TẬP III (E)
CHÙA CÀN KHÔN

Cõi vô hình xin giới thiệu Trường Thiên Tân Thời, Hoạt Náo, Hí lộng, Ðạo Sử Tiểu Thuyết của Pháp lý do đại sư huynh của tui đã viết và đăng trên Lá Thư Vô Minh năm 1987.
Ðây là một phần lịch sử rất đặc thù mà tui muốn chia sẽ với các bạn đọc.
Lời Giới Thiệu:
Thời mạt pháp, đất trời hỗn mang, Thiên tử (Tâm hồn) say đắm tửu sắc quên việc triều chính. Nữ Thừa Tướng Phàm thị Tâm Có (Tánh Vía) âm mưu cùng Quỉ Dục Vương dùng bọn kiêu binh Lục Tặc phò quận chúa Mỹ Kim (Ðô la) đọat ngai vàng xưng đế hiệu. Nữ hoàng Mỹ Kim đội vương miện nạm hột soàn hào quang sáng chói khai tân triều. Thiên Tử bị nhốt trong khám Chí Hòa, ban ngày ngủ kỹ kéo gỗ ầm ầm trong nôi, đêm đến khóc oe oe, la thất thanh, thảm thiết thấu trời. Ngọc Hoàng Thượng Ðế đang ngồi ở điện Linh Tiêu, vuốt râu uống rượu Bồ đào bỗng thấy nháy mắt lia liạ. Cửa Thiên Cung đột nhiên mở toang, Táo Quân quần áo rách rưới vừa khẩn tấu, vữa thở hồng hộc vì đói và mệt.
Ðấng Từ Phụ nghe xong sụt sùi rơi lệ. Kim Ðồng, Ngọc Nữ phải nhiều lần quỳ dâng khăn tay Kleenex. Ngài thở dài: “Ðền đài, miếu tự thẩy đều rơi vào hữu vi sắc tướng, không còn khả năng độ người về bến Giải thoát như xưa nữa”.
Thương con đỏ mê lầm, Ngài ý chỉ cho bộ trưởng bộ Công chánh thiết lập một cơ sở Tâm linh mới, theo kiểu nhà lưu động có bánh xe lấy tên là: CHÙA CÀN KHÔN để đi tận độ kẻ hữu duyên.  Giám đốc Tàng kinh các được sắc chỉ hỏa tốc phải thiêu hủy hết kinh sách cũ đã lỗi thời để: ÐỜI MỚI, HỌC KINH MỚI .
 

HỒI 1

 
Thửa Trời Ðất nổi cơn thanh lọc,
Ðất Qui Nhơn xuất hiện anh tài.
Nay nói về đứ Sơ Tổ. Ngài bẩm sinh tánh tình Thuần Hậu, văn võ song toàn. Phóng đồ chùa CÀN KHÔN do chính tay Ngài phác họa. Tổ có hai đệ tử: một võ và một văn. Ngũ Lôi thần kiếm và một va ly hiệu samsonite chứa BÙA,  Ngài đưa cho một đệ tử cất giữ tại thành Ðại Cồ Việt. Y bát trao cho đại sư THÍCH BA PHẢI kế lập Tổ Thiền thứ nhất.  Ðại sư lãnh nhiệm vụ xây Chùa CÀN KHÔN. Tâm ấn được trao truyền trong một tiệc trà kín đáo, giản dị và bình đẳng. Tổ gọi Ðại sư tới gần nói nhỏ: “Tôi sẽ trao cho bạn một gánh nặng.” Nói dứt lời liền thăng thiên.
Ngày Tổ tịch diệt, sư đến trước linh cưu thắp một cây nhang, vái ba vái rồi lấy hết sức bình sinh xuống tấn đưa Di Chúc của Thầy lên vai gánh tiếp. Theo lời dặn của Tổ, Ðại sư từ giã mọi người, vừa đi vừa huýt sáo, không đưa Thầy ra phần mộ. Phu nhân của Tổ và tang gia ngúyt dài bất mãn và khinh thị nhìn theo dấu chân NGHỊCH HÀNH của sư. Như không hay biết những tiếng nhiếc móc, chửi rủa vọng theo: “Ðồ đệ tử bất nhân, bất nghĩa!” . Sư vừa gánh vừa cảm khái ngâm thơ:
Thế đồ muôn dặm quanh co,
Kề vai gánh ÐẠO, gánh cho vững vàng.
Rồi sư cỡi ngựa sắt đi vân du tìm thế đất xây chùa.  Cổng Chùa xây tại Ca Tì Sít Nây (Sydney Úc Châu). Tháp chuông đặt ở Tu Nai Sì Tết (Mỹ). Chuông và mõ để tại kinh đô Ánh Sáng (Pháp). Ba gian nhà Tổ tọa lạc tại thành Mộng Lệ An (Montreal). Không thấy Ðại sư xây chánh điện và đúc tượng Phật, chúng đệ tử kinh ngạc tham vấn.  Ðại sư nạt lớn:
“Chánh điện và Phật đã có sẵn trong tâm các ngươi, còn phải xây cái gì nữa! đừng nhiều chuyện!”.
Xây xong Chùa sư đánh trống, rung chuông, gõ mõ chiêu mộ thêm tăng ni. Kẻ yếu bóng vía nhìn dám đệ tử của sư phải run sợ, hãi hùng. Mũ xanh có, mũ đỏ có, người nhái, biệt kích đủ loại. Tướng cướp, gian thương, trai tứ chiến, gái giang hồ, văn nhân, tài tử …. sư thâu nhận tuốt.
Tục truyền rằng sư mập mạp, mát da, mát thịt nên tánh rất dễ dãi. Ðồ chúng thương yêu đặt pháp danh cho sư là Thích Ba Phải.  Sư có khả năng làm một công mà thành đôi ba việc. Muốn giảng đạo, sư phải bán một tặng ba, bốn. Phần tặng thêm gồm: coi hướng nhà, chữa bệnh, soi căn, mộ phần, giải quyết liên hệ gia đình tại “ba cõi” … Thường Ngài thích cỡi ngựa sắt vân du, lưng đeo súng roulette, vừa quay súng tập bắn giống như một tài tử cowboy gạo cội vừa nói Pháp.
Tướng mạo sư to con, khỏe mạnh nên trên đường về nguồn cội sư dắt môn đệ vừa đi vừa chạy. Ðám đệ tử yếu ớt, xanh xao vàng vọt đi không vững phải mang nạng chống, lại còn mang theo những chiếc xe bò, đầy ắp và cồng kềnh đủ thứ tế nhuyễn riêng tư. Trong xe đầy nhóc bà con quyến thuộc.  Ðại sư mím môi, trợn mắt, mồ hôi ra như tắm vừa chạy, vừa thở hồng hộc. Ðồ chúng theo không kịp, túng thế máng bừa phiền não lên cổ, lên vai, lên đầu đại sư.
Trên đường hành hương đệ tử mỗi ngày một đông. Họ dùng dây thừng cột vào cổ ngựa của đại sư nhờ Ngài kéo dùm đoàn xe.  Ðể cho kịp, họ leo lên xe ngồi chung với gia đình luôn theo đúng Chương trình bảo lãnh đoàn tụ nhân đạo để về Thiên đàng đở cô đơn, lạnh lẽo và an toàn.  Những Ðại dệ tử thì văn minh hơn, họ đi giầy trượt có bánh xe, hai tay ôm đại sư tỏ dấu thương yêu; nhưng mục đích là bám vào sức kéo của đại sư để về Thiên Ðường cho đỡ mõi chân. Thỉnh thỏang nhìn trước, nhìn sau nếu đàn em không để ý là nhanh như cắt họ tranh nhau vạch chiếc “vú già” gần hết sữa của Ðại sư ra “bú tí” chùn chụt.
Ði được một quãng đường dài ngựa của Sư sứt móng, bong gân mệt quá té sỉu.  Ðại sư hãi hùng nhìn lại phía sau: Một đoàn xe và người dài bất tận còn khủng khiếp hơn ngày di tản chiến thuật năm 1975. Một số đệ tử thức giác không nỡ nhẩn tâm, từ trên vai đại sư nhẩy xuống, buông Ngài ra, mặc quần sà loỏng, áo thung lá, vứt hết đồ đạc, văn tự nhà đất, bằng cấp, chương mục ngân hàng, vợ, chồng, con, mình ên liều mạng chạy bộ về mách Cha Trời. Bon này bị anh em nguyền rủa là: phản Thầy, phản bạn và phá hoại Cơ Ðạo.
Tùy viên Thích Nữ Nga Sô lật đật kêu tê lê phôn cho xe cấp cứu chở ngựa của Ðại sư đến phòng hồi sinh của bệnh viện. Tăng ni còn lại kêu khóc như ri khiến Ðại sư mủi lòng, rơi lệ phải dùng tới một thùng khăn tay Kleenex để chùi nước mắt. Xong xuôi Ðại sư đành “thều thào” tuyên bố qui ẩn.  Ðồ chúng vật đầu, bứt tai, la khóc om xòm quỳ xin Sư cho lập một Tết VV tại Las Vegas làm nghi thức của lễ Quy ẩn và truyền y bát. Sư động lòng từ bi gật đầu.  Bà con muốn có đủ thì giờ và cơ hội để dọn dẹp gánh phiền não đang mắc trên vai Ðại sư (nhà cũ) để móc qua nhà mới (người thừa kế) cho nó yên tâm.

ÔN CỐ TRI TÂN

 
Theo Thiền sử đời Ðường: Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn có hai đại đệ tử:
- Cơ đồ Tâm Linh (y bát và tâm ấn) trao cho Lục Tổ Huệ Năng
- Cơ đồ Hữu Vi (đền đài, miếu tự, kinh sách): Hòa thượng Thần Tú đảm trách.
Ðời rất hòa hợp với Ðạo:
Ðời : Võ thì có trưởng môn. Văn thì có trưởng tràng.
Ðạo : Võ Phật (hình dung, sắc tướng).Văn Phật (tâm truyền tâm): Bất lập văn tự, ngoại giáo biệt truyền vì Phật pháp vốn không liên quan đến văn tự.
Truyền y bát là truyền tâm ấn có nghĩa là trình độ tâm thức của người đệ tử được tuyển chọn đã hội nhập được với trình độ tâm thức của ông Thầy. Cả hai tâm thức đã trở về Nhất Nguyên thành đồng nhất thể nên đồng nhất lý. “Chân không” biến thể thành Diệu Hữu ở Nhị Nguyên khi có nhu cầu.
Dẫn Chứng Bằng Thiền Sử:
Tục truyền rằng: Ngũ tổ muốn truyền y bát, Ngài dạy các môn nhân mỗi người làm một bài kệ đệ trình.  Bài của người nào vào được cửa Ðạo tức là có đạo trong tâm thì sẽ được truyền y bát.
Bài kệ của Thượng tọa giáo thụ Thần Tú : Tổ phê mới tới ngoài thềm của cửa Ðạo, chưa vào được bên trong.
Lục tổ Huệ Năng : sanh tại Lãnh Nam, một miền hoang dã, được thâu nhận vào chùa giữ nhiệm vụ giã gạo. Ngài không biết chữ phải nhờ người viết kệ giúp:
Bồ đề chẳng có thọ,
Minh cảnh cũng không đài
Bổn lai không có vật
Nào chổ vướng trần ai?
Diễn nghĩa: Tánh giác ngộ bồ đề không hình, sắc nên làm gì có gốc cây. Minh cảnh là tâm trong sáng, tánh nó là không, ngự tại chân không đâu có phải cái gương dưới thế gian nên làm chi có đài gương tức là cái giá đựng gương.  Xác là giả, tâm thức mới chính là TA, vốn trong sạch, không tướng, nên bụi trần chẳng có chỗ để vướng vào.
Ngũ tổ xem xong bài kệ biết Huệ Năng đã kiến tánh, thấy được cái tánh không của tâm nên đã vào được Ðại Ðạo,  e có kẻ mưu hại Ngài nên Tổ lấy giày chà hết bài kệ và nói rằng: “Bài kệ này cũng chưa thấy tánh” .  Các đệ tử hùa theo lời Tổ đều cho là phải.
Ngày kế Ngũ Tổ lén đến phòng giã gạo truyền Ngài Huệ Năng canh ba vào hầu trong thất. Ngũ tổ biệt truyền Tâm pháp đốn ngộ và trao y bát cho Ngài rồi dạy rằng: “Ngươi làm Tổ thứ  sáu” .
Tổ bảo Ngài phải trốn mau e có kẻ hãm hại rồi nói thêm: “Hãy đi ngay! gắng sức qua hướng Nam, không nên vội thuyết pháp vì Phật pháp khó mở”.
Quả như lời Tổ nói, ít ngày sau mấy trăm người đuổi theo Ngài để tranh đoạt y bát. Sau khi Tổ viên tịch, Thần Tú nghịch mệnh Thầy và tông chỉ nên Thiền chia ra hai hệ phái:
1- Bắc Tông: Tiệm giáo, chậm, dựa vào kinh sách, tu theo thứ bậc, tuần tự, do thượng tọa Thần Tú đảm trách.
2- Nam Tông: đốn giáo, nhanh, bất lập văn tự, ngoại giáo biệt truyền. Trực chỉ chân tâm vào đạo, do Lục Tổ Huệ Năng hoằng pháp.
Nay lại nói về CHÙA CÀN KHÔN.

HỒI 2

 
Ðại sư khai hội truyền y bát,
Ðệ tử mười phương chuẩn bị về.
Ðại sư Thích Ba Phải khai hội Long Hoa tại kinh đô ngàn năm cờ bạc. Sư dàn thế trận thần sầu quỷ khốc. Ngài ném tâm thức của các đệ tử vào Bát quái đồ rồi định thần lực, lấy văn tự hỏa mù làm chiêu dồn các môn sinh vào cửa Tử  để: “cùng tắc biến”, hốt nhiên đại ngộ rồi tự thoát ra cửa Sinh. Ðây là một lối dạy học trò vừa là Thầy vừa là Chánh chủ khảo luôn.
- Ai là hậu thân Huệ Năng ?!
- Ai là hậu thân Thần Tú ?!
Mười hai Sứ quân VV đã dựng cờ trên kỳ Ðài và đang vẽ kiểu áo Lãnh Tụ.
Nay nói về Huệ Năng (hậu thân) pháp danh là Cô Ba Cầu Tiêu dâng kệ trình Ðại sư:
Tâm vốn vô tướng
Diện mục có như không,
Thấy, nghe chẳng phải thật,
Chẳng vướng cũng chẳng không vướng.
Diễn nghĩa:
Tâm vốn không hình, sắc. Cái mặt của xác phàm (diện mục) là giả. Theo lý sinh, trụ, hoại, diệt có đó rồi sẽ trở về không. Thân xác đã là giả thì cái thấy, nghe không thể là thật được. Vướng là trược, không vướng là thanh. Có thể là thanh, khi cần cũng có thể là trược, nhưng trong thế chủ động, miễn nhiễm. Thanh trược đồng lúc để quán thông.
Hòa tan trong mọi trạng thái, luôn luôn vượt khung mê, phá khung chấp, trung dung nên Như Lai, tự tại.
Biết là cô Ba đã vào được cửa Ðạo, Ðại sư nghe xong truyền thị gỉa Thích Nữ Diệu Nga Sô lấy ra một cái bồ (loại thùng rác đan bằng tre). Lễ truyền Bồ (thế y bát) cho cô Ba theo thời trang hiện đại.  Ðại sư trao bồ rồi thuận tay tát cho cô Ba một cái thật mạnh rồi nạt lớn: Hãy đi lập hạnh Bồ Tát! Rác rến chúng sinh thẩy ra phải nhặt bỏ vào bồ, khi nào đầy thì kêu tê lê phôn cho sở rác trên Thiên đình xuống chở đi.  Ðọan đọc kệ:
Phân thân xuống thế thưở nào,
Nay đà thức ngộ bước vào càn khôn.
Ðiển thanh tự trở lộn về,
Quê xưa chốn cũ, cận kề với Cha.
Cô Ba hiểu ý. Hoa sen phải tự nở, không có quyền ăn tiệc dọn sẵn. Quì lạy Ðại sư ba lạy rồi cởi chiếc áo Tiên ba lớp trắng toát di dưới chân, xé làm nhiều mảnh dùng để lau nhà cầu. Tháo hài, sắn quần móng lợn, đi bốt đờ sô (giày cao cổ của lính), lấy hết bình sinh vác bồ lên vai, làm cho cô đã lùn lại lùn thêm.  Như Ðại sư thuở nào, cô từ giã mọi người, ung dung vừa đi vừa gậm bánh mì. Tiếng kệ cô ngâm vang, xa dần, xa dần:
Vượt qua sắt thép chận rào,
Nơi nào cũng tiến ra vào như không.
Thấy đồ chúng đứng chung quanh quá đông. Nhất là các đại đệ tử giầy dép bóng loáng, đồ viá thật đẹp, cà vạt hào quang rực sáng đủ màu; tướng mạo oai vệ, uy nghi. Toàn thân thủ lễ cứng ngắc như các pho tượng A La hán trong Chùa. Thanh điển ngời tỏa trong đôi mắt, lung linh như ngọc bích len lén nhìn trộm y bát trong tay Ðại sư rồi nuốt nước miếng ừng ực. Sau khi cô Ba đi khuất, các đệ tử mời Ðại sư vào hội yến. Trong bàn tiệc bắt đầu thi nhau trình bày ấn chứng. Trang điểm cái “Ta” lẫn cho nhau. Vũ khúc Ba Ngàn Thế Hạnh được múa lên khởi sắc đậm đà. Các sứ quân khoác Long Bào, phép mầu đầy mình, khí thế ngất trời, nội công thâm hậu chờ lệnh Ðại sư ra thao trường tỉ thí để tranh ngôi: Ðệ Nhất Bá Chủ Võ Phật Quản Thủ Cơ Ðồ Hữu Vi. Giờ khai mạc bắt đầu: Chiêng trống nổi lên ầm ĩ, cờ quạt rợp trời. Sư bắn ba phát súng roulette làm hiệu.  Ðại chúng nín thở chờ xem:

Hồi 2 tiếp theo

 
1/ Một vị thiền sư mặt đỏ như son, vào khoảng lục tuần cỡi trên lưng chiếc hồ lô bay với tốc độ siêu thanh của tiếng niệm Phật. Nhẹ nhàng đáp trên khán đài không một tiếng động, mặc dầu thân hình Thiền sư có hơi đẫy đà. Ngài trang phục kiểu một vị trụ trì.  Cầm cây cờ có mang dấu hiệu một khóm mía, trên đề :Giang Hồ Bảo Tự, Ðệ Nhất Ngọt Lịm Chánh Tông Ðại Thừa Thanh Phái . Không thấy mang khí giới, Ngài đủng đỉnh vén tay áo cà sa lấy ra một thân cây mía hóa phép biến thành một óng tiêu rồi thổi bài: Vọng Về Tây Phương. Cử tọa ngủ ngon, quên hiện tại, trong khoảnh khắc hồn bay phiêu diêu về cõi non bồng, nước nhược.
2/ Một vị Thiền sư trẻ tuổi ăn mặc giống như Superman nghiêng mình bay vút lên khán đài. Gió thổi ào ào làm đại chúng tỉnh mộng. Luồng phi điển cực mạnh khiến Thiền sư dẫu đang đứng tấn mà áo cà sa vẫn còn bay phần phật. Trên ngực áo thêu hàng chữ: Ðệ Nhất Ðiển Quang Pháp Giới Chánh Phái Tây Phương Chân Nhân .  Ngài có khả năng phi thân như hỏa tiễn. Thường dạy đệ tử cách “cởi điển” trong các phi vụ lìa bỏ cõi đời ô trọc, để lang thang trên các giải ngân hà, khám phá một Thiên đường diễm ảo, kỳ bí, thần thoại và vô cùng siêu diệu. Tuy nhiên giờ độ ngọ Ngài nể tình đệ tử hết lòng mời mọc đành dùng tạm vật chất trần trược ở cõi thế gian giả tạm này.
3/ Từ phía đồ chúng bỗng có tiếng vó ngựa phi ào ào. Một đại nhân mang giáp trụ, tay cầm ngọn giáo, râu hùm, hàm én, mày ngài, oai phong lẫm liệt, tiếng nói sang sảng. Vũ khí là những chiếc vòng sắt (như vòng càn khôn của thái tử Na Tra) Ngài đeo đầy mình: Ở cổ, ở tay, ở chân, ở vai và cả ở bụng nữa. Khi múa lên biến thành một màn lưới dệt bằng ức triệu vòng bao che đại nhân. Không một thứ binh khí nào có thể phạm vào người được.
Ðại nhân cầm một cây cờ trên có dấu hiệu Hổ Phù, hai mắt trợn trừng, bộ ria quặp xuống trông giống như một quái vật thời tiền sử, ai trông thấy cũng phải táng đởm kinh hồn, dưới vẽ năm vòng giao nhau (tựa như cờ Thế vận hội) có mấy hàng THẦN CHÚ viết bằng Phạn ngữ:
“Lương sư phụ giáo hóa đệ tử qui không Nhất Luân. Chánh điện nị bất không tức chân không Vô Luân. Từ vô luân, sơ hóa tối ư tự nhiên, ngộ cảm thất an lạc, biến hóa thành luân luân dĩ chân lý động cước lòng vòng, đạo khả dĩ viên mãn. “
Ðông Âm Ðạo Sĩ
Thông dịch viên diễn nghĩa:
Lương Ðại sư dậy đệ tử về không (1 vòng). Chánh diện Ngài không cả cái không tức chân không (không có vòng nào). Từ không có vòng nào: giản dị, tự nhiên quá ta thấy mất niềm an lạc (vui) nên biến hóa thành nhiều vòng để chân lý đi lòng vòng, đạo mới tròn đầy được.
Từ đó mọi người xưng tụng môn phái của Ngài là:Ða Luân Ðông Âm Chi Mẫu Vòng Vòng Khoa Học Gỉa Tưởng Chân Phái và đặt danh cho Ngài là Khoa Học Liên Vòng Ðông Âm Ðạo Sĩ.
Kế đến các môn phái khác tiếp tục trình diễn.

HỒI 3

Thập nhị anh hào, tung bửu bối,
Cô Ba liều mạng, cháy thành tro.
Trong bài kỳ trước: ba vị đã lên võ đài biểu diễn pháp thuật, đến đây vị thứ tư xuất chiêu.
4/ Trên không trung bỗng có tiếng gầm lên như sư tử hống làm đại chúng kinh sợ hãi hùng. Một vị thượng tọa khoác cà sa kiểu Ai Cập cỡi …. trên chiếc gối vàng có tua, sáng chói; phóng đi như một vì sao chổi.  Ở phía đuôi phun ra một luồng sân điển đỏ rực, các đốm lửa nổ tung tóe tựa như hỏa diệm sơn.  Một tay cầm tích trượng trụ trì, còn tay kia cầm chai la de. Phu nhân cầm pháp kỳ cỡi bàn máy may bay theo sau.
Khi các Ngài hạ cánh xuống khán đài, chủ tọa chạy tán loạn vì không chịu nổi sức nóng. Ðồ chúng vuốt mồ hôi, cố vươn mắt nhìn lên. Bốn đệ tử ráp bốn gậy đồng thành một “thần cốc” hình tháp, giống như cái Pyramide của xứ Ai Cập cổ xưa.  Ðại đức ngồi vào trong tọa thiền. Phóng xạ trược điển tứ phía đồ chúng theo gió tạt lên khán đài, đụng thần cốc, xẹt lửa như chạm điện; rồi dội ngược trở lại. Thì ra thần cốc có kháng thể bất dung ô trược.  Ðại đức là phương trượng một ngôi bảo tự. Giòng dõi hoàng thân, quốc thích: tôn thất nhà Trần. Chùa không thấy niêm yết giới luật vì phương trượng, chính Ngài đã là thanh qui rồi.
Ngài pháp thuật cao cường, đã giải thoát khỏi điển quang pháp giới. Tu hạnh: Nhẫn Hòa. Bế quan, tỏa cảng trong các thần cốc tại bảo tự. Rất sợ trược, nhưng có hào khí không chấp chay mặn và lai rai ba sợi … la de.  Phu nhân rất hiền hòa và có tài làm bếp. Trên đỉnh cốc có một cây cờ đuôi nheo mang hàng chữ: THẦN CỐC ÐỘC LUÂN XA, BẤT CỘNG ÐỚI THIÊN CHI THÙ Ô TRƯỢC, CỰC THANH ÐẠI CHÁNH PHÁI. Ngài  xây các thần cốc để tăng ni tu hạnh: Tịch cốc, luyện phép mầu thần lực điển quang, ăn khí hạo nhiên thế cho cơm gạo. Tránh xa thế tục trần trược, ngu đần vì sợ nhiễm độc, hư hao, hoại nát thân xác và thanh điển. Thượng tọa dậy chúng đệ tử cách phóng điển để chế ngự đối phương. Cả ngày thầy trò chọi điển nhau, không phân thắng bại; thành ra chẳng còn phân biệt được ai là sư phụ, ai là đệ tử nữa. Bỗng một loạt tiếng nổ long trời, lở đất phát ra ở phía sau tọa cụ của phương trượng. Ngài cỡi gối bay vọt về Bồng lai thanh giới để lại trên phi đạo … một luồng khói đen nồng nặc, ngạt thở của... mùi trược điển.

Vị thứ 5

5/ Sau đó, hội trường im phăng phắc trở lại. Mây đen vần vũ. Gió thổi hiu hiu mang hơi nước mát rượi .Ðại chúng thiu thiu ngủ. Tiếng khóc thút thít mỗi lúc một gần hơn. Gío nấc từng cơn. Nước biển Ðông dâng ngập. Sóng cuồn cuộn vật đầu vào trụ khán đài bọt bắn tung tóe. Từ dưới nước một cư sĩ nổi lên. Ngài có tài độn thủy. Cử tọa ướt như chuột lột, ngơ ngác nhìn lên. Té ra cư sĩ họ Lưu. Chẳng biết tên húy là gì nên đồ chúng gọi là Lưu cư sĩ.  Ðáng điệu khiêm cung. Mặt buồn man mác như mùa thu lá bay. Thương cho chúng sinh kiếp phù du sớm nở tối tàn, luẩn quẩn trong vòng luân hồi lục đạo. Một vai khoác thùng phước sương (tùy hỉ) còn vai kia mang túi vải chứa các họa đồ xây cất chùa chiền và các binh thư, chiến thuật, chiến lược để củng cố và phát triển. Tay cầm pháp kỳ, không thấy đeo binh khí. Hai mắt rồng của Ngài tựa như hai viên hồng ngọc. Pháp lệ thủy tuôn ra như suối để: phổ độ và hóa giải những đau khổ, buộc thắt của cõi vật chất phù sanh đầy tâm có này. Ngài tu hạnh: Phước Lộc.
Sở trường: Xây chùa, miếu và đóng thùng tùy hỉ loại …. khổng lồ. Ngài là người ưu thời, mẫn thế. Tâm tư lèn chặt mưu chước, kinh luân, tế thế, độ tha nên chẳng bao giờ được thong dong, tự tại.
Thật là một người phước đức hiếm có! Tại đấu trường, cư sĩ không dùng binh khí. Ngài chỉ cần vận dụng: Nhược lệ thần công lực là đối phương hồn xiêu phách lạc,  buông bửu bối ; một tay lau nước mắt, một tay lần ruột tượng lấy tiền bỏ vào thùng tùy hỉ góp công quả xây chùa. trên pháp kỳ có thêu hàng chữ : ÐẶC TRÁCH BÀNH TRƯỚNG, BẢO THỦ CƠ ÐỒ HỮU VI NGÀN NĂM TRƯỜNG TỒN, BẤT KHẢ HOẠI DIỆT, DANH MÔN ÐẠI CHÁNH PHÁI. Ðiạ lợi và nhân hòa Ngài đã nắm hết, chỉ còn chờ thiên thời là lập đàn Nam Giao làm lễ tế cáo trời đất lên ngôi giáo chủ.

Vị thứ 6

 
6/ Trên không trung có hai vị, một tiên ông và một tiên bà đang lướt và lượn đùa vui trong gió, với đôi cánh bằng giấy dán lông gà.  Bỗng trời lặng gió; hai Ngài tuần tự rớt nhanh xuống khán đài tạo nên hai âm thanh: bịch! bịch! làm cử tọa thẩy đều kinh sợ, nhắm mắt, cắn răng, co lưỡi niệm Phật. Tất cả đồng hướng tâm cầu nguyện cho nhị vị tiên gia. Nào ngờ hai Ngài lồm cồm bò dậy, lôi từ trong bàn tọa ra hai chiếc gối bông “phòng thủ”. Thật là những vị kinh nghiệm sâu dầy, tài cao, trí rộng, đóan biết trước được thiên cơ. Các Ngài đều cầm trên tay một đài gương và một bình tịnh thủy.Ðài gương dùng để hồi quang, phản chiếu soi tiền căn, hậu kiếp chúng sanh rồi lấy nước “Chanh lồ” trong bình để giải trược.
Trên pháp kỳ của nhị vị tiên gia thêu hàng chữ: “KIM THÂN THẦN LỰC, HOÀNG GIA CHÍ TÔN ÐẠI PHÁI”.  Trường phái này là Vô Vi ly khai. Có nhiều khả năng CHẾ PHÁP.  Dường như đại diện cho tước vị và uy quyền của chư vị thiêng liêng đi cấy đức tin. Rất có thế lực. Tùy theo niềm tin nhiều ít: sẽ được điểm đạo và thu hồn về thiên đàng phong chức. Nghe nói các Ngài hứa nếu ngoan ngoãn tin theo thì sẽ dành cho một ghế ngồi tại tiên cung hoặc Tây phương cực lạc hiện nay còn rất ít chỗ. Ðồ chúng thì thầm bàn tán đều cho là  Thiên Sứ giáng lâm. Rồi bảo nhau ngồi xuống tọa thiền TỊNH TÂM. Trong lòng thầm mong  mình sẽ là người được tuyển chọn cứu độ về nơi cảnh Tiên, nhà Phật.
Bỗng cuồng phong, gió lốc xoáy dữ dội. Bụi cát được cuốn hút bốc lên không trung thành một cột khói cao ngất trời. Nhị vị tiên gia hốt nhiên đại ngộ la lớn:
“Ta đã biết hết! ta đã biết hết! Thiên cơ đã tới! Những kẻ chịu tin vô điều kiện và đã được ta điểm đạo hãy mau mau ra phi đạo ở chân cột khói”.
Một nhóm người chạy theo. Các Ngài lấy cánh giấy nương theo gió lốc về thiên cung. Bọn người đi theo bám vào cánh các Ngài.  Thiên cơ đổi chiều, mây đen vần vũ. Mưa rơi nặng hạt. Lông gà dán vào cánh giấy gặp nước rơi lả tả. Giấy ướt rách nát chỉ còn trơ lại đôi cánh bằng khung tre lảo đảo trên không. Gió lốc ngưng xoáy. Tất cả đều rơi ào ào xuống trần gian kể cả nhị vị tiên gia.  Xe cứu thương của cõi phù sanh ngu si đần độn này phải đưa chư tiên vào bệnh viện khẩn cấp bó bột và cứu chữa. Rất may không có vị nào qui tiên cả.

Vị thứ 7

 
7/ Từ trên hai cụm mây trắng bước xuống võ đài là một thượng tọa người xứ Phù Tang, pháp danh: Sanyo và một pháp sư.  Ðại đức người cao lớn, chiếc áo cà sa còn vương tuyết trắng, chứng tỏ Ngài từ miền ngàn năm băng giá giáng lâm. Cầm tích trượng và pháp kỳ đi một vòng để trấn theo thế trận đồ bát quái. Ngài xuất thân Thiếu Lâm Tự, tốt nghiệp hạnh: Vĩ Kiên. Theo sau là một pháp sư tân tòng. Trước ngực và sau lưng áo choàng có vẽ hình bát quái. Tay cầm pháp kỳ, lưng đeo kiếm gỗ có tua đỏ ở chuôi. Ngài khoan thai yểm bốn góc khán đài và chính giữa bằng năm cây cờ ngũ sắc. Ðoạn ngồi xuống tọa thiền thuyết pháp. Trước khi rao giảng Ngài đốt bùa, phù phép và lâm râm đọc thần chú. Trên đỉnh đầu hai Ngài hào quang ngũ sắc phun ra như đốt pháo bông đẹp tuyệt vời.
Pháp kỳ thêu hàng chữ: TỔNG TRẤN, BÁT QUÁI, THA LỰC CHƯỞNG QUẢN, PHIẾU DIỀU, NON BỒNG NƯỚC NHƯỢC PHÓNG TÂM HUYỄN CẢNH ÐẠO QUÁN. Thời pháp thật siêu diệu, cử tọa được dịp thả hồn phiếu diều bay về cung Ngọc Hư, Diêu Trì, cảnh Bồng Lai, Ðại La Thiên. Huyễn cảnh muôn màu chói lòa, rực rỡ, ngàn vẻ diệu vợi, nguy nga.  Sau khi thời pháp chấm dứt, cử tọa lại rơi trở về cõi diêm phù trần gian đầy đau khổ và tranh đấu này. Một Ngài chữa bệnh cho toa, trừ ma, ếm quỉ bằng từ trường của trái đất: rờ đâu khỏi đó. Một Ngài phát bùa: loại ngồi thiền thanh tịnh, cô hồn các đảng không dám quấy phá, loại yên ổn gia cang, loại tấn tài, tấn lộc …. Cử tọa ùn ùn kéo lên khán đài xin bùa và thánh thi. Các Ngài có thiên trách làm việc với: ba tòa quan lớn, tối cao pháp viện tại dinh Thánh Mẫu.  Ðêm đêm thường đi nhậu nhẹt với Thần Tài, Thổ Ðịa.  Rất có thế lực. Có khả năng trục xuất tức khắc những hồn ma bóng quế u ơ, lạng quạng cư ngụ bất hợp pháp. Một khi bùa đã đốt, kiếm gỗ vung lên là oan hồn chết tan như xác pháo. Bỗng pháp sư lên cơn đau tim xây xẩm và choáng váng.
Tâm nghiệp hành làm cho tâm bệnh Ngài càng lúc càng trầm trọng. Ðang lúc tang gia bối rối chợt một vị Thiên thần cánh dài trắng muốt từ trên mây cao bay xuống đưa cho thượng tọa một điện tín.  Ðại đức lật đật mở ra coi:
CÔNG ÐIỆN HỎA TỐC
Nơi gởi : Văn phòng Quan Âm Ðại Sĩ
Nơi nhận : Thiền sư Sanyo
Thông Báo : Phán quan tầng địa ngục thứ 9
Hiền thê lâm trọng bệnh. Gia Cang bất an. Truyền khẩn cấp về tận độ cho tròn nhân đạo. Trái lệnh sẽ bị nghiêm phạt.
Ký tên và đống dấu : Chánh văn phòng Quan Thế Âm Bồ Tát.
Chúng đệ tử phải dìu pháp sư lên xe mây đưa về y quán tại Ðại La Thiên khẩn cấp cứu chữa. Còn phần đại đức “Ngài” hốt hoảng phóng lên một cụm mây trắng bay về cố hương.  Bá tánh bùi ngùi xót thương. Các Ngài đã phụng sự chúng sinh đến quên bản thân và gia cang mình để hành thiên đạo. Thành ra không còn thì giờ lo việc nhân đạo nhỏ nhoi, thấp hèn và việc nghiên cứu y dược chữa tâm bệnh chính mình.
Thật là những vị có đức độ từ bi, cứu nhân, độ thế vị chúng vong thân. Cả thẩy sụt sùi rơi lệ.

Vị thứ 8

 
8/ Từ trên chín từng mây xanh bỗng có một vị cỡi búa, tay phải cầm một vật trông từa tựa như con dao, tay trái cầm pháp kỳ. Cán búa xịt lửa như hỏa tiễn  rồi lao thẳng xuống trần gian bay lượn nhiều vòng trên đầu đại chúng để thị oai. Vì búa đầu nặng đuôi nhẹ nên thế bay hơi tròng trành, gục gặc. Sau lưng Ngài đeo một bình ắc qui, hai sợi giây điện nối vào tim.  Ðồ chúng hết hồn cắn răng, co lưỡi niệm Phật trước mỗi vòng bay. Chỉ sợ: nói dại, đổ xuống sông, xuống biển lỡ búa hết xăng rớt xuống khán đài.  Hai mắt mở trừng giống như một người chết oan trông thật là hùng dũng. Ngài xưng là Bố và gọi đại chúng là các con. Nói toàn tiếng “Ðức”. Sắc phục giản dị, bình dân giống như một vị thiến heo. Thì ra vật “Ngài” cầm ở tay phải là con dao thiến heo. Lớn tiếng dọa: hễ đứa nào còn lải nhải nói pháp là Ngài thiến luôn. Tất cả hội trường im phăng phắc niệm Phật vì sợ mất phương tiện luyện đạo: tinh hóa khí, khí hóa thần, thần hoàn hư thì làm sao tam huê tụ đỉnh, ngũ khí triều nguyên mà về hư không đại định được.
Sau đây là bài thuyết pháp:
 “Các con phải cấm khẩu nghe Cha răn dậy về phép luyện đạo, mở tâm để trở về tâm không. Tâm không hay không tâm cũng đếch có khác nhau con chó gì! vì đều là không cả. Chữ không để trước hay để sau chữ tâm là thế thuận nghịch, một kiểu chơi chữ của mấy thằng đi học chứ có con mẹ gì đâu. Thuận nghịch, thiện ác, thanh trược đều là Thượng Ðế tức Cha đây.  Ðứa nào lộn xộn bố thiến luôn. Chân lý là cái lý di chuyển của bước chân đi, nghe chưa?  Ði kiểu nào cũng là đi: con cua đi ngang, con cá đi bằng vây và đuôi ; đến như con lươn, con giun làm cóc gì có chân mà cũng đi được! Các con người trần tim thịt nên ngu dốt bỏ mẹ. Muốn mở tâm thì mổ cha nó ra, mổ một lần không mở, ông tiếp tục mổ nữa. Nếu còn ương ngạnh không chịu mở, ông cắt vứt bà nó đi thay bằng tim lát tíc (plastic). Ð.M! Có thế mà cũng không hiểu gì ráo trọi “.
Ðồ chúng ghé tai nhau thì thầm: “Nghe nói, tiền kiếp Cha tu ở Chùa Cầu Muối Sàigòn, bị bệnh đau tim nên mổ nhiều lần. Sau cùng phải thay bằng tim plastic ”. 
Là Cha có khác, muốn nói ngang, nói dọc, nói ngược, nói suôi cũng ra chân lý tròn đầy.
Thời pháp thật hay. Cha dùng toàn danh từ bình dân khu Cầu Muối, kể cả chửi thề mà vẫn diễn đạt được những chân lý cao xa, phiếu diều và vô cùng siêu diệu!
Từ đó mọi người kinh sợ và xưng tụng Ngài là: CHA KHÔNG TÂM .
Ðón đọc kỳ tiếp:
 Bốn vị anh hùng cuối cùng, xuất đầu lộ diện cho đủ bộ Thập Nhị Sứ Quân và trận đồ chiêu hiền của Ðại Sư Thích Ba Phải.

HỒI 4

Sáu cửa sinh, quần hùng hỗn chiến
Nẻo đi về, phừng phực lửa Thiên.
Vì lý do thiên cơ thay đổ liền liền. Ðại sư Thích Ba Phải sắp qui ẩn. Chùa Càn Khôn mịt mù khói lửa. Anh hùng, hào kiệt mọc lên như nấm. Ðạo sử đã tới một khúc quanh. Hồi 4 như đã giới thiệu ở số báo trước đành phải đổi lại cho phù hợp với thiên cơ.
Cha Không Tâm Nam chinh, Bắc phạt,
Các sứ quân cởi giáp qui hàng.
Cha mặc chiến bào bằng vàng, tay cầm ngự ấn bằng ngọc mầu hổ phách trông giống như một chiếc đùi gà quay.  Còn tay kia cầm bầu ngự tửu. Cận vệ tướng quân hùng khí như Trương Phi. Một tay cầm siêu, một tay cầm soái kỳ cho Cha. Mình khoác áo da beo, cỡi trên lưng thần ngưu hộ gía. Soái kỳ ghi hàng chữ: ” NHẤT ÁNH ÐẠI LINH QUANG HỘI NHẬP TẮC BIẾN KIM THÂN KHÔNG TÂM CHI PHỤ ” Búa và thần ngưu bay vèo vèo trên không trung đi Bắc phạt. Tuyến đầu là các thần cốc. Trần phương trượng đặt soái phủ tại trung ương cốc cùng hội đàm với các vị kỳ mục tìm cách đối phó. Năm cốc khác của các tăng ni xếp theo hình ngũ giác đài vây chung quanh. Trận đồ dàn theo thế Lục Tự. Ðiển quang tung lên như đốt pháo bông che chở cho sáu thần cốc. Ðông Âm đạo sĩ ngạo nghễ ngồi rung đùi vuốt râu, tay cầm sợi xích sắt liên vòng trấn tại cửa tam quan. Cha cỡi búa vận thần lực định húc què chân ngựa của đạo sĩ bằng chiêu Mạt lộ vong thân chí mạng chi thế. Ðạo sĩ nuốt hận dẫn đám tàn quân cùng với tả, hữu tướng quân là Lục Văn Căn và Lục Văn Trần đi lập chiến khu tại núi Tự Tin trong rừng Tự Chủ. Trên đường vong quốc, gió heo may trở lạnh. Ngài thò tay vào trong bọc lấy chiếc áo dòng đen ngụy trang, trương cờ thập tự giá nhằm hướng giáo đường tạm dung thân.  Thật là trời cao lại còn có trời cao hơn.
Cha thừa thắng húc búa vào soái cốc. Cửa thành mở toang. Trần phương trượng cởi giáp, tự trói xin qui hàng. Cha truyền giết heo khao quân. Phương trượng thét tăng ni xuống núi mua về. Ngài dùng gươm Tình Thương cạo lông heo, mở tàng thất lấy kinh điển, tràng hạt và mõ làm củi quay heo để tỏ lòng thần phục. Lần đầu tiên trong đạo sử khói hương trầm quyện với mùi heo quay thơm phức. Phương trượng đã nuôi dưỡng ý chí xây dựng nên một cổ tự nguy nga, độc lập ; có ngờ đâu sự độc tài thường nhật đã bị khống chế bởi một kẻ độc tài hơn.  Trong ngày lễ khao quân, Cha ngồi trên ngai vàng tại chính điện. Bên tả có cận vệ tướng quân. Bên hữu có thiền sư Sanyo, đã qui hàng và được tấn phong Trưởng giáo của Tam giáo tòa.
Như say men chiến thắng, Cha thừa thế chinh Nam chiếm Nhị Không cổ tự. Tại đây trụ trì theo thể tam đầu chế. Hai vị đã trần vai áo qui hàng. Ðệ tam phương trượng vốn giòng dõi tôn thất nhà Nguyễn, pháp danh Thái Hòa Hưng Ðạo, không chịu khuất phục, nửa đêm bỏ chùa đi vào rừng.
Hung tín bay thật nhanh về phương Nam. Lưu cư sĩ mặt cắt không còn một hột máu, hồn xiêu, phách lạc. Ngài lập một đàn tràng ngay giữa sân Hồng Bích Ðại Kiên Bảo Tự cúng sao giải hạn vào 12 giờ khuya. Mình mặc áo tế, chân đi hia, ngước nhìn lên bầu trời: phối hợp thiên văn với tử vi bói dịch đệ xin thiêng liêng quyết định giùm việc quan cơ. Thánh dậy rằng: “Sao Không Tâm là một hung tinh đắc địa, phát dã như lôi, ngời sáng ở phương Nam; điềm này có Kim thân Thánh Ðế ra đời. Kẻ thượng trí nên nắm lấy thời cơ, phò minh quân diệt hết anh hùng trong thiên hạ thì dựng nghiệp bá dễ như trở bàn tay. Chiến quốc hiện đang ở thế chân vạc. Tương kế, tựu kế dùng sức búa của Minh Vương đập gẫy hai chân kia thì đương nhiên tọa hưởng kỳ thành. Dụng mưu thần mà bình thiên hạ. Ngôi tổ mộ đã phát. Bắt chước như Tào A Man làm thừa tướng nhưng đắc nhân tâm và có thực quyền. Sao Hưng Thái và Lâm Ngọc ở phương Bắc có thể sẽ lu mờ vì bị tuần, triệt án ngữ. Nhóm sao Vô Minh đã “băng” ra khỏi sa bàn của chùa Càn Khôn mô hình, vượt Nam Hải và đã tìm thấy Chùa Càn Khôn thực. Ðang khai pháp. Ðám này vô hại vì đã ra khỏi tầm tay và vùng hoạt động. Phương Nam chỉ còn sao Diễm Văn là đáng ngại. Sao này nằm trong chòm sao Trường Kiên. Sau bao đổi thay của thái dương hệ không chịu tắt quang năng. Muốn tru diệt tất phải dùng thế Quần hồ địch nhất hổ. Ðể trở thành một tuyệt chiêu phải phối hợp với sao Khốc Lệ. Như vậy là bất chiến tự nhiên thành. Còn kỳ dư, thiên cơ không thể nói hết được. Ta ban cho con thanh Tần Thủy Hoàng đệ nhất danh kiếm để vệ đạo. Kẻ nào trái ý cứ việc tuốt ra khỏi vỏ, chém cho ngọt và đẹp là muôn việc đắc thành như sở nguyện “.
Lưu cư sĩ cả mừng. Ngài lập một đàn Nam Giao, quay mặt về phương Bắc quì lậy và phò Không Tâm làm Thần Tú Ðại Hoàng Ðế. Truyền trưng tập hết các thợ may trong lãnh địa để may cờ trắng đầu hàng, cắm dọc theo đường đi. Trải cả ngàn dặm bằng thảm nhung đỏ để đón thiên sứ và thánh chỉ. Bỗng từ xa Không Tâm đại đế cỡi búa đi giữa. Bên tả có cận vệ tướng quân ngồi trên mình thần ngưu. Bên hữu có thiền sư Sanyo đứng trên khóm mây, vai vác một rương bùa hộ gía. Lưu cư sĩ mình mặc áo gai màu trắng, chân đi dất, quì mọp để đón Thánh Chúa giáng lâm. Hai tay dâng hộp sắc sơn son, thép vàng trong đựng bản đồ lãnh địa với chùa Hồng Bích Ðại Kiên, các tầng thất và trọn bộ cơ sở hữu vi để làm bằng cho sự thần phục. Không Tâm sắc phong cho Ngài là Lưu thừa tướng. Truyền khai triều đem văn, võ bá quan ra lạy chào. Ðại Vương ngồi trên ngai vàng tại chính điện. Giờ khai triều đã điểm. Hoàng cung vắng tanh chỉ có một mình Lưu thừa tướng khép nép đứng hầu. Vương nổi giận đùng đùng, gõ búa xuống bàn rầm rầm.
Không Tâm:
– Ðệ nhất võ phẩm tướng quân đâu?!
Lưu thừa tướng:
– Thưa, hạ thần.
Không Tâm:
– Ðệ nhất văn phẩm đại học sĩ đâu?!
Lưu thừa tướng:
– Thưa, cũng hạ thần.
Không Tâm (trợn mắt):
– Tứ trụ triều đình, các vị Hàn lâm tại cơ mật viện đâu?!
Lưu thừa tướng:
– Thưa, cũng lại hạ thần.
Không Tâm (cười ha hả):
– Khá khen thay cho khanh, vua tôi mình đồng tánh. Không thể tin ai được. Hào kiệt như sao buổi sáng, nhân tài như lá mùa thu. Ngoài trẫm và khanh không ai có khả năng gánh vác. Tuy nhiên trẫm khuyên khanh nên nhờ thợ mã làm một số hình nhân cho mặc triều phục để cho có tụ, che mắt chư hầu.
Lưu thừa tướng:
– Dạ thưa, đã có làm rồi.
Không Tâm (khoái chí) quên mình đang đóng vai Thiên Tử, nên ngôn từ đượm vẻ buông thả tự nhiên:
– Thằng này giỏi quá! dùng hạ sách mà đạt truyệt chiêu. Tao cho mày thanh Chí mạng siêu thủ đoạn linh kiếm. Có quyền tiền trảm, hậu tấu. Hành đạo phải độc tài, đứa nào chống đối và không tin cứ việc chém văng mạng rồi đem chôn mẹ nó đi là xong, nghe chưa?
Lưu thừa tướng (vui mừng, khấu đầu tạ ơn) rồi hô lớn:
– Khâm chỉ.
Các sứ quân lần lược qui hàng vô điều kiện. Có kẻ ra đi không hẹn ngày về.
Có người vẫn lẳng lặng đơn thương, độc mã hành đạo. Có kẻ mài gươm dưới trăng. Nhưng ý dân là ý trời. Dân muốn là trời muốn. Có cầu tất có cung. Thần Tú Ðại Ðế đăng đàn thuyết giảng thời pháp: Di Hàng Chi Cua rất hay. Khi đi ngang, lúc đi dọc. Bước tới, bước lui. Có lúc lại dơ hai càng lên như đe dọa. Ðồ chúng thì thầm:
- Thời pháp thật siêu diệu, thượng vàng, hạ cám trong thế lòng vòng đi như không đi. Khai mà thành đóng. Trắng hóa ra đen. Thần thông biến hóa. Lúc thì dọa nạt như chớp bể, mưa nguồn, khi thì ngọt ngào như đường như mật.
Ðại sư Thích Ba Phải đã lo xong nhiệm vụ: Cơ đồ Vô Vi và Hữu Vi đã có người thừa kế. Ngài chỉ còn chờ phần hữu vi được yên ổn, nơi nơi hòa bình, đầu phục người kế vị thì Ngài mới qui ẩn.
Hậu thân Huệ Năng là Cô Ba cầu tiêu cũng đã trình lên Ðại sư khả năng gánh vác của mình. Lẳng lặng ra khỏi vườn ương cây, vác bồ hạt giống Tâm Pháp Trường Sinh đi khai pháp tại chùa Càn Khôn có núi cao, biển rộng, sông dài. Nhường lại cho Thần Tú cái sa bàn chùa.
Trăng tròn thì sẽ khuyết, lá rụng về cội. Sóng sau trùm sóng trước. Một suối đổ về trăm sông nhưng cuối cùng cũng đều hội nhập vào biển Ðại Ðồng.
° Ðến đây thì Chùa Càn Khôn do đại sư huynh viết đã chấm dứt và sau đó vì thời cuộc đảo điên nên trường thiên đạo sử tiểu thuyết này đã biến dạng thành những bài viết mang tên khác.
 

Một chuyến đi xa

 
Trong sự bất ngờ tui sắp có một chuyến đi xa. Ðêm qua tui thiền xuất hồn về đãnh lễ Thầy để được nghe dạy việc. Thầy dặn dò xong thì kêu tui qua cái cầu trước mặt vì có người muốn gặp.
Tui từ giả Thầy lần về phía cây cầu gổ, phong cảnh hai bên ngàn hoa khoe sắc. Tui mãi mê ngắm mà qua đến bên kia cầu lúc nào không hay. Chợt nhận thấy có người đang đứng nhìn tui với một nụ cười rạng rở, tui nhận ra ngay là Ðại sư huynh của mình. Lúc này không phải gìa nua, bệnh hoạn như lần cuối tui gặp khi còn sinh thời.  Mặt mài hồng hào đỏ đắn, tướng pháp thay đổi toàn diện.  Nếu không vì ý tui biết và nhận ra thì không thể cho người này là người anh kết nghĩa của tui được. Dáng dấp không còn nhỏ thó, mặt không còn thon gầy, mắt không láo liên,  mà ở nơi người này tỏa ra một cái gì dũng cảm, từ bi và đại trượng phu. Tui còn nhớ lúc sinh tiền Ðại sư huynh tui rất muốn làm đại trượng phu. Cho đến khi gần chết mà anh cũng không thể không làm một việc gì đó nói lên cái nghiã khí hùng hồn của một quân tử.
Tui vui mừng lướt tới. Hai anh em ôm chầm lấy nhau, bỏ mọi nghi lễ rườm rà nếu phải có. Anh cười ha hả nói:
Kỳ này anh em mình lại có một chuyến du hành với nhau, anh được lệnh tháp tùng cùng em đi đây đó.
Xong anh nói:
Nhờ em đánh máy lại “Chùa Càn Khôn”,  anh lại có dịp được nhớ tới. Tình đồng đạo của bao người đã dành cho anh làm anh rất cảm động. Mong em chuyển lời cám ơn của anh đến họ.
Hồn qui về xác mà tui còn nghe văng vẳng bài thơ “Quang Minh Chính Ðạicủa đại sư huynh tui làm:
Khi không muốn thì nói là không muốn,
Chẳng rụt rè bởi lẽ hay vã chăng,
Lòng ao ước là cây tùng thẳng đứng,
Vút trời cao và chán phận cát đằng.
Chuyển màn đêm tăm tối,
Ngời ánh sáng sao băng,
Hóa thân từ hang động,
Vùn vụt cánh chim bằng,
Ðè mây, lướt gió,
Sáng rực tâm đăng,
Ngút ngàn chính khí,
Tâm linh siêu thăng,
Bay về đâu?! Trong không gian vô tận,
Ngự về đâu?!  Hàng ức triệu tinh cầu,
Xa mặt đất giữa muôn trùng cao rộng,
Hội kim thân vào nhất thức nhiệm mầu.
Vô trụ, vô đắc, vô cầu,
Là nguồn sinh lực đứng đầu càn khôn.
Gồm thâu thiện ác,
Sống động siêu minh,
Không tên, không tuổi,
không tướng, không hình,
Uy nghi hướng độ,
Càn khôn sinh linh.
Vào diệu hữu, trời long, đất lở
Ra diệu không vắng lặng vô tình ….
……………………………………………
Chân nhân tự kiến tánh mình
Hồi quang phản chiếu cái hình phù du
Xác thân tạm bợ, lao tù
Vọng tâm, loạn ý, dị thù dựng xây.
Hồi âm êm ả như mây,
Gió đưa mặc gió làm cây giữa rừng ….
……………………………………………………………..
Mở nắp hồ lô,
Thu về bửu bối,
Tay ôm bụng cười,
Dẹp tan tâm bệnh rối bời,
Ðể xin chỉ  được làm người vô danh.
 
 

HẠ MÀN

 
Ðến đây blog Coivohinh xin được hạ màn.
Trong suốt cả một cuộc đời của tui chỉ như nhiều vở tuồng nối tiếp, kéo màn rồi lại hạ màn. Diễn viên cởi bỏ xiêm y ra góc đường ngồi chòm hỏm ăn bát cháo hoa nóng, xì xụp húp lấy húp để tận hưởng cái hương vị thơm tho của gạo nếp và nếu may lắm có được vài đồng xu thì mua thêm tí dưa mắm hay một chút chà bông để rồi lua nó vào miệng nuốt nó với cháo là thấy cuộc đời chỉ có vậy là thú vị nhất.
Phải nhìn kỷ lắm thì người ta mới nhận diện ra cô đào già ngồi thu lu bên gánh cháo còn không thì chỉ thấy một bà cụ lom khom vừa thổi vừa húp mà thôi. Ánh sáng loe loét tỏa ra từ ngọn đèn dầu của cô bán hàng rong chỉ soi được có một phần gương mặt đã nhăn nheo nhưng mãn nguyện của bà lão.  Thế là đêm nay về cụ bà sẽ ngũ một giấc ngon, bụng đã ấm, tuồng đã đóng, nợ nần gì nữa để mà trả lại cho đời?!?!?!
Liêu xiêu ngã bóng bên đường, cố dõi mắt theo thì rồi cụ cũng đã mất hút còn đâu!!??
 

Xem Tiếp: ----