tôi chẳng cảm ơn, và anh cũng chẳng kể lể; bởi vì điều đó chẳng cần thiết và bởi vì chúng tôi đã quá hiểu nhau, và đã quá hiểu vấn đề. Cuối cùng tôi chỉ nói với anh:
- Lân ạ. Mấy hôm nay mình hơi ốm. Mình nằm mê mệt đấy nhưng tai vẫn còn đủ tỉnh táo để nghe tiếng vợ con mình thì thào với nhau. Nhà mình đang gay go đấy... chắc mình sẽ trở thành người chăm sóc lợn thật sự. Hình như, điều quan trọng nhất lúc này của mình là làm sao lũ con mình tồn tại được...
- Có lẽ Hoàng nghĩ đúng đấy - Lân se sẻ trả lời tôi.
Ngày... tháng...
Tôi đã bình tĩnh trở lại. Cùng với sự bình tĩnh ấy, cơn sốt nhẹ cũng lui dần. Chỉ còn thấy một thoáng gai gai vào lúc buổi chiều.
Tôi lặng lẽ nhìn thẳng vào vấn đề. Gia đình tôi đã hoàn toàn hết tiền và đã hết cả những cái đáng tiền để mà bán. Tôi đã bán chiếc xe Phượng Hoàng và thay thế bằng chiếc xe Xô Lếch mù tã tượi. Rồi cuối cùng cả chiếc xe tã tượi ấy cũng ra chợ trời nốt. Cái xe đi làm của vợ tôi lẽ dĩ nhiên không thể đem bán. Quần áo toàn đồ không đáng tiền. Chẳng lẽ chiếc đồng hồ báo giờ đi làm của vợ tôi cũng bán nốt sao? Mà bán cũng chẳng được bao nhiêu.
Tôi bắt đầu nhìn vào tủ sách của mình. Một tủ sách khá nhiều sách quí mà tôi gom góp đã bao năm nay. Lẽ dĩ nhiên, tủ sách của tôi buộc phải vơi dần.
Những Hugô, Vũ Trọng Phụng, Sêchpia, Camus, Piranđenlô... lần lượt từ biệt ngôi nhà tôi ở để lên đường lang thang. Ông Đốt, ông Goorki là những nhà văn lang thang đã đành; đáng buồn là cả đến Tônstôi, nhà văn quí tộc, cũng rơi vào kiếp lang thang. Xin lỗi các cụ! Bởi vì lợn của tôi đang đói, các con tôi đang đói; các cụ hãy tha thứ cho tôi.
Hôm nay, đến lượt cụ Sêkhốp lên đường vào kiếp "dưới đáy". Tập truyện ngắn trong đó có Phòng số 6 của cụ hay là thế mà người lái sách chỉ trả tôi có mười hai đồng. Trong lúc đó, giá chợ hai mươi đồng một yến bã đậu. Than ôi! Một áng văn hay tuyệt vời như thế, mà không mua nổi một yến bã đậu.
Có bã đậu, lũ lợn của tôi ăn như điên, ăn thùng bất chi thình. Thằng Linh xem lợn ăn, nói với tôi:
- Bố ạ! Con lợn Bò nhà ta nhai gau gáu.
- Khỉ! Sao lại gau gáu? Trong bã đậu làm gì có xương.
- Có chứ! Đấy, bố nghe kỹ mà xem.
- Ừ nhỉ! Có tiếng nhai nghe ròn thật.
Linh phá lên cười:
- Trong bã đậu hôm nay có chân ông Sêkhốp. Lợn Bò dĩ nhiên phải nhai gau gáu, vì loài lợn thích ăn xương.
- Vậy là ngày mai, nó sẽ nhai đến cái tay ông Sêkhốp, và ngày kia...
- Ngày kia nó sẽ nhai đến xương sườn, rồi xương sống. Cuối cùng, sẽ đến lượt cái đầu của ông Sêkhốp.
Tôi rùng mình, bước vào nhà. Chợt thấy run lên, ớn lạnh. Lại cảm thấy mình ốm. Tôi lên giường, đắp chăn ngủ li bì. Lại sốt sao? Lại mê sảng sao? Nhắm mắt! Cứ thấy cái đầu lâu đội mũ phớt của Sêkhốp bị gặm nham nhở và máu me ròng ròng.
- Tôi van ngài. Tôi có muốn thế đâu. Tôi vốn quí  trọng tấm lòng nhân hậu của ngài... Song tôi quá nghèo... Biết làm sao được.
Cái đầu lâu Sêkhốp buồn phiền, hiền từ đang đăm đăm nhìn tôi. Ô kìa! Sêkhốp khóc.
- Xin ngài đừng khóc. Những giọt nước mắt của ngài đời nhìn chẳng thấy cơ mà.
- Chỉ có những trái tim khô cứng mới không nhìn thấy những giọt lệ người đời.
Tôi hối hận:
- Hay để tôi đi... chuộc ngài về.
- Anh chuộc tôi bằng cách nào? Vì anh làm gì còn tiền bây giờ. Phải chăng anh lại định đem bán một ông nhà văn nào khác đi để lấy tiền. Không nên. Tôi không muốn con lợn Bò của anh sẽ nhai xương một ông Sartre để thế chân tôi.
Tôi ngậm ngùi:
- Đằng nào cũng thế thôi. Tôi biết lũ lợn của tôi sẽ lần lượt nhai đến cụ Tư Mã Thiên, và cả bà George Sand xinh đẹp và đa tình của nước Pháp.
Sêkhốp hóm hỉnh:
- Này! Anh thấy không, chân tôi gầy guộc thế mà bọn lợn nhà anh ăn vào lại thấy béo ra.
- Vâng. Lũ lợn bốc lên rất nhanh. Tôi nhận xét thấy, từ dạo ăn thịt các cụ nhà văn, lũ lợn nhà tôi tăng trọng với tốc độ phi thường. Con lợn Bò, chỉ trong vòng nửa tháng đã tăng từ bốn mươi cân lên tới sáu lăm cân.
Tôi yên lặng một lát, rồi hỏi thêm Sêkhốp:
- Thưa cụ, cụ nghĩ xem có cách nào cứu vãn nổi không?
Sêkhốp mỉm cười:
- Có chứ. Tôi nghĩ ra rồi. Ngày mai, lũ lợn của anh sẽ gặm đầu tôi. Nó thích gặm xương; thì cứ để cho nó tha hồ mà gau gáu. Điều cốt yếu, anh cần giữ lại trái tim tôi, đừng cho chúng ăn. Vả lại, còn tâm hồn của ta nữa chứ. Tâm hồn ta là một thứ phi vật chất, lũ lợn của anh ăn thịt sao nổi cái phi vật chất.
......
Tôi sửng sốt nghe những lời giảng của Sêkhốp. Và tôi nhìn kỹ nhà văn. Con người nhân hậu ấy óng ánh hào quang. Tôi nhìn thật kỹ. Sêkhốp từ từ tách ra làm hai: một bên là cái thân xác trần thế bị rách nát tả tơi; một bên là cái cốt tủy từ bi, hồng hào, mát mẻ, trong trẻo, tưởng như vơi mà lại hóa đầy.
Ngày... tháng...
Tôi sốt!  Tôi sốt!
Tôi rét! Tôi rét!
Tôi thật tồi tệ. Tại sao tôi có thể đem ra chợ bán những Sêkhốp, Sếchpia? Tại sao tôi có thể để cho lũ lợn phè phỡn vênh váo, nhờ vào máu xương của những con người như vậy?
Từ ngày tôi bán sách, con lợn Bò của tôi bỗng nhiên trông tươi hơn hớn. Nó lớn trông thấy từng ngày. Nó phây phây, hồng hào. Da thịt nó căng ra. Lông nó bóng nhẫy như phết mỡ. Cổ núng nính một cái yếm toàn là mỡ.
Hàng ngày, ăn xong, nó nằm nghiêng người, duỗi thẳng chân, đễ phơi ra chiếc bụng căng phềnh màu máu thịt. Còn lũ lợn ỉn thì đốn mạt hết chỗ nói. Chúng đã hoàn toàn chịu thua, chịu là lũ đầy tớ của lợn Bò. Con ỉn Lang và con ỉn Đen chụm sau lưng con lợn Bò, để làm vật kê đệm, để làm vật sưởi  ấm đàng sau lưng cho nó. Còn con ỉn út thì làm công việc la liếm. Đầu tiên, ỉn út liếm mặt, liếm mõm, tức là công việc vệ sinh những thức ăn dây rớt, dư thừa trên mặt lợn Bò. Sau đó, là việc liếm nách, liếm bụng, liếm mặt liếm tai, một thứ liếm gây khóai, một thứ liếm nịnh bợ. Mỗi nhát liếm của con ỉn út, lợn Bò lại khoái chí kêu lên hự hự. Cuối cùng, lợn Bò chẳng cần e thẹn, liêm sỉ gì nữa, nó xoay mình nằm ngửa tênh hênh, chổng bốn vó lên trời, để con ỉn út liếm vào dương vật, cái của quí của nó.
Tôi hầm hầm tức giận, cầm chiếc chổi tre vụt túi bụi vào cả bốn con lợn đốn mạt ấy. Vừa đánh, vừa quát:
- Phè phỡn! Này, đồ phè phỡn!
Ngày... tháng...
Đêm nay tôi mơ thấy ông Sêkhốp dắt tôi và Tám Bách Khoa ra chuồng lợn. Tôi hỏi:
- Cụ định làm gì vậy?
- Để thử xem con lợn Bò của anh là thứ gì?
- Cụ định quan sát để viết một thiên truyện ngắn về con lợn Bò của tôi có nhẽ?
- Đã gần một  thế kỹ nay, tôi có viết gì nữa đâu.
Sêkhốp từ tốn móc ở túi gilê ra một chiếc kính không gọng rồi kẹp vào mũi, rồi ngắm nhìn con lợn Bò. Con vật thấy Sêkhốp nhìn, nó tỏ thái độ vênh váo hẳn lên. Nó đứng thẳng, vươn cái bộ mặt phị núng nính ra cho ông già ngắm, Rồi nó đủng đỉnh đi lại rất đường bệ. Sêkhốp gật gù:
- Con lợn của anh có tướng mạo lắm.
Tám Bách Khoa nhìn cặp kính của Sêkhốp với một vẻ thán phục. Sêkhốp tiếp tục nói bằng một giọng thủ thỉ phiền muộn:
- Tướng mạo kỳ dị! Thánh thót, ngọt ngào, ai nghe cũng lọt tai. Nhưng cương nghị, tàn nhẫn thì cũng chẳng ai bằng. Có cái gì đó ma quái linh thiêng. Rờn rợn và đáng sợ.
Tám vỗ tay reo lên:
- Đúng! Đúng! Poóc xi nô ma ni! À, phải rồi Porcinisme! Bái trư giáo!
Sêkhốp lặng lẽ đút chiếc kính không gọng vào túi áo gi lê, rồi cúi đầu bước đi. Ông bước đi buồn bã. Ông đang bước hay ông đang bay? Ông bước trong không trung mờ ảo. Những cây bạch dương xòe bóng che ông. Một khu rừng Nga cổ kính... tiếng lá rì rầm... bóng ông nhỏ dần, mờ dần, buồn bã như một màn sương mùa đông.
Tôi và Tám đứng ngây người nhìn theo bóng ông già huyền ảo. Và Tám bỗng ghé vào tai tôi:
- A thấy gì không?
- Cái gì?
- Chiếc kính không gọng của Sêkhốp.
- Tôi không hiểu anh định nói gì.
- Còn phải hiểu gì nữa? Chiếc kính ấy là Kính-Chiếu-Trư.
- Nghĩa là gì? Trời ơi! Ngốc ơi là ngốc.
Ngày... tháng...
Tôi sốt hay tôi rét?
Tôi mê sảng hay điên rồ?
Tôi ngột ngạt, mà không gian thì xám lạnh. Đài phát thanh báo tin rét về, 9 độ.
Tiếng Tám vang to: Poóc xi nô ma ni.
Thằng Linh thấy tôi ốm, lấy trộm sách của tôi mang đi bán. Tôi hét lên:
- Không được phép bán sách. Bán sách hay là đốt sách? Đồ Tần Thủy Hoàng!
Tôi căm giận, tát mạnh vào má con tôi. Vợ tôi nhìn tôi, khinh bỉ lầm bầm:
- Đồ trí thức rởm!
Tôi quát to:
- Câm đi! Cút đi! Cả lũ cút hết đi!
Thằng con út tôi ôm mặt nức nở và quì xuống
- Bố ơi! Con lạy bố! Con van bố!
Tôi ngồi phịch xuống chiếc ghế bành cà khổ: "Hay là nhà tôi đang bị ma ám"?
 Ngày... tháng...
Tôi im lặng và cắm cúi làm việc. Tôi đã bị sơ cứng, bị chai sạn trước sự bỉ ổi của tôi và mọi người xung quanh. Tôi chỉ  còn là một chiếc máy đã được vặn giây cót, và theo quán tính nó vẫn phải làm việc và phải sống. Hay là vì đã tiếp xúc quá lâu với loài lợn, tôi đã tự đồng nhất mình với lợn, điều đó tôi cũng không thể hiểu nổi. Tôi cũng không còn năng lượng để mà thù ghét lâu dài. Hôm qua, tôi tức giận với vợ con, hôm nay tôi lại thờ ơ, cứ tưởng như chuyện đó xảy ra từ một buổi xa xôi nào đó, và hình như tôi cũng chẳng còn năng lượng để hối hận hoặc yêu thương. Tôi dửng dưng nhìn những người trong gia đình đi lại ăn uống, cứ coi họ là những con rối và mình cũng là một con rối. Dường như tôi đã chuyển hạ mình xuống thành một sinh vật ơ hờ.
Nghĩ cũng thật hay! Chính trong lúc này, gia đình tôi lại sáng kiến ra một cái nghề rất là độc đáo, nó đã giúp chúng tôi phần nào thoát khỏi sự túng bấn, sự cùng bỉ. Đó là nghề: bán bèo. Thưa, không phải là nghề bán bèo cổ truyền sang trọng, thật hạt như ông cha ta đã làm. Ngày xưa, các cụ bán bèo hoa dâu, bèo cái, đó là những thứ bèo mà hàm lượng đạm, bột, vitamin khá nhiều; đó là những thứ bèo mầu mỡ,  ăn vào, lợn chảy da chảy thịt, như các cụ vẫn nói. Còn tôi, tôi bán thứ bèo rởm. Đó là bèo Nhật Bản, một thứ bèo sinh nở như điên, một thứ bèo hoa tím hình như đuôi con công, rất duyên rất đẹp, nhưng vô tích sự. Trong sách, các nhà khoa học đã phân tích, hàm lượng các chất dinh dưỡng của nó hầu như số không; trong nó hầu như chỉ có chất sơ. Tôi ra chợ, nhận xét thấy số người ham mê nuôi lợn của Hà Nội tăng lên vòn vọt. Các thứ rau, lá tập tàng, người ta đều mua cho lợn ăn. Thế là tôi nảy ra ý kiến bán bèo Nhật bản. Tôi bơi thuyền trên hồ sau nhà, gom bèo lại thành một dàn bèo khổng lồ, lấy nứa tép quây thành ranh giới cẩn thận. Sau đó cứ mỗi sáng, tôi sai thằng út của tôi bơi thuyền khắp hồ vơ vét thứ bèo vứt đi đó, đem về nhà bó lại, mang ra chợ bán; còn dàn bèo kia làm kho dự trữ.
Lúc này, tôi còn hà tiện hơn cả lão Harpagon của Môlie. Tôi nhặt nhạnh tiền bán bèo từng xu một. Những buổi tối, trông thấy tôi bó bèo, thằng con sinh viên của tôi nói to rất hài hước:
- Hoan hô bèo! Bèo cứu sống con người. Hoan hô nhà trí thức chịu khó lam lũ.
Tôi hỏi:
- Cậu định chế diễu tôi sao? Làm việc thế này là trong sạch.
- Đúng rồi! Đúng chất của bố rồi. Trong sạch ư? Lương tâm ư? Bố sợ con bán nốt những cuốn sách thánh. Bố thay sách bằng bèo.
Nhưng, trông kìa! Những cây bèo của ông xòe ra như cái quạt. Thưa rằng, làm như thế để bó bèo có vẻ to, có vẻ đầy đặn đẫy đà. Hoan hô nhà trí thức làm hàng giả dối, làm hàng rởm. Hoan hô sự trong sạch hiện đại.
Tôi ngượng tím mặt. Thằng quái con sọc đúng tim đen tôi rồi. Nó bóc nốt lớp sơn giả dối, mỏng manh bọc hờ lấy trái tim tôi. Giọng nó vẫn diễu cợt độc ác:
-khái niệm trong sạch của bố sao mà khó hiểu thế.
Tôi nhức nhối:
-Thôi, con ơi! Ta van mày. Hãy im đi. Hãy tha thứ cho ta.
Tôi tự xấu hổ thầm. Ừ, tại sao ta lại chỉ có thể trong sạch ở những điểm to tát, nguyên tắc? Còn những việc nhỏ bé thì cho phép những cọng bèo? Tại sao tôi lại bóc nõn nà những cây bèo Nhật Bản? Tại sao tôi phải sửa sang sắc đẹp cho chúng, để rồi bó xoè chúng ra như chiếc quạt? Là vì tôi muốn đánh lừa con mắt người đời, để họ tưởng bó bèo là non, là đẫy. Là vì tôi muốn kiếm thêm mỗi bó bèo năm xu, một hào.
Ô hô! Cọng bèo giả dối! Ô hô! Lương tâm trong sạch! Ô hô! Cái con người tự nghĩ mình là trí giả! Thảm thương lắm thay! Vậy thì, ta nên bán bèo hay ta nên bán sách?
Ngày...tháng...
Thằng Linh nói với tôi về một nhận xét rất hoang đường:
-Bố có thấy một điều lạ lùng đã xảy ra không?
-Điều gì?
-Từ khi bố bán bèo nuôi lợn, lũ lợn, lũ lợn biếng ăn hẳn đi. Con thấy chú lợn Bò chỉ thích ăn sách của Bố thôi. Có lẽ lũ lợn thích nhất ăn thịt các nhà văn bố ạ.
-Láo! Hoang đường! Mày định tiếp tục diễu cợt tao hay sao?
-Thôi! Tiếc làm gì, còn những cuốn sách của Đốt, bố cũng nên bán nốt đi.
A ha! Thằng quái con. Nó biết tôi rất quý Đốt, nên nó giở trò trêu tôi đấy.
Ngày... tháng...
Thằng Linh khoe:
-Một cô bạn sinh viên mới ở Sài Gòn ra, tặng con cuốn: "Anh em nhà Karamadốp". Bố thấy không, con cũng có sách quý. Kém gì bố đâu. 
Ngày... tháng....
Con lợn bò gặp tôi trong giấc mơ. Nó gọi đích danh:
-Ông Hoàng! Ông Hoàng! Tôi muốn nói chuyện nghiêm túc với ông.
-Chuyện gì? Đòi hỏi thức ăn chăng? Ta vẫn cho ngươi sống đầy đủ. Con ta có hôm nào được ăn cá đâu; còn ngươi bữa nào cũng có dăm nhách cá. vậy, còn mè nheo gì?
-Bèo của ông ăn vào đói lắm. Ta chưa đủ no.
-Mỗi bữa ăn hai thùng gánh nước còn chưa no? Có lẽ ngươi muốn yêu cầu ta bán nhà đi để nuôi ngươi sao?
-Đừng keo kiệt. Hãy hiến dâng tất cả cho ta. Ta biết những kẻ mê lợn như ông sẽ có thể hiến cả thân mình để nuôi lợn.
-Hiến dâng ư?
-Chứ sao! Rồi ông sẽ hiểu. Ta xứng đáng như vậy. Vả lại keo kiệt mà làm gì? Đã đến nỗi nào mà phải bán nhà. Tủ sách của ông mới vơi một góc nhỏ. Còn cô De Beauvoir, còn Beckett và còn cả Đốt nữa....
-Đồ mật thám! Mày rình mò cả tủ sách của tao.
-Tiếc làm gì vài quyển sách nát. Giữ mãi rồi cũng hỏng. Này, quyển kinh thánh của ông đã rách cả đầu lẫn cuối rồi đấy.
-Thật bỉ ổi!
-Cáu làm gì. Anh ngớ ngẩn nên cứ tưởng sách là quý. Vợ anh nói đúng đấy, cô ta là vợ anh mà có cần gì sách của anh đâu, cô ta hứa là khi anh chết sẽ chôn sách theo anh... hahaha.
-Câm mồm đi.
-Anh nghĩ mà xem; thế giới ngày nay có hàng vạn người cầm bút. Mỗi ngày, bình quân hàng nghìn cuốn sách được ra đời ở mọi nơi. Chao ôi! Tư tưởng? Ta đến ngột ngạt vì sách, vì tư tưởng của các người. Nhưng thử hỏi, sách mọc lên như nấm thế, mà sao con người hiện nay có tốt đẹp gì thêm đâu? Vả lại, sách còn đem vạ cho người. Ở thời buổi này, sách có thể dẫn ta vào cuộc đời tan nát.
-Quân láo xược! Mày định dọa ta sao? Cút xéo cho khuất mắt ta. Đồ con lợn.
Ngày...tháng...
Tôi ngồi uống nước trà đặc, cố làm tỉnh táo cái đầu óc đầy mộng mị kỳ quái của tôi. Đột nhiên, có tiếng lợn ăn rất lạ làm tôi sửng sốt. Tiếng lợn ăn như reo, như vỗ tay. Nhịp điệu vỗ máng bắt đầu nhịp nhàng từ tốn sau trở nên hối hả. Đó là tiếng đớp cám của chú lợn Bò. 
Nó vừa ăn vừa thở hổn hển. Nó ăn tuyệt quá, đến nỗi tôi ngồi uống nước trà không yên. Tôi càng sốt ruột hơn khi nghe tiếng thằng Linh thúc giục động viên ngoài chuồng lợn: 
-Hãy ăn mạnh lên! Mạnh nữa lên! Hoan hô!... 
Tôi xỏ dép ra ngay chuồng lợn. Linh quay lại: 
-Bố đến mà xem. Con lợn Bò ngốn như thuồng luồng. Khác hẳn ngày hôm qua. Bố biết tại sao không? Vì hôm qua nó ăn bèo, còn hôm nay nó ngốn quyển "Karamazov". A! Gau gáu! Ngon lành chưa! Nó đang nhai chân cụ Đốt. 
-Thằng tồi tệ! Mày lại bán sách - Tôi buồn rầu - Mày coi thường lương tâm của bố mày.
-Bố giận con ư? Con đâu dám coi thường bố. Bố hiểu cho. Con chỉ muốn tìm ra một sự thật. 
-Sự thật? 
-Vâng, điều con tìm ra là một sự thật. Dù lòng bố có tốt, không muốn như vậy; nhưng sự thật vẫn diễn ra không theo ý bố. Ta không thể chối bỏ nó. 
Tôi chua chát: 
-Như thế có nghĩa là, ở thế kỷ này, đã chấm dứt mọi sự trong sạch, và những cái gì gọi là... 
-Bố cứ hay khái quát. Không nên thế. Con chỉ nhận xét thấy một điều: Lợn thích ăn sách và chắc là xương các nhà văn ròn và nhiều chất can-xi nên lợn rất ham ăn. Nhất hạng, lợn thích nhai xương cụ Đốt. 
Con tôi lại trở về giọng bông lơn. Tôi im lặng thầm nghĩ. Không biết thằng bé học được cái gọng đùa cợt này từ lúc nào. Tôi có dạy con tôi như vậy đâu. Có lẽ việc tôi nuôi lợn là một điều kỳ cục, tức cười quá chăng? Mà có lẽ vậy... Bởi vì lợn là một giống vật không được hay ho cho lắm. Mà lợn như con lợn Bò của tôi lại là một con vật ma quái. Thế, mà ta đã mang nó về nhà nuôi nấng, thờ phụng. Trong khi con ta đói, thì lợn ăn cơm cá. Trong khi tâm hồn con ta còi cọc, thì ta bán sách cho lợn ăn. Rồi ta tâng bốc nó lên, hí hửng khoe khoang với nhau, để rồi chồng, vợ, con cái cấu xé lẫn nhau. Hay ta đã rước họa về nhà? 
Bệnh dịch, hay một cơn điên, hay là Poóc xi nô ma ni? Đầu óc tôi lại nhức nhối. Lại sốt, lại rét, lại quay cuồng. Những suy nghĩ bề bộn, không đầu, không cuối. Lắm lúc như hé mở, như đã thấy một điều gì đó rõ ràng minh bạch; nhưng rồi lại sợ hãi không dám tin vào những suy nghĩ của mình nữa. Ta lo lắng giơ tay ra như muốn bấu víu lấy một cái gì đó thật là vật chất, thật là cụ thể; nhưng ta, ta chợt hẫng, vì ta đã bíu vào một không gian loãng, mờ ảo và rất hấp dẫn... 
Tôi ngồi ở chiếc ghế bành cà khổ ấy cho đến đêm, để mơ màng, suy nghĩ đến trăm điều và để cuối cùng chẳng còn gì đọng lại trong đầu. Những ý tưởng của tôi như những gã mù lòa chống gậy dò dẫm trong một không gian đen kịt. 
Những hình thù kỳ dị bỗng đột nhiên hiện ra trong óc; con lợn Bò khổng lồ biết nói; và một bóng người mờ loãng, toàn thân hư không, tất cả chỉ còn đọng lại một bộ râu và những sợi tóc. Tôi hỏi: 
-Lợn Bò thì ta biết rồi. Còn ông, ông là ai? 
Một giọng trầm trả lời theo nhịp râu lắc lư: 
-Lợn Bò của anh nghiến ngấu rất phũ. Chỉ một ngày, nó đã gặm hết toàn bộ thân thể ta. Riêng bộ râu và tóc không ăn được nên nó chừa lại. 
Lợn Bò hể hả: 
-Thịt cụ Đốt thơm lắm. Còn món tóc và râu thì khô như rơm... 
Tôi hỏi bộ râu: 
-Vậy cụ là Đốt? 
-Vâng tôi là Đốt. 
Tôi lo lắng hỏi: 
-Con lợn của tôi đã ăn mất cả đầu cụ, cả khối óc cụ? Trời ơi! Con quỷ! 
-Xin cám ơn vì anh đã lo lắng cho tôi. Nhưng đừng lo. Tôi không như Sêkhốp. Sêkhốp còn muốn giữ lại trái tim. Còn tôi, dù con quỷ của anh có ăn hết toàn bộ hình hài, tôi cũng chẳng lo. Song, tôi vẫn e ngại một điều. 
-Thưa cụ, điều gì? 
Đốt hất hàm, để bộ râu cằm chĩa về phía con lợn bò đang chễm chệ, đắc chí đang ngồi trên chiếc ghế bành thứ hai của tôi: 
-Anh thử nhìn xem, con quỷ của anh muốn gì vậy? Hôm nay, nó nhai cuốn karamazov. Nó bỗng chợt hiểu ra một điều ta nói trong đó:"Chúa đã chết. Thời vô tri đã đến" và con quỷ của anh đã nảy dã tâm. 
-Hà hà... chứ sao! - Lợn Bò cười ngạo nghễ. Bàn tay nó vỗ nhẹ vào chiếc tay ngai ghế bành, rồi gật gù đắc chí. 
Tôi giận điên người: 
-Mày phải cút ngay. Mày phải rời ngay khỏi cái ghế đó. Đừng giở trò phè phỡn. 
Lợn Bò càng trêu ngươi. Nó ôm cái bụng núng nính cười thật to. Tiếng cười xoáy vào óc tôi nhức buốt. Tôi cáu kỉnh, cầm chiếc dép ném thẳng vào mặt nó và quát:
-Cút đi! Cút đi!
Con tôi nghe tiếng hét vột bật đèn. Nó thấy tôi ngã sóng soài trên mặt đất. Và toàn thân vả mồ hôi như tắm.