ằng sau cánh cửa là sự lạnh lẽo của cái chết, sự im lặng của mộ phần, của rêu xanh, cố tích và hoang phế. Chàng bước vào căn phòng tối tăm của mình mà như bước vào một quá khứ ẩm mốc, bụi bặm, đổ nát, điêu tàn. Hình như đã một ngàn năm rồi không ai bước chân vào đây, cả thú rừng, những con bọ và cả chim chóc. Ðó là cõi trống trải, cô tịch đìu hiu của thế giới bên kia. Dấu tích sinh vật chỉ còn để lại trong đá. Dấu tích của Ngọc thì không hề tìm thấy. Ngọc mất dạng, biệt mù như không hề có trên đời. Căn phòng trống vắng và xa lạ như người chủ của nó đã bỏ đi hàng chục năm, hay đã qua đời, đã thành người thiên cổ, đã hóa tro bụi. Không một dòng chữ để lại. Quần áo của Ngọc vẫn còn nguyên vẹn trên móc. Ðôi dép vẫn dưới chân giường, cái lược nhựa màu xanh lá cây, cái quấn tóc… Không có dấu hiệu gì là đã trở lại đây trước khi bỏ đi. Nàng đã ra đi mà không chuẩn bị gì hết. Một bộ đồ bà ba duy nhất trên người. Chủ nhà nói: –Mấy hôm nay không thấy cổ về. Chàng biết rằng Ngọc sẽ không về nữa, sẽ không cần gì nữa, không cần ai nữa. Ý nghĩ đó làm chàng hoảng hốt. Nằm lại đây chờ hay đi tìm? Mười giờ đêm. Quán nước dừa dưới gốc cây si, quán cà phê Nguyễn Trãi. Chàng đến nhà những người bạn, những người bà con của Ngọc. Nửa đêm, Phan trở về căn phòng một mình, ngồi khóc. Chàng biết rằng không bao giờ còn nhìn thấy bóng dáng Ngọc nơi này nữa. Chàng sẽ ở đây một mình với bốn bức tường hẹp, đàn muỗi và con dế gáy suốt đêm trong xó nhà. Trời đã khuya lắm. Chỉ có chàng và con dế còn thức. Có lẽ Ngọc cũng còn thức, nhưng đang ở đâu? Hay Ngọc đã chết rồi? Chàng không ngủ, chàng thích hình dung nỗi cô đơn của Ngọc, sự khốn khổ của Ngọc. Và khóc. Buổi sáng, khi ra bờ sông ngồi, chàng là người cha đi tìm xác con dưới đáy nước. Trưa nắng, chàng đi bộ trong phố gặp ai mặc áo bà ba cũng nhìn. Chàng vô chợ Bến Thành tìm kiếm vô vọng trong đám đông. Chàng tìm tới những người bạn cũ của Ngọc. Nhưng không ai biết gì về Ngọc cả và họ chỉ nhắc đến những chuyện đã qua, nhưng chàng vẫn thích nghe, vẫn hy vọng rằng trong cái mớ hỗn độn của quá khứ ấy chàng sẽ tìm được một chi tiết nào đó giúp tìm ra nơi ở của Ngọc. Ðến một lúc người đối thoại mệt mỏi, ngáp dài hay ngủ gục chàng mới biết rằng mình phải chấm dứt câu chuyện. Lại một người bạn khác của Ngọc, chị bán bún riêu ở vỉa hè. Chàng không hỏi gì cả mà chỉ ngồi chờ, may ra có một lúc nào đó Ngọc xuất hiện từ đàng xa. Chàng chờ và đi. Chàng cứ chờ và đi như thế trong nhiều ngày. Có một chiều chàng trở về nhà thấy đứa con gái lớn ngồi nhai ổ bánh mì trong bếp một mình, chàng đứng lặng im rồi đến bên con, chàng ngồi xuống chiếc ghế gỗ thấp, cầm lấy bàn tay nhỏ nhắn của con và khóc. –Ba đi đâu hoài vậy? –Ba đi tìm cô Ngọc. –Tại sao ba phải đi tìm cổ? Chàng khóc như đứa trẻ con, chàng hôn tay con, nước mắt nhỏ giọt trong lòng bàn tay nó. Chàng nói: –Ba yêu cô Ngọc lắm. Ba không thể nào xa cổ được. –Ba không yêu má nữa sao? –Ba không biết phải giải quyết thế nào. Khi lớn lên con sẽ hiểu rằng ba đã khổ đến như thế nào. Cô bé cũng khóc. Khúc bánh mì lăn ra bàn. Chàng cảm thấy mọi sự như đã vỡ lở và gần như không thể cứu vãn được. Cuộc tình này chỉ thấy có dày vò, đau khổ, thù hận và nước mắt. Xưa nay chàng vốn không thích những kết thúc bi thảm, cường điệu trong kịch của Shakespeare nhưng dường như quy luật của ái tình đã cuốn chàng vào vòng xoáy của bi kịch và chàng không tài nào cưỡng lại nổi.