Chương 5

Nguyện đứng chờ một chiếc xích lô.
Buổi chiều rải những giọt nắng nhẹ qua khe lá trên đầu. Những chiếc lá nhỏ bé, xanh mướt như những đôi mắt của loài mây trời nhẹ hẫng nhìn xuống thành phố êm đềm với con đường êm vắng tiếng xe. Con đường ngang qua cổng bệnh viện, nơi giam chân Nguyện những ngày qua, thấy rực rỡ bóng sáng, như chiều tự nhiên bật hết những ngọn đèn néon xanh trên màu lá non mới thay. Ðứng ở đây và nhìn, ở đầu này hay đầu đằng kia, con đường trông giống như một cảnh trong phim. Buổi chiều vàng úa với màu xanh óng mượt non nớt của lá cây trùm phủ. Giờ tan học của một ngôi trường với học trò con gái nhỏ như lá non, vui đùa ném những bước chân của mình trên những vỉa hè còn thơm nồng mùi mưa. Nguyện yêu những giờ tan học, nhưng yêu hơn như thế nữa, những người con gái ở lại với buổi chiều đẹp sắp tàn về một mình trên con đường vắng xe cộ, vắng cả người. Lúc đó chỉ còn cây lá, nhà cửa im lặng, những khoảng rào như có mắt, bước chân như những khúc hát, Nguyện đi dần về ngã tư. Những người con gái nhỏ đèo nhau trên xe PC chạy qua rất chậm không ai ở lại con đường này sao? Không tiếng chân nào như khúc hát lang thang trên đường về nhớ đầy hết sao? Nguyện đứng sững lại trước một cơn gió đưa một bầy lá me vàng xuống mặt đường. Nguyện say mê ngắm, đắm đuối nhìn, tưởng mình có thể hóa thành chiếc lá nhẹ nhàng kia, phiêu bồng tiễn chân một ngày qua, bay múa cùng những giọt nắng long lanh.
Một ông xích lô đạp ngược chiều đi tới. Nguyện vẫy ông ta dừng lại.
- Ði không ông?
- Ði chớ.
- Ði hơi xa một chút?
Ông xích lô cười:
- Tôi chưa già mà, chân tôi còn khỏe lắm, dư sức đưa cậu đi tới chân trời cũng được.
Nguyện thấy ông xích lô vui tánh, cười nói:
- Vậy thì đi.
Nguyện leo lên ngồi, cái va ly nhỏ để dưới chân. Ông xích lô quẹo xe lại, Nguyện bất ngờ trông thấy một khoảng rào có hoa nở đỏ và bay hương thơm. Ở một ngã tư vắng hai người con gái ở đâu thình lình phóng xe PC tới làm ông xích lô hốt hoảng nép xe sát vào lề. Hai người con gái cũng hốt hoảng kêu Úi Úi, chiếc xe lao đao như sắp ngã. Nguyện la lên:
- Cúp cua trễ giờ hay sao mà chạy nhắm mắt nhắm mũi thế cô bé?
Cô gái phía trước sượng sùng. Cô ngồi phía sau nói lớn:
- Tại ông đi ngược đường chứ bộ.
- Ðôi khi người ta cần phải đi ngược chiều cho vui vẻ.
Cô gái nhìn Nguyện hối bạn chạy, rồi nói:
- Chắc ông ở bệnh viện mới ra.
Ông xích lô tiếp tục đạp xe đi, không quên than thở một câu dài thượt:
- Con gái bây giờ thật quá sức.
Nguyện âm thầm với nụ cười của mình. Buổi chiều đột nhiên quyến rũ với Nguyện như anh bị đau sau một cơn thập tử nhất sinh vừa khỏi, đứng bên cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Mỗi người, mỗi tiếng nói, mỗi cành cây, chiếc lá đều đáng yêu, đáng hối tiếc nếu ta bị chết đi giữa trời đất âm thầm không ai hay. Nguyện đã từng như thế, từng hồi sinh trong những phút giây hạnh phúc choáng ngợp hồn.
- Ði đâu đây cậu?
- Về Ðakao, Tân Ðịnh.
- Gần chứ đâu có xa.
- Tôi nghĩ là xa.
Ông xích lô cười nhỏ, chắc là cười cho sự ngây ngô của Nguyện. Ông sẽ biết Nguyện còn ngây ngô hơn thế nữa nếu ông hỏi Nguyện tên đường và địa chỉ nhà. Một vài lần lên chơi nhà Phượng, ở lâu, đi ra đi vào mòn con phố mà Nguyện vẫn chưa nhớ được tên đường và số nhà. Nhưng rất may, Nguyện không đến nỗi nào tệ lắm, Nguyện còn nhớ hướng. Cứ nhắm theo hướng mà tới. Con đường rẽ từ một ngã ba bên cạnh rạp chiếu bóng, có nhiều nhà đẹp, có con hẻm dài, nhiều trẻ con. Quẹo vào đó tới trụ điện thứ tám, nhà có căn gác gỗ, lan can sơn màu xám tro. Có cây trứng cá nhỏ trước sân, đó là nhà của Phượng.
Ông xích lô theo hướng tay Nguyện chỉ chạy miết. Cuối cùng quẹo vào con ngõ nhà Phượng. Buổi chiều, trẻ con đông nghẹt ngõ hẻm. Ông xích lô phải bóp chuông inh ỏi để dẹp đường. Ngõ hẻm rộng xe hơi vào được, nhưng buổi chiều mát trẻ con bày những trò chơi, nghịch ngợm, thảy lon, thảy đáo và đá banh khiến chiếc xích lô cũng khó khăn mới tới được trước cửa nhà Phượng, ông xích lô than thở:
- Gớm, trẻ con đâu mà nhiều thế?
Nguyện đặt va lời xuống đất, trả tiền xe.
Phượng từ trên gác ngó thấy chạy xuống la:
- Sao anh Nguyện lại về?
Nguyện cảm ơn ông xích lô lúc ông quay xe ra ngõ. Nghe tiếng Phượng phía sau, Nguyện quay lại bắt gặp đôi mắt đầy ngạc nhiên của Phượng. Nguyện cười:
- Bộ không muốn cho anh về sao, nằm hoài trong đó ai chịu nổi?
- Nhưng hết bệnh chưa mà về?
- Dĩ nhiên là hết.
- Thật không?
- Lại có chuyện hết bệnh giả vờ nữa sao?
Phượng dài lưỡi:
- Biết đâu anh Nguyện dám bỏ trốn về lắm à!
- Ðừng có nói ẩu, chiều nay Phượng không đi chơi sao?
- Anh làm như người ta đi chơi tối ngày vậy. Ở nhà học bài, nấu cơm, một lũ nhóc, mệt ngất ngư con tàu đi.
- Có phước lắm mới được làm chị cả, Phượng còn than nỗi gì.
- Nhưng cái phước lớn ba mươi để lại cho anh đó.
- Anh là con trai, cô bé.
Phượng xách va lời của Nguyện vào nhà. Mấy đứa em nhỏ của Phượng bu lấy Nguyện hỏi tíu tít khiến Nguyện trả lời không kịp. Thuý ngó Nguyện từ đầu đến chân thắc mắc hỏi:
- Anh Nguyện đau màng óc hả?
- Ừ.
Hiền nhanh nhẩu nói:
- Nhưng anh Nguyện đã hết rồi, phải không?
- Ừ.
Tuấn hỏi:
- Ở trong đó vui không anh Nguyện?
- Vui.
- Sao anh không kêu em vô đó chơi với.
- Ai biểu hôm trước em không theo chị Phượng.
- Chị Phượng đi đâu có cho em hay.
Kiệt, nhỏ nhất trong bọn rụt rè hỏi:
- Rồi bao giờ anh Nguyện về dưới tỉnh?
- Mai mốt.
- Cho em đi theo với nhé, em nghỉ học rồi.
Cả bọn lao nhao lên:
- Cho Hiền theo nữa.
- Thuý nữa.
- Tuấn nữa nhé, anh Nguyện nhé.
Nguyện quơ tay nhiều vòng, nói:
- Cho theo hết, nhưng cấm không được đòi về nửa chừng nếu nhớ nhà.
Thúy xì một tiếng dài:
- Ai thèm nhớ nhà, ở dưới tỉnh vui hơn ở nhà. Muà này vườn anh Nguyện chắc có nhiều trái cây lắm phải không?
- Có, nhưng chim nó ăn hết rồi.
- Chim gì ác quá vậy?
- Ðâu có ác, nó còn chừa cho Thúy chứ bộ.
Hiền vỗ tay nói:
- Chừa cho chị Thúy mấy cái hột với mấy cái vỏ, ngon ghê.
Mấy đứa con trai cũng về phe Hiền ngạo Thúy. Chúng rượt đuổi nhau chạy ra ngoài ngõ. Phượng trở ra nói:
- Phượng dọn cho anh một chỗ, trên gác. Nhưng chỉ lên đó được buổi chiều và buổi tối thôi, trưa anh ở dưới nhà.
- Sao vậy?
- Vì trưa trên đó Phượng hấp bánh mì. Anh có muốn làm ổ bánh mì không?
- Nóng lắm hả?
- Sơ sơ mới có 45 độ.
- Sao Phượng... mát mẻ thế?
Phượng lườm:
- Còn anh, chưa chui vô cái lò bánh mì lần nào mà ngó như cây trứng cá khô ngoài cửa.
Xã giao sơ sơ bao nhiêu đó xong, Phượng mới nhớ buổi chiều sắp tắt.
Ðồng hồ treo trên tường chỉ sáu giờ rưỡi. Phượng e ngại hỏi:
- Anh ăn cơm chưa?
Nguyện thở phào:
- Ðợi chút nữa chắc anh thành con ma đói.
- Phượng dọn nhé.
Nhưng Nguyện ngăn lại:
- Thôi, bây giờ ra phố ăn cái gì đi. Phượng rảnh không?
- Rảnh.
- Vậy thì lấy xe, anh chở đi.
- Xe thằng Hiền đi rồi.
- Ði xích lô, cô bé.
- Nhưng bỏ cái nhà này lại cho ai, ba má đi ăn đám cưới tới tối mới về.
- Bắt tụi nhóc coi.
- Tụi nó phá nhà chứ ở đó mà coi nhà. Có gì tối về bị nghe chửi.
- Không sao, có anh. Kêu tụi nhóc về đi.
- Phượng chạy ra ngõ một lúc dẫn hết tụi nhóc về. Nguyện cười hỏi Thúy:
- Ở nhà Thúy ngoan nhất phải không?
Con nhỏ mắc cỡ, cúi mặt cười cười. Hiền ba hoa:
- Ối chi, chị Thúy ngoan phải biết. Hôm nào nấu thế cơm cho chị Phượng một bữa, y như bữa ấy cơm có ba mùi, như là kem ba mùi ở Bạch Ðằng vậy.
Nguyện xoa đầu Hiền:
- À, cả Hiền nữa. chắc Hiền cũng ngoan lắm.
Tuấn nói:
- Ngoan cái dấu chấm than thì có.
Phượng nói:
- Anh Nguyện nói tới nói lui hoài, bây giờ Phượng ra lệnh cho tụi nó, này tất cả coi nhà, chị Phượng đi với anh Nguyện ra phố một chút.
Tuấn vút mũi:
- Ngon lành.
Hiền nheo mắt:
- Chị Phượng chiều nay Cừ ghê.
Thúy cũng hỉnh mũi:
- Nữ chúa rừng xanh.
Phượng tức cành hông, chạy đi tìm cây chổi lông gà. Kiệt sợ quá chạy vòng vòng quanh chỗ Nguyện ngồi nói:
- Em bằng lòng coi nhà... em chỉ xin Hai Chục Cứng.
Phượng rượt tụi nhóc chạy cùng nhà, có đứa leo lên gác. Phượng chả túm được đứa nào, lại mệt thở phì phì. Nguyện ngó Phượng cười:
- Cô bé đi sửa soạn, để đó anh lo.
Phượng tức quá đến rớm nước mắt. Nguyện bỏ lên gác dụ tụi nhóc.
Nguyện kêu chúng tụ lại hứa đi ra phố mua kem về cho, và phát cho mỗi đứa hai chục Cứng. Tụi nhóc hoan hỉ nhảy múa om sòm muốn sập căn gác. Tuấn la to:
- Nữ chúa rừng xanh ăn bánh canh không chừa cặn.
Thúy hô to:
- Chị Phượng độc tài.
Nguyện cười, bỏ xuống nhà. Phượng mặc áo dài xong, đứng cầm cây roi mây canh dưới chân cầu thang. Nguyện nói:
- Thôi, kệ chúng, mình đi.
Phượng vẫn còn ấm ức:
- Không có anh, tụi nó ăn đòn nứt đít. Hỗn như gì ấy.
- Trẻ con mà. Ði thôi Nữ Chúa Rừng Xanh.
Phượng nguýt Nguyện. Ðôi mắt Phượng long lên, có đuôi dài, Nguyện cười thầm nghĩ tới anh chàng nào rớ phải cô bé này chắc khó sống.
Ra đầu ngõ đón được chiếc xích lô. Nguyện kêu "ông tài" chạy xuống phố rồi quay hỏi Phượng:
- Hết tức chưa cô bé?
- Tức anh thì có.
Nguyện cười:
- Cho anh hỏi thăm...
- Bây giờ không trả lời gì cả, chút nữa hãy hay.
- Còn bây giờ?
- Bây giờ người ta đang đói bụng. Phải giải quyết cái bao tử trước chứ bộ.
- Bộ tụi nhóc tranh ăn, cất bữa của nữ chúa rồi à?
Phượng đấm Nguyện:
- Không có nữ chúa, anh cũng về phe với tụi nhóc nữa sao?
- Nếu Phượng làm khó anh.
- Làm khó anh dài dài, đi đi, cho bõ ghét.
- Người đau màng óc có thể điên lên bất tử, và hắn ta không từ chối một hành động khủng khiếp nào đâu.
- Phượng không sợ.
- Trời đất.
Phượng hóm hỉnh cười. Chiếc xe lao đi trong ánh đèn đường bật lên trên các khóm lá trên đầu. Những cơn gió mát thổi lồng vào xe, những cọng tóc của Phượng bay dạt bên má. Nguyện nhìn ra hai bên đường thấy loáng thoáng những ngôi nhà đẹp, những cửa tiệm với bảng hiệu nhấp nháy ánh đèn màu rực rỡ.
- Trời chuyển mưa phải không Phượng?
Phượng nhìn ra cửa xe một lúc quay lại nói:
- Lạy trời đừng mưa.
- Lạy trời cứ mưa to.
- Chi vậy?
- Mưa mới thú, Phượng cứ tưởng tượng giờ này mình xuống phố, gặp trời mưa đi giữa những bóng cây, mưa lành lạnh ập vào da mặt, nước mưa giăng giăng trong ánh đèn, thú không?
- Mưa ướt như chuột lột, thú chỗ nào?
- Phượng là người không tình cảm, tim Phượng bằng đá xanh.
- Phượng đầy tình cảm, tim Phượng có tới tám ngăn chứ không phải bốn. Mỗi ngăn tình cảm chứa đầy, tràn ra ngoài, chia cho anh một chút xíu. Vậy cũng làm tàng, ra vẻ... thi sĩ.
- Anh có thơ đăng báo rồi chứ bộ.
- Thơ con cóc hay thơ con ếch?
- Thơ tình.
Phượng xì một tiếng, Nguyện nói:
- Phượng không tin à, không tin thì nghe anh đọc nhé?
Nguyện làm bộ suy nghĩ một lúc, vỗ trán mấy cái, rồi tằng hắng giọng đọc.
Cô gái nhà ai ở xóm Ðông
Sang đây một sớm nắng vàng trong
Cùng hai cô bạn bên bờ giếng
Nhặt nắng trong cây kể chuyện lòng.
Tôi về dưỡng bệng ở nơi đây
Nhà trọ thân đơn tối lại ngày
Từ buổi nhìn qua song cửa sổ
Bệnh dưỡng như khỏi, dạ như say...
Phượng đấm vai Nguyện:
- Ðó là thơ Nguyễn Bính ông ơi. người ta một tủ thơ đây chứ bộ.
Nguyện cười:
- Vậy sao, thế mà anh tưởng thơ của anh chứ?
- Chắc anh nằm ngủ mơ, thấy mình đột nhiên trở thành thi sĩ.
- Thôi anh làm người dưỡng bệnh trong thơ của Nguyễn Bính vậy, bệnh dưng như khỏi dạ như say...
- Biết ruột non ruột già ông rồi. Hèn chi bữa nay giả vờ tử tế, rủ người ta đi ăn tiệm. Hối lộ phải không?
Nguyện lườm:
- Nói ẩu, anh không có ý nghĩ đó đâu. Hoàn toàn vì mục đích từ thiện.
- Làm như cả đời người ta chưa đi ăn tiệm lần nào.
- Ai dẫn Phượng đi?
- Bạn bè.
- Không có bạn bè nào gan cùng mình như vậy hết.
- Bồ, được không?
- Phượng có bồ, trời ơi, ngó xuống mà coi.
Phượng dãy nảy, cấu tay Nguyện mấy cái nhăn nhó:
- Bộ không được sao, tưởng không ai thèm ngó tới mặt nhỏ này à. Cho anh biết... cả tá đấy.
- Thế ông ấy dùng phương tiện gì để xê dịch trong mỗi lần Phượng đi ngao du sơn thủy?
- Xe PC.
- Có bánh sơ cua không, để phòng nổ bánh dọc đường.
Phượng lườm Nguyện, lúc đó xe cũng vừa tắp vào lề đường. Nguyện trả tiền xe rồi ra hiệu cho Phượng qua một ngã tư. Phượng đứng khựng lại, mắt láo liên. Nguyện hỏi:
- Cái gì thế, qua đường chứ cô bé.
- Chờ đèn đỏ xe ngừng đã.
- Sợ à?
- Sợ, Phượng ít khi qua đường trong lúc xe chạy, trừ khi có người nắm tay.
- Lớn thế mà làm như còn bé lắm. Chiếc xe nào đụng Phượng chắc chiếc xe đó bị dẹp đầu, nổ bánh, lăn quay ra giữa đường.
- Anh trù cho Phượng bị đụng xe hả?
- Anh thí dụ thế.
Mặc cho Nguyện nói gì thì nói, Phượng vẫn đứng nép bên lề đường chờ đèn đỏ. Nguyện nói:
- Anh dẫn tay Phượng qua đường thay thế cái ông nào đó một hôm được không?
- Không thèm.
Nguyện cười. Phượng giận dỗi cắn mấy cọng tóc, mặt cúi xuống nhìn ánh đèn lao chao trên mặt đường nhựa đen bóng. Những cơn gió lạ, lạnh lùng đi trên hàng cây, lá me bay chấp chới, những bầy kiến cánh bu theo chụp đèn liều thân một cách hăng hái. Phượng cắn mấy cọng tóc mình trong mấy chiếc răng hờ hững, nghe mùi tóc thơm thơm. Anh Nguyện đứng đó, đôi mắt hướng nghiêng theo đỉnh cây, đôi mắt chắc hướng lên trời. Cái dáng của anh Nguyện lúc nào cũng buồn. người như thế làm sao mà sung sướng được. Phượng chưa nghe Nguyện than buồn lần nào. Hình như người sống với nỗi buồn của mình, họ muốn im lặng để hưởng cái "hạnh phúc" ngây ngất đó. Từ hôm giận Hạ, hai đứa nghỉ chơi với nhau, không còn đi học chung, không còn liên lạc, dù rằng mỗi ngày vẫn ngồi ở chỗ ngồi cũ. Phượng tự nhiên thấy mình khác hẳn, như một cơn gió nhẹ hôm nào báo hiệu một mùa khác. Phượng nghe bâng khuâng, u buồn, vu vơ, những bước chân chớm qua đường vội khựng lại, những nụ cười hồn nhiên trước cổng trường đâu mất. Mấy chiếc răng nhai ổi, nhai cóc rau ráu, dòn tươi, bây giờ ngẩn ngơ hờ hững cắn máy sợi tóc. Nhìn quanh cái gì như cũng như mới chỉ bắt đầu, nỗi buồn của một thời con gái hình như cũng mới về, đậu lại trong hồn Phượng, vương mắt từng bước chân Phượng ngày xưa, rụt rè khi qua đường một mình. Phượng bây giờ khép nép chờ xe cộ ngừng với bóng đèn đỏ bật lên, với bóng dáng của người cảnh sát gác chốt đèn.
- Sang đường, cô bé, bộ khóc hả?
Phượng ngước lên với một nụ cười để trả lời cho anh Nguyện biết là mình không khóc, nhưng đồng thời, nỗi giận dỗi nãy giờ cũng tiêu tan. Phượng ức mình quá, không cái gì giữ lâu được. Anh Nguyện thì phải giận tới mấy ngày anh mới tởn, mới bỏ hẳn tánh trêu chọc Phượng. Hay là mỗi lần bị anh Nguyện trêu chọc, Phượng hãy trả lời anh bằng những giọt nước mắt. Có nên như thế không? Phượng đọc ở đâu đó một câu đại ý nước mắt đàn bà làm gỗ đá cũng phải mềm lòng. Nước mắt mình có làm anh Nguyện mềm lòng không?
- Ði nhanh cô bé.
Anh Nguyện vừa nói vừa nắm tay Phượng lôi đi. Phượng đỏ mặt, sượng sùng. Phượng định rút tay lại, nhưng chẳng hiểu sao Phượng cứ để nguyên cho anh Nguyện giữ. Anh Nguyện ạ, xin anh đừng hiểu lầm bàn tay này có nhiều người nắm rồi nhé. Không có ai hết. Chỉ có một mình nhỏ Hạ, bây giờ là anh. Ðừng tưởng lầm Phượng có "bồ". Phượng chưa có "bồ". Chẳng ai thèm để ý tới Phượng cả. Phượng hiền lắm chứ đâu có dữ, đâu có phải là Nữ Chúa Rừng Xanh như lũ nhóc đã gán ghép. Phượng đã có lúc yếu như cọng bún, la đà như cành lễu trong sân trường. Anh nắm tay Phượng làm Phượng sượng sùng như mỗi khi nhà có khách, một ông bà người lớn nào đó đột nhiên xoa đầu Phượng bất ngờ.
- Ăn cơm Tàu hay ăn cơm Tây, Phượng?
Ðã sang bên kia đường. Anh Nguyện dừng lại hỏi. Phượng cũng đứng ngó loanh quanh khu phố rực rỡ ánh đèn. Anh Nguyện cười:
- Cho cô bé tha hồ chọn.
- Chọn những bóng đèn xanh hay những bóng đèn đỏ?
- Ngủ mơ. Chọn cơm Tàu hay cơm Tây.
Phượng khúc khích cười:
- Không cơm Tàu cũng không cơm Tây.
- Cơm cà ri Ấn Ðộ à?
Phượng lè lưỡi chỉ tay về phía trước.
- Anh với Phượng vào hẻm ăn bún chả, khoai tôm chiên, ngon hơn.
- Và bún thang, bún ốc?
Phượng cười thành tiếng:
- Anh đúng là cậu hai vườn, quê ba cục. Bún thang, bún ốc phải tới chợ Bến Thành. Còn muốn ăn cơm ngon, rẻ phải tới đường Nguyễn Huệ tìm quán Bà Cả Ðọi.
- Nghe cái tên rùng rợn quá.
- Vậy mà ngon tuyệt, hình như những nơi bán món ăn đặt biệt đều có những cái tên rùng rợn. Như quán cơm Âm Phủ ngoài Huế vậy. người ta ăn dưới những cây đèn leo lét.
- Xạo, Phượng ra Huế ăn cơm âm phủ hồi nào?
- Phượng ăn... tưởng tượng, con nhỏ bạn nó tả chứ bộ.
- Cái gì tưởng tượng cũng rùng rợn hết. Và hình như đều... ngon lành.
- Anh không tin hả?
- Tin chứ, anh cũng có những thằng bạn người Huế.
- Sao còn thắc mắc?
Phượng suýt đụng phải một người đi ngược chiều vì mải lo cãi với anh Nguyện. Ông ta vừa chui trong rạp chiếu bóng ra nên mắt mũi còn lờ mờ không thấy đường.
Qua khỏi rạp chiếu bóng một khoảng, hai người quẹo vào con hẻm nhỏ. Bên trong là những quán ăn rộng lớn bán đủ các thức ăn cho những người thích ăn vặt và thích lang thang. Sài Gòn có những con hẻm nhỏ xíu, tối om, xa khuất, bán thức ăn ngon, rất khuya. Và chỉ có những cặp tình nhân mới chịu khó tìm đến, như con hẻm ở đường Nguyễn Thái Bình bán mì xào chẳng hạn. Phượng đã tới đó với Hạ mấy lần. Những cặp tình nhân ngồi thui thủi trong bóng tối ăn nhỏ nhẹ như thỏ. Phượng và Hạ ăn tự nhiên, ngon lành, không phải rụt rè chi cả. Ăn lẹ lên rồi về kẻo ở nhà má trông chị. Má trông má bí cửa thì khổ. Anh hào huê quá có khi nào thiếu tiền bắt chị ngồi chờ không anh, nhớ để dành tiền đổ xăng. Ðường đưa nàng về dinh xa xôi lắm à. Ðại khái Phượng và Hạ đã trêu người ta như thế. Ðừng bao giờ để người ta chê lại mình Phượng nhé, nếu mi cũng thích ngồi ăn thui thủi trong bóng tối, ăn nhỏ nhẹ bên cạnh một người bạn trai, một con thỏ khác, ư.
- Vào đây Phượng.
- Không, quán trong kia ngon hơn.
Anh Nguyện chiều ý Phượng. Cha, cảm động quá. Hôm nay là lần đầu tiên anh Nguyện chiều Phượng, anh theo vào, gật gù. Chiếc bàn sát vách tưng, cửa sổ có những ô nhỏ bằng s¡t sơn màu nâu bám bụi ngó ra con hẻm nhỏ xíu để mấy cái thùng phuy cong vẹo đầy nước, mấy chậu hoa móng tay lá xanh non. Trời gầm gừ một chốc, có chớp lóe sáng và mưa đổ nhẹ. Lúc này anh Nguyện đã kêu thức ăn, anh đùa:
- Cứ tự nhiên xem như ở quán vậy, Phượng nhé!
- Anh yên trí. Lo sẵn tiền đi. Phượng ăn anh khiếp luôn, lần sau không dám dẫn đi nữa.
- Bao Phượng ăn tới khi lấy chồng, đừng lo.
- Lại nói bậy.
Phượng nhăn mũi ngắt mấy cọng rau thơm, ngò gai bỏ vào chén bún của anh.
- Anh ăn nhiều rau lên cho mập.
- Phượng húp nước mắm nhiều lên cho tan bớt mỡ. Lấy mỡ bụng cho có eo, bây giờ các thẩm mỹ viện tính cả trăm ngàn.
- Ai thèm.
Phượng gắp thịt trong chén anh Nguyện về chén mình, thích thú cười.