Thời Hải Ngoại
Chương Mười ba

Nói về sáng tác, trong loạt tị nạn ca, bây giờ, tôi chuyển đề tài từ con "con đường tự do" qua "con đường mất tự do" với những bài như Hát Cho Người Ở Lại:
Hát cho người ở lại quê hương
Với tấm lòng sót thương vô vàn
Hát cho người trong họ hàng
Đang biến thành ma đói lang thang...
Vào năm này, quả rằng dân Việt Nam phải ăn cơm trộn thường xuyên...
.......
Hát cho người ở lại nơi quê
Chúng tôi thường vẫn mong ngày về
Nắm tay cười, xây lại đời
Nơi nước Việt yêu quý yên vui
Hát cho người tình vợi thương đau
Hát cho Mẹ với em quên sầu
Hát cho đời! Hát cho người!
Quyết đấu tranh cho nước Việt tôi!
Thế rồi hai năm trước khi tập thơ khủng khiếp của Nguyễn Chí Thiện bay ra thế giới tự do, tôi soạn bài Giấc Mơ Khủng Khiếp, một tác phẩm trong loại ác ảnh quê hương:
Đêm hôm qua tôi nằm mơ về nước
Đi lang thang trong thủ đô lạnh ngắt
Những gốc me trước tôi hay thả hồn
Chờ người yêu, để nắm vai hôn
Cây me tươi, nay già khô trụi lá
Người tôi yêu tóc bạc khô ngồi đó
Mắt trông tôi, rất xa vời, xa lạ
Nhìn tôi như nhìn khoảng trống bao la.
Giật mình tỉnh dậy!
Trời ơi! Khủng khiếp, khủng khiếp quá thôi!
Giật mình tỉnh dậy!
Trời ơi! Khủng khiếp, khủng khiếp quá thôi!
Xin cho tôi đừng ngủ nữa
Xin thôi không nằm mộng dữ
Xin cho tôi mộng dệt hoa
Xin cho tôi đẹp mộng mơ
Cho tôi mơ nước Việt Nam giầu có
Quê hương tôi đi về nơi rực rỡ
Có con tim biết quên đi hận thù
Và Tình Yêu nổ vỡ tim ra.
Cho tôi mơ nước của tôi được thoát
Khỏi cơn nguy, ra khỏi tay tàn ác
Chốn Á Đông có nước Việt yên lành
Tự do xây một đời sống thanh bình.
Tôi không được sống ở Việt Nam sau ngày 30-4-75 nên chỉ tưởng tượng ra cảnh quê hương được mô tả trong những cuốn sách vễ học tập cải tạo. Phải đợi khi có tập thơ của Nguyễn Chí Thiện thì mới thấy tất cả những tác phẩm văn học nghệ thuật của chúng tôi -- dù tác giả ra khỏi nước hoặc kẹt lại và được hưởng mùi trại cải tạo trong năm năm hay mười năm -- đều rất bé bỏng so với tác phẩm của một người Việt Nam chống Cộng bằng bút mực trước cả những nhà trí thức Nga Sô như Pasternak, Soljenytsine và Sakharov nghĩa là từ ba, bốn chục năm về trước. Tuy nhiên xin bạn đọc cho phép tôi được kể nốt ra đây phần còn lại của bài Giấc Mơ Khủng Khiếp:
Đêm hôm qua tôi nằm mơ lội nước
Suôi theo sông tôi về quê thuở trước
Đứa bé con vẫn hay quen đợi quà
Của Mẹ yêu, chợ vãn ban trưa.
Như con trâu, cha mẹ tôi lầm lũi
Phải lao công xin chuộc bao tội lỗi
Khắp nước tôi đã biến ra trại tù
Toàn dân tôi thành một đám nô lệ.
Giật mình tỉnh dậy!
Trời ơi! Khủng khiếp, khủng khiếp quá thôi!
Giật mình tỉnh dậy!
Trời ơi! Khủng khiếp, khủng khiếp quá thôi!
Xin cho tôi đừng ngủ nữa
Xin thôi không nằm mộng dữ
Xin cho tôi mộng dệt hoa
Xin cho tôi đẹp mộng mơ.
Cho tôi mơ nước Việt Nam giầu có
Quê hương tôi đi về nơi rực rỡ
Có con tim biết quên đi hận thù
Và Tình Yêu nổ vỡ tim ra
Cho tôi mơ nước của tôi được thoát
Khỏi cơn nguy, ra khỏi tay tàn ác
Chốn Á Đông có nước Việt yên lành
Tự do xây một đời sống thanh bình.
Tôi sẽ soạn thêm một số bài ca khủng khiếp như vậy trước khi có tập thơ Hoa Địa Ngục của Nguyễn Chí Thiện để soạn 20 bài ngục ca rút ra từ 300 bài thơ của một người -- tôi cho là -- rất trong sáng, một người tôi gọi là ngục sĩ.
Cho tới những năm đầu của thập niên 80, đồng bào vượt biên càng ngày càng nhiều trong đó có số đông văn nghệ sĩ và cựu quân nhân, công chức đã từng bị Cộng Sản giam cầm. Ra tới thế giới tự do, mỗi người có một chuyện để nói về trại tập trung cải tạo.
Tạ Tỵ có Đáy Địa Ngục, Phạm Quốc Bảo có Cùm Đỏ, Hà Thúc Sinh có Đại Học Máu và loạt tủi nhục ca. Đó là chưa kể những cuốn sách cũng tố cáo quần đảo ngục tù Việt Nam của những người tới trước hay tới sau ba người kể trên, như Trần Huỳnh Châu với Hồi Ký Cải Tạo, Hoàng Liên với Ánh Sáng Và Bóng Tối v.v...
Tất cả đều nói tới chính sách trả thù và lối cai trị bằng khủng bố của chính quyền mới qua những trại cải tạo. Cuốn sách nào cũng mô tả tới tột đỉnh đau thương của tác giả sau những năm tháng khổ nhục tại các trại giam ở nơi rừng thiêng nước độc, dưới quyền sinh sát của cán bộ.
Nhưng tính cho tới mùa Thu 1992, thời gian mà những văn nghệ sĩ, quân nhân, công chức của chính quyền miền Nam cũ nếm mùi cải tạo lâu nhất là trên dưới 16 năm. Người nào cũng có thân quyến hay bạn bè vượt muôn ngàn khó khăn đi thăm nuôi, tối thiểu cũng một hai lần.
Chỉ có một người ở tù lâu năm nhất -- tính cho tới ngày được thả là trên dưới 30 năm -- bị bắt giam không cần xét xử trong 20 năm mà không được ai biết tới, không được ai thăm nuôi. Nếu người tù này không dũng cảm tung ra thế giới tự do một tập thơ làm cho trời long đất lở, chắc ông đành phải chết âm thầm trong bóng đêm như lời thơ của ông. Và nếu người Việt hải ngoại không tìm mọi cách phổ biến tập thơ của ông, chưa chắc cái gọi là gulag Việt Nam được thế giới chú ý đến thế, khơi dậy được lòng người đến thế, chính quyền Hà Nội bị tố cáo vi phạm nhân quyền trầm trọng, rồi bị cô lập đến thế!
Người đó là Nguyễn Chí Thiện.
Lúc đó là vào tháng 10 (tháng sinh nhật của tôi) năm 1980. Tại Khu Bolsa, chúng tôi thường nhóm họp, đàn hát trong những ngày cuối tuần, hoặc ở nhà tôi hoặc ở nơi sinh ra tờ báo Người Việt là cái garage chật chội và bụi bậm của Đỗ Ngọc Yến, hay ở nhà Nguyễn Đức Quang.
Tôi hãy còn đang sống trong cơn mê sảng của những bài hát ảo ảnh quê hương dù đã tự coi mình là gió muôn phương nghĩa là gió nóng trên sa mạc Úc Châu, gió lạnh nơi núi tuyết Canada, gió thổi lá chết (của Jacques Prévert) ở Paris, gió hôn hoa đào ở Nhật Bản... và đang chờ thời cơ để thổi về Việt Nam... Thời cơ chưa tới vì bức tường Bá Linh chưa đổ, Vạn Lý Trường Thành chưa lung lay, cửa điện Cẩm Linh chưa vỡ toang.
Thì không ngờ cơn gió lớn lại từ trong nước thổi ngược ra. Qua tập thơ của Nguyễn Chí Thiện.
Một buổi tối cuối tuần tại nhà Đỗ Ngọc Yến, trong khi mọi người đang ngồi chơi, Bùi Bảo Trúc từ Hoa Thịnh Đốn gọi ''long distance'' qua, đọc cho nghe vài bài thơ của một người không ai biết là ai? Nhất là tôi, khi được hỏi tới.
Chỉ biết đó là thơ của một thi sĩ ở Bắc Việt. Mới nghe vài câu thơ mọi người đã sửng sốt! Sau đó, chúng tôi có phóng bản của một tập thơ viết tay gồm 4000 câu thơ. Chúng tôi biết thêm sự xuất hiện ly kỳ của tập thơ này. Một người tù được tạm tha tới Sứ Quán Anh ở Hà Nội trao cho nhân viên sứ quán tập thơ của mình kèm theo một tờ thư viết bằng Pháp ngữ:
C'est au nom des millions de victimes innocentes de la dictature, déjà succombées ou subissent encore une mort lente et douloureuse dans les bagnes communistes, que je vous prie de faire publier ces poèmes dans votre pays libre. C'est le fruit des mes vingt ans de travail. La plupart ont été créés dans mes années de détention (...) De ma vie brisée, il ne reste qu'un rêve, c'est de voir le plus grand nombre possible d'hommes prendre conscience de ce que le communisme est un grand fléau de l'humanité.
Bản dịch:
Nhân danh hàng triệu nạn nhân của độc tài, đã chết hay đang chết chậm và đau đớn trong lao tù cộng sản, tôi xin ngài cho ấn hành những bài thơ này tại xứ sở tự do của ngài. Đây là kết quả của hai mươi năm làm việc của tôi. Phần lớn được sáng tác trong những năm tôi bị giam giữ (...) Trong cuộc đời tan vỡ của tôi, chỉ còn một ước mơ được thấy nhiều người ý thức được chủ nghĩa cộng sản là một tai hoạ của nhân loại.
Bị Công An chặn lại khi vừa tới cổng Sứ Quán Anh, ông chỉ kịp ném tập bản thảo vào bên trong rồi bị bắt giam ngay 1. Tập thơ được gửi về Bộ Ngoại Giao Anh rồi được chuyển qua Đài BBC ở London. Nhân viên người Việt của đài là ông Đỗ Văn vội vàng gửi ngay cho Hồ Anh, chủ báo Văn Nghệ Tiền Phong ở Washington DC để tùy nghi khai thác.
Tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ này có ủy Ban Đòi Tự Do Cho Văn Nghệ Sĩ Bị Cầm Tù do nhà văn vừa ra thoát khỏi nhà tù Cộng Sản là Nguyễn Hữu Hiệu thành lập. Hồ Anh chưa kịp khai thác tập thơ thì bằng cách nào đó, Nguyễn Hữu Hiệu có tập bản thảo và tự cho mình có nhiệm vụ phải ấn hành ngay tập thơ, lấy tên là Tiếng Vọng Từ Đáy Vực. Báo Văn Nghệ Tiền Phong cũng cho ấn hành tập thơ với tên Chúc Thư Của Một Người Việt Nam. Cả hai tập in ra đều không đề tên tác giả vì lẽ giản dị vào lúc đó, không ai biết tác giả là ai.
Tập thơ làm tôi rúng động. Trong mười đêm, tôi chọn một số bài thơ để phổ thành mười ca khúc tôi gọi là ngục ca. Vì cũng không biết tên tác giả, tôi gọi thi sĩ là ngục sĩ.
Rồi thấy mười bài chưa đủ, tôi phổ nhạc thêm mười bài nữa. Đó là những bài:
Từ Vượn Lên Người Từ Người Xuống Vượn
Đảng Đầy Tôi
Ngày 19 Tháng 5
Xưa Lý Bạch
Những Thiếu Nhi Điển Hình Chế Độ
Tôi Có Thể hay là Vô Địch
Chuyện Vĩ Đại Bi Ai
Thấy Ngay Thủ Phạm
Nước Đổng Trác Điêu Thuyền
Sẽ Có Một Ngày
Cái Lầm To Thế Kỷ
Đôi Mắt Trương Chi
Vì Ấu Trĩ
Tia Chớp Này Vĩ Đại
Ôi Mảnh Đất Hình Hài Chữ S
Đất Nước Tôi
Xin Hãy Giữ Mầu Trong Trắng
Biết Đến Bao Giờ Lời Thơ Của Tôi?
Trong Bóng Đêm
Thời Đại Hồ Chí Minh
Tôi cố gắng làm cho ngục ca có nhiều nhạc tính.
° Khi thảm thiết như Những Thiếu Nhi Điển Hình Chế Độ, Chuyện Vĩ Đại Bi Ai...
° Khi ngạo nghễ như Đảng Đầy Tôi, Xưa Lý Bạch...
° Khi cười cợt như Từ Vượn Lên Người Từ Người Xuống Vượn, Nước Đổng Trác Điêu Thuyền...
° Khi tiếc hận như Ôi Mảnh Đất Hình Hài Chữ S, Cái Lầm To Thế Kỷ...
° Khi mãnh liệt như Trong Bóng Đêm, Tia Chớp Này Vĩ Đại...
° Khi như vè, ca dao trong Thấy Ngay Thủ Phạm...
° Khi sót sa như Xin Hãy Giữ Mầu Trong Trắng...
° Khi trong sáng, lãng mạn như Sẽ Có Một Ngày...
Vừa soạn ra những bài đầu tiên là tôi hát trong phone hay tới hát cho bạn bè nghe trong buổi sinh hoạt cuối tuần. Nguyễn Đức Quang thuật lại buổi ra mắt đầu tiên của tập thơ Tiếng Vọng Từ Đáy Vực và của ngục ca trong báo Người Việt số 26 ra ngày 10-10-1980 nhan đề Lại Nổi Gai Ốc:
Ở sân Đại Học Xá Thanh Quan năm 66 nghe anh Phạm Duy hát tâm ca rồi ngâm thơ Đêm Liên Hoan, tôi còn nhớ cảm giác bấy giờ là người rờn rợn nổi da gà (...) mặc dù tôi đứng hát với anh:
Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe
Cứ thích đi về nẻo đường mà mình mong ước
Nẻo đường mong ước đó bây giờ anh trở lại. Khi mà tiếng gọi mới mở ra như một thôi thúc đúng nhịp: Từ vượn lên người mất mấy triệu năm... Bài hát mới, soạn theo tập thơ vừa ra đời. Tính chất của thơ lộ rõ trong đêm đọc thơ đầu tiên. Đó là đêm hối hả, chờ chực, sốt ruột (...) vì tôi là người cầm quyển thơ độc nhất và đem đi học từ buổi sáng.
Phạm Duy, Phạm Cao Dương, Thái Tú Hạp, Duy Sinh, Trần Diệu Hằng,Tống Hoàng và vài người nữa... ngồi trong hơn một tiếng đồng hồ (để nghe) tôi đọc thử vài bài:
Bác Hồ rồi lại bác Tôn
Cả hai đều thích ôm hôn nhi đồng
Nước da hai bác màu hồng
Nước da các cháu nhi đồng màu xanh.
Phạm Duy bật dậy như một cái lò xo. Phản ứng như một quả lưụ đạn đã rút chốt ''Tôi sẽ phổ nhạc''. Cái bắt gặp của anh và mọi người đêm đó là như vậy. Và suốt trong 3, 4 ngày, (dùng) dây điện thoại hỏi tập thơ đã (từ Washington DC gửi) về chưa? Phạm Duy không nói, anh hát ngay trong điện thoại cho nghe:
Một tay em trổ: đời xua đuổi
Một tay em trổ: hận vô bờ
Thế giới ơi ai có thể ngờ
Đó là một tù nhân tám tuổi
Trên bước đường tù mà tôi rong ruổi
Tôi gặp hàng ngàn em bé như em...
Cũng như cảm giác thời ở Đại Học Xá Thanh Quan, tôi rợn da người (...) Tôi giật mình vì cái bén nhậy 15 năm xưa không tàn theo tuổi đời.
Vâng, lúc đó tôi nhìn thấy ngay tập thơ mang tên Tiếng Vọng Từ Đáy Vực hay Chúc Thư Của Một Người Việt Nam là một vũ khí rất hữu hiệu để tố cáo chủ nghĩa Cộng Sản. Từ ngày phải bỏ nước ra đi, trong Cộng Đồng người Việt, ai cũng nói tới một nền ''văn nghệ chiến đấu''. Ai cũng nghĩ rằng loại nhạc chiến đấu bây giờ có thể giống như loại nhạc huy động nhân dân đánh Pháp trong thời kháng chiến hay nhạc vận động thanh niên đi lính Cộng Hoà chẳng hạn.
Nhưng theo thiển ý thì nó đã phải khác rồi: nếu trong đám nghệ sĩ có ai muốn thực sự soạn nhạc chiến đấu thì phải tay súng tay đàn cùng với đoàn quân giải phóng đột nhập vào Việt Nam... chứ không nên sống khơi khơi trong xã hội đầy tiện nghi của Âu-Mỹ-Úc rồi kêu gọi mọi người phục quốc. Tôi cũng biết tị nạn ca của tôi chỉ là than vãn phận mình và thương nhớ quê hương. Nhưng nếu bước thêm bước nữa, soạn nhạc (gọi là) phục quốc là đi vào con đường nhạc mị dân. Theo tôi, muốn làm chính trị bằng văn nghệ khi mình chưa có cơ hội (hay can đảm) về sống tại chiến khu trong nội địa, điều hay nhất là người hải ngoại nên phối hợp với người trong nước để nói lên tiếng lòng của dân tộc Việt Nam.
Vào lúc này, tập thơ Tiếng Vọng Từ Đáy Vực hay Chúc Thư Của Một Người Việt Nam đã gợi cho tôi một mối thương tâm lớn đối với một người tù có những bài thơ làm tôi choáng ngợp. Nếu tôi cũng phần nào vô tình hay hữu ý đóng góp vào cứu cánh mà chính thi sĩ cũng mong đợi qua lá thư kể trên... thì nó khởi sự từ cái nhìn thấy giá trị của tập thơ và tôi cần phải phổ nhạc nó để cứu nhà thơ này ra khỏi ngục tối.
Trong một thời gian ngắn, tập thơ mang hai cái tên của một người tôi gọi là ngục sĩ và những bài ngục ca được phổ biến khá rộng rãi trong hai vùng Washington DC và Nam Cali là những nơi có đông người Việt. Một cựu giáo viên ở Bắc Việt tên là Minh Huy qua được Hồng Kông (nhờ vụ chính quyền Hà Nội cho người Hoa đi theo kiểu bán-chính-thức) rồi tới định cư ở Khu Bolsa. Ông này đọc báo Người Việt và báo Văn Nghệ Tiền Phong, thấy tập thơ kỳ lạ này có mặt tại nước Mỹ nên tới gặp tôi tại Thị Trấn Giữa Đàng, và sau khi truyện trò thì tôi biết rõ hơn về Nguyễn Chí Thiện để sẽ cung cấp tin tức về nhà thơ này cho những ai muốn biết...
Từ đó trở đi nhân dân thế giới được biết một câu chuyện ly kỳ nhất của thời đại...
° Ly kỳ vì bây giờ người ta mới biết rằng sau Phong Trào Nhân Văn Giai Phẩm, vẫn có người trí thức ở miền Bắc kịch liệt chống đối chế độ. Người này tố Cộng ở ngay trong lòng địch trước khi miền Nam mở chiến dịch tố Cộng.
° Ly kỳ vì trong đời tù dài 20 năm, không có giấy bút trong tay mà thi sĩ làm được 4000 câu thơ trong đầu.
° Ly kỳ trong hành động sáng suốt và can đảm của ông, liều chết đưa được tập thơ vào Sứ Quán Anh.
° Ly kỳ ở chỗ người Anh muốn tập thơ ra với thế giới tự do, không sợ rắc rối ngoại giao mà ỉm nó đi.
° Còn khá ly kỳ trong việc có hai tổ chức cùng ấn hành tập thơ gây nên một vụ án văn học.
° Ly kỳ thêm là nhờ có bạn đồng tù của thi sĩ vượt biên qua Mỹ nên mọi người mới biết rõ tên tuổi và cuộc đời của ông.
° Ly kỳ nhất là dù Cộng Sản Hà Nội muốn bịt miệng, trói tay, giam ông vào ngục tối một cách tàn bạo và kỹ càng đến đâu đi nữa cũng không tránh được việc quả bom nguyên tử của ông nổ tung ra thế giới.
° Ly kỳ tột bực là sau 30 năm bị giam trong bóng đêm đè nghẹt, ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện vẫn chưa chết để ra khỏi đời tù vào một ngày mùa Thu năm 1991. Đúng như lời thơ của thi sĩ:
Để đánh được kẻ thù
Tôi không được hèn ngu
Để thắng được kẻ thù
Tôi phải sống ngàn thu!
° Còn thêm một việc ly kỳ nữa là các nhân vật nổi tiếng trong chính trường như cựu Tổng Thống nước Sénégal, Léopold Senghor... và trên văn đàn như Pierre Emmanuel, René Tavernier, Norman Mailer, các hội Văn Bút quốc gia và quốc tế như Pen Los Angeles, Pen Netherlands, Pen international, Writers in Prison Committee cùng các tờ báo lớn của Pháp, Mỹ, Nhật như Le Figaro, New York Times, Asahi Evening New, các tổ chức nhân quyền Amnesty international, Asia Watch... và sau khi được người Việt hải ngoại tích cực vận động nên đã liên tục đấu tranh không ngưng nghỉ cho ngục sĩ. Rồi cuối cùng, thi sĩ đã được trả tự do.
Tôi cũng đóng góp vào việc vận động tự do cho ông Nguyễn Chí Thiện trong thời gian tôi nhận làm correspondant cho Amnesty international, được hân hạnh giao thiệp với các vị cao cấp trong tổ chức Ân Xá Quốc Tế và nhất là với Ông Leopold Senghor, bạn học của anh tôi, Phạm Duy Khiêm.
Sau khi tôi vận động ông cựu Tổng Thống kiêm thi sĩ của nước Sénégal, ông này đã gửi cho tôi bản sao của lá thư ông gửi cho ông Phạm Văn Đồng, xin ân xá cho nhà thơ Nguyễn Chí Thiện mà ông gọi là bạn đồng bút (collègue).
Bây giờ xin nói về địa vị của một người trí thức Việt Nam trong công cuộc tố cáo chế độ Cộng Sản ở trên thế giới. Trước đây, qua cuốn Gulag Archipelo của nhà văn Soljenytsyne, thế giới biết rằng Liên Sô không phải chỉ có Sibérie để làm nơi giam cầm thể xác những người chống đối mà còn rất nhiều trại giam ở rải rác trên đất Nga khiến cho nhà văn này phải gọi là Quần Đảo Lao Tù. Rồi qua lập luận của thi sĩ Mislop người ta thấy ngoài việc giam cầm thể xác ở Liên Sô, Cộng Sản còn một hình thức cai trị khác là giam nhốt tâm trí ở Ba Lan.
Nay qua 4000 câu thơ viết bằng nước mắt, mồ hôi và máu (được gọi chung là Hoa Điạ Ngục), Nguyễn Chí Thiện lột trần bộ mặt thực của chủ nghĩa Cộng Sản hơn bất cứ một nhà trí thức nào trên thế giới vì ông là người bị giam cầm cả tâm hồn lẫn thể xác và bị giam giữ lâu nhất (tính tới ngày được thả là 30 năm) Ông lại là người nói lên điều này trước tất cả mọi người, chống đối Cộng Sản bằng ngòi bút trước cả ba người đoạt giải Nobel là Pasternak, Soljenytsyne và Sakharov.
Ai cũng biết vai trò của người trí thức là rất quan trọng tại các nước độc tài. Tại các nước dân chủ, trí thức không quá ư cần thiết vì đã có tôn giáo với Thượng Đế và Giáo Hội để điều hợp xã hội. Các nước Cộng Sản (tức là Đảng) cần trí thức để biện minh cho chế độ độc tài, cho rằng chuyên chính vô sản là một nhu cầu lịch sử không thể nào tránh được trên bước đường giải phóng nhân loại.
Nói cho ngay, từ khi chủ nghĩa Cộng Sản mới xuất hiện, vốn là những con người lý tưởng, lớp trí thức dễ dàng bị quyến rũ. Nhưng sau khi chế độ Cộng Sản được thành lập ở Nga, có những trí thức tỉnh mộng ngay. Tuy nhiên, các chứng nhân André Gide, Arthur Koestler chỉ nhìn vào sự phi nhân của chế độ Stalinist với con mắt bàng quan. Họ không phải là nạn nhân của chế độ nên không có thái độ chống đối tích cực. Phải đợi khi có những nhà văn, nhà thơ ở trong các nước Cộng Sản bị chế độ giam giữ tinh thần hay thể xác, mới thấy có sự lên tiếng mãnh liệt về cái mà Nguyễn Chí Thiện gọi là hiểm hoạ của nhân loại.
Tại thành trì Cộng Sản là Liên Sô hay tại các nước Cộng Sản Đông Âu không có hiện tượng toàn thể trí thức cùng một lúc đứng lên phản đối chế độ như ở Việt Nam. Tôi hiểu được vì sao Phong Trào Nhân Văn Giai Phẩm bị Cộng Sản Việt Nam đàn áp tàn bạo như vậy. Đây là sự chống đối của tất cả trí thức vì nhóm Nhân Văn Giai Phẩm gồm đầy đủ thành phần văn nghệ sĩ các ngành, trí thức các khoa. Họ bị kết án, sa thải, đầy đọa, phải thú tội rồi được ân xá ra sao, chúng ta đã biết.
Duy chỉ có kẻ sĩ Nguyễn Chí Thiện (người tiếp tục tinh thần Nhân Văn Giai Phẩm) là bị giam giữ lâu năm nhất vì sự chống đối kịch liệt của ông qua những câu thơ chửi chế độ, chửi lãnh tụ mà những người trong Nhân Văn Giai Phẩm không ai dám làm. Các kiện tướng của phong trào phản kháng như Phan Khôi, Hoàng Cầm, Trần Dần cũng chỉ dám nói bóng nói gió mà thôi.
Trong thời gian tôi "gặp" Nguyễn Chí Thiện, anh bạn của tôi là bác sĩ Trần Ngọc Ninh đã từ Denver (Colorado) dọn về mở phòng mạch tại Santa Ana. Tôi vừa mua được một căn nhà mới ở ngay cạnh căn nhà cũ để "cứu sống" mười hai mạng người trong gia đình, bấy lâu nay vì ở chung một nhà chỉ có ba phòng ngủ và một phòng vệ sinh độc nhất cho nên vào mỗi buổi sáng (nói đùa đấy nhé) phải "giết" nhau mới làm được việc tiểu tiện, đại tiện, đánh răng, rửa mặt, tắm rửa! Bỏ thêm chút tiền xây thêm phòng ngủ, phòng tắm cho cả hai căn nhà, từ nay trở đi gia đình chúng tôi sống êm thắm như trong bài học của sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Tôi có đầy đủ sự yên tĩnh để làm hai công việc vừa khởi sự là soạn tài liệu cho bài thuyết trình về Năm Mươi Năm Tân Nhạc và phổ một số bài thơ của Nguyễn Chí Thiện thành 20 bài ngục ca.
Giải quyết xong vấn đề ăn ở cho toàn thể gia đình, tôi rất rảnh rỗi, nhân anh chị Ninh cần người đưa đón bệnh nhân (người già hoặc mới qua Mỹ chưa có xe hơi), tôi không nề hà nhận làm việc này ngay. Tôi đã từng làm thợ rèn, thợ điện, nông phu, thầy giáo trong thời niên thiếu. Qua Mỹ, đáng lẽ tôi cũng phải làm việc chân tay nhưng tôi khéo xoay xở nên được làm công việc trí óc.
Bây giờ tôi đang có phương tiện (xe hơi), sức khoẻ và thời giờ -- lúc này chưa được nhiều nơi mời tôi đi hát như trong những năm sau --, tại sao tôi không dùng nó để kiếm tiền nhỉ? Dù chỉ là tiền "petty cash" cao hơn tiền săng nhớt một chút thôi! Nhưng công việc rất nhàn nhã này không kéo dài vì xẩy ra vụ một số y sĩ gian lận về medicare bị đưa ra toà. Khi nhận giúp việc cho cả hai bên bệnh nhân và bác sĩ, rất ngây thơ và ngay thẳng, tôi không biết tới chuyện lạm dụng này, bởi lẽ giản dị anh Ninh không hề làm chuyện đó. Nay thấy cần phải tránh xa cái thế giới đang có "sì căng đan" lớn nên tôi "sì tốp" ngay việc giúp bệnh nhân đi khám bệnh. Vả lại tôi đã khởi sự được mời đi hát sau khi soạn xong 20 bài ngục ca.
Dù sao đi nữa, tôi muốn cám ơn những ngày được làm nghề tài xế cao quý (giống như các ông hoàng Nga trắng tị nạn Cộng Sản ở Paris) vì tôi có dịp tiếp xúc với người dân thường, hoặc đã qua Mỹ từ 1975 hoặc vừa mới tới đây bằng đường vượt biên.
Tôi được biết rõ tâm tình của người tị nạn, biết thêm những chuyện vui buồn thầm kín trong xã hội lưu vong. Cuộc tiếp xúc thân mật với dân chúng lần này trong chiếc xe hơi chẳng khác chi lúc tôi đi hát bằng xe lửa, ô tô buýt, bằng thuyền và thời tôi đi bộ trong kháng chiến, đi tới đâu tôi cũng học hỏi rất nhiều ở người dân.
Ngoài ra, đưa bệnh nhân tới phòng mạch phải ngồi chờ rất lâu rồi mới đưa bệnh nhân về nhà, tôi có nhiều thời giờ để sáng tác. Tại phòng khám bệnh của bác sĩ Ninh, trong khi anh bạn bắt bệnh nhân thè lưỡi ra coi hay sắn tay đo tension, tôi ngồi cắn bút viết ngục ca bên cạnh những chai nước khử trùng. Hèn gì ngục ca có mùi nhà thương trong nhạc, ngoài mùi nhà tù của thơ. Có lúc rỗi rãi, chúng tôi ngồi nói chuyện văn nghệ văn gừng trong phòng mạch hay trong quán ăn trưa ở gần đó. Có thể nói bác sĩ Trần Ngọc Ninh là thính giả đầu tiên của những bài ngục ca.
Đêm 27 tháng 12, 1980 là đêm tôi xuất hiện tại Santa Ana với chương trình Địa Vị Của Ngục Ca Trong Năm Mươi Năm Tân Nhạc sau một thời gian khá lâu không có tác phẩm mới.
--------------------------------
1Có giả thuyết thi sĩ vào được Sứ Quán nhưng bị giao lại cho nhà chức trách.