Người Ý nọ không sai hẹn và Trần Dũng cũng không muốn mất thì giờ. Hắn hỏi:- Xong chưa?- O.K, người Ý đáp. Ta đi ngay bây giờ.- Gặp ai?- Người đồng hành với bạn.Trần Dũng thắt cà vạt màu rượu chát, sơ mi đỏ sẫm, quần tây màu vàng đen. Hắn tự nhiên thích ăn mặc diêm dúa rằn ri như thế. Áo quần làm hắn cảm thấy nhân cách mình đổi khác. Hắn huýt sáo miệng, tươi cười hỏi:- Một người Lào à?- Người Việt.Gã người Ý nhìn Trần Dũng một cách ranh mãnh. Họ bước nhanh trên lề đường. Lúc ngồi lên xe du lịch người Ý nói bằng tiếng Việt với tài xế:- Cho tôi lại bệnh viện Saint Paul.Dũng ngạc nhiên hỏi:- Bệnh nhân à?Người Ý nọ chỉ cười. Họ không nói gì với nhau nữa cho tới khi đến bệnh viện. Trần Dũng theo gã da trắng leo lầu, qua rất nhiều hành lang trước khi đến một căn phòng nhỏ xinh xắn ở tận trên cùng. Người Ý gõ bốn tiếng vào cánh cửa rồi tự tiện đẩy nó, bước vào. Dũng bước theo một cách nghênh ngang như cao bồi.Bệnh nhân là một người đàn ông ốm và đen, trông giống hệt một con khỉ đột. Hắn gật đầu chào. Người bệnh đáp lại bằng một nụ cười quái gở. Miệng ông ta rộng gần tới mang tai, mắt nhỏ nhưng sáng và rất tròn, cái trán thấp đến độ cặp lông mày gần như lẫn mất vào trong tóc.Ông ta không biết nói tiếng Anh nên Trần Dũng phải làm thông dịch trong câu chuyện giữa ông ta và người Ý. Họ giới thiệu nhau và hứa hẹn sẽ cộng tác mật thiết trong công việc. Người Ý không quên tâng bốc tài bắn súng của Trần Dũng mặc dù anh ta chưa hề thấy Dũng bắn súng lần nào và cuối cùng anh ta nói:- Ông nên nhớ rằng ông bạn đây là một cựu sĩ quan.Lão khỉ đột chỉ cười. Suốt từ nãy giờ lão chỉ nói mấy câu ngắn ngủi. Lão nói giọng bắc, cứng và khó nghe. Lão không niềm nở và cũng không lạnh nhạt. Lão hỏi:- Chú biết tiếng Lào không?- Dạ không.- A!Lão kêu lên vậy rồi thôi, tiếng kêu vô tình, không hẳn thất vọng, cũng không khó chịu. Dần dần Trần Dũng nhận thấy lão ta rất dễ mến. Hắn hỏi:- Bác đau sao thế?- Tôi vừa trải qua một thời gian căng thẳng nên cần tĩnh dưỡng vài hôm. Bây giờ chú có thể về. Một tuần nữa, ngày thứ tư, chín giờ sáng chú gặp tôi ở đây, chúng ta đi Pleiku.Dũng và người Ý nọ cáo từ ra về. Họ chia tay nhau khi xuống tới đường cái.Trần Dũng có hẹn với bà Monique vào buổi chiều. Hắn có nhiều thì giờ rảnh. Hắn ghé nhà hàng Continental ăn trưa và quyết định đi xem phim để giết thì giờ.Hắn biết chắc giờ này Thục cũng đang có mặt ở Sài Gòn nhưng không rõ ở đâu và hắn lấy làm lạ là tại sao trong suốt thời gian dài sống chung với nhau hắn lại không nghĩ đến chuyện hỏi địa chỉ của nàng ở Sài Gòn. Tự nhiên hắn không muốn đi xem phim nữa. Hăn đi lang thang trên phố và có niềm tin tưởng buồn cười rằng mình sẽ gặp Thục ở đâu đó. Hắn len lỏi trong chợ Bến Thành, trong các khu buôn bán đông đúc ở đường Nguyễn Huệ, la cà các sạp báo. Khi đã mỏi chân hắn gọi xe trở về khách sạn.Tắm rửa xong hắn xuống phố mua ít thuốc tây và đi lấy bộ đồ đặt may hôm trước. Những thứ lặt vặt như bàn ủi, bàn chải răng, khăn mặt hắn đã mua từ hôm qua, như thế hắn đã có đủ hành lý gọn nhẹ sẵn sàng cho một chuyến đi dài đến bất cứ đâu.Hắn chọn một bộ cánh lịch sự, trang nhã nhất và kêu xe đến khách sạn của bà Monique như đã hẹn.Người đàn bà Pháp đã sửa soạn sẵn, đợi hắn trong phòng. Dường như chiều nay bà có điều gì lo lắng. Bà tỏ ra thân mật hơn với hắn trong từng cái nhìn, nụ cười, giọng nói.Trần Dũng gọi:- Monique! Trông được không?Hắn đứng chống nạnh như một đứa con nít nhõng nhẽo. Monique mỉm cười, không nói gì, chiếc khăn tay nhỏ trong tay bà phe phẩy, lướt trên cái robe sậm màu. Hắn ngồi xuống bên người đàn bà, quàng tay ôm qua vai, hỏi:- Bà có ân hận về chuyện đã qua không?- Không. Tôi cám ơn anh.- Sao có vẻ buồn vậy?Monique quay lại. Mặt bà gần chạm vào mặt hắn. Bà vuốt má hắn, hôn nhẹ lên vầng trán của hắn rồi nói:- Tôi già rồi.Dũng đáp:- Không. Bà rất tuyệt vời.Người đàn bà quàng tay lên cổ hắn. Bà ta mỉm cười hỏi:- Anh có bằng lòng tôi không?- Tôi rất thích.Monique kéo hắn xuống.- Bởi vì tôi chờ bốn mươi năm nay để gặp anh mà.Rồi bà tự động cởi bỏ quần áo của hắn. Trần Dũng bị đè bẹp. Bị choáng váng trong sự bùng nổ. Giống hệt như một trận đánh. Uy hiếp, tiến công dồn dập, lấn chiếm và san bằng.Nhưng sau đó là sự tàn phá ảm đạm.Người đà bà đẫy đà choàng tấm khăn mỏng để che cái thân thể trần truồng của mình, nằm yên lặng hút thuốc. Bà nói:- Mai tôi đi Đà Lạt.Trần Dũng nói:- Tôi có một tuần để nghỉ ngơi. Hay là tôi đi với bà?Người đàn bà lặng thinh, rồi chợt hỏi:- Anh không có người tình nào ở đây sao?- Cũng có thể có.- Anh là một người sung sướng.Trần Dũng mỉm cười:- Vâng, mối tình tuyệt vọng cũng có cái thú của nó.- Anh bị ruồng bỏ à?- Bà nghĩ sao nếu sự thực là như thế?Monique cười buồn:- Như thế vẫn hơn…Bà muốn nói là vẫn hơn một cuộc sống đơn điệu nhưng rồi bà đứng lên:- Thôi, tốt hơn anh nên ở lại. Dù sao thì đó cũng là…Họ lặng lẽ mặc quần áo đi xuống phố.Trong quán sách ở đường Lê Lợi bà Monique mua một vài cuốn sách về hội hoạ dân gian Việt Nam và về nghệ thuật điêu khắc của Phi Châu.