KIẾN TRÚC
Kiến trúc độc đáo của Phủ Giày

Từ Nam Định, qua những cánh đồng xanh mướt, xen lẫn rặng thông ngút ngàn đến huyện Vụ Bản, rẽ phải, đoạn đường ngắn dẫn ta đến với quần thể di tích văn hóa Phủ Giày. Cấu trúc Phủ Giày gồm Tiên Hương, phủ Vân Cát, lăng chúa, đền thờ Lý Nam Đế, chùa Linh Sơn... các di tích mang tính chất thờ thần linh nông nghiệp.
Phủ Tiên Hương và phủ Vân Cát nằm ở bìa làng trong khoảng không gian vừa thoáng đãng lại vừa gợi lên trong lòng du khách sự trầm mặc.
Trước khi bước vào tiền sảnh của Phủ Tiên Hương ta gặp một giếng tròn mang ý nghĩa tự thủy để tự phúc. Giữa giếng là một ụ đất làm nơi cắm cờ. Qua khoảng sân rộng, du khách gặp hệ thống nghi môn trụ. Đình trụ có gắn hình lân.
Tiếp đó là ba phương đình dàn hàng ngang bao gồm Phương du Nhà bia và trống, Nhà bia và chiêng. Mỗi tòa đều bố trí hai tầng với tám mái cong cân xứng. Từ Phương du đi xuống, qua hai hệ thống bậc đá xen giữa và bốn con hổ hướng đầu chầu phủ.
Vượt qua nơi này, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi gặp một đường bao lát đá ôm lấy hồ bán nguyệt. Phía trước hồ có một bức bình phong to lớn bằng đá thiết kế theo kiểu cuốn thư sừng sững trong không gian. Bức thư đá mang những nét hoa văn khá công phu, đậm nét bản sắc dân tộc. Nối hai bên là hàng lan can đá từng quãng bổ trụ, phía trong có hai cầu nước lát đá với hai con rồng cuồn cuộn hướng lên chầu vào cửa phủ.
Khác với Tiên Hương, phủ Vân Cát nằm trong không gian ấm cúng. Mùa hoa gạo nở, phủ Tiên Hương chìm trong màu hoa đỏ thắm của cây gạo. Đi sâu hơn, khách hành hương gặp Ngũ Môn, nơi đặt những tấm bia đá cổ. Trên năm cổng là năm tòa lầu, ba tòa giữa kết thành Tam Sơn. Trên nóc trụ là những con phượng kiểu đá lật mang đậm nét phong cách kiến trúc truyền thống.
Nối liền với Ngũ Môn là Nghi Môn của đền thờ Lý Nam Đế (bên phải) và Tam Quan của chùa (bên trái). Điện chính gồm ba lớp. Tòa Tiền Bái bảy gian rực rỡ sơn son thiếp vàng, với nét chạm khắc hổ phù công phu, hình rồng được tạc ở nhiều tư thế sống động. Bên cạnh long, ly, quy, phượng còn có họa tiết cành tùng, cành trúc, cành mai, thanh tao, cành trúc quân tử. Tất cả những chi tiết đó liên kết lại trong một công trình kiến trúc vừa thể hiện tính cộng đồng của dân tộc v ừa thấy được mong muốn hướng tới "chân, thiện, mỹ" của cha ông ta. Bấy nhiêu thôi cũng đủ để minh chứng sự tài hoa, điệu nghệ của người thợ thành Nam. Ngoài ra, trong phủ Vân Cát còn bảo tồn nhiều sập, nhang án, bài vị, ngai, kiệu từ đầu thế kỷ XVIII.
Cùng với hai phủ, lăng bà Liễu Hạnh được xây vào năm 1938, năm giữa cánh đồng thôn Tiên Hương trên một gò đất cao với năm vòng tường bao bọc. Hướng chính của cửa lăng là hướng tây, các phía còn lại đều có cửa, các cửa đều có bổ trụ, mỗi mặt tường có bốn cột đồng trụ vuông cao bằng nhau, hai cột chính có khắc câu đối ở ba mặt, hai cột phía ngoài có khắc câu đối ở hai mặt. Trên cùng là lăng mộ xây hình bát giác với đồ hình bát quái, chung quanh có đường viền làm nổi bật 60 búp sen.
Hội tụ tất cả những giá trị văn hóa đã ra đời và tồn tại qua nhiều thế kỷ, di tích Phủ Giày góp phần làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật kiến trúc truyền thống Việt Nam.