Ðạo Ca và Thiền Ca, hai tựa đề có tính cách song song nhưng không đồng nhất, được sáng tác trong hai bối cảnh dị biệt, cách nhau hai mươi năm. Với hai Phạm Duy khác nhau. Cả hai đều đi ra ngoài hành trình âm nhạc đại chúng của Phạm Duy. Không có những yếu tố cận nhân tình như: quê hương, ca dao, dân tộc... Ðạo Ca mở đường và Thiền Ca kết thúc cuộc hành trình tìm đạo của một kẻ ngoại đạo. Trong vòng tử sinh của kiếp người (trầm trong bể khổ), Ðạo Ca cất lời mầu nhiệm thiết tha, đưa ta vào chặng đầu của giáo lý nhà Phật. Nhạc Phạm Duy, thơ Phạm Thiên Thư, giọng hát thiên sứ Thái Thanh hướng dẫn "chúng sinh" -từ cõi vô minh- lắng nghe số kiếp trầm luân của chính mình mà vượt trùng luân hồi, tìm về bến giác:
Xưa em là kiếp chim, chết mục trên đường nhỏ Anh là cội băng mai, để tang em, chờ mấy thuở... ..... Mai sau chờ nhau nhé, đầu thai vào kiếp hoa Chốn mây mờ phiêu bạt, chờ đợi chim hót ca...Nhạc Phạm Duy trong Ðạo Ca thanh thoát và thắm thiết như tâm hồn một thiền sư, tuy đã gột rửa "lòng trần" nhưng vẫn còn tha thiết ngoái lại dĩ vãng với luyến tiếc và u hoài. Giọng hát pha lê Thái Thanh cất lên, nguyện cầu, vút cao, thăm thẳm, thánh thiện mà đam mê như muốn hướng dẫn con người cư xử với nhau trong đạo đức và nhân ái:
Thương người như thương mình Thương người như thương thân.Ðạo Ca "phổ nhạc" giáo lý cơ bản và sơ đẳng của nhà Phật. Là Phật pháp hiểu theo nghĩa đại chúng: hành thiện để kiếp sau khá hơn kiếp trước, vì:
Sinh tử vẫn còn đây Ðời này qua đời nọ Tử sinh vẫn còn kia...Phạm Duy và Phạm Thiên Thư dường đã thơ mộng hoá kinh điển nhà Phật: đem tình yêu vào đất Phật. Nhưng hồn của Ðạo Ca mới chỉ là hồn bướm mơ tiên, là tình yêu chưa kịp bước vào vườn địa đàng đã "thoảng nghe tiếng chầy kình" của thiền sư Không Lộ mà giật mình tỉnh ngộ quay về với đạo lý. Tình yêu trong Ðạo Ca là thứ tình nửa chừng xuân: tình yêu diệt dục. Ðạo Ca thuộc về Ðạo, là ý thức muốn giác ngộ, đang tìm đường giác ngộ, nhưng mới đi được nửa đường. Ðạo ca Tâm Xuân kết thúc cuộc hành hương bên bờ nghi vấn:
Mùa xuân có không? Hay là cõi Tâm? Mùa xuân có không? hay là cõi Không?° Thiền Ca, hai mươi năm sau, Phạm Duy phá giới, bước ra ngoài vòng đạo lý, vì đã thấy chính mình. Phạm Duy trong Thiền Ca xác định nội dung giác ngộ, qua ngả tự giác, bằng chính sự sống. Thiền Ca thuộc về đời.Thiền Ca là Sinh Ca, là Tình Ca, xa và cao hơn Ðạo Ca trong triết lý. Thiền Ca thể hiện bến giác cho nên Thiền Ca gần người mà cũng rất xa người. Chặng đường từ Ðạo đến Thiền của Phạm Duy gồm thâu hành trình hơn bảy mươi năm sống và sáng tạo. Thiền Ca tổng kết hành trình ấy, đồng thời xác định phong cách nghệ sĩ của Phạm Duy, một phong cách rất Thiền, rất Ðạo mà lại phản Thiền, ngoại Ðạo. Phản Thiền, bởi vì muốn đạt tới trạng thái thượng đỉnh (giác ngộ, niết bàn, phật tánh...) thì phải sống xa tục lụy, tĩnh tâm, tham thiền nhập định. Con đường tới Thiền tịch lặng, cô đơn. Phong cách sống với, sống vì quần chúng, tác phong trình diễn của Phạm Duy, tự nó, có nội dung sinh động, một tư chất phản Thiền. Tuy phản Thiền nhưng lại rất Thiền vì ba đặc trưng khai phóng nhân sinh của Thiền(1): trực nhận, vô ngôn và vô ngã luôn luôn hiện diện trong Phạm Duy, con người và tác phẩm. ° Âm nhạc là một nghệ thuật dựa trên hai yếu tố căn bản: vô ngôn và trực nhận. Âm nhạc đến hoặc không đến với chúng ta. Chúng ta cảm hoặc không cảm một bản nhạc. Với âm nhạc, không có vấn đề: hiểu hoặc không hiểu. Với âm nhạc không cần lý luận, dẫn giải. Âm nhạc là vô ngôn, là thứ ngôn ngữ thượng từng. Phạm Duy tận dụng hai tính chất trực cảm và vô ngôn của âm nhạc để nói, để sống và để sáng tác trong suốt cuộc đời. Cái học của Phạm Duy dày trường đời hơn trường học. Phạm Duy đạt tới cao độ của nghệ thuật không bằng con đường tri thức, lý luận mà bằng trực cảm: sáng tác chớp nhoáng một bản nhạc trong giây lát, đặt lời cho một bài ca trong vài sát na. Phạm Duy chưa từng khổ công học nhạc trước khi sáng tạo ra những tuyệt phẩm Nương Chiều (1947), Bà Mẹ Gio Linh (1948), Về Miền Trung (1948)... Bản nhạc đầu tay Cô Hái Mơ (1942) đã mang đặc chất Phạm Duy. Và Thiền Ca là sản phẩm làm trong một đêm để xưng tụng người tình. Bản chất Phạm Duy chống lại và khinh thường cái học hàn lâm. Về "cái biết" của mình, Phạm Duy thường nói "tôi học lóm". Ðối với đám "học sĩ", Phạm Duy là người ngoại đạo. Tư chất coi thường sách vở, sáng tác đột xuất, thấy nhanh, không qua trung gian của tư tưởng ấy cũng là một tư chất rất Thiền. Khi Thiền cho rằng tư tưởng là thủ phạm dẫn đến vô minh, thì một cách gián tiếp, Thiền đã nhìn nhận nội dung của giác ngộ là sáng tạo, là tự do tuyệt đối, hai yếu tố cơ bản để mở cửa vào vô cực và vĩnh cữu. Mà cuộc đăng trình đến vô cực ấy, trong Thiền gọi là bến giác, Phạm Duy đã trực nhận từ thuở thiếu thời:
Người đi trên dương gian Thở hơi gió từ ngàn năm Gió lung lay Hoành Sơn Gió dâng cao Biển Ðông Người đi trong thanh xuân Sưởi hương nắng như lửa sống Máu sôi như sắc trời Bước nhanh vượt chân đời ..... Người đi trong không gian Nhịp xe uốn vòng tử sinh Bánh xe tang ngoại ô Chiếc nôi trong vòng hoa Người đi trong nhân gian ..... Người đi nghe xa xăm Mà chưa thấy bồn chồn chân Bước đi trong thời gian Vướng bao nhiêu lòng thương Người đi trong thiên nhiên (Lữ Hành - 1953)
°
Sau này Phạm Duy chọn Lữ Hành làm tín điều (credo) trên đường sáng tác cũng dễ hiểu bởi Lữ Hành "tuyên ngôn" triết lý sống và sáng tạo của Phạm Duy: Tự Do và Trực Cảm. Ðộng lực nào đã khiến Phạm Duy "trực cảm" rằng con người "tự do" có thể đi đến muôn chiều: đi "trên dương gian", đi "trong thanh xuân", đi "trong không gian", đi "trong thiên nhiên"... nghĩa là đi tới vô tận? Và đi bằng gì? Ta đi bằng một sợi tơ (Mộng Du - 1959). Hẳn là tình yêu chứ không phải cái gì khác. Ngoài tính chất giăng mắc, mong manh, tình yêu là lần đầu tiên cái tôi thoạt biết có cái khác tôi (người khác). Cái tôi, cho đến bây giờ, tưởng như bất khả phân. Giờ đây, tự chẻ đôi ra: cùng một lúc vừa xác định cái tôi vừa từ bỏ cái tôi để nhập vào người khác (Suzuki). Nhập như thế nào? Nhập bằng hai nẻo: thể xác và tâm linh. Tình yêu làm cho cái tôi mất đi (vô ngã) trong đối tượng (người mình yêu) và đồng thời cũng đòi quyền chiếm hữu đối tượng đó. Trước tình yêu, cái tôi tỏe ra để rước cái khác vào mình. Cái tôi tan vào trong cái khác. Cái khác kia chính là tự do của con người. Tình yêu là bước đầu của vô ngã. Tình yêu vừa đưa đến tự do, vừa triệt tiêu tự do vì ta đem tự do của mình cho người khác. Mâu thuẫn đó nằm trong những nghịch lý sâu xa nhất của cuộc đời. Những kẻ đa tình, muốn "cho" nhiều lần, thường khôn ngoan lũy tiến đối tượng tự do: "cho rồi xin lại tự do" (Cho Nhau - 1957). Nhưng lũy tiến tự do cũng là một hình thức vĩnh cữu. Cho nên Phạm Duy vừa đa tình vừa chung tình:Dìu nhau sang bên kia thế giới Dìu nhau nương thân ven chín suối Dắt dìu về tới xa vời, đời đời Dìu nhau đưa nhau vào nghìn thu (Thương Tình Ca - 1956)Ý thức vĩnh cữu thiên thu trong lòng này (Lữ Hành) và vô cực "đừng cho không gian đụng thời gian" (Thương Tình Ca) không chỉ thấy trong những bản tình ca mà còn rải rác trong toàn bộ tác phẩm Phạm Duy: bằng ý nhạc mở rộng tới vô cùng trong Chiều Về Trên Sông (1956), bằng ý nhạc và lời ca lồng lộng biển trời trong Viễn Du (1953), trong Mẹ Trùng Dương (1963-64), hoặc đến trong thăm thẳm lòng người như Tâm Ca (1964-65), đến bằng tình yêu truyền kiếp trong Rong Ca (1988). Ý thức vĩnh cửu tựu trung là sự mở rộng cõi lòng "đêm đêm người mở lòng ra" (Mộng Du) để "cho nhau cả bốn trùng dương" (Cho Nhau), để "yêu nhau như lòng đại dương" (Tình Hoài Hương): Phật gọi là tâm, là phật, là giác ngộ, và là nội dung của Thiền. ° Tiếng chuông và tiếng kinh, như Phạm Duy kể lại, là những ấn tượng tình cờ đến với nhạc sĩ từ thuở ấu thời:
"Lúc còn nhỏ, vì mẹ tôi là một Phật tử thuần thành cho nên tôi hay được theo mẹ đi tới các nơi lễ bái nổi tiếng như Chùa Thầy, Chùa Hương, Ðền Sòng Phố Cát. Tôi biết tụng kinh, thuộc làu Kinh Bát Nhã: "Xá lợi tử, Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. Thụ, Tưởng, Hành, Thức diệc phục như thị". Thuộc làu kinh kệ nhưng tôi chẳng hiểu gì hết!"Chính cái chỗ chẳng hiểu gì hết ấy mới là cốt tử, nó triền miên đi vào cõi nhạc Phạm Duy. Vì nếu Phạm Duy "hiểu hết" thì không phải Thiền. Không có Thiền Ca. Dường như, từ bước "đường về thôn xóm buồn teo, xa xa tiếng chuông chùa gieo" ở huyện Gio Linh 1948, tiếng chuông và người mẹ đã gắn liền thành tiếng nội tâm "me ơi, me ơi, chuông chùa nào la đà" gọi từ lòng Người Về (1954) khơi sâu đến Mẹ Trùng Dương, Biển Mẹ (1964), khiến những cuộc gặp gỡ đắm say nhất trong đời tình của Phạm Duy luôn luôn nhuốm mầu đạo lý: Gặp nhau trong kinh cầu một hồi chuông (Tìm Nhau - 1956), bao dung: Tình thương nhân thế bao la (Xuân Thì - 1963) và nhân ái: Thương đời thương lẫn nhau trong chiều (Chiều Về Trên Sông), đôi khi trực tiếp gọi về cửa Phật:
Xa xa có tiếng kinh cầu Chiều trên dương thế mang sầu mênh mông (Xuân Thì)Vậy, cái mà Phạm Duy bảo là "chẳng hiểu gì hết" có thực là "chẳng hiểu" hay chính là "ý thức về đạo"? về lòng nhân ái? về tình người? đã nhập tâm nhạc sĩ từ lúc lọt lòng, tiềm ẩn trong vô thức (ca dao, dân ca... có lẽ cũng xâm nhập Phạm Duy như thế) và mỗi khi có một động lực thúc đẩy, chúng lại bật ra trong sáng tác: Ðạo trong Phạm Duy không do tư tưởng mà ra, cũng không do chủ đích hành Ðạo mà ra. Ðạo trong Phạm Duy từ vô tâm mà ra. Và vô tâm là bản chất sâu xa, là nguyên lý của Thiền. ° Bản chất sống và sáng tác của Phạm Duy, do đó, vừa có chất Thiền vừa phản Thiền. Bản chất đó được cụ thể hóa và âm nhạc hóa trong Thiền Ca. Cái cõi thinh không muôn chiều mà Phạm Duy đã trực cảm trong bài Lữ Hành cách đây 40 năm, phải đến Thiền Ca mới mở ra toàn diện trong cung giai âm nhạc. Bước vào Thiền Ca là một thinh không vô tận, vang trong thanh âm, xin tạm gọi là "gian âm": âm nhạc trong không gian và âm nhạc trong thời gian. Hòa âm của Duy Cường ở đây là một thử nghiệm: "nghiệm âm". Âm nhạc bình thường chỉ là nghệ thuật âm thanh dội lên trong một khoảnh khắc thời gian nhất định. Nhưng ở nghiệm âm này, Duy Cường đã tạo thêm được chiều dày thứ nhì: chiều dày không gian, rồi từ đó biến tiết, tác sinh các chiều khác: dương gian, nhân gian... khiến cõi thinh không của Phạm Duy dày thêm, sâu thêm, biền biệt, trở thành vô cùng vô tận... Cõi thinh không ấy, do đó, không chỉ là một không gian thuần túy mà còn là cõi không sinh động, cõi không "ļi>?ầy ắp sinh trùng", những vi bản của đời sống. Giữa không gian sinh động ấy, giọng Thái Hiền, xuất thần, cất lên, mê hoặc, quyến rũ người nghe ngay từ phút nhập Thiền:
Thinh không Trống trải mênh mông Rộng rãi vô cùng Cao thấp vô lường À a a bỗng Ðầy ắp sinh trùng ...Bản chất Thiền lộ ra rõ hơn khi ý thức "vô ngã" từ từ nhập thinh không âm nhạc: tất cả là tôi mà cũng là chung. Về phần nhạc, Phạm Duy khai phóng một vũ trụ âm thanh mới lạ, khác xa với những tiết điệu "cổ điển". Nghiệm âm của Duy Cường đưa thính giả vào thế giới cuồng quay âm sắc. Cái thinh không đầy ắp sinh trùng ấy phải chăng là một hệ thái dương "đầy ắp" hành tinh cưu mang sự sống? Rồi các "hệ thái dương" ấy cũng chỉ là hư vô, hư ảo:
Nhất nhất trùng trùng Nhưng cũng là không.° Nguyên lý tương đối của cuộc đời kẽo kẹt trong tiếng võng. Tiếng võng xâm nhập tiềm thức chúng ta từ thuở ấu thời. Ðến tuổi hoàng hôn, người nghệ sĩ tóc trắng chợt thấy "cõi tử, cõi sinh, cõi tình, cõi hận, núi đợi, vực chờ, niềm vui, nỗi khổ"... (Thiền Ca 2) nằm gọn trong cấu trúc tiếng võng xa xưa: chao đảo giữa đôi bề tương đối. Nhưng chính cái cảm giác đu đưa ấy cũng chỉ là ngoại tưởng, cập bến giác rồi thì ở đâu, tâm cũng lặng, tâm không đu đưa: Ta nằm đó... nằm im mọi chỗ (Thiền Ca 2). Nhạc sĩ linh cảm và sống những điều đó từ thuở ấu thời, trong tiềm thức, rồi một chiều nằm võng tại Thị Trấn Giữa Ðàng, Phạm Duy thấy tất cả. Ðột xuất và trực ngộ. Thế là Thiền. Không cần giải thích. Những "nhời đang bàn" ở đây chỉ là phù phiếm. Ai chẳng biết tình yêu, khổ đau, cái đẹp... tất cả đều chênh vênh. Nhạc sĩ "hát" cái chênh vênh, để chào hạnh phúc: lúc thấy hạnh phúc thì hưởng, đừng thắc mắc, đừng đòi hỏi, đợi chờ. Hạnh phúc là một loài hoa không tên, không sắc không hương, mà như lòng tôi lộng lẫy thơm lừng tỏa ra bốn hướng (Thiền Ca 3). Nhạc mời gọi, dịu dàng đắm say, mê hoặc. Nhạc tỏa hương và tiếng hát Thái Hiền xoáy vào tâm ta cả "bốn trùng dương" quyến rũ. Nếu tình yêu mở cửa cho Phạm Duy bước vào vô tận từ thuở Lữ Hành thì đến Thiền Ca, bản chất vô ngã của tình yêu mới được Phạm Duy "phổ nhạc". Thiền Ca 5 mang tên Xuân. Xuân là mùa xuân? Xuân là tên một người? Xuân là tình yêu? Làm sao biết được? Nhưng khi hát "người người hung dữ, trừ tôi", chớ tưởng: Tôi là Phạm Duy. Không phải. Tôi đây là Xuân, cái tôi bất định:
Là xuân con bướm hút nhụy xuân tình Là gió xuân hồng, là cơn xuân vũ Là ý thơ nồng trang giấy xuân thư.Phạm Duy giải thích về nhạc lý: "Nhạc ban ngày, mở đầu là những nét roi, nhát chém của cuộc đời. Rồi là những lời vãn ca. Rồi nhạc trở nên mặn mà, tha thiết"... Bản chất vô ngã của tình yêu, hay sự tan loãng của con người trong nhau -"mất đi" trong nhau- băng trinh cất lên qua giọng hát Thái Hiền:
Tôi là tôi, tôi cũng là em Em là tôi, em cũng là anh.Không phải ở đâu và lúc nào ta cũng thấy được những "mất mát trong nhau" đó: Phạm Duy xưng tụng tình yêu từ hơn nửa thế kỷ nay, sáng tác những bản tình ca tha thiết nhất cho nhiều thế hệ yêu đương. Nhưng đến Thiền Ca, Phạm Duy mới thấy, mới đem bản chất vô ngã của tình yêu vào âm nhạc. Sự trực nhận ấy là Thiền. Là bến ngộ. Bến tình. Thiền Ca 6 đưa tình vào bến giác. Cuộc ngộ tình thể hiện trên một giai điệu dục tính, âm hao Ả Rập. Sóng tình chập chờn, chợt đến và cũng chợt đi, liêu trai như chưa từng hiện hữu: Ta chưa ôm em thì mất em. Thiền Ca 7, Phạm Duy tổng kết bản chất yêu đương của chính mình: vừa chung tình, vừa đa tình:
Yêu một vạn người như một người thôi ... Hai mươi tuổi đời yêu không kịp nói Bảy mươi tuổi trời yêu cũng vậy thôi.Thiền Ca 8 mở rộng tình yêu sang tình đời: ăn, chơi, sống, chết, yêu, ghét, khóc, cười, nhớ, quên... những "nổi trôi" của kiếp người. Niềm lạc quan của Phạm Duy với cuộc đời được thể hiện qua tiếng nhạc mà ông gọi là "nhạc cười". Tiếng nhạc an nhiên, tự tại., lời ca giản dị tối đa: Ăn cho vừa, chơi cho thật, sống cho thẳng, chết cho ngay... Không có triết lý, không cần triết lý. Sống và hát được như vậy đã là đời rồi, là đã đời rồi. Là cõi giác đấy! Nếu cõi đời là "cõi tạm" thì dại gì chúng ta không đi chơi "cõi khác": Phạm Duy "rong ca" nơi thiên đàng và địa ngục trong Thiền Ca 9, mới hay thiên đường kia cũng tối om và tưởng địa ngục đen, ngục sáng hơn đèn. Thiền Ca 9 phá vỡ ảo tưởng: tốt xấu, trắng đen, thiên đàng địa ngục. Tất cả chỉ là tương đối. Bản chất con người đu đưa giữa hai bờ đen trắng. Vậy phân biệt làm chi? Hình ảnh Thượng Ðế bên cạnh thiếu nữ khỏa thân mách rằng Thượng Ðế chỉ là người với những yêu thương, khát vọng thầm kín nhất. Thiền Ca Nhân Quả kết thúc cuộc đăng trình bằng một vòng tròn: tròn như viên đạn, tròn như trái đất, vòng vũ trụ, vòng tử sinh, vòng luân hồi, vòng tay ôm ấp, vòng thai bụng mẹ... Nhạc thương tưởng:
Tròn như viên đạn đồng đen Ðã khô vết máu quên miền chiến tranh Tròn như trái đất yên lành Muôn loài như một cõi sinh vẹn toàn.Từ viên đạn đồng đen, là công cụ, là tay sai của chiến tranh, chuyên nghề sản xuất những vũng lầy xương máu, Phạm Duy đã vê vết máu, sấy khô những đau thương, cô lại thành hạt bụi. Hạt bụi tái sinh thành trái tim trên một trần gian yên lành, yêu thương, tha thứ.
Tròn anh tim trẻ miên man Trái tim trăm tuổi mới hoàn cơ duyên. Tròn em tung tóe cánh tiên Chim không mỏi cánh triền miên phận mình Tròn như lời hứa chung tình Chưa tròn nhân quả tái sinh còn nhiềuHứa hẹn tái sinh còn nhiều mang thông điệp hy vọng: tái sinh trong sáng tạo, luân hồi trong sự sống vĩnh cửu của nghệ thuật. Toàn bộ tác phẩm của Phạm Duy nói lên niềm lạc quan về con người, về sức biến thiên của sáng tạo, về sự hội ngộ với vĩnh cửu. Hơn một cuộc đời bầm dập chiến tranh, Phạm Duy ghi lại một chữ Quên. Chữ Quên đó phải chăng là cõi Tâm của người nghệ sĩ lặng trong cõi Thiền sâu xa nhất? ° Sáng tác chẳng qua là động tác phản lại bản thân: đi tìm vĩnh cửu và vĩnh cửu chỉ có được sau khi chết. Nhưng con người vốn dĩ sợ chết và chống lại cái chết. Cho nên sáng tác luôn luôn nghịch lý với bản thân. Phạm Duy không thoát khỏi qui luật ấy: Thiền Ca là một tác phẩm tổng hợp những nghịch lý của Phạm Duy trong cuộc tình, trong cuộc sống.
Paris 20-6-1993
Chú thích (1) Thiền khai phóng phần năng lực nội tại tích lũy trong con người. Nguồn năng lực tự nhiên ấy, trong hoàn cảnh thông thường, vì những gò bó xã hội, gò bó trí thức, gò bó kiến thức, bị dồn ép, vặn tréo đi đến độ không thể nào thoát ra được. Thiền đưa ra phương thức khai phóng nhân sinh, trực tiếp kêu gọi ánh sáng bằng chứng nghiệm bản thân thay vì kiến thức sách vở vì chính kiến thức ấy tạo ra cho ta đủ thứ vấn đề để không bao giờ giải quyết được, chính nó là nguồn gốc của sự vô minh nên cần dẹp nó ra một bên, nhường chỗ cho một cái gì khác siêu đẳng hơn, cao hơn, minh triết hơn (Suzuki). Nội dung của giác ngộ cần phải trực nhận, không qua trung gian của ngôn ngữ và sách vở. Ngôn ngữ là sản phẩm của nhân duyên, bản chất luôn luôn biến đổi theo thị hiếu và thành kiến xã hội. Ngôn ngữ đôi khi phản bội lại con người, phản bội sự thật, cho chúng ta một nhận định hư giả về sự vật. Vì vậy muốn thấu triệt một vấn đề, chúng ta phải vận dụng khả năng nội tại. Trước những cực điểm của cuộc đời như khổ đau, khoái lạc, hạnh phúc... con người không nói nữa, không suy nghĩ nữa, không phân biệt cái tôi nữa: Cho nên trực nhận, vô ngôn, vô ngã là biện chứng của Thiền trước vô cùng, vô cực. Nói cách khác, Thiền mở cửa cho chúng ta đến vô cực bằng những ngả trực nhận, vô ngôn, vô ngã.