P1 - C

Ngày... tháng...
Tôi đọc những trang bản thảo còn tản mạn, cuốn "Bách Khoa Lợn" của Tám. Đó là cuốn từ điển viết theo chủ đề. Tám đã tạo ra những chữ hoàn toàn mới lạ như Bái - trư - giáo, Trư luận, Trư học. Có lẽ vào thời buổi đói khát nên chữ Thịt Lợn được tôi đọc trước tiên. Đây là một bữa cỗ ngôn ngữ, bữa cỗ trên trang giấy. Chúng ta gặp ở đây những chế phẩm của thịt lợn từ đông sang tây: những pa-tê, dăm bông, xúc xích của người châu Âu; rồi đến giò, nem, ninh, mọc của tổ tiên ta. Riêng giò chả đã có giò lụa, giò hoa, giò xào, giò chả cầy, chả quế, chả rán, chả nướng, chả băm viên, chả bì... tôi thật không ngờ riêng thịt lợn mà con người đã có hơn một trăm cách chế biến. Cái món tiết canh, thứ chế phẩm độc đáo có một không hai trên thế giới, thứ thức ăn Việt đã được nhiều người ưa thích nhất và cũng bị nhiều người lên án và ghê tởm nhất, đã được giáo sư Tám dùng bút xem xét kỹ lưỡng: "Có lẽ đây là món ăn sống nguyên thủy nhất, cổ sơ nhất của loài người từ thời hồng hoang còn sót lại chỉ riêng trên đất Việt. Tổ tiên chúng ta ngày xửa ngày xưa, khi săn bắt được con thú, đã biết sử dụng triệt để; có lẽ việc đầu tiên, khi con thú ngã xuống, là cắt cổ con vật và toàn thể bộ tộc thay nhau xô tới, áp mồm vào cổ con vật mà hút, mà nuốt cái dòng nước đỏ lòe, mằn mặn, ngòn ngọt, âm ấm. Rồi việc đó được áp dụng cho cả loài người, những tù binh, những kẻ bị hiến tế. Tổ tiên ta đã đốt lửa lên, đánh trống bập bùng, rồi nhảy nhót, rồi cắt cổ một tên tù binh nào đó và tất cả bộ tộc cũng xô vào mồm bám chặt lấy cổ tên giặc mà hút, mà rít, mà nuốt cho đến khi tên địch đờ đẫn và ngoẹo đầu xuống. Người Việt ta vốn là dân sành ăn, tinh tế trong ăn uống. Cái món ăn kiểu hút cổ họng đó chắc chắn bất tiện và thiếu đàng hoàng. Ra chốn đình trung, các cụ cần khề khà, cần rung đùi, cần chậm chạp vừa ăn cỗ vừa nghĩ mưu, nghĩ mẹo. Chính vì vậy nên nhân tiết canh, rồi lá húng, rồi lạc rang giả nhỏ được ra đời, để tạo ra món ăn có một không hai trên toàn vũ trụ."
Khi đọc môn tâm lý học quản lý của người Nhật, tôi biết ở bên đó, ở nhiều xí nghiệp đều có "phòng hả giận" (desagressivity hall). Nguyên do là thế này, môn tâm lý học phương tây cho rằng trong mỗi con người đều có một bản năng thô bạo cuồng điên. Nếu không giải quyết, chất cuồng điên ấy sẽ tích tụ, và sẽ gây nhiễu loạn ; vậy thì mỗi xí nghiệp, đều cần phải có "phòng hả giận", đó là gian phòng trong đó có những găng bốc, những đao kiếm, những bao cát, những hình nhân; và người công nhân, sau giờ làm việc, hãy vào đấy mà đâm, mà chém, mà đánh bốc vào những bao cát, những con nộm để đến cuối cùng mồ hôi toát ra và tất cả nỗi bực bội của kiếp nhân sinh cũng hả theo.
Người Nhật quá sùng phương tây, họ quên mất ở phương đông, cụ thể là ở Việt Nam, còn có món tiết canh, một món ăn giải nhiệt, hả giận cực kỳ. Đông y có nói: Tiết vị hàn, mát, có thể giải nhiệt, chữa được chứng phong cuồng. Tôi khuyên người Nhật nên mở những quán tiết canh thay cho "phòng hả giận". Sau giờ làm, người công nhân vào quán, ăn món ăn hả giận đó, mồm sẽ nhoe nhoét đỏ, và nỗi phiền muộn tích tụ cũng sẽ được tiêu t an…"
Tôi đọc xong mục tiết canh lợn, thấy ngồ ngộ, môi chợt nở nụ cười không cưỡng nổi. Và tôi bị hút vào cuốn Bách Khoa.
ĐẠM
Đạm là một loại thức ăn cực kỳ quan trọng để tăng trọng lượng lợn.
Trên thế giới, nhiều nhà khoa học đã vắt óc ra để giải quyết vấn đề đói đạm cho lợn. Người ta nghiền cá tạp nhạp để làm bột cá. Người ta cố tăng sản cây họ đậu để tạo ra nguồn đạm thay thế. Người ta nghĩ cách nuôi vi sinh vật trong cặn dầu hỏa để thu hái nguồn đạm động vật rẻ tiền....v.v...
Đó là những vấn đề người khác đã phát minh, tìm tòi ra.
Riêng tôi, tôi cũng đi sâu vào đạm, nhưng chỉ đi vào một nét rất nhỏ của vấn đề đạm.
Một hôm về quê, tôi được bà chị tôi kể lại cho nghe một câu chuyện: "Một chị xã viên nông nghiệp một buổi ra đồng về. Mọi khi, về đến đầu ngõ, chị bao giờ cũng nghe tiếng reo mừng của đứa con lên ba "A! Mẹ! Mẹ... " Hôm nay, về đến nhà, chị vẫn chưa nghe thấy tiếng con reo. Chị ngạc nhiên réo gọi: Tí ơi! Cu Tí ơi! Gọi mãi chẳng thấy con thưa, chị cuống cuồng chạy ra giếng, rồi lội cả xuống ao tìm con, nhưng vẫn không thấy. Chị ra chuồng lợn, và bỗng phát hiện ra một điều kỳ lạ: con lợn lai kinh tế nặng trên một tạ của chị, mỗi buổi chiều, khi chị ở ruộng về, vẫn rống gào đòi ăn, hôm nay lại nằm im ngoan ngoãn. Chị bỗng rùng mình, sỡn hết gai ốc lên; chị nhìn vào chuồng lợn, thì thấy thằng cu Tí chỉ còn lại cái đầu lâu bị gặm nham nhở. Chị nông dân ngất đi, và người ta đem con lợn ra bắn chết."
Tôi chợt lóe nghĩ: "Có lẽ lợn thích ăn thịt người nhất." Rất có thể, vì nhiều nhà khoa học cho rằng thịt người là loại thịt bổ nhất; nhiều bộ lạc ăn thịt người, sau khi được văn minh hóa cũng thú nhận thịt người rất ngon.
Ý nghĩ ấy cũng hay, nhưng làm cách nào để chứng minh được nó. Rất bí! Bởi vì lấy đâu ra thịt người để cho lợn ăn. Nghĩ mãi mới tìm ra được cách thực hiện. Tôi liên hệ với mấy bà hộ sinh và hàng ngày bỏ tiền ra mua nhau bà đẻ.
Nhau là thứ thịt người tốt nhất. Sau đó, tôi lại mua thịt bò để làm đối chứng. Tôi để hai máng thức ăn vào chuồng, một máng trộn thịt bò, một máng trộn thịt người. Con lợn lai của tôi ngửi hai máng thức ăn, và lập tức xô tới máng có thịt người ăn lấy ăn để.
Tiếp đó, tôi tiến hành một thí nghiệm thứ hai. Tôi lấy sơ ranh rút ở tĩnh mạch ra mười phân khối máu của chính tôi. Tôi để hai máng thức ăn, một bên trộn cá, một bên trộn máu người. Kết quả con lợn lại xô đến máng ăn có máu người.
Vậy có thể kết luận: "Trong các loại đạm, thịt người là loại đạm lợn thích ăn nhất".
Tôi càng đọc càng bị lôi kéo vào những dòng ý nghĩ như ma ám của Tám. Những ý nghĩ như gàn như dại ấy phải chăng bắt nguồn từ những sợi rễ li ti nằm trong những miền đáy thẳm âm ti của ta. Nhưng phải chăng đó chỉ là những ý nghĩ bâng quơ? Tôi hút thuốc lá, lan man suy nghĩ để rồi càng ngày càng lạc vào thế giới rất thật mà lại hoang đường của những ý tưởng vừa như khoa học vừa như huyền thoại.
NGUỒN GỐC NGƯỜI
Tiến hóa luận của Đác Uyn cho rằng thủy tổ loài người vốn là loài khỉ. Cổ sinh vật học và khảo cổ học đã chứng minh điều đó.
Người Trung Hoa chưa cần đến khoa học, cũng phát hiện ra điều đó trước mấy trăm năm so với phương Tây. Trong Tây du ký đã nói Tề thiên đại thánh vốn là con khỉ, tu luyện mãi sau đó hóa thành người, tiếp nữa thành Phật (Phật là một loại người hoàn chỉnh nhất). Nhưng sách Tây du ký còn phát biểu thêm một mệnh đề nữa mà chưa ai để ý tới: Lợn cũng có thể trở thành người và Phật. Trư Bát Giới là một con lợn đã dần trở thành phật. Nói một
cách khác đi: nguồn gốc loài người có thể là khỉ nhưng cũng có thể là lợn.
TÂY DU PHIẾM LUẬN
Phiêu diêu Tử ngồi uống rượu cùng sư Vô Trụ. Khi bầu hồ lô rượu đã cạn quá nửa, Phiêu diêu lòng lâng lâng hỏi cùng thầy tăng:
- Xin giảng lẽ huyền diệu: Phật là gì.?
Sư Vô Trụ nhắm mát nói:
- Con lợn.
Phiêu diêu Tử điềm nhiên:
- Xin nói thêm.
- Con khỉ.
- Còn gì nữa?
- Thằng đần.
Phiêu diêu Tử nghĩ mãi chẳng ra, liền van nài:
- Tôi vẫn không hiểu, xin thầy tăng giảng rõ hơn.
Sư Vô Trụ từ từ mở mắt:
- Cả ba họp lại thành Phật.
Nói xong, sư lại nhắm mắt và lặng lẽ ngồi thiền, không nói
thêm một lời. Phiêu diêu Tử ngồi ngẫm nghĩ nhưng vẫn chỉ thấy mung lung. Ông uống hết bầu rượu thứ ba, ngoảnh nhìn vẫn thấy sư ngồi yên lặng. Họ ngồi ba ngày ba đêm, phơi thây cùng trời, đất, trăng, sao ; một bên cứ uống, một bên cứ lặng lẽ. Phiêu diêu Tử thả hồn vào cõi khôn cùng, đánh đu cùng nàng gió, đùa cợt nàng trăng, chân đi khấp khểnh và quên hết sự đời. Chính lúc ấy, chàng chợt hé
nhìn vào cửa huyền vi. Chàng chợt cười ha hả mà rằng:
- Phải chăng lấy đôi vú đàn bà làm nấm rượu để uống cho đất trời nghiêng ngửa? Lấy cái thân xác trắng ngần để mà mê đắm, để mà xuất thần, hòa tan cùng trời đất. Mê đắm kiệt cùng sẽ đến bến bờ tĩnh lặng. Bên kia nó là cái t inh khôi nguyên thủy.
Phải chăng cái nộ khí xung thiên là cội nguồn vũ trụ. Ta phá trờii, ta khuấy nước, ta đào cho đến miền âm ti tìm cho đến những sợi rễ tột cùng của lẽ vô thường. Và ta bỗng bưng mặt thương cho kiếp nhân sinh. Hay là ta ngơ ngơ, ngẩn ngẩn, thân lang thang như con phù du trôi nổi, bồng bềnh thả mặc con sóng, đói ta bứt quả rừng, khát ta uống nước suối, mệt ta ngả lưng trên đất, vui cùng trăng sao thuận cùng trời đất, mặc cho gió giăng buồm kéo ta ra khỏi bến mơ...
Sư Vô Trụ đột nhiên mở mắt. Phiêu diêu Tử hỏi:
- Ông thấy sao?
- Kẻ đi đến nửa đường là kẻ trần tục. Kẻ đi cho đến cùng đường sẽ nhìn thấy Phật.
Cả hai nhìn nhau và bỗng cười ha hả. Rồi mỗi người một vò rượu, họ uống cho đến khi quay cuồng vũ trụ.
Ngày... tháng...
Sức mạnh của con lợn Bò - vét - đĩa là ăn. Nó ăn sáng, ăn trưa, ăn ngày, ăn đêm, ăn bất cứ lúc nào, miễn là trong máng có thức ăn. Nó lại có thể ăn rất tạp: ngon cũng ăn, dở cũng ăn, thậm chí thiu thối cũng ăn. Nó ăn bèo đã đành, đằng này nó ăn sống cả cỏ hôi, cả lá cúc tần hắc sì, lá ổi chát lẹt, lá rau sam chua lè... Nó ăn bã đậu, bã đậu, bã ma di, chén tươi cả loại bã rượu nhà máy là thứ bã hầu như đã kiệt chất. Nó ăn quá phàm, quá tích cực, quá kỳ dị như một thứ quỉ đói.... Có lúc vừa mới ăn xong được mươi phút, đã thấy nó chồm chân lên dóng tre, gào rú. Tôi thử lấy một chậu nước gạo, rồi thái một rổ bèo sống, đổ vào máng, thế mà con quái chỉ nhồm nhoàm và hút chùn chụt một loáng đã sạch bay. Tôi đâm ra ngẫm nghĩ và e sợ vì không hiểu đằng sau cái dáng ăn quái quỉ ấy có ẩn tàng một điều gì khác lạ không.
Nhưng rồi tôi lại yên tâm vì thấy con lợn vẫn bình thường, tức là vẫn lớn một cách tỷ lệ thuận với số lượng thức ăn nó đã ngốn. Sau cái yên tâm là sự phấn khởi bởi vì nó lớn rất nhanh, có thể nói tốc độ lớn phi thường. Khi mới về, nó còn bé hơn cả ba con ỉn, so với con ỉn út còn bị lút số; thế mà chỉ qua một tháng, nó đã vạm vỡ, to hơn cả con ỉn đầu đàn. Tuy to xác, nhưng nó vẫn ngờ nghệch. Mặc dù vậy, với cái thể xác mới của nó, bầy ỉn đã có phần nể lợn Bò. Mới về, nó nằm trong xó bẩn, nửa tháng sau, nó đã nằm dưới chân bầy ỉn, còn bây giờ nó đã dám chen rúc lẫn cùng bầy ỉn, tuy đôi lúc vẫn bị bầy ỉn xua đuổi, chèn ép, nhưng không dám chống lại.
Ngày... tháng....
Hôm nay cho lợn ăn, tay tôi quệt phải đinh chảy máu. Tôi chợt nhớ tới một ý của Tám trong "Bách Khoa Lợn". Tôi tinh nghịch, bèn vắt cho máu tay chảy vào máng thức ăn. Kỳ dị chưa! Bầy lợn ăn sốc hẳn lên; chúng tranh nhau ăn như điên rồ. Mõm lợn vỗ vào máng tồm tộp với một nhịp điệu quá hối hả. Phải chăng câu nói: "Lợn thích ăn thịt người" là đúng?
Ngày... tháng....
Hết cám. Dầu hỏa lại đắt. Tôi đem bán một tháng phiếu dầu gia đình để mua cám lợn, bà vợ tôi kêu la ầm ĩ:
- Tôi van ông. Lợn với chả bò! Chẳng ăn thua gì đâu!
- Nào! Nào! Cô cứ yên chí.
- Tôi không thể yên chí được. Lợn của anh đã ăn hết cái quần si ba ta của con, bây giờ nó lại nhai đến phiếu dầu. Không khéo mai kia, nó sẽ ăn thịt nốt đàn con của tôi cũng không chừng.
Tôi chợt bặt lặng, không dám cãi lại vợ nữa. Ừ! Phải chăng lời tiên tri? Tại sao vợ tôi có thể nghĩ rằng lợn ăn thịt con tôi? Tại sao ý nghĩ của vợ tôi lại có thể trùng hợp với ý nghĩ của Tám?
Ngày... tháng....
Chủ lò Hợi kéo tôi đến nhà chơi. Anh đã mời tôi năm lần bẩy lượt nhưng tôi chưa đến bao giờ. Không đến bởi vì anh ta giàu có, còn tôi thì nghèo. Khi nghèo, dù ta là người trải đời thế nào, ta vẫn có mặc cảm, và lúc đó ta thường phản ứng lại kẻ giàu bằng cách chê bai họ, khinh bỉ cái giàu của họ, hoặc chí ít không chê bai, khinh bỉ thì cũng lảng tránh, tránh xa khỏi họ. Quan hệ giữa Hợi và tôi cũng nằm trong qui luật ấy.
Nhưng, thằng Linh, cậu sinh viên của tôi đã bắt cầu giao tiếp giữa hai người lớn. Từ khi có Linh dạy thêm, con gái Hợi đã học khá hẳn lên. Học kỳ vừa rồi, cô bé được xếp loại học sinh tiên tiến. Vì lý do ấy, nên ông Hợi đã mời tôi đến chơi cho bằng được.Một gian buồng rộng rãi lát đá hoa nhìn ra một vườn hồng nhỏ. Khi vào nhà, phải theo một lối đi nằm dưới một giàn thiên lý thơm mát. Hai bên lối đi đặt những chậu địa lan, ở góc trong cùng của giàn thiên lý, treo lủng lẳng một dò phong lan tai trâu đơm nụ. Gian phòng toát lên sự sang trọng bởi nền đá hoa mầu cẩm thạch, loại đá lát đặc biệt mà nhà máy xây dựng A đã làm riêng để tặng những khách quí. Cái nền ấy chắc được lau chùi thường xuyên nên bóng lộn. Một chiếc đàn Piano Nhật mới mang từ Sài gòn ra kê ở góc. Giữa phòng nhìn ra cửa là chiếc tủ chè lèo kép. khảm trai, trên nóc tủ chỉ để một lọ hoa hồng loại nhỏ....
Hợi trang trọng mở tủ chè, lấy ra một gói thuốc lá tây chưa bóc và một gói trà rồi hỏi:
- Anh thích trà Thanh tâm hay trà Thái mộc?
- Trà Thái anh ạ.
- Anh giống tính tôi. Không gì bằng trà Thái anh nhỉ. Để anh thưởng thức một loại trà Thái đặc biệt mà họ mới biếu.
Xong tiệc trà, đến tiệc rượu. Anh đốt cồn lên nướng mấy con mực rồi nói cười vui vẻ:
- Có lẽ anh cũng chỉ thích rượu quốc lủi? Đúng thế chứ? Tôi nghiệm thấy một điều: các đồ ăn uống của tây chỉ có thuốc lá là ngon, còn thì hỏng bét, rượu không bằng của ta, còn trà thì khỏi phải bàn, tây họ không biết uống trà anh ạ, ai đời trà lại pha đường...
Tôi không dám luận bàn về cái cách thưởng thức chủ quan, tự coi mình là nhất đời ấy - Tôi chăm chú nhìn người bạn rượu đương rót vào chén cho tôi một thứ nước trong vắt thơm phức. Rượu ngon đã xóa dần đi cái kênh kiệu, cái khoe khoang ngô nghê. Hương men nếp ngan ngát làm cho Hợi trở nên bình dị. Giọng nói của anh bỗng có màu sắc, lúc lãng đãng, lúc sôi nổi, trở về với những niềm tâm sự mà hiếm khi anh cởi mở:
- Xưa kia tôi "làm nhau" ngoài lò lợn. Chắc anh chưa biết thế nào là "làm nhau" nhỉ? Làm nhau tức là xách cái sô tiết, cầm dụng cụ mổ lợn, chạy theo sau và chịu sự sai vặt của những người đồ tể chính thức. Ông đồ tể già, ông thầy dạy nghề của tôi, là một người rất ngộ. Ông hay uống rượu, uống ít thôi, nhưng lai rai suốt ngày mỗi lúc một hớp; ông uống chỉ đủ để bốc ra
miệng những tiếng cười ha hả, và đủ để tuôn ra những chuyện tiếu lâm thú vị và tục tĩu. Đó là lượng rượu duy trì trong ngày; còn buổi sáng, trưóc khi vào lò lợn, thầy tôi uống nhiều hơn; ông thường ngửa cổ uống một hơi, tu suông ừng ực hêt phăng một cút rượu, rồi mới săn tay áo kiểm tra đồ nghề, và mài dao. Một cái bị toàn là dao, con dao lá lúa để đâm cho ngọt, con dao rựa để chẻ xương sống, con dao bầu đê cạo lông pha thịt, ngoài ra còn thêm mấy con dao dự phòng. Buổi sớm ở lò lợn thật ồn ào kỳ dị: tiếng những con lợn ngửi thấy mùi thần chết gào lên hoang rợ, tiếng ăng ặc thảm thê, tiếng liếc dao soèn soẹt, tiếng mài dao đều đều, tiếng chặt xương công cốc, tiếng cạo lông sồn sột, tiếng những con dao va chạm vào nhau leng keng, tiếng người nói chuyện với nhau bằng giọng hò hét. Những ông đồ tể khác đã lao vào công việc, nhưng thầy tôi bao giờ cũng đủng đỉnh. Ông mài dao thật kỹ càng, cho đến lúc con dao cạo được râu mới thôi; bởi vì ông thích một lưỡi dao phóng vào tim bao giờ cũng phải ngọt, ông thích hóa kiếp cho những con lợn được chết nhanh hơn. Sáng nào thầy tôi cũng dạy tôi bằng một câu nói gần như thuộc lòng: "Hãy cắt tiết con lợn như cắt tiêt cuộc đời cho đến cùng giọt máu. Chớ có run tay. Này, cắt ngang một đường, rồi chếch lưỡi dao đâm chéo vào tim. Ngoáy lưỡi dao một vòng cho đứt hết những mạch máu nhằng nhịt, Ấn dao về một phía cho cửa ra mở rộng. Thế là tiết sẽ ồ ồ chảy ra như vòi nước. Đạp chân vào bụng cho tiết chảy nhanh hơn. Và dốc chân sau lên cho máu ra đến cùng. Hãy nhớ lấy - Hãy đâm cho trúng - Không được phép run tay. Hãy vắt máu cho kiệt. Có như thế thịt mới ngọt, mới thơm. Hãy cắt tiết cuộc đời như... " Thế rồi thầy tôi cười, một tiếng cười hư hư thực thực. Ông đồ tể già muốn nói với tôi cái gì qua câu nói đó tôi cũng chẳng hiểu nữa, nhưng câu nói đó đã như cái bóng theo tôi suốt cả cuộc đời.
- Cắt tiết cuộc đời? Tôi ngơ ngác hỏi.
Lúc này Hợi ngơ ngác chẳng kém gì tôi.
- Nhiều lúc tôi định nói chuyện với anh, định nói anh nghe câu chuyện ấy.
- Định kể với tôi?
- Vâng. Kể với anh. Nhưng có lẽ anh khinh tôi... à... người ta vẫn bỉ tôi...
- Tôi? Khinh anh? Tôi ngơ ngác thêm.
- Chả cứ anh... đến vợ tôi cũng mặc cảm với tôi. Cô ta không nói ra nhưng tôi biết... Này... Tôi hỏi thật anh có ghê sợ tôi không?
Tôi càng đi sâu vào chỗ lúng túng, và tôi chợt hiểu con người ngồi trước mặt tôi. Con người hình như phú quí, hình như tàn ác, hình như tàn ác, hình như kênh kiệu rởm ấy... Thực ra anh ta cũng yếu đuối, cũng khốn cùng... Tôi chưa kịp biểu lộ cái thương cảm ngớ ngẩn ấy của tôi ra với Hợi, thì Hợi bỗng cười to. Anh ta uống một tợp rượu rồi cườu ngất. Cái vui có lúc
như bông phèng lại trở về giọng nói của Hợi.
-.....Tôi đi làm cách mạng. Tôi bỗng hiểu ra câu nói "Hãy cắt tiết..." của ông thầy, người công nhân lò mổ năm xưa. Tôi hiểu đó là sự kiên quyết, sự dứt khoát, sự mạnh mẽ. Cách mạng đã cắt tiết chế độ cũ. Máu tiết ở tim, gan, phổi, óc của chế độ cũ phải kiệt đi, phải chảy đến giọt cuối cùng để cách mạng thay vào đó một dòng máu mới.
- Anh đã tham gia vào việc đó ra sao?
- Năm 13 tuổi tôi là liên lạc trong Trung đoàn Thủ đô. Năm 17 tuổi tôi là tiểu đội trưởng vệ quốc đoàn. Năm 18 tuổi tôi giết tên giặc Pháp đầu tiên.
- Anh kể cho tôi nghe chuyện đó đi.
- Anh nghĩ thế này có tức không? Chúng tôi có một trung đội, vây hãm một bốt Tây đánh cho lúc gần nhọm nhẹm sáng chúng mới chịu hàng. Trung đội trưởng chết. Trung đội phó chết. Chúng tôi bắt được một thằng Tây trắng và hai thằng Tây đen. Thằng Tây trắng chỉ huy đã bị thua còn ra vẻ, còn khệnh khạng. Tôi hỏi: "Anh tên gì? Cấp bậc gì?" Nó trả lời: "Tôi là com măng đăng, là thiếu tá, tôi không nói chuyện với các anh". Tôi hét lên: "Mày có nói không?" Nó trả lời: "Tôi nói với người cấp bậc ngang tôi". Tôi giận dữ chửi vào mặt nó: "Thằng ngu". Thằng Tây quắc mắt nhìn tôi. Tôi tát vào mặt nó. Nó dướn cổ nhìn tôi căm thù. Tôi bắt nó quì, nó không quì. Thế là tôi rút dao ra, đâm vào cổ nó, sọc vào tim nó...
Hợi trầm ngâm, tay run run vê một điếu thuốc lào, và anh hút bập bập, tiếng điếu cày kêu tanh tách cắt thành từng đợt, qua làn khói anh tư lự đặt câu hỏi:
- Chỉ có một điều tôi vẫn chưa hiểu. Lúc đó, tay tôi cầm khẩu súng lục tước được của chính thằng xếp bót đó, nhưng không biết tại sao tôi lại không bắn? Bắn như thế sẽ giản đơn hơn, thằng Tây sẽ chết nhanh hơn, quang cảnh sẽ bớt ghê rợn. Nhưng tôi lại đút súng vào túi quần và rút con dao lá lúa ra, tôi giơ con dao sáng loáng trước mặt nó. Lúc bây giờ thằng Tây mới sợ. Nó tròn mắt và kêu to một tiếng ô ô gì đó. Và tôi đâm vào cổ nó... Ừ nhỉ! Tại sao tôi không dùng súng nhỉ?
Tôi lặng yên, không dám trả lời Hợi, cứ để cho anh ta tự độc thọai bằng những lời không thốt ra, những lời như những bọt nước sôi từ đáy lòng cuộn lên làm đôi mắt anh ta chớp chớp. Sự im lặng kéo dài đến vài phút. Sự im lặng hình như có độ co dãn. Lúc này nó lắng tịt xuống, chìm sâu hẳn xuống để cho tiếng một con thạch sùng tặc lưỡi bâng quơ cũng được chúng tôi chú ý nghe rõ mồm một.Tiếng con vật đánh thức Hợi dậy, đánh thức tôi dậy khỏi một dòng suy tư đang chực hình thành. Tôi hỏi một câu hỏi chẳng ra đầu ra cuối:
- Thế còn bây giờ?
- Sao?
- Bây giờ?
- A à...- Hợi chợt cười một cái cười hài hước nửa miệng -Bây giờ thì tôi chả cần "cắt tiết" nửa rồi. Cuộc đời đã tự cắt tiết mình hiến dâng cho tôi...
Tôi lạ lùng, ánh mắt tỏ vẻ không hiểu.
- Dễ hiểu thôi, anh Hoàng ạ. Bây giờ thì tôi cần chi phải dùng con dao lá lúa. Tôi đã để nó vào trong cái tủ chè kia, dành làm kỷ niệm. Bây giờ, tôi có hàng loạt người quen bạn bè ở khắp các cơ quan. Tôi lại có lòng lợn thịt lợn trong tay - Anh cười to - Tôi chỉ cần sống lương thiện, chỉ cần các cơ quan bạn giúp đỡ tôi một cách trong sạch nhất, hợp lý nhất. Tôi chỉ cần sống như thế là cũng đủ có một đời sống sung túc.
Mắt tôi chợt dừng lại ở dò phong lan tai trâu lủng lẳng trên vườn hồng. Chúng tôi rủ nhau ra xem hoa. Tôi hỏi dò hoa hay tự hỏi lòng mình:
- Ôi cái lương thiện thời nay mà cũng bi thảm đến thế sao?