1. Marco Polo đi thăm Hốt Tất Liệt
Những nhà du lịch khó tưởng tượng được – Những cuộc mạo hiểm ở Trung Hoa của một người thành Venise – Thắng cảnh và sự thịnh vượng ở Hàng Châu – Cung điện Bắc Kinh – Cuộc xâm lăng của Mông Cổ - Thành Cát Tư Hãn – Hốt Tất Liệt, con người và chính sách hậu cung của ông ta – Những số triệu của Marco Polo
Vào khoảng 1295, nghĩa là vào thời thịnh nhất của Venise, hai ông già và một trung niên, vẻ mệt mỏi, lưng vác đẫy, quần áo rách rưới, đầy bụi, hỏi thăm đường về nhà, vì theo lời họ thì họ đã xa quê hương từ hai mươi sáu năm trước, không còn nhớ đường nữa. Họ bảo đã vượt biển trong cơn dông tố, leo những ngọn núi cao, những cao nguyên hiểm trở, băng qua những sa mạc đầy đạo tặc và bốn lần vượt Vạn lí trường thành; họ đã sống hai chục năm ở nước Cathay[1], đã làm quan, phục vụ ông vua hùng cường nhất thế giới. Họ khen nước đó là một đế quốc rất lớn, có những thị trấn rất đông đúc, và một ông vua rất giàu, hơn hết thảy các nước châu Âu; có những thứ đá dùng để sưởi [tức than đá], những tờ giấy thay vàng [tức giấy bạc], và những trái hồ đào (noix) lớn hơn đầu người, lại có những xứ mà con gái còn trinh thì không ai cưới hỏi, những xứ mà khách lạ tới nhà được tự ý “sử dụng” vợ hoặc con gái của chủ nhà. Họ kể như vậy, không ai tin họ cả, và dân Venise đặt tên cho gã trẻ nhất là “Marco triệu” vì họ thấy gã có vẻ nói dóc nhất trong câu chuyện đưa ra những con số lớn phi thường, không tưởng tượng nổi. Marco, thân phụ và chú [hay cậu] ông ta không lấy vậy làm buồn vì họ mang về từ viễn phương rất nhiều bảo ngọc, từ nay hoá giàu, nhờ vậy sẽ được một địa vị cao sang ở quê nhà. Năm 1298, Venise đánh nhau với Gênes, Marco Polo chỉ huy một tàu chiến; bị bắt và bị giam trong một khám đường ở Gênes; để khỏi buồn, ông ta đọc cho một thư kí chép một tập du kí nổi danh nhất từ trước tới nay. Ông ta kể lại bằng một giọng giản dị, thân phụ ông tên là Nicolas, chú ông tên là Maffeo và ông, lúc đi mới mười bảy tuổi, đã rời Acre ra sao, vượt qua xứ Liban, băng qua xứ Mésopotamie mà tới vịnh Ba Tư ra sao; rồi từ Ba Tư tới miền cao nguyên Pamir, tới Khorassan và xứ Balkh; từ đây họ nhập bọn với đoàn thương nhân tiến chầm chậm tới Kashgar và Khotan; sau họ băng qua sa mạc tới Tangut, vượt qua Vạn lí trường thành để tới Shangtu nơi mà vị Đại Khả Hãn[2] tiếp họ như những sứ thần tầm thường của phương Tây trẻ trung[3]. Họ không có ý ở lại Trung Hoa quá một hay hai năm, nhưng thấy có cơ hội làm ăn được, nhất là nhờ Hốt Tất Liệt [Nguyên Thái Tổ 1277-1295] che chở buôn bán rất dễ dàng, nên họ ở luôn tới gần một phần tư thế kỉ. Marco thành công nhất vì ông ta được làm thái thú Hàng Châu. Ông yêu thị trấn này, ca tụng nó là tiến bộ hơn các thị trấn châu Âu nhiều: dinh thự, cầu cống đẹp hơn, nhiều dưỡng đường hơn, những chỗ ăn chơi, trác táng nhiều hơn, các kĩ nữ, ca nhi đẹp hơn, thị trấn được tổ chức khéo hơn và dân chúng lễ độ, phong nhã hơn. Ông ta bảo chu vi Hàng Châu tới một trăm dặm[4]. Hệ thống đường phố và kinh [Hàng Châu] thật mênh mông; cả đường phố và kinh đều rộng, xe cộ và thuyền qua lại dễ dàng để tiếp tế tất cả những thứ cần thiết cho một thị trấn lớn. Cầu lớn và nhỏ, có tất cả 12.000 cây. Những cây bắc qua các con kinh lớn, nối những đường phố lớn, được xây cất rất đẹp; vòng cầu (arche) cao tới nỗi thuyền không phải hạ cột buồm mà cũng qua được. Vậy mà xe và các loài vật chở hàng vẫn leo lên cầu được vì các đường đưa lên cầu đều xây lài lài, dài hay ngắn tính rất kĩ, tuỳ theo vòng cầu cao hay thấp… Trong thị trấn có mười cái chợ lớn, không kể vô số cửa tiệm dọc theo các đường phố. Mỗi khu chợ đó vuông vức nửa dặm[5] mỗi chiều, chung quanh là một đường chính rộng bốn chục bước chân[6], chạy thẳng băng từ đầu này đến đầu kia thị trấn. Song song với con đường lớn ấy là một con kinh rất rộng, trên bờ cất những kho chứa hàng bằng đá, tiện lợi cho các thương nhân từ Ấn Độ hay các nơi khác lại với hàng hoá và đồ đạc. Tiện như vậy, họ ở sát ngay chợ. Tại mỗi khu chợ, mỗi tuần có ba ngày phiên, số người tụ họp lại đông tới bốn hay năm vạn… Con đường nào cũng lát đá hay gạch. Hai bên con đường chính đều lát trên một khoảng rộng mười bước; ở giữa trải đá cuội nhỏ và có cống hình vòng cung để nước mưa thoát được xuống kinh, thành thử đường lúc nào cũng khô ráo. Xe cộ, qua lại không ngớt trên khoảng giữa trải đá cuội ấy. Xe có thùng dài và có mui, trong có màn và nệm lụa, có thể chứa sáu người. Đàn ông và đàn bà thường mướn loại xe đó để tình tự với nhau… Có rất nhiều thịt rừng đủ loại… từ biển cách xa thị trấn khoảng hai mươi lăm cây số, người ta chở thuyền vô rất nhiều cá… Lần đầu tiên trông thấy những đống cá ấy, người ta tự hỏi làm sao bán hết được; vậy mà chỉ vài giờ sau, không còn một con, vì dân thị trấn đông quá… Có nhiều đường đưa tới chợ, một số đường này có những nhà tắm nước lạnh, mà kẻ hầu hạ gồm cả đàn ông đàn bà. Dân Hàng Châu từ hồi nhỏ quen tắm nước lạnh rồi, bảo như vậy rất tốt cho sức khoẻ. Nhưng tại vài nhà tắm, có những phòng riêng có nước nóng cho những người ngoại quốc không chịu được nước lạnh. Người nào cũng quen tắm rửa mỗi ngày, đặc biệt là trước bữa ăn… Trên một số đường khác, có những lầu xanh, ca nhi, kĩ nữ nhiều tới nỗi tôi không dám đưa ra một con số… Họ trang điểm rất kĩ, thơm phức và ở những phòng bày biện sang trọng, có nhiều kẻ hầu người hạ, đàn ông và đàn bà… Tại một số đường khác là nhà của các y sĩ và các thầy tướng số… Hai bên con đường chánh dinh thự rất lớn… Đàn ông và đàn bà đều có vẻ khoẻ mạnh, và xinh đẹp. Hầu hết bận đồ tơ lụa… Đàn bà rất đẹp, quen đời sống kiều dưỡng, uỷ mị. Y phục và đồ trang sức của họ đắt tiền không tưởng tượng nổi. Bắc Kinh – hồi đó gọi là Cambaluc – còn làm cho Marco Polo thán phục hơn nữa, ông ta không kiếm được tiếng để tả sự phong phú và đông dân của thị trấn đó. Ông cho rằng mười hai khu ngoại ô còn đẹp hơn chính thành phố, vì có vô số biệt thự của các thương nhân hào hoa, xa xỉ. Trong thị trấn có nhiều khách sạn và hàng ngàn tiệm lớn nhỏ. Rất nhiều thực phẩm, và mỗi ngày có cả ngàn bành tơ lụa chở tới để may cắt y phục. Mặc dù nhà vua có nhiều hành cung ở Hàng Châu, Shangtu, và nhiều nơi khác nữa, nhưng ở Bắc Kinh mới có những cung điện rộng lớn nhất. Cấm thành ở đây có một bức tường bằng cẩm thạch bao chung quanh với những bực thang cũng bằng cẩm thạch; điện chính rộng tới nỗi có thể “mời ăn một đám đông người”. Marco khen cách sắp đặt các căn phòng, có cửa kính đẹp và trong suốt, và các thứ ngói nhiều kiểu nhiều màu. Chưa bao giờ ông thấy một thị trấn giàu có như vậy, một ông vua oai phong, rực rỡ như vậy. Chắn chắn là Marco Polo học nói và đọc tiếng Trung Hoa, và có thể ông ta đọc sử của các viên thái sử chép, mà biết được Hốt Tất Liệt và tổ tiên đã chiếm Trung Hoa cách nào. Những đất ở gần biên giới tây bắc lần lần khô cạn, riết rồi thành một sa mạc không nuôi nổi dân trong miền, do đó mà người Mông Cổ (có nghĩa là can đảm) phải liều lĩnh mạo hiểm để chiếm đất mới; họ thành công và tự thấy có tài chiến đấu, thích chiến tranh; nên xông tới hoài để chiếm hết châu Á và một phần lớn châu Âu mới chịu ngừng lại. Sử chép rằng ông chúa anh dũng của họ, Thành Cát Tư Hãn, sanh ra đã có một hòn máu trong lòng bàn tay. Mới mười ba tuổi, ông đã dùng chính sách khủng bố mà qui tụ được các bộ lạc Mông Cổ. Ông đóng đinh tù binh vào một con lừa bằng gỗ, hoặc chặt họ thành từng khúc, hoặc luộc sống họ trong những cái vạc lớn, hoặc lột sống da họ. Khi người ta dâng lên ông một bức thư trong đó vua Tống Ninh Tôn [1195-1224] bảo ông ta phải thần phục mình, ông ta khạc về phía triều đình Tống, và bắt đầu bằng cuộc hành quân dài gần 2.000 cây số, qua sa mạc Qua Bích (Gobi) tới các tỉnh phía Tây Trung Hoa. Chín chục thị trấn Trung Hoa thành bình địa, đến nỗi kị binh có thể nửa đêm phi ngựa khắp miền bị tàn phá mà không sợ vấp[7]. Trong năm năm, vị “Hoàng đế của khắp nhân loại” ấy làm cỏ Hoa Bắc. Rồi hoảng sợ vì sự giao hội của một số hành tinh nào đó mà người ta cho là điềm xấu, ông trở về cố hương, bị bệnh chết ở giữa đường [1227]. Những người kế ngôi ông, Ogodai [Hoạt Đoạn?][8], Mông Kha và Hốt Tất Liệt tiếp tục xâm lăng Trung Hoa một cách dã man, và dân Trung Hoa trong mấy thế kỉ hưởng cảnh thái bình vui thú, bỏ bê võ bị, phải chịu chết: cá nhân thì anh dũng chết còn quốc gia thì nhục nhã chết. Ở Juiningfu, một vị thủ lãnh cố cầm cự cho tới khi tất cả các người già cả, các người tàn tật bị người trong thành ăn thịt hết, còn các người khỏe mạnh thì chết vì chiến tranh hết, chỉ còn lại đàn bà để giữ thành, lúc đó ông mới cho nổi lửa đốt thành, và ông chết thiêu trong dinh của ông. Quân Hốt Tất Liệt tràn ra khắp Trung Hoa, chỉ ngưng lại ở Quảng Châu, nơi cuối cùng mà triều đình Tống rút về. Không thể chống cự được nữa, viên tướng[9] Lục Tú Phu [cầm kiếm xua hết cả vợ con, bắt phải gieo mình xuống biển] rồi ông cõng vua [Quảng Vương] nhảy xuống theo, tự tử [1279]; người ta bảo rằng một trăm ngàn người Trung Hoa noi gương đó cũng tự trầm chứ không chịu đầu hàng Mông Cổ. Hốt Tất Liệt cho chôn cất nhà vua một cách tử tế, rồi thành lập nhà Nguyên, nhưng nhà Nguyên chỉ giữ ngôi được không đầy một thế kỉ. [Có người bảo]: “Hốt Tất Liệt không có tâm hồn man rợ”. Nhưng có một việc mâu thuẫn với lời ấy; không phải vì ông ta hiểm độc trong việc ngoại giao – thời đó ông vua nào cũng vậy – mà vì cách ông đối xử với nhà học giả và ái quốc Văn Thiên Tường, đã khẳng khái không chịu thừa nhận uy quyền của ông. Văn Thiên Tường bị nhốt vào khám ba năm mà vẫn không đổi chí. Trong một đoạn văn vào hàng nổi danh nhất của Trung Hoa, ông viết: “Ngục của tôi chỉ có hai con ma trơi chiếu sáng, không một ngọn gió xuân nào thổi vô chỗ tối tăm tịch liêu này cả… Sống trong sương mù và không khí ẩm thấp, tôi thường nghĩ rằng sắp chết tới nơi, vậy mà trọn hai năm, bệnh tật hoài công lảng vảng chung quanh tôi. Riết rồi tôi thấy cái ngục nền đất ẩm thấp hôi hàm này là một cảnh thiên đường. Vì cái mà tôi cảm thấy trong lòng tôi, không có một tai hoạ nào cướp nó của tôi được. Vì thế mà tôi giữ vững được chí, ngó mây trắng trên đầu mà lòng buồn mênh mông như vòm trời vậy”. Sau cùng, Hốt Tất Liệt sai dẫn ông tới trước mặt mình hỏi: “Ngươi muốn gì?”. Văn Thiên Tường đáp: “Thiên Tường này đội ơn nhà Tống mà được làm tể tướng, thì sao có thể thờ hai nhà được, chỉ xin cho ta chết thôi”. Hốt Tất Liệt chấp nhận. Khi lưỡi búa của tên đao phủ hạ xuống, ông quay về Nam Kinh, như thể vua Tống vẫn còn ở đó, mà vái dài[10]. Nhưng Hốt Tất Liệt đủ sáng suốt nhận thấy rằng Trung Hoa văn minh hơn Mông Cổ, và ông ta rán hoà hợp phong tục hai dân tộc. Dĩ nhiên ông bỏ chế độ thi cử để tuyển quan lại, vì như vậy thì bao nhiêu chức vụ về người Trung Hoa hết; những chức cao ông dành cho người Mông Cổ, và ông rán phổ biến tự mẫu Mông Cổ [gồm bảy nguyên âm, sáu nhị trùng âm và mười bảy tử âm], nhưng xét chung thì cả ông ta lẫn dân tộc ông đều chấp nhận văn hóa Trung Hoa và chẳng bao lâu hoàn toàn đồng hoá với Trung Hoa. Theo nguyên tắc, ông khoan dung với mọi tôn giáo, có vẻ như muốn dùng Ki Tô giáo làm một lợi khí bình định và cai trị Trung Hoa nữa. Ông sai đào lại Vân Hà, con kinh rất lớn nối Thiên Tân với Hàng Châu, sửa sang lại đường sá, tổ chức lại hệ thống trạm để chuyển công văn thật mau trên một đế quốc rộng lớn hơn hết thảy các thời trước của Trung Hoa. Ông cho xây cất nhiều kho lẫm chứa lúa dư những năm được mùa để phát cho dân những năm đói kém; dân bị thiên tai như đại hạn, bão lụt, sâu bọ phá mùa màng thì ông tha thuế cho[11]; ông tổ chức cứu tế cho các học giả già, trẻ mồ côi, người tàn tật; ông lại rộng rãi bảo trợ giáo dục, văn học và nghệ thuật. Dưới triều ông, người ta sửa lại lịch và thành lập toà Khâm thiên giám. Ở Bắc Kinh [thời đó gọi là Yên Kinh] ông dựng một kinh đô mới đẹp đẽ và đông dân, khiến các du khách ngoại quốc phải thán phục. Người ta xây cất nhiều lâu đài lớn và môn kiến trúc thịnh hơn tất cả các thời trước. Marco Polo bảo: “Khi những biến cố ấy xảy ra thì ông Polo ở tại chỗ”. Ông được nhà vua tin cẩn, và ông tả tỉ mỉ các trò tiêu khiển của nhà vua. Ngoài bốn bà đều gọi là hoàng hậu ra, trong cung còn có nhiều cung phi tuyển ở Ungut tại nước Hung Nô; coi bộ Hốt Tất Liệt thích thiếu nữ xứ đó lắm. Theo Marco Polo thì cứ hai năm một lần, một số đại thần đáng tin cậy, được phái qua xứ ấy, tuyển cho nhà vua một trăm thiếu nữ theo các tiêu chuẩn chính nhà vua đã định rõ: Khi những thiếu nữ ấy tới trước mặt nhà vua, ông lại sai những viên thanh tra xét lại lẩn nữa để tuyển lại khoảng từ ba chục tới bốn chục nàng cho vào cung hầu hạ chăn gối… Người ta giao từng nàng cho một số bà già trong cung để khám xét lại kĩ lưỡng ban đêm xem họ có một tật kín nào không: ngủ có yên không, nếu ngáy thì bị loại, hơi thở có nhẹ nhàng không, có một bộ phận nào trong thân thể tiết ra mùi hôi không. Lọt qua kì tuyển tỉ mỉ đó rồi, họ được chia thành từng kíp năm nàng một, mỗi kíp được vào hầu Ngài. Ngự trong cung phòng ba ngày ba đêm, để Ngài sai bảo lặt lặt và muốn làm gì thì làm. Hết hạn đó, một kíp khác vô thay phiên và cứ như vậy cho tới kíp cuối cùng; hết một vòng rồi trở lại kíp đầu. Sau khi ở Trung Hoa hai chục năm, Marco Polo với cha và chú nhân dịp nhà vua phái đi sứ Ba Tư mà yên ổn và chẳng tốn kém gì mấy, trở về cố hương được. Hốt Tất Liệt đưa cho họ một quốc thư để dâng Giáo hoàng và họ được cung cấp đầy đủ tiện nghi cho cuộc hành trình. Họ đi vòng bán đảo Mã Lai qua Ấn Độ, Ba Tư, rồi theo đường bộ tới Trébizonde, trên bờ Hắc Hải, giai đoạn cuối cùng tới Venise. Hết thảy mất ba năm. Khi họ tới châu Âu thì hay tin Hốt Tất Liệt và Giáo hoàng đã chết cả[12]. Marco thật gan lì, kiên sức, cả trong đời sống nữa, bảy mươi tuổi mới chịu lìa trần. Khi sắp tắt thở, bạn thân của ông cố khuyên ông, muốn cứu rỗi linh hồn thì đính chính những lời ông chép trong sách đi – hiển nhiên là láo khoét rồi – nhưng ông cương quyết bảo: “Tôi chưa nói được một nửa những điều tôi đã trông thấy”. Ông mất được ít lâu, người ta thấy trong lễ Carême ở Venise, một tên hề khoa trương, khoác lác một cách lố bịch để chọc cười thiên hạ. Người ta gọi hắn là Marco triệu”[13].
Mông Cổ sụp đổ - Đời Minh - Mãn Châu xâm chiếm Trung Hoa – Đời Thanh – Một minh quân – Vua Càn Long gạt bỏ các tư tưởng Âu Tây
Phải bốn trăm năm sau Trung Hoa mới thấy lại một thời rực rỡ như vậy. Dân tộc Mông Cổ bị suy nhược vì các thất bại ở châu Âu, Tây Á, và vì cả sự Hoa hoá nữa, nên đời Nguyên tàn rất mau. Muốn duy trì và cai trị một đế quốc mênh mông như vậy, mà miền này cách biệt hẳn với miền kia vì núi non hiểm trở, vì sa mạc, vì biển cả thì phải có những phương tiện như hoả xa, điện tín, máy in. Vả lại người Mông Cổ có tài chiến đấu hơn tài cai trị, nên các người nối ngôi Hốt Tất Liệt bắt buộc phải tái lập chế độ thi cử và dùng tài cai trị của người Trung Hoa. Rốt cuộc nhà Nguyên không làm cho phong tục, tư tưởng Trung Hoa thay đổi gì nhiều, chỉ thêm vào văn học Trung Hoa được loại tiểu thuyết và loại tuồng. Một lần nữa, phụ nữ Trung Hoa lại kết hôn với kẻ xâm lăng, văn minh hoá họ rồi tiêu diệt họ. Năm 1368, một nhà sư hoàn tục [Chu Nguyên Chương] phất cờ khởi nghĩa, chiếm Bắc Kinh, lên ngôi vua, tức Minh Thái Tổ. Qua đời sau, một ông vua có tài, vua Thành Tổ lên ngôi, niên hiệu Vĩnh Lạc, Trung Hoa thịnh trở lại, nghệ thuật tiến bộ. Nhưng rồi nhà Minh cũng mất ngôi vì bị xâm lăng; đúng vào lúc trong nước có nội loạn thì một rợ vượt Vạn lí trường thành, bao vây Bắc Kinh. Người Mãn Thanh là một dân tộc sống từ mấy thế kỉ ở xứ mà ngày nay ta gọi là Mãn Châu quốc. Sau khi chiếm hết miền ở phía Bắc Hắc Long Giang, họ tiến xuống phương
Dân số - Bề ngoài – Y phục – Những nét đặc biệt của các cuộc đàm thoại – Chữ viết
Yếu tố đầu tiên phải xét là số lượng: người Trung Hoa đông, đông lắm. Các nhà học rộng thích đưa ra những ước tính, có khi liều lĩnh, đã tính rằng dân số Trung Hoa 280 năm trước T.L. vào khoảng trên dưới 14 triệu; 200 năm sau T.L vào khoảng 28 triệu, năm 726 vào khoảng 41, 5 triệu; năm 1644 tăng lên tới 89 triệu; năm 1743 là 150 triệu; năm 1919 là 330 triệu. Thế kỷ XIV, một du khách Âu đếm được ở Trung Hoa “hai trăm thị trấn lớn hơn Venise”. Để kiểm tra dân số, triều đình ra lệnh gia đình nào cũng phải ghi tên hết thảy những người trong nhà lên một tấm bảng treo ở cửa; chúng ta không biết được điều đó có đúng không, người ghi có thành thực không, có thể căn cứ vào đó mà kết luận một cách chắc chắn được không. Có lẽ Trung Hoa hiện nay [trước thế chiến thứ nhì] phải nuôi 400 triệu dân[16]. Chiều cao người Trung Hoa thay đổi từng miền: ở phương Nam thấp bé, ở phương Bắc cao lớn hơn; xét chung thì họ là dân tộc lực lưỡng nhất châu Á. Rất bền sức, rất can đảm, chịu những đau khổ về thể chất và tinh thần, có sức đề kháng bệnh tật phi thường, có khả năng thích ứng với mọi khí hậu, nhờ vậy mà họ làm ăn thịnh vượng được ở gần khắp các nước trên thế giới. Thuốc phiện và bệnh hoa liễu kinh niên không làm cho nòi giống họ suy nhược; mà tổ chức xã hội của họ sụp đổ tuyệt nhiên không do một sự thoái hoá nào về sinh lí hoặc tinh thần. Nét mặt của họ vào hạng thông minh nhất thế giới, mặc dầu có người không ưa: một số người phương Tây cho rằng giai cấp bần cùng của họ có những bộ mặt cực kì xấu xí, và một số kẻ phạm tội của họ có vẻ nhìn tàn bạo như bọn tướng cướp trên màn ảnh; nhưng đa số người Trung Hoa có nét mặt đều đặn, bình tĩnh, mi mắt cụp xuống như mang nặng bao nhiêu thế kỉ văn minh. Mắt họ không luôn luôn quá xếch như người ta tưởng và nước da vàng thường bị rám nắng, coi không có gì là xấu. Thôn nữ cũng lực lưỡng như đàn ông, còn phụ nữ sang trọng thì thường có vẻ kiều diễm thanh tú; họ thoa phấn, tô hồng môi và má, bôi đen lông mày và tỉa cho thành hình lá liễu hoặc vành trăng lưỡi liềm. Đàn ông và đàn bà, tóc đều cứng, không bao giờ quăn; đàn bà bới tóc và thường cài bông vào mái tóc. Dưới triều Thanh, đàn ông để làm vui lòng kẻ cai trị họ, cũng theo tục Mãn Châu, cạo tóc phía trước đầu, phía sau để bím dài, mới đầu họ lấy vậy làm khổ, sau lấy làm hãnh diện. Râu thưa, ai cũng cạo râu nhưng ít khi cạo lấy; bọn thợ cạo đi cạo cho từng nhà và kiếm ăn khá lắm. Họ thường đi đầu trần; khi nào muốn che đầu thì đàn ông mùa đông đội một cái mũ nồi bằng nhung hay da lông, vành vén lên, còn mùa hè thì đội một thứ nón tre đan rất khéo, hạng thượng lưu đính thêm vào đỉnh nón một cái núm tròn có màu và một tua bằng lụa. Đàn bà nếu có tiền quấn đầu bằng những dải lụa hoặc vải căm trang kim, hoa nhân tạo hay những đồ trang sức lặt vặt khác. Giày thường làm bằng một thứ vải hay lụa rất ấm; vì trong nhà thường lót gạch, lạnh, nên mỗi chiếc giày của họ như một tấm thảm nhỏ xíu. Vào khoảng 970 sau T.L, tại triều Li Hou-chu[17], bắt đầu có tục bó chân; con gái được bảy tuổi thì phải dùng vải bó chặt chân cho chân không lớn lên được nữa; do đó tới tuần cặp kê, dáng đi của họ có vẻ kiểu cách, rụt rè, đàn ông thích lắm. Nói đến bàn chân đàn bà là bất lịch sự, nếu lại ngó bàn chân của họ thì thật là mất dạy; trước mặt một phụ nữ quí phái, không được nói tiếng giày dép nữa. Tục đó mới đầu ở triều đình, sau lan dần tới mọi giai cấp trong xã hội, trừ người Mãn Châu và người Hung Nô; tục đó nghiêm tới nỗi nếu nhà trai thấy chân cô dâu tương lai hơi lớn quá thì luật pháp cho phép rút lại lời hứa hôn. Khang Hi thử trừ bỏ tục ấy đi, nhưng thất bại; ngày nay, may thay, nó bị cuộc cách mạng tấn công mạnh mẽ. Đàn ông bận quần và một chiếc áo gần như luôn luôn màu lam. Mùa đông, người ta quấn thêm xà cạp (jambière) và người ta bận thêm có khi tới mười ba lớp áo. Suốt đêm ngày không cởi ra; mùa xuân tới lần lần thì người ta cũng lần lần cởi bớt từng lớp từng lớp một. Áo dài tới khỏi lưng quần, hoặc tới đầu gối, tới bàn chân nữa, cài chặt lên tới cổ, không có túi, cổ tay áo dùng làm túi; ở Trung Hoa người ta không nói bỏ một đồ vật vào túi, mà nói bỏ vào tay áo. Có thể nói rằng họ không dùng những đồ lót mình. Ở thôn quê, đàn bà bận quần như đàn ông, vì cũng phải làm việc như đàn ông, có khi còn nhiều hơn nữa; ở thành phố, họ bận quần ở trong, váy ở ngoài. Tại các thị trấn, đồ tơ lụa cũng thông dụng như đồ vải. Không có dây lưng để buộc bụng, cũng không có cooc-xê (corset) để nịt ngực. Xét chung, y phục Trung Hoa thích hợp hơn, hợp vệ sinh hơn và tiện lợi hơn y phục phương Tây chúng ta. Phụ nữ Trung Hoa không nô lệ thời trang; mọi người ở thành thị, trẻ hay già cũng ăn bận như nhau; chỉ khác về thứ hàng chứ không khác về kiểu, và ai cũng tin chắc rằng y phục của mình tới rách vẫn còn hợp thời trang.
°
Ngôn ngữ Trung Hoa còn khác các ngôn ngữ khác nhiều hơn nữa. Không có tự mẫu, không có chính tả[18], không có ngữ pháp, không có tự loại[19]; người ta phải ngạc nhiên nhận thấy rằng từ bao nhiêu thế kỉ nay, một số dân đông như vậy không bị cái ác mộng như thanh niên phương Tây[20]. Có thể hồi xưa họ cũng có những phép biến chức (déclinaison), những biến hoá của mẫu âm (inflexion), những phép chia động từ… nhưng đi ngược lịch sử ngôn ngữ của họ, chúng ta không thấy có một chút dấu vết nào về những phép ấy cả. Mỗi từ có thể là danh từ, động từ, hình dung từ, phó từ (adverbe) tuỳ vị trí trong câu và tuỳ thanh [bình, thượng, khứ, nhập]. Mỗi thổ ngữ chỉ có từ bốn đến tám trăm tiếng (vocable) đơn âm, mà phải diễn được 40.000 chữ viết, thành thử mỗi tiếng có từ bốn đến chín thanh, cứ mỗi thanh lại có một nghĩa khác, đọc lên nghe du dương như “hát”. Các cử động khi nói và văn mạch khi viết bổ túc cho những thanh đó: chẳng hạn, âm I trỏ tới sáu mươi chín vật khác nhau[21]; âm shi có năm mươi chín nghĩa[22], âm ku có hai mươi chín nghĩa[23]. Không có ngôn ngữ nào vừa rắc rối, tế nhị vừa gọn như vậy. Chữ viết của họ còn lạ lùng hơn tiếng nói của họ nữa. Những vật khai quật được ở Hà Nam có vào khoảng đời Thương, còn mang những những chữ khắc gần y hệt những chữ dùng ngày nay tới nỗi – không kể vài người Copte hiện còn nói cổ ngữ Ai Cập – người ta có thể bảo rằng tiếng Trung Hoa là tiếng nói cổ nhất và phổ biến nhất thế giới hiện nay. Cứ theo một đoạn trong Đạo đức kinh thì mới đầu họ dùng lối kết thằng để thông tin. Có lẽ bọn thầy pháp cần phải vẽ bùa và bọn làm đồ gốm muốn đánh dấu những bình, chén chế tạo, đã giúp cho một lối chữ tượng hình phát triển. Mới đầu có lẽ có tới 600 dấu hiệu, sau thành những chữ căn bản của Trung Hoa. Hai trăm mười bốn dấu hiệu được gọi là “bộ”. Những chữ được dùng là những kí hiệu rất rắc rối trong đó yếu tố tượng hình đầu tiên được ghép thêm vài dấu hiệu nữa để trỏ nghĩa hoặc cách đọc[24]. Không những mỗi tiếng, mà cả mỗi ý cũng có một dấu riêng, chẳng hạn dấu hiệu này trỏ con ngựa, dấu hiệu khác nữa trỏ “con ngựa trán có đốm trắng”. Một số chữ tương đối giản dị, chẳng hạn một vòng tròn ở trên một nét ngang [tức chữ đán 旦] trỏ buổi sáng; mặt trời với mặt trăng hợp với nhau trỏ ánh sáng [chữ minh 明]; một cái miệng với một con chim trỏ tiếng chim hót, tiếng kêu [chữ minh 鳴]; một người đàn bà dưới một mái nhà trỏ sự bình an [chữ an 安]; một người đàn bà với cái miệng, có nghĩa là “cong queo”, nguy hiểm[25]; một người đàn ông và một người đàn bà hợp nhau là “bép xép”[26]; một người đàn bà với hai cái miệng là gây lộn nhau[27]; một người đàn bà với một cây chổi và cơn dông là người vợ[28]. Về vài phương diện, Hoa ngữ là một ngôn ngữ sơ khai sở dĩ tồn tại tới ngày nay là nhờ một óc thủ cựu hẹp hòi. Nó bất lợi nhiều hơn là có lợi. Người ta bảo một người Trung Hoa học thức phải bỏ ra từ mười đến năm chục năm để thuộc 40.000 chữ của họ, nhưng nếu người ta nghĩ rằng những chữ ấy không phải là tự mẫu, mà là những ý, vậy thuộc 40.000 ý thì bất kì người nước nào cũng phải mất năm chục năm, chứ riêng gì người Trung Hoa. Trong thực tế, một người Trung Hoa trung bình chỉ cần biết rõ ba hoặc bốn ngàn chữ, mà nhờ có “bộ”, nên họ học cũng khá dễ dàng. Ngôn ngữ biểu ý chứ không diễn âm đó có cái lợi này rõ rệt nhất: người Triều Tiên, người Nhật cũng đọc nó được dễ dàng như người Trung Hoa, thành thử ở Đông Á nó là một thứ quốc tế ngữ. Nó là mối liên lạc giữa dân khắp các miền Trung Hoa, mỗi miền có một thổ ngữ, nói ra thì người miền khác không hiểu được, nhưng viết ra thì ai cũng hiểu được nghĩa, mặc dầu đọc có khác [tức lối bút đàm]. Thật là một cái lợi cả trong thời gian lẫn không gian. Bạch thoại đã chia thành cả trăm thổ ngữ, còn văn ngôn thì từ xưa tới nay không thay đổi mấy, thành thử cổ văn Trung Hoa viết cách nay trên hai ngàn năm, người Trung Hoa có học nào cũng hiểu được, mặc dầu không biết người xưa đọc mỗi chữ ra sao, hoặc hiểu mỗi “dấu” đó có khác ngày nay không. Nhờ vậy mà văn minh, tư tưởng Trung Hoa được duy trì, mà các ý tưởng bảo thủ có một sức mạnh rất lớn; các ý niệm thời xưa luôn luôn giữ được địa vị quan trọng nhất trong sự đào tạo thanh niên. Sự kiện đó biểu thị rõ ràng những đặc tính căn bản của văn hóa Trung Hoa: một sự nhất trí mặc dầu thời đại thay đổi và mỗi miền một khác; một tinh thần bảo thủ rất mạnh, vững; một sự tiếp tục không gián đoạn qua các thời đại, không nền văn hoá nào bằng. Lối viết đó là một thực hiện tài tình về phương diện tinh thần; người Trung Hoa có thể phân loại, sắp xếp toàn thể vũ trụ - vạn vật, hoạt động, đức tính – nhờ vài trăm “bộ” với khoảng một ngàn rưỡi dấu hiệu nữa để phân biệt mà diễn được mọi ý về đời sống, về văn học. Các cách dùng chữ để diễn tư tưởng của chúng ta không chắc gì đã hơn cách đó đâu, mặc dầu mới xét qua thì nó có vẻ chất phác, sơ khai. Leibniz ở thế kỉ XVII và Donald Ross ở thời đại chúng ta ước ao có một thứ chữ viết không lệ thuộc vào tiếng nói, vào một dân tộc nào cả, tránh được những biến thiên của thời gian và không gian, có thể diễn được các ý niệm của mọi dân tộc bằng những chữ như nhau, ai cũng hiểu được. Nhưng ai mà không biết rằng một ngôn ngữ dùng toàn dấu hiệu như vậy, liên kết với cả trăm thế hệ và một phần tư số người trên thế giới, đã có sẵn ở Đông Á rồi? Người phương Đông kết luận một cách rất hợp lí rằng, nếu vậy thì khắp thế giới phải học viết chữ Trung Hoa[29].[1]