âu lắm rồi anh không có gì cho em. Tôi quen anh từ khi tôi mười tuổi. Ngày đầu tiên ba má dọn nhà tới xóm mới, mùi thơm ngào ngạt khiến tôi chạy đi tìm. Rất dễ dàng tôi nhận ra, áp mũi vào song cửa sổ nhà bếp nhìn qua mảnh sân sau nhà kế bên thì... ngửi được mùi thơm nhiều nhất!
Nhà anh làm bánh kẹo - bánh con cá, bánh con cua, bánh con tôm, bánh xoắn ốc, bánh dây thừng, bánh in, bánh men... Bánh nướng xong đổ ra thành đống vun ngọn trên tấm nhựa thật lớn trùm cả mảnh sân rộng, những cô gái trẻ vừa xếp bánh vào bao ni lon và cột túm mịêng lại bằng một sợi dây thun vừa cười nói râm ran. Những râm ran lắng xuống khi con ông chủ, là anh, xuất hiện. Lướt mắt một vòng quanh công việc, và anh nhận ra ngay con bé nhóc vừa dọn nhà tới đang nép mặt hé mắt nhìn qua. Anh cúi xuống cầm một bịch bánh đi tới cửa sổ và khuôn mặt tiểu chủ nở một nụ cười ân cần đến nỗi ngập ngừng sợ hãi của tôi nhanh chóng tiêu tan, dí nguyên khuôn mặt mình vào song cửa, tôi lí nhí cảm ơn và sung sướng cầm lấy bịch bánh có mười hai cái mà ngày ngày má chỉ cho tiền mua được một cái trong mẹt của bà hàng rong bán trước cổng trường.
Cứ vậy, mỗi mẻ bánh ra lò tôi được nguyên một bịch mười hai cái. Và rồi là hai bịch - “Đưa tay kia cho anh, để một tay trống không nó buồn làm sao?”. Hai tay hai bịch bánh tôi cắm đầu chạy một mạch ra đường để khoe với lũ bạn cùng xóm và khoái chí nhìn thấy nỗi ghen tỵ trong mắt mỗi đứa. “Phải chi ba má tao mua nhà sát vách lò bánh” - Đứa nào cũng nói vậy.
Thích nhất là mỗi khi anh làm bánh men, loại bánh tròn từng viên gọn như viên kẹo cho vào miệng vừa vặn không cần cắn nhỏ từng miếng, ngậm trong miệng tự tan mà không cần nhai. Ngậm viên bánh màu xanh, đợi tan xong tôi lè lưỡi ra thích thú thấy lưỡi mình cũng màu xanh. Ngậm viên bánh màu vàng đợi tan xong tôi lè lưỡi ra thích thú thấy lưỡi mình cũng màu vàng... Mỗi khi ăn bánh men xong tôi không dám uống nước vì sợ màu trôi đi mất hết.
Thích nhất là khi anh cho ra lò món kẹo đậu phụng, vừa thơm giòn vừa ngọt vừa béo, những cô gái trẻ làm công việc đóng gói sợ mập không dám ăn món kẹo này nên sau khi gói xong, phần kẹo vụn thuộc về tôi. Tôi giàu có kinh khủng! Tôi quyền hành ra lệnh cho lũ nhóc cả xóm đứng yên đợi tôi gọi tới tên đứa nào thì mới được đưa tay ra để nhận vụn kẹo được xúc bằng một cái nắp keng.
Thích nhất là nhìn anh làm kẹo ú. Cật lực nhồi tảng đường cho đến lúc nó dẻo quẹo lại rồi kéo thành từng dây dài phân phát cho mọi người ngắt thành viên quăng xuống cái khay thật lớn đã rắc sẵn bột để chống dính, mọi thao tác phải thật nhanh để đường không bị đông cứng trước khi trở thành từng viên. Mỗi viên kẹo ú to bằng ngón chân cái, vừa cứng vừa dai, tôi vừa nhai vừa ngậm cả tiếng đồng hồ mới tan hết trong miệng. Má tôi nói với anh “Cháu đừng chiều nó quá”. Anh cười “Có gì đâu, mấy viên kẹo à mà”. Má tôi đành nói thật “Hư răng hết”! Anh “À” lên một tiếng rồi vỗ tay vào đầu và nhìn tôi “Cười lên một cái anh coi”. Tôi ngậm phập miệng lại dấu cái răng số bốn bị sâu chỉ lộ khi cười. Tôi bênh vực món kẹo của anh bằng cách nói với má răng tôi sâu không phải vì kẹo anh cho, nếu vì kẹo anh cho thì tại sao những đứa trong xóm không được anh cho kẹo mà răng cũng bị sâu? Anh phá lên cười trước lý lẽ bênh vực của tôi, và dúi vào tay tôi một gói kẹo to hơn nhiều hơn, đủ để chia cho tất cả con nít trong xóm.
Thích nhất là khoảng thời gian từ rằm Trung Thu đến cuối năm. Tôi được ăn những loại bánh đặc bịêt của mùa chỉ nhà giàu mới dám mua. Bánh nướng bánh dẻo là chuyện thường. Khách hàng đặt anh những cái bánh hình ông địa, hình rồng phượng lân quy... Mỗi mẫu mã mới anh đều làm thử một mẻ và cái mẻ làm thử này tất nhiên tôi cũng được phần.
Tôi lấy chồng. Cuộc hôn nhân không được gia đình tán thành nên lễ cưới chỉ làm lấy lệ. Ông sui bà sui mỉm cười lấy lệ, họ hàng hai bên chào hỏi lấy lệ... Mọi thứ đều là lấy lệ nhưng cái bánh khổng lồ hình hai ngọn nến thấp thoáng rồng phượng quấn quýt và dòng chữ trăm năm hạnh phúc rõ ràng là một kỳ công. Cái bánh tuyệt đẹp khiến tất cả mọi người phải thốt tiếng trầm trồ. Giữa mọi thứ lấy lệ khiến tôi căng thẳng tột cùng, cái bánh khiến tôi muốn khóc. Cô dâu không được khóc, sẽ nhoè nhọet phấn son! Tôi mỉm cười, trái tim đập ấm áp và xót xa.
Trao cái phong bì màu đỏ vào tay tôi, anh dịu dàng “Hãy can đảm lên. Anh chúc em hạnh phúc”. Tôi muốn thốt lời cảm ơn anh và chợt nhận ra từ lâu rồi tôi không còn nói cảm ơn khi nhận quà của anh như điều đó là hẳn nhiên rồi! Những cái phong bì quà mừng tôi vo tròn thành một mớ, riêng cái của anh tôi ép vào album ảnh cưới.
Cuộc sống vợ chồng đôi khi là nước mắt. Cuộc hôn nhân không được gia đình tán thành nên khi khổ đau tôi không dám về với mẹ, không biết khóc với ai. Xổ tung tất cả những gì đã từng nâng niu, định sẽ xé, sẽ đốt... rồi sẽ đi đến một nơi không ai biết...
Cái phong bì rơi ra... Nhắc lại lời chúc của anh, nhắc tôi nhớ cái bánh khổng lồ khiến bao người trầm trồ... Tôi gượng vượt qua, lại muốn yêu thương và muốn được yêu thương.
Cứ như vậy, chơi đùa với con, nhớ lại tuổi thơ của mình thích gì để biết con đang thích gì, tôi lại nhớ anh. Anh hiện diện trong nỗi nhớ của tôi rất bỗng nhiên, lung linh như một vì sao lấp lánh trên bầu trời ký ức. Chuyện cổ tích tôi kể con nghe thấp thoáng bóng dáng anh trong vai chàng hịêp sĩ sẵn sàng ra tay can thiệp chuyện bất bình. Những gương sáng tôi kể con nghe, có tấm lòng của anh trong vai tiểu chủ nhân mở lòng chia sẻ kho tàng bánh kẹo của mình cho trẻ em khốn khó. Trong nỗi nhớ của tôi, anh mãi mãi tuổi hai mươi, chàng trai trong sáng chân thành và hào hiệp như nắng ban mai.
Mười lăm năm.
Lò bánh làm ăn không được như trước nên đã chuyển qua làm rẫy cà phê. Mùi thơm háo hức tuổi thơ tôi đã bị khuất lấp trước vô số chủng loại bánh kẹo phong phú mỗi ngày một thêm mới lạ mùi vị cùng kiểu dáng.
Sáng nay, tình cờ tôi gặp anh trên đường. Người đàn ông đội cái mũ vải màu nâu xỉn, khuôn mặt đầy những nếp nhăn mà nụ cười làm những nếp nhăn xếp nhiều hơn, cánh tay sạm đen đặt trên tay lái của chiếc Honda 67 cũ mèm màu sơn đen tróc lở lộ màu sét rỉ, ghi đông bên trái treo một cái giỏ lát nhô lên nắp gà mèn màu nhôm cũ kỹ, phía trước bình xăng để một cuộn dây thừng, phía sau là hai cái bao cồng kềnh chất lên nhau.
Dáng vẻ của anh trước mặt tôi là một điển hình của những người làm cà phê gặp lúc giá cả tuột dốc.
Tôi muốn thốt một câu chào vui vẻ nhưng chẳng thể nói nên lời. Gặp lại nhau khi anh tiều tụy thế này, thật khó mà... Anh thật khác với ngày tôi còn ở cùng ba má. Anh thật khác với
tiểu chủ trong nỗi nhớ của tôi, càng khác hơn trong những chuyện cổ tích tôi kể con nghe.
Nói một câu vui vui thì sợ mình vô duyên, nói một lời khách sáo thì thấy không nên... Tôi đợi anh nói một câu mà người ta thường nói trong những dịp gặp tình cờ thế này, ví dụ như “Chà, lâu quá không gặp nhưng em vẫn vậy, chẳng già đi chút nào”, hoặc “Dạo này em làm ăn ra sao? Con cái có cái gien của ba mẹ nên học hành giỏi giang hả?”, hoặc một lời than thở mà rất nhiều người lập đi lập lại “Hồi đó biết vậy anh đã chẳng lao vào cà phê làm gì”...
Anh không nói bất cứ câu nào tôi đang chờ nghe để đáp lại một câu tương tự rồi gật đầu chào và lao vào dòng người trên đường vội vã cho cuộc mưu sinh. Và tôi sẽ quên đi cuộc gặp tình cờ này như đã quên bao điều trên đường đời đầy những lo toan đến không còn thời gian mà nghĩ ngợi mà nhớ...
Nhìn nhau thật lâu, rồi anh nói khẽ:
- Lâu lắm rồi anh không có gì cho em.
Lâu lắm rồi anh không có gì cho em.
Câu nói đẹp như cái bánh hình hai ngọn nến -ngọn này là rồng ngọn kia là phượng, món quà bất ngờ cho lễ cưới cái bánh duy nhất tôi không nếm mẻ làm thử, cái bánh dành phần tôi trọn vẹn và là lời chúc chân thành biết bao.
Câu nói theo tôi đến cơ quan, theo tôi đi chợ, theo tôi đưa con đi học, theo tôi về nhà...
“Lâu lắm rồi anh không có gì cho em”... Tôi bật khóc, những giọt nước mắt cô dâu nén lại trong ngày cưới bây giờ tuôn ra, nhẹ nhõm và dịu dàng quá đỗi. Tôi lại vừa được nhận nữa từ anh đấy thôi... Điều anh vừa cho tôi trong veo như tấm gương kia, để trên đường đời mỗi khi yếu lòng soi vào mà nhớ.