Nguyện nói với người hầu bàn mặc đồng phục trắng thắt nơ xanh đứng chờ bên cạnh. Một lúc sau ông ta mang ra hai tách trà đặt trước mặt Nguyện và Phượng. Cái túi trà nâu nâu ngâm trong nước, miệng tách trà trắng ngà bốc khói, miếng chanh để kẹp trong lòng đĩa. Nguyện vắt chanh và bỏ đường cho Phượng. - Thử xem ngọt không Phượng? Phượng húp một muỗng nhỏ: - Ðược rồi anh, sao anh không để em quậy đường cho. Công việc đáng lý phải của em mà? - Hôm nay anh chiều cô bé. - Chỉ hôm nay thôi sao? Phượng cười, ngó Nguyện. Chiếc muỗng trên tay Nguyện nhịp vào thành ly. Nguyện cũng cười: - Chỉ hôm nay thôi. - Tại sao? - Rồi sẽ có người khác chiều Phượng thay anh. Phượng mắc cỡ, cúi xuống với chiếc muỗng kéo lơ ngơ trên mặt bàn: - Chưa đâu anh, ngày đó còn xa vời quá. - Biết đâu. - Ít nhất cũng còn một năm nữa để anh tin như thế. - Nhiều khi mấy cô còn đi học người ta đến rước cũng bỏ trường mà đi như thường. - Em sẽ ở lại, trường là cánh cửa cuối cùng giữ tâm hồn mình còn bé nhỏ. Phượng chưa muốn làm người lớn. - Nói nghe cảm động lắm, nhưng lòng các cô như những bông mười giờ. - Bông mười giờ vẫn đỏ thắm lúc học trò ra chơi. - Anh thương mến Phượng như thương mến anh vậy, biết không? Phượng ngó anh Nguyện, muốn khóc hết sức. Nhưng Phượng gượng một nụ cười, và gật đầu. Anh Nguyện nói nhẹ như một hơi thở: - Tại sao chúng ta lại liên hệ với nhau nhỉ. Anh chỉ thích sống ở quê nhà, hằng ngày, ngồi nghe tiếng nước sông, tiếng sóng vỗ, nghe hương thơm cây trái đầu mùa trong vườn nhà anh. Nhưng rồi anh cũng lại bỏ đi. - Anh đi để làm người lớn. - Anh đi để làm một cánh chim bồ câu trắng dính bùn nhơ của cuộc đời. - Anh nói gì nghe buồn quá. - Hình như đời sống là một tiếng hát buồn. - Anh sẽ vui khi Hạ trở lại. - Ðâu phải anh chỉ chờ mong có chuyện đó. - Lẽ ra anh phải tới nhà em. Hai anh em ở trên căn gác vẫn còn rộng chán. - Anh thích ở một mình. - Và thích một không khí yên tĩnh. - Có lẽ. - Bà chủ nhà tốt quá anh Nguyện nhỉ? - Bà xem anh như người thân. - Sống trên căn gác đó mỗi ngày anh làm gì? - Ði học, đi làm, đi ra đi vào, ca hát, vui buồn. - Và nhớ thương? - Tò mò. - Ðúng. - Mi tò mò nhiều quá sẽ thành con dế nhũi. Ngày xưa cũng có một người tò mò như vậy mà bị hóa thành con dế nhũi chui dưới đất đấy. Phượng hỉnh mũi, bỗng từ ngoài có tiếng gọi: - Phượng, Phượng. Phượng quay ra, reo lên: - Thảo, Thảo vào đây. Thảo với người thanh niên ngần ngại một thoáng rồi bước vào. Phượng chỉ hai chiếc ghế trống: - Ði đâu đấy, ngồi xuống đây một tí. Phượng giới thiệu luôn: - Anh Nguyện, còn đây là Thảo, bạn học cùng lớp với Phượng và anh Hảo, anh của Thảo. Nguyện cười, bắt tay Hảo. Hai người ngồi xuống. Thảo đưa mắt nhìn Nguyện, có một vẻ ngạc nhiên trong đôi mắt ấy. Phượng cũng nhận ra ngay bằng một nụ cười ra hiệu cho Nguyện. Hảo đây sao, người Phượng nói quen Hạ hôm trước. - Ði đâu đấy Thảo? - Anh Hảo dẫn đi ciné. - Phim hay không? - Ðược. - Ðậu rồi đi chơi dữ? - Phượng cũng thế. Nguyện ngồi một lúc nhớ ra hai người Nguyện đã gặp một tối nào đi với Phượng trong cơn mưa nhỏ. Ðúng rồi, họ là hai anh em, Hảo và Thảo. Nguyện mỉm cười với chính mình. Thảo cũng kêu lên: - À, anh Nguyện, nhớ ra rồi. - Anh Nguyện đấy. - Bây giờ mới nhận ra. Thảo ngó Nguyện, rồi quay hỏi Phượng: - Bồ có nhận được thư của Hạ? Hạ chừng nào trở xuống? - Có nhận thư, nhưng không biết bao giờ Hạ xuống. Hảo hình như cũng chờ đợi câu trả lời của Phượng. Nguyện đọc thấy một vẻ thất vọng trong đôi mắt của anh ta. Thảo nói: - Tụi này định đi Ðà Lạt. - Bao giờ? - Hai ngày nữa. - Sướng nhỉ? Phượng chả biết bao giờ mới được đi. - Phượng đi không, đi luôn với tụi này. - Ði thì lúc nào cũng sẵn sàng, nhưng có xin phép được ở nhà không mới là chuyện đáng nói chứ. Thảo cười: - Thi đậu đi chơi ít hôm chứ. Phượng phải vòi vĩnh mới được. - Có ai đâu mà vòi vĩnh. Ông già đập chết tươi. Hảo lên tiếng: - Chắc sẽ ghé tìm Hạ. Phượng nhắn gì không? - Biết nhắn gì bây giờ. - Nhắn Hạ xuống sớm nhé? - Ừ... ừ, có lẽ nên nhắn như vậy. - Thôi tụi này đi, để trễ xuất. Hảo và Thảo đứng lên. Nguyện đưa tay ra bắt tay Hảo. Hai anh em họ bước ra đường. Phượng quay hỏi Nguyện: - Anh nghĩ gì? - Không nghĩ gì cả. - Họ sung sướng quá anh nhỉ, muốn đi đâu cũng được. Cả đời em chắc giam mình trong cái thành phố đáng ghét này và căn gác nóng như lò bánh mì. Câu nói của Phượng thật tội nghiệp. Nguyện nói: - Khi nào anh đi Ðà Lạt, anh cho Phượng theo. - Khi nào anh đi? - Chưa tính. - Anh tính nhanh đi chứ, anh lờ đờ quá. Anh tới xin phép cho em nhé. - Ừ. - Mà nhanh lên mới kịp à. - Kịp gì? - Hảo sẽ gặp Hạ trước ở thành phố đó. Thành phố đó nghe nói là một thành phố dễ gây xúc động. Anh hiểu em muốn nói gì chứ? - Anh hiểu. - Như thế anh đừng lờ đờ lững đững nữa nhé? - Anh tin ở một khoảng thời gian tuyệt vời đã có giữa anh với Hạ. - Có chắc không? - Anh hy vọng thế. - Anh làm em ngại ngại. Em thương Hạ lắm. Em không muốn Hạ ở ngoài mối giây liên hệ của mình. - Cám ơn nhỏ, bây giờ nhỏ uống nước đi. Phượng chớp mắt, tưởng như đã có những giọt nước mắt rơi. Hạ ơi mi biết không chiều nay ta và anh Nguyện đang ngồi đây, trong một thành phố lãng đãng sương khói để nhớ tới mi, nhắc nhở mi, yêu dấu mi. Ta mới biết nơi lòng anh Nguyện có một vết thương, nhưng là một vết thương hạnh phúc, vết thương không đau, vết thương càng lớn, mi có dịp về để lấp kín vết thương ấy không?