LÀNG NGHỀ
Nghề đúc đồng ở Sài Gòn xưa

Suốt trong lịch sử Việt Nam, từ thời Phùng Nguyên đến thời Đông Sơn, qua thời Bắc thuộc đến tận cuối thời tự chủ, không bao giờ thiếu vắng những trung tâm đúc đồng lớn trên đất Việt Nam, các hiện vật còn lưu giữ lại đều hết sức phong phú về số lượng, độc đáo về phong cách, kiểu dáng.
Ở Sài Gòn đúc đồng là một nghề thủ công dân gian truyền thống. Nếu bỏ qua sự tồn tại về một nghề đúc đồng của các cư dân bản địa thì nghề đúc đồng của người Việt có lẽ đã xuất hiện ngay từ những thế hệ đầu tiên đi mở đất - Với những nhu cầu về vũ khí, đồ sinh hoạt...
Và, ngày càng được bổ sung phát triển bởi những đợt di dân sau đó. Khoảng thế kỷ XVIII, tại Sài Gòn xưa đã dần dần hình thành một số khu vực chuyên môn hóa về nghề đúc đồng. Khu vực ra đời sớm nhất là địa bàn Chợ Quán (nay thuộc quận 5) với 3 làng cổ Tân Kiểng, Nhân Giang và Bình Yên. Các nghệ nhân đúc đồng bấy giờ là những di dân từ các phường thợ ở Quy Nhơn vào. Họ đã nhanh chóng tập trung lại thành những làng thợ đúc và sản xuất ra những mặt hàng như nồi đồng, chảo đồng, ô đồng, lư hương, chân đèn... được mọi người ưa chuộng.
Kế đó là khu vực Tân Hòa Đông (nay thuộc quận 6) chuyên chế tạo lư đồng, chân đèn và nấu đồng thành thỏi. Một trong những tác phẩm xuất sắc của khu vực này là chiếc lư tre (xem hình) đã được đúc hàng loạt ở đây từ thế kỷ trước. Điều đáng tiếc là các nghệ nhân ở Tân Hòa Đông không rõ tổ tiên của họ từ đâu đến.
Cạnh 2 khu vực kể trên còn có 2 khu vực khác nổi tiếng về nghề đúc đồng ở thành phố Hồ Chí Minh đó là:
- Khu vực Thuận Kiều (Hóc Môn), từ thế kỷ XIX đã từng được biết với nghề đúc lư hương cha truyền con nối. Ở đây sản xuất cả 2 kiểu lư: Lư bắc (đỉnh trầm) và lư nam (lư hương), đặc biệt còn sản xuất cả siêu đao và thập bát ban binh khí. Dòng thợ tại khu vực này chủ yếu là con cháu của các thợ đúc miền Trung đã vào đây lập nghiệp từ nhiều đời.
- Khu vực "Thông tây hội" (Gò Vấp) từ lâu cũng là nơi tập trung nhiều lò đúc đồng thủ công. Sản phẩm lư hương "Thông tây hội" khá phổ biến. Theo một số nghệ nhân có tuổi thì nghề đúc này là do cha ông truyền lại.
Đầu thế kỷ XX, Trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một và trường Mỹ nghệ Biên Hòa được thành lập, góp phần với các khu vực kể trên chế tạo đồ mỹ nghệ bằng đồng. Học sinh theo học hầu hết là người địa phương Sài Gòn. Sản phẩm của các nghệ nhân do trường đào tạo chủ yếu là những tượng đầu người như tượng phụ nữ Nam, Trung, Bắc và tượng thú khá nổi tiếng...
Giữa thế kỷ XX, một số gia đình ở làng Ngũ Xã (Hà Nội) vào định cư tại vùng Hòa Hưng (Sài Gòn) mang theo nghề đúc đồng cẩn tam khí, hình thành một xóm nhỏ chuyên đúc đồng tam khí ở đây. Công việc của họ là đúc ra đồ đồng rồi cẩn tam khí (vàng, bạc, đồng) lên các đồ đồng ấy. Sản phẩm của họ là các tượng thần thánh tiên phật và các đồ gia dụng khác, tuy sanh sau đẻ muộn, song họ giữ độc quyền sản xuất, lại có tay nghề cao, sản phẩm đẹp nên đồng tam khí Hòa Hưng được nhiều người biết tiếng đặt hàng.
Những điều trên cho thấy nghề đúc đồng ở TP. Hồ Chí Minh xưa đã có một thời vang bóng. Sản phẩm của nó rất đa dạng, từ đồ gia dụng cho tới đồ thờ cúng, có thể kể như sau: nồi, mâm, chảo, xanh, ô trầu, lư, chân đèn, bát nhang, bình bông, tượng Phật, tượng người, tượng thú, đồ tam khí, siêu đao... hầu như nghề đúc đồng ở Sài Gòn xưa đã đáp ứng khá đầy đủ mọi nhu cầu sử dụng của cư dân địa phương.
Về cách tổ chức sản xuất, từ lâu ở Sài Gòn xưa đã hình thành kiểu sản xuất theo đơn vị gia đình. Trong gia đình, người cha hay ông nội thường đóng vai trò thợ cả, các con, cháu là những thợ bạn được ưu tiên dành cho họ hàng nội ngoại, trường hợp thật cần thiết họ phải mướn người ngoài dòng họ. Nghề đúc bấy giờ là phương tiện kiếm sống của cả gia đình nên họ hết sức giữ gìn bí mật nghề nghiệp. Trường hợp công việc nhiều như lúc nấu đồng đổ khuôn thì họ lại đổi công cho nhau, vừa đảm bảo được kỹ thuật vừa giữ được bí mật nghề nghiệp.
Theo quy định thì ngày 25 tháng 12 Âm lịch hàng năm là ngày cúng tổ nghề đúc đồng ở Tân Hòa Đông. Vào ngày này, cũng là ngày giáp tết, thợ cả, thợ bạn tập hợp lại, dọn dẹp đồ nghề, cúng kiếng, ăn uống với nhau rồi nghỉ Tết chờ ra giêng cúng tổ sản xuất lại.
Tuy không ai biết đích xác tổ nghề là ông nào nhưng việc cúng tổ hàng năm vẫn được tuân thủ một cách trang trọng. Ở Hòa Hưng thì nghệ nhân không nhớ được ngày cúng tổ, mà chỉ biết một cách sơ lược tổ nghề là ông Khổng Minh Không. Có thể nói rằng ở cả hai nơi Tân Hòa Đông và Hòa Hưng, nghề đồng cổ truyền đã mất dần những lễ nghi liên quan đến nghề nghiệp.
Những điều cấm kỵ trong nghề đúc đồng ở Sài Gòn xưa tuy ít, song rất chặt chẽ, ngày nay cũng còn một phần nào được tuân theo. Đó là việc cấm những người lạ, đặc biệt là phụ nữ, bước vào khu vực làm khuôn và đúc đồng. Hai lý do chính của sự cấm đoán này là: sợ học trộm nghề và sợ làm ô uế.
Về mặt kỹ thuật, nói chung các khu vực đúc đồng ở Sài Gòn xưa đều thực hiện ba công đoạn tương tự nhau: Công đoạn làm khuôn; công đoạn đúc; công đoạn nguội. Riêng nghề đúc đồng cẩn tam khí còn phải thêm các công đoạn sau: Công đoạn chế tác tam khí; Công đoạn cẩn và tách tam khí; Công đoạn đánh bóng và nhuộm sản phẩm.
Tóm lại nghề đúc đồng thủ công ở Sài Gòn xưa là một nghề có kỹ thuật khá cao. Người thợ cả là người phải biết khá nhiều kiến thức, phải nắm được toàn bộ cách gia công trên đồ đồng từ việc pha chế nguyên liệu đến việc làm khuôn, việc đúc, tới chạm (chạm chìm, chạm nổi, chạm lộng hoặc cẩn nếu trong nghề tam khí). Họ lại còn phải biết thêm các nghề phụ như hội họa, điêu khắc, nặn tượng, kim hoàn... Đấy là chưa kể phải có con mắt của một nhà tạo dáng công
nghiệp...