Chương 12

Phượng đứng im. Phượng đoán lờ mờ tình cảm giữa anh Nguyện và Hạ. Nghĩa là đã có thay đổi trong khoảng thời gian Hạ và Phượng giận nhau. Nhưng cả hai đã giấu Phượng, dù sao Phượng cũng nghe tủi thân, Phượng không biết mình vui hay buồn, nhưng Phượng có cảm tưởng giờ phút này Phượng bị gạt ra, bị bỏ lại, Phượng sẽ có một mình.
- Cái gì mà như muốn khóc vậy?
- Anh Nguyện xấu lắm, cả Hạ nữa.
- Khóc thật rồi.
Phượng gần như khóc thật. Giọng Phượng đầy xúc động, nghe lạc đi.
Anh Nguyện cũng im lặng một lúc lâu. Gần như anh cần suy nghĩ, rồi anh nói:
- Không có gì cả đâu Phượng, Hạ vẫn là Hạ, anh vẫn là anh. Hai người còn ở hai thành phố khác nhau.
- Nhưng tình cảm thì gần gũi lắm.
- Chính đó là một điều anh đang tự hỏi, rằng có phải như thế không?
- Anh giả vờ.
- Anh nói thật.
Phượng tin lời anh Nguyện nói. Vì nhìn trong đôi mắt ấy, Phượng thấy một nỗi buồn.
Người đàn bà chủ nhà đứng dưới chân cầu thang gọi anh Nguyện xuống ăn cơm. Nguyện đưa mắt cho Phượng, Phượng nói:
- Ðể Phượng về.
- Phượng đã bảo là được nhà cho tự do mấy ngày. Bây giờ Phượng đừng về nhà, được không?
- Không về nhà chứ đi đâu?
- Ði với anh.
- Anh phải ăn cơm.
- Mình đi ăn ngoài phố. Báo tin mừng cho Phượng biết, anh vừa có một chỗ làm. Họ mới phát cho anh một tí tiền.
Phượng lè lưỡi:
- Chà, oai dữ. Nhưng làm gì thế anh?
- Chắc chắn là không phải làm vú em.
- Lại đùa.
- Cũng không phải kèm trẻ tại tư gia đâu. Phượng đoán xem.
- Khó đoán quá à.
- Thì đoán thử, bộ anh suốt đời không thể đi làm một việc gì hay sao?
- Tưởng anh chỉ có lang thang suốt ngày.
- Thôi, đoán đi.
Phượng chớp mắt:
- Làm thư ký cho hãng buôn.
- Nghề đó ai thèm.
- Vậy thì chịu.
- Nghe đây này, anh làm báo.
Phượng ngạc nhiên quá sức:
- Thật không?
- Không thật mà có tiền mời Phượng đi chơi à. Anh phụ trách một trang trong tờ báo.
Phượng dòm Nguyện với đôi mắt thán phục:
- Chà, làm báo, gồ ghề ghê.
Nhà báo rồi đấy nhé.
- Thế hôm nào Phượng tới tòa soạn chơi được không. Phượng chẳng hiểu gì về công việc của một tờ báo hết.
- Ðược chứ, Phượng tới sẽ nghe thấy tiếng máy in chạy ầm ầm, sẽ ngửi thấy mùi mực ngây ngây, mùi nồng nồng của giấy mới.
- Và một ông nhà báo bệ vệ ngồi viết bài.
Nguyện cười:
- Ðùa chứ anh làm nhà báo sao được. Anh chỉ phụ trách trang trong, lấy bài của người ta mà đăng.
- Như thế cũng vui rồi, Phượng thích làm báo ghê lắm. Phượng dự định sẽ học báo chí.
- Anh làm cho vui vì không biết làm gì hơn.
- Như thế, anh làm sao tới trường?
- Anh vẫn có thì giờ tới trường.
- Hôm nay trông anh Nguyện lớn rồi, oai vệ rồi.
Nguyện cười:
- Vì ta sắp làm khổ chủ của mi, khéo nịnh thì thôi.
Phượng cười khúc khích. Nguyện nói với người đàn bà trưa nay không ăn cơm. Và kêu Phượng xuống nhà. Hai người ra tới đường trong cái nắng rực lửa của buổi trưa. Màu áo vàng của Phượng làm Nguyện nhớ Hạ. Một buổi chiều nào đó, ngỡ đã quá xa xôi. Khi ta trở lại thành phố này với những ngày mưa, những ngày nắng cũ, người đã không còn nữa. Thành phố vắng lắm. Hàng cây bên đường u sầu lắm. Nguyện có cảm tưởng đến từng góc phố cũng cô đơn. Nguyện nghe có một nỗi buồn đi dài trong tâm hồn mình.
- Bây giờ đi chơi gần, ngày mai có xe đi chơi xa, Phượng nhé?
Phượng gật đầu:
- Nhưng anh đừng buồn.
- Sao biết anh buồn?
- Ðôi mắt anh.
- Có lẽ anh sẽ biên một lá thư cho Hạ. Nhưng cũng có thể anh sẽ không viết một bức thư nào hết.
- Tựu trường chắc Hạ về.
- Hạ như một cánh chim, biết đâu chim đã bay rồi.
- Sao thế anh?
- Anh có cảm tưởng Hạ là cánh chim chỉ đậu trên cành cây một lần. Khi trở lại sẽ đậu cành cây khác.
Phượng cười. Anh Nguyện ngoắc tay đón một chiếc xích lô. Phượng bước lên cùng với anh. Phượng có cảm tưởng thành phố lạ lùng, mênh mông, với những đỉnh cây hoa tàn tạ. Có lẽ đã bắt đầu cho một mùa khác, mà Phượng không hay biết.
Nguyện và Phượng xuống xe giữa một con phố vắng tanh. Chỉ còn những người bán hàng ngồi ngủ gật, hoặc tránh nắng với những tờ báo đắp lên mặt trong mái che bằng vải nhà binh của sạp hàng. Nguyện hỏi:
- Ðói bụng không Phượng?
- Ðói.
- Qua đường sang cái quán bên kia.
- Ðâu cũng được mà anh, nhưng đừng bắt Phượng đi hoài mỏi chân, đau bao tử lắm.
Hai người băng qua đường, đây là một quán ăn cửa kính sang trọng mà lần đầu Phượng bước chân vào. Hôm nay anh Nguyện oai thật, anh cho Phượng ăn cơm Tây. Phượng bối rối khi anh Nguyện đẩy cửa kính bước vào. Hơi lạnh từ trong toát ra. Quán vắng người, những cái ghế, những cái bàn bóng loáng bằng một thứ gỗ quí. Phượng vẫn có cảm tưởng mình lạc vào một nơi chốn đông người, xa lạ, một thế giới lần đầu tiên đặt chân tới. Phượng mang mặc cảm mình là một cô bé nhà quê nào đó, ngơ ngác trước những đôi mắt chăm chú nhìn. Nhưng thật ra trong quán có ai đâu, chỉ có vài cặp tình nhân đang ngồi ăn một cách nhàn nhã, im lặng. Nguyện chọn chiếc bàn ngó quay ra con đường trước mặt. Phượng có thể ngồi nhìn ra những bóng cây đổ xuống mặt đường, trước những cửa tiệm xao xác. Nắng làm những chiếc lá cây mệt mỏi, nóng bỏng mắt. Anh Nguyện gọi món ăn cho Phượng. Hai ly nước để trước mặt, Phượng vẫn có thói quen săm soi chất nước màu cánh dán và vẽ vòng ngón tay trên mặt bàn.
- Cả hai người cùng đậu, vui nhỉ? Nguyện nói.
Phượng ngẩng lên:
- Chỉ sợ rớt cả thôi đó anh. May quá, không có đứa nào ăn phải ớt. Lớp Phượng đậu gần hết. Có một đứa đậu ưu, gồ không?
- Con gái mà đậu ưu anh không thích. Nó có vẻ làm sao ấy.
- Ðậu ưu được mọi người phục, rồi tha hồ mà lãnh phần thưởng.
- Con gái nên đủ điểm để đậu thôi.
- Anh nói thế làm hai nhỏ mừng húm, cứ sợ bị chê học dốt.
- Hôm bãi trường, lúc dự tiệc chia tay nhà nhỏ bạn. Hôm đó buồn cười ghê đó anh.
- Có đông người không?
- Ðông, Hạ được săn đón kỹ quá. Hạ uống rượu, Phượng cũng uống. Vui ghê.
Nguyện trợn mắt:
- Dám uống rượu nữa à?
- Rượu khai vị mà anh. Uống chua chua ngọt ngọt. Mỗi đứa uống hết một ly. Nhỏ Hạ có vẻ say. Chả biết trong lúc đó Hạ có nhớ ai không.
- Chắc là nhớ cái ông kép nào đó mà lúc nãy Phượng đã nói.
Phượng cười khúc khích:
- À, vui lắm. Hôm đó trong bàn tiệc Hạ được xếp ngồi cạnh anh Hảo, anh của nhỏ bạn cùng lớp. Ông Hảo mết Hạ lắm. Tụi nó đồn ùm lên y như thật.
- Rồi có thật không?
- Ai mà biết.
Nguyện châm thuốc, Phượng hóm hỉnh hỏi:
- Sao, buồn à?
- Gì buồn?
- Giả vờ hoài vậy ông anh.
Anh Nguyện cười:
- Thôi ăn đi cô bé, không lại kêu đau bao tử.
Phượng ngại ngùng trước đĩa thức ăn to tướng. Con dao, cái nĩa, chiếc khăn ăn. Những thứ đó làm Phượng bối rối. Phượng che lấp sự ngượng ngập của mình bằng cách hỏi anh Nguyện:
- Ăn xong đi đâu anh Nguyện?
- Ði xem phim, có một phim hay lắm.
- Phim gì?
- Một phim rất cũ, tình cảm của Pháp.
- Tự nhiên Phượng thích xem phim võ.
- Phượng đi học võ thì vừa.
- Phượng dư sức đánh ngã anh, khỏi phải học chi cho mệt.
Anh Nguyện đá vào chân Phượng dưới gầm bàn, lườm:
- Nhảm, ăn đi cô bé.
Phượng cười, chiếc muỗn cắn trong hàm răng. Bữa ăn bắt đầu với hai người trong tiếng nhạc thính phòng để nhỏ, vừa đủ phảng phất như một tiếng gọi thầm.
Ăn xong, anh Nguyện coi giờ rồi bảo:
- Mình đi xem phim thì vừa.
- Phượng thích ngồi trong này.
- Chiều nay là buổi chiều của Phượng. Của một khổ chủ phải làm xong nhiệm vụ. Phượng có thể trở ra đây vào lúc trời sẫm tối, lúc đèn đường đã bật. Lúc đó quán đẹp và người đẹp. Anh sẵn sang đưa Phượng trở lại.
Phượng vui vẻ gật đầu. Anh Nguyện kêu tính tiền rồi dẫn Phượng ra đường. Cái nắng bên ngoài làm Phượng khó chịu. Hơi lạnh trong qúan ăn bị nắng đốt tiêu tan ngay. Phượng che mắt nói:
- Nắng quá trời.
- Nắng làm da mình sậm đi, đẹp ra, sợ gì?
- Phượng sợ phải uống thuốc.
- Phượng nên đau một trận để gầy bớt.
Phượng vẫn ghét anh Nguyện về lối đùa đó. Anh Nguyện quên rằng con gái vẫn có tự ái vặt hay sao. Anh Nguyện chưa khen người ta một câu nào cả, nhưng chê thì lấy xe tải chở cũng khó hết.
- Sang đường cô bé.
Phượng muốn đứng yên một chỗ cho anh Nguyện phải lôi đi, nhưng không hiểu sao Phượng lại ngoan ngoãn theo anh sang đường. Phượng thoáng thấy hai cái bóng cụt ngủn của anh Nguyện và mình lướt trên mặt nhưạ. Tiếng những con chim sẻ kêu gọi nhau trên những ô cửa nhiều lá xanh. Phố thưa thớt người, mang cái vẻ buồi hiu buồn tẻ. Sang bên kia đường, Phượng bỗng nói:
- Anh Nguyện có nghe tiếng chim sẻ kêu không?
Anh Nguyện ngước lên những ô cửa nói:
- Mùa hạ vẫn còn, chim sẻ ríu ran gọi mùa hè đấy.
- Nhưng vào học vừa kịp mùa thu. Một người sẽ về đây với mùa lá vàng rơi tan tác. Anh Nguyện chắc có lắm bài thơ hay.
- Mi không trêu người ta được một câu thì không ốm bớt một ký hay sao?
Phượng cười. Hai người đi nép vào mấy bóng cây để tránh nắng. Phượng có cảm tưởng như những sợi tóc của mình sắp cháy. Và Phượng cũng nhớ ra ngày mai mình phải gội tóc. Sáng đi chợ nhớ phải mua bồ kết. Lạy trời ngày mai cũng nắng như vầy. Phượng thích thú khi nghĩ tới những cọng tóc của mình rũ ra trong thau nước bồ kết. Phượng sẽ ngồi trên gác, ngó xuống những nhánh mận bắt đầu kết nụ xanh, hong tóc với cái nắng rực rỡ của một ngày mùa hạ. Phượng sẽ nghe hương tóc mình thơm mãi. Và nghe những con chim sẻ nhỏ bé chở nắng trên cánh bay qua với tiếng kêu rộn ràng, làm nao nức lòng người học trò chờ mùa thu để trở lại trường. Không biết, khi ấy, Hạ có trở về thành phố không? Hay Hạ sẽ là một cánh chim như anh Nguyện nói.
- Anh Nguyện này, ngày mai Phượng sẽ gửi thư cho Hạ.
Anh Nguyện ném mẩu thuốc, đạp tắt dưới chân:
- Cho anh gửi lời hỏi thăm.
- Hỏi thăm thôi sao?
- Biết nói gì bây giờ?
- Ðể Phượng thử hỏi xem bao giờ Hạ trở lại nhé?
- Nói cái ông kép gì đó của Hạ đang chờ.
Phượng cười dòn:
- Cay đắng nhau làm gì vậy, Phượng sẽ thu xếp cho.
- Không chừng anh sẽ đi Ðà Lạt.
Phượng lè lưỡi. Nhưng anh Nguyện đã tới trước quầy bán vé. Phượng đứng nhìn loanh quanh những tấm ảnh tài tử treo trên tường. Phim này, Phượng như nhớ đã xem ở đâu một lần rồi. Hình như là xem với Hạ. Khi anh Nguyện trở lại với hai cái vé trên tay Phượng nói điều gì đó. Anh cười, nụ cười khó có thể đoán được nỗi lòng anh đang vui hay buồn.