Chương 9

    
ây giờ tôi là một người hoàn toàn tự do. Không chồng không con, không nhà cửa, không tiền bạc và dường như không có tương lai nữa.
Tôi trở về sống trong căn phòng nhỏ hẹp tối tăm mà tôi và Phan thuê ở một thôn xóm hẻo lánh. Nhưng ở đó bây giờ cũng chẳng có Phan nữa. Hắn đã trốn đi đâu biệt tích. Tôi ở một mình và lạ thay không hề nhớ đến hắn. Tôi lại thấy dễ chịu hơn khi không có hắn bên cạnh, cũng như không có ông chồng của tôi bên cạnh.
Thực sự lúc này tôi không mong hắn đến. Tôi muốn sống một mình để nâng niu tự do của mình, để sống trọn vẹn với thiên nhiên, với nỗi vui sướng tột cùng của con chim sổ lồng.
Tôi yêu và nhớ lũ con tôi biết chừng nào nhưng nỗi nhớ ấy vẫn không át được niềm vui tràn trề của tự do vừa tìm thấy. Huống hồ là Phan. Dẫu sao hắn cũng chỉ là một người đàn ông. Ðầy bất trắc. Ðầy những mấm mống phản bội.
Nhưng tôi vẩn yêu Phan. Ðúng ra là tôi yêu những kỷ niệm đẹp mà chúng tôi đã trải qua suốt những năm tháng. Tôi vẫn hy vọng Phan là cái nửa kia của tôi, cái nửa kia tôi đã tìm thấy, đã nhặt được và dường như không lầm lẫn. Nhưng cho dù thế nào tôi vẫn luôn luôn nghĩ tới một bất ngờ.
Phan đã đến với tôi một cách bất ngờ và biết đâu anh cũng ra đi một cách bất ngờ như thế. Nhưng dù anh có ra đi, tôi cũng xin tạ ơn anh đã cho tôi tình yêu, khát vọng, hạnh phúc và đau khổ.
Chúng tôi đã quen nhau khi tôi thuyết minh phim Matxcơva Không Tin Vào Nước Mắt. Khi cô công nhân trẻ Ka-chi-a bị anh chàng I-go dụ đến cái ghế bọc nệm ở phòng khách để phá đời con gái thì nhạc đệm trong phim nổi lên. Tôi rất thích giai điệu của bản nhạc đó một phần vì nó rất hay, một phần vì nó gắn liền với sự mở màn của bi kịch tình ái kia. Nhưng tôi không biết tên bản nhạc đó là gì.
Khán giả của chúng tôi hôm ấy cũng rất đặc biệt. Họ là những người lính chế độ cũ. Trên một ngàn người ngồi quây quần trong khoảng sân rộng giữa những lán trại đơn sơ giữa rừng. Lúc ấy tôi không hề biết Phan bởi anh chỉ là một tên tù vô danh giữa cái đám đông hỗn loạn ấy. Trời thì tối, rừng đêm chỉ có sao và những ánh lửa nhỏ lập lòe giữa các lùm cây xa, ẩn hiện trong những lán trại âm thầm giấu mình dưới những tàn cây đen sẫm. Ðám đông lúc ấy chỉ là một khối đen lô nhô như củi khô, như đất đá.
Thế mà tôi đã nhặt được Phan trong mớ đất đá ấy.
Sáng hôm sau tôi ra suối rửa mặt và trở về ngang qua sân sau của một khu trại, ở đó có bốn người tù đang xếp hàng chờ lệnh một người cán bộ quản giáo trẻ tuổi. Hôm qua khi đoàn chiếu phim của chúng tôi đến đây, tôi đã gặp anh cán bộ này ở văn phòng của trung tâm cải tạo, anh ta vui tính và dễ mến nhưng giờ đây đứng trước những người tù lại rất nghiêm khắc, lạnh lùng.
–Số Một, bước ra!
Số Một là một người trung niên, không rõ trong chế độ cũ ông ta cấp bậc gì nhưng bây giờ trông ông lọm khọm, nhẫn nhục.
–Tại sao tối qua anh đánh bạc?
–Dạ, tôi đánh cờ tướng.
–Không đúng. Các anh giàn bàn cờ tướng nhưng thực chất là đánh bạc. Ðứng qua bên.
Người quản giáo trẻ gọi tiếp:
–Số Hai!
Số Hai là một tay trẻ tuổi lực lưỡng, phía sau ngực áo sơ mi thấp thoáng những đường nét của một hình xâm màu xanh chàm.
–Có người tố cáo anh lấy cắp lon thịt chà bông.
–Dạ, tôi không ăn cắp. Dẫu sao tôi cũng từng là một sĩ quan.
–Thế không phải anh lục xách người khác lôi lon thịt ra à?
–Tôi có làm điều ấy, nhưng chỉ để ngửi một tí thôi.
Người thứ ba can tội âm mưu trốn trại cũng được đứng qua một bên. Quản giáo hỏi người tù thứ tư:
–Anh có biết anh đang ở đâu không?
–Ở trại cải tạo sĩ quan chế độ cũ.
–Hình như anh muốn làm cha ở đây phải không?
Số Bốn có vẻ trầm tĩnh và lì, anh ta nói:
–Tôi chưa hiểu ý cán bộ.
Quản giáo bước tới ngay trước mặt số Bốn. Hai người trừng trừng nhìn nhau. Ðột nhiên người quản giáo vung tay rất nhanh, giữa ngón cái và ngón trỏ của anh ta đã có một nhúm tóc dài. Anh ta dứ dứ nhúm tóc trước mặt số Bốn.
-Chiều nay năm giờ anh đến trình diện tôi. Tóc cắt ngắn ba phân. Nghe rõ không?
–Tôi không có kéo.
–Không có kéo thì làm thế này này.
Anh ta lại vung tay lên nhưng đã bị “Số Bốn” bẻ quặt ra phía sau. Những người quản giáo khác chạy đến. Số Bốn bị còng tay dẫn đi về phía mé rừng.
Chiều hôm đó tôi ra phía mé rừng chơi. Tình cờ tôi nhìn thấy một cái chuồng đóng bằng những thân cây rừng sù sì. Bỗng hiên từ trong cái chuồng ấy vang lên tiếng hát. Ðúng là bài hát trong phim Matxcơva Không Tin Vào Nước Mắt. Giọng anh ta trầm, có chút mệt mỏi nhưng rất truyền cảm. Tôi bước lại sát phòng giam. Qua khe hở tôi nhìn thấy “Số Bốn”, áo sơ mi hở ngực bẩn thỉu, quần tây rách đầu gối, hai ống xơ xác.
–Này anh! Tôi gọi. Anh biết bài hát trong phim hả?
Anh ta quay lại, cố đoán xem tiếng gọi phát ra từ đâu.
Tôi thò bàn tay qua khe hở, ngoắc và ghé sát mặt vô đó.
Hắn bứt một cọng rơm, nhâm nhi trong miệng.
–Chị là ai vậy?
–Tôi ở trong đoàn chiếu phim.
–Chị đến đây làm gì?
–Tôi nghe anh hát. Sao anh biết bài hát trong phim?
–Ở nhà tôi có một số đĩa hát của Connie Francis. Ðó là một bài rất nổi tiếng của cô ta.
–Bài hát đó tên là gì vậy?
–Besame Mucho.
–Có nghĩa là gì?
–Hãy ôm hôn tôi đi.
Hắn nói như thể ra lệnh cho tôi, nhưng thực ra đó là nghĩa của nhan đề bài hát. Hình như hắn đọc được vẻ bối rối trong đôi mắt tôi nên bật cười, phun cọng rơm ra rồi đứng dậy, tiến lại phía tôi. Hắn có đôi mắt đẹp quá. Phảng phất như Che Guevara. Tôi hỏi:
–Anh có cần gì không?
–Nếu có thuốc lá thì hay quá.
–Tối em sẽ đem lại. Bây giờ em đi nhé. Vì người ta sẽ phát hiện ra em ngay. Tuy nhiên tối hôm đó tôi không tài nào đem thuốc lá cho anh được vì chương trình chiếu phim bắt đầu quá sớm. Tôi là người thuyết minh duy nhất nên không thể bỏ đi được. Ðúng chín giờ phim mới chấm dứt. Tôi viện cớ nhức đầu nên nhờ các bạn trong đoàn thu dọn các thứ còn mình lẻn ra mé rừng. Người lính gác ngồi sát phòng giam hút thuốc lá. Tôi phải đi vòng phía sau. Bóng tối làm tôi rất ngại ngùng khi phải đặt chân vào những bụi cỏ gai dày đặc để áp sát vào vách gỗ.
–Này anh!
Nhưng hắn đã đứng sát ngay trước mặt tôi, phía bên kia những cây tròn sần sùi. Trong đêm tối chúng tôi gần nhau đên độ có thể cảm nhận được hơi thở của nhau. Tôi đưa gói giấy đựng năm bao thuốc lá qua khe hở. Hắn nắm lấy cổ tay tôi giữ chặt.
–Ðừng giận nhé. Hắn nói. Em làm tôi rất xúc động và tôi muốn giữ em lại thêm một chút. Vì ở đây buồn lắm. Mai em về rồi phải không?
–Vâng.
Hắn buông tay tôi ra. Tôi không nhìn rõ mặt hắn trong bóng tối nhưng tôi biết nó buồn lắm. Ánh đèn pin chợt lóe lên quét qua chỗ chúng tôi đang đứng. Tôi ngồi thụp xuống. người lính gác hỏi:
–Chuyện gì vậy?
–Kiến nhiều quá. Hắn đáp.
Hắn bảo tôi rời đi. Tôi lẫn vào bóng đêm. Khi ngoảnh lại, tôi không còn thấy gì ngoài cái khối đen sì của chuồng gỗ.
Lúc tôi về chỗ chiếu phim thì mọi người cũng vừa dọn dẹp xong các thứ. Anh trưởng đoàn hỏi:
–Nãy giờ cô đi đâu vậy?
–Em xuống trạm y tế.
–Ðồng chí giám đốc trung tâm đi kiếm em quá trời.
–Có chuyện gì vậy anh?
Trưởng đoàn chỉ tay về phía có ánh lửa:
–Ổng đang đứng đằng đó.
Tôi đến nơi và thấy Thúy Hoa đang ngồi với hai người đàn ông đứng tuổi. Thúy Hoa là bạn tôi, phụ trách máy chiếu phim.
–Ngọc tới kìa.
Tôi chào mọi người và ngồi xuống bên bếp lửa.
–Chú tìm cháu à?
Giám đốc cứ nhìn tôi đăm đăm rồi bỗng kêu lên:
–Thôi, đúng là cô này rồi. Có phải cháu đã từng đi chiếu phim ở Tuyên Quang hồi đánh Mỹ không?
–Vâng.
–Cháu vừa chiếu phim vừa thuyết minh phim Chiếc Mũ Trắng phải không?
–Phải ạ, cháu cũng nhớ ra rồi. Hồi đó chú là đại úy. Tóc chưa bạc.
–Khá lắm. giám đốc trại cải tạo gật gù, nhón lấy trái bắp vừa chín tới trên than hồng đưa cho tôi. Thế nào? Ðã chồng con gì chưa?
Tôi thảy tưng tưng trái bắp trong lòng bàn tay vì nó quá nóng.
–Ðược một cháu gái ạ.
Ông ta khen một cách tự nhiên:
–Hồi đó cháu chưa tới hai mươi tuổi đầu nhỉ. Rất xinh. Nhưng bây giờ còn xinh hơn.
Câu khen tặng ấy không làm tôi vui nhưng nó nảy ra trong đầu tôi một ý nghĩ táo bạo. Lúc câu chuyện đã tàn tôi nói với ông:
–Cháu xin gặp riêng chú một tí.
Ông ta có vẻ hơi bất ngờ nhưng sốt sắng mời tôi về phòng làm việc. Chúng tôi ngồi đối diện nhau trong một phòng khách khá tươm tất thắp đèn néon bằng bình ắc-quy.
Ông chăm chú nhìn tôi, chờ đợi. Tôi mô tả lại cảnh người cán bộ quản giáo hành hạ Phan ban sáng. Giám đốc có vẻ ngạc nhiên vể chuyện ấy. Ông hỏi:
–Nguyễn Phan là gì của cháu?
–Cháu có một người dì ở miền Nam. Anh Phan là con của bà dì ấy.
Tôi phịa một cách lưu loát nhưng trong bụng rất lo bị ông hỏi về gia đình Phan, về bà dì… Rất may là ông không hỏi gì thêm, chỉ trầm ngâm một lát rồi rút trong ngăn kéo ra một xấp hồ sơ, để trên bàn.
–Nguyển Phan này thì chú biết rất rõ. Nó ở đây được ba năm. Chú sắp cho nó về đấy vì nó lành. Ðặc biệt nó là một thằng có tài. Nó có tài lạ lắm cháu ạ. Cháu biết chứ hả?
Tôi nói:
–Tuy là anh em nhưng mỗi người ở một miền, cháu cũng không rõ anh ấy có khả năng gì đặc biệt.
Ông giám đốc cất hồ sơ vô ngăn kéo, xoay người với tay lên cái giá sách lấy ra một con sóc bằng gỗ, to như thật.
–Cháu thấy con sóc này như thế nào?
Tôi hoảng hồn trước vẻ sinh động của tác phẩm điêu khắc lạ lùng ấy. Tại sao gỗ lại diễn tả được sự óng ả và mềm nại của lông thú? Gỗ mà có thể xù lên thành cái đuôi kiêu hãnh và thướt tha dường ấy sao? Tôi đặt nó giữa lòng bàn tay, nó như muốn nhảy lên vai tôi.
Giám đốc nói:
–Phan nó làm đấy. Không hề qua một trường lớp nào cả. Tự nghĩ ra mà làm. Bữa đó gặp nó ở căn-tin, chú với nó ngồi ở bàn ăn, trao đổi qua lại về chuyện trong trại. Nó vừa nói chuyện vừa lấy cái dao nhỏ xíu đẽo gọt gì đó trên đầu chiếc đũa. Lúc chú đứng dậy bỏ đi, nó đưa chiếc đũa cho chú. Cái gì đây? Chú hỏi. Nó nói: Chú về lấy kính lúp soi sẽ biết. Chú về văn phòng, làm theo lời nó. Cháu biết nó khắc gì trên đầu đũa không? Một cái tượng bán thân của chú, chỉ lớn hơn hạt đậu xanh một chút. Mà nó làm có hơn mười lăm phút. Thế mới lạ chứ.
Tôi nói:
–Chú ơi, chú nghĩ thế nào về quyết định của đồng chí quản giáo với anh Phan?
–Chẳng qua vì mái tóc dài của nó thôi.
Giám đốc quay máy điện thoại, rồi lấy tờ giấy nhỏ viết nguyệch ngoạc mấy chữ. Lát sau một người lính xuất hiện đứng nghiêm chào. Giám đốc nói:
–Chú đem tờ giấy này xuống biệt giam dẫn thằng Phan lên đây.
Mười lăm phút sau người lính dẫn Phan vào. Tôi nháy mắt với anh và nói:
–Em đến đây sáng nay.
–Chào em.
Phan nói gọn lỏn và đứng im.
–Hai anh em nói chuyện với nhau đi.
Giám đốc bỏ ra ngoài.
Phan ngồi xuống cạnh tôi trên chiếc ghế dài.
–Tôi nhận bừa anh là anh con dì tôi.
Phan im lặng, rút gói thuốc lá tôi cho ban nãy. Anh hút mà không nhìn tôi, không có vẻ gì ngạc nhiên về hành động của tôi. Tôi lại nói:
–Vì tôi thấy cách cư xử của người quản giáo khi sáng là bất công.
–Cám ơn chị. Phan nói và nhìn vào mắt tôi một lúc.
–Ðồng chí giám đốc cho tôi biết rằng anh sắp được tha về. Anh nên cố nhịn một tí.
Phan nhắm mắt lại, sờ cằm. Rồi lại nhìn tôi. Tôi không hiểu cái nhìn ấy. Tôi ngó anh. Anh hỏi nhỏ:
–Có cái gì ăn không?
Tôi lục ví tay tìm được một viên kẹo, đưa cho anh. Anh cầm viên kẹo mà những ngón tay run lên. Anh ngậm nó trong miệng như đứa trẻ con. Lúc ấy anh nhìn tôi một cách hóm hỉnh, anh nói:
–Ðừng cười nhé. Tôi đói lắm. Tìm xem còn viên nào nữa không?
Trong ví tôi bây giờ chỉ có một thỏi son môi, cái bấm móng tay, cái gương nhỏ và một cây bút chì kẻ lông mày. Tôi đưa cây bút chì ra trước mắt anh và nói:
–Không còn gì nữa.
–Chị cho tôi mượn cây bút chì.
Tôi đưa nó cho anh. Anh xé bao thuốc lá ra, vuốt ngay thẳng thành một tờ giấy bằng bàn tay rồi đặt tờ giấy trên cái ghế dài, vạch mấy nét nguệch ngoạc.
–Bao giờ chị về?
–Sáng mai. Anh có gửi gì về gia đình không?
–Không. Bà xã tôi mới lên thăm cách đây một tuần.
–Trông anh có vẻ buồn.
Phan cười cười, tôi hỏi:
–À, hồi nãy anh nói tên bài hát là gì tôi quên rồi.
Phan trả cây bút chì cho tôi và gấp tờ giấy bao thuốc lại.
–Besame Mucho.
Bêdamê Muchô, tôi nhẩm trong miệng cho khỏi quên. Còn nghĩa của từ đó thì tôi biết rồi. Phan đưa cho tôi tờ giấy bao thuốc.
–Cái gì vậy? Tôi hỏi và mở tờ giấy ra.
Ðó là chân dung của tôi. Ðứa trẻ con nhìn cũng biết là giống. Giống y hệt. Nét chì nguệch ngoạc như đùa. Tôi ngạc nhiên nhìn anh. Vui sướng. Ông giám đốc ho một tiếng và bước vào. Tôi đứng dậy.
–Tạm biệt anh. Hy vọng sẽ gặp lại một ngày rất gần.
–Cám ơn.
Giám đốc bảo Phan:
–Anh về sam ngủ đi.
Rồi ông tiễn tôi về nơi ở của đoàn chiếu phim.