hững văn nghệ sĩ thành viên chính của NVGP phần lớn đều đã giữ trọng trách trong nền văn nghệ kháng chiến: Lê Đạt làm thư ký riêng cho Trường Chinh (1947), rồi phụ tá cho Tố Hữu (1949). Tử Phác, làm trưởng phòng Văn Nghệ Tuyên Huấn Trung Ương (1951). Đặng Đình Hưng, đoàn trưởng kiêm chính trị viên đoàn Văn Công Nhân Dân Trung Ương (1952). Hoàng Cầm, đoàn trưởng Văn Công Tổng Cục Chính Trị (1952). Trong bài Múa sạp thấu lòng Tử Phác350 Hoàng Cầm cho biết, thời 51- 52, Tử Phác là "cấp trên" của ông, chính Tử Phác đã "chỉ thị" cho Hoàng Cầm (trưởng đoàn văn công) và Mai Sao, nghiên cứu và thực hiện điệu múa sạp.Những chi tiết trên đây giải thích tại sao NVGP có thể thành tựu được, bởi những văn nghệ sĩ chủ trương phong trào, nắm giữ các cơ sở chính của nền văn nghệ kháng chiến lúc bấy giờ: Trong quân đội, Tử Phác trách nhiệm báo Sinh Hoạt Văn Nghệ (tiền thân của Văn Nghệ Quân Đội). Về dân sự, Lê Đạt và Nguyễn Hữu Đang trách nhiệm tờ Văn Nghệ. Hoàng Cầm và Đặng Đình Hưng điều khiển toàn bộ Văn công quân đội và dân sự. Từ tháng 1/1956, Hoàng Cầm nắm nhà xuất bản Văn Nghệ, vì vậy mà một số tác phẩm không chính thống đã được in trong những năm 1956 -1958.Hoàng Cầm sinh ngày 22/2/1922, tại làng Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; nguyên quán làng Lạc Thổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; mất ngày 6/5/2010 tại Hà Nội. Tên thật là Bùi Tằng Việt (chữ ghép của Phúc Tằng và Việt Yên). Cha: Bùi Văn Nguyên, dạy học và làm thuốc, có thời đã theo Quốc Dân Đảng, là bạn của Xứ Nhu, tức Nguyễn Khắc Nhu. Mẹ: Nguyễn Thị Duật, bán hàng xén. Bút danh khác: Lê Thái, Lê Kỳ Anh, Bằng Phi... Học tiểu học ở Bắc Giang. 1937, đỗ Cao đẳng tiểu học ở Bắc Ninh. 1938, ra Hà Nội học trường Thăng Long; 1940, đỗ tú tài.Làm thơ từ 8 tuổi. Những bài thơ đầu tiên được đăng trên báo Bắc Hà, năm 1936, ký tên Bùi Hoài Việt, có truyện ngắn đăng trên báo Đông Pháp.Tác phẩm thành danh Hoàng Cầm là kịch thơ Hận Nam Quan viết năm 1937, ở tuổi 15, lúc còn học đệ tứ ở Bắc Ninh (in năm 1942). Hận Nam Quan được dậy trong vùng quốc gia trước 1954.1938, đỗ Diplôme (Cao đẳng tiểu học) ở Bắc Ninh. Lên Hà Nội học trường Thăng Long và bắt đầu nghề văn. 16 tuổi, vừa học vừa làm cho nhà xuất bản Tân Dân và tạp chí Tiểu Thuyết Thứ Bẩy của Vũ Đình Long. Sáng tác nhiều truyện ngắn dưới bút hiệu Hoàng Cầm. Nổi tiếng với Hận ngày xanh - phóng tác Graziella của Lamartine và những truyện rút trong Ngàn lẻ một đêm. Năm 1940, đỗ Tú Tài, tiếp tục sáng tác và làm việc với Vũ Đình Long từ 40 đến 44.1940, cưới người vợ đầu Hoàng Thị Hoàn.1942 viết kịch thơ Kiều Loan.Cuối 1944, vì tình hình chiến sự, Mỹ ném bom chợ Hàng Da, nhà xuất bản Tân Dân phải dọn về làng Tám ở ngoại thành. Hoàng Cầm trở về Bắc Giang đưa gia đình về quê Thuận Thành. Tháng 9/1945, Hoàng Cầm cùng Hoàng Tích Chù lập ban kịch Đông Phương. Ngày 26/11/46, Kiều Loan được trình diễn lần đầu tại nhà Hát Lớn Hà Nội. Buổi duy nhất, rồi bị Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Giải phóng Hà Nội ra lệnh cấm, lý do: Pháp đã tấn công Hải Phòng. Ban Kịch Đông Phương đem Kiều Loan đi lưu diễn ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn Tây, Thái Bình... tại các đình làng.Ngày 19/12/46, chiến tranh bùng nổ, ban kịch Đông Phương phải giải tán. 1947-1948: Hoàng Cầm và Tuyết Khanh (diễn viên chính, đóng vai Kiều Loan) sống chung, giữa 1947, hai người cùng gia nhập Vệ Quốc Đoàn. Hoàng Cầm sáng tác Đêm liên hoan. Thành lập Đội văn nghệ tuyên truyền đầu tiên trong quân đội. Điều khiển và phát triển đoàn Văn Nghệ Liên Khu Việt Bắc từ 1948 đến 1952. 1948, sáng tác Bên kia sông Đuống.Tháng 7-8/1950, Đại Hội Văn Nghệ I họp tại Việt Bắc, quyết định loại trừ: tuồng, chèo, vọng cổ, và kịch thơ... ra khỏi nền văn nghệ cách mạng. Hoàng Cầm phải tuyên bố "treo cổ" kịch thơ của mình. Việc này sẽ được ông phản bác trong băng ghi âm - chúng tôi sẽ nói đến sau.Tháng 7/1952, tướng Nguyễn Chí Thanh điều động Hoàng Cầm về làm đoàn trưởng đoàn Văn Công Tổng Cục Chính Trị đến đầu năm 1955.1954, Hoàng Cầm, được cử tổ chức buổi Liên hoan mừng chiến thắng Điện Biên Phủ, đưa vào màn quan họ Bắc Ninh "Yêu nhau cởi áo cho nhau", và bị "đả đảo!" "đồi trụy!". Tướng Nguyễn Chí Thanh can thiệp để đoàn văn công tiếp tục trình diễn hết màn quan họ.10/10/54 Hoàng Cầm và đoàn văn công Tổng Cục Chính Trị về tiếp quản Hà Nội.1/1/1955, Văn công quân đội chia làm ba đoàn, Hoàng Cầm điều khiển đoàn 1, chuyên về kịch nói, trong thời gian này, ông tham dự việc đòi cải tổ chính sách văn nghệ quân đội cùng Trần Dần, Tử Phác, Lê Đạt... và phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu.Tháng 4/1955, nộp đơn xin giải ngũ hoặc đổi sang Hội Văn Nghệ, vì bị Cục phó Cục Tổ Chức, thuộc Tổng Cục Chính Trị, buộc phải bỏ bà Lê Hoàng Yến.Tháng 11/1955, được đổi ngành sang Hội Văn Nghệ, trách nhiệm nhà xuất bản Văn Nghệ.Tháng 2/1956, cùng Lê Đạt chủ trương Giai Phẩm Mùa Xuân. Tháng 9/1956, cùng Nguyễn Hữu Đang chủ trương Nhân Văn.Tháng 6-7/1958, chịu kỷ luật cùng với Trần Dần, Lê Đạt, Tử Phác, Đặng Đình Hưng... tuy nhẹ hơn, chỉ bị một năm khai trừ khỏi Hội Nhà Văn, như Phùng Quán.1982, bị bắt, tù 18 tháng vì tác phẩm Về Kinh Bắc.1988, được "phục hồi".Trong các bài đánh Hoàng Cầm, người ta thường dùng hai chữ "đồi trụy", nhắm vào đời tư: Hoàng Cầm nghiện thuốc phiện -như Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Tử Phác- và có nhiều vợ. Người vợ đầu, Hoàng Thị Hoàn, là em gái ông Hoàng Hữu Nghị, hiệu trưởng trường La Clarté ở Bắc Giang, cưới năm 1940, sinh con trai đầu lòng Bùi Hoàng Kỳ, và hai con gái Bùi Hoàng Yến -kịch sĩ, Hoàng Cầm nghi bị đầu độc chết- và Bùi Hoàng Oanh, chết đói cùng mẹ năm 1949. Bà Tuyết Khanh sống chung từ đầu 1947, đến tháng 1/48, sinh con gái, tên là Kiều Loan, nhưng hai người phải xa nhau. Sau đó ông sống với bà Xuyến, cô hàng xén chợ Hạnh. Từ tháng 5/1955 Hoàng Cầm sống với bà Lê Hoàng Yến, cựu hoa khôi Hà Thành, đã có 6 con riêng, ông có với bà Yến hai người con. Ông ly dị bà Xuyến khoảng 1956. Năm 1985, bà Lê Hoàng Yến đột ngột từ trần vì bị căng huyết áp trong lúc Hoàng Cầm -sau khi bị bắt, bị tù vì tác phẩm Về Kinh Bắc- bị bệnh tâm thần. ● Tác phẩm:- Kịch thơ: Hận Nam Quan, viết 1937, Người Bốn Phương, 1942; Kiều Loan, viết 1942, diễn 1946, Văn Học, 1992; Lên đường, Tân Dân, 1952; Cô gái nước Tần, Tân Dân, 1952; Trương Chi, chưa xuất bản, trích trên Văn số 24, ngày 18/10/57, và Trăm hoa đua nở trên đất Bắc của Hoàng Văn Chí.- Truyện: Thoi mộng, Tân Dân, 1940; Hai lần chết, Tân Dân, 1941.- Kịch: Ông cụ Liêu, viết 1950, in 1951; Đêm Lào Cai, in 1957.- Thơ: Mắt thiên thu, viết 1941, mất bản thảo; Bên kia sông Đuống, viết 1948, Văn Hoá, 1993; Tiếng hát quan họ, in chung trong tập Cửa biển, 1956; Về Kinh Bắc, viết 1959, Văn Học, 1994; Mưa Thuận Thành, Văn Hoá, 1987; Lá diêu bông, viết 1970, Hội Nhà Văn, 1993; Men đá vàng, truyện thơ, viết 1973, Trẻ, 1989; Về cõi em, viết 1992, chưa in.- Dịch, phóng tác: Hận ngày xanh, phóng tác Graziella của Lamartine, Tân Dân, 1940; Bông sen trắng, truyện thần thoại của Anderson, Tân Dân, 1941; Những truyện thần thoại rút từ Nghìn lẻ một đêm: Mang xuống tuyền đài, Tân Dân, 1942; Cây đèn thần, Tân Dân, 1942; Tỉnh giấc mơ vua, Tân Dân, 1942; Những niềm tin, dịch thơ Boualem Khanfa, Algérie, 1965; Mối tình cuối cùng, dịch Dostoievski, Phụ Nữ, 1988,...- Trong Hoàng Cầm hồn thơ độc đáo, Đông Tây, 2011, Lại Nguyên Ân tìm được: Người điên, kịch thơ một màn, 1946; Quê hương, thơ, Văn Nghệ, 1955; Mẹ tôi kể lại, truyện thơ, Văn Nghệ, 1955; Hoa đào nở trước ngõ, truyện thơ, Văn Nghệ, 1956. ● Địa vị Hoàng Cầm trong văn họcTrong ba nhà thơ tác nhân chính của phong trào NVGP, Trần Dần và Lê Đạt là đàn em. Hoàng Cầm thuộc thế hệ đàn anh, cùng thời với Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng.Nét khác biệt giữa ba nhà thơ nằm trong chữ nghiã, ví dụ cùng bối cảnh sông nước:Thuyền đi núi cũng phiêu bồngĐáy sông lẩn sắc cầu vồng trao nghiêng...Sông sâu chớp mắt thần linhThuyền qua thạch động thấy mình cao bayThơ Đinh Hùng - Thủy mạcThuyền ơi! Tóc chảy đêm vàngGiai nhân sóng soải hai hàng chiêm baoChồng tôi phóng ngựa phương nàoMà dây vó sắt dẫm vào tuổi thơThơ Hoàng Cầm- Kiều LoanTrăng liềm một mảnh lâng lâng bạc Nghiêng xuống cành dương lá lá rơiNhịp theo tiếng trúc cao vờiĐất quay ngược hướng mơ trời Thuấn NghiêuThơ Vũ Hoàng Chương -Tâm sự kẻ sang TầnThơ Đinh Hùng thanh thoát, nối kết âm-dương, trời đất-thủy thần. Đinh Hùng là nhà thơ của nước, của cõi âm. Thơ Hoàng Cầm diễm lệ, bi đát, hùng tráng hoà với đau thương, khổ đau tan trong mộng ước. Hoàng Cầm là nhà thơ của con người. Thơ Vũ Hoàng Chương điêu luyện, cao lộng, ẩn chí lớn tầm vóc càn khôn, Vũ Hoàng Chương là nhà thơ của vũ trụ.Ba tài năng lớn của thi ca Việt Nam thế kỷ XX. Ba phận số. Phải chăng thơ luôn luôn vận vào người, nên trong ba nhà thơ, chỉ mình Hoàng Cầm mắc nạn chữ suốt đời. Vũ Hoàng Chương, trong Nhớ Đinh Hùng có nhắc đến Dạ Đài: "Hùng đứng làm cố vấn cho một nhóm thi hữu trẻ tuổi hơn trong đó có Vũ Hoàng Địch, Trần Dzần, Trần Mai Châu để xuất bản một giai phẩm lấy tên Dạ đài. Quả là cái tên "tiền định"351.Khi Đinh Hùng mất, 24/8/1967, Vũ Hoàng Chương làm câu đối đặt trước áo quan:Hồn sáu đường mê tìm Phật độTình muôn trang sử mặc Trời ngâmVà trong bài ai điếu trước mộ, câu:Mênh mang một tiếng cười dàiHồn lay bốn vách dạ đài cho tan!Vũ Hoàng Chương tổng kết đời Đinh Hùng từ Dạ đài đến Mê hồn ca, Đường vào tình sử... trong bốn câu thơ hàm súc, gợi buổi giao thời giữa thơ mới và thơ tượng trưng thập niên 1940 mà Hoàng Cầm, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, là những đại diện.Tố Hữu làm thơ từ 1937, nhưng thập niên 40, chưa nổi tiếng. 1946, mới in tập Thơ352. Theo Hoàng Cầm trong băng ghi âm, trước kháng chiến, Tố Hữu đã có thơ đăng báo nhưng chưa ai biết Tố Hữu là ai, riêng ông để ý đến bài Hồ Chí Minh vì nó có những câu thơ "khát máu" quá đáng. Tựu trung, Tố Hữu đáp ứng yêu cầu thơ tuyên truyền, thơ đánh địch, thơ ca tụng lãnh tụ, theo đúng đường lối của Đảng mà Trường Chinh đã vạch trong Đề cương văn hoá Việt Nam (1943) và Chủ nghiã Mác và văn hoá Việt Nam (1948).Tập Việt Bắc, in năm 1954, xác định Tố Hữu là nhà thơ hàng đầu của Đảng. Sau khi dẹp xong NVGP, uy thế Tố Hữu càng lừng lẫy, thơ ông trở thành kinh điển trong văn chương cách mạng sau thơ Hồ Chí Minh. Trong số những người viết về Tố Hữu, Đặng Thai Mai có nhận định xác đáng hơn cả:351 Vũ Hoàng Chương, Nhớ Đinh Hùng, Loạn trung bút, Khai Trí 1970, trang182.352 Năm 1959 in lại đổi tên thành Từ ấy.- "Tố Hữu là nhà thơ chỉ viết để phục vụ cách mạng từ trước đến sau".- "Tình cảm trong thơ Tố Hữu là tình cảm của một chiến sĩ cộng sản, luôn luôn đứng trên lập trường của Đảng mà tranh đấu, suy nghĩ, cảm xúc".- "Tưởng không cần nhắc lại một lần nữa rằng, trong các yếu tố đã xây dựng nên cái đặc sắc của thi sĩ, như trên kia đã nói, thì chính là hoạt động cách mạng theo đường lối của Đảng. Không có cái nội dung cách mạng đó, không có lập trường tư tưởng đó, thì cũng không có thơ Tố Hữu"353Đó là vị trí của Tố Hữu trong văn học.Trong kháng chiến, Hoàng Cầm, Văn Cao, Phạm Duy,là ba nghệ sĩ có những đóng góp lớn. Ngoài sáng tác, Hoàng Cầm-Phạm Duy còn trình diễn khắp chiến trường Việt Bắc, xây dựng tinh thần kháng chiến quân. Giọng ngâm "oanh vàng đất Bắc" của Hoàng Cầm, xung động tinh thần tự hào của người lính Vệ quốc: "Rằng ta là Vệ Quốc Đoàn". Tiếng hát Phạm Duy giục giã thanh niên "cùng nhau xông pha lên đường" bảo vệ tổ quốc.Hoàng Cầm ghi: "Từ sau cách mạng tháng Tám, Văn Cao với tôi và Phạm Duy đã trở thành bạn thân, lúc nào, ngày nào cũng có nhau, biểu diễn, sáng tác đều có nhau, thậm chí đi nghe hát ca trù (ả đào) hoặc đi uống rượu, đi cà phê sớm tối đều có nhau, khiến rất nhiều văn nghệ sĩ lúc bấy giờ đã gọi ba đứa chúng tôi là: "Bộ ba bất khả li" (Les trois inséparables). Vậy thì Văn Cao phải có mặt trong tập Giai Phẩm [Mùa Xuân] này chứ?"354Cho kháng chiến, Hoàng Cầm đã góp hai lần xương máu: máu xương văn nghệ trong 9 năm sáng tác, trình diễn. Và xương máu gia đình: một vợ, Hoàng Thị Hoàn và mộtcon, Bùi Hoàng Oanh, chết đói, 1949. Một em trai, Bùi Như Yên, chết trận, 1952.Công lao Hoàng Cầm đối với văn học và kháng chiến giải thích một số vấn đề cụ thể:- Hoàng Cầm có đủ tư thế văn nghệ để mời Văn Cao, Phan Khôi tham gia NVGP.- Hoàng Cầm là người Nguyễn Hữu Đang thuyết phục giúp Nhân Văn trước tiên.- Hoàng Cầm có đủ uy tín cách mạng để đương đầu với Tố Hữu, bênh vực Trần Dần.- Khi bị thanh trừng, Hoàng Cầm đã viết Về Kinh Bắc từ 1959, gián tiếp kết tội Đảng.- 1982, Hoàng Cầm lại bị bắt, chính quyền tịch thu bản thảo Về Kinh Bắc.Cuộc đời Hoàng Cầm gắn bó với lịch sử, không chỉ lịch sử kháng chiến, lịch sử NVGP, mà lịch sử dân tộc. Từ tác phẩm đầu tay Hận Nam Quan, Hoàng Cầm đã xác định con đường dân tộc: phải đề phòng phương Bắc, phải ghi nhớ Hận Nam Quan.● Hận Nam QuanPhi Khanh bị bắt sang Tàu, Nguyễn Trãi bí mật theo cũi cha, để cùng chết. Tới Nam Quan, Phi Khanh bắt con phải trở về, tìm đường khởi nghiã. Kịch thơ Hận Nam Quan, trước 1954, đã được giảng dạy trong vùng quốc gia, học sinh thuộc lòng những đoạn thơ:- Con yêu quý! Chớ xuôi lòng mềm yếuGác tình riêng, vỗ cánh trở về Nam!Con về đi! Tận trung là tận hiếuĐem gươm mài bóng nguyệt dưới khăn tang(...)- Ôi sung sướng, trời sao chưa nỡ tắtVề ngay đi ghi nhớ Hận Nam QuanBên Kim Lăng cho đến ngày nhắm mắt Cha nguyện cầu con lấy lại giang san.Đó là trích đoạn bài học thuộc lòng thời tiểu học, nhưng toàn thể kịch thơ là một tác phẩm "cổ điển" của học sinh trung học. Trong những đêm văn nghệ Tết, học sinh miền Nam thường có màn trình diễn Hận Nam Quan. Hoàng Cầm đi vào lòng dân tộc như thế.Hoàng Cầm 15 tuổi, nhưng thơ không hề non nớt, đã cónhững câu "tiên tri":Đây là ải địa đầu nước ViệtKhóc trong lòng ghi nhớ Hận Nam Quan15 tuổi, nhắc lại trang sử oanh liệt:Đây Nam Quan, quân Nguyên rời biển máuThoát rừng xương, tơi tả kéo nhau về15 tuổi, đe dọa quân Minh:Hỡi quân Minh! Sao không nhìn lịch sửMà vội vàng ngạo nghễ xuống Nam phương?15 tuổi, xác định lòng quật khởi của dân tộc:Một ngày mai, khi Trãi này khởi nghiã,Kéo cờ lên, phất phới linh hồn chaGạt nước mắt, nguyện cầu cùng thiên địaMột ngày mai, con lấy lại sơn hà.Nhưng bọn bán nước cầu vinh nào có nghe.Đó là bi kịch Hoàng Cầm và bi kịch chung của dân tộc.● Hoàng Cầm - Tuyết Khanh - Vũ Hoàng ChươngTháng 9/1945, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Chù, Hoàng Tích Linh355, Kim Lân, Trần Hoạt lập ban kịch Đông Phương. Hoàng Tích Chù làm trưởng ban. Đông Phương thường lưu diễn ở các tỉnh gần Hà Nội. Vũ Hoàng Chương kể lại chuyện một người bạn rủ Hoàng (Chương) đi xem kịch: "Hoàng ạ, ban kịch Đông Phương của bọn Hoàng Tích Chù lực lượng có vẻ khá lắm (...) Tin đích xác đây này: Tối mai ban kịch Đông Phương trình diễn tại Thái Bình, và diễn liền mấy tối sau nữa. Ngay tỉnh lỵ, Hoàng có đi với tôi sang bên đó không nào? (...) Đối với họ Phan, người ta còn khách sáo ít nhiều; chứ đối với Hoàng thì, toàn ban đều thân mật, coi như "cố nhân". Có lẽ bởi họa sĩ Hoàng Tích Chù -em ruột Hoàng Tích Chu- là chỗ thế nghị của Hoàng chăng? Hay bởi tác giả quan trọng của ban kịch là thi sĩ Hoàng Cầm, chỗ thanh khí của Hoàng, từng đã gặp nhau ở xóm Niềm bên Kinh Bắc?356Vũ Hoàng Chương vừa muốn "khoe" ban kịch Đông Phương coi mình là "cố nhân" mà cũng kín đáo kính trọng Hoàng Cầm như một bậc tài tử. Thời điểm ấy, mục đích Hoàng Cầm là dựng Kiều Loan nhưng tìm gần một năm, vẫn chưa "thấy" Kiều Loan. Đến tháng 8/46, tìm được Tuyết Khanh, bắt đầu dựng Kiều Loan, do Hoàng Tích Linh đạo diễn; Tuyết Khanh trong vai Kiều Loan; Hoàng Cầm vai Hiệu Úy... Về những buổi tập dượt Kiều Loan, Hoàng Cầm kể lại: "... Nguyễn Huy Tưởng, hầu như không buổi tập nào là vắng mặt anh (...) Cả nhà thơ Vũ Hoàng Chương không biết vì quá mê nàng Kiều Loan của vở kịch hay mê người sắm vai Kiều Loan mà từ ngày đầu đọc vở, anh đã trở nên một khán giả quá siêng năng cả đến khi Kiều Loan phải "tản cư" đi diễn ở mấy làng trong tỉnh Bắc Ninh. Ngày nào anh cũng đến từ sớm, có khi nán lại dùng cơm trưa với diễn viên tại nhà anh Chù. Còn hai anh Lưu Quang Thuận357 Trúc Đường358 là hai kịch tác gia mấy lần đến xem tập và phỏng vấn (...) và chuẩn bị ấn hành trọn vẹn kịch thơ Kiều Loan ngay trong năm 1946"359. Hoàng Cầm đáp lại Hoàng Chương bằng sự tương kính. Những tài năng lớn thường kính trọng nhau ngay từ buổi đầu. Nhưng rồi có chuyện ngang trái xẩy ra: hai nhân tài cùng yêu một người đẹp. Vũ Hoàng Chương lúc đó đã có vợ là Đinh Thục Oanh, chị ruột Đinh Hùng, từ 1944, và Hoàng Cầm cũng đã có vợ là Hoàng Thị Hoàn và ba con, tại quê nhà. Vũ Hoàng Chương kể tiếp câu chuyện tình lạ lùng, đã khai sinh những câu thơ nổi tiếng với chữ Khanh đầy bí mật, và cũng là lịch sử một đoạn đời kháng chiến:"Tối hôm đó diễn vở kịch thơ Lên Đường của Hoàng Cầm. Chỉ có 4 vai - đều vai chính cả!- Nhưng điều đáng nói là một trong bốn vai ấy đã do Tuyết Khanh đóng. "Người đẹp" này, Hoàng đã từng chiêm ngưỡng trên màn bạc rồi -Phim Cánh đồng ma của ông bạn Đàm Quang Thiện360 và cũng chẳng thấy gì đáng mê lắm. (...) Thế mà -ai học đến chữ ngờ!- cơn mê đã bắt đầu chiếm đoạt Hoàng trọn vẹn, cách hai tuần sau, để kéo dài mãi, đến giờ phút này cũng chưa hẳn nhoà tan đấy (...)"Nửa đời sương gió ngang tàng lắmMềm, chỉ vì Khanh, một trái tim..."Ôi, chỉ vì Khanh! Vì Khanh! Chắc chắn Khanh ngạcnhiên. Mà chính Hoàng lại đã ngạc nhiên trước hết. Ngạc nhiên gấp hai lần Khanh, gấp bốn lần Hoàng Cầm. Và gấp cả một trăm lần thiên hạ (...) Và hình như sau chuyến lưu diễn Thái Bình, mọi người đang sửa soạn tập vở Kiều Loan của thi sĩ Hoàng Cầm thì phải. (...) Thật ra, Khanh còn đang bận tập Kiều Loan, Hoàng cũng đang bận viết bài cho Thế sự, chẳng ai muốn mua dây tự buộc mình. Chỉ cốt hợp thức hoá mỗi liên hệ của Hoàng và Khanh thôi. Đừng để ai phá đám. Thí dụ nhà thơ Hoàng Cầm (...) Khăng khít như vậy mà rồi sau đêm mười chín tháng mười hai Dương lịch361 Khanh và Hoàng khởi sự lạc nhau. Lạc thôi chứ chưa mất. Hoàng trên bước tản cư phiêu lưu tới phủ Xuân Trường, lòng nhớ Khanh càng nổi dậy. Chẳng biết con người bạc mệnh kia đã phải trải qua những nhịp cầu đoạn trường nào thêm? Hiện nay ở đâu: Hưng Yên, Phủ Lạng Thương hay Bắc Kạn?...Khanh của Hoàng ơi, lửa bốn phươngKhói lên ngùn ngụt chén tha hương,Nghe vang sóng rượu niềm ly tánChạnh xót nòi thơ buổi nhiễu nhương" (...)Một đêm trăng, Thứ Lang362 dẫn Khanh từ Đống Năm363 vào, cùng với Kiều Liên364. Mới tạm xa nhau chưa đến hai mươi tháng mà khi tái ngộ nhìn nhau cứ ngơ ngáo như trong mộng ấy thôi!Khanh đã về trong lửa Túy hươngKhoé thu lộng gió tóc cài sương (...)Qua năm 1949, Hoàng dời chỗ ở sang làng Duyên Tục (thường gọi là làng Tuộc), rồi lại chuyển tới huyện Đông Quan (làng Trầu). Nhưng cách Đống Năm vẫn không xa. Và như vậy, Khanh vẫn gần Hoàng. Vì Khanh đã ly khai hẳn với ban kịch Đông phương, không theo họ đi lang thang lưu diễn vùng Bắc nữa, mà về ở Thái Bình, sống đơn chiếc như một ẩn sĩ thời loạn (...) Đầu năm 1950, Hoàng trở về Hà Nội, giữa khi súng đạn tràn tới Liên khu ba, Đống Năm bị phá nát, chẳng hiểu Khanh trôi dạt nơi nào365".Tuyết Khanh và Hoàng Cầm rời Hà Nội sau ngày toàn quốc kháng chiến; giữa 1947, hai người gia nhập Vệ Quốc Đoàn chiến khu 12, Hoàng Cầm thành lập Đội văn công tuyên truyền đầu tiên trong quân đội cùng với Hoàng Tích Linh, Trúc Lâm, Văn Chung... Giữa đường gặp Phạm Duy, Ngọc Bích, cùng nhập bọn. Tuyết Khanh có mang 6 tháng, phải ở lại "an dưỡng trong một quân y viện ở huyện Hữu Lũng", Hoàng Cầm, Phạm Duy tiếp tục đi lưu diễn ở Việt Bắc. Đầu năm 1948, Tuyết Khanh sinh con gái là Kiều Loan, nhưng hai người mất liên lạc. Tuyết Khanh về Thái Bình rồi hồi cư về Hà Nội. 1950, Vũ Hoàng Chương về Hà Nội gặp lại Tuyết Khanh. 1952, Ban kịch Sông Hồng diễn Thằng cuội của Vũ Hoàng Chương, Hoàng mời Khanh đóng vai Hằng Nga nhưng nàng từ chối. "Từ đó, Hoàng với Khanh chẳng còn sánh vai nhau trong ảo mộng sân khấu một lần nào nữa. Hoàng cũng chẳng còn đủ hào hứng để viết thêm một vở kịch thơ nào"366.Thời ấy, Vũ Hoàng Chương đã nổi tiếng với Thơ say (1940), Mây (1943) và kịch thơ Trương Chi (1944) gồm ba vở: Trương Chi, Vân Muội và Hồng Điệp. Trương Chi hay hơn cả, nhưng chưa thể sánh với Kiều Loan của Hoàng Cầm. Hoàng Chương nể Hoàng Cầm vì lẽ đó. Đến 1951, Vũ Hoàng Chương mới viết kịch thơ Tâm sự kẻ sang Tần367. Nếu không có Kiều Loan, chưa chắc đã có Tâm sự kẻ sang Tần, đó là hai tác phẩm lớn của thi ca Việt Nam.Vì Tuyết Khanh mà Hoàng Chương bỏ kịch thơ.Vì cách mạng, mà Hoàng Cầm phải treo cổ kịch thơ. Hai thi tài. Hai mệnh số. Hai quyết định bi đát.● Kiều LoanThân phận Kiều Loan lênh đênh như toàn bộ tác phẩm của Hoàng Cầm. Khởi thảo cuối xuân 1942 đến giữa 1943, đã tạm xong, Hoàng Cầm định đưa lên sân khấu Bắc Giang, nhưng bị viên chánh công sứ Pháp, thạo tiếng Việt, kiểm duyệt bỏ. Đến cuối 1943, ban kịch Hà Nội của Chu Ngọc định dàn dựng, cũng bị kiểm duyệt Pháp chặn.Luyện tập trong bốn tháng. Trình diễn trong bốn giờ. Sáng 26/11/1946, tại nhà Hát Lớn Hà Nội. Một buổi duy nhất, rồi bị Trần Duy Hưng ra lệnh đình chỉ. Đó là quyết định sai lầm đầu tiên của cách mạng về Kiều Loan.Hoàng Cầm kể: "Chúng tôi vừa hạ màn chót cho vở diễn lúc 1 giờ 15 phút. Sau những tràng vỗ tay kéo dài thì ông Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng thành phố Hà Nội cho người ra mời anh Chù, anh Linh và tôi lên trụ sở Ủy ban. Ông ra lệnh cho chúng tôi phải hoãn những đêm diễn đã được Ủy ban cho phép. Lý do: quân đội Pháp đã đánh Hải Phòng và càng ngày càng khiêu khích trắng trợn Hà Nội. (...) Thế là số phận vở kịch lại lênh đênh. Tôi ngậm ngùi se sẽ ngâm câu Kiều:Phận bèo bao quản nước saLênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh..."368Lần thứ nhì, 1948, Hoàng Cầm định trình diễn Kiều Loan trong ngày khai mạc Đại Hội Văn Hóa Toàn Quốc369:"Tôi đưa đơn đến tận tay anh Nguyễn Đình Thi, lúc đó đang là Tổng thư ký Hội Văn hoá cứu quốc, đơn kèm theo kịch Kiều Loan. Rồi tôi hồi hộp chờ đợi (...)Không khí cuộc gặp mặt bỗng trở nên nghiêm trang và lời mở đầu câu chuyện của anh Thi lại càng làm cho nó thêm lạnh nhạt, căng thẳng:- Tôi đã nhận được vở kịch của anh. Cả lá đơn nữa. Anh Nguyễn Huy Tưởng và anh Nguyên Hồng đã giới thiệu Kiều Loan với tôi. Tôi cũng đã đọc qua (...)- Rằng hay thì thật là hay! Hai tiếng cuối câu đay xuống, tôi nghe như có vẻ vừa giễu cợt vừa hững hờ. Và anh Thi cũng chỉ nói có thế. Không hơn nửa lời. Rồi anh thu dọn sổ sách, như có ý bảo tôi "Về đi!". Cũng để cho anh lính mới làng văn biết rằng mỗi giờ mỗi phút với anh Thi là vàng ngọc đấy!"370.Cũng Nguyễn Đình Thi này, năm 1956, sẽ nài nỉ Hoàng Cầm, lúc đó trách nhiệm nhà xuất bản Văn Nghệ, in giùm tập thơ không vần sửa thành có vần theo lệnh Tố Hữu.Sau lần trình diễn duy nhất tại Hà Nội ngày 26/11/46, Kiều Loan bị đình chỉ. Hoàng Cầm cùng ban kịch rời Hà Nội, đi lưu diễn ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn Tây, Thái Bình, đem Kiều Loan diễn ở các đình làng vùng Bắc Ninh, được gần một tháng.Ngày 19/12/46 chiến tranh bùng nổ, ban kịch Đông Phương phải giải tán. Kịch bản Kiều Loan, bị thất lạc trong những năm kháng chiến. Bản chính do Lưu Quang Thuận giữ, khi Pháp nhẩy dù Bắc Cạn, bản thảo của các văn nghệ sĩ phải ném xuống hồ Ba Bể, trong đó có Kiều Loan.Mãi đến 1970, nhờ một số bạn cũ còn giữ được bản đánh máy, Hoàng Cầm kết hợp, "trùng tu" lại bản thảo 1946. 1992, Kiều Loan được xuất bản sau khi sáng tác 50 năm.Kiều Loan chính là hoá thân của Hoàng Cầm. Những nghệ sĩ lớn thường tạo những tình huống có tính cách tiên tri. Sáng tác năm 1942, lúc Hoàng Cầm 20 tuổi và đã nổi tiếng. Trước một "tương lai sáng lạn" như thế, tại sao người thanh niên ấy lại nghĩ đến một nhân vật bi thảm như Kiều Loan? Rồi Kiều Loan sẽ "vận" vào số phận Hoàng Cầm như một thực tại đớn đau mà người nghệ sĩ không thoát khỏi, trong cuộc đổi đời của đất nước. Kiều Loan trong thời Pháp thuộc và dưới thời cách mạng, đều bị cấm, không vì tình cờ, mà vì nội dung tác phẩm:Kiều Loan, con gái một cựu thần Tây Sơn, đi tìm chồng Vũ Văn Giỏi. Mười năm trước, theo lời Kiều Loan, Vũ lên đường giúp Quang Toản sau khi Quang Trung băng hà. Tới Phượng Hoàng Trung Đô, nghe tin Bùi Đắc Tuyên chuyênquyền, Vũ ngả theo Nguyễn Ánh, trở thành Vũ tướng quân, bạo tàn càn quét những người dân chống lại nhà Nguyễn. Kiều Loan giả điên đến Phú Xuân, tại đây, nàng gặp ông già, thầy cũ của Vũ. Kiều Loan làm huyên náo cửa thành, cố tình bị bắt vào dinh, để nhìn lại người xưa. Kiều Loan và ông thày cũ bị giam trong ngục. Kiều Loan uống thuốc độc tự vận cùng với ông già. Trước khi chết, nàng chém người chồng phản bội.Kiều Loan, một bi hùng ca bao quát lịch sử dân tộc, dõi vào những mốc chính: Nam Bắc phân tranh. Nguyễn Ánh cầu viện Pháp để diệt Tây Sơn. Gia Long thắng trận trở thành độc tài chuyên chế, tiêu diệt những khuynh hướng đối lập.Một nội dung như vậy, tất nhiên, không chỉ thực dân Pháp căm giận:"Vì chính sự bạo tàn Ôi! Nước mắtBao nhiêu lần rỏ xuống những hồn oan?Chính sự gì đi cầu viện ngoại bangVề tàn sát những người dân vô tội"Mà tất cả những kẻ cầu viện nước ngoài để vững quyền chấp chính cũng phải hổ mình. Một triều đình vừa "thống nhất sơn hà", nhưng lệnh đầu phát ra là lệnh cấm:... Vua cấm đèn cấm lửaCấm dân gian đi lại ở kinh thànhLệnh thứ nhì là cấm hát:Vua có lệnh bắt những người hát nhảmĐầu sẽ bêu sương gió nếp hoàng thànhNhưng Kiều Loan, giai nhân tuyệt sắc, nào có sợ gì, nàng xuất hiện như một người điên, nàng cứ hát những lời phản biện:Chị buồn chị hát vang lừngCỏ cây sa lệ núi rừng ngẩn ngơ Kiều Loan là vở kịch thơ hay nhất của Hoàng Cầm và thời tiền chiến. Phải mười năm sau, Tâm sự kẻ sang Tần với bút pháp bay bổng của Vũ Hoàng Chương mới có thể kế vị.Kiều Loan nói lên chí khí bất khuất của Hoàng Cầm trong thi ca, tiên tri định mệnh đất nước:- Về cuộc Cải Cách Ruộng Đất:Thà giết oan trăm mạng lương dânHơn để thoát một tên phản nghịch- Về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm:Mà trước mắt, cuộc xoay vần thời thếGạt ra ngoài hầu hết bậc tài danhBọn hủ nho nhan nhản khắp triều đìnhNơi tù ngục chất đầy người nghiã khíGỗ mục, thép cùn múa tay trong bịLau sậy nghêng ngang làm cột trụ giang sơn- Về cảnh chiến tranh cốt nhục tương tàn:Một nước nhỏ mà phân chia Nam BắcXâu xé nhau vì hai chữ lợi danhTam vương, ngũ đế, cướp đất phá thànhMấy trăm năm nghe dân tình xao xao xácThay cái đạo làm người bằng giáo mácYến ẩm lầu cao... xương máu chan hòa- Về ảo mộng chiến thắng:Cờ nêu cao chiến thắng nhuốm chiêu dươngMà rút lại cũng chỉ là giấc mộng.Kiều Loan có những câu thơ lạnh người:Chí lớn từ xưa chôn chật đấtRiêng đàn đom đóm lại thênh thang.Bọn "đom đóm", Hoàng Cầm đã thấy từ tuổi hai mươi, sau này sẽ sẽ ngập trời đất Bắc. Các "chí lớn" trong NVGP, và sau NVGP, đã và hiện còn đang bị chôn vùi trong ngục tối. Nhưng nhà thơ luôn luôn có lời chót:Làm mất nhân tâm thì miếu lớn tượng to Dân đạp dí xuống bùn là hết chuyện.● Hoàng Cầm - Phạm Duy, Việt Bắc 1947-19481947-1948, giai đoạn khởi đầu, và cũng là giai đoạn quyết định số phận cuộc kháng chiến. Ở thời điểm này, đảng Cộng sản chưa thực sự ra mặt, chính sách Mác-Lê-Mao chưa chính thức công bố, toàn thể văn nghệ sĩ tương đối được tự do, họ tin tưởng vào cuộc kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Việt Minh. Những bài thơ, những bản nhạc hay nhất xuất hiện. Tinh thần xông pha của nghệ sĩ đã có tác dụng mạnh trên bộ đội và quần chúng. Nếu không có sự trợ giúp đắc lực của văn nghệ sĩ, diện mạo cuộc chiến chống Pháp chưa biết sẽ ra sao. Hoàng Cầm kể:"Một ngày giữa năm 1947- tôi và vợ tôi Tuyết Khanh (...) đã xông lên một vùng rừng núi đang rất xa lạ với mình, nhập luôn vào Vệ Quốc Đoàn chiến khu 12, rồi mày mò, tìm bạn, thành lập ngay một đội văn nghệ tuyên truyền, có thể gọi là đội Văn Công đầu tiên của quân đội (...) đến với từng trung đội, đại đội Vệ Quốc Quân, dân quân, du kích khắp bốn tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Ninh, Lạng Sơn để biểu diễn đủ loại kịch ngắn, kịch nói, kịch cương, ngâm thơ, hát tốp ca, đơn ca, múa vài ba điệu dân dã học được của đồng bào miền xuôi, miền ngược (...) Nửa đêm nay tiểu đội A đi phục kích ư? Trung đội C đi quấy rối địch ư? Chập tối họ vẫn được nghe giọng ngâm thơ sang sảng...Đêm liên hoan, bạn ơi, đêm liên hoanĐầu nhấp nhô như sóng bể ngang tàngTa muốn thét cho vỡ tung lồng ngựcVì say sưa tình thân thiết Vệ Quốc Đoàn 371Nhiều khi họ lại "đồng ca" luôn theo đội văn nghệ:Đường ta ta cứ điNhà ta ta cứ xâyRuộng ta ta cứ cầyĐợi ngày...Say sưa, họ còn vỗ tay theo điệu hát:Ngày mai ta tiến lênDiệt tan quân Pháp kiaCười vui ta hát câu tự do...(Nhạc tuổi xanh, P.D)372Hoàng Cầm tả lại bối cảnh gặp gỡ Phạm Duy trên lộ trình sáng tác và trình diễn:"Vào một buổi chiều cuối thu 1947. Trên đường đê sông máng đi từ đập Takun373 có ba người, 1 quàng ghi ta, 1 đeo accordéon, 1 đeo clarinette, ngơ ngác hỏi thăm chỗ đóng quân của Đội Văn Nghệ Tuyên Truyền khu 12. Đó là anh P.D, Ngọc Bích và Ngọc Hiền, đang tìm về với đội văn nghệ của Hoàng Cầm sau khi đoàn kịch Chiến Thắng của các anh giải thể (...) Riêng P.D, trong khoảng 13 tháng sát cánh bên nhau tôi cần phải nói thêm rằng có anh trong đơn vị, người tôi như mọc thêm cánh (...) Tôi cứ chuyển quân liên miên... nay vừa biểu diễn ở Nhã Nam, mai đã sang Bố Hạ (...) Sáng ra lại xuất quân. PD mê man đi, vừa đi vừa lẩm nhẩm thầm thì sáng tác thì chợt đến khi bắt được một giai điệu đẹp, tha thiết, là anh ngồi ngay xuống tảng đá bên đường, lấy bút giấy ra ghi. Nếu chỉ qua được một đoạn đường mà xong được một bài, anh lập tức kêu tôi và các bạn dừng lại, túm tụm trên vệ cỏ, nghe anh hát.Đường Lạng Sơn âm u (ù u)Giờ bình minh êm ru (ù u)Vẳng nghe tiếng súng trong sương mùĐường Thất Khê bao la (à a)Rừng núi ta xông pha (à a) (...) Cứ như vậy, toàn đội, đặc biệt là PD đã truyền cho tôi sức mạnh dẻo dai để vừa đi vừa sáng tác. Ghi ngay thành thơ hoặc chủ đề kịch ngắn những cảm xúc, những ý tứ bất chợt loé lên trong tôi. Sáng tác đến đâu biểu diễn luôn đến đấy (...) trong vòng chưa đầy 12 tháng, PD đã liên tục sáng tác hàng chục ca khúc, có nhiều bài chỉ hát đôi ba lần, bộ đội đã thuộc lòng (...) Ở những tác phẩm của anh hồi đầu kháng chiến, tôi ít thấy cái da diết, thắm thiết đến khắc khoải như một vài ca khúc của Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao... Nhưng quả thật PD là người viết ca khúc được hầu hết các chiến sĩ bộ đội, cán bộ và thanh niên nam nữ khắp Việt Bắc lúc bấy giờ yêu mến nhất, nhắc nhở nhiều nhất, vượt xa các nhạc sĩ nổi tiếng cùng thời"374.Phạm Duy viết về giai đoạn này:"Cuối năm 1947 đó, tôi và Ngọc Bích từ tỉnh lỵ bị tiêu hủy hoàn toàn là Thái Nguyên đi bộ qua Bắc Giang, tìm về làng Lan Giới thuộc khu Nhã Nam, Yên Thế (...)Tôi và Ngọc Bích vác ba lô đi tìm Bộ Chỉ Huy của Khu XII. Ở đó, tôi gặp Hoàng Cầm. Nó đang chuẩn bị thành lập một đội văn nghệ cho chiến khu này cùng với nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, diễn viên Trúc Lâm và vợ chồng Văn Chung (...) Tôi và Ngọc Bích nhập ngay vào cái đội văn nghệ chỉ có vỏn vẹn bẩy, tám người đó để từ Bộ Chỉ Huy, chúng tôi đi lưu diễn ở những nơi có Vệ Quốc Đoàn đóng quân trong ba tỉnh Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn. Gặp Hoàng Cầm, tôi yêu nó ngay. Nó bằng tuổi tôi375. Trong khi tôi thích đùa rỡn thì nó giống như một ông đồ non, lúc nào cũng ngồi hút thuốc lào, rung đùi, trầm ngâm. Nó đang sống chung với Tuyết Khanh (...) Đi theo Hoàng Cầm ra vùng kháng chiến, Tuyết Khanh, mà lúc đó Hoàng Cầm cũng đổi luôn tên là Kiều Loan, đang có thai và bắt buộc phải ở lại vùng trung du để Hoàng Cầm và chúng tôi lên đường đi lưu diễn. Trong bữa cơm đạm bạc để chia tay nhau giữa hai vợ chồng Hoàng Cầm tại Phố Nỉ (Bắc Giang), tôi còn nhớ cảnh Hoàng Cầm ngồi rung đùi ngâm thơ bên cạnh người vợ mà rồi đây nó sẽ không bao giờ gặp lại nữa, giọng ngâm buồn rười rượi..."376● Đêm Liên Hoan, Tâm sự đêm giao thừaBên kia sông ĐuốngPhạm Duy viết về ba tác phẩm chủ yếu của Hoàng Cầm trong thời kháng chiến:"Bài thơ Đêm Liên Hoan377 được viết ra ngay trong những ngày đầu đi công tác. Hoàng Cầm và tôi diễn ngâm bài này rất nhiều lần trước hàng trăm, hàng ngàn Vệ Quốc Quân:Đêm liên hoan đầu nhấp nhô như sóng bể ngang tàng.Ta muốn thét cho vỡ tung lồng ngựcVì say sưa tình thân thiết Vệ Quốc Đoàn.Biết bao nhiêu Vệ Quốc Quân "lao đầu vào giặc" sau khi nghe những lời thơ đầy hào khí và thân thiết này:Trong tiểu đội của anh Những ai còn ai mất?Không ai còn, ai mất Ai cũng chết mà thôi.Người sau kẻ trước lao vào giặcGiữ vững nghìn thu một giống nòiDù ta thịt nát xương phơiCái còn vĩnh viễn là người Việt Nam...Ngoài bài thơ Đêm Liên Hoan soạn cho riêng tập thể chiến sĩ, Hoàng Cầm- cũng như tôi lúc đó- rất quan tâm tới người dân thường. Lúc đó tôi cũng đã đưa vào loại dân ca kháng chiến của tôi những hình ảnh anh thương binh, người mẹ già, người vợ hiền, đàn trẻ nhỏ... nhiều hơn là hình ảnh Vệ Quốc Quân. Hoàng Cầm, qua bài "Bên Kia Sông Đuống"378 cũng đưa ra một cách tuyệt vời những hình ảnh cô hàng xén răng đen, môi cắn chỉ quết trầu, cụ già phơ phơ tóc trắng, em bé xột xoạt quần nâu. (...) Những bài thơ kháng chiến như vậy đã được Hoàng Cầm và tôi diễn ngâm trong rừng sâu, trên đồi cao hay trong những hang đá dưới ánh đuốc bập bùng, có khi chỉ cách một đồn địch chừng vài ba cây số.Vào khoảng đầu năm dương lịch 1948 tức là sắp sửa tới Tết âm lịch (...) Hoàng Cầm sáng tác thêm một bài thơ nhan đề "Tâm Sự Đêm Giao Thừa" mà tôi cho là tuyệt vời. Hoàng Cầm đưa ra hình ảnh một người lính giữ nước, đang đứng gác trong một khu rừng vắng, giữa đêm giao thừa (...) Bài thơ kết thúc với những câu thơ vẫn vô cùng thân yêu và đầy hào khí như trong những bài thơ khác của Hoàng Cầm:Cha con ăn Tết lập lập côngCho sữa mẹ chẩy một dòng nghìn thu.Cha đem cái chết quân thùLàm nên sức sống bây giờ của con. (...)Phải ghi nhận một điều rất quan trong là tác dụng của bài thơ. Nó đã có khả năng diệt giặc hơn cả những võ khí tối tân lúc đó như SKZ (súng không giật) hay bazooka vân vân... Trong ba lô của bất cứ một Vệ Quốc Quân nào cũng đều có những bài thơ chép tay của Hoàng Cầm. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp không thể nào thành công nếu không có những tác phẩm văn nghệ như những bản nhạc của Văn Cao, và những bài thơ của Hoàng Cầm, Quang Dũng (...) Còn nhớ có một lần, tôi và Hoàng Cầm ngâm bài thơ Đêm Liên Hoan cho bộ đội nghe 15 phút trước giờ tấn công đồn địch. Sau đó một anh bộ đội đã nói: "Tôi vào giữa đồn mà vẫn còn nghe tiếng ngâm thơ của các anh văng vẳng ở trong đầu". Thế mới biết sức mạnh của văn nghệ"379.● Đóng góp máu xương trong kháng chiếnNhưng kháng chiến không chỉ có hào hùng, mà còn là đói khát, chết chóc, kinh hoàng.Hoàng Cầm nhắc lại thực trạng 1949, năm cam go nhất trong kháng chiến:"... lên rừng sẵn sàng ăn cơm với muối, không có cả gạo nữa thì ăn cả củ mài (...). Măng nứa, măng mai là ăn vãn hết rồi. Mà vẫn đói quá, bởi vì năm 49 là năm đói nhất. Chính vợ Hoàng Cầm là một, con gái Hoàng Cầm là hai, chỉ vì đói, ăn lung tung cả mới sinh bệnh mà chết. Hai mẹ con chết liền trong một tuần lễ trong lúc tản cư năm 49.(...) Rồi đến năm 52, đóng góp một giọt máu nữa cho kháng chiến chống Pháp là người em ruột của Hoàng Cầm, nó cũng rất có tài về văn nghệ.(...) Hoàng Cầm cử nó làm đại đội trưởng đội văn công Tây Bắc(...) Cậu ấy đi đánh phỉ và bị phỉ nó sát hại, cả một đội văn công 12 người, chết hết"380.Hồ Dzếnh cũng mất người vợ và con trai lên ba. Nhà thơ ghi lại bối cảnh kinh dị của người cha hôn cái xác bé bỏng: "Rồi cái hôn bò lên tóc, lên tai, lên môi, lên cổ, cái hôn đi lần xuống khắp người, và ngừng lại ở hạt giống bé nhỏ. Nhưng vẫn không một lời nói cất lên giữa cái mê đắm kỳ dị, man rợ đó, ngoài tiếng thở rít lên, hít vào khoan khoái. Lần cuối cùng người cha "ăn" con bằng những cái hít rùng rợn, cũng như ngày trước, chính con người đó, đã đôi lúc muốn "quay rô-ti" con lên"381.Và thay con, Hồ Dzếnh viết lại tâm cảm đứa bé nhay vú mẹ, người mẹ dốc cạn sữa cho con đến tàn lực, tàn hơi:"Có lúc tôi nhai mạnh đầu vú. Ở chỗ thịt nứt, nước miếng tôi thấm vào, tia sữa bị rút lên, nghe buốt đến tận ruột mẹ. Và sữa tuôn ra với máu, chảy tràn ra hai mép tôi, chất ngọt dịu pha lẫn mùi vị tanh hăng làm cổ tôi nuốt vội. Mẹ tôi co người, nghiến chặt răng lại, đôi mắt chớp chớp trong dòng lệ nóng hổi" 382.