Thời Hải Ngoại
Chương Mười Tám

Trong chương 17 vừa rồi, tôi đã kể lại việc in ra toàn thể sáng tác phẩm của mình qua hai cuốn NGÀN LỜI CA và THẤM THOÁT MƯỜI NĂM nhân dịp đánh dấu 10 năm xa xứ... Bây giờ tôi dành chương 18 này để nói tổng quát về những hoạt động khác của tôi trong phạm vi điện ảnh, video, Karaoke, DVD, CD-Rom tại nước Mỹ từ ngày tôi bước chân tới đất mới...
Vào năm 1980, tôi được ban sản xuất phim của một Đài Public Broadcasting Services(PBS) lớn ở Los Angeles là đài KCET - Channel 28 mời tôi đóng vai chính trong một loạt bốn cuốn phim giáo dục nhan đề THE NEW AMERICANS. Một ngân sách của liên bang hay của tiểu bang - tôi không biết rõ - đã dự trù một khoản tiền dành cho việc thực hiện loạt phim giáo dục này và ban sản xuất của Đài phát hình kể trên đã được giao cho phần thực hiện. Bốn cuốn phim đầu, mỗi phim dài 60 phút - gọi là phim pilot - sau khi thực hiện xong và cho phát hình, nếu khán giả ưa thích thì sẽ được tiếp tục sản xuất thêm, có thể là năm này qua năm nọ.
Người viết truyện cho bốn cuốn phim đầu tiên này là anh David Abramowich, người Mỹ gốc Do Thái. Tất cả bốn truyện phim đều lấy chủ đề là cảnh sống chung trên đất Mỹ giữa các con cái của những người gốc Đông Dương như Việt Nam, Lào, Căm Bốt, và có luôn cả người Tàu gốc Việt. Lũ trẻ này đúng là người ''Mỹ-mới'' và đã có những va chạm giữa chúng và trẻ em Mỹ trắng, Mỹ gốc Phi Châu hay gốc Mễ nữa.
Sự va chạm là do khác biệt văn hoá mà ra và những mẫu thuẫn đều sẽ được một ông già có phép tàng hình, hiện ra giải quyết rồi biến đi. Anh chàng David Abramowich muốn vai chính - được dặt tên là Cụ Hiền - phải là một ông già biết đàn hát, biết nói tiếng Anh và biết đóng phim. Vì tôi đã có thành tích là người viết truyện phim, đạo diễn và phó Giám Đốc của Trung Tâm Điện Ảnh trong thời ông Diệm, nên tôi đã được mời đóng vai Cụ Hiền sau một lần quay thử.
Việc đóng phim đối với tôi rất là lý thú! Có bao giờ cậu bé con ở phố Hàng Dầu Hà Nội, chuyên môn coi phim cọp tại rạp cinéma Pathé ở trước Đền Bà Kiệu, cạnh Hồ Gươm... dám mơ tưởng tới ngày được tới tận ''Hồ Ly Vọng'' để chiêm ngưỡng các ngôi sao chiếu bóng? Nay thì không những được tới tận nơi gọi là Thiên Đường của điện ảnh, lại còn được mời đóng phim nữa! Nhất là được trả tiền thù lao khá cao. Chỉ hơi tiếc là vì nước Mỹ vừa thay đổi chính phủ, từ trong tay Đảng Dân Chủ qua tay Đảng Cộng Hoà, ngân sách dùng cho việc giáo dục công dân bị cắt giảm, sau bốn phim pilot, bộ phim THE NEW AMERICANS không có ngân sách để được sản xuất nữa.
Thế nhưng, vì đã có tên trong sổ ''đoạn trường'' cho nên sau đó, trong nhiều phim thương mại, tôi thường được gọi đi đóng vai phụ, toàn là vai ông già ác ôn, cầm đầu các nhóm du đãng da vàng...
Hai tài tử nổi danh Lê Quỳnh, Đoàn Châu Mậu tuy cũng được mời đóng phim tại Hollywood nhưng có thể vì tuổi đã hơi cao, không còn cơ hội đóng vai chính trong những phim Mỹ nên họ sẽ phải đổi nghề hay dọn nhà đi xa. Lê Quỳnh làm việc trong một Công Sở Xã Hội, rồi làm chủ một tiệm phở được ít lâu thì bị đứt mạch máu não. Còn Đoàn Châu Mậu thì dọn đi cư ngụ ở Seattle, rồi ở Hawaii và sẽ giã từ cõi đời trong cảnh hàn vi tại hải đảo thần tiên này. Trong đám tài tử ciné người Việt chỉ có Kiều Chinh là thành công tại Hollywood.
Khi kể lại chuyện đóng phim của mình tại Hollywood, tôi không có ý khoe khoang gì đâu! Tôi chỉ muốn nói đến một việc làm rất bình thường của một nước đa chủng như nước Mỹ, một việc đã khiến cho tôi rất bâng khuâng.
Hoa Kỳ là một nước mà người dân da đỏ, da trắng và da đen chung sống với nhau từ ngày mới lập quốc. Theo chân người Hồng Mao tới Mỹ lập nghiệp là người da trắng gốc nước bên Âu Châu. Người da đen Phi Châu thì tới - được mua làm nô lệ thì đúng hơn - để khai khẩn đất hoang. Người da vàng tới Mỹ làm phu xây đường sắt... Rồi khi Hoa Kỳ trở thành nước kỹ nghệ lớn nhất hoàn cầu thì hàng năm có chương trình đón nhận dân tứ xứ nhập cảnh, cho nên luôn luôn có ''người Mỹ mới''. Do đó, nước Mỹ rất chú trọng đến việc làm sao cho những người dân không cùng một chủng tộc sống hoà bình trong Hợp Chủng Quốc.
Khi 120.000 người Đông Dương - rồi sau đó là từ một tới hai triệu người - vào nước Mỹ thì Nhà Nước Hoa Kỳ có ngay những chương trình TIVI hay MOVIE để giáo dục người lớn - và nhất là trẻ em - hiểu biết nhau, tránh những đụng chạm có thể xẩy ra. Trong hai mươi năm qua, đã không xẩy ra những vụ kỳ thị nào to lớn giữa người Mỹ mới và người Mỹ cũ, chỉ có vài chuyện mâu thuẫn trong nghề nghiệp của giới làm nghề biển ở vùng Vịnh Mexico mà thôi.
Tôi vốn là một nghệ sĩ, qua tất cả những sáng tác của mình, từ tâm ca tới trường ca qua tổ khúc... và trong suốt một đời, đã chỉ muốn dùng âm nhạc để thống nhất đất nước và lòng người. Trong lúc đóng phim The New Americans, tôi thường nghĩ đến nước Việt Nam, đến người Việt Nam, cùng chung một nòi giống mà vẫn còn đầy chia rẽ, hẹp lượng và khinh thị với nhau không biết đến bao giờ mới nguôi. Vẫn chia ra hai phe đối nghịch mà không bao giờ có sự tìm hiểu lẫn nhau. Mới chỉ đặt vấn đề giải hoà (hoà hợp, hoà giải) thôi, mà đã cãi nhau kịch liệt rồi! Người thấy được sự cần thiết phải ''đồng thuận'' giữa mọi người là ông chủ báo THÔNG LU‡N Nguyễn Gia Kiểng còn bị hành hung tại Hoà Lan khi dám lên tiếng nói công khai về việc này!
Cũng như mọi người cùng thế hệ, tôi thích điện ảnh và từ bé, đã được nếm đủ mùi vị của phim Âu, Mỹ, từ thời phim câm, phim đen trắng của các vua hề Charlot, Stan Laurel et Olivier Hardy... tới phim nói, phim mầu, phim cinemascope như A L'Ouest Rien De Nouveau, Le Signe De Zorro, Ben Hur, Tarzan... Nhưng tôi là kẻ chơi trò quay phim gần như suốt đời. Từ khi có máy camera 8 m/m bán ra trên thị trường, mới đầu còn dùng phim trắng đen, sau đó là phim mầu, tôi đã mua nó và biết sử dụng nó ngay. Trong gia đình, từ đứa con lớn là Duy Quang cho tới con gái út là Thái Hạnh, con nào cũng có những đoạn phim 8 ly từ ngày chúng mới ra đời cho tới khi chúng lớn lên dần...
Cảnh cũ, người xưa đều nhất loạt được tôi ghi vào phim nhựa, chẳng hạn cảnh thành phố Saigon ngày chúng tôi mới bỏ vùng quê về thành sinh sống, cảnh ông bà ngoại các cháu đánh đàn, cảnh vợ chồng tôi đi Vũng Tầu, Dalat, Pnom Pênh, cảnh đám ma anh Nhượng, cảnh đám cưới của các con, cảnh sinh ra và lớn của cháu nội Ly Lan, cháu ngoại Tori v.v... cảnh tôi đi du học bên Pháp, đi chơi bên Đức từ 1955 lận. Chưa kể rất nhiều phim nhựa 8 ly hay video tape ghi lại những cuộc lưu diễn ở trong nước trước kia và trên hoàn cầu sau này.
Rồi trong phạm vi nhà nghề, tôi lại còn được vào làm việc trong một Trung Tâm Điện Ảnh (1955), đầu tiên với tư cách người viết truyện phim, rồi leo dần lên chức đạo diễn điện ảnh và cuối cùng là Phó Giám Đốc của Trung Tâm.
Qua nước Mỹ, kể từ khi có thêm phương tiện VCR hay Karaoke để âm nhạc nhẩy từ sân khấu lên màn ảnh, thì tôi - hay nhạc của tôi - đều thường xuyên có mặt trong những chương trình video do các hãng Thúy Nga, Asia, Làng Văn... sản xuất. Tôi còn được hãng Thúy Nga làm hai chương trình video về tôi để cho tôi có dịp trả lời hai phóng viên quốc tế Đỗ Văn, Lê Văn về cuộc đời nghệ sĩ của mình.
Ngoài ra, trước đây tôi có mặt trong một số phim video của Sở Thông Tin Hoa Kỳ USIS (như phim THE RAIN ON THE LEAVES) hoặc trong chương trình TIVI (về Dân Ca của Peter Seeger, có tôi hát cùng đôi song ca Addiss/Crofut)... nay những phim đó được phát hành.
Chưa hết! Với bước chân ''70 dặm'', kỹ thuật mới áp dụng vào những trò vui chơi ở trên thế giới tiến nhanh tới hình thức DVD. Bây giờ người ta coi phim, coi hình, nghe nhạc không phải bằng phim nhựa hay bằng phim video nữa mà bằng đĩa DVD. Đó là một cái đĩa thủy tinh cứng nhỏ bằng bàn tay, có khả năng chứa đựng tối thiểu là hai giờ đồng hồ hình ảnh và âm thanh, dài bằng thời gian của một phim truyện vậy. Bao nhiêu phim hay ở trên thế giới mà xưa kia chúng ta phải đi coi ở rạp chiếu bóng hay được chứa trong băng video thì nay được cho vào đĩa DVD. Thật là tiện lợi! Băng nhạc hay phim video nếu coi đi coi lại thì có thể bị hư dần nhưng đĩa CD hay đĩa DVD thì bền bỉ suốt đời.
Thế rồi người ta chế ra cái máy để làm được những ''đĩa phim đó'' ngay trong nhà, gọi là máy làm video-CD. Khi máy đó vừa bày bán trên thị trường thì tôi mua ngay để biến hàng trăm, hàng chục cuốn phim video cồng kềnh và nặng nề của tôi vào những đĩa video-CD mỏng dính và nhẹ nhàng.
Tôi còn là kẻ may mắn nhất vì được làm quen với computer từ buổi bình minh của phát minh này. Từ cuối thập niên 80, tôi và Duy Cường đã khởi sự dùng máy computer. Trước tiên, chỉ là để thay thế máy đánh chữ, nhưng khi đó chưa có ai đưa được ''fonts chữ Việt'' vào máy computer. Chúng tôi phải đi tìm mãi mới kiếm ra được một ông kỹ sư tên là Nguyễn Văn Tâm - đang làm việc cho Tổ Chức Không Gian NASA - là người đầu tiên viết ra ''fonts chữ Việt''. Thế là chúng tôi gài ''fonts chữ Việt'' vào máy và bắt đầu dùng computer để viết thư, viết báo, viết Hồi Ký, viết sách nhạc và nhất để giữ lại những tài liệu cũ chất chứa trong những hồ sơ to tổ bố. Và cũng phải mất một thời gian khá lâu để chúng tôi tìm mua những ''softwares'' về âm nhạc để viết nốt nhạc, để hoà âm. Và mua thêm những ''softwares'' về hội họa để làm tranh ảnh, trang trí v.v...
Cho tới khi nhờ có computer mà tôi tiến đến giai đoạn làm ra được những CD-Rom. Trước hết, ta cần biết: CD-Rom là gì?
CD-Rom là một phương tiện có khả năng lưu trữ chỉ trên một đĩa nhỏ như loại CD mà chúng ta thường mua về nghe nhạc, một khối lượng dữ kiện khổng lồ là 680 megabytes. Chỉ cần lấy một ví dụ: toàn bộ 24 cuốn Bách Khoa Tự Điển có thể thu gọn trong một dĩa CD-Rom. Nó giống như một thư viện vậy.
Những bức ảnh (photo), âm thanh (sound tức là music), phim (video) và văn bản (text) cũng đều có thể chất chứa trên đĩa CD-Rom. Nó giống như một bảo tàng viện, một rạp hát hay một rạp chiếu bóng vậy.
CD-Rom còn cho phép người dùng nó, làm công việc ''tương tác'' (interact), chứ không thụ động ngồi coi. Khác với việc coi phim video, nếu muốn coi lại một đoạn đầu hay coi ngay đoạn cuối thì phải ta quay lại (rewind) hoặc quay tới (forward). Với CD-Rom, ta có thể chọn xem, hoặc tìm chỗ cần tìm và trở lại phần đang xem ngay lập tức.
CD-Rom cho phép ghi lại âm thanh với phẩm chất tương đương với đĩa CD audio và còn có thể phối hợp hình ảnh và âm thanh giống như hình thức karaoke.
CD-Rom được gọi là ''truyền thông đa diện'' (multimedia) vì nó có khả năng tiến lên ngang hàng với sách báo, video, đĩa nhạc. Trong nhiều trường hợp nó có khả năng lớn hơn các thứ ''truyền thông đơn diện'' vừa kể... vì đã có những ''sách nói'', ''sách hát'', ''sách hoạt hình'' cho người lớn và trẻ thơ bán ngoài thị trường rồi.
Như đã từng là người đầu tiên phát hành đĩa CD-Audio (CD Nhạc Tình), bây giờ, với sự cộng tác của một kỹ sư trẻ, anh Bùi Minh Cuơng ở San Jose, chúng tôi cho ra đĩa CD-Rom đầu tiên của Việt Nam.
Đây là một cuộc hôn phối rất tốt đẹp của nghệ thuật và kỹ thuật. Với đĩa CD-Rom đầu tiên của Việt Nam này, với chủ đề HÀNH TRÌNH TRÊN ĐẤT MẸ, chúng tôi có khát vọng đem chút gia tài văn hoá của người đi trước tặng cho thế hệ đi sau, mà có thể vì sinh ra và lớn lên ở hải ngoại, các em bị cắt đứt với dòng sống tinh thần và tình cảm của dân tộc.
Qua CD-Rom này, chúng tôi hi vọng đem lại cho các em hình ảnh quê hương, tiếng hát quê hương, phong cảnh quê hương, tình tự quê hương... Và cũng chỉ với sức chứa của CR-Rom, chúng tôi mới có thể cung cấp thêm cho các em, ngoài âm nhạc ra, vài ba dữ kiện trong thi văn, hội hoạ, kiến trúc... Lịch sử cũng như huyền sử, địa dư và địa chí đều nhất loạt hiện diện trong CD-Rom này cho xứng đáng với danh nghĩa truyền thông đa diện - multimedia của nó...
Chúng tôi cố gắng cho CD-Rom này có thêm phần đa ngữ để cho người ngoại quốc hoặc các em xưa rày ít nói tiếng mẹ đẻ, hiểu biết kỹ càng về công trình này. Đa số tiết mục trong CD-Rom đều được giới thiệu qua ba thứ tiếng Anh-Việt-Pháp.
Vào lúc tôi hoàn tất Hồi Ký này, tôi cũng đang hoàn chỉnh những CD-Rom:
1) Pham Duy Anthology, gồm hai phần:
Một phần ghi lại bằng văn bản, hình ảnh, âm thanh của toàn thể nhạc phẩm Phạm Duy.
Một phần ghi lại bằng văn bản, hình ảnh, âm thanh của những bài ca ngoại quốc do soạn lời Việt.
2) Pham Duy Family là một CD-Rom tóm tắt cuộc đời và sự nghiệp của bố tôi là Phạm Duy Tốn, của hai anh tôi là Phạm Duy Khiêm, Phạm Duy Nhượng và của vợ tôi là Phạm Thị Thái Hằng...
Trong CD-Rom này, tôi sưu tập được:
a) Hầu hết văn phẩm của người bố, từ những bài báo đăng trên Lục Tỉnh Tân Văn từ những năm 1915-16, qua những đoản thiên tiểu thuyết như Sống Chết Mặc Bay, Câu Chuyện Thương Tâm, Nước Đời Lắm Nỗi cho tới 108 truyện cười trong ba cuốn Tiếu Lâm Annam...
b) Hầu hết tác phẩm bằng Pháp văn của người anh Cả, từ những bài diễn văn cuối niên học cho tới những cuốn sách nổi danh Légendes Des Terres Sereines, Nam et Sylvie, De Hanoi À La Courtine.
c) Toàn thể sự nghiệp của người anh thứ, tác giả của những bài Nhạc Đường Xa, Đêm Đô Thị, Bà Mẹ Chồng...
d) hoạt động của người vợ yêu quý trong ban THĂNG LONG của gia đình, ban HOA XUÂN của tôi, TAO ĐÀN của thi sĩ Đinh Hùng và ban kịch truyền thanh của Võ Đức Duy v.v...
3) Dẫn Vào Nhạc Việt Nam là một tiểu luận song ngữ, giới thiệu tổng quát về lịch sử nhạc việt, nhất là về những ngày đầu của Tân Nhạc.
4) Trống Việt Nam là một tiểu luận về một nhạc khí mà tôi rất yêu thích. Trong đó, tôi dẫn người đọc (và nghe) từ trống đồng qua trống mặt gỗ tới trống mặt da, tữ trống cái qua trống nhỡ tới trống nhỏ, từ trống thờ qua trống chầu tới trống chèo v.v...
5) Toàn Bộ Hồi Ký của tôi đã cho vào một CD-Rom. Ngoài văn bản ra, người đọc còn coi thêm được nhiều hình ảnh, nghe thêm được nhiều bản nhạc nữa trên máy computer. Với CD-Rom này, có thể in ra (print out) từng chương, từng đoạn để đọc.
6) Những Chuyến Trở Về.... Sau 50 năm xa Hà Nội và 25 năm xa Saigon, vào đầu năm 2000, tôi trở về Việt Nam và có dịp ghi lại hình ảnh, cảm tưởng, suy nghĩ của tôi... Việc trở về quê hương này còn quá mới cho nên tôi không cho vào Hồi Ký mà cho vào một CD-Rom, coi như một thứ Album dành cho con cháu mà thôi.
Việc sưu tập tài liệu về mình coi như rất là mỹ mãn. Không có nghệ sĩ nào trong thế hệ tôi có thời giờ và nhất là có phương tiện để truy lùng rồi ghi lại những sự việc đã xẩy ra trong cuộc đời khá lộn xộn này. Có lẽ vì tôi là một kẻ rất gai góc và đã bị các "sử gia Nhà Nước" cố tình bỏ quên cho nên tôi đã phản ứng lại bằng cách tự viết sử của mình đến độ có thể bị hiểu là kém nhũn nhặn. Nay thì tôi yên tâm: không sợ bị bỏ rơi nữa, vì với Hồi Ký, với CD-Rom PD Anthology, PD Family v. v...tôi đã ghi lại hầu hết đời mình vào sách đọc, đĩa đọc để nếu rằng mai sau dù có bao giờ có - tối thiểu là các con các cháu và những người tình - đốt lò hương để nhớ tôi, thì xin âu yếm mời đọc và nghe những tài liệu vừa kể đó.
Tôi lại còn có thêm hạnh phúc là sống dai để hưởng được sự phát minh ra INTERNET và nhờ đó, một phần đã hoàn tất của những tài liệu của tôi đã được phổ biến quá ư tự do và rộng rãi trong dăm bẩy năm qua. Nhờ có mạng lưới toàn cầu này, nhờ công ty KICON ở Santa Ana, CA USA... một HOME PAGE (trang nhà) của tôi đã được hiện diện thường xuyên trong thinh không. Biết bao nhiêu người thuộc dăm ba thế hệ trẻ đã hằng ngày gửi điện thư (E-mail) liên lạc, khen tặng, thăm sức khoẻ và chúc thọ... khiến cho tôi - trời ơi, sướng quá - không cần đợi khi chết đi, phải gọi một đàn ruồi đến để nghe dùm những bài điếu văn tuyệt diệu.