Lão khỉ đột và Trần Dũng đến Pleiku vào lúc xế chiều. Ra đón hai người là một gã trai trẻ người dân tộc. Hắn có một khuôn mặt đặc biệt khiến cho người đối diện nghĩ ngay đến hình ảnh của một ông thầu khoán háo sắc. Gã không cao lắm nhưng trông cũng dềnh dàng. Gã đeo mắt kính to bản và hút ống vố.Lão khỉ đột vẫn giữ nụ cười rộng thênh thang, nụ cười muốn có lúc nào thì có, chẳng biểu lộ một tình cảm nào. Lão nhỏ con và có vẻ quê mùa nhưng lại đầy tự tin trước mọi người. Gặp tình huống nào lão cũng đem nụ cười ấy ra đối phó.Người dân tộc dẫn Trần Dũng và lão khỉ đột vào một căn nhà nhỏ nằm trơ trọi trên cái dốc cao.- Ngày mai ta khởi hành.Rồi quay sang Trần Dũng, gã nói:- Các ông không phải mang lương thực thực phẩm gì theo cả. Các trạm ở dọc biên giới sẽ tiếp tế đầy đủ mọi thứ. Bây giờ tôi phải đi. Good bye.Gã bước ra cửa còn ngoái cổ lại đưa hai ngón tay làm dấu chiến thắng và nở một nụ cười. Chung quy nãy giờ Trần Dũng không nói một câu nào cả nhưng mọi việc cũng đâu vào đấy.Nửa giờ sau hai người được đưa đến một khách sạn ở trung tâm thành phố. Quang cảnh buồn hiu, những con đường vắng tanh nhỏ hẹp và lạnh lẽo. Đứng trên ban công của khách sạn nhìn xuống phố xá hắn cảm thấy đời như đọng lại. Hắn không còn muốn đi đâu nữa. Hắn thèm sống quẩn quanh, sống lẫn khuất trong thiên nhiên và đợi một ngày nào đó tan biến đi. Với cát bụi. Với cây cỏ. Với sương khói. Như thế có lẽ hay hơn là bon chen vào chốn bụi hồng. Hắn chán ngán cả tình ái, cả xác thịt. Đàn bà bây giờ đối với hắn chỉ còn là kỷ niệm, như những đoá hoa cắm trong lọ thuỷ tinh đẹp rực rỡ một thời rồi tàn héo. Những đoá hoa rũ cánh mỗi ngày…Trần Dũng hút thuốc liên tục và đi đi lại lại trong phòng. Lão khỉ đột thì yên lặng như một người câm. Trần Dũng cảm thấy lạnh, hắn mặc thêm một chiếc áo len rồi lại ra đứng ngoài ban công. Đêm tối đã bao trùm thành phố. Đèn điện thắp rải rác, hiu hắt.Hắn rủ lão khỉ đột:- Đi phố chơi một tí không?Lão lắc đầu, kéo cái bàn đèn lại phía đầu nằm.Trần Dũng đi một mình trong phố. Hắn đi loanh quanh, leo lên những dốc cao khuất tịch. Trời lạnh đến độ làm nhức buốt hai bên thái dương nhưng hắn không muốn trở về. Đâu đó vang lên tiếng hát trầm buồn:Phố núi cao, phố núi đầy sươngPhố núi cây xanh, trời thấp thật buồn.Anh khách lạ, đi lên đi xuốngMay mà có em, đời còn dễ thương.Em Pleiku má đỏ môi hồngỞ đây buổi chiều quanh năm mùa đông…Tiếng hát gợi nhớ Đà Lạt. Hắn thấy mình ra đi chuyến này như một sự liều mạng. Vượt biên giới xuyên qua rừng rậm từ Pleiku đi Attopeu rồi đến Paksé rồi lộn trở về với một tấn bạch phiến trên hai thớt voi đâu phải là chuyện đùa. Hắn chưa có kinh nghiệm gì về một cuộc phiêu lưu như vậy, nhưng đối với hắn nếu có kinh nghiệm thì hắn đã chẳng phiêu lưu làm gì.Tiếng hát của người con gái xa lạ vẫn đuổi theo hắn như diễu cợt.Khi trở về phòng hắn thấy lão khỉ đột nằm quay mặt vào vách. Từ sáng giờ lão hút lia lịa, hút như người ta hút thuốc lá mà chẳng hề thấy lão có vẻ gì suy nhược. Hai cánh tay lão rắn chắc như một con vượn. Thấy hắn về, lão nói:- Chú phải tập hút, sang Lào mới được. Và phải tập ăn mắm bò hóc. Mắm bò hóc làm bằng nhái bén bỏ ống tre. Dân miền núi Đồng Chum và miền chung quanh thị xã Pleiku họ cũng ăn như thế.- Bác sống ở Lào đã lâu?- Lâu chớ. Vợ con tôi ở cả bên Lào.- Bác gái là người Lào?- Ừ. Ngày xưa ở làng thường có hội vào những đêm trăng sáng, trai gái chơi trò bắt mối chỉ ngũ sắc. Ai bắt được màu nào thì đem đi tìm người con gái có cùng màu với mình mà chuyện trò, sau đó dễ đi tới vợ chồng.- Thế hồi đó bác bắt được màu gì?- Màu tím. Màu tím tượng trưng cho lòng chung thuỷ.Lão già không còn cái vẻ câm lặng như con khỉ già nữa. Lão trở nên linh hoạt, tươi tắn. Lão ăn nói lưu loát, diễn tả rành mạch. Trong lúc nói chuyện, lão không cười, hai cái môi dày mím lại, mắt mở tròn, những nếp nhăn hằn sâu trên cái trán thấp. Trên khuôn mặt kỳ dị ấy phảng phất một vẻ gì bí ẩn, một nghị lực tiềm tàng, vẻ tự tin hiếm có.Trời càng khuya càng lạnh. Một già một trẻ nằm thu mình trong chăn nói chuyện.Lão hỏi:- Chú thức khuya được không?- Không giỏi lắm.- Thế thì chú ngủ đi. Tôi ít khi ngủ. Mỗi đêm tôi ngủ chừng vài tiếng nhưng vẫn khỏe mạnh.Dũng hỏi:- Bác thường tải hàng vào ban đêm phải không?- Đúng đấy. Ban ngày đi bất tiện lắm.Lão quay lưng kéo một điếu nữa rồi nằm im luôn. Câu chuyện chấm dứt đột ngột. Trần Dũng cũng chìm dần trong giấc ngủ nặng nề.°Lão khỉ đột chui ra khỏi căn lều vải. Sương xuống mênh mông. Lão trùm kín người bằng cái mền dạ dày cộm, đầu đội mũ len trùm xuống mang tai, cổ quấn khăn len hai ba bận. Trông lão như một đòn bánh tét.Trần Dũng cũng thức dậy nhưng chưa dám ra khỏi cái ổ rơm của hắn. Hắn coi đồng hồ. Hơn bảy giờ sáng. Phía ngoài cửa lều cây cối được chặt sát gốc đất đá lởm chởm qua đó hắn có thể thấy khu rừng phía trước cũng thấp nhưng cây cối rậm rạp hơn chỗ hắn dựng lều nhiều. Giữa hai ngọn đồi là một bình nguyên hẹp trồng thuốc phiện.Những người Lào bản xứ đã quen với cái lạnh như cắt da ở đây, họ leo xuống đồi thoăn thoắt, ở xa trông họ như những con sóc, những con khỉ con chuyền từ cành này qua cành kia.Trần Dũng quyết định trở dậy. Hắn ra khỏi lều, hai môi cắn chặt. Lão khỉ đột đang đứng nhìn xuống thung lũng. Sườn đồi không dốc lắm nhưng khó đi vì gốc cây chồi và đá dăm. Mặt trời đã lên nhưng trời vẫn rét buốt. Sương mù tan dần đi. Hắn thấy lão khỉ đột đang lom khom bên một tảng đá. Trần Dũng bắt kịp lão, hỏi:- Gì vậy?- Con đuông.Dũng cúi xuống tìm kiếm trong khe đá một lúc nhưng không thấy con gì cả. Lão già bật cười:- Chú tìm cái gì vậy?- Con đuông là con nào đâu?Lão vạch một bụi chà là ra.- Nhìn cái đọt đi. Lão nói. Thấy chưa?- A, bị sâu phá chớ gì?- Đuông đó. Để tôi bắt một mớ. Ngon lắm.Lão chỉ cách cho Trần Dũng bắt đuông. Họ bỏ những con ấu trùng trắng nõn vào trong cái hộp giấy rồi giấu dưới khe đá.Hai người tiếp tục xuống đồi. Lão khỉ đột đi hai tay không còn Trần Dũng thì cầm một cái tô đựng bột đậu xanh, vì thế hắn đi chậm hơn lão.Độ nửa giờ sau hai người xuống tới thung lũng. Bọn thợ lấy mủ có chừng mười người, không ai chú ý đến sự có mặt của những người mới đến. Lão khỉ đột biết tiếng Lào nên đi lại nói chuyện vui vẻ trong khi Trần Dũng đứng lớ ngớ một mình. Hắn cúi xuống móc con dao sau lưng ra, bắt chước người thợ vạch mũi dao vào thân cây thuốc. Hắn hứng cái chén bột đậu xanh phía dưới và quỳ xuống đất chờ đợi. Dòng mủ cây rỉ ra, nhỏ giọt xuống cái chén bột toả ra một mùi hăng hắc khó chịu.Hắn nói chuyện với người thợ kế bên bằng cách ra dấu. Theo cách ấy hắn nói rằng hắn là người Việt Nam và hắn đến đây với tư cách du khách đi thăm cánh đồng Chum. Người thợ hỏi hắn có liên hệ gì với lão khỉ đột, hắn nói là hắn chỉ tình cờ quen lão ta trên đường đi.Lão khỉ đột đã đi hết một vòng và trở về chỗ Trần Dũng đang đứng. Lão ra hiệu cho hắn đi theo mình.Mặt trời đã lên cao, rọi xuống thung lũng một thứ nắng đục u uất, tuy vậy trời còn lạnh căm căm. Hai người trở lại mấy đám chà là tiếp tục bắt con đuông. Trần Dũng có vẻ thích thú công việc này. Hắn cầm con đuông mập tròn, bóng ngời, trong vắt như một thỏi thạch nhỏ, ngo ngoe giữa lòng bàn tay. Hắn hỏi:- Con gì đẻ ra con này hả bác?- Con này cũng như con sùng dưới đất. Loại ấu trùng này được nuôi bằng đọt cây chà là hoặc cây dừa. Ăn rất bổ.Trần Dũng đi theo lão. Hắn cầm chiếc hộp giấy đựng con đuông. Hai người đã bắt đầu thấy nóng. Lão khỉ đột bung mền ra và xếp nó lại trên một tảng đá. Lão chỉ còn mặc một chiếc xà rông màu xanh đen và chiếc áo kaki vàng rộng thùng thình.- Còn lạnh à? Lão hỏi.- Không. Nhưng tháo mền ra mắc công ôm lắm.- Chú đưa cái hộp cho tôi.Trần Dũng đưa hộp cho lão. Lão mở nắp hộp bốc mấy con đuông, thảy vô miệng nhai tóp tép.Sau đó hai người trở về lều lão khỉ đột moi trong ba lô ra cái chai nhỏ đựng một thứ nước sền sệt. Lão trút nước ấy vào cái chảo nhỏ bằng nhôm và bắc lên bếp lửa.Trần Dũng xách cái nồi đất đi lấy gạo. Đó là thứ gạo ngon nhất mà hắn được ăn trong đời. Gạo dẻo như nếp nhưng thơm hơn và ăn hoài không ngán. Người dân vùng này thường nấu cơm với gạo ấy và ăn với muối ớt, thỉnh thoảng mới có một bát canh cà chua hay rau cải đắng với nguyên một con cóc nổi lập lờ. Họ có thói quen không làm thịt những con vật này, có lẽ họ cho rằng để nguyên con như vậy tô canh trông sẽ ngoạn mục hơn. Trong khi Trần Dũng suy nghĩ vẩn vơ, lão khỉ đột đã chiên xong những con đuông, vứt cái hộp giấy rỗng không ra đất. Lão dùng cái nĩa lớn trộn đều.Trần Dũng bắc nồi cơm lên bếp.Một con sóc lớn chạy ngang trước mặt hắn, thấy Dũng ngồi yên con vật đứng lại nghe ngóng. Dường như cái mùi thơm trong chảo đã làm cho loài thú ăn trái cây này chú ý. Nó vểnh mỏ lên, vuốt râu và lim dim mắt, không muốn bỏ đi. Dũng nhặt một cành củi đưa ra trước mặt nhử nó, nó giương mắt nhìn, ưu tư, do dự rồi chợt bắn vụt đi, biến mất trên cành cây.Dũng nhìn theo nó mỉm cười. Tự dưng hắn thấy thời gan ngưng đọng lại, bất biến như khung trời xanh ngắt trên cao. Khung trời cứ xanh hoài, không mây, không gió và ngập nắng. Thung lũng dưới thấp trải dài ra xanh ngát. Rừng núi chập chùng mà tĩnh lặng. Hắn muốn được nằm đong đưa trên chiếc võng mà nhìn ngắm thiên nhiên, bắt chước người xưa vỗ bụng mà ca.Hắn mơ mộng và ngủ quên trên cỏ. Trong giấc mơ, hắn thấy mình là cậu học trò khó vừa đậu trạng nguyên vinh quy bái tổ nhưng hắn đã giựt mình thức dậy. Giấc Nam Kha cũng tan đi như trong cổ tích, chỉ còn lại một bếp lửa và nồi… cơm chưa chín.Đâu đó có tiếng chim hót lạ tai. Hắn không biết mình đã ngủ bao lâu nhưng nắng đã nhạt. Sự tĩnh lặng của thiên nhiên thật ảm đạm. Hắn thấy mình như kẻ duy nhất còn sống sót sau trận hồng thuỷ.Lão khỉ đột đã ăn bữa trưa xong và đang nằm hút thuốc phiện trong lều vải. Hắn chui vô lều thật khẽ. Hắn tìm cái bi đông nước và uống một hơi dài. Hắn không thấy đói, hắn uống cạn bầu nước rồi trở ra khỏi lều, thơ thẩn xuống đồi.Hắn đi như thế rất lâu, hái những đoá hoa tình cờ gặp trong bụi gai rồi thả bay trong gió.Hắn đã xuống tới dưới thung lũng và đi vào một ngôi làng nhỏ nhiều cây cối.Một đứa nhỏ ở trần, quấn xà rông ngũ sắc xuất hiện trên lối mòn, tay cầm một cái chén gỗ màu nâu. Nó nhìn Trần Dũng hồi lâu rồi cúi xuống nhặt một mảnh vỏ cây ném hắn và bỏ chạy.Trần Dũng bật cười, hắn lại đi. Những trái sung chín rụng đầy hai bên đường. Tiếng chim hót lúc nãy lại vang lên.Thình lình trong bụi rậm nhảy ra mấy người đàn ông gầy ốm nhưng rắn rỏi, người nào cũng ở trần, tay lăm lăm chiếc ná.Một người trong bọn nói một tràng tiếng Lào, hắn không hiểu gì cả nhưng qua thái độ hắn thấy rằng họ không có thiện cảm với hắn.Hắn cố mở một nụ cười thật hiền và đưa tay vô miệng ra dấu muốn xin ăn. Đó là kế của hắn. Quả nhiên những người bản xứ đã thay đổi thái độ. Họ mang cơm nếp nấu trong ống tre ra cho hắn. Hắn nhận vắt cơm, ăn ngon lành rồi chắp tay xá mấy cái trước khi quay đi.Nhưng một lão già ra dấu chặn hắn lại. Lão ta dẫn hắn vào trong một cái nhà sàn. Vừa bước vào hắn đã xây xẩm mặt mày vì một mùi hôi thúi kỳ lạ tràn ngập khắp nơi. Hắn muốn nôn mửa nhưng cố kìm lại vì sợ.Hắn được lão già tiếp tục dẫn đi ra phía sau. Cái mùi hôi thúi quái ác ấy vẫn không chịu buông tha cho hắn. Hắn đi đến đâu nó theo đến đây, càng lúc càng nồng nặc. Hai người đến một cái chòi nhỏ dựng vội sau những đụn rạ thẳng tắp. Chòi lợp bằng lá kè, chung quanh che bằng những tấm phên tre cũ, bên trong có hai người đàn bà, một người cắm cúi chụm lửa nơi chiếc hoả lò khổng lồ xây bằng đất sét, người kia dùng cái xẻng lớn bằng gỗ mun khuấy đều một thứ nước trắng đục sền sệt. Lão già đưa bàn tay lên mũi hít hít mấy cái tỏ cho Trần Dũng biết rằng ông đang nấu thuốc phiện. Hắn hiểu và lấy làm kinh ngạc về cái mùi hôi quái ác kia. Hai người đàn bà không để ý đến sự có mặt của lão già và Trần Dũng. Họ làm việc rất say mê và không hề tỏ vẻ khó chịu về cái mùi hôi thúi kia. Trần Dũng vừa định bước ra khỏi phòng để thở thì có một thanh niên đi vào, đến trước lão già xá một cái và nói gì đó. Lão già nghe xong mặt mày rạng rỡ bước ra khỏi phòng.Trần Dũng nhận ra ngay sự có mặt của lão khỉ đột.Lão đứng im bên những đụn rơm khô, mặt mày nghiêm nghị.Dường như lão khỉ đột và lão già ở đây là chỗ quen biết nhau từ lâu. Lão giới thiệu Dũng là người giúp việc cho lão, lão nói lão sợ hắn đi lạc nên đi tìm. Cuộc đối thoại trở nên dễ dàng hơn nhờ có lão khỉ đột làm thông dịch. Lão già hỏi:- Chú em mới qua đây lần đầu à?- Vâng, và tôi thích cảnh vật ở đây lắm.Sau đó hắn kể cho mọi người nghe chuyện công chúa Lào đến thăm cố đô Huế vào cái thời hắn còn là sinh viên. Câu chuyện làm mọi người thích thú. Hắn nói:- Hồi đó tôi có tặng cho công chúa một chiếc nón bài thơ.- Đó là vào năm nào vậy, một người hỏi.- Vào năm 1967, cách đây khoảng hơn hai mươi năm. Công chúa đi trong phái đoàn sinh viên Lào sang thăm Việt Nam. Lúc ấy tôi ngồi ở lối đi giữa rạp hát. Tôi đã mua sẵn một cái nón bài thơ. Quí vị biết nón bài thơ là gì không? Tức là cái nón có đề thơ trên ấy. Phải soi lên ánh sáng thì những bài thơ mới hiện ra. Phái đoàn sinh viên Lào ở ngoài đi vào. Tôi nhận ra công chúa. Ngài cực kỳ duyên dáng và xinh đẹp. Ngài là thiếu nữ yêu kiều nhất mà tôi được gặp. Khi ngài đi qua chỗ tôi, tôi đứng lên và trịnh trọng trao ngài chiếc nón bài thơ. Ngài mỉm cười và nói cám ơn. Tôi rất sung sướng. Sau đó tôi theo dõi ngài trong các vũ điệu dân tộc Lào. Ngài yểu điệu, mảnh mai, thanh thoát lạ thường. Tôi nhớ ngài luôn nhưng đã hơn hai mươi năm trôi qua rồi.Vị trưởng lão trong làng ngỏ ý mời Trần Dũng và lão già ở lại ăn bữa cơm chiều nhưng lão khỉ đột nói sao đó và họ tiễn lão ra cửa.Trời đã xế chiều. Một già một trẻ lửng thửng trở lại sườn đồi.Các người thợ lấy mủ thuốc phiện cũng đã trở về lều của họ. Trời lại trở lạnh. Bọn thợ ngồi tụm lại ăn cơm nếp với muối ớt đỏ rực. Trần Dũng lấy gói muối mè ra cho mọi người cùng ăn.Chiều xuống nhanh. Sương mù bay phất phơ dưới thung lũng như những đám mây mỏng. Màu xanh của cây rừng đã trở thành đen thẫm bí ẩn u uất. Trời rộng và ảm đạm. Mây bay lẫn trong lá cây như chiếc khăn choàng của mùa đông.Bóng tối trùm xuống. Hắn mất hút giữa thiên nhiên. Sự mù mịt làm hắn thấy mình xa cách ngàn trùng với cuộc đời, với Thục với Monique với những người đàn bà hắn gặp trên đường đi… Một ngày nào đó tất cả cũng phai mờ, tất cả cũng chỉ còn là kỷ niệm. Cả thành phố, cả xe cộ, ánh sáng và tiếng động, những hàng cây, những buổi hẹn hò…Lác đác ở những căn lều chung quanh của người bản xứ, những ngọn lửa nhỏ đã bùng lên, lạnh lẽo và tĩnh mịch. Họ ngồi co ro với những chiếc mền dạ nhà binh khoác lên vai. Họ nói chuyện rầm rì bằng thứ ngôn ngữ mà hắn không hiểu gì cả. Mắt họ ánh lên niềm vui bình dị.Tại sao ta lại không thể sống như họ? Hắn tự hỏi và hiểu ra rằng bi kịch của con người chính là ký ức.Giá như hắn có thể quên hết.Trần Dũng đi vòng ra phía sau lều, đứng ngay sau lưng lão khỉ đột. Lão đang nói chuyện say sưa bằng tiếng Lào. Lão đưa một ngón tay lên trán rồi đột nhiên vẽ một vòng tròn trong không khí, rồi hai ngón tay trỏ đập vào nhau. Mọi người đều cười. Lão khỉ đột cũng cười như không thành tiếng chỉ thấy hai môi nhếch lên tới mang tai rồi lại từ từ trả về vị trí cũ như miếng cao su đàn hồi.Con tắc kè nằm ở đâu đó cất tiếng kêu.Trời càng về khuya càng lạnh, gió thổi vi vút và sương phủ dày đặc. Lão khỉ đột cầm que củi khều đống lửa trước mặt đã bắt đầu tàn. Câu chuyện cũng rời rạc dần.Trần Dũng ngồi xuống cạnh lão khỉ đột và quàng tay ôm lấy vai lão:- Cho tôi kéo một điếu.Lão khỉ đột đưa dọc tẩu về phía người bạn trẻ. Hắn rít một cách vụng về và ngạc nhiên thấy mình vẫn tỉnh khô.- Kéo điếu nữa. Lão nói.Lần này nhờ một người thợ têm cho hắn. Hắn kéo một hơi dài ngất ngư. Hắn rơi dần vào một cơn say nặng nề khó chịu. Hắn mơ hồ thấy có người dìu mình vào lều.Buổi sáng hắn thức dậy muộn. Mặt trời đã lên cao. Lão khỉ đột ngồi đợi hắn bên gốc cây với gói hành lý.Trần Dũng ngạc nhiên hỏi:- Đi à?- Đi.Lão chỉ đáp một tiếng ngắn ngủi rồi mang cái túi vải lên vai lửng thửng xuống đồi.