Cô gái trong phòng vô tuyến lấy bức điện tín mà tôi vừa thảo và đọc lại cho tôi nghe, trong lúc cô ta đánh dấu từng chữ một bắng bút chì: - John Dillingham, Công ty Hermes, 2091 đường R.N.W., Hoa-thịnh-đốn, D.C (HERCOR). Xin kiểm chứng có phải người đàn ông tên Howard Anson đã đáp phi cơ từ Nữu Ước đi Hoa-thịnh-đốn có lẽ vào chiều Thứ Tư 19 hình như không phải hãng Đông Phương và cho biết tin càng sớm càng tốt, Dunbar. - Thưa ông, có phải HERCOR là địa chỉ điện tín? - Vâng. cô có thể gửi đi ngay? - Thưa ông, chúng tôi sẽ gửi đi nội buổi sáng hôm nay. Nhưng nếu ông cần phúc đáp liền, ông có thể dùng điện thoại. - Không đến nỗi gấp rút như vậy. Cô cứ gửi điện tín cho tôi. - Vâng. Chúng tôi sẽ cho ông biết điện tín phúc đáp ngay khi nhận được. Tôi đi xuống dùng bữa điểm tâm, và như thường lệ, bắt gặp Maclnnes là người ăn sáng sớm nhất. Ông ta bảo: - Chào ông. Có tin vui trong tờ Ocean Times sáng nay. Ông có biết đêm hôm nay Monique de Ménard sẽ hát cho mình nghe trong buổi hòa nhạc? Tôi đáp: - Tôi có nghe ông trưởng kho lương yêu cầu cô ấy. Cô ấy cho hay sẽ hát nhạc Hugo Wolf. - Tuyệt! Dường như ông không mấy lưu tâm đến chuyện này? - Đúng thế! Tôi chưa hề nghe bài nào của Hugo Wolf. - Vậy thì ông sắp có cơ hội nghe. Mới tưởng tượng thôi cũng đủ thú rồi. Ít có người nào hát lieder hay bằng cô ấy, nhất là những bài của Wolf. Tôi đã nói với vợ tôi, hôm chúng tôi nghe cô ấy trình diễn trong một liederabend (1) ở Hong Kong, rằng thật là bất hạnh cho bất cứ một ai cùng lên sân khấu hát chung với cô ấy. Lẽ dĩ nhiên trước kia đã từng có nữ ca sĩ Elisabeth Sechwarzkopf cũng thuộc vào hạng giỏi. - Tôi cũng có thể tưởng tượng được. Ông ta nói: - Dunbar, ông quả thật là một con người kỳ lạ. Tôi có cảm tưởng ông đặc biệt lưu tâm đến người đàn bà đó, nhưng xem bộ ông tỉnh bơ tựa hồ ông không thèm nhấp nháy mắt dù đang trông thấy mẹ ruột của ông chết đuối. Ông ta nói mấy lời đó một cách khinh bạc. Tuy nhiên tôi vẫn không giận mà chỉ bảo: - Tôi là cả một khối xúc động nung nấu trong lòng, nếu ông có thể nhìn thấy được trong lòng tôi. - Tôi tin tôi có thể thấy được. Tôi là con trai thứ bảy của một người con trai thứ bảy, tất cả đều thuộc dòng giống Tô-cách-lan, và thỉnh thoảng tôi trông thấy những hiện tượng huyền bí. Chẳng hạn như hiện giờ, tôi cứ thắc mắc mãi về người đàn bà đó. Cô ta... như thế nào, thật tình tôi không dám quả quyết. Ông có biết tiếng "fey", một danh từ xưa cũ của xứ Tô-cách-lan? - Mơ hồ thôi. Có phải nghĩa là khả năng thấy được những chuyện huyền bí do trời phú? - Không, không đúng. Tiếng đó có nghĩa số phải chết. - Tất cả loài người ai mà không khỏi chết? - Lẽ dĩ nhiên như thế. Nhưng danh từ đó bị hiểu sai chỉ vì thiên hạ tin rằng những người có số phải chết được trời phú khả năng thấu thị, tức là khả năng thấy những chuyện mà bình thường không ai có thể thấy, như những biến cố sắp xảy ra, những hiện tượng siêu hình, v.v... Tôi có linh cảm một cách gần như chắc chắn rằng cô gái đó đang lâm nguy một cách trầm trọng, nếu không đến nỗi phải chết. Tôi chân thành ước mong không đúng như thế. Nhưng căn cứ theo khả năng thấu thị của tôi, tôi còn linh cảm rằng cô ta có thể là nguồn gốc hiểm nghèo cho chính ông. - Hơn bất cứ người đàn bà đẹp nào khác? Ông ta quả quyết gật đầu. - Vâng. Tôi biết ông nghĩ rằng tôi chỉ là một kẻ bạc nhược, nhưng kinh nghiệm đời đã cho tôi biết nên nói những chuyện đó ra khi mình cảm thấy một cách quá chắc chắn. Hơn nữa chuyến tàu này có một bầu không khí vô cùng kỳ dị. Nó ghép ông vào người đàn bà trẻ đẹp đó. Ông không cảm thấy như vậy à? - Quả thật, tôi không được biết nhiều về cô ấy. - Ông đừng nên giấu giếm. Tôi biết quá rõ mà. Ông nên nhớ tôi có khả năng đặc biệt. Ông có biết cô ấy hiện đang bị chuyện lôi thôi thuộc vào loại nào không? - Tôi không biết. Ông ta im lặng nhìn tôi một lúc, rồi bảo: - Tôi không muốn tọc mạch. Tôi ghét rắc rối, và ghét tọc mạch. Một trong những thử thách gay go trong suốt thời gian sống trong những trại tập trung Nhật hồi chiến tranh cùng với vợ tôi nhưng bị giam giữ riêng biệt, là con người thiếu mất chuyện riêng tư. Tôi đã quen xem trọng điều này nên không thích xâm lấn vào đời tư của những người khác. Bà nội của tôi, một bậc mệnh phụ theo cổ học, thường trả lời một câu hỏi tò mò bằng một câu vặn lại thật hay. Bà cụ hết sức trầm tĩnh nói: "Nếu ông tha thứ cho tôi vì tôi không trả lời câu hỏi đó, tôi sẽ tha thứ ông về câu ông đã hỏi". Ông có toàn quyền nói lại câu đó với tôi. Tôi không muốn đấu khẩu với ông ta. - Không phải như thế. Chỉ vì tôi không hiểu gì để biện minh cho mối lo ngại của ông. Ông ta vẫn hỏi gặng, trái với bản tính của ông ta: - Hiện giờ, ngay lúc này, ông không có chuyện gì rắc rối cả hay sao? - Không. Tại sao ông có ý nghĩ đó - không kể khả năng thấu thị? - Hôm qua, cô ta đã hỏi tôi một câu rất kỳ lạ: "Nếu tôi gặp chuyện rắc rối dính líu với những bí mật quốc phòng, tôi có thể tìm gặp ai ở Anh?". Tôi đã hơi sửng sốt, nhưng tôi vẫn cho ý kiến cô ta nên nói chuyện với Sir George Vallance ở Cơ Quan An Ninh, và tôi có nói tôi sẽ mời cô ta cùng đi ăn cơm trưa với ông ta và tôi, nếu cô ta muốn. - Cô ấy không giải thích rõ cô ấy ngụ ý gì? - Không. Thật ra, đó không phải là việc của tôi, nên tôi không hỏi. Tôi chỉ hỏi tại sao cô ta không tìm đến một người nào ở ngay trong xứ sở của cô ta. Mặt cô ta liền tái mét, trong lúc cô lắc đầu lia lịa và bảo: "Không, không! Phải ở Anh mới được!". Vì thế tôi không khỏi lo ngại cho cô ta. Nhất định ông cũng vậy, nếu ông quan tâm đến cô ta đúng theo tôi phỏng đoán. Tôi gật đầu thú nhận: - Vâng, ông đoán đúng. Tôi sẽ cố tìm cho ra sự thật. Anson bước vào đúng lúc tôi rời khỏi bàn sau bữa điểm tâm. Ông ta chận tôi lại ở giữa đường và bảo: - Dunbar, tôi muốn bàn với ông về một công chuyện làm ăn ngay sáng hôm nay, nếu ông rảnh. - Bất cứ lúc nào trước mười hai giờ trưa. - Hay lắm. Mình sẽ nói chuyện trong phòng tôi vào khoảng mười một giờ được chứ? - Vâng, tôi sẽ đến. Tôi đi dạo một mình trên boong cho tới gần mười một giờ trưa. Đoạn tôi xuống phòng của Anson ở mạn lái của boong chính. Ông ta hỏi tôi trong lúc tôi ngồi xuống. - Tôi xin mời ông một ly rượu trước đã? Tôi có một thứ Brandy ngon tuyệt: Martell. - Không, cám ơn ông. Tôi có hẹn uống cocktail với một người bạn vào lúc mười hai giờ. - Thế thì tôi xin phép tiếp tục uống thứ này vậy. Nói đoạn, ông ta cầm một ly nước cam trên chiếc bàn bên cạnh ông ta và uống từng ngụm nhỏ. Sau đó, ông ta lấy một hộp xì-gà trong hộc bàn, mở ra và đưa mời tôi. - Không, cảm ơn ông. Tôi chỉ quen hút ống điếu. Ông ta mỉm cười. - Đây là xì-gà hiệu Upmano. Chắc ông không thích vì chính trị? - Tôi không có ý nghĩ gì hết. Nhưng có lẽ ông không phải mời tôi đến để đàm luận về các thứ xì-gà của nước Cuba? - Ông đoán hoàn toàn đúng. Quả thật không phải vậy. Tôi sẽ vào ngay vấn đề chính yếu. Ông ta duỗi đôi chân dài ra phía trước mặt và gác chéo mắt cá lại, nhìn xuống đôi giày ống bóng loáng bằng da của mình. Giày được đóng một cách tuyệt đẹp, mỏng và mềm đến nỗi một cử động nhỏ nhất của chân ông ta ở bên trong cũng lộ rõ ra ngoài. Ông ta chống cùi tay lên tay ghế, mấy ngón tay đan vào nhau. Trong lúc nói chuyện, ông ta vẫn chăm chú nhìn hai bàn tay, ngón hơi bẻ cong. - Dunbar, tôi đã mời ông đến đây nói chuyện với tôi bởi vì tôi lấy làm lạ về ông, và vì tôi muốn đề nghị ông một điều. - Ông làm cho tôi kinh ngạc. - Vâng. Và sẽ có nhiều chuyện ngạc nhiên khác xảy ra. Xin để cho tôi nói về nỗi thắc mắc của tôi trước. Tôi thắc mắc về ông bởi vì ông đã tỏ ra tò mò về tôi. Chẳng hạn những câu ông đã hỏi cô De Ménard. Và một bức điện tín hỏi nhiều câu về tôi. Lẽ tất nhiên, tôi không biết rõ nội dung... Ông ta chợt mỉm cười một cách lạnh lùng trong lúc nói tiếp: - Nhưng đó là một hành vi trái phép. - Cô ấy đã bảo ông như vậy? - Cô gái trong phòng vô tuyến điện chứ gì? - Không phải. Cô De Ménard. Ngay sau khi nói tới đây, tôi đã cảm thấy mình quá khờ dại. Tôi đã quên phứt gã nghe lóm trong phòng ngoạn cảnh. - Cô ấy đâu có nói gì. Tôi bảo: - Trong vụ này không có gì đáng gọi là bất bình thường. Chắc ông thừa hiểu rằng, trong nghề nghiệp của tôi, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Tôi muốn tìm hiểu mọi người và mọi vật. - Nhưng tại sao lại tôi? Tôi chỉ là một con người không có chút tiếng tăm. - Ngày nay, thiên hạ đều biết rằng chính những người không chút tiếng tăm đã tạo ra thời sự - và lịch sử. Như John Brown, chẳng hạn. Dred Scott. Viên hạ sĩ tầm thường trên đảo Corsica. Người vũ nữ Đức hèn mọn mang một cái tên Đông Phương. - Toàn là những người danh tiếng. Ông quá khen tôi. Thôi được, hãy cho qua chuyện đó, mặc dầu câu trả lời vẫn không khiến tôi thỏa mãn. Tôi xin bước sang điểm thứ hai. Tôi đặc biệt lưu tâm đến ông với hy vọng ông sẽ trở thành một người bạn đồng chí. Tôi muốn đề cử ông cho một địa vị trong tổ chức của tôi. - Tổ chức gì vậy? Thế mà tôi tưởng ông đã về hưu trí. - Thôi mà, Dunbar. Phải, tôi đã ra khỏi Hải Quân Hoàng Gia. Nhưng ông chớ nên bảo tôi rằng ông không có một ý kiến gì về cái tổ chức mà tôi đang nói tới. Ông đã hỏi nhiều câu về nó. Có một câu mà cô De Ménard đã trả lời rất thành thực: cô ấy không biết tên của nó. Nhưng ông thì nhất định phải biết. - Oui-Dire? Tôi có nghe cái tên này. Người ta kể với tôi rằng đó là một tổ chức gián điệp. - Còn hơn thế một chút. Trên căn bản thì đúng như vậy, nhưng đây là tổ chức hoàn hảo nhất. Dù những tổ chức tinh vi nhất của các chính quyền cũng không sánh nổi. Chắc ông sẽ choáng váng nếu tôi kể cho ông nghe những người của chúng tôi đặt ngầm trong mọi chính phủ - nhiều nhân vật có địa vị rất cao. Chẳng hạn một người trong bộ tham mưu của De Gaulle. Một người trong nội các hiện tại của Anh. Một người trong Thượng-nghị-viện Hoa-kỳ. Đâu đâu cũng có. Nhưng không phải chỉ có nhân viên. Oui-Dire đang biến thành - sắp biến thành - một thứ siêu-quốc-gia. Tôi đăm đăm nhìn ông ta có tới nửa phút mới hỏi: - Vì thế, các ông đang thu tập các khoa học gia? Như em tôi? - Em của ông? Theo tôi hiểu thì ông ấy đã chết. Dunbar, tôi xin chia buồn cùng ông. - Ông làm sao biết được em tôi đã chết? - Oui-Dire có những nguồn tin không bì được. - Còn Jacques de Ménard? - Tiếc thay, ông ta từ chối gia nhập với chúng tôi. Về phần ông thì sao? - Mình chưa bàn qua các điều khoản. Tiền. Ông ta hơi ngẩng đầu lên cao. Hai cánh mũi ông ta nở rộng tựa hồ ông ta vừa bắt được một mùi gì khó chịu. Ông ta bảo: - Nhất định có đủ tiền để thỏa mãn cho cả ông. Nhưng tiền bạc đâu có nghĩa lý gì nếu đem so sánh với thế lực? Khi đã có thế lực thật sự rồi thì tiền bạc thâu vào mấy hồi - tôi không dám nói mọi trường hợp đều giống nhau, nhưng đại khái là như vậy. - Monique de Ménard là một hội viên trong tổ chức của ông? Ông ta nhìn sững tôi, kinh ngạc một cách thật sự. - Trời ơi, đâu phải! Chúng tôi có nhiều việc cần dùng cô ấy, nhưng không đúng như ý ông nghĩ. Tôi chắc lưỡi. - Thế thì có vẻ hơi khô khan. Ông ta xem đó như một câu trả lời. Ông ta quan sát khuôn mặt tôi một hồi lâu, rồi nói: - Hay lắm. Tôi nghĩ rằng mình đã nói chuyện khá đầy đủ. Nếu ông có thể đổi ý, xin cho tôi hay liền. Trái lại... Ông ta bỏ nửa chừng, xoay sang chuyện khác. - Bây giờ đã tới lúc tôi đi dạo trên boong. Ông cùng đi với tôi? Câu hỏi của ông ta như một lời đuổi khéo. Tôi liền nói: - Tôi có một việc cần phải làm. Nhưng ông cho tôi hỏi một câu cuối cùng: ông nói rằng ông được tin em tôi đã chết. Tôi tin rằng đó là sự thật. Nhưng đó không phải là quan điểm của giới chính quyền, hay là ông không hay biết gì hết. - Tôi biết đúng y những chuyện ông đã được nghe kể. Nói đến đây, ông ta đứng dậy. Chúng tôi cùng ra khỏi phòng ông ta và chia tay tại cầu thang. Ông ta quay lại nhìn tôi với bàn chân đặt trên mặt nấc thang cuối cùng, và bảo: - Ông chớ nên chờ quá lâu mới quyết định. Như thế có thể không hay... cho chính ông và cả cô De Ménard nữa. - Như thế nghĩa là sao? - Nghĩa là không khôn ngoan. Nói rồi ông ta bước lên cầu thang và mất dạng. Bức điện tín trả lời bức thư tôi gửi cho Dillingham đến vào lúc sáu giờ chiều trong khi tôi ra khỏi phòng tắm định thay áo quần để đi ăn cơm tối: Hồ sơ Đông Phương cho biết Anson đáp máy bay Nữu Ước Hoa-thịnh-đốn 19 giờ thứ tư. Khẩn cấp xin cứ gọi Dillingham không cần phải chờ đến Luân-đôn. Patrick. Cái tên có vẻ xa lạ đối với tôi, nhưng ông ta đã trả lời câu hỏi của tôi. Bịnh đau răng và chiếc khăn tay dùng để che mặt. Chiếc áo choàng và cà-vạt của Ted, cùng cái mũ để che chiếc đầu trọc. Ngay khi vừa thay áo quần xong tôi trở lại phòng vô tuyến. Trước khi đánh bức điện tín của tôi, cô gái đọc lại cho tôi nghe: John Dillingham HERCOR: Nhờ xem lại các chuyến bay từ Hoa-thịnh-đốn đi Nữu Ước sáng Thứ Sáu 21, hình như có một người băng đầu ngồi trong ghế lăn đi với một người khác. Dunbar. Chú thích: - (1) liederabend: tiếng Đức, có nghĩa tương tự phòng trà ở Việt Nam (chú thích của dịch giả).