Không thể ở lại một giây nào nữa, Luận băng ra sân, rồi cắm cúi đi ra cổng. Nhác thấy bóng Đông ngồi trên ghế đá mặt lầm lì và như là vô cảm, anh muốn nhảy xổ tới Đông mà gào: "Ông là một kẻ vừa không biết thích ứng, vừa nhu nhược. Ông mở mắt mà xem cái tổ ấm của ông, nó đã thành cái tổ quỷ chưa. Ông cũng là tội phạm". Chưa bao giờ Luận lại có ý nghĩ cay độc, thô lỗ đến như thế! Xưa nay, Luận bao giờ cũng con người điềm tĩnh, lí tình phân minh, cân bằng.
Trưa ngả chiều, thành phố như cái lò nung, nóng oi, ngột ngạt. Không ai có thể hình dung rằng mới ngày nào, cũng đường phố này, cái rét lại se sắt, gai góc đến nỗi những cây bàng lá đầy đặn thế kia mà lả tả rụng dần lá cho đến kì trơ khấc những nhánh, cành xương xẩu; còn bây giờ, bàng lợp xanh lớp lớp tầng tầng, tán trên tán dưới, như những ô dù toả bóng tròn xuống mặt đường đang mềm nhũn vì nhựa chảy.
Mặt trời mới sáng đã như quả cầu lửa và hun đốt thành phố suốt ngày dài. Rét cũng khốn khổ. Suốt cả một mùa đông lạnh, Luận chỉ có độc một bộ vét thay đổi và đã phải đem bán đi rồi. Đôi giày da duy nhất chống chọi với cái buốt tấy sưng ngón chân thì đã há mõm, rách cạnh. Cái lạnh thấu thịt da hành hạ người nghèo. Nhưng, nóng nôi cũng chẳng sung sướng gì. Ngày nóng bức, đêm oi nồng, lại thêm đàn muỗi hút máu người quầy quả dằng dai. Quạt điện không có, quạt tay chỉ một lúc đã rã rời. Lắm đêm không ngủ được, trằn trọc, oán giận cả ông Trời, sao ông phung phí năng lượng đến như thế? Sao mọi sự lại có thể vô lí đến như thế được?
Khắp nơi tràn ngập sự vô lí. Cả cái đường phố này cũng là sự tập hợp quá mức những cái vô lí. Đường thì hẹp mà người, xe lại quá nhiều. Nhất là ở cái ngã tư Luận vừa phải dừng lại đây: người, xe cứ xô lấn chen đẩy nhau, lấn chiếm mặt đường, bất kể một quy tắc tối thiểu, mà chẳng ai chịu đứng ra chỉ huy, xếp sắp lại. Vô lí quá! Dưới ánh nắng hè gay gắt, hàng trăm con người phải ùn lại chỉ vì một đoàn tàu sắp đi qua! Sao tàu hoả lại đi qua thành phố, ở đúng chỗ đông người qua lại này? Thằng cha nào thiết kế mà vô lí đến mức như vậy? Vô lí hơn nữa là chờ đã mười lăm phút. Mười lăm phút đứng dưới lửa thiêu. Phát điên lên được! Mồ hôi ròng ròng chảy, đẫm ướt cái áo phin pha ni lông rồi, mặc thế nào được nữa bây giờ.
Nhưng vô lí hơn nữa là hai mươi phút sau thì cái barie mở. Hoá ra không có tàu! Hoá ra người gác ghi tưởng là có tàu! Người bây giờ mới ồ
lên, chen lách cả một khối loạn xà ngầu, càu nhàu chửi bới hỗn loạn và tục tằn. Không trừng phạt người gác đường thì thật vô lí. Làm lãng phí thời gian của năm trăm con người, tạm tính như thế, mỗi người hai mươi phút, tổng cộng là bao nhiêu giờ?
Nhưng, nghĩ đi nghĩ lại cũng không hoàn toàn như thế. Vì trong cái đám đông hỗn độn đứng chờ đường mở ấy có những kẻ vô tích sự, không có một sự sáng tạo có ích nào hết, thậm chí có cả bọn ăn bám, bọn phá hoại nền kinh tế, văn hoá của đất nước. Bọn chúng đầy rẫy và đang sống nhơn nhơn. Chúng mặc những bộ áo quần thời trang, đi những đôi giày mốt mới nhất. Chúng đem văn minh tới xứ sở này? Vô lí. Chúng làm vẩn đục xã hội. Chúng làm tủi hổ Phượng và những người lương thiện, nghèo nàn. Chúng ăn cắp chiếc xe đạp của ta. Chúng ăn cướp của cải của xã hội để tiêu xài, hành lạc. Chúng là những kẻ đang đứng, ngồi trong các quán ăn, quán uống kia. Ôi! Sao ở đó lại có những mụ đàn bà cái mặt giống mặt Lý thế! Lý thật. Rất nhiều, 1, 2, 3, 4… 9, 10… Hàng chục Lý, Lý nào cũng tràn trề khoái lạc, ngông ngạo và thô tục.
Vượt qua ngã tư, Luận bước vào một cái phố nhỏ, ở cuối phố có toà nhà của cơ quan anh. Tức mắt làm sao cái phố hẹp này. Cả hai hàng bằng lăng cũng làm anh khó chịu. Cây đã nhỏ lại vặn vẹo mà hoa thì bung từng chùm, lại khô như giấy trông cứ như là một sự chắp vá tuỳ tiện. Và rõ ràng là có biển báo đường một chiều mà ba tên mặc áo phông vàng in hình tây đầm ôm nhau vẫn cứ nghễu nghện bá vai nhau đạp xe ngược chiều. Thực tình, lúc này Luận rất muốn nhảy xô ra, chặn ba gã nọ lại, hét thẳng vào mặt chúng thật thô lỗ: "Này, các ngươi, có mắt không hay là mù?" Nhưng Luận thấy mệt mỏi quá rồi, uể oải anh lảng lên hè, lê từng bước chân và mặc kệ chúng.
*
Tạch tạch tạch… tiếng những con chữ đập vào rulô đang nảy đều đều, bỗng ngừng phắt.
Luận ngó vào phòng thường trực. Ông nhân viên thường trực đeo kính lão số 4 dừng máy chữ, đứng dậy lúng túng, ngắc ngứ. “Ta bị anh chàng Phó tổng biên tập tương lai bắt quả tang đánh máy thuê trong giờ hành chính và đánh bằng máy cơ quan mất rồi”. Chắc là ông nghĩ vậy nên vội vàng nhấc tờ báo phủ lên cái máy chữ.
- Bác ơi, ông Tổng biên tập đến chưa bác?
- Dạ dạ… ông ấy đang ở trên gác ạ. Lúc nãy ông có xuống tìm anh đấy ạ.
Luận vào buồng mình cố quên đi vẻ tội nghiệp của ông già thường trực. Anh mở cặp bìa lưu trữ bài chuyên đề, bài của phóng viên, thư bạn
đọc. Nóng quá anh kênh cổ áo. Không làm việc thì thật vô lí. Nhưng làm gì? Cuộc sống dữ dội, so với nó, tất cả đều nhạt nhẽo đến thảm hại.
- Anh Luận uống nước chè tươi đi. Nóng nực chỉ có món giải khát này là mát mẻ, bổ phổi thôi, anh ạ.
Ông thường trực xách cái ấm nhôm nước chè tươi vào rót ra cốc, đặt lên bàn Luận, cung cách rất nể trọng. Trước nay chưa bao giờ có chuyện này. Khổ, ông vẫn có ý e ngại Luận về cái việc sai trái của ông vừa rồi.
- Có tin tức gì mới không, bác?
Luận cố làm cho ông già ra khỏi mặc cảm. Ông gãi cái cổ mướt mồ hôi:
- Dạ, chỉ có tin tức về giá cả thôi ạ. Gạo lên mười sáu rồi. Ở phố tôi hôm qua có cái đám cưới nguyên gà đếm được mười lăm gánh. Mà toàn là gà mái tơ mua từ miền núi về. Họ mời, tôi phải cáo là đi công tác xa, vì ở nhà không đến thì bất lịch sự mà đến thì xoàng cũng phải phong bao năm chục. Thế là đành phải lựa chọn giữa hai cái. Năm chục! Trong khi một trang đánh máy thuê được có năm hào!
- A, Luận đến rồi đấy à?
Ông Tổng biên tập người cao, tóc bạc trắng vẻ thông thái từ gác xuống, vừa bước vào vừa nói. Ông thuộc thế hệ thanh niên lớn lên thì gặp phong trào cách mạng. Năm 1944, đang là học sinh năm thứ ba trường Bưởi, được giác ngộ, ông đã tham gia tổ chức thanh niên cứu quốc trong mặt trận Việt minh. Ròng rã mấy chục năm hoạt động cách mạng, lúc ở trong quân đội, khi đóng vai cán bộ hậu địch, ông là người chịu nhận nhiều vất vả khổ đau: bị địch bắt, bị đánh chết đi sống lại nhiều lần, bị đày ra Côn Đảo, trong khi đó ở nhà con chết, vợ bỏ đi lấy chồng khác, và khi đã vượt ngục trở về thì bị tổ chức nghi ngờ; việc xác minh phẩm chất cách mạng của ông ở trong tù làm đi làm lại mãi tới giờ vẫn chưa xong. Chịu đựng những đau khổ thiệt thòi ghê gớm ấy, lạ thay, ông chẳng hề than van, sầu muộn, ông vẫn ung dung tự tại, tự tạo lập sự quân bình ổn định để sống và làm việc. Luận rất quý ông và ông gần với Luận ở khía cạnh là con người luôn có ý thức chủ động với cuộc sống còn có nhiều điều bất như ý này.
- Mời thủ trưởng uống bia ạ.
Ông thường trực lại vào, đặt một cốc chè tươi nữa lên bàn, mời ông Tổng biên tập, rồi gãi gãi đầu đi ra.
Ông Tổng biên tập xốc xốc tập giấy trên bàn:
- Mình đã đọc kĩ mấy bài viết của cậu. Bài có tình có lí, có sức thuyết phục. Nhưng có một điều mình phải nói với cậu, mình có cảm
giác, cậu hình như đang có ý định rời bỏ cái vị trí lâu nay cậu vẫn đứng vững. - Ông thở mạnh. - Mình nói thật: cậu đừng gào lên như thế!
- Sao? - Luận hơi nhổm dậy cau mặt, nhíu hai cặp mày. - Tôi thì tôi nghĩ, nhiều lúc cũng phải gào, phải thét lên. Vì không thể chịu đựng được nữa rồi.
Ông Tổng biên tập lắc lắc đầu:
- Đừng để đau khổ lấn át lí trí!
Trong giây phút yên lặng chỉ có nụ cười thương cảm của ông Tổng biên tập là hình sắc trong không gian, Luận như hẫng hụt một nhịp tim. Ông Tổng biên tập, người bạn vong niên, con người không để thiên kiến của riêng mình chi phối khách quan, con người ấy như nhìn thấu tim gan anh, đã dùng một câu nói ngắn gọn, để thâu tóm thái độ của anh trước hiện thực hôm nay, lúc cuộc sống hiện ra với trạng thái dường như không thể chịu đựng được nữa.
Luận cảm thấy như bị phơi trần ra, nhưng là một kẻ có bản lĩnh, anh đâu đã chịu chấp nhận ông.
- Tôi sợ anh hơi khô cứng. Luận nói giọng đã bình tĩnh trở lại. Hay là anh ít thực tế? Cái xấu, sự vô lí đang đầy rẫy ngoài đời, không lẽ cứ để chúng hoành hành?
- Đau khổ quá dễ hoang mang đấy.
- Chẳng lẽ tôi không được quyền tố cáo và phẫn nộ?
- Phẫn nộ của lí trí thì được.
- Anh ạ, phải là người đã từng đau đớn…
- Chẳng lẽ tôi không phải là người trong cuộc?
Luận sững người và nín lặng ngay khi ông Tổng biên tập nói câu nọ. Anh hiểu, con người này có tư cách phát ngôn như vậy; ông nói những điều ông đã thể nghiệm.
Lát sau, quay mặt đi, Luận khe khẽ:
- Tôi đứng trên vị trí bảo vệ những nguyên tắc đạo đức và những tinh hoa văn hoá của dân tộc. Anh có thấy vấn đề đạo đức là vấn đề chính trị không. Bọn hư hỏng chúng nó có ưa gì thể chế của chúng ta?
- Cậu nói đúng. - Ông Tổng biên tập gật đầu, - chúng ta phê phán nhằm cái đích lớn. Nhưng phải nhận ra điều này: chúng ta đã tạo ra những thành quả hết sức vĩ đại nhưng cũng đẻ ra vô số cái tồi tệ. Mặt khác phải hiểu rằng: xã hội không bao giờ đạt tới một sự hoàn chỉnh lí tưởng cả. Cái xấu, cái vô lí như cậu nói, chính là sản phẩm của chúng ta, của chính chúng ta, của chính cuộc sống hiện thực hiểu theo nghĩa khái
quát của nó. Lịch sử phải trả giá để biến cải nó. Cậu dùng chữ
tố cáo là chưa ổn? Cậu
tố cáo ai? Cậu trắng án à? Điên dại hay là mất hết niềm tin? Nên nhớ: Dũng cảm chịu đựng trên cơ sở phân tích khoa học cũng là một đức tính, là một đức tính cần thiết bên cạnh đức tính bình tĩnh!
Ông thường trực lại xuất hiện. Ông mời ông Tổng biên tập đi nghe điện thoại ở phòng bên.
Luận còn lại một mình trong phòng. Cuộc tranh luận bị bỏ dở. Chưa chắc ông Tổng biên tập đã đúng cả. Nhiều lần như thế rồi, nhưng chưa lần nào cuộc tranh cãi với ông lại để lại dư vang sâu xa như thế trong Luận.
Luận nhớ lại tất cả cảm xúc của ngày qua. Nhớ lại tấn bi kịch của gia đình, nhớ lại những gì anh đã thấy ở xã hội, đường phố… Gia đình, đường phố, cơ quan, xã hội, các tập thể con người, những môi trường sống khác nhau mà đồng dạng, gắn liền. Anh đã nổi cơn bi phẫn từ vị trí nạn nhân. Có bao giờ con người hài lòng với mặt tối của hiện thực. Căm phẫn là cần nhưng không khó với bất cứ ai có lương tri. Còn cái cốt cách cao ngạo với mọi sự tầm thường thì từ ông Bằng đã có rồi. Chửi rủa càng là sự dễ dàng. Một chỗ đứng cao hơn, mà vẫn là kẻ trong cuộc, mà không phải là bàng quan, là chai lì, vô cảm là thế nào?
*
Đêm xuống từ lúc nào.
Ra khỏi phòng Luận cảm thấy vẫn như đang ở trong cơn nhiễu loạn.
Ông thường trực tránh cái đám cưới mười lăm gánh gà ngủ lại ở cơ quan, đang ngồi trong căn phòng chật hẹp nhảy những ngón tay trên cái máy chữ Rơmanhtông già nua. Khổ, ông nghèo, lại những sáu đứa con nhỏ.
- Anh Luận ơi, vào giội mấy gáo nước cho mát mẻ rồi hãy về.
Ông thường trực ngẩng lên nói vui vẻ, rồi lại chúi xuống tiếp tục công việc trên bàn máy, dáng điệu hoàn toàn thoải mái, khác hẳn thái độ sợ sệt khi ông đánh máy thuê trong giờ làm việc.
Luận sững lại, trong anh chợt loé lên một tia sáng bất ngờ từ sự so chiếu hai thái độ ở hai hoàn cảnh khác nhau của ông già. Cái thiện, cái hợp lí bao giờ cũng có sức mạnh tự thân. Và thiên hướng trở về với cái thiện, cái hợp lí là mạnh mẽ, ở ngay cả trong lúc cái xấu còn mạnh.
Luận đứng ngẩn. Anh nhận ra, hoá ra, sự mất thăng bằng trưa và chiều nay của anh là biểu hiện nỗi tuyệt vọng và thái độ khinh ngạo của anh với bà chị dâu.
"Đi tắm cái đã. Mai, bảo ông Đông đến xí nghiệp bà Lý đặt vấn đề thẳng thắn. Ông Đông phải phân tích cho bà Lý hiểu cái sai của bà ấy". Nghĩ đứt dóng, Luận vào nhà tắm. Nửa tiếng sau trở ra, trong cảm giác mát mẻ, thảnh thơi, anh đứng chải đầu cạnh ông thường trực vẫn đang kì cạch gõ máy chữ.
- Anh Luận này. - Ông già quay lại, tươi tỉnh. - Anh có biết cái đám cưới nguyên gà mái tơ mua từ miền núi về đã mười lăm gánh là của ai không? Một cô y sĩ. Cô này đẹp cỡ hoa hậu. Đã có chồng. Nhưng cuộc sống vất vả. Ở bệnh viện cô này làm có một tay chuyên gia Thuỵ Điển, nó yêu cô ta. Thế là hai vợ chồng cô y sĩ này bàn bạc một kế hoạch rồi thoả thuận li dị nhau. Đó là tôi nghe người ta đồn vậy. Cô y sĩ sẽ lấy thằng Thuỵ Điển. Anh chồng cũ sẽ được cô chu cấp mỗi tháng ba nghìn đồng để nuôi con. Họ đã thực hiện đúng như hợp đồng đã thoả thuận. Anh xem, bây giờ con người ta lựa chọn có thực tế sát sườn không?
Trời! Trong Luận như có một vụ nổ ngầm. Và mồ hôi lại vã ra đầy người anh như trước lúc tắm.