hưa bao giờ tinh thần đồng đội bị tổn thương như lúc này. Từ hàng ngũ sĩ quan đến binh sĩ. Gặp nhau cười cười nói nó vu vơ, bàn bạc đến những biến chuyển dồn dập không một lời bình phẩm. Mặc dầu tự trong lòng mỗi người mang một ý nghĩ riêng tư. Phi có cảm tưởng quân ngũ như sắp gẫy rời từng mảnh, những nứt rạn tự đáy tâm hồn đau buốt báo hiệu một cái gì sẽ tàn lụi. Mỗi lần tập hợp Trung đội lại, Phi nhìn mặt hơn ba mươi anh em, Phi thấy rõ họ không còn là một khối duy nhất son sắt nữa rồi. Mỗi người mang một khuôn mặt riêng. Người Trung sĩ ngâng ngáo lúc nào cũng tỏ ra tuyệt đối ủng hộ chế độ, người Hạ sĩ nhất có đôi mắt âm u cố tình che giấu những bất bình vừa nổi dậy. Phi đau đớn nghĩ tới những rạn rứt đó trong quân ngũ. Từ miền biên giới về đến Saigon đã ba hôm rồi mà Phi không được ra khỏi trại. Lệnh cấm trại trăm phần trăm vô cùng nghiêm ngặt, đơn vị đặt trong tình trạng báo động tác chiến với những quy điều bảo mật khe khắt. Bộ mặt đơn vị càng nặng nề hơn bao giờ hết. Phi nằm dài trong trại, mãi đến buổi chiều ngày thứ tư Phi mới được rời đơn vị ra phố nhận một công tác liên lạc với Bộ Tư lệnh. Phi ghé về nhà, bà mẹ mừng rú, nhưng sau đó bà nhìn bộ quân phục của Phi, bà thở dài, tiếng bà xót xa: - Con làm gì thì làm nhưng đừng đánh đập đồng bào. Phi sững người ra, đôi mắt tròn xoe: - Sao mẹ lại nói vậy? Bà cụ lắc đầu: - Mẹ thấy rồi, con đừng giấu. - Mẹ thấy gì? Bà cụ thở dài: - Thấy những người lính như con đàn áp các cuộc biểu tình của Phật tử, của sinh viên. Tóc gáy Phi dựng đứng lên, chưa bao giờ Phi nghĩ đến việc có một ngày nào đó chàng sẽ phải ngượng ngùng khi nhìn đến bộ quân phục này mang trên người. Chàng nói với mẹ: - Con tin rằng những người mẹ nhìn thấy không phải ở trong đơn vị chúng con... Bây giờ người ta mặc quần áo như chúng con, nhưng không phải chúng con đâu. - Lính của ông Tổng thống à? - Con không rõ. Trả lời câu đó rồi Phi ngượng ngập cúi đầu. Bà cụ vẫn trở lại với cái giọng đay nghiến cũ: - Đánh đập đồng bào mình là có tội. Lòng Phi ứ nghẹn cay đắng, chàng muốn gào lên cho đỡ tủi hận. Những ngày tháng lặn lội ở tiền tuyến, những hy sinh những gian khổ để lùng giặc miền biên giới, những chiến công hiển hách nhưng im lìm, những cái chết dũng cảm trong bóng tối của đồng đội chàng, của đơn vị chàng cho đồng bào được sống đến ngày nay hóa thành tro bụi hết cả. Ai đã phản bội quân đội của chàng? Điều đó căm căm như một mối thù không rõ địch thủ. Chàng bị đâm lén, đồng đội chàng đã bị đâm lén, kẻ địch hay chính những kẻ ở đây? Phi cúi đầu, nhìn mũi giầy bóng loáng mà Phi tưởng như đã dấy máu người dân lương thiện. Chàng vùng đứng dậy trong khi bà cụ vẫn chưa dứt những lời khuyên nào là đạo đức, nào là nhân nghĩa, nào là tình máu mủ. Phi uất quá, chàng dằn giọng: - Con biết rồi, má đừng nói nữa. Bà cụ rưng rưng nước mắt quay vào trong buồng, Phi ngồi thừ người một lát rồi vào làm lành với me. - Mẹ cho con ăn cơm. Bà cụ vừa mặc xong chiếc áo dài, bà nhìn Phi rồi mỉm cười trong nước mắt. - Mẹ phải tới chùa, con biểu chị Ba đi mua mì con ăn đỡ vậy. Con về bất ngờ quá, mẹ không kịp sửa soạn gì hết cả. - Trời sắp mưa, mẹ lên chùa làm gì? - Mẹ trót hẹn với mấy bác, không đi không được. Mẹ mang lên cúng mấy thúng gạo. Bây giờ thì Phi hiểu tất cả những gì trong tâm tưởng mẹ chàng. Hàng ngũ của những người lính tranh đấu chống chế độ đã thu hút được cả những bà cụ già nua này. Một lần nữa, Phi yên lặng. Nhưng sự yên lặng trong trường hợp này khác. Chàng không ngăn cản mà cũng không khuyến khích mẹ chàng trong việc này, bởi thật ra chính Phi cũng không rõ làm thế nào là đúng. Nhìn theo bóng bà cụ tất tả bước xuống bực thềm băng qua khu sân nhỏ, Phi biết là trong lòng mẹ chàng là một ngọn lửa đỏ vừa bùng cháy. Chưa bao giờ Phi thấy bà cụ từ chối dọn cơm cho chàng và bỏ chàng ở nhà như thế này mỗi lần về thăm. Tuy nhiên ra đến cổng rồi bà cụ còn quay lại: - Mai con về ăn cơm nhé. Bây giờ ở đây thì về nhà ăn cơm cho khỏe. Phi lắc đầu: - Mai con không về được đâu, con phải ở trong trại. - Trại gần đây không? - Trại con ở hơi xa. Mai mốt hết cấm trại con về. Mẹ bận cứ đi đi, con ra phố ăn rồi vào trại. - Ừ, mai mốt con về nhà ăn cơm nhé. Rồi bà cụ lại tất tả ra đi. Phi lắc đầu mỉm cười và thương mẹ vô cùng. Bà cụ đi được một lát thì Phi cũng lên xe đi. Chàng ghé thăm Loan. Chiếc xe jeep vừa tiến vào đến cổng, chàng thấy năm bảy người ngơ ngác rồi ùa chạy xuống nhà dưới. Còn lại một mình Phượng cũng ngơ ngác như không hồn. Phi bước xuống, chàng có một cảm giác là lạ khi nhìn năm bảy người vừa trốn chạy chàng. Một vài cặp mắt hình như còn lấp ló theo rõi chàng từ sau chiếc mành tre quen thuộc dưới garage. Phượng nhận ra Phi thì ôm ngực đứng lên mỉm cười: - Trời ơi, anh Phi, làm bọn này hết hồn. Phi đưa mắt nhìn một vài cái mùi xoa, một vài cây bút nguyên tử, mấy tờ giấy vò nát còn vứt rải rát quanh đấy. Chàng hất hàm hỏi Phượng: - Có chuyện gì đó Phượng? Phượng ngây mặt, có lẽ bây giờ nàng mới chợt nhớ ra là thái độ của nàng có thể làm tan vỡ những “bí mật” nên nàng ấp úng chối dài: - Không... à không... không có chuyện gì cả. Có mấy con bạn học đến... thăm, đến làm bài, thấy anh đi xe đến, chúng nó mắc cỡ bỏ chạy hết... Chỉ cần nhìn qua vẻ mặt Phượng. Phi cũng thừa biết Phượng nói dối. Chàng ngồi xuống ghế thì thấy một tờ truyền đơn kêu gọi sinh viên học sinh đứng lên đòi tự do tín ngưỡng còn nằm kẹt dưới chân bàn. Phượng vội lượm ngay lên, mặt nàng hơi tái đi và cất giọng run run với nụ cười ngượng ngập: - Hồi này truyền đơn nhiều quá, chúng nó thả cả vào lớp Phượng. Phi cười. Chàng bỗng thấy mất tự nhiên trước Phượng. Chàng đã bị dồn vào thế phải đứng đối diện với Phượng. Họ coi chàng như một tay chân của bạo lực như một tượng trưng của sự bắt bớ tàn bạo. Chàng muốn phá tan niềm hoài nghi đó ngay từ phút thứ nhất này, chàng cố làm ra vẻ hồn nhiên cười thành tiếng to hơn, chàng nhìn thẳng vào mắt Phượng: - Cô nói dối anh. Đôi mắt Phượng tròn xoe kinh ngạc. Phi vẫn bình tĩnh nói rõ từng tiếng: - Anh là quân nhân, không phải là mật vụ. Tại sao cô lại nói dối anh? Sợ anh bắt à? Hay là sợ anh đi tố cáo? Phượng lắp bắp: - Em có nói dối anh đâu. Phi cười bực lên một tiếng ngắn: - Tờ truyền đơn cổ võ trên tay là do cô và các bạn cô làm ra, là ở đây nữa. Cô nhìn xem trong buồng kia còn chiếc máy chữ, những vết mực ronéo và những tờ giấy hư nhem nhuốc còn cả trong xó nhà kia. Ngồi đây nhìn qua cửa sổ kia là tôi thấy rõ hết. Các bạn cô lớn rồi, làm gì thấy tôi mà họ phải trốn tránh như con nít. Các cô làm việc cái kiểu này thì dễ bị bắt quả tang quá. Mặt Phượng đã tái càng tái hơn. Phi có cảm tưởng là Phượng có thể khóc lăn ngay được. Mười đầu ngón tay thon mềm nhưng làm đen vì mực, bối rối trên tờ truyền đơn vò nhàu. Phượng không thể nói được một câu nào nữa cả. Nàng nhìn nhanh qua cửa sổ, chiếc rèm cửa bị gió thổi tung mắc lên mặt chiếc đinh, nàng nhìn rõ tất cả những tang vật làm truyền đơn như Phi vừa nói. Nàng cúi đầu chớp mau mắt. Tiếng Phi điềm đạm ôn hòa: - Các cô các cậu làm gì thì làm, không ăn nhậu gì tới tôi cả, nhưng làm cho kín đáo, đừng làm cái kiểu này mật vụ nhiều như ong vỡ tổ, các cô các cậu nên cẩn thận thế thôi. Phượng ân hận vì thái độ đã che giấu Phi vừa qua; nàng mỉm cười thú nhận: - Chúng em ngốc quá bị anh bắt quả tang, chúng em sẽ làm cẩn thận hơn. Trường em đã có mấy cô bị bắt rồi, nhưng lớp em thì chưa. - Không khó khăn gì đâu. Phượng ngần ngừ một chút rồi nghiêm nghị: - Bị bắt chúng em cũng không cần. Tuy nhiên ở ngoài này hoạt động vẫn thú hơn. Phi cười, chàng biết là bây giờ Phượng còn hăng và chưa nếm mùi nhà pha bao giờ nên chưa sợ. Chàng cũng không hề muốn làm Phượng mất tinh thần nên chàng nói lảng: - Chị Loan đâu, chưa về sao? - Chưa, chút nữa chị ấy về bây giờ. Sáu giờ mới tan sở, hơn năm giờ rồi. Anh ngồi chơi đợi chị Loan nhé, em xuống nói chuyện với mấy con bạn. Phi đứng lên, chàng biết là sự có mặt của chàng làm ngăn trở nhiều cho công việc cửa Phượng, nên ch!!!14433_17.htm!!!
Đã xem 22969 lần.
http://eTruyen.com