rong các bạn liệu có được nhiều người đã may mắn tìm hiểu tường tận sát một con vật hoang dã nào đó hay không? Tôi không hỏi về những cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên với loài vật và cũng không hỏi về những con vật nhốt trong chuồng. Tôi hỏi xem các bạn có biết một con vật nào đó sống tự do suốt một thời gian dài hay không. Thường thường ta khó có thể phân biệt một con vật với các đồng loại của nó. Con cáo nào và con quạ nào cũng giống những con cáo khác và những con quạ khác đến nỗi thật khó lòng quyết đoán được là ta đang gặp đúng cùng một con cáo hoặc cùng một con quạ hay không. Nhưng thường có một con vật nào đó hơn hẳn các đồng loại của nó về sức lực và trí thông minh. Nó trở thành con đầu đàn. Chúng ta có thể gọi nó là bậc thiên tài. Nếu nó lớn hơn những con khác thì con người có thể nhận biết được nó căn cứ theo những dấu hiệu nào đó và nó sẽ nhanh chóng trở thành nổi tiếng trong xứ sở của mình. Trong số những con vật hoang dã xuất sắc đó có: con sói cộc đuôi Courtrand đã gieo rắc hãi hùng trong suốt gần mười năm cho toàn thành phố Paris hồi đầu thế kỉ XIV; con gấu xám thọt Clubfoot qua hai năm đã làm khánh kiệt tất cả những người nuôi lợn ở vùng thượng nguồn sông Sacramento và buộc một nửa số chủ trang trại tại đây phải ngừng kinh doanh; con sói Lobo ở New Mexico mỗi ngày giết chết một con bò trong suốt năm năm liền, và cuối cùng là con báo Soehnee đã giết chết khoảng ba trăm người trong gần hai năm trời. Sau đây tôi xin kể vắn tắt câu chuyện về con quạ Chấm Bạc, một nhân vật cũng nổi tiếng như thế. Chấm Bạc là một con quạ già thông thái. Nó có tên gọi như vậy là do ở khoảng giữa mắt bên phải và mỏ của nó có một vệt lông màu trắng bạc tròn tròn bằng đồng xu. Nhờ vệt lông ấy tôi mới phân biệt được nó với những con quạ khác và biết được một số mẩu chuyện về nó. Ta cần biết quạ là giống chim thông minh nhất của chúng ta. Không phải ngẫu nhiên mà có câu ngạn ngữ: "Thông thái như quạ". Quạ biết rõ, kỉ luật có tầm quan trọng to lớn như thế nào, và chúng được rèn luyện về kỉ luật chẳng thua gì binh sĩ. Những con quạ đầu đàn phải là những con già nhất và thông minh nhất trong đàn, đồng thời còn phải là những con khỏe nhất và can đảm nhất để bất kì lúc nào cũng khuất phục được một con thích nổi bật hoặc một con nổi loạn nào đó. Tất cả những con khác trong bầy đều là những con quạ trẻ và sàn sàn nhau, không có năng lực đặc biệt gì. Chấm Bạc là thủ lãnh của một đàn quạ lớn, chọn nơi cư trú là ngọn đồi thông Castle Frank ở gần thành phố Toronto. Đàn của nó gồm chừng hai trăm con. Khi mùa đông không quá rét lũ quạ ở lại bên bờ thác Niagara, còn khi gặp mùa đông thời tiết khắc nghiệt hơn thì chúng bay xa về phương nam. Nhưng hằng năm cứ đến tuần lễ cuối cùng của tháng Hai là Chấm Bạc lại tụ tập đàn và dũng cảm dẫn chúng bay vượt chặng đường bốn mươi dặm trên mặt nước ngăn cách Toronto với thác Niagara. Nhưng nó chưa bao giờ bay theo đường thẳng mà luôn luôn bay vòng về hướng tây để không bị mất hút ngọn núi Dundas được coi như một cái mốc, cho đến khi trông thấy ngọn đồi thông quen thuộc. Năm nào nó cũng cùng với đàn bay đến ngọn đồi ấy và sống ở đó khoảng sáu tuần. Sáng nào lũ quạ cũng chia làm ba đội và bay đi kiếm ăn. Một đội bay về hướng nam, đến vịnh Ashbridge, đội thứ hai bay về hướng bắc, đến sông Don, còn đội thứ ba lớn nhất thì bay về hướng tây bắc. Chấm Bạc cầm đầu đội thứ ba này. Tôi không biết những con nào cầm đầu hai đội kia. Nếu buổi sáng trời yên gió thì lũ quạ bốc thẳng lên cao ngay và bay đi. Còn nếu trời có gió thì chúng bay thấp, lợi dụng cái khe mương để tránh gió. Cửa sổ nhà tôi nhìn thẳng ra cái khe đó, do đó năm 1885 lần đầu tiên tôi để ý đến con quạ đầu đàn này. Bản thân tôi mới tới vùng này trước đây không lâu, nhưng một người dân sống lâu tại đây đã trỏ đàn quạ mà bảo tôi rằng: - Thế là đã hơn hai mươi năm nay, con quạ già này lại bay trên khe mương đúng vào thời kì này hằng năm. Chấm Bạc bao giờ cũng bay theo con đường cũ, mặc dù dọc theo khe mương đã có nhiều nhà được xây dựng và cây miên liễu đã mọc lan qua cả khe mương, và điều này đã làm cho tôi nhanh chóng chú ý đến nó. Vào tháng Ba và nửa đầu tháng Tư mỗi ngày nó bay qua trước mắt tôi một lần; còn đến cuối mùa hè và đầu mùa thu thì mỗi ngày tôi trông thấy nó hai lần. Tôi theo dõi mọi cử động của nó và lắng nghe nó ra lệnh cho những con quạ dưới quyền. Dần đần tôi hiểu rằng lũ quạ rất thông minh, chúng có ngôn ngữ riêng và có chế độ xã hội giống với chế độ của con người một cách đáng kinh ngạc. Một lần tôi đứng trên một chiếc cầu cao bắc ngang qua khe mương. Trời có gió và tôi trông thấy con quạ già đang dẫn đầu bầy đàn của nó bay trở về. Khi chúng còn cách xa khoảng nửa dặm tôi đã nghe thấy tiếng kêu hài lòng, có nghĩa là: "Mọi việc đều tốt đẹp, hãy bay tiếp đi!" "Quạ... quạ!" - Chấm Bạc kêu vang, và con quạ phụ tá của nó bay ở cuối đàn nhắc lại. Chúng bay thấp bởi vì gió thổi mạnh ngược chiều. Nhưng cây cầu mà tôi đang đứng buộc chúng phải bay lên cao. Chấm Bạc nhìn thấy tôi, và nó không thích tôi chăm chú quan sát nó. Nó bay chậm lại và kêu lên: "Qu...ạ!", có nghĩa là "Hãy coi chừng."' - và bay lên cao hơn ngay lập tức. Nhưng sau khi nó nhận thấy tôi không có khí giới trong tay thì nó bay ngay trên đầu tôi, và những con quạ khác cũng làm theo nó. Vượt qua khỏi cây cầu, đàn quạ lại hạ thấp độ cao như lúc trước. Ngày hôm sau tôi lại đến cây cầu hôm trước và đứng đó. Khi lũ quạ đến gần tôi giơ cái gậy lên làm ra vẻ nhắm bắn chúng. Con quạ già cầm đầu kêu ngay lập tức: "Nguy hiểm!" - "Quạ!" - và bay vút lên cao. Nhưng sau khi khẳng định rằng vật tôi cầm trong tay không phải là cây súng thì nó đánh bạo bay tiếp. Nhưng đến ngày thứ ba tôi đứng trên cầu với cây súng thực thụ trong tay thì Chấm Bạc lại kêu: "Nguy hiểm lắm! Súng!" - "Quạ-quạ-quạ-quạ… quạ!" Con quạ phụ tá của nó nhắc lại tiếng kêu đó, và mỗi con trong đàn đều lập tức tách xa những con khác và bay lên cao cho tới lúc ra ngoài tầm bắn. Sau khi bay ra ngoài khu vực nguy hiểm, lũ quạ lại hạ xuống thấp, dựa vào sự che chở của thung lũng, nơi mà chúng coi là an toàn. Một lần khác, khi đàn quạ đang bay thành hàng dài trên thung lũng thì một con diều hâu đuôi đỏ đáp xuống một cái cây nằm bên cạnh đường bay của chúng. Con quạ già kêu luôn: "Diều hâu! Diều hâu!" - "Quạ! Quạ!" - và bay chậm lại. Mọi con quạ khác đều làm đúng như thế và bay sát lại con đầu đàn. Cả đàn quây quần lại thành một khối. Với một khối dày đặc như thế, chúng không sợ diều hâu nữa. Nhưng bay khỏi đó một phần tư dặm chúng trông thấy một người cầm súng, thế là lại có tiếng kêu: "Cẩn thận! Súng!". Trong một thời gian dài tìm hiểu đàn quạ này tôi đã được biết nhiều tín hiệu của con quạ cầm đầu và đã học được cách phân biệt các tín hiệu đó. Tôi đã khẳng định rằng, sự khác nhau chút ít trong sắc thái âm thanh thường biểu lộ sự khác biệt rõ rệt về ý nghĩa. Chẳng hạn như: tiếng kêu trong trường hợp này có nghĩa là thông báo sự xuất hiện con diều hâu hoặc một con chim dữ nguy hiểm nào đó, nhưng trong trường hợp khác lại có nghĩa là: bay vòng lại!". Rõ ràng là có sự lẫn lộn giữa hai tín hiệu: một tín hiệu có nghĩa là sự nguy hiểm, còn một tín hiệu lại có nghĩa là hành động. Còn tiếng kêu đơn giản "Quạ, quạ!" hơi cao giọng hơn một chút thì có nghĩa là: "Xin chào!" khi gặp một con quạ trong bầy đàn bay ngang qua. Nhưng có một tiếng kêu thường hướng vào cả đàn thì lại có nghĩa là: "Chú ý!". Trong những ngày đầu tháng Tư lũ quạ rất nháo nhác. Đáng lẽ chúng đi kiếm ăn từ sáng tới tối thì lại tụ tập suất ngày trên những cây thông. Chốc chốc chúng lại rượt đuổi nhau từng hai hoặc ba con một và bố trí như là thi bay vậy. Trò giải trí ưa thích nhất đối với chúng là từ trên cao nhào xuống về phía một con quạ nào đó đang đỗ trên một cành cây, và khi chỉ còn cách con này một đường tơ sợi tóc thì nó đột ngột quay ngoắt lên và bay vút lên thật nhanh đến mức nghe thấy tiếng vỗ cánh rào rào như tiếng sấm rền vọng lại từ xa vậy. Lần khác lại có một con quạ xù hết cả lông ra, đầu cúi thấp, bay lại gần một con quạ khác mà cất giọng gù gù kéo dài: "Qu-u-u-a". Nhưng tiếng kêu đó có nghĩa là gì? Chẳng bao lâu tôi đã biết rõ chuyện. Đó là thời kì các con trống tán tỉnh các con mái. Các con quạ trống khoe sức mạnh của đôi cánh và tiếng kêu. Và chắc chắn tài năng đem phô diễn của chúng đã được đánh giá một cách xứng đáng bởi vì đến giữa tháng Tư thì tất cả lũ quạ đều đã phân chia thành đôi và bay đi khắp bốn phương. Những cây thông già sẫm màu đều vắng bóng lũ quạ. II Đồi củ cải đường đứng chơ vơ trong thung lũng sông Don. Đồi phủ đầy cây mọc thành rừng nối với những cánh rừng của đồng Castle Frank. Trong khu rừng nằm giữa hai ngọn đồi này có một cây thông cao mà ở trên ngọn cây đó có một cái tổ diều hâu bỏ không. Mỗi cậu học trò ở Toronto đều biết rõ cái tổ chim đó, nhưng chẳng ai từng thấy một sinh vật nào ở gần cái tổ đó cả. Chỉ có mỗi một lần tôi bắn được một con sóc đen ở bên cạnh tổ chim đó. Cái tổ ấy cứ còn ở đấy như thế hết năm này đến năm khác, cũ kĩ, rách nát, hoang phế. Nhưng cũng thật là kì lạ, cái tổ chim ấy không bị rơi hẳn xuống dưới. Một buổi sáng tháng Năm, trời vừa hửng sáng tôi đã ra khỏi nhà và đi dạo bình thản trong rừng. Những chiếc lá úa vàng phủ trên mặt đất bị ẩm ướt đến độ không còn xào xạc kêu trên mỗi bước đi. Tôi đi ngang qua bên dưới cái tổ cũ kĩ và ngạc nhiên nhận thấy rằng có một cái đuôi chim đen nhánh thò ra khỏi mép tổ. Tôi đập mạnh vào thân cây và một con quạ liền bay ngay ra khỏi tổ. Bí mật thế là đã được khám phá. Từ lâu tôi vẫn nghĩ rằng thế nào cũng có một đôi quạ nào đó đến làm tổ ở những cây thông này, nhưng bây giờ tôi đã biết chắc rằng đó là con Chấm Bạc cùng với bạn đời của nó. Chúng chiếm cái tổ cũ này, nhưng lại khôn ngoan đến độ không làm thay đổi nó và nó không có dáng của một cái tổ có chim đến ở vào mỗi độ xuân về. Chúng đã sống tuyệt đối an toàn tại đây rất lâu, mặc dầu ngày nào cũng có những người đàn ông và trẻ con mang súng đi ngang dưới cái tổ chim đó và khát khao bắn hạ lũ quạ. Nhưng cả tôi cũng không bất chợt bắt gặp được con quạ già thêm nữa, tuy tôi đã nhiều lần dùng ống nhòm theo dõi nó. Một lần quan sát theo thường lệ, tôi trông thấy một con quạ bay ngang qua thung lũng sông Don. Nó ngậm một vật gì trăng trắng ở mỏ, và bay theo hướng cửa suối Rosedale, rồi sau ngoặt về hướng một cây du lớn. Tại đây con quạ nhả cái vật trăng trắng ở mỏ ra và nhìn quanh quất khiến tôi nhận ra được nó là con Chấm Bạc. Một phút sau nó dùng mỏ cặp món đồ của nó lên - đó là một cái vỏ ốc và sau khi đi ngang qua con suối giữa đám cỏ đồng lầy nó đến một chỗ rồi bới từ dưới đất lên một đống vỏ ốc và hòn sỏi trắng lấp lánh. Nó bầy những vật này ra ngoài nắng, dùng mỏ lật đi lật lại, cặp lên từng vật rồi lại thả xuống đất, nằm lên chúng như là ấp trứng, rồi lại chơi đùa với chúng và nhìn chúng hau háu như một kẻ keo kiệt vậy. Đó là sự đam mê của nó, một điểm yếu của nó. Dĩ nhiên nó không thể giải thích được tại sao nó thích thú những thứ đó, cũng giống như một cậu học trò không thể giải thích được tại sao lại thích sưu tập những con tem, hoặc một cô gái tại sao ưa thích ngọc lam hơn ngọc đỏ. Nhưng dù thế nào thì sự thỏa mãn mà nó biểu lộ lúc đó cũng thật là chân thành. Nó chơi với những thứ đó chừng nửa giờ rồi lại lấy đất và lá cây cất giấu kho báu của nó và bay đi. Tôi lập tức đến ngay nơi đó và xem kĩ những vật cất giấu của nó. Nó đã giấu một đống sỏi trắng, những vỏ ốc và những mẩu sắt tây. Nhưng trong đó có cả một mảnh đĩa sứ vỡ - chắc hẳn đây là thứ của quý chủ yếu trong bộ sưu tập của nó. Nhưng về sau tôi không còn được trông thấy cái kho tàng đó nữa. Con Chấm Bạc không hiểu sao biết tôi đã thấy những vật đó và nó liền chuyển ngay chúng đi nơi khác. Tôi cũng không rõ là nó chuyển đi đâu nữa. Trong thời gian tôi quan sát Chấm Bạc, nó đã trải qua nhiều cuộc mạo hiểm và đã nhiều lần thoát nạn. Một lần tôi thấy một con diều hâu đuổi theo nó (và nó đã trốn thoát). Lũ thỏ rừng làm cho nó rất bực mình. Không phải chúng làm hại gì nó, nhưng chúng thường ồn ào và hay quấy rầy đến nỗi bao giờ nó cũng tránh mặt chúng càng nhanh càng tốt. Chẳng khác gì người lớn thường né tránh đám trẻ con ồn ào và thiếu giáo dục vậy. Nó có một số thói quen được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Chẳng hạn như sáng nào nó cũng đến thăm tổ của những con chim nhỏ và ăn những cái trứng lấy được. Nó làm công việc này một cách khéo léo y như những ông bác sĩ hằng ngày đi thăm bệnh nhân vậy. Tuy thế chúng ta không thể phê phán nó trong chuyện này được bởi vì chúng ta cũng hành động như vậy với những con gà mái ở trong chuồng gà của ta. Tôi thường ngạc nhiên về sự nhanh trí của nó. Một lần tôi thấy nó bay lên trên khe mương, mỏ ngậm một miếng bánh mì. Thời gian này ở khe mương các công nhân đang đặt một cái rãnh xây bằng gạch. Một bộ phận rãnh dài chừng hai trăm yard được xây hoàn toàn kín. Chấm Bạc đang bay phía trên phần hở của rãnh thì đột nhiên đánh rơi miếng bánh. Miếng bánh trôi theo dòng nước và nhanh chóng khuất vào trong đường hầm ở phần rãnh kín. Con Chấm Bạc sà xuống thấp. Thoạt đầu nó nhìn một cách vô ích vào trong đường hầm và thế là trong óc nó nảy ra một ý nghĩ tuyệt vời. Nó bay tới đầu kia của đường hầm, đứng đó chờ cho dòng nước trôi xuôi mang theo miếng bánh ra khỏi đường hầm. Chấm Bạc là một con quạ may mắn một cách lạ lùng. Nó sống ở một vùng tuy đầy rẫy nguy hiểm nhưng rất đồi dào thức ăn. Năm nào nó cũng đến sống ở cái tổ chim cũ kĩ, không được sửa sang gì cả cùng với người bạn đời mà đáng tiếc là tôi không học được cách phân biệt với những con quạ khác. Ở đó chúng cho ra đời một cách thuận lợi những chú quạ con. Và khi lũ quạ lại trở lại họp đàn thì Chấm Bạc lại trở thành kẻ cầm đầu được tất cả lũ quạ công nhận. Việc họp đàn thường tiến hành vào cuối tháng Sáu. Quạ bố mẹ cùng với lũ con là những con quạ đuôi ngắn ngủn, cánh mềm mại, luôn miệng kêu chí chóe, nhưng thân hình to lớn gần bằng bố mẹ - chúng đến khu rừng thông cũ, nơi lũ quạ vừa dùng làm trường học vừa dùng là pháo đài. ở đây đám quạ non được đưa nhập vào xã hội loài quạ. Lũ quạ con đông đúc đậu trên những cành cây cao được bảo vệ chu đáo bắt đầu việc học tập. Đám quạ thanh niên được thổ lộ tất cả những điều bí mật mà mọi con quạ đều phải biết - bởi vì khác với con người, một con quạ dốt nát không có dịp bù đắp lại những thiếu sót. Nó sẽ chết. Thoạt đầu những con quạ non được làm quen với nhau, bởi vì mỗi con quạ nhất thiết phải biết tất cả những thành viên còn lại trong đàn. Bây giờ các quạ bố mẹ có thể nghỉ ngơi đôi chút sau những khó nhọc nuôi nấng và dạy dỗ con cái bởi vì quạ non đã lớn và có thể tự kiếm mồi được rồi. Sau hai tuần lễ bắt đầu đến thời kì thay lông. Trong những ngày này các con quạ già thường rất dễ tức giận và nổi nóng. Chúng tiếp tục dạy và luyện đám quạ con, những con này dĩ nhiên là không thích những sự quở mắng, trách phạt bởi vì chỉ mới đây thôi, chúng còn được quạ mẹ chăm sóc, chiều chuộng. Nhưng Chấm Bạc già là một thầy giáo xuất sắc. Đôi khi nó dường như phát biểu ý kiến trước lũ quạ con. Dĩ nhiên tôi không thể đoán được nó nói gì, nhưng cứ căn cứ vào thái độ quạ con nghe những điều nó nói thì tôi nhất định phải cho rằng đó là những lời nói cực kì khôn ngoan. Lũ quạ non không học tất cả cùng với nhau mà học theo lớp, giống như đám trẻ con trong trường học của con người: lũ quạ non ra đời trước học một lớp, còn lũ quạ non ra đời muộn hơn thì học ở lớp khác. Đến tháng Chín hiển nhiên rằng lũ quạ non ồn ào, ngốc nghếch đã nắm được những điều cơ sở của môn khoa học quạ, cặp mắt chúng đã chuyển từ màu xanh lam sang màu cánh gián sẫm đúng như mắt những con quạ trưởng thành. Chúng không còn là những đứa trẻ nít nữa, đã hiểu biết tất cả những gì mà một con quạ trưởng thành cần hiểu biết, và đã học được những quy tắc thận trọng. Chúng đã biết cây súng và các cạm bẫy, và biết phân biệt những con sâu bọ độc với những con sâu ăn được. Chúng đã biết rằng, bà vợ béo ú của ông chủ trại già đối với chúng ít nguy hiểm hơn hẳn cậu con trai mười lăm tuổi của bà ta, tuy rằng bà ta to lớn hơn cậu con nhiều, và đã biết phân biệt cậu con trai với người chị cậu bé. Chúng đã biết cái dù không phải là khẩu súng. Chúng đã học đếm được đến sáu, một việc rất tất đối với lũ quạ non như chúng, mặc dầu Chấm Bạc biết đếm đến ba mươi. Chúng cũng đã nhận ra được mùi thuốc súng và nhận biết được phía nam của làng. Rất cuộc, chúng dĩ nhiên đã lên mặt và tự coi là đã hoàn toàn trưởng thành. Khi đậu trên cành cây bao giờ chúng cũng xếp cánh ba lần để tin chắc rằng cánh mình đã được sắp xếp khéo léo. Chúng đã biết, bằng cách nào có thể bắt con cáo chia cho một nửa bữa ăn, và đã biết khi bị con chim tải cúc hoặc con bói cá tấn công thì phải mau mau lẩn tránh vào bụi cây bởi vì đánh nhau với kẻ thù nhỏ bé như chúng thì cũng khó khăn chẳng khác gì đang lúc chợ đông mà đi tìm những đứa trẻ lấy trộm táo trong giỏ của mình vậy. Lũ quạ non biết tất cả những điều đó nhưng chúng còn chưa được học cách đánh cắp trứng của những con chim khác. Chúng vẫn chưa có quan niệm về những cái vỏ ốc, chúng chưa lần nào được nếm thử mắt ngựa, chưa trông thấy những cái bắp ngô, và chưa biết gì về những chuyến du lịch giáo dục chúng được nhiều điều nhất. Tháng Chín cũng là tháng xảy ra nhiều thay đổi trong cả lũ quạ già. Thời kì thay lông đã qua. Lông mới đã mọc và chúng tự hào về bộ quần áo đẹp của mình. Sức khỏe của chúng đã được hồi phục và chúng càng thêm phấn chấn. Ngay ông giáo nghiêm khắc Chấm Bạc cũng trở nên vui vẻ, và lũ quạ con trước đây vốn đã tôn phục ông bây giờ lại càng yêu quý vị thủ lĩnh của mình. Chấm Bạc đã giáo dục chúng rất tốt, đã dạy tất cả mọi tín hiệu và mệnh lệnh, và bây giờ chỉ còn việc khoan khoái trông coi chúng mỗi buổi sáng sớm mà thôi. "Đội thứ nhất!" - vị chỉ huy già kêu to bằng ngôn ngữ quạ và đội thứ nhất om sòm lên tiếng trả lời. "Bay!" Và tất cả đội quạ đều bay về phía trước theo người cầm đầu của chúng. "Lên cao!" Đúng phút ấy tất cả đều cất cánh lên cao. "Tập hợp thành khối!" Và tất cả đã quay tròn thành một đám dày đặc. "Phân tán!" Thế là tất cả lại bay tản ra tứ phía hệt như những chiếc lá rụng cuốn tung theo chiều gió. "Xếp thành hàng!" Và lũ quạ lập tức kéo thành một hàng dọc. "Hạ cánh!" Và tất cả nhào xuống cho đến khi chạm đất. "Kiếm ăn!" Tất cả đều nhảy xuống đất và tản mát đi khắp nơi, ngoại trừ hai con quạ đứng gác thường trực: một con đậu trên cái cây mé bên phải và một con đậu trên cái gò nhỏ phía bên trái. Hai phút sau nghe vang lên tiếng kêu của Chấm Bạc, có nghĩa là: "Có người mang súng!". Những con quạ đứng gác lặp lại tiếng kêu đó, và toàn đội nhanh như chớp bay một cách tùy tiện lên cây. Sau khi đã cảm thấy an toàn chúng lại bay thành hàng dọc về phía cây thông quen thuộc của chúng. Cuối cùng đến tháng Mười Một, cả đàn bay về phương nam để làm quen với những xứ sở mới và với những thức ăn mới dưới sự lãnh đạo của con Chấm Bạc thông thái. III Quạ chỉ ngờ nghệch về ban đêm và chúng chỉ sợ có một loài chim trên đời là chim cú. Gặp chim cú về ban đêm có nghĩa là chết. Thậm chí tiếng cú rúc từ xa trong bóng đêm cũng làm cho quạ run sợ. Chúng rúc ngay đầu vào dưới cánh và ngồi yên, lắng nghe và run rẩy vì sợ hãi suốt đêm. Gặp khi trời quá lạnh đôi khi quạ bị hỏng mắt vì lạnh và mù. Bởi vì không có bệnh viện chữa cho những con quạ ốm. Khi trời bừng sáng thì lũ quạ cũng lấy lại được can đảm. Chúng phấn chấn lên, đi lùng sục khắp rừng. Khi phát hiện thấy con chim cú từng làm chúng sợ hãi vì tiếng rúc ban đêm thì hoặc là chúng xông vào giết chết, hoặc là chúng đuổi đánh đến kiệt sức suốt hai mươi dặm đường. Năm 1893 lũ quạ lại bay về ngọn đồi Castle Frank như thường lệ. Vài hôm sau nhân đi dạo chơi trong rừng tôi trông thấy ở trên tuyết có dấu vết một con thỏ đã chạy trối chết và rúc cả vào bụi cây dường như nó bị một con gì đuổi riết ở phía sau. Nhưng thật là lạ tôi không hề trông thấy dấu vết của kẻ truy đuổi. Tôi lần theo dấu vết và tìm thấy ngay trên tuyết vết máu rồi sau đó thấy những phần còn lại chưa bị ăn hết của con thú lông xám. Nhưng nó bị con nào giết? Sau một hồi tìm kiếm cẩn thận tôi phát hiện ra những dấu chân lớn hai ngón và một cái lông chim màu nâu có hoa văn trang nhã. Bí mật thế là đã được khám phá: Một con chim cú tai to! Hai ngày sau đó vào lúc bình minh tôi thấy đàn quạ bắt đầu nháo nhác. Tôi ra ngoài sớm vì muốn biết có chuyện gì đã xảy ra với lũ chim làm cho chúng xôn xao, và đã trông thấy trên tuyết có một vài cái lông chim màu đen đang bị gió thổi bay tung. Tôi đi ngược theo hướng gió để tìm xem gió mang những chiếc lông đó từ nơi nào lại và tôi đã trông thấy ngay những mẩu còn sót lại đẫm máu của một con quạ, và bên cạnh đó lại là cái vết chân hai ngón. Như vậy kẻ sát nhân lại là con chim cú. Xung quanh đó thấy rõ vết tích của một trận chiến đấu. Nhưng kẻ sát nhân hung bạo khỏe hơn hẳn con quạ bất hạnh. Nó lôi con quạ khỏi cành cây khi màn đêm làm cho con quạ mất khả năng chống cự. Tôi lật những mẩu thịt đẫm máu còn sót lại của con chim và vừa nhìn thấy cái đầu của nó tôi đã bất giác kêu thét lên. Hỡi ôi, đó là cái đầu của người quen cũ của tôi - con Chấm Bạc! Thế là đã kết thúc cuộc đời của con Chấm Bạc, một cuộc đời có ích biết bao đối với bầy đàn của nó. Con cú đã giết chết nó, và nó đã bảo vệ cho hàng trăm con quạ trẻ khỏi rơi vào tay cú. Cái tổ chim cũ trên ngọn đồi Củ cải đường lại rỗng tuếch. Mùa xuân lũ quạ vẫn bay về đồi Castle Frank như trước, nhưng chúng đã không còn người cầm đầu xuất sắc nữa rồi. Cái chết của con quạ đầu đàn ấy làm cho hàng ngũ của chúng thưa thớt đi, và có thể lũ quạ sẽ chẳng mấy chốc mà tuyệt diệt ở khu rừng thông già, nơi mà tổ tiên chúng từng sinh sống và học làm quạ trong suốt bao nhiêu thế kỉ.