huần nằm ngủ chập chờn trên giường bệnh... Người ta chỉ còn tính từng ngày số mệnh của nàng... người ta chỉ còn tính từng giờ... Nhưng trông mặt thiếu nữ thì bình tĩnh lạ. Hình như nàng không đau đớn một chút nào. Nàng lả dần như những cành hoa bị cắt rời cây trong một sáng hè. Bấy giờ thiếu nữ cũng có trên mặt nàng cái duyên ẻo lả ấy, những con mắt đẹp tuyệt trần, cái vẻ buồn yểu mệnh của những đứa trẻ không sống lâu được bao nhiêu. Và ngày thường bao giờ Thuần cũng rút rát, e dè, như là thiếu nữ do dự, ngập ngừng trước cuộc đời. Nàng hoảng sợ vì những điều tê tái nàng chưa biết nhưng thầm đoán ra trong đó. Những điều tủi cực, và thất vọng, và gắng gượng, với lại những nỗi vui ngắn ngủi phải trả đắt gấp mười lần. Thuần muốn rằng mình sẽ không đi sâu vào cuộc đời giống mọi người. Thiếu nữ nằm một mình một cái giường trở nên rộng quá từ buổi Xương và Ái đi xa. Nhưng chính cái nhà thân yêu cũng đã thành ra rộng quá, và buồn rầu như một cái tổ chim mà các chim con đã nhớn lên, đã bay xa. Ở cạnh cửa sổ buồng Thuần, một cây mộc già, một lần nữa, trong lúc không ai để ý lại ra hoa. Những cành khẳng khiu, đen mốc lại trở nên tươi trẻ vì những chùm hoa lấm tấm một màu trinh bạch. Mỗi năm người ta tưởng là nó đã chết rồi, nhưng cứ bất thình lình nó lại có hoa như vậy, chẳng khác những tấm lòng già, tuy mỏi mệt, tuy cằn cỗi, nhưng mỗi lần có chuyện yêu thương lại thấy đập xôn xao. Xương không rời em một phút.Bây giờ chỉ có một mình nàng săn sóc đến Thuần. Bà Thông và mọi người trong nhà đều mệt yếu cả rồi. Xương sắc thuốc cho em như một người mẹ trẻ. Mấy ông thầy thuốc vẫn thường được mời đến, không tỏ ra là thất vọng hẳn rồi, cứ vẫn cho Thuần uống vài vị thuốc cầm chừng, để yên lòng những người thân thích. Xương hiểu là bây giờ chỉ còn có cách chịu phục tùng số mệnh, và chờ... Nhưng sự đó không lừa nổi được Thuần. Bởi vì nàng biết. Nàng đương kiên nhẫn đợi. Nàng im lặng đợi. Nàng lành như một con vật nhỏ dễ thương, khiến ai trông thấy cũng lấy làm chua xót. Nàng không kêu rên, không oán hận một điều gì. Khi gặp chị, thiếu nữ thở dài một chút, và mừng rỡ nói:- Nếu Ái và Thịnh cũng có mặt ở đây, thì có phải là bốn chị em đầy đủ như xưa không chị nhỉ?Xương quay mặt đi không dám nhìn Thuần mà khóc. Như xưa! Vậy ra Thuần cũng thế ư? Thuần cũng thương tiếc những tháng năm đã mất? Những năm mà tiếng cười nói của bốn chị em vang lên gọi nhau ríu rít trong vườn và trên gác? Một buổi trưa, chỉ có một mình Xương nằm cạnh giường Thuần, để trông cho Thuần ngủ. Thiếu nữ thấy em cựa mình và nói sảng. Một nụ cười thoáng trên môi nhợt và khô của Thuần. Xương không nỡ đánh thức em, nhưng Thuần đã mở to mắt đầy nỗi vui mừng và ánh sáng:- Này chị Xương ạ, em vừa nằm mơ thấy... em vừa nhớ đến cái ngày chủ nhật đã lâu lắm, chúng ta ăn bánh đa và ném cho cá, trên cầu ao, bên vườn cụ án. Hôm đó chị định lội xuống ao để hái nụ sen, nhưng chị Thịnh không cho. Còn anh Hòa thì ngắt một cái lá to đội lên đầu làm nón.Xương thổn thức nhìn ra vườn đầy ánh nắng thu. Cái giờ khắc giữa trưa im lặng ấy, có một vẻ huyền bí thuộc về cõi chết. Chiếc mành mành che cửa hơi động đậy vì gió thổi qua. Thiếu nữ rùng mình như chạm phải hơi lạnh của tử thần. Nàng nhớ tới cảnh vui ngày trước. Nàng định bỏ guốc để lội xuống ao, nhưng Thịnh mắng và đuổi nàng khắp vườn. Nàng nấp sau những gốc cây nhãn to ngả bóng râm trên vườn cỏ. Hòa giật được một con cá rõ to và hét lên làm cho cả bọn giật mình. Nàng nhớ hết... Nàng lại nghe Thuần tiếp:- Anh Hòa, có lẽ em không bao giờ được gặp anh Hòa nữa...Xương suýt òa lên khóc. Nhưng nàng giữ được. Nàng đặt tay lên trán Thuần lấm tấm mồ hôi:- Em đừng nói nhảm. Em phải ngủ đi cho khỏe để đợi lúc nào anh Hòa về, chúng ta lại đi câu cá như xưa.Nhưng Thuần khẽ lắc đầu:- Không, không thể được đâu chị Xương ạ. Chị cũng biết rằng em không bao giờ đi câu cá cùng các chị và anh Hòa nữa... Xương lại quay mặt đi một lần nữa để giấu Thuần những giọt lệ đã tràn ra đầy cả má nàng. Nhưng Thuần đã tìm tay chị và nắm lấy:- Chị Xương ạ, chị đừng nên sợ.Thiếu nữ nói câu đó xong thì bỗng lại nở một nụ cười thảm hại:- Thực là kỳ lạ. Ngày xưa chính chị thường bảo em: “Đừng nên sợ gì hết cả”. Vậy mà ngày nay lại đến em khuyên chị. Chị còn nhớ chứ? Chị bảo em rằng cụ án không có gì là dữ tợn, chị bảo rằng em có thể đưa rổ cho anh giáo Phúc và anh Hòa ra vườn hái đậu giúp u già. Chị bảo: “Đừng sợ cái gì hết cả”. Và em tin chị. Em tin rằng chị phải. Chị bao giờ cũng bạo, cũng cứng cỏi hơn em. Chị khiến người ta nghĩ đến những con chim lạ, càng có gió cản, càng giông tố lại càng bay khỏe.Thuần vừa nói vừa thở hình như mệt lắm. Xương muốn bảo em ngừng lại. Nhưng không được vì Thuần lại tiếp:- Còn em, thì mẹ vẫn bảo em là một đứa tồi. Em chỉ được cái quẩn chân mẹ và u Ái ở nhà thôi, đi đâu thì co rúm lại. Mẹ cũng tưởng không bao giờ em đi đâu cả. Vậy mà bây giờ lại đến lượt em đi xa hơn tất cả mọi người. Em sắp từ biệt tất cả mọi người vĩnh viễn. Không... chị đừng nói gì cả... để cho em nói... Bây giờ thì khác hẳn. Em cũng chẳng biết nói ra thế nào cho được rõ. Nhưng em tin rằng chị hiểu. Chị bao giờ cũng là người hiểu thấu đáo được mọi điều, hơn cả mọi người. Bây giờ em thấy em không sợ gì nữa cả... Cuộc đời có thể chia tán chúng ta... nhưng bao giờ em cũng trông thấy được ngôi nhà nhỏ thân yêu của chúng ta, như khi mà bốn chị em còn thơ ấu, còn đoàn tụ dưới một ngọn đèn. Em dù ở cõi đời nào cũng không quên cảnh đó. Như vậy cũng như không có gì chia rẽ được chúng ta.Nàng ngừng lại để cười, lại bóp chặt tay Xương và nói:- Nhưng em lại chỉ lo cho một mình chị mà thôi. Dẫu có được vào đến chốn thiên đường sung sướng an vui nào rồi, em cũng cứ không yên lòng vì chị. Bởi chị khác hết tất cả chị em nhà.Thuần nhắm đôi mắt lại. Hàng lông mi dài của thiếu nữ in bóng lên trên gò má cao gầy võ của nàng. Xương kéo chăn lên quá ngực cho em. Và nàng gục đầu xuống cạnh gối em. Có tiếng trống trường ở xa vọng đến. Học trò nhỏ năm ba đứa mới lững thững tới trường cười nói ồn ào ở ngoài đường. Xương nghe như là tiếng vọng ở một thế giới nào xa lạ. Buổi chiều hôm đó Thuần qua đời. Không một tiếng động, không một tiếng kêu, không một lời than... Nàng tắt như một ngọn đèn đã hết dầu nên cháy chập chờn một hồi lâu trước khi biến hẳn... Thuần chưa đến hai mươi tuổi.Một ngôi mộ ở ngoài thành phố giữa một cánh đồng cỏ xanh... Xương giồng một cây hồng trắng và một nhánh hoa leo Nhật Bản bên giàn mộ cho em. Mỗi khi có gió mưa thì cánh hoa rụng tả tơi trắng cả nơi Thuần ở. Xương phơi hết quần áo của em ra nắng, và gấp từng chiếc một bỏ vào hòm, như sửa Soạn hành trang cho một kẻ đi xa. Nàng thu thập hết những đồ vật mà Thuần vẫn thích từ ngày bé để bỏ vào ngăn rút trong tủ áo. Nàng treo ảnh em ở đầu giường. Nàng chăm chút mấy con mèo của Thuần để lại. Bà Thông bây giờ không còn hơi sức nào mà coi sóc việc nhà như trước nữa. Bà nằm liệt một nơi, và những ông lang đã cắt thuốc cho Thuần, bây giờ lại cắt thuốc cho bà. Bao nhiêu công việc đều vào tay Xương hết. Xương định không lên Hà Nội nữa. Bà Phán xuống thăm đã mang theo cả hòm xiểng của nàng về. Nàng tìm thấy một hai cái truyện ngắn chưa viết trọn, và cuốn nhật ký mà nàng đã gửi vào đấy bao nhiêu là tâm sự lúc xa nhà. Cách một vài hôm, nàng lại một mình đi thăm mộ của em. Nàng ngồi hàng giờ trước cây hồng và hòn bia mộ chí. Đấy là tất cả những cái gì nhắc nhở cho người còn lại về cô thiếu nữ hiền lành thường nấp sau các chị em nhà mà nghe chuyện, mà sợ sệt... Cô thiếu nữ chỉ yêu những con mèo nhỏ, và thích chơi với trẻ con. Và hễ trong vườn nở được đóa hoa nào là chạy gọi cả nhà ra đứng ngắm.