Bây giờ là rất đúng lúc để giải thích rõ, rằng các câu chuyện về các chiến tích của thuyền trưởng Blood đến được với chúng ta hoàn toàn là nhờ sự cần mẫn của Jeremy Pitt, chủ tàu xứ Somersetshire. Chàng trai này không chỉ là một thủy thủ cừ mà còn là một cây bút lanh lợi và được thúc đẩy bởi lòng quyến luyến đối với Peter Blood, anh đã sử dụng cái năng khiếu ấy không hề mệt mỏi. Nhật ký tàu được Pitt ghi chép khác hẳn bất kỳ cuốn nhật ký nào cùng loại mà tôi đã trông thấy. Nó gồm hai mươi tập lớn nhỏ đủ cỡ. Một phần trong số đó đã bị thất lạc, những quyển khác thì bị thiếu nhiều trang. Tuy nhiên khi lục lọi kỹ các tập ấy trong thư viện của ông James Speke ở Comerton, nếu nhiều lần tôi đã phải phát khùng lên vì những đoạn bị thiếu, thì cũng có lúc tôi sốt ruột thật sự vì tính lắm lời của Pitt đã gây cho tôi những khó khăn kinh khủng trong việc lựa chọn các sự kiện quan trọng nhất, giữa đống tài liệu lộn xộn còn lưu lại được. Những tập nhật ký đầu tiên gần như dành trọn vẹn để trình bày các sự kiện trước khi Blood xuất hiện ở Tortuga. Những tập nhật ký này cũng như biên bản lưu trữ các vụ tố tụng quốc gia, cho đến bây giờ vẫn là những nguồn chủ yếu mặc dù không phải là duy nhất để tôi sưu tầm tài liệu cho câu chuyện của mình. Pitt đặc biệt nhấn mạnh cái thực tế là chính những hoàn cảnh mà tôi đã nói đến một cách chi tiết ở trên đã buộc Blood phải tìm chốn nương thân ở Tortuga. Về việc này, anh viết rất dài dòng với một thái độ thiên vị rõ rệt, nhằm làm cho chúng ta biết rằng, lúc bấy giờ vấn đề đó đã có một ý kiến khác. Anh quả quyết là Blood và các bạn cùng chung hoạn nạn với chàng không hề có ý định trước trong việc liên kết với bọn cướp biển, lúc ấy đã biến Tortuga - nằm dưới sự bảo hộ chính thức của nước Pháp - thành căn cứ của mình, để từ đó tiến hành đánh úp các thuộc địa và chặn đánh tàu Tây Ban Nha. Theo lời Pitt thì lúc đầu đâu như Blood định đi Pháp hay Hà Lan gì đó. Nhưng trong lúc đợi tàu, chàng đã tiêu gần hết số tiền mình có. Chàng không có nhiều tiền. Mặt khác, Pitt còn cho biết lúc ấy anh đã nhận thấy những dấu hiệu của nỗi day dứt nội tâm hành hạ bạn mình. Pitt đưa ra giả thuyết rằng trong những ngày đó, vì buộc phải vô công rồi nghề nên Blood đã giao thiệp với những kẻ đi tìm kiếm phiêu lưu và đã nhiễm cái máu mê hết sức đặc trưng ấy của miền Tây Ấn. Tôi nghĩ rằng không thể lên án Pitt là đã bịa ra những lý do để bào chữa cho bạn mình, bởi vì quả thực rất nhiều điều có thể giày vò Peter Blood. Chắc chắn chàng phải rất hay nghĩ tới Arabella Bishop và phát điên lên vì chàng không thể đến với nàng. Chàng yêu Arabella nhưng lại biết rằng chàng đã vĩnh viễn mất nàng. Tất nhiên nguyện vọng đi Pháp hay Hà Lan của chàng là hoàn toàn dễ hiểu, nhưng chắc gì chàng có thể lý giải và hình dung một cách rõ ràng được chàng sẽ làm gì ở đó. Vì nói cho cùng, chàng vẫn là một tên nô lệ chạy trốn, một người bị đặt ra ngoài vòng pháp luật ở đất nước mình, một kẻ bị hắt hủi, không cửa không nhà ở nơi đất khách. Chỉ còn biển cả là giang rộng vòng tay cho tất cả và đặc biệt ân cần với những ai oán hận loài người. Vậy là tâm hồn và lòng can đảm táo bạo vốn có ở Blood, ngày trước đã từng đẩy chàng đi tìm kiếm những cuộc phiêu lưu đơn giản chỉ vì ham thích, bây giờ đã buộc chàng phải nhân nhượng, còn kho kinh nghiệm phong phú - thậm chí tôi dám nói là tài năng - của chàng trong việc chỉ huy hải chiến chỉ càng làm tăng sức quyến rũ của những đề nghị hợp tác. Đồng thời cần phải nhớ rằng những đề nghị hấp dẫn ấy không phải chỉ của những tên cướp biển quen biết chàng vẫn thường tụ tập đầy các quán rượu ở Tortuga, mà thậm chí còn là của thống đốc d’Ogeron nữa. Ông này thu của bọn hải tặc dưới hình thức thu thuế cảng một phần mười số của cải mà chúng cướp được, ngoài ra ông ta còn kiếm thêm kha khá hoa hồng trong việc trao đổi tiền mặt lấy các hối phiếu có thể thanh toán ở Pháp. Cái nghề này xem ra rất đáng ghê tởm nếu biện hộ cho nó chỉ là những gã giang hồ nhếch nhác lúc nào cũng sặc hơi men, những thợ săn, thợ rừng và dân miền duyên hải chuyên nhặt nhạnh tất cả những gì mà biển cả ném lên; nhưng lập tức cái nghề ấy trở nên đứng đắn, gần như một dạng hợp pháp của nghề kaper[7] khi được một ngài ăn mặc sang trọng, đại diện cho công ty Tây Ấn của Pháp đứng ra chứng minh cho sự cần thiết của nó với bộ dạng quang trọng hệt như ông ta là đại diện của chính nước Pháp vậy. Tất cả những người đã cùng Blood trốn khỏi đồn điền ở Barbados, kể cả Jeremy Pitt, người mà bên tai luôn văng vẳng tiếng gọi da diết của biển cả - tất cả bọn họ đều cảm thấy mình là những người vĩnh viễn bị xua đuổi và đều muốn nhập bọn với "hải hồ huynh đệ" hùng hậu, như bọn cướp biển tự xưng. Họ tha thiết yêu cầu Blood làm thủ lĩnh và thề sẽ theo chàng đến cuối đất cùng trời. Những ghi chép của Jeremy về chuyện này cho thấy: chiều theo tâm trạng của mình và tâm trạng của những người bạn cùng cảnh ngộ, Blood đã để mặc cho mình cuốn theo dòng số mệnh, bảo rằng đã là số mệnh thì thoát làm sao được. Tôi cho rằng nguyên nhân chính trong những do dự và giằng co dai dẳng ấy của chàng là ý nghĩ về Arabella Bishop. Cả lúc ấy lẫn sau này chàng đều nghĩ không bao giờ hai người còn gặp lại nhau nữa. Chàng hình dung thấy nàng sẽ khinh chàng đến mức nào khi được biết rằng chàng đã trở thành cướp biển, và sự khinh bỉ ấy, tuy chỉ mới tồn tại trong tưởng tượng của chàng, đã làm chàng đau đớn như thể nó đã thành hiện thực vậy. Ý nghĩ về Arabella Bishop không bao giờ rời bỏ chàng. Sau khi ngã giá với lương tâm mình - mà những hồi ức về cô gái ấy đã làm lương tâm chàng trở nên nhạy cảm đến nhức nhối - chàng thề với mình là sẽ cố kìm giữ bàn tay nhúng chàm ở mức mà một người theo đuổi nghiệp giang hồ như chàng có thể giữ được. Tuy rõ ràng chàng cũng chẳng nuôi một hy vọng hão huyền nào về chuyện sẽ được người con gái ấy đáp lại tình cảm của mình, hay thậm chí chỉ được trông thấy nàng một lần nữa, nhưng ký ức cay đắng về nàng phải được mãi mãi giữ trọn trong tâm hồn chàng. Quyết định xong, chàng mê mải lao vào chuẩn bị cho cuộc đời cướp biển. D’Ogeron, có lẽ là người cả nể nhất trong các thống đốc, đã cho chàng vay một số tiền đáng kể để chàng trang bị "Cinco Llagas", con tàu lúc này đã được đổi tên thành "Arabella". Blood đã suy nghĩ rất lâu trước khi đặt cho con tàu cái tên mới, ngại rằng vì thế mà chàng để lộ những tình cảm thực của mình. Tuy nhiên, các bạn chàng chỉ thấy cái tên mới là biểu hiện tính khôi hài của thủ lĩnh họ. Vốn biết người biết của, Blood đã lấy thêm vào số cộng sự của chàng sáu mươi người được lựa chọn kỹ trong đám giang hồ thường quanh quẩn ở Tortuga. Theo đúng những luật lệ bất thành văn của "hải hồ huynh đệ" chàng ký giao kèo với những người đó sẽ được nhận một phần nhất định trong những của cải cướp được. Nhưng về tất cả những điều khoản còn lại thì giao kèo đó khác hẳn những thỏa thuận kiểu này. Tất cả những biểu hiện hung hăng vô kỷ luật thường thấy trên các tàu cướp biển thì ở "Arabella" bị cấm ngặt. Những người cùng đi biển với Blood có bổn phận tuyệt đối phục tùng chàng và các sĩ quan khác do họ tự chọn, còn những ai không chấp nhận những điều khoản ấy thì cứ việc đi tìm thủ lĩnh nơi khác. Trước ngày Năm mới, khi mùa bão đã hết, Blood ra khơi trên con tàu được trang bị tốt và biên chế đầy đủ. Nhưng ngay từ trước khi chàng quay về, vào tháng năm, sau một chuyến đi dài đầy sự kiện, tiếng tăm của chàng đã lan khắp vùng biển Caribe như sóng cồn. Ngay từ đầu cuộc hành trình, tại eo Đầu Gió đã xảy ra trận đụng độ với một chiếc galleon Tây Ban Nha, kết thúc bằng việc chiếc tàu Tây Ban Nha bị đánh chìm. Sau đó, bằng vài chiếc thuyền thoi, một cuộc đánh úp táo bạo vào hải đội Tây Ban Nha đang mò ngọc trai bên bờ Rio de la Hacha đã được thực hiện và toàn bộ số ngọc trai mà hải đội ấy kiếm được đã bị đoạt trọn. Rồi đến cuộc đổ bộ lên khu đãi vàng Santa Maria ở Main mà những chi tiết về nó thậm chí khó ai tin nổi; và còn vài vụ khác ít tiếng tăm hơn. Trong mọi cuộc đụng độ, thủy thủ tàu "Arabella" luôn luôn là người chiến thắng, chiếm được một lượng của cải khổng lồ và chỉ tổn thất rất ít về người. Vậy là trước khi trở về Tortuga vào tháng năm năm sau, tiếng tăm của "Arabella" và của thuyền trưởng Peter Blood đã lừng lẫy suốt từ quần đảo Bahamass đến quần đảo Đầu Gió và từ New Providence đến tận Trinidad. Tiếng tăm ấy đã vọng sang tận Châu Âu. Sứ thần Tây Ban Nha tại triều đình St. James, như cách gọi triều đình vua Anh lúc bấy giờ, đã trình một bức công hàm gay gắt và đã nhận được trả lời chính thức rằng thuyền trưởng Blood không những không phụng sự Đức vua Anh quốc, mà còn là một tên phiến loạn đã bị kết án, một tên nô lệ đào tẩu, vì thế, mọi hành động của Đức bệ hạ Công giáo nhằm chống lại tên tội phạm hạ tiện ấy đều được Đức vua Anh quốc là James II nhiệt liệt đồng tình. Camisole Miguel - đô đốc Tây Ban Nha ở Tây Ấn - và cháu ông ta là Camisole Esteban nóng lòng tóm được tên phiêu lưu ấy để treo lên giằng buồm tàu của mình. Vấn đề vây bắt Blood lúc này đã mang tính chất quốc tế, nhưng đối với bác cháu hắn còn là việc riêng tư gia đình nữa. camisole Miguel không tiếc lời dọa dẫm Blood. Dư âm của những lời đồn đại ấy đã bay đến Tortuga cùng với tuyên bố của đô đốc Tây Ban Nha rằng trong cuộc chiến đấu với Blood, hắn không chỉ dựa vào sức mạnh của đất nước mình, mà còn vào uy danh của nhà vua Anh quốc nữa. Những lời huênh hoang của viên đô đốc không làm thuyền trưởng Blood sợ hãi. Chàng không cho phép mình và thủy thủ đoàn ăn không ngồi rồi ở Tortuga. Chàng quyết định lấy Tây Ban Nha làm kẻ hứng sấm sét vì tất cả những đau khổ của mình. Làm như vậy nhằm một lúc đạt được hai mục đích: thỏa mãn khát vọng báo thù đang sôi sục trong chàng và giúp ích cho nước Anh - chứ không phải cho tên vua Anh James II mà chàng căm hận - và còn giúp toàn bộ phần còn lại của nhân loại văn minh mà nước Tây Ban Nha tham lam và cuồng tín đang cố sức ngăn không cho vươn tới Tân Thế giới. Một hôm, khi Blood đang ngồi hút tẩu với Hagthorpe và Wolverstone bên chai rượu rum trong cái quán rượu sực mùi hắc ín và thuốc lá bên bờ biển, thì một người lạ mặt bước lại. Hắn mặc áo camisole xa tanh màu lục thêu kim tuyến, thắt một chiếc thắt lưng to bản màu huyết dụ. - Có phải ông là người mà người ta gọi là Le Sang đó chăng? - Hắn hỏi Blood. Trước khi trả lời, thuyền trưởng Blood liếc nhìn tay anh chị nóng nảy ấy. Về việc đó là một tay anh chị thì không còn nghi ngờ gì nữa - chỉ cần nhìn qua những cử động nhanh mạnh của thân hình dẻo dai và khuôn mặt đẹp trai một cách thô bạo với chiếc mũi khoằm là đủ. Bàn tay không lấy gì làm sạch của hắn đặt trên đốc thanh kiếm dài, trên ngón tay đeo nhẫn lóng lánh một viên kiêm cương lớn, còn đôi khuyên vàng thì lấp ló sau những lọn tóc màu hạt dẻ bóng mượt. Thuyền trưởng nhả tẩu ra và đáp: - Tên tôi là Blood, bọn Tây Ban Nha biết tôi dưới cái tên Pedro Sangre, còn người Pháp nếu muốn thì có thể gọi là Le Sang cũng được. - Tốt lắm - tay anh chị nói bằng tiếng Anh, rồi không đợi mời, hắn kéo ghế lại gần cái bàn. - Tôi tên là Levasseur, - hắn tự giới thiệu với ba người Anh mà ít nhất là có hai trong số đó nhìn hắn với vẻ ngờ vực. - Chắc các ông đã được nghe nói về tôi. Phải, tất nhiên họ biết rõ cái tên ấy, Levasseur chỉ huy một chiếc tàu kaper hai mươi pháo vừa bỏ neo trong vịnh Tortuga cách đó một tuần. Thủy thủ đoàn gồm toàn những thợ săn người Pháp trước đã từng sống ở miền bắc Haiti và căm ghét bọn Tây Ban Nha còn hơn cả người Anh. Levasseur trở về Tortuga sau một chuyến đi chẳng mấy thành công; tuy vậy, cần phải có cái gì đấy lớn hơn mới kìm nổi lòng tự phụ quái đản của tên phiêu lưu ấy, chứ mới chỉ chưa thành công thôi thì chưa đủ. Lắm mồm như một mụ hàng tôm hàng cá, nát rượu và máu mê đen đỏ, hắn rất nổi danh trong giới anh chị hải hồ. Hắn còn nổi tiếng về một mặt hoàn toàn khác. Tính trụy lạc buông thả và mẽ ngoài kẻng trai của hắn đã hấp dẫn được nhiều phụ nữ thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội. Hắn khoe khoang không chút giấu giếm những "chiến tích" của mình đối với "cái nửa kia của nhân loại", như cách Levasseur gọi những người đàn bà, và công bằng mà nói, hắn có đầy đủ cơ sở để huênh hoang như vậy. Những lời đồn đại dai dẳng còn cho biết rằng cả con gái thống đốc, tiểu thư d’Ogeron, cũng vướng lưới tình của hắn, và Levasseur đã dám cả gan ngỏ lời cầu hôn với bố cô ta. Cách duy nhất mà quan thống đốc đáp lại đề nghị đầy cám dỗ được làm bố vợ một tên cướp phóng đãng là trỏ tay ra cửa, mà ông ta đã làm thế thật. Levasseur giận dữ bỏ đi, thề rằng hắn sẽ lấy bằng được con gái thống đốc, bất chấp mọi sự chống đối của tất cả các ông bố bà mẹ trên đời, và d’Ogeron rồi sẽ phải hối hận vì đã xúc phạm đến chàng rể tương lai. Chính là con người đang ngồi cùng bàn trong một quán rượu ở bến tàu và đề nghị thuyền trưởng Blood liên minh với hắn để đánh lại bọn Tây Ban Nha. Khoảng mười hai năm trước, lúc mới chừng hai mươi tuổi, Levasseur đã cùng đi biển với một hung thần - tên cướp biển L'Ollonais và những "chiến tích" sau đó đã chứng tỏ rằng hắn không phụ công rèn cặp của sư phụ. Trong "huynh đệ hải hồ" thời ấy, khó có ai đểu cáng hơn Levasseur. Tuy ghê tởm tên phiêu lưu này, nhưng dù sao thuyền trưởng Blood vẫn không thể phủ nhận rằng những đề nghị của hắn là táo bạo và thông minh và nếu hợp sức lại, họ có thể tiến hành những chiến dịch đáng kể hơn so với những cái họ làm riêng lẻ. Một trong những chiến dịch do Levasseur đề nghị là kế hoạch tấn công thành Maracaybo giàu có nằm xa bờ biển. Để tiến hành trận đánh úp ấy, cần phải có ít nhất là sáu trăm người, mà hai chiếc tàu của họ thì không thể chở hết ngần ấy. Blood hiểu rằng nếu không làm vài chuyến chuẩn bị nhằm cướp thêm mấy chiếc tàu nữa thì không xong. Mặc dù không ưa Levasseur và không muốn ôm ngay những ràng buộc gì đó, nhưng Blood nhận thấy đề nghị của tên phiêu lưu ấy khá hấp dẫn. Chàng nhận lời sẽ suy nghĩ và trả lời sau, Hagthorpe và Wolverstone không tán thành mối ác cảm cá nhân đối với tên người Pháp của Blood nên đã gây sức ép rất mạnh với thuyền trưởng của mình. Rốt cuộc, Levasseur và Blood đã ký kết một giao kèo mà, theo thông lệ, còn có các đại biểu chọn lọc của hai thủy thủ đoàn cùng tham gia ký. Bản giao kèo, ngoài tất cả những điều khoản khác, còn nói rõ rằng mọi thứ chiến lợi phẩm do mỗi tàu chiếm được, bất luận họ làm chung hay riêng, đều phải được tính toán sát sao; tàu đó sẽ giữ lại ba phần năm những của cải cướp được, hai phần còn lại thì phải chia cho tàu kia. Việc chia bôi phải làm thật sòng phẳng giữa các tàu theo đúng bản giao kèo đã ký kết. Còn lại thì mọi điều khoản của bản giao kèo ấy không khác gì các giao kèo bình thường, kể cả điều khoản nói rằng bất kỳ thành viên nào trong hai đội tàu nếu đã xác minh được là phạm tội ăn cắp hay ăn bớt một phần nào trong số tài sản chiếm được, dù giá trị của thứ bớt xén ấy không đáng một peso đi nữa, cũng đều bị treo cổ lên giằng buồm ngay lập tức. Làm xong những công việc sơ bộ ấy, bọn cướp biển chuẩn bị ra khơi. Nhưng ngay trước ngày xuất phát, Levasseur suýt nữa thì bị lính canh bắn chết khi hắn leo qua bức tường cao vào vườn nhà thống đốc để mùi mẫn chia tay với tiểu thư d’Ogeron, tình nương của hắn. Thậm chí hắn còn chưa kịp gặp cô nàng, bởi vì theo lệnh của ông bố kỹ tính, các lính canh nấp ở những khóm hoa rậm rạp thơm tho trong vườn đã bắn vào hắn hai lần. Levasseur phải bỏ cuộc, thề rằng lúc trở về, nhất định hắn phải làm cho ra nhẽ. Đêm hôm ấy Levasseur ngủ trên con tàu mà hắn đặt cho cái tên huênh hoang rất hợp với thói bốc đồng của hắn là "La Foudre", có nghĩa là "Tia chớp". Ngay hôm sau Levasseur gặp Blood ở đó và nửa đùa nửa thật chào chàng là đô đốc. Thuyền trưởng "Arabella" muốn xác minh lại một vài chi tiết về đội hình đi biển, mà trong đó chúng ta chỉ cần quan tâm đến thỏa thuận của hai người về việc nếu đang hành trình, do tình cờ hay vì bắt buộc, hai tàu phải tách ra thì họ phải về lại Tortuga để hội quân. Sau cuộc hội ý ngắn ngủi, Levasseur mời đô đốc của mình dùng cơm và hai người đã nâng cốc chúc cho cuộc viễn chinh thành công. Levasseur hăng quá, đến nỗi hắn say mềm không còn biết trời đất gì nữa. Đến xế chiều thì Peter Blood trở về tàu của mình. Mạn trên và các lỗ châu mai thếp vàng lấp lánh nắng hoàng hôn. Chàng cảm thấy bứt rứt. Tôi đã nói ở trên rằng chàng khá hiểu người, cái cảm giác khó chịu mà Levasseur gây ra cho chàng thì càng đến gần lúc ra khơi càng làm chàng lo ngại. Gặp Wolverstone trên tàu "Arabella", chàng nói điều đó với lão: - Quỷ tha ma bắt các anh đi, đồ du đãng! Các anh đã ép tôi ký bản giao kèo đó. Việc chúng ta hợp tác với bọn ấy khó mà đem lại gì hay ho. Nhưng lão hộ pháp kia đã lại nheo con mắt độc nhất vằn máu, mỉm cười rồi vêch chiếc cằm đồ sộ lên nói: - Chúng ta sẽ vặn cổ con chó ghẻ ấy nếu nó định làm phản. Phải, tất nhiên nếu lúc ấy chúng ta còn có thể làm được việc đó, - Blood nói và trước khi về buồng, chàng thêm: - Sáng mai, trước lúc con nước lên, chúng ta sẽ ra khơi. Chú thích:[1] Sangre: tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “máu”, như Blood trong tiếng Anh. [2] Tạ ơn Chúa (tiếng La tinh). [3] Hôm nay và mãi mãi sau (tiếng La tinh). [4] Tiếng Tây Ban Nha: nhà quý tộc. [5] Một thứ rượu khai vị, rượu nho pha lẫn rượu cồn, làm ở Malaga (Tây Ban Nha). [6] Thưa ngài! Thưa ngài! (tiếng Tây Ban Nha). [7] Nghề cướp tàu đối phương, nghĩa rộng là nghề cướp biển.