Chương 2 (tt)
Lịch trình Nhân Văn Giai Phẩm

     ố Hữu ra lệnh bắt Trần Dần
Về việc Trần Dần cứa cổ, chỉ có Hoàng Cầm kể lại, trong bài cải chính -không in- mà Hoàng Cầm nhắc đến ở trên. Trong buổi nói chuyện với RFI, ông thuật lại ít nhiều chi tiết. Đặc biệt trong hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, đoạn ghi lời của Hoàng Cầm về việc Trần Dần, rõ hơn:
"Hồi Hoàng Cầm cho in tập Giai Phẩm Mùa Xuân, có đăng bài của Trần Dần, Tử Phác. Tố Hữu triệu tập mấy người đến họp: Hoàng Cầm, Văn Phác (phụ trách tổ chức
Bộ Văn Hoá), Chế Lan Viên... Tố Hữu cầm cuốn Giai Phẩm Mùa Xuân, hỏi mọi người: "Các anh thấy tập sách này thế nào?" Không ai dám trả lời, vì không đoán được ý Tố Hữu. Chế Lan Viên nhanh trí, đoán trúng ý thủ trưởng. Anh nói: "Cuốn sách đại phản động!"
Tố Hữu hỏi Văn Phác:"Hiện nay chúng nó đang ở đâu?" Văn Phác: "Thưa, các anh ấy đang đi thực tế ở Yên Viên".
Tố Hữu ra lệnh - Hoàng Cầm nhớ đúng sáu tiếng: "Gọi nó về, bắt lấy nó!"
Thế là Văn Phác làm giấy tờ để bắt Trần Dần, Tử Phác.
Và đây là lời kể của Trần Dần, Hoàng Cầm thuật lại: Chiều hôm ấy, có một cái xe ô tô nhà binh đến Yên Viên. Họ gọi Trần Dần, Tử Phác ra và lập tức bịt mắt. Trần Dần kịp thấy trên xe có lính mang súng, lưỡi lê tuốt trần.
Hoàng Cầm nói, Trần Dần là tay thần kinh rất vững. Anh ta bình tĩnh lắng nghe để đoán xem xe đi đâu. Qua một cái cầu dài. Thế là vào Hà Nội. Nhưng xe lại chạy tiếp khá lâu. Thế là đi quá Hà Nội. Đến một chỗ nào đấy, xe đỗ lại. Người ta dắt Trần Dần, Tử Phác, đi xuống một địa điểm ở sâu dưới đất - vì cứ thấy xuống nhiều bậc, xuống mãi. Đến một độ sâu nào đấy, họ dừng lại và đẩy Trần Dần vào một căn hầm, đóng cửa lại. Trần Dần nghĩ bụng, chắc bị thủ tiêu. Thủ tiêu ở đây thì ai biết được? Coi như mất tích. Anh nghĩ phải tìm cách lên được mặt đất.
Sáng ra, thấy đây là một cái hầm đào sâu dưới đất. Ánh sáng lọt xuống từ nóc hầm qua một ô cửa có chấn song, ở trên thoáng thấy có bóng một anh lính gác.
Trần Dần thấy trong hầm có một cái phản gỗ và một bình nước. Anh kéo cái phản ra chỗ ánh sáng từ trên nóc hầm rọi xuống, cởi áo ngoài, để phơi áo sơ mi trắng bên trong ra, lấy một cái mince lame trong túi, nằm ngửa lên phản, dùng lưỡi dao cứa vào cổ cho máu phun ra ngực áo, rồi giẫy đạp ầm ĩ, cốt cho anh lính gác nghe thấy. Anh lính gác nhìn xuống thấy thế hoảng quá: Nó tự tử, phải đưa cấp cứu ngay! Một lát sau, cửa hầm mở, người ta đưa Trần Dần đi cấp cứu ở một bệnh viện gần đó. Té ra là bệnh viện Hà Đông. Ở đây, Trần Dần may vớ được một người quen bèn viết mẩu giấy nhờ đưa đến Tổng Cục Chính Trị nơi anh công tác. Nguyễn Chí Thanh lập tức đến bệnh viện và ra lệnh tha ngay cả Trần Dần và Tử Phác.
Hoàng Cầm rất phục Trần Dần. Thằng cha thần kinh rất vững. Hoàng Cầm cũng từng bị bắt giam. (Ông nghe Hoàng Hưng, định đưa tập thơ Về Kinh Bắc sang Pháp in). Ông nói: "Tôi nhát lắm, mọi tội tôi xin nhận hết" (Hết hạn tù, người ta cho ra, còn xin ở lại viết kiểm thảo. Tô Hoài cho tôi biết thế). Sợ nhất là trong tù cứ thấy tiếng phát ra đều đều không biết từ đâu: Khai thật đi! Khai thật đi! Khai thật rồi về với vợ con!
Chuyện nghe khá sợ. Một hình thức khủng bố về tâm lý. Chẳng biết Hoàng Cầm có thêm thắt gì vào sự thật không. Nhưng quả là đáng sợ. Hoàng Cầm cũng hay tưởng tượng thêu dệt thêm ra nữa48".
● Hoàng Cầm kể lại việc bắt Trần Dần
Trong băng ghi âm Hoàng Cầm nói chuyện với bạn bè, ông kể rõ nhiều chi tiết hơn:
Việc này Trần Dần kể lại với tôi và Lê Đạt như sau: Khi ấy tao đang đi cải cách ruộng đất, tao và Tử Phác mỗi người ở một nhà. Một đêm ra ngoài Tết, vào khoảng 12 giờ khuya, tao đang ghi chép, thì thấy đèn pin lấp loá ngoài sân, rồi có tiếng quát: Trần Dần đâu? Có người sập cửa liếp, tao ra mở thì có người hỏi: Anh là Trần Dần phải không? Rồi đọc lệnh bắt, ký tên Ngô Minh Loan, cục trưởng Cục Quân Pháp. Họ bảo tao sắp hết đồ đạc vào ba lô, rồi ra sân. Ra sân thì họ bịt mắt rồi đẩy lên thùng xe, tao nghe tiếng vũ khí tuốt trần chạm nhau. Xe đi độ một lúc, thì qua cái cầu, tao đoán là cầu Yên Viên, sông Đuống. Đi lúc lâu nữa thì đến một con đường phẳng phiu, tao đoán là quốc lộ số 1, rồi qua một cái cầu rất dài, chắc là cầu Long Biên. Đi khoảng một tiếng nữa thì xe dừng, họ nhấc tao xuống, dẫn đi độ dăm phút thì bắt đầu đi xuống, chân chạm các bậc đá, khá cao, tao đếm đúng 37 bậc, vai vẫn đeo ba lô. Xuống đến nơi thì nghe họ mở xích sắt, rồi họ đẩy tao vào. Đến lúc họ tháo băng ra thì mình vẫn thấy tối mù, hai người lính đi lên, lại khoá xích lách cách. Tao nhìn tít lên cao thấy một khoảng sáng mờ độ bằng bàn tay, thỉnh thoảng có ánh đèn pin chiếu xuống, nhờ đó mà tao thấy cái hầm nhốt mình rộng độ hai mét vuông, có cái phản làm bằng hai tấm ván kê trên hai mễ gỗ, một bình nước và cái bô vệ sinh. Tao thấy mệt, nằm xuống ngũ đã. Tỉnh dậy trời đã sáng, qua cái lỗ bé tý trên đỉnh, vẫn thấy đèn pin thỉnh thoảng chiếu xuống. Tao nghĩ mãi không biết mình bị bắt vì tội gì, thằng nào bắt, mà nó giam kiểu này thì tội nặng lắm. Bấy giờ ở Phòng Văn Nghệ quân đội cũng nhiều đứa ghét mình, như loại Vũ Tú Nam, Vũ Cao... Thôi, cứ nghỉ một ngày cho thoải mái đã, tao nằm một lúc thì thấy trên lỗ ném xuống một gói, mở ra thấy hai nắm cơm, kèm gói muối. Tao thấy đói, ăn ngon lắm, lại nằm, lại nghĩ, cứ bình tĩnh, cố giữ tâm hồn thanh thản... Qua hai đêm sau, tao điểm tên những người có thể ra lệnh bắt, trong quân đội thì chỉ có thể là ông Nguyễn Chí Thanh, không thì ông Lê Quang Đạo, hay ông Lê Chưởng. Có thằng Văn Phác, là chính ủy trung đoàn lên làm trưởng Phòng Văn Nghệ nó cũng ghét tao lắm. Ngô Minh Loan chỉ là cục trưởng Quân Pháp thì ký lệnh thôi, chủ trương bắt đến từ người khác.
Chắc tại mình bướng làm bản kiến nghị 36 điều, tại thế chăng? Bây giờ phải làm sao thoát được chỗ này, phải lên được mặt đất, chứ nằm dưới hầm, mỗi ngày nó ném cho hai lần, hai nắm cơm, không ai hỏi han gì, không ai biết ở đâu, chắc vài tháng thì chết. Đây là âm phủ rồi. Phải làm sao lên được trần gian. Nghĩ ngợi tính toán, nằm thêm một đêm nữa, sáng hôm thứ ba tao nghĩ ra: nó bắt giam thế này là tội to, mà tội to thì còn phải hỏi cung, nó không thể để cho mình chết. Nó bảo cô Khuê vợ mình là gián điệp cài lại, thì chắc nó cho mình đã đi theo địch, hay ở trong tổ chức nào của địch gài lại chăng? Vậy nó phải để cho mình sống để moi móc tài liệu. Tao mới nghĩ cách lên mặt đất bằng giả chết, bắt buộc nó phải cho lên mặt đất, giữ mình sống để còn điều tra. May trong ba lô của tao còn hộp dao cạo, có hai mince lame, một còn mới, vậy tao phải đổ máu tại đây. Tao lấy trong ba lô cái chemise trắng mặc vào, nằm thẳng trên ván, kéo hết sức da cổ ra, cắt đứt, cho máu tứa ra cái áo chemise trắng, rồi tao đập chân đập tay vào ván, thế thì trên nó quét ngay đèn pin xuống, thấy máu trên nền chemise trắng, nó nghĩ ngay tên tù này định tự tử. Quả nhiên chỉ một phút sau là cửa xích sắt mở và 2, 3 thằng xuống khiêng tao lên. Tao giả vờ chết đến nơi, xỉu đi, thế là chúng nó đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu, Viện 103, là một trong những quân y viện lớn nhất của quân đội, cách thị xã Hà Đông 3, 4 cây số.
Tên đại đội trưởng ra lệnh cho bác sĩ cấp cứu ngay: "Đây là một tên tội phạm tội to lắm, trên giao cho chúng tôi bảo vệ nó, mà để nó tự tử thì chúng tôi bị kỷ luật". Tao được ưu đãi lắm, trưa hôm ấy họ cho ăn cháo gà. Nghĩ lại mình quá may, nếu không có mince lame thì làm sao lên được mặt đất. Đến chiều thì người bác sĩ trực mới lân la hỏi chuyện: "Anh là Trần Dần chứ gì, tôi đã gặp anh ở Sơn La, anh không nhớ à?" Lại hỏi: "Sao anh xử sự thế này, ai bắt anh?" Tao chỉ trả lời vắn tắt: "Chuyện nó dài lắm, lúc khác anh em mình nói chuyện". Anh bác sĩ kể, lúc họ đưa anh vào đây, tôi có điện thoại cho anh Phạm Văn Đồng, tôi nói: "Thưa thủ tướng, tại sao anh Trần Dần đi chiến dịch Điên Biên, viết Người người lớp lớp mới đây, mà lại bị bắt, lại tự tử?" Tôi nghe đầu kia ông Đồng hét lên: "Cái gì? Làm sao? Ai bắt?" Rồi tôi nghe trong máy có giọng ông Nguyễn Chí Thanh, ông Thanh hơi gắt: "Sao thế nhỉ? Sao chuyện ấy tôi lại không biết? Thôi được rồi, anh cứ để tôi giải quyết ngay lập tức". Thế là ông Thanh điện thoại lại Quân Y Viện, căn dặn chúng tôi là tên tội phạm to thì phải chữa cho thật khỏe lên, sáng mai 9 giờ tôi sẽ xuống bệnh viện. Hôm sau ông Thanh xuống, mang theo một nải chuối và hai cân cam, ông nói với tao: "Anh Dần buồn cười nhỉ, tại sao lại phải tự tử? Anh là đảng viên, có gì thì phải viết thư cho tôi, phải ở trong tổ chức, nếu tôi không giải quyết được thì đề đạt lên Bộ Chính Trị, mà trên nữa còn Hồ Chủ Tịch". Tao trả lời: "Nếu tôi không tự tử thì làm sao gặp được anh hôm nay?" - "Thế anh giả vờ chứ gì?" - "Vâng, tôi giả vờ, nhưng nếu không làm thế thì tôi chết ở đâu anh cũng không biết". Ông Thanh dịu giọng: "Thôi nằm tĩnh dưỡng đi rồi còn về làm việc"49.
Thoại của Hoàng Cầm, theo ông, là do Trần Dần kể lại, chắc gần sự thực hơn cả nhưng không thấy ông nói đến việc Trần Dần viết thư cho tướng Nguyễn Chí Thanh. Vậy có thể hiểu: Khi tướng Nguyễn Chí Thanh xuống bệnh viện thăm, có thể chính ông Thanh đã căn dặn Trần Dần phải viết lá thư trần tình để ông dễ bề can thiệp. Lá thư này đã được Boudarel nhắc đến và Vũ Tú Nam sử dụng.
Giai Phẩm Mùa Xuân bị tịch thu, Lê Đạt bị kiểm thảo. Trần Dần bị kết tội phản động. Trần Dần, Tử Phác bị bắt. Sự khủng bố trở nên công khai nhưng cũng mở màn cho một phong trào đấu tranh cho dân chủ rộng lớn hơn, nửa năm sau.
Vậy nội dung Giai Phẩm Mùa Xuân chứa đựng những gì?
13 Vừa viết xong tác phẩm Người người lớp lớp về Điện Biên Phủ.
14 Dẫn theo Boudarel, bài Le tort de parler trop tôt - Sai lầm vì nói quá sớm, viết về Nguyễn Mạnh Tường, Revue Sud Est Asie, số 52.
15 Lê Hoài Nguyên, Vụ Nhân Văn - Giai Phẩm từ góc nhìn một trào lưu dân chủ, một cuộc cách mạng văn học không thành, website nguyentrongtao.com 06/08/2010.
16 Boudarel, Cent fleurs écloses dans la nuit du Vietnam, trang 59.
17 Một người thân thuộc trong nhà xuất bản Minh Đức.
18 Những lời thú nhận của Hoàng Cầm, Văn Nghệ số 12, tháng 5/58.
19 In lại trong cuốn "Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ Việt Bắc", do Lại Nguyên Ân soạn, nxb Văn Hoá Thông Tin, 2005.
20 Lê Đạt trả lời phỏng vấn RFI.
21 Do Nguyễn Hữu Đang và Lê Đạt biên tập.
22 Lê Đạt trả lời phỏng vấn RFI.
23 Xem "Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ Việt Bắc" của Lại Nguyên Ân.
24 Lại Nguyên Ân, sđd, trang 69.
25 Lại Nguyên Ân, sđd.
26 Trần Dần ghi trang 143.
27 Vũ Tú Nam, Sự thực về con người Trần Dần, Văn Nghệ Quân Đội, tháng 4/58.
28 Theo băng ghi âm Hoàng Cầm nói chuyện với bạn bè.
29 Hoàng Cầm, Con người Trần Dần, Nhân Văn số 1.
30 Vũ Tú Nam, Sự thực về con người Trần Dần, Văn Nghệ QĐ, số 4, tháng 4/58.
31 Theo băng ghi âm Hoàng Cầm nói chuyện với bạn bè.
32 Boudarel, Cent fleurs écloses dans la nuit du Vietnam, trang 100 và 126. 33 Theo băng ghi âm Hoàng Cầm nói chuyện với bạn bè.
34 Boudarel, Cent fleurs écloses dans la nuit du Vietnam, trích dịch trang 101.
35 Quân Đội Nhân Dân số 301, ngày 27/11/1956.
36 Văn Nghệ Quân Đội số 6, tháng 6/1958.
37 Boudarel, sđd, trang 125-126.
38 Theo Hoàng Cầm, Con người Trần Dần, Nhân Văn số 1.
39   Tức là từ 16/2/1956 đến 2/3/1956.
40 Lê Đạt trả lời phỏng vấn RFI.
41 Trần Đĩnh là một trí thức bạn thân của Hoàng Cầm, Lê Đạt.
42 Trần Dần và Tử Phác
43 Theo băng ghi âm Hoàng Cầm nói chuyện với bạn bè.
44 Theo Boudarel, sđd, trang 46. Chúng tôi dùng thoại của Boudarel, vì tin rằng Boudarel đã thấy hoặc có tài liệu về bức thư viết ngày 21/2/56. Xin xem thêm thoại của Hoàng Cầm ở phần dưới: Tại bệnh viện, bác sĩ điện thoại cho thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông Đồng trao cho tướng Thanh giải quyết. Có thể cả hai thoại đều đúng: Tướng Thanh sau khi gặp Trần Dần ở bệnh viện đã dặn Trần Dần phải viết thư khiếu nại cho ông, để ông có thể can thiệp hữu hiệu hơn.
45 Hoàng Cầm, Con người Trần Dần, Nhân Văn số 1.
46 Những lời thú nhận của Hoàng Cầm, Văn Nghệ số 12, tháng 5/58.
47 Tố Hữu, Nhìn lại 3 năm phá hoại của nhóm "Nhân Văn-Giai Phẩm", BNVGPTTADL, nxb Sự Thật, Hà Nội 1959, trang 22-24.
48 Trích Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh, chưa in..
49 Theo băng ghi âm Hoàng Cầm nói chuyện với bạn bè.