Con bò cái rướn bốn chân cố kéo cái cày phía sau lên. Để cho bò nhẹ sức kéo, tôi ngửa cày lên một chút cho lưỡi cày cạn bớt dưới lớp đất. Nhưng bò vẫn không bước tới được. Tức quá, tôi vừa quất vào bò một cái thật mạnh vừa thét lên “Đi! Có đi không?”. Con bò nẫy lên một cái rồi lì lợm đứng yên. Tôi khổ sở “Bò ơi là bò, mày cày cho tao một chút đi. Tao lạy mày, bò ạ! Tao khổ quá rồi. Mày không cày thì tao lấy lúa đâu để đóng thuế đây!” Từ sáng giờ tôi đã đổ mồ hôi sôi nước mắt với con bò này rồi mà cũng chỉ được hơn chục đường cày. Chẳng hiểu sao nó trở chứng lừng khừng, lừng khừng như muốn thoát khỏi cái ách trên cổ để quay về nhà. Nghĩ tới số lúa phải đóng thuế sau vụ mùa khiến tôi toát mồ hôi hột. Người có kinh nghiệm làm rẫy ở địa phương này cho dù làm hết đất đã giao khoán chưa chắc đã đóng đủ số lúa nhà nước ấn định. Vừa mới thống nhất đất nước, gia đình tôi lên xứ Tây Nguyên này kiếm ăn vì nghe nói trên đây đi mót thôi cũng đủ sống qua ngày. Khi lên đây mới vỡ lẽ, người ta đưa hết vào làm ăn tập đoàn, tập thể nhưng lúa ngô khoai sắn lại ít hơn rơm rạ cỏ cây. Rồi trừ đóng cho nhà nước xong còn lại chia cho dân chẳng được bao nhiêu nên đội quân đi mót còn đông hơn cả đội quân đi làm. Thời gian sau này, nhà nước lại chuyển qua khoán đất theo lao động chính cho từng hộ để dân tự làm rồi sau thu hoạch đóng thuế lại cho nhà nước. Nhà tôi có 7 lao động chính được nhận 2, 8 hecta. Nhận được nhiều đất thì mừng đấy, nhưng bảy đôi tay trước đây chỉ biết cầm bút bây giờ làm sao cầm nổi cây cày. Vả lại, cũng chẳng có kinh nghiệm, chẳng có bò xe, công cụ gì để cày xới. Phần thì đói rách nữa có hơi sức đâu mà làm. Người dân ở đây đã có sẵn kinh nghiệm làm nông lẫn cả công cụ làm ăn, còn con cái mới lớn đã vội lập gia đình, tách hộ cho nên lao động chính trong hộ cũng ít. Lao động chính ít thì nhận đất ít nhưng họ vào rừng tìm những chỗ đất tốt khai hoang thêm. Thế là họ làm ra được nông sản nhiều hơn mà đóng thuế lại ít hơn. Một phần nữa, đất đai được qui hoạch để chia, đa số là cằn cỗi, bạc màu, cây cỏ còn không mọc nổi thì làm sao có sản lượng. Với sức lực có hạn, gia đình tôi chỉ làm được một hecta. Đã vậy, con bò tự nhiên đổ chứng không muốn cày nữa thì làm sao đây! Bức bối quá, tôi lại hết sức quất lia lịa vào con bò. Con bò ẹo mông qua kéo lưỡi cày đi lệch khỏi đường cày. Tôi vừa giựt giựt dây mũi bò vừa hét lên “ Tắc tắc.. tắc! Tắc đi, tắc.. ắc.. ắc..” Con bò đau quá chuyển nhanh qua hướng trái. Nhưng nó cũng không đi thẳng vào đường cày mà như muốn đi vòng tròn. Tôi điên lên quất như mưa bão vào con bò khiến nó vọt chạy kéo theo cái cày vuột khỏi tay tôi ngã nằm lết dài dưới đất. Tôi ra sức kéo rì dây mũi trở lại. Con bò đau quá phì nuớc giải chảy ra lòa lợm cả mũi miệng. Nó trợn mắt, nghẹo đầu rồi đứng lại. Tôi không còn kiềm chế được nữa, nhảy đến quất tới tấp vào con bò cho đến khi cái roi tre tan tác. Con bò cứ xà quần, xà quần quanh tôi mà không thoát ra khỏi tôi được bởi dây mũi của nó đã bị tôi giữ chặt. Chưa đã tức, tôi vác cái cày lên ném một cái thật mạnh vào nó rồi nhảy đến đánh đấm túi bụi vào nó. Khi tay chân tôi thốn đau, tôi buông dây mũi ra bỏ mặc và bật khóc một cách bất lực. Tôi buông người nằm ngã vật xuống đất cho bao nhiêu nỗi cùng cực khốn nạn trào ra trên mắt, mũi, môi, miệng, tim, gan tôi. Lúc đó tôi ước gì tim tôi ngừng đập, gan óc tôi vỡ tung ra cho rồi. Một lúc sau, tôi mở mắt thấy con bò vẫn còn đứng đó, nước giải vẫn còn chảy lòng thòng trắng xóa. Đôi mắt nó buồn buồn nhìn tôi như chia sẻ mà chẳng tức giận trách móc gì tôi cả. Bỗng nhiên tôi thấy tội nghiệp nó quá. Tôi tàn bạo quá sức. Nó là một con bò cái làm sao mạnh như bò đực được. Mẹ tôi vì chỉ ít tiền nhưng cần phải có bò để cày. Mà mua bò cái vừa tập cho nó kéo cày vừa mong cho nó đẻ con sinh lợi nữa chứ. Trong lúc nhà người ta luôn dành hai, ba con bò đực khỏe mạnh chỉ để kéo cày thôi. Tôi hối hận đứng dậy đến ôm đầu nó và vuốt ve mặt nó mà lòng tôi quặn thắt với hoàn cảnh của mình. Chợt nó nhảy vọt một cái khiến tôi suýt ngã. Tôi nhìn theo ánh mắt lấm lét của nó thì thấy anh xã đội trưởng du kích đang ẩn núp trong rừng tre gần đó và đang giương khẩu súng ngắm về hướng chúng tôi. Hóa ra anh ta nãy giờ ở trong đó để săn chim. Chẳng lẽ con bò của tôi sợ anh xã đội trưởng du kích bắn mà lừng khừng không chịu cày chăng? Tối về, tôi cứ day dứt hành động tàn nhẫn của tôi. Điều gì khiến tôi dần dần cộc cằn, thô lỗ? Nhìn mặt con bò hiền từ ngây ngô như thế sao tôi lại đánh đập tàn bạo với nó? Để chuộc lại lỗi lầm, tôi ôm đàn ra ngồi bên chuồng bò rồi đàn hát cho nó nghe. Tôi có cảm tưởng như nó biết nghe những tâm sự, những nỗi buồn của tôi. Đôi tai nó vểnh lên và đôi mắt ít vô tư hơn. Rồi từ đó, chiều nào tôi cũng ôm đàn ra ngồi cạnh chuồng đàn hát cho bò nghe. Một phần vì cuộc sống ở đây cũng tẻ nhạt quá. Ngoài giờ đi rẫy, tối về nhà chẳng biết khuây khỏa nỗi niềm như thế nào. Một chiều, tôi cũng đang ôm đàn hát cho bò nghe thì anh du kích xã đến. Anh ta ôm bụng cười rồi nói: “Bộ mày không nghe người ta nói: Đàn gãi tai trâu à?” “Kệ!” “Mai cho tao mượn bò xe đi chở củi một ngày được chớ?” “Chắc tui phải đi theo chứ con bò cái này yếu lắm mà hay trở chứng nữa”. “Thì mày đi luôn cho tao, mai mốt vào ủy ban xã ký giấy tờ tao nói cho một tiếng!”. Trời vừa hừng sáng thì anh xã đội trưởng du kích đến. Tôi ra chuồng thì thấy con bò nằm chứ không đứng như thường lệ. Tôi thắt dây vào mũi con bò rồi kéo nó đứng dậy. Nó mệt mỏi đứng lên và đi cà nhắc ra khỏi chuồng. “Ôi..con bò què chân rồi!”. Để anh xã đội trưởng tin, tôi dẫn bò đi một vòng quanh sân. Đúng là một chân trước của con bò không thể đi được. Thế là anh xã đội trưởng thôi không mượn bò nữa mà chỉ mượn chiếc xe. Bò đã không đi nữa thì đương nhiên tôi đi làm gì. Anh xã đội trưởng đã đi mượn được một con bò khác và đã đến kéo chiếc xe của tôi vào rừng. Điều kỳ lạ là khi tôi mời thầy thuốc đến để chữa trị cho bò thì nó không đi cà nhắc nữa. Đến trưa, bỗng từ phía khu rừng xa, người ta nghe nhiều tiếng súng nổ vọng về. Chưa ai hiểu chuyện gì nhưng đến khi có người chạy từ rừng về báo là anh xã đội trưởng du kích đã bị Fulro° bắn chết cùng với con bò rồi. Chiếc xe kéo của tôi cũng bị bắn gãy nát. Tôi rùng mình nhìn con bò với lòng biết ơn. Nó điềm nhiên nhai cỏ trong chuồng mà chẳng có ý kiến gì cả. Nếu lúc sáng, nó vẫn ngoan ngoãn bình thường thì chắc chắn cả tôi và nó đều xuống chầu diêm vương rồi. Cuối mùa ấy, chỉ tiêu giao nộp cho nhà nước là 70 kg lúa mỗi sào trong đó: 8/10 cho huyện, 2/10 cho xã và thôn. Nhà tôi phải nộp 1960 kg trong 2,8 hecta đã nhận. Nhưng tận lực, kiệt sức cũng chỉ làm được một hecta và chỉ thu hoạch được 60 bao lúa loại bao gạo 50 kg. Đất cao, khô cằn, không phân bón, thiếu kinh nghiệm nên hạt lúa chắc ít hơn hạt lúa lép. Trung bình mỗi bao mà được 25 kg là cám ơn trời đất lắm. Thế là thấy rõ gia đình tôi làm không đủ đóng thuế cho nhà nước rồi. Mẹ tôi phải kêu người đến bán con bò đi để có tiền trả nợ lúa giống và mua thêm lúa cho đủ đóng thuế. Người mua dẫn con bò cái của tôi đi mà nó cứ lừng khừng như chẳng muốn rời khỏi tôi. Ra đến đường, nó chợt quay lại nhìn tôi với ánh mắt buồn… Trung Kim ° FULRO (viết tắt từ Front Uni de Lutte des Races Opprimées trong tiếng Pháp, có nghĩa Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức) là một tổ chức chính trị, quân sự do một số người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thành lập năm 1964 để chống lại chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đến năm 1975 và chống chính quyền Việt Nam đến năm 1992. Thời điểm kết thúc được tính là khi 407 binh sĩ FULRO cuối cùng ra giao nạp vũ khí cho quân Liên Hiệp Quốc tại Campuchia. (nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/FULRO)