Chương 2

Phượng đỏ mặt vung tay Hạ ra. Hạ vẫn đeo lấy. Hai đứa nhìn lướt các tờ báo. người bán báo lạ lùng nhìn hai cô gái. Hạ chỉ tay hỏi:
- Có bán báo "Bạn Gái Trẻ" không?
Người bán báo rút ngay một tờ lòe loẹt, bìa in hình hai người ôm nhau cười toe.
- Họ viết gì trong này thế ông?
- Hay lắm, đủ thứ chuyện trên đời.
Hạ cười bảo Phượng:
- Mua tờ này đi, anh chàng chắc ưa nghiên cứu về... bạn gái lắm.
- Hạ kỳ ghê, cứ chọc người ta không. Anh Nguyện đời nào đọc báo này.
- Sao Phượng biết?
- Sao không? Hạ chưa biết anh Nguyện mà có vẻ thù anh Nguyện ghê quá.
- Khi không cái thù, Phượng nói ẩu.
- Không Thù sao bắt người ta đọc báo này.
- Biết đâu anh Nguyện lại thích, thì sao?
- Ðã bảo không. Ông ấy chúa ghét loại báo này.
- Ghét, nhưng mình mua ông ta phải đọc, sung sướng mà đọc, rét mướt lạnh lùng mà đọc.
- Tại sao phải như thế?
- Dễ hiểu lắm, vì mình là con gái. Con trai phải chìu con gái, con trai sinh ra để chết vì con gái. Chết đứng chết ngồi, chết không kịp trăn trối một lời nào cả.
Phượng cười xòa:
- Hạ nói nghe thấy ghê, anh Nguyện không thế đâu. Anh Nguyện lờ đờ lững đững, anh Nguyện có bao giờ chìu con gái đâu. Anh ấy dọa đánh Phượng hoài.
- Làm bộ đấy.
- Hạ đầy ác cảm với người ta thế. Coi chừng đấy nhé, ghét của nào trời trao của ấy.
- Ê, Phượng, nói ẩu hả?
Phượng tảng lờ, đi nhanh. Hạ phải đi nhanh theo. Hai đứa tới cổng bệnh viện. người gác cổng ngó hai đứa cười:
- Ði đâu đó, hai cô?
Hạ đoán tuổi anh ta cũng không lớn lắm, nhưng Hạ lại muốn trêu tức cái nụ cười vô duyên kia, nên đáp nhanh:
- Dạ thưa bác, hai cháu đi thăm người quen.
Mặt anh ta hơi khựng lại trước tiếng "bá"c của Hạ vừa kêu. Phượng biết ý cấu vào cổ tay Hạ. Khi đi ngang trước mặt anh ta, anh ta nói, giọng nhão nhoẹt như một khúc kẹo kéo:
- Bộ tôi già lắm sao mà cô gọi tôi bằng Bác lận?
Hạ tỉnh bơ, cười:
- Lớn hơn một tuổi cũng là già. Ðằng này Bác lớn hơn tụi cháu ít nhất là hai chục tuổi, tụi cháu gọi bằng Bác chứ sao. Thôi chào Bác nhé.
Hạ giơ tay lên chào theo kiu nhà binh. người gác cổng tức lắm nhưng không biết làm gì để trả đũa. Qua khỏi cổng bệnh viện, Phượng la Hạ:
- Hạ chọc giận ổng, ổng không cho vô thì làm sao?
- Sao không, nhiệm vụ của ổng là giở cái sợi dây xích lên xuống trước cổng bệnh viện cho xe hơi ra vào chứ có phải ngăn cản tụi mình đâu.
- Tuy thế, nhưng ông ta cũng có quyền làm khó.
- Nếu thế Hạ lại có cách làm cho ông ta không thể làm khó được.
- Chiều nay Hạ làm sao ấy nhỉ, khùng khùng...
- Ðiên điên, chắc là sắp đau màng óc.
- Lây bệnh của anh Nguyện?
- Xì, ai mà thèm lây bệnh của anh chàng đó.
Còn mấy múi cam mà bà bán cam đưa cho ăn thử lúc nãy Phượng và Hạ chia nhau ăn. Hai đứa nhóp nhép nhai, phun hột xuống đường. Mấy người đi ngang qua ngó ngó vào mặt hai đứa, nhưng cả hai tỉnh bơ. Hạ nhìn lên các đỉnh cây, trong bệnh viện hình như mọi thứ đều được chăm sóc kỹ lưỡng. Từ cái băng đá, từ cái nhóm hoa, khóm cỏ, cho tới những ngọn cây trên đầu đều xanh um, thẳng tắp, đẹp mắt. Những con ve tha hồ ca hát trên đó, uống màu xanh trùng trùng điệp điệp của màu lá chưa thay. Bầy ve trong bệnh viện như là một đoàn hát đặt biệt ca hát giúp vui cho những người đau, ru ngủ cho người bệnh. Hạ thích thú với những bước chân nhẹ tênh của mình. Những con đường chạy vòng vòng qua những khu nhà tường vôi trắng, xinh x¡nh nằm dưới cây. Nắng nhỏ xuống từng vuông bóng mát, làm bóng mát long lanh như có dát những sợi tơ vàng. Hạ chớp mắt nói:
- Chà, ở đây yên lặng và thích thú quá. Mai mốt mang sách vào đây học, chả sợ ai quấy rầy.
- Người ta mang sách vở tới thư viện chứ ai mang sách vở tới bệnh viện? Phượng cười.
- Ðằng nào cũng có chữ viện cả.
Phượng cười, ăn nốt múi cam cuối cùng, bảo:
- Hạ chiều nay ngang như cua, chắc ở nhà thường cho Hạ ăn cua rang muối?
- Không, ở nhà má thường cho ăn thịt hầm bắp cải, mỡ lấm tấm, nên bây giờ da mặt của Hạ cũng có mụn lấm tấm.
- Ðâu nào, đưa Phượng coi.
Hạ vênh mặt cho Phượng xem. Con nhỏ vuốt mấy cái lên hai gò má Hạ, lắc đầu:
- Xạo, chả có mụn nào. Gò má Hạ cũng ngon như một trái đào, khiến người ta thèm cắn một cái.
- Ðào lộn hột, cuối mùa hả?
- Không, đào Ðà Lạt, đào trong kem bốn mùa trái cây, đào đang chín tới, đang mùa.
- Nịnh.
- Nịnh Hạ để được cái gì?
- Ðể nhờ Hạ giới thiệu cho một ông anh nào đó của Hạ.
- Hạ đâu có ông anh nào?
- Thiếu gì, chỉ cần Phượng xác nhận một tiếng là hôm sau có ngay.
Phượng thúc vào hông Hạ cười, hai má đỏ hồng:
- Phượng chả thèm.
Những con đường bên trong bệnh viện có vẻ đẹp hơn những con đường bên ngoài thành phố. Rải rác qua những con đường Hạ ngó thấy những cái băng đá, những khoảng rào thấp tỉa bằng phẳng. Bệnh viện chia ra từng dãy nhà hai tầng, cầu thang lộ thiên. Bệnh viện rộng thênh thang như một khu phố. Hạ vào đây lần đầu tiên, nhìn một chốc đã thấy rối rắm và chóng mặt.
- Như thế thì biết anh Nguyện nằm đâu, Phượng nhỉ?
- Nằm ở một căn phòng trên lầu tầng nhà giữa.
- Phải đi lên cầu thang cơ à?
- Ừ.
- Eo ôi là dài, chắc mệt lắm.
- Ði thăm bệnh mà Hạ cứ kêu mệt hoài, người bệnh sẽ mệt lây đó.
- Thế mình phải nói khỏe hả?
- Ừ.
- Có phải cười không?
Phượng cười:
- Mặt phải tươi, môi luôn luôn nở nụ cười, kể toàn chuyện vui, cấm kể chuyện buồn.
- Mình đi vòng vòng đây chơi được không Phượng?
- Ðược, đâu có ai cấm.
- Vậy Phượng lên thăm anh Nguyện một mình nhé, Hạ đi vòng vòng đây một lúc.
Phượng kéo tay Hạ kêu lên:
- Hạ kỳ, vào thăm anh Nguyện đã, một lúc trở về tha hồ cho Hạ đi ngắm cảnh.
- Nhưng Hạ thích đi bây giờ thì sao?
- Chút nữa bộ không được sao?
Phượng trừng mắt cùng lúc với câu nói. Bây giờ Phượng không còn dễ thương nữa, mà đôi mắt Phượng long lên, sắc như lưỡi dao cạo. Hạ đành cười:
- Chút nữa nhớ nhé, nhưng sao mắt Phượng dễ sợ quá. Chả có mơ huyền tí nào cả; giận một cái thì trừng lên, bén ngọt như một lưỡi lam, làm sao Hạ dám giới thiệu cho "ông anh" của Hạ.
- Sao vậy?
- Vì mỗi lần mắt Phượng long lên bén ngọt, ông ta sẽ rụng ít nhất là mười sợi tóc, một cặp chân mày, và đứt cái chóp mũi.
Hai đứa cười vang dưới chân cầu thang. Hạ bắt đầu cuống quít khi lên bậc thang cuối cùng. Hạ đã vái thầm mong cho cầu thang kéo dài ra thêm, đi hoài không hết để khỏi lên gặp anh Nguyện, một gương mặt như thế nào? Một mẫu người như thế nào? Hạ nghe tiếng guốc mình gõ lốp cốp, nghe tiếng trái tim mình đập mạnh. Hạ muốn dừng lại, quay xuống, và đi về. Nhưng Hạ lại nghĩ việc gì phải cuống quít lên như thế trước mặt người lạ? Cứ xem như mình đi chơi với Phượng, thăm một người quen của Phượng rồi thôi, không nghĩ ngợi gì nữa.
Dãy hành lang vắng, chạy suốt như một con đường lớn, sâu và xa tắp.
Phượng nắm tay Hạ kéo đi như sợ Hạ sẵn sàng chạy trốn. Thật vậy, nếu Phượng đừng nắm tay Hạ kéo đi, rất có thể Hạ sẽ chạy xuống, thà đi lang thang ngắm cảnh còn thoải mái hơn là vào một căn phòng nào đó, thăm một người bệnh đang nằm. Hạ sợ một không khí như vậy, sợ phải ngửi mùi thuốc, mùi nhà thương. Anh Nguyện, anh Nguyện, là một người nào? Sao tự nhiên đầy đọa Hạ trong một buổi chiều đẹp như thế này. Và Hạ đang ghét cay ghét đắng cái ông Nguyện vô duyên bệnh hoạn nào đó bà con xa gần với Phượng.
- Mệt không?
Hạ nhăn nhó ngay:
- Mệt thấy mồ, dừng lại nghỉ một chút đi Phượng. Cái cầu thang gì mà cao và dài quá xá, đi muốn hụt hơi.
- Nghỉ gì, tới rồi, mình đang đứng trước phòng của anh Nguyện đây.
Phượng vừa nói vừa cười với Hạ, nụ cười con nhỏ sao mà dễ ghét ghê.
Tự nhiên Hạ thụt lùi sau một thân cột, mắt dáo dác nhìn lên con số 35, số phòng anh Nguyện. Rồi tự nhiên Hạ bật cười.
Hạ chỉ tay cười nói:
- Phòng này hả?
- Ừ.
- Sao lại phòng 35?
Phượng chợt hiểu, phì cười, nắm tay Hạ lôi tới:
- Hạ nhiều chuyện ghê, người ta cho nằm phòng nào thì nằm phòng đó chứ.
- Không phải, anh Nguyện chắc tuổi mùi.
- Lại bịa chuyện, anh Nguyện tuổi tuất, con chó cò.
- Con chó cò nằm khoanh trong lò, cái mũi lọ lem, phải không?
Phượng thúc vào hông Hạ một cái, và đưa tay đẩy cánh cửa phòng.
Hạ đành phải bước vào theo. Hạ tưởng đâu phải cuối đầu chào người lạ theo lời giới thiệu của Phượng, nhưng căn phòng trống trơn. Một tờ tạp chí Hạ vẫn thường đọc lăn lóc trên đầu giường. Cái bàn nhỏ kê bên cạnh đó ngổn ngang ly tách, cái gạt tàn thuốc đầy nhóc, một điếu thuốc cháy dở còn bốc lên những ngụm khói. Phượng ngó dáo dác trong phòng. Hạ cười:
- Ông Nguyện về rồi.
Phượng nhăn mặt:
- Còn đây chứ sao về, tên anh ấy còn nằm ở phòng này, lúc nãy lên cầu thang Hạ không thấy à?
- Biết đâu mình đi lộn phòng.
- Phòng mang số 35 làm sao mà lộn được?
Hạ cười khúc khích, Phượng gắt:
- Gì mà cười, Hạ vui lắm chắc?
- Tại phòng mang số 35. Anh Nguyện chắc chắn tuổi mùi, con dê, nên người ta mới cho nằm phòng số 35.
- Ðã nói anh Nguyện tuổi tuất, không phải tuổi mùi.
Phượng tới cầm cuốn tạp chí lên xem, rồi ném trở lại chỗ cũ. Phượng trổ tài trinh thám:
- Cái tàn thuốc còn bốc khói, chưa dụi tắt. chắc anh Nguyện vừa mới đi đâu khỏi phòng.
- Lỡ mình vào lộn phòng của ông nào thì sao?
- Hạ nói tức ghê, bây giờ hai đứa trở ra xem lại cái bảng ở ngoài hành lang một lần nữa, đi không?
Hạ định cãi, nhưng vừa há miệng ra, cái cửa phòng đã xịch mở, Phượng reo lên:
- Ðấy, anh Nguyện đây này, Hạ còn cãi nữa thôi.
Hạ ngượng quá, mím chặt môi thụt về phía sau. Nguyện không tỏ vẻ gì chú ý tới Hạ. Trong phòng chỉ có một chiếc ghế ngồi duy nhất, Phượng nhường cho Hạ ngồi. Phượng ngồi xuống mép giường bên cạnh Nguyện. Căn phòng không như Hạ tưởng, chỉ có một cái giường cho một người nằm, sạch sẽ, tuy hơi chật. Hạ ngồi xuống ghế nhìn quanh. Nguyện vẫn không nói gì, đúng là người ít nói như Phượng giới thiệu trước.
- A, có mua cam cho anh Nguyện đây.
Phượng reo lên, làm như một chuyện gì thú vị bất ngờ lắm. Nguyện vẫn hà tiện lời nói.
- Thế à.
- Nếu anh đi chơi một hơi nữa, bao nhiêu cam đây chắc vào bụng Phượng với Hạ hết rồi.
Bây giờ Nguyện mới nhướng mắt ngó Hạ một cái nhẹ. Chắc lại tưởng Hạ tham ăn lắm như lời nói càn của Phượng. Con nhỏ thật là nói năng bừa bãi trước mặt người lạ mặt.
- Bạn Phượng đấy hả?
- Bạn, thân lắm.
- Cứ lấy cam ra ăn đi, anh ăn đâu có hết bao nhiêu đó.
Phượng cười, ngó Hạ. Hạ lườm cho một cái dài ngoằn. Phượng hiểu ý vội cười nói:
- Ðùa chứ hai đứa được bà bán cam cho mấy trái. Cái này là phần của anh, ăn không hết bây giờ, mai mốt ăn. Ăn hoài, chừng nào hết thì thôi.
- Làm như anh là trẻ con.
- Người bệnh giống như trẻ con lắm, thèm ăn đủ thứ, Phượng biết chứ bộ. À, còn cái này cho anh nữa. Một tờ báo tuần.
Hạ ngượng cứng người khi Phượng rút trong người ra tờ tuần báo đã mua lúc nãy đưa cho Nguyện. Với lời "đề bạt" hết sức chân tình:
- Cái này là do ý kiến của nhỏ Hạ, Phượng chỉ nghe theo thôi.
Nguyện cầm tờ báo lướt qua cái bìa, vội nhăn mặt:
- Anh đâu có đọc cái này bao giờ?
- Nhỏ Hạ bảo anh nằm trong này buồn lắm, chắc cần tìm bạn bốn phương, báo này lại có mục Giao Lưu Kết Bạn, nhiều lắm, tha hồ cho anh chọn.
Nguyện mỉm cười, không nói gì. Nhưng Hạ thì chết sững trên ghế, không ngờ Phượng kể vanh vách hết cho Nguyện nghe, trong khi đáng lẽ ra Phượng phải giấu. Hạ liếc Phượng bằng một đuôi mắt dài. Chiều nay nhỏ Phượng thật dễ ghét. Hạ không biết giải thích làm sao trước nụ cười đầy vẻ mai mỉa của Nguyện. Phượng hỏi:
- Anh đi đâu nãy giờ vậy?
- Ði ra ngoài, đi dạo. Thấy Phượng đi vào nên quay về.
- Thấy Phượng vào sao anh không kêu?
- Tưởng Phượng đi thăm ai.
- Thăm ai? Thăm anh chứ còn thăm ai nữa?
- Anh đâu có biết.
Phượng cong môi:
- Người ta bỏ cả một buổi chiều đẹp đẽ như thế này để vào thăm anh, gặp rồi nói cái giọng vô ơn bạc nghĩa. Ghét anh ghê.
Nguyện chỉ cười, tay lần dở những trang báo làm Hạ thêm ngượng. Nguyện hỏi Hạ:
- Ở nhà Hạ thường đọc báo này lắm hả?
Hạ lắc đầu quầy quậy, Nguyện cười:
- Không đọc sao biết trong này có mục tìm bạn bốn phương?
- Báo nào lại không có mục đó.
- Chắc hay lắm, tôi chưa đọc bao giờ nhưng Hạ mua cho thì phải đọc. chắc sẽ tìm được một người bạn đúng như lời Hạ nói.
Giọng Nguyện ngọt như mía lùi, nhưng Hạ nghe đầy vẻ mỉa mai cay độc. Thật là ức nhỏ Phượng không thể tả, nếu Phượng không nói thì làm gì Nguyện dám mỉa mai mình như thế. Và Hạ cũng đâu phải chịu ngồi nín im cho người ta nói móc. Hạ ức sắp phát khóc lên được.
- Anh bớt chưa?
- Một tuần nữa thì khỏi, không khỏi anh cũng xin về. Trong này toàn bị chích đau với thuốc đắng không thể tả. Phượng biết không, mỗi buổi sáng người ta bắt hả họng ra như gà rồi xịt thuốc vào, thuốc đắng cóng cả lưỡi, rồi chích vào mông hai mũi thuốc, đi muốn không nổi. Ðã vậy còn bắt nhai 10 viên thuốc, không cho nuốt ngay, ngậm mười lăm phút, sau đó mới nuốt. Sợ quá, tới giờ bác sĩ khám anh cứ lẻn trốn đi đâu đó, nhưng cũng bị kêu về.
- Như vậy mới hết bệnh được chứ.
- Phượng thấy không, anh vẫn bình thường.
- Ðau màng óc khó trị lắm, nó ở trong óc làm sao anh biết được.
- Biết hay không biết, tuần nữa anh cũng về.
- Phải đợi bác lên anh mới được về chứ.
- Phải về trước, chứ bà già lên còn lâu mới cho về.
Phượng dọa:
- Phải trị cho hết chứ nếu cứ để như vậy mai mốt anh hóa điên, người ta tống vô nhà thương điên Biên Hoà thì rồi đời.
- Không sợ gì cả. Anh cũng đang muốn được điên đây.
Nguyện cười ngó Hạ, giọng mỉa mai:
- Ðể khỏi phải đọc báo do người ta mua tặng và khỏi phải cảm thấy mình cô đơn cần tìm bạn bốn phương.
Hạ ngồi chết lặng trên ghế, người gì đâu mà chuyên môn nói giọng mỉa mai cay độc. Thảo nào Nguyện không đau màng óc cũng uổng. Hạ cảm thấy cần phải đáp lễ lại Nguyện một lần kẻo anh chàng cứ đàn áp mình hoài.
Hạ kéo tay Phượng làm bộ hỏi:
- Phượng có biết vì sao người ta bị đau màng óc không?
- Vì sao?
- Hạ có người quen học y khoa, người đó nói nguyên nhân của bệnh đau nhức màng óc là tại người ta tối ngày hay nghĩ vẩn vơ, trong óc đầy mưu kế hại người, thốt ra cửa miệng toàn những lời sâu cay mặn chát, đầu toàn là nọc rắn, lời chua hơn chanh.
Nguyện cười, làm bộ giả lơ. Phượng cũng biết Hạ trả đũa Nguyện.
Con nhỏ làm thinh ngó Hạ và Nguyện rồi bỗng bật cười:
- Ở đây là bệnh viện đấy nhé, ở đây người ta chữa trị vết thương chứ không gây ra vết thương.
- Ai gây?
Hạ lườm Phượng một cái. Phượng cười trừ. Nguyện ngó ra cửa, bên ngoài hình như trời đang đổ mưa. Cơn mưa nhỏ từ lúc Hạ còn ngồi với Phượng trên xe xích lô quẹo vào con đường này. Hạ liếc Nguyện, thấy vầng trán Nguyện cao, phẳng lặng. Ðôi mắt anh như rơi hẳn vào một khoảng không, đôi mắt như có những giọt mưa hồng ngoài kia. Mấy cọng tóc của Nguyện lòa xoà trên trán và cả một mái tóc rối bù không chải. Hạ im lặng, cơn mưa ngoài kia làm Hạ cũng bị thu hút. Những giọt mưa nhỏ, lưa thưa ngoài vuông cửa như nhuộm cả màu xanh của cây lá bệnh viện. Trong cơn mưa, người ta hay nghĩ những chuyện êm đềm. Có phải như thế không mà Hạ nhìn ra đôi mắt Nguyện, vầng trán của Nguyện? Hạ bắt đầu cảm thấy ở Nguyện một cái gì vừa thu hút vừa phũ phàng. chắc chắn là Hạ sau khi ở đây ra về không phải với một tâm hồn tự do bình thản như lúc đến.
Phượng bỗng phá tan khoảng khắc im lặng, nó cười nói:
- Nãy giờ hai người gặp nhau, mới chỉ quen sơ sơ mà coi bộ "găng" quá, bây giờ lấy cam ra ăn cho nó ngọt, hóa giải cái "chiêu thức" vừa chua lòm, vừa sâu độc kia đi chứ.
Hạ đánh vào vai Phượng:
- Sao lại hai người, có một người thôi. Hạ không Quen với người ta.
- Ơ hơ, không quen sao lại tới đây, ngồi trong phòng này, giữa một buổi chiều đẹp đẽ như thế này?
- Tại Phượng kêu đi chứ bộ.
- Thôi ăn một múi cam cho ngọt giọng.
Phượng nhét múi cam vào miệng Hạ, rồi gọi Nguyện:
- Anh Nguyện cũng ăn cam đi chứ, lưỡi của anh mấy hôm nay "chua" như giấm phải không?
- Anh chỉ uống sữa và nước trà đường, giọng anh ngọt ngào lắm.
Hạ Xì một tiếng nhỏ, chỉ để một mình Hạ nghe mà thôi. Phượng tiếp tục gọt cam và chia cho Hạ. Nguyện không ăn, mà moi túi tìm gói thuốc lá. Phượng giật lại, la:
- Cái gạt tàn còn đầy tàn thuốc, anh hút nhiều quá không sợ ung thư phổi sao?
- Anh bị ung thư lâu rồi, bây giờ có ung thư thêm cũng chả sao.
- Nhưng anh đang chữa bệnh. Phải kiêng hút thuốc.
Và Phượng lấy gói thuốc bỏ vào giỏ cất, trao luôn chiếc giỏ cho Hạ rồi nói:
- Giao cho Hạ đó, từ giờ trở đi nếu anh muốn hút thuốc thì phải xin nhỏ này, nói sao cho nó nghe bùi tai, đưa thuốc cho anh hút thì nói.
Hạ tự nhiên bị đưa vào cái thế chẳng đặng đừng, đành phải giữ cái giỏ. Và cũng cảm thấy thích thú vì từ bây giờ anh chàng hết dám nói cay nói mỉa với mình. Hạ khoái chí nhìn Phượng cười hoài. Trong khi đó Nguyện bật diêm một cách vu vơ, ném những cây diêm vào giỏ đựng rác. Phượng trao cho Nguyện nửa trái cam nói:
- Ăn cam đi, cam ngọt lắm, hút thuốc đâu có ngon bằng ăn cam, anh Nguyện nhỉ?
- Sao Phượng biết?
- Dễ ợt chứ có khó gì đâu mà không biết cam ngọt, thuốc đắng, ai cũng biết rõ như thế cả.
- Thuốc mà đắng, mấy bà bán thuốc lá "dễ thương" gấp triệu lần mấy bà bán cam.
- Mấy bà bán thuốc lá đáng ghét, mấy bà bán cam ngọt xớt, chỉ có anh là ca ngợi mấy bà bán thuốc lá thôi.
Nguyện làm thinh, Nguyện cũng không buồn hỏi Hạ để xin gói thuốc lại. Buổi chiều bị mưa xóa nhoà, những giọt mưa nhỏ rắt dài trên đường quanh những lối đi. Nguyện đi ra ngoài hành lang nhìn xuống. Bên dưới vẫn có những người đi dạo dưới mưa. Những con đường nhỏ, im ắng của bệnh viện chạy lanh quanh qua những dãy nhà cây thấp. Một cây cầu nhỏ Nguyện thấy qua màn mưa, gần căn nhà tường vôi màu gạch nung. Căn nhà đẹp đẽ xinh x¡nh ấy nằm bên tay phải của bệnh viện mà hôm mới vào Nguyện đã chú ý. Nguyện ước ao được ở trong căn nhà đó, chiều chiều ra đứng trên cây cầu nhỏ, giữa màu xanh của cây lá, và những đám mây vượt thành phố bay ngang trên đầu.
Phượng và Hạ cũng theo ra, đứng bên cạnh Nguyện cùng nhìn xuống phía dưới. Hạ có vẻ ngây ngất với những con đường giăng mưa, những chiếc băng đá dài, và những người đi dạo một cách nhàn nhã. Phía xa có những bồn hoa, rải rác chung quanh là màu xanh của cỏ mượt. Bệnh viện như một khu vườn, một công viên đẹp đẽ và vắng người.
- Ở trong này thích ghê Phượng nhỉ?
- Nhường cho Hạ đó.
Nguyện nói tỉnh bơ. Hạ nói nhỏ vào tai Phượng, giả bộ như không nghe lời Nguyện vừa nói:
- Ai mà thèm đau màng óc. Người ta chỉ thích ở trong này thôi chứ ai thích bệnh hoạn.
Phượng cười khúc khích ngó Nguyện. Nhưng Hạ đã cấu Phượng ý bảo đừng nói lại. Những giọt mưa nhỏ rơi trước mặt Hạ, có lúc lại rơi bám vào tóc Hạ như những giọt sương nhỏ trong suốt của buổi sớm mai. Hạ để yên cho những giọt nước từ từ tan biến với cảm giác thích thú.
Phượng hỏi:
- Lúc nãy anh Nguyện đứng ở đâu mà thấy tụi này đi vào?
- Ðằng kia. Nguyện đưa tay chỉ vào một khu vắng ngắt. Ở đó có nhiều bồn hoa và tiệm bán hủ tiếu, và có một cô bé mập ú như là Phượng đấy.
- Còn anh là gì, một "cây tăm xỉa xăng" hả? Sao anh thích trêu người khác thế?
- Anh như vầy vừa rồi, không ốm cũng không mập. Có cho thêm mấy ký thịt của Phượng, anh cũng không thèm.
- Ai cho đâu mà thèm với không thèm.
Hạ im lặng nghe hai người cãi nhau. Nhưng Phượng đâu có để yên, nó khều Hạ vô:
- Anh ngó bộ cũng không bằng Hạ, hôm nào hai người đi cân thử coi ai... gầy hơn.
Hạ đấm Phượng một cái la lên:
- Ai thèm so.
- Phải cho anh Nguyện biết rằng trên trái đất này anh là một sinh vật bé nhỏ nhất thế giới.
Nguyện mỉm cười, không thèm trả lời. Phượng vẫn còn ấm ức:
- Không trả lời đương nhiên là chịu thua. Anh Nguyện chịu thua Phượng với Hạ rồi đó.
Nguyện ngó Hạ hỏi:
- Hạ có muốn ăn thua không?
Phượng nắm tay Hạ giật giật nói:
- Chịu liền đi Hạ, mình thắng mà sợ gì.
Hạ cười vuốt những giọt mưa bám trên tóc. Khi ba người đi về phía hàng cây chợt thấy cái băng đá trước mặt, Hạ tới ngồi xuống. Phượng và Nguyện cũng thôi cãi nhau. Nắng vàng ánh bãi cỏ, làm lấp lánh những cánh hoa màu tím. Hạ nhìn qua khoảng rào, nghe ngóng bên ngoài con đường. Tiếng kèn xe vừa mất hút đâu đó ở một ngã tư.
Hạ đứng lên đi vòng vòng một lúc, bỏ mặc Phượng và Nguyện ngồi trên băng đá. Khi Hạ quay trở lại thì cơn mưa nhỏ hình như đã tạnh. Chỉ còn những giọt nước bám trên lá cây rơi xuống, Hạ nói:
- Về thôi Phượng.
Phượng gật đầu đứng lên. Nguyện vẫn ngồi yên trên ghế, bất động.
Khi Hạ và Phượng đi được một khoảng, Nguyện mới chỉ đứng dậy nói theo:
- Như thế là nợ nhau đấy nhé, sẽ đòi nợ.
Hạ nghĩ "nợ" thì "nợ" chứ sợ gì. Và bước nhanh theo Phượng ra đường.
Người gác cổng ngồi dựa lưng vào thành ghế, cái kết anh ta đội sụp xuống mí mắt. Phượng đi ngang qua còn tinh nghịch nắm lấy sợi xích rung lên, rồi cười khúc khích bảo:
- Chắc anh ta ngủ gục.
- Anh ta mắc cỡ với hai đứa mình đấy Phượng ơi.
- Dù sao cũng cám ơn ông, ông nhé.
- Chúc ông ngủ gục một giấc thật ngon.
Hai đứa cười ra đứng bên lề đường. Buổi chiều hình như không có nắng. Những cái xe bán thức ăn đã dọn ra đông hơn là lúc mới vào. Người ta cũng xúm quanh những chiếc ghế nhỏ, cao, lờ mờ trong khói thức ăn và mùi thơm của hành tỏi, Hạ nhăn mặt:
- Trời ơi, sao mà đói bụng quá.
- Ðừng làm bộ.
- Thật, đói bụng thật, mau đi khỏi chỗ này chứ không thì chết cái bao tử cỏn con của Hạ mất.
Phượng kéo tay Hạ băng qua đường nhưng lại tránh mấy cái xe bán thức ăn hấp dẫn kia. Cuối cùng rất tình cờ, Phượng và Hạ đang đứng trước cổng thư viện. Một dãy con trai ngồi trên những bậc tam cấp nhìn xuống. Hạ bắt gặp trong từng đôi mắt đó ánh lên cái vẻ tinh nghịch. Những đôi mắt của thư viện buổi chiều, và Hạ biết tại sao con trai lại thường khoái học thư viện hơn học ở nhà.
- Ði đâu chứ, đứng đây cho Thiên Hạ ngắm à?
- Cũng vui vui chứ sao.
- Tức bụng thấy mồ chứ vui gì?
Bị Hạ cự, Phượng đưa tay vẫy ông xích lô đang ngồi tréo ngoảy xem tờ báo một cách nhàn nhã. Ông ta xếp tờ báo cất, đẩy xe tới. Phượng và Hạ trèo lên ngồi. Tiếng chuông xe kính koong, kính koong nổi lên là Hạ thích thú, trong khi Phượng chỉ tay nói:
- Xuống đường Lê Lợi đi ông.
Chiếc xích lô đi tới một khoảng rồi quẹo tay mặt. Hạ nghe có một con chim nào hót trên đỉnh cây. Con đường nhỏ, vắng vẻ của khu cư xá, những bông hoa đỏ ối ngó thấy lờ mờ qua kẽ lá. Và Hạ nghe được mùi thơm của hoa trong vườn của một ngôi nhà nào lúc xe chạy ngang qua.