Thăng Long với 13 trại, 61 phường thời Lý-Trần, 36 phố phường thời Lê-Nguyễn là nơi tụ hội các làng nghề từ khắp mọi miền đất nước đổ về. Những người thợ tài hoa đã mang theo cả gia đình, bạn bè họ hàng làng xóm lên mở nhà, lập phố. Bằng sức lao động cần cù và tài năng khéo léo đã làm ra được sản phẩm hàng hoá tinh xảo cung cấp cho dân chúng kinh kỳ và các vùng lân cận, làm cho phố phường ngày càng trở nên sầm uất.Hơn đâu hết đất Thăng Long xưa - Hà Nội nay là nơi tập trung đông đảo các làng nghề truyền thống. Sự phát triển của làng nghề không chỉ có vai trò nâng cao mức sống mà còn đóng góp quan trọng trong đời sống, là dấu ấn truyền thống văn hoá dân tộc tại mỗi thời kỳ dựng nước và giữ nước. Làng nghề thủ công ở Hà Nội có rất nhiều nguồn gốc khác nhau, những làng nghề có sẵn chiếm phần nhỏ trong tổng số làng nghề. Đa phần đều được di dời từ nơi khác về... Những người làng Hòe Thị (Từ Liêm) và Đa Sỹ (Hà Đông) không chỉ đưa hàng hoá ra Hà Nội bán mà họ còn kéo nhau ra thôn Tân Khai, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương mở lò rèn sắt, bán nhiều loại bừa nên đổi thôn thành phố Hàng Bừa. Về sau không chỉ có bừa mà còn rèn ra nhiều loại sản phẩm khác nên đổi thành phố Lò Rèn.Thợ Hòe Thị còn mở Lò Rèn ở phố Sinh Từ, Kim Mã, Đê La Thành... nay vẫn còn một số nhà ở phố Nguyễn Khuyến (Sinh Từ cũ), sản xuất các loại dao kéo Sinh Tài nổi tiếng.Các lò rèn không chỉ đỏ lửa trong phố Sinh Từ, Lò Rèn... do người Đa Sỹ, Hòe Thị lập nên mà còn có cả ở phố Lò Sũ do tốp thợ làng Đa Hội (Đông Anh) kéo đến chuyên làm các loại gươm đao, giáo mác. Gần phố Lò Rèn là phố Hàng Thiếc, xưa chuyên sản xuất và bán các loại hàng thiếc như đèn dầu, ấm trà...Ngày nay, sản phẩm được thay bằng các loại nhôm kính, bể nước treo... Ở gần phố Hàng Thiếc có phố Hàng Đồng nguyên là đất thôn Yên Phú tổng Tiền Túc do dân làng Cầu Nôm (Mỹ Hào, Hưng Yên) đến đây mở hiệu buôn bán các loại đồ đồng. Phố Hàng Quạt trước đây sản xuất và bán các loại quạt do thợ làng Vác (Canh Hoạch, Hà Tây) làm ra, nay chuyển sang sản xuất và bán các loại bàn thờ, đồ thờ, câu đối...Cuối thế kỷ XIX, một số người dân làng Nành (Ninh Hiệp, Gia Lâm), sang mở hiệu đóng yên ngựa giầy da, guốc dép, lập nên phố Hà Trung. Hiện nay phố này vẫn làm và buôn bán hàng da và giả da khá nhộn nhịp. Nghề làm tàn lọng và thêu ren do thợ từ làng Quất Động (Thường Tín, Hà Tây) ra lập nghiệp ở các phố Hàng Lọng (nay là đoạn đầu đường Lê Duẩn) và Hàng Thêu (nay ở đoạn giữa phố Hàng Trống). Người thợ làng Chắm (Tứ Lộc, Hải Dương) đã đưa nghề làm đồ da, đóng giầy, dép đến Thăng Long lập nên thôn Hài Thượng (thợ giầy) sau đổi là phố Hàng Giầy và ngõ Hài Thượng. Ông tổ nghề giầy được thờ ở đình phả Trúc Lâm nằm trên phố Bảo Khánh.Nghề làm đồ vàng bạc, kim hoàn hiện đang tập trung ở phố Hàng Bạc chính là do thợ làng Định Công (Thanh Trì), thợ làng Đồng Sâm (Thái Bình) kéo nhau ra lập nghiệp. Cuối thế kỷ XV một số người làng Châu Khê (Hải Dương) cũng kéo nhau ra mở xưởng đúc tiền, làm cho phường vàng bạc càng trở nên nhộn nhịp. Hàng Tiện là nơi buôn bán các hàng tiện gỗ như mâm bồng, ống hương, đài rượu, khuôn oản, chân bàn... do người làng Nhị Khê làm nay trở thành các phố Hàng Hành, Tô Tịch và một đoạn Hàng Gai, và vẫn còn một vài nhà ở phố Tô Tịch làm nghề dũi gỗ. Phố Hàng Khay bán các sản phẩm vẽ làng Nhót (Đông Mỹ, Thanh Trì), sản phẩm khảm trai của làng Chuôn Ngọ (Phú Xuyên, Hà Tây), đồ gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh)... Không chỉ nghề thủ công, Hà Nội còn là một trung tâm văn hoá ẩm thực nổi tiếng, đồng thời là nơi sản xuất và chế biến các món ăn hấp dẫn. Chả cá Lã Vọng nổi tiếng đến mức phố Hàng Sơn có quán chả cá của gia đình họ Đoàn, trước cửa có tượng Lã Vọng ngồi câu cá nên dân quen gọi là chả cá Lã Vọng.Tên phố cũng bị đổi thành phố Chả Cá. Phở Hà Nội, một món ăn bình dân được tả rất thi vị trong văn Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng... Rồi bánh quấn Thanh Trì, bánh Tôm Hồ Tây, bún Tứ Kỳ, bún Phú Đô, cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì... Qua thời gian, trên các phố phường xưa nay có phố mở thêm nghề sản xuất mới như: nghề khắc bia mộ ở phố Hàng Mắm, nghề may ở phố Hàng Trống, phố Khâm Thiên. Về ẩm thực thì các phố Hàng Mành đã thành phố bún chả, Hàng Hành thành phố cà phê...Đa số những phố xưa đã mất đi nhiều, trở thành các phố buôn bán dịch vụ, du lịch... Nghề xưa cũng đã thay đổi, xuất hiện thêm những ngành nghề mới hiện đại. Ngày trước sản phẩm được sản xuất từ các làng nghề, phố nghề, nay sản phẩm được sản xuất từ các nhà máy, xí nghiệp có thiết bị công nghệ hiện đại. Duy chỉ còn cái tinh thần "khéo tay hay nghề" là chẳng bao giờ mất. Qua khảo sát tại các phố nghề thì hiện nay các nghệ nhân cao tuổi ngày càng thưa vắng, lớp trẻ ít gắn bó với nghề truyền thống lại không được đào tạo đến nơi đến chốn đã làm giảm sút hàm lượng văn hoá trong sản phẩm nghề truyền thống. Sản phẩm không còn được chú ý khắt khe về chất lượng như trước đây, bị cuốn hút bởi cơn lốc thương mại hoá.Người Hà Nội phải gắng giữ nghề quý của cha ông để lại, hun đúc thêm truyền thống, nâng thêm nghị lực và tài hoa cho lớp cháu con. "Hà Nội - phố nghề" là sự hội tụ tại năng, bản sắc văn hoá và từ lâu đã trở thành niềm tự hào của cả nước. Có thể, giá trị vật chất của mỗi sản phẩm trong phố nghề sẽ dần không thích hợp nữa nhưng giá trị văn hoá thì mãi mãi in đậm trong lòng những người yêu Hà Nội.