Chương 14

    
ả ba người cùng ngồi im như bất động trong bộ salon. Chiếc tủ buffet được dời sang cạnh tường phía trái lấy chỗ làm bàn thờ Trung tá Lạc.
Phi đã nhìn mãi bức chân dung người quân nhân già nua mờ ảo sau làn hương khói nghi ngút. Bức chân dung đã thể hiện cả một đời tận tụy, cả một cuộc đời tranh đấu gian khổ để rồi tới lúc chết đi, đất nước vẫn còn ngập lụt lửa máu, những đứa con vẫn bơ vơ chưa biết số phận ra sao. Nếu người ta có linh hồn, Phi không hiểu Trung tá Lạc nghĩ gì cho sự nghiệp đấu tranh của mình. Cho tới lúc này ông sẽ thương tiếc hay mỉm cười mãn nguyện? Đó là điều Phi không hiểu nổi, dù có đặt mình vào trường hợp đó.
Duy chỉ có một điều Phi tin chắc hoàn toàn là cuộc đời Trung tá Lạc đã không phí phạm. Ông ta sẽ không hề hối tiếc. Ông ta được phép hãnh diện về cuộc đời tranh đấu của mình, tuy đôi lúc không hoàn toàn đúng, nhưng ông ta đã làm đúng trong cuộc đời quân nhân của mình.
Tiếng khóc rấm rứt của Phượng bật lên, sự yên lặng bị phá vỡ, nhưng thật ra chỉ là một cách làm cho sự im lặng đó nặng nề thêm, chìm sâu xuống đáy vực. Loan nhìn Phượng rồi tủi thân, nàng cũng thấy mình sắp khóc, nàng vội đứng dậy đi nhanh ra ngoài hàng lang. Phi thấy mọi lời an ủi của mình đều vô ích, chàng lẳng lặng rút thuốc lá ra hút. Một vài phút sau, Phi đi theo Loan ra ngoài hành lang.
Loan đứng ở một góc tối, hai tay chống lên tường đôi vai co cao. Mảnh khăn tang trắng lạnh ẩn hiện trên mái tóc rối. Phi đứng lặng nhìn Loan một lát rồi đi thật nhẹ đến bên nàng. Tiếng Phi vẳng lên:
- Em nghĩ thế nào về đề nghị của anh?
Hầu như từ nãy Loan không hề chú ý đến sự có mặt của Phi nên nàng giật mình nhìn lên. Phi hiểu rõ tâm trạng của những cô gái khi trong nhà có người thân vừa mất. Chàng cười rất nhẹ:
- Em sợ à?
Loan ôm hai tay lên ngực không trả lời. Nàng lại xoay người nhìn xuống đám cỏ tóc tiên um tùm ở hai bên lối đi. Phi nhắc lại câu hỏi:
- Thế nào em quyết định chưa?
Loan lắc đầu:
- Em chưa quyết định gì ngay bây giờ ca?
Tiếng nàng thở dài vọng lên, sau đó tiếng nghẹn lại:
- Em muốn nghe theo lời anh, em muốn coi đề nghị đó như một quyết định, nhưng em sợ.
- Sợ thiên hạ cười à?
- Không hẳn thế.
- Còn gì khác nữa?
Loan ngửa mặt cho gió lùa, nàng sợ mình sẽ lại khóc lần này nữa để rồi không nói gì được với Phi, nàng cố trấn tĩnh, nói bằng một giọng tự nhiên đứng đắn:
- Họ hàng anh sẽ nghĩ thế nào nếu em và Phượng ở bên cạnh nhà anh? Thỉnh thoảng anh đi về, người ta sẽ nghĩ ra sao?
- Người ta sẽ nghĩ anh là người anh của gia đình này. Nếu người ta cố tình không hiểu, rồi sẽ có ngày người ta phải hiểu. Em sợ thiên hạ, sợ họ hàng để rồi hai chị em sống mãi trong căn nhà này sao. Em còn phải đi học và Phượng cũng phải đi học. Ai trông nom cho em? Vả lại cuộc sống của những người con gái đâu có giản dị như vậy. Anh xin em, hãy nghĩ đến tương lai, em và Phượng còn cần người săn sóc, còn cần người lo lắng cho những việc khác nữa. Anh không yên lòng chút nào nếu em và Phượng cứ sống cô đơn trong căn nhà này.
Đầu Loan cúi gầm trong vùng tối, tiếng nàng thoát lên như tiếng nói từ một đáy vực sâu:
- Em sẽ phải tìm chỗ làm, để cho Phượng đi học thôi. Năm sau em cho nó thi vào sư phạm.
Giọng Phi hằn xuống, dứt khoát:
- Em không cần đi làm. Việc đó của anh. Dù em có chấp nhận hay không, anh cũng cảm thấy cái bổn phận lo lắng cho em. Em nến nhớ từ ngày Trung tá còn sống, Trung tá đã xem anh như một người con trai trong gia đình này. Không bao giờ anh quên bổn phận và trách nhiệm của anh.
- Em đâu dám từ chối, trái lại em còn thấy cần anh hơn bao giờ hết, em thấy yên ổn và được an ủi rất nhiều khi có anh ở bên chúng em. Chúng em cần được anh săn sóc.
- Vậy tại sao em từ chối lời khuyên đầu tiên của anh? Như vậy có nghĩa là em từ chối không cho phép anh làm bổn phận của một người con trai trong gia đình.
Loan xoay nghiêng người lại, có lẽ trong những giây phút này nàng bớt khổ đau nhiều. Đôi mắt nàng nhìn Phi đằm thắm:
- Căn nhà này củ ba em để lại, chúng em không dám rời bỏ nó đi đâu cả. Vả lại anh cũng hiểu cho là em lớn rồi, trong những lúc anh đi vắng xa, em có thể lo liệu được. Anh hãy tin ở em. Thỉnh thoảng anh về, anh có thể coi như căn nhà này là nhà anh, anh làm chủ, anh kiểm soát và quyết định tất cả. Em chỉ xin anh hai điều, một là cho chúng em ở lại đây, hai là cho em đi làm. Em sẽ mượn một người giúp việc nhà. Em tin là có anh săn sóc không bao giờ chúng em khổ đâu.
Câu nói khôn ngoan của Loan khiến Phi không thể giận hờn gì được nữa. Chàng thấy Loan có lý. Trong một phút vội vàng chàng đã có một đề nghị kém suy nghĩ bởi chàng lo lắng cho cuộc sống cô đơn của Loan và Phượng khi chàng trở lại với đơn vị. Tuy biết Loan có lý và biết Loan cũng đã thừa đủ tuổi để tự lo liệu cho cuộc sống của mình và của em, nhưng Phi vẫn cố nói vớt vát vài câu rồi mới chịu nhượng bộ. Chàng đứng dựa lưng vào lang can một lát sau chàng khẽ hỏi Loan:
- Em tính đi làm đâu chưa?
- Hôm qua bà cô em mới nói là sẽ nhờ người giới thiệu làm ở sở Mỹ. Ông cậu em thì muốn em đi dạy học ở trường của ông ta. Nhưng dạy học ở trường tư, học trò đệ lục ngũ khá lớn, em cũng hơi ngại.
Phi cười:
- Nghĩa là em vẫn thích làm ở sở Mỹ?
Loan ngượng ngập thú nhận:
- Có lẽ làm ở đó dễ hơn. Em có quen vài người bạn làm ở Mỹ vừa nhàn, vừa dễ chịu lại được lương khá nhiều. Có thể tới tám chín ngàn là thường. Anh thấy thế nào?
Phi nhún vai:
- Tùy đấy, em xem nơi nào thích hợp thì làm, anh không hiểu rõ những chuyện đó lắm đâu.
- Nghĩa là anh chấp nhận rồi?
Phi lắc đầu cười nhẹ, không chịu trả lời câu hỏi của Loan. Chàng nhận thấy một số lớn những người con gái Việt Nam mới lớn bây giờ cần đi làm đều thích chọn sở Mỹ. Bởi lẽ giản dị và cần thiết là nhiều lương, sau đó rồi đến nơi chốn làm việc đầy đủ tiện nghi, đúng là một sở làm “văn minh” của những nước tiên tiến. Trong số đó cũng có một số ít cô lấy chồng Mỹ và một số ít cô gái không đứng đắn khác, nhưng với Loan, Phi tin rằng dù làm ở đâu, Loan cũng giữ được cái tư cách riêng của mình. Chàng nói một câu khác:
- Anh tin là Loan lựa chọn được chỗ làm, có chuyện gì cần thì cứ nói anh.
Loan mỉm cười. Từ ba hôm nay, lần thứ nhất Phi thấy nụ cười của Loan:
- Nhất định là em sẽ nói với anh tất cả, dù cần hay không cần. Bao giờ anh đi?
- Sáng mai.
Loan bày tỏ sự cảm ơn của mình bằng một câu nói khéo:
- Nếu anh không về, chúng em không biết phải xoay sở ra sao với cái đám tang này nữa. Từ bé, chưa bao giờ chúng em phải lo lắng điều gì, kể cả đám tang của má em.
Phi thầm hiểu ý nghĩa của câu nói đó, chàng cúi đầu khiêm nhượng:
- Anh vẫn thấy hình như anh chưa làm hết bổn phận đối với Trung tá.
Câu nói của Phi vừa dứt thì một bóng người đi nhanh vào con đường sỏi. Phi nhận ngay ra là Tân, chàng khẽ nói với Loan:
- Đứng im xem Tân gặp Phượng, nó nói những gì. Chắc nó mới được tin.
Loan mỉm cười gật đầu, hai người đứng im trong bóng tối. Tân vô tình phăng phăng đi thẳng vào phòng khách. Gặp Phượng ngồi trước bàn thờ, ủ rũ như con mèo ướt. Tân dừng lại, tiếng chàng thấp xuống:
- Tôi mới được tin nên về trễ, xin chia buồn với Phượng.
Phượng lau nước mắt đứng vụt dậy, nàng cảm thấy ngượng ngập, liền nói mấy tiếng:
- Cảm ơn... mời anh ngồi.
Tân vẫn đứng sững, bộ đồ trận nhàu nát, đôi giầy cao cổ còn dính đầy bụi đường:
- Mãi hôm qua đọc báo mới được tin, nhân tiện có chuyến trực thăng nên tôi xin về theo, không có phép tắc gì cả.
Phượng cố tạo một nụ cười. Nàng lăng xăng rót nước cho Tân, nàng nhìn chàng bằng đôi mắt buồn, và một chút thiện cảm:
- Anh liều thế lỡ bị phạt thì sao?
Tân cười tươi:
- Phạt thì đành chịu, đôi khi mình cũng phải vượt nguyên tắc một chút. Đơn vị tôi vừa đi hành quân về, có thể được ngủ yên một hai ngày.
Phượng lại giơ tay mời Tân một lần nữa:
- Mời anh ngồi chơi.
- Cám ơn Phượng.
Tân ngồi xuống chiếc ghế gỗ kê sát bên tuường. Dù đã gặp Phượng một vài lần từ sau lễ Giáng Sinh quen biết năm nào, nhưng Tân vẫn còn thấy nhút nhát khi ở bên Phượng. Tân vẫn không trút bỏ được cái mặc cảm thua kém Phượng về nhiều phương diện. Từ ngày gặp Phượng ở Đà Lạt, Tân thầm ấp ủ tình yêu Phượng mặc dầu Tân thấy rõ tầm tay của chàng quá ngắn. Hơn thế nữa, hồi đó Phượng còn có Minh ở bên cạnh. Nhiều lần, Phi xúi Tân viết thư thăm Phượng, nhưng Tân không dám, Phi chờ cả hai tháng sau, nhân dịp Tết Âm Lịch. Tân mới dám gởi cho Phượng một cách thiệp chúc Tết và sau đó Tân được Phượng trả lời.
Có thể nói chỉ vì yêu Phượng, Tân đã thay đổi nhiều, từ cách đối xử với bè bạn cho tới việc học tập ở trường. Chỉ cần một chút lơ là, Tân có thể rớt ở kỳ thi mãn khóa. Tân đậu vừa đủ điểm trung bình. Tân đã cố gắng để ít nhất có cái bề ngoài không thua sút và Tân hy vọng cái bề ngoài đó sẽ tạo cho chàng một tư thế vững vàng đủ để đánh tan cái mặc cảm “tầm tay quá ngắn”. Nhưng... cho đến bây giờ, ngay cái giờ phút này ngồi trước mặt Phượng, Tân vẫn không xóa bỏ được mặc cảm tủi buồn đó, Tân vẫn nhút nhát như thường lệ. Chàng mừng rằng đã nói được mấy câu thật đàng hoàng với Phượng. Mấy câu đó và thái độ trang nghiêm đó, Tân đã phải sắp xếp từ tối hôm qua.
Nói được mấy câu đó rồi Tân lại ngồi im. Phượng cũng ngồi im. Hai người không biết phải nói chuyện gì với nhau. Tân không kiếm được chuyện và Phượng cũng không hơn gì Tân. Gần như không bao giờ Phượng chịu chú ý đến Tân cả.
Một lát sau Tân mới hỏi:
- Phi đã về đây chưa?
- Anh ấy về từ ba bốn hôm nay.
- Đâu rồi? Đi chưa.
- Anh ấy vừa ở đây xong.
Tiếng Phi cười khanh khách trước khuôn cửa:
- Tao đây. Sao tới hôm nay mới về?
- Mình đi hành quân, tối hôm qua mới được đọc báo Saigon.
Loan cũng đã theo Phi vào đến nơi. Tân lúng túng đứng dậy chào Loan. Nụ cười của Loan thật hiền:
- Độ rầy anh béo trắng ra.
Phi cười nói đùa:
- Tại nó mới được lãnh lương Thiếu úy.
Tân gật đầu phụ hoạ:
- Có lẽ vậy.
Phượng mỉm cười, nụ cười nhạt nhẽo như chỉ cười cho có lệ, vì phép lịch sự nhiều hơn là sự hòa đồng trong câu chuyện:
Tân quay sang hỏi Phi:
- Hồi này ở đâu?
- Vùng biên giới Việt Miên
- Tây Ninh à?
- Quanh quẩn mấy tỉnh gần đó. Còn mày?
- Vẫn trấn đóng mấy tỉnh miền Hậu Giang. Hành quân liên miên, không kể ngày đêm, không có ngày lễ, thứ bảy và chủ nhật như hồi còn ở trong trường. Bây giờ nghĩ đến những ngày ở trường tuy cực một tí nhưng sướng hơn nhiều thứ. Nhớ quá hả mày. Noel năm nay tao phải cố xoay một cái phép trở lại Đà Lạt.
Phi cười, quay lại nói với Loan và Phượng:
- Hồi còn ở trường võ bị, thằng này nó thường nói với tôi thà là ra đơn vị đi uýnh giặc còn sướng hơn cứ nằm lỳ mãi dưới trường này mòn cả người đi. Bây giờ được ra đơn vị, nó lại nói ngược lại.
Loan cười, bênh vực Tân:
- Loan cho đó là tâm trạng chung của các anh. Anh chẳng từng có cái mâu thuẫn đó là gì!
Phi cười tỏ vẻ thú nhận. Tân thấy Loan thật dễ thương, bao giờ Loan cũng tỏ ra thân thiện với Tân và bên vực Tân trong mọi trường hợp. Tân nhớ có lần Loan kể lại cho chàng nghe về chuyện của Phượng và Minh. Loan ghế Minh cay đắng.
Loan đã cho rằng Minh không xứng đáng bởi bản tính ích kỷ, nịnh nọt của Minh làm mất tư cách của chính Minh và gây ảnh hưởng không tốt cho những người xung quanh. Loan kể là Phượng có cảm tình nhiều với Minh có thể đưa đến một chuyện tình, nhưng vì một vụ xích mích nhỏ, hai người không gặp nhau nữa và Minh về ngoài miền Trung cưới vợ. Từ đó hy vọng của Tân về Phượng càng có nhiều cơ hội sáng tỏ. Tân đã nghĩ đến cách nhờ Loan giúp đỡ, nhưng chàng thấy ngượng ngùng và từ đó đến nay Tân vẫn không dám mở lời.
Tuy vậy Tân cũng thầm hiểu là Loan đã nhìn rõ tâm trạng chàng. Có một điều khiến Tân băn khoăn hơn hết là có thật Loan có cảm tình với chàng hay đó chỉ là một tình thương hại, thương hại vì nàng biết rõ cả những mặc cảm ray rứt Tân từ ngày quen biết cho tới nay. Sở dĩ Loan có thể biết rõ như vậy là vì Phi đã nói với Loan tất cả những chuyện của chàng. Tân nghĩ thầm như vậy, chàng nhìn Loan đăm đăm để dò xét, nhưng lần nào cũng vậy, khuôn mặt Loan hiền lành, vô tư, thân mật một cách tự nhiên khiến Tân không dám nghi ngờ gì thêm nữa cả.
Tân liếc nhanh về phía Phượng. Đôi mắt Phượng thờ ơ, khuôn mặt Phượng bình thản hầu như không hề chú ý gì đến câu chuyện của mọi người. Thái độ ấy cho Tân cái cảm tưởng là Phượng lạnh lùng với chàng. Phượng cố tìm cách lẩn tránh chàng. Tân ra về bằng bao nhiêu náo nức thì bây giờ Tân nhận đủ bằng ấy tủi buồn. Sự đau đớn ngấm ngầm vò xé tâm tư Tân đến tê buốt. Chàng nghiêng tới hỏi Phi:
- Mày đi đâu bây giờ không?
- Có. Chín giờ tao có hẹn với Điền.
- Tao có thể tháp tùng được chứ?
- Tất nhiên rồi. Hẹn nhau ở đâu?
- Tùy mày.
- Brodard đi.
- Ô kê! Chín giờ đúng nhé?
Nói rồi Tân đứng dậy, chàng cố tạo một vẻ mặt trịnh trọng nói với Loan và Phượng:
- Tôi đến chia buồn... Sáng sớm mai tôi phải đi rồi. Xin lỗi tôi đã về muộn.
Phượng ngước nhanh lên nhìn Tân. Nàng hỏi mau:
- Anh đi à?
Tân gật đầu rất nhẹ. Chỉ cần một câu hỏi có vẻ hốt hoảng của Phượng đủ làm lòng Tân ấm lại, bao nhiêu giận hờn tiêu tan hết cả. Chàng lại ân hận vì sự ra đi quá sớm của mình, đáng lẽ chàng có thể ngồi lại nói chuyện thêm với mọi người chừng một tiếng đồng hồ nữa và nếu có thể được thì chàng sẽ thức luôn tới năm giờ sáng mai ra phi trường đi luôn. Nhưng đã lỡ rồi, Tân đành đi ra cửa, chàng dặn lại với Phi:
- Tao về thay quần áo, chút nữa gặp.
Phi và Loan đứng dậy tiễn Tân. Loan nói:
- Thỉnh thoảng nhớ viết thư về cho chúng tôi anh Tân nhé. Từ hôm anh ra đơn vị là đi biền biệt không có tin tức gì cả.
Phượng cũng đứng dậy đi theo Phi và Loan tiễn Tân ra đến tận cổng. Tân mỉm cười, liếc nhanh về phía Phượng:
- Thỉnh thoảng muốn thư về, nhưng... không biết viết như vậy... có ai nhận không và liệu có được trả lời không? Vì nghĩ vậy nên không dám viết.
Loan cũng nhìn Phượng mỉm cười. Nàng biết Phượng không trả lời nên nàng nói với Tân:
- Cứ viết đi, anh viết cho ai thì người đó cũng có một bổn phận tối thiểu là phải trả lời.
Bóng Tân khuất vào trong lòng chiếc taxi bốn ngựa. Phượng nhìn theo không nói một câu. Tự trong thâm tâm Phượng, nàng thấy thương Tân vô cùng. Nàng cúi đầu xoay nhanh người lầm lũi đi vào trong nhà.
Phi thở dài, nói nhỏ:
- Thằng bé đáng thương thật.
Loan nhìn nghiêng lên:
- Bao giờ anh ấy cũng lầm lì, nhưng sự lầm lì của anh ấy cho người ta cái cảm tưởng là gan góc, bướng bỉnh một cách dễ thương.
Phượng nghe thấy hết, nhưng sự thật nàng không biết nên buồn hay nên vui. Nàng biết Tân yêu mình, nàng cũng cảm động vì tình yêu chân thành câm nín đó của Tân, song nàng thấy rõ không thể yêu Tân được. Ở bên Tân, nàng có cái tự phụ riêng biệt không thể nói thành lời. Bởi mặc cảm tự ti của Tân đã đẩy Phượng tới mặc cảm tự tôn hay là sự thật Phượng nhìn rõ con người Tân, chính Phượng cũng không rõ. Nàng chỉ thấy cảm động vì thương Tân mà không hề thấy xúc động khi ở bên Tân.
Phượng thở dài nhè nhẹ, bước vào trong khuôn ánh sáng hình chữ nhật lệch trên hành lang.
Loan và Phi cũng đã vào tới nơi.
Tiếng Loan vẳng lên:
- Chút nữa anh đi chơi với anh Điền à!
- Ừ, bọn anh hẹn nhau hôm qua.
- Lát nữa anh Điền tới đây phải không?
Phi gật nhẹ:
- Nó đi “bay chiều hôm qua”, chiều nay chắc nó về rồi, lâu lâu mới gặp lại nó.
Phượng ngước nhìn Phi nàng thấy bộ mặt Phi vẫn nhơn nhơn. Nàng hiểu ngay là Phi không biết tâm trạng Loan lúc này. Hỏi như vậy là Loan đang ghen. Loan không muốn Phi đi chơi. Nhất là đi với Điền. Đã có lần Loan nói với Phượng: “Ông Phi đi chơi với ông Điền hoài đến hư mất thôi”. Phượng cũng thấy là Điền hư thật, nhưng nàng vẫn có cảm tình với Điền từ lối giao thiệp đến lối ăn chơi. Lúc nào Điền cũng tỏ hào hoa tuy là hơi xạo. Phượng muốn bênh vực Điền một chút nhưng nàng ngượng ngập thế nào nên lại thôi. Loan nói, nàng chỉ ầm ừ cho qua chuyện. Nàng đang theo dõi từng nét biến chuyển trên mặt Loan và Phi, nàng tủm tỉm cười quay đi.
Trong khi đó Loan hỏi tiếp:
- Các anh lại đến Paradise phải không?
- Chưa biết.
- Lại còn chưa biết, anh khéo vờ. Có cô Liên làm ở đó, cô Hoa, cô Thủy, cô Lan... đều là bạn hoặc là người yêu cũ của các anh.
Bây giờ thì Phi hiểu ngay là Loan ghen. Bỗng dưng Phi sợ sự ghen tuông đó. Chàng thấy cần phải tỏ một thái độ để Loan hiểu rằng không bao giờ chàng muốn cho Loan được quyền ghen tuông như vậy nữa. Phi muốn đóng trọn nhiệm vụ một người anh, lúc nào cũng được hồn nhiên vô tư săn sóc đến Loan và Phượng như em gái. Chính vì Phi cũng không rõ chàng có yêu Loan hay không, chàng chỉ thấy phải đối xử với Loan như vậy là một sự cố gắng hợp lý. Vì sợ dư luận hay là sợ tầm thường Phi không cần biết. Chàng chỉ thấy cần phải làm như vậy. Chàng nhìn Loan rồi mỉm cười thú nhận:
- Có lẽ nói em đúng. Chơi ở đâu quen đó, không muốn đi chỗ khác nữa.
Câu trả lời của Phi khiến Phượng tròn xoe mắt lên. Loan thì lặng người ngồi im, Phượng biết là Loan đau lắm, nàng nhìn Phi với một vẻ oán trách, tiếng nàng thoát lên:
- Các anh đều như vậy cả.
Phi hiểu Phượng muốn nói gì song chàng làm bộ ngây thơ, trả lời phăng phăng:
- Như vậy nghĩa là thế nào?
- Anh hiểu lấy.
Tiếng Phi cười giòn:
- Lâu lâu anh mới được về Saigon một lần, các cô cũng phải cho anh đi chơi chứ cứ nằm nhà mãi sao. Mai anh đi rồi.
Tiếng Loan đầy buồn chán:
- Không ai có quyền cấm đoán các anh.
Phi vẫn cười:
- Người ta cấm đoán bằng nhiều hình thức.
- Nhưng nếu anh không muốn thì không hình thức nào có giá trị cả.
- Nếu vậy anh phải ở nhà?
Loan đứng dậy:
- Tùy ý anh.
Rồi nàng đi thẳng vào trong phòng. Phi chợt thấy xót xa, chàng nhìn theo cáo bóng dáng gầy guộc đó của Loan khuất sau tấm rèm cửa.
Đôi mắt Phượng long lanh như chế diễu, tiếng nàng nhí nhảnh:
- Thật ra chị Loan chỉ không muốn anh đi chơi với anh Điền. Anh Điền làm sao mà chị Loan ghét anh ấy thế không biết.
Phi cúi đầu, chàng nhớ đến một vài lần chàng đã vui miệng kể với Loan chuyện của Điền. Từ ngày mất Mộng Trinh Điền chuyển sang ngành không quân và sau khi đi ngoại quốc về. Điền không thể gặp được người con gái nào vừa ý. Điền đã coi Mộng Trinh như thần tượng để rồi khi thần tượng mất đi, người con gái nào đối với Điền cũng tầm thường cả. Điền, đã từng yêu rồi chán ngay người con gái không đầy một tháng. Sau đó Điền chỉ lợi dụng mà không có tình yêu. Thủy hay Hoa hay Lan đều như nhau.
Những người con gái như Loan không bao giờ chấp nhận được tình yêu đó, dù có hiểu Điền hay không Loan không tha thứ được, và nhất là ngồi nói chuyện với Loan, Điền cũng rất tình, chàng coi như người thân và nói tất cả những câu đáng lẽ không nên nói. Đôi khi Phi cũng “nhột” vì lời lẽ của Điền. Chàng biết rõ, đàn bà đối với Điền lúc này thật là tầm thường. Điền tán đấy để rồi quên ngay đấy, Điền bất cần, ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. Bởi Phi là bạn của Điền, Phi hiểu Điền nên chàng chấp nhận thái độ đó, chàng dửng dưng trước mọi cuộc tình duyên lặt vặt và lối nói chuyện của Điền. Song Loan thì nhất định không bao giờ nàng chấp nhận được. Đó là một lẽ giản dị. Vì nghĩ như thế nên bây giờ Phi muốn tỏ ra thân với Điền hơn là lối chơi của chàng cũng chẳng khác gì Điền làm cho Loan chán chàng Loan ghê sợ chàng và giữa chàng và Loan chỉ còn lại một tình thân giữa những người một trong gia đình không hơn không kém.
Nhưng ý định đó của Phi chỉ lóe lên rồi lại tắt ngấm. Phi sợ rằng làm như vậy Loan sẽ khinh chàng. Loan sẽ xa lánh chàng không bao giờ chàng còn có thể làm tròn dự định một người anh lo lấy cho các em. Phi không có em gái và chưa từng lo lắng cho ai nên bây giờ chàng thấy cái nhiệm vụ đó có vẻ đầy thú vị, đầy quan trọng.
Chàng ngồi im, thả khói thuốc lên không.
Tiếng Phượng láu lỉnh:
- Anh Điền mê cô nào ở Paradise hả anh?
- Nó mê hết, thằng đó thì ai mà chẳng mê, nhưng kết luận nó chẳng mê ai được.
Phượng cười:
- Đàn ông các anh tham lắm.
Phi đứng dậy:
- Cũng chưa hẳn là tham. Đôi khi cũng vì những lý do khác.
Nói như vậy, Phi có ý muốn nói đến cả trường hợp của chàng hiện tại, chàng muốn nói với Phượng rằng nếu chàng có mê ai đi chăng nữa cũng không phải vì chàng “tham” mà chàng thấy giữa chàng và Loan hiện tại không thể... tiến xa hơn trong vấn đề tình cảm được nữa.
Nhưng Phượng không thể hiểu được như vậy, nàng chỉ hiểu là Phi đang nói tới Điền và nàng muốn tìm hiểu trường hợp của Điền. Nàng lựa lời hỏi khéo Phi:
- Em thấy các anh chỉ cố tìm lý do để che đậy mà thôi chứ thật ra không có trường hợp nào như vậy cả. Tỷ dụ như anh Điền, nếu không tham thì vì lý do gì anh ấy lại... lung tung như vậy?
Phi dụi mẩu thuốc vào chiếc gạt tàn, chàng nhìn Phượng để dò xét bởi chàng vừa thoáng nhận thấy trong giọng nói của Phượng có một vẻ gì gần như không được tự nhiên. Hơn thế nữa, đây là lần thứ ba hay thứ tư gì đó, những lúc có riêng chàng và Phượng, Phượng thường hay tìm cách nói về Điền. Như vậy có phải là một bằng chứng để có thể kết luận rằng Phượng bắt đầu yêu Điền hay không? Nói là yêu có lẽ hơi sớm, có thể nói là Phượng đã chú ý đến Điền và... thích Điền mà thôi. So sánh giữa Điền và Tân, ở cái bề ngoài Phi cũng phải nhận là Điền có nhiều ưu thế với Phượng hơn Tân. Điền đẹp trai hơn, lịch sự hơn, và tỏ ra hào hoa hơn Tân nhiều. Phi mỉm cười một mình với ý nghĩ đó. Chàng trả lời câu hỏi của Phượng:
- Em chưa thể hiểu tâm trạng của những thằng con trai khi đã mang nặng một vết thương trong lòng. Nhiều lúc nó muốn say mê mà không say mê được, đó là một điều khổ tâm vô cùng, đừng tưởng lung tung như vậy mà sướng đâu. Những thằng con trai ba mươi tuổi như Điền có nhiều tâm trạng phức tạp lắm. Nó muốn say mê nhưng rồi lại ngại, lại tốn thì giờ vô ích.
Nói đến đây Phi ngừng lại, chàng chỉ cẩn thận nhìn thoáng qua song chàng cũng hiểu rằng Phượng đang chăm chú theo dõi chàng - nhưng thực ra là theo dõi tâm trạng Điền chứ không phải Phi - Chàng bỗng thấy thương hại Phượng lo sợ dùm cho Phượng. Chàng có cảm tưởng như Phượng sẽ trở nên một con thiêu thân khờ dại lao mình vào lửa đỏ chỉ biết đốt cháy những đôi cánh phấn nhởn nhơ. Đối với Phượng Điền và Tân là hai thái cực. Tân càng si mê thận trọng bao nhiêu thì Điền tỉnh táo và coi thường Phượng bấy nhiêu. Đã có lần Điền nói với Phi về Phượng:
- Con nhỏ xinh đẹp ranh mãnh và “vô tội”, nó không khoái cái “típ” thằng Tân là phải, nhưng rồi nó sẽ gặp một thằng thua cả thằng Tân về tình yêu, như tao chẳng hạn, không còn biết yêu là gì, chỉ biết “đến” rồi “đi”. Tao ghét loại “con nhà lành” nhũng nhẵng phách lối. Muốn làm chúng nó hết nhũng nhẵng chỉ có cách đó.
Bây giờ nhìn vẻ mặt Phượng theo dõi câu chuyện về Điền một cách chăm chú, Phi chợt thấy mỉa mai. Phượng là thứ người ưa chuộng hình thức, thích một cái nhãn hiệu đẹp hơn là phẩm chất. Phi tung ra một câu dò hỏi quanh co:
- Loan ghét Điền vì cho rằng Điền không đứng đắn phải không?
Phượng cười nhẹ:
- Có lẽ vậy, em không biết rõ. Em chỉ đoán chừng vậy thôi.
- Biết thế nào là đứng đắn hay không, khó định nghĩa quá, phải không em?
- Em cũng nghĩ thế.
- Tại sao?
Bị hỏi một câu vẻ máy móc bất ngờ, Phượng chớp mau mắt rồi lắc đầu:
- Không biết.
- Có phải em nghĩ rằng Điền chưa gặp được người yêu nó “lăng nhăng” như vậy, chứ nếu khi đã gặp người yêu thì... nó sẽ không được phép như vậy nữa?
Đôi mắt Phượng bắt gặp cái nhì soi mói của Phi, nàng vội vàng quay đi, tiếng nàng thoảng nhanh:
- Có lẽ vậy... nhưng em... không biết nữa.
Phi cười thành tiếng ngắn, gót giầy chàng lạo xạo trên nền gạch hoa, một vài giây sau giọng chàng dằn xuống rõ rệt từng tiếng:
- Anh nhớ đến một người con gái yêu Điền. Người đó trẻ, đẹp, đầy tự phụ, hoa khôi của một dancing nổi tiếng nhất Saigon. Một lần nói chuyện với anh, người đó cũng nói là khi Điền ngả vào tay em thì không tìm thấy lối ra, không gặp tình yêu anh ấy cũng sẽ phải gặp. Nhưng câu nói tự phụ, kiêu ngạo đó tắt ngay sau một tháng trời ân ái. Điền đã nhìn thấy lối ra ngay từ khi bước vào mà không hề gặp mặt tình yêu. Chính Điền cũng nói là thoạt tiên thì nó tưởng nó yêu người đó, nhưng trong vài tuần nó thấy không ai bằng Mộng Trinh cả, nó chán.
- Mộng Trinh là người nào hả anh? Em nghe anh và anh Điền nói hoài mà không hiểu cô Mộng Trinh ghê gớm đến thế nào?
- Không phải là một cô mà phải kêu là một bà mới đúng. Người đàn bà đó sống như một Ava-Gardner, mang thể xác và tâm trạng của một bà hoàng trẻ đẹp, buồn chán nhưng biết đam mê cuồng nhiệt. Có thể nói người đàn bà đó khiến tất cả đàn ông phải thèm thuồng, người đàn ông nào được yêu cũng phải coi như một vinh dự cực lớn trong đời mình. Người đàn bà đó còn có một ưu điểm là dứt bỏ một cách tàn nhẫn không thèm nhìn lại. Nhưng đôi khi tìm đến vì một lý do nào đó rồi lại thản nhiên bỏ đi. Mỗi lần đến là một lần gây sống gió và mỗi lần đi là mỗi lần gây đau đớn kinh hoàng cho người đàn ông. Vì thế mà đàn ông không thể quên nàng được, không bao giờ quên được.
Phượng ngả người ra nệm ghế, nàng thấy trước mắt nàng hiện ra hình ảnh Ava Gardner khỏa thân, mái tóc xõa ướt trong cơn gió lốc... Nàng lắc đầu:
- Anh nói làm em ghê người. Mẫu người yêu của các anh là như vậy đó phải không?
Phi dừng lại, dựa lưng vào tường, chàng biết là chàng đã thắng, chàng đã gây được cho Phượng ít nhất một chút đề phòng, thận trọng hơn nữa về Điền và cho Phượng thấy rõ nhược điểm của nàng trước mắt Điền. Chàng lắc đầu:
- Không phải là một mẫu người yêu mà phải nói là một người yêu vượt khỏi cả niềm mong ước của mình mới đúng. Người được yêu là một diễm phúc mà cũng là một tai họa. Tai họa vì không thể quên được
Đôi mắt Phượng hơi mờ đi, nàng thở dài. Có thể là một tiếng thở dài đầu hàng. Phi giơ tay xem đồng hồ rồi lật đật nói với Phượng:
- Thôi anh đi kẻo chúng nó đợi. Gửi lời chào Loan nhé.
- Chị ấy giận anh, anh nên vào nói với chị ấy một tiếng thì hơn.
Lừng khừng một chút rồi Phi đi vào nhà trong. Chàng thấy Phượng đương nhiên coi chàng như “thuộc hẳn về Loan rồi” nên mới có giọng nói ấy. Chàng bỗng thấy ngần ngại vì đó mới chính là vấn đề nan giải nhất. Nếu chỉ có giữa chàng và Loan “hiểu ngầm” với nhau là có thể tiến tới tình yêu thì không sao, thêm một người thứ ba đinh ninh là họ đã có tình ý gì với nhau, tới lúc gỡ ra mới thật là khó Phi có cảm tưởng như mình bị mắc kẹt trong một tấm lưới tuy mỏng manh nhưng bền chắc vô cùng. Chàng dừng lại trước khuôn cửa phòng tối. Bộ quần áo trắng của Loan mờ mờ phản chiếu vào chiếc tủ gương lớn. Phi nói vọng vào:
- Anh đi Loan nhé.
Loan nằm im trên giường nửa muốn trả lời nửa giận hờn không muốn lên tiếng. Nhưng chỉ vài giây sau, Loan trở dậy, tiếng nàng nghẹn lại:
- Anh đi à?
- Ừ, gần chín giờ rồi.
- Sáng mai trước khi đi về đơn vị, thế nào cũng ghé qua đây nhé?
Phi ngần ngại một chút rồi cười ngượng:
- Mai anh đi sớm lắm.
- Mấy giờ?
- Năm giờ sáng anh phải có mặt ở phi trường rồi.
Tiếng Loan thở dài rất nhẹ, Phi định xoay mình bỏ đi. Nhưng Loan đã giữ chàng lại:
- Tối nay anh nên về sớm.
- Ừ, anh về sớm.
- Anh hứa với Loan nhé?
- Anh hứa.
Loan lắc đầu:
- Sao em nghi anh quá, anh hứa đấy để rồi vẫn đi suốt sáng như anh thường đi.
Phi mỉm cười:
- Lần này anh cố nghe theo lời em.
Loan đưa Phi ra nhà ngoài, Phượng vẫn ngồi im trên chiếc ghế cũ, Phi nghĩ là Phượng vẫn còn đang suy ngẫm câu chuyện về Điền mà chàng vừa nói. Phi thành thật mong rằng Phượng thất vọng về Điền, sớm phút nào hay phút ấy. Phi mỉm cười nói với Phượng:
- Sáng mai Tân nó cũng đi rồi, em có gửi gì cho nó không?
Phượng dửng dưng:
- Gửi lời chào.
- Có thế thôi à.
- Anh còn muốn gì thêm nữa!
Phi nửa đùa nửa thật:
- Cô vô tình lắm, cô không biết là thằng Tân nó có cảm tình nhiều với cô sao?
Loan xen vào:
- Biết chứ, nhưng nó mắc cỡ đời nào nó nói với anh.
Phượng cười buồn:
- Rất tiếc, đối với anh Tân em không hề thấy mắc cỡ bao giờ cả. Chỉ thấy anh ấy mắc cỡ nhiều thôi. Vì em mắc cỡ được cũng là cái may.
- Nếu cô muốn, anh tin là cũng không khó khăn lắm đâu.
Nói rồi Phi cất tiếng cười khanh khách. Bị trêu tức, Phượng bực mình:
- Muốn quá mà... không làm sao thương được.
Loan lắc đầu:
- Thôi, anh đừng trêu nó nữa, con nhỏ này hay nổi sùng lắm. Anh cho Loan gửi lời chào và cảm ơn anh Tân, bao giờ anh Tân về cứ đến chơi.
Phượng hậm hực:
- Chị Loan có vẻ săn sóc đến anh Tân nhiều nhỉ. Anh cứ nói với anh Tân hộ là chị Loan nhắn nhé.
Loan quắc mắt nhìn Phượng:
- Ăn nói hay nhỉ?
- Ừ, em nói thế đấy.
Phi cười, chàng biết rằng hai chị em Loan có thể đi đến chỗ cãi vã nhau suốt đêm nay vì một chuyện vẩn vơ, chàng bỗng thấy thương hại cả hai người con gái mồ côi này hơn bao giờ hết. Chàng giản hòa:
- Thôi, anh không nói gì nữa là huề cả làng.
Phượng ngấm nguẩy đi xuống nhà dưới, Loan tủi thân thở dài giấu mặt trong bóng tối. Phi tưởng Loan có thể khóc. Ngập ngừng một chút, chàng nói nhỏ:
- Ông cụ mất rồi, Phượng thì còn dại, anh thấy Loan cần nhiều nghị lực để vượt qua tất cả. Một chuyện cỏn con không đâu cũng buồn cũng tủi thì chống đỡ sao được với bao nhiêu biến chuyển khác nữa. Cuộc sống của chúng mình bây giờ không phẳng lặng giản dị đâu.
Tiếng nói của Phi thật thắm thiết càng khiến Loan bùi ngùi. Nàng cố nhịn khóc mà không được, nàng ôm mặt bật lên những tiếng nấc nghẹn ngào.
Phi đứng lắng rồi lắc đầu bỏ đi. Tiếng nấc và hình ảnh hai chị em Loan đuổi theo Phi ra tận đường phố. Ra khỏi căn nhà Loan, Phi thấy người như nhẹ đi. Một cảm giác kỳ lạ nửa như mất mát, nửa như thương xót ập đến thật mau.
Phi đi dọc theo những bờ tường hoa của khu biệt thự như một kẻ tội lỗi cúi đầu đi trong sám hối. Phi thấy thương tất cả từ Trung tá Lạc cặm cụi suốt đời cho quân ngũ, cho con cái, để rồi bỏ đi mà vẫn còn nhiều dang dở, cho đến Loan đến Phượng, đến Tân đến Điền và ngay chính cả chàng nữa. Nỗi buồn đau từ tứ phía len lén dồn đến, trong một khoảng khắc Phi thấy khung trời này đầy sương mù. Chàng mang cái buồn nản chán chường đến độ cho rằng mình vô lý. Chàng đứng lặng giữa ngã tư. Năm bảy chiếc taxi chạy ngang rồi mà chàng cũng không muốn đưa tay lên vẫy.
Mãi hơn chín giờ Phi mới ra tới chỗ hẹn. Điền và Tân có vẻ sốt ruột lắm rồi nên khi thấy chàng đến hai cặp mắt cùng sáng rực lên. Tiếng Điền láo lỉnh:
- Tôi tưởng cậu bị bắt cóc rồi chứ. Những thằng lương thiện như cậu dễ chết vì đàn bà, dễ bị đàn bà bắt nạt. Các em không cho đi chơi, đố cậu dám đi.
Tân cũng hùa vào:
- Lúc ở đấy ra đây tôi đã nghĩ ngay rằng thằng Phi khó mà rứt áo ra đi được, “địch quân” bám sát từng thước đất, sống thế nào đựợc.
Phi chỉ mỉm cười:
- Thấy hai đứa ở nhà thui thủi tội nghiệp. Hai chị em còn gây gổ với nhau, đi không đành.
Điền cười ha hả:
- Tâm hồn chúng mày mềm như sợi bún đụng đũa cũng quằn, chạm đâu cũng dính, tới lúc chết vẫn chết nát bét như sợi bún, không có gì hơn cả. Sáng nay tao xuýt “tịch” ở Cà Mau. Máy bay tao vừa cất cánh, chúng bắn như mưa bấc. Nếu tao có chết, tao sẽ chết nát bét như vậy, nát như một thanh sắt chứ không thể như một sợi bún.
Phi nhún vai:
- Chưa biết chừng những thằng nhào lộn trên nền trời như một thiên thần lại không được chết như một thiên thần dũng cảm...
Tân xía vô:
- Sẽ chết “trên lưng ngực”?
Điền khoái chi cười ha hả:
- Thằng đàn ông nhất là thằng quân nhân như tao, chỉ có hai cách chết như vậy. Cách nào cũng được cả, cách nào cũng là anh hùng, tao thành thật nghĩ như vậy.
Phi lắc đầu mỉm cười. Dù sao đối với Điền, Phi vẫn còn một chút nể sợ, bởi vì dù sao Điền cũng đã có thời gian chỉ huy chàng. Cũng như một Thiếu úy cùng với Phi một đơn vị bây giờ, mặc dầu hai người cùng lãnh một nhiệm vụ ngang nhau nhưng Phi vẫn kính nể bởi Thiếu úy đó đã có thời kỳ dạy Phi trong trường Võ Bị. Trong quân ngũ không có một luật lệ nào bắt buộc một sĩ quan khác tương đương với mình, nhưng luật lệ vô hình của cuộc sống quân ngũ của lẽ sống đồng đội đã tạo nên trạng thái tâm lý thông thường đó. Phi đã từng chứng kiến cảnh một sĩ quan cấp tá bao giờ cũng kính trọng một sĩ quan cấp úy bởi người đó là thầy dạy mình, người sĩ quan ở lại trường, người sinh viên tốt nghiệp ra đi để rồi vì chiến công vì những lý do khác - có thể là lý do không mấy đẹp đẽ hoặc may mắn - đã đưa người sinh viên sĩ quan trở thành một sĩ quan cao cấp. Sự kiện đó người ta thấy nhan nhản trong quân ngũ cũng như ngoài cuộc sống, nhưng thật ra ngoài cuộc đời, dù sao cũng có nhiều trường hợp hữu lý hơn. Phi không muốn nghĩ đến những phi lý đến trắng trợn bởi quân đội mình còn nhiều phức tạp, còn phải cải thiện nhiều hơn nữa (Quân đội trong những năm dưới thời “Ngô triều Trần thị”)
Phi yên lặng nhấm nháp ly cà phê kem nóng hổi. Ngoài đường, ban đêm Saigon bắt đầu. Những chiếc xe Huê Kỳ, những thân hình nhễ nhại những bộ mặt dục vọng, những đèn xanh đèn đỏ chớp lóe làm người ta quên hết chiến tranh, Saigon không hề có chiến tranh, chỉ có người đi và kể về với chiến tranh.
Tiếng hát từ phòng trà trước mặt vọng sang, người ta chen chúc nhau trong những thước gạch hoa chật chội đó để tìm một chút lãng quên. Đạo luật cấm khiêu vũ đã biến vũ nữ thành những chiêu đãi viên hay nói một cách khác là những “cô đầu tân thời”. Nhưng kết luận rồi cái xã hội này không lành mạnh thêm được chút nào, có khiêu vũ hay không vẫn vậy. Những con vi trùng vẫn sống và loài người vẫn tìm cách hủy diệt nó để rồi lại tiếp đón nó. Ban đêm Saigon bây giờ sống trong ẩn ức. Người ta biết vậy mà không ai nói ra. Công an mật vụ nhan nhản. Chỉ còn mấy người quân nhân bao giờ cũng phớt tỉnh trước mọi sự việc và khi ở chiến trường về, họ bất chấp tất cả.
Phi, Điền và Tân kéo nhau sang phòng trà. Hòa mình trong cái không khí ồn ào này, họ quên mình trong giây lát, quên rằng ngày mai họ lại ở trên đường chinh chiến và bằng giờ này tối mai có thể họ không còn nữa. Cái chết đến thật tự nhiên và thật im lìm.
Điền gọi ba ly rượu mạnh, chàng hất hàm hỏi Phi và Tân:
- Chúng mày kêu em nào đến nói chuyện cho vui?
Phi nhún vai:
- Liên, dĩ nhiên.
Tân cười:
- Tôi không có ý kiến, đất của tôi trong Chợ Lớn nhưng lâu lắm không vào.
- Vậy để tôi giới thiệu cho cậu con nhỏ này giống hệt em Phượng của cậu. Cũng xinh, cũng ngoan, và đóng kịch ngây thơ thì nhất. Cần báo động cho cậu biết trước là nó ba con rồi đó. Tuy nhiên vẫn có thể dùng đễ tạm quên.
- Em nào vậy.
- Li Li.
Điền vẫy “tài pán” kêu chiêu đãi viên. Nhưng Điền chỉ ngồi nửa chừng rồi đưa người con gái quen thuộc đi mất, bỏ lại Phi và Tân ngồi đó, Phi phải đợi cả giờ đồng hồ sau Liên mới tới được bàn chàng. Gặp Phi, bao giờ Liên cũng mừng rỡ như người được trở lại với quê hương của tuổi ấu thơ. Liên trở lại sống thật với con người mình. Nàng thường nói với Phi:
- Anh vẫn chưa chết?
Hôm nay câu hỏi ấy cũng lại đến, Phi cười:
- Không hiểu tại sao?
- Em luôn luôn thấp thỏm sợ không bao giờ được gặp anh nữa. Anh sắp cưới vợ chưa?
- Sắp, nhưng không biết cưới ai. Hay là cho phép anh sống lại với em như xưa vậy?
Liên biết là Phi nói đùa bởi nàng hiểu một cách rõ rệt và thâm thúy rằng đối với Phi sự ân ái giữa nàng với người khác sau khi đã quen biết chàng là một điều Phi không bao giờ chấp nhận. Phi cố chấp và điều đó như đã trở thành một cái luật sống của Phi bất di bất dịch, Liên nhìn Phi mỉm cười:
- Em có người yêu rồi.
Phi đau điếng, chàng cũng không thể ngờ rằng cho tới bây giờ chàng vẫn còn đau. Tiếng chàng cằn nhằn:
- Đừng bao giờ nói với anh như vậy.
- Em xin lỗi.
Bàn tay Liên nắm chặt bàn tay Phi, bàn tay nàng thật mềm và thật ấm. Cảm giác lần đầu tiên khi nói yêu nhau lại sống dậy trong tâm khảm Phi. Nhưng giá đứng nhìn nhau lúc này, cảm giác sẽ thật hơn, sống hơn. Phi vẫn bị ám ảnh bởi câu nói của Liên, chàng muốn quên mà quên không được, chàng lại hỏi:
- Em có người yêu rồi thật à? Anh mừng cho em. Ai vậy?
Liên hiểu rõ tâm trạng Phi, nàng cười trừ và hỏi sang chuyện khác:
- Bao giờ anh đi?
- Mai, nhưng em chưa trả lời câu hỏi của anh.
- Em nói đùa.
Phi tợp nốt ngụm rượu, chàng biết là Liên nói dối cho chàng bớt buồn - dù là nỗi buồn vô lý - Chàng muốn rời bỏ nơi này, sớm phút nào hay phút ấy, chàng ghé sang Tân:
- Chúng mình sửa soạn về đi.
Tân gật đầu ngoan ngoãn:
- Về thì về.
Liên giữ tay Phi lại:
- Ngồi đây với em, em sẽ nói vơi anh cho tới giờ tan.
Phi lắc đầu:
- Cám ơn em, mai anh phải đi sớm.
- Không, em muốn được ngồi với anh. Em bảo cả Li Li ngồi lại.
Rồi Liên ghé sang phía Li Li thì thầm câu gì nghe không rõ, Li Li gật đầu. Phi sung sướng chấp nhận điều đó và có cảm tưởng mình là ông hoàng được vuốt ve chiều chuộng. Chàng quay sang nhìn Li Li nói lảng:
- Giống Phượng thật hả mày?
Tân gật gù:
- Có lẽ tao cần phải xây dựng với em Li Li một cái tổ ấm. Ít ra cũng quên được... một cái gì.
Li Li cười tỉnh như không:
- Nên lắm.
Phi quay sang ôm Liên trong vòng tay. Tiếng hát của người nữ danh ca nổi danh của Đô Thành vút lên nhọn sắc. Bây giờ người ta ca những bài ca không hồn.
Những ấm ức của Saigon, những đau đớn của thôn xóm bắt đầu nổ tung bằng cuộc biểu tình đẫm máu tại Huế rồi lan tràn vào Saigon, truyền xuống các đô thị. Phong trào tranh đấu, lấy máu đòi tự do cuồn cuộn nổi dậy, trước hết là những tín đồ Phật giáo, sinh viên học sinh lôi kéo tất cả tôn giáo khác vùng lên như thác lũ.
Quân đội bị lợi dụng đưa ra làm cột chèo chống đỡ. Đơn vị Phi đang đi lùng giặc miền biên giới bị điều động về Saigon với danh nghĩa giữ gìn an ninh trật tự cho Đô Thành. Phi nhởn nhơ đưa Trung đội về của chàng Thủ Đô. Thoạt tiên chàng được học tập về đường lối, chế độ chính trị lỗi thời mục nát đã đưa ra những lý luận xảo trá hòng che mắt mọi người. Phi băn khoăn trước những biến chuyển thực tế dồn dập, lý luận không thể che hết những sự kiện thực tế
Nhưng Phi yên lặng bởi một mặt chính bản thân chàng phải tuân theo kỷ luật quân đội, một mặt khác chàng còn nhiệm vụ chỉ huy hơn ba mươi anh em trong Trung đội. Đại tá chỉ huy trưởng của chàng là một chân tay đắc lực của chế độ chính trị hiện tại. Người chỉ huy đó mang theo cả cái tinh thần cuồng tín vào trong đơn vị này. Người ta không nhìn thấy “Quốc Gia” mà chỉ nhìn thấy “chế độ”. Cái hư hỏng bắt nguồn từ đó. Tình hình ấy khiến Phi hoang mang. Ngoại trừ một số rất ít anh em sốc nổi bị ảnh hưởng của vị Đại tá chỉ huy trưởng trong ý thức bè phái cuồng tín. Còn lại những người khác cũng hoang mang không khác gì Phi. Tâm trạng họ nặng trĩu như nhau. Họ trở nên lầm lì ít nói, dè dặt với người xung quanh.