ì Hạnh tươi cười đứng trước gương thử lại mấy chiếc áo dài cưới vừa lấy ở tiệm về. Phượng bước chân vào phòng, tay ôm một bó hồng nhung đỏ thắm, dì Hạnh quay lại:
- Phượng, cháu xem có vừa không?
Phượng vuốt nhẹ tà áo dài mềm mại:
- Vừa vặn quá dì à. Đâu, dì xây lại đằng trước cho cháu xem.
Dì Hạnh quay qua bên trái rồi qua bên phải theo lời cô cháu nhỏ. Phượng muốn ôm chầm lấy dì, nói thầm vào tai dì. Dì ơi cháu sung sướng trước niềm vui đậm đà của dì.
- Hôm nay Phượng hái nhiều hoa rứa?
Phượng đến bàn viết cắm hoa vào lọ:
- Hồng sáng nay nở nhiều lắm dì. Vả lại, cháu muốn tự tay cắm vài bình hoa phòng dì những đóa hoa rực rỡ nhất, lộng lẫy nhất. Cho nên cháu chỉ chọn màu đỏ.
Dì Hạnh hôn nhẹ lên từng cánh hoa hồng còn mọng sương đêm:
- Cám ơn Phượng. Nhưng theo dì thấy, màu đỏ có vẻ lòe loẹt quá, sao Phượng không hái hoa màu hồng?
Phượng nheo mắt:
- Hoa màu hồng di có nhiều rồi, hái làm chi nữa.
- Mô?
Phượng tinh nghịch:
- Một triệu cánh hoa màu hồng đang nở trong tâm hồn dì đó.
Dì Hạnh đỏ mặt, đấm thùm thụp vào lưng Phượng:
- Quỷ nà, cứ chọc dì hoài.
Phượng chạy bay xuống gác cười khúc khích, nàng nhớ đến câu nói mới đây của ngoại: “Thật tôi không ngờ con Hạnh quyết định mau rứa. Quen nhau mới có ba tháng mà đã chấp nhận đi đến hôn nhân. Dù sao thì chuyện đã rồi, tôi mừng cho hạnh phúc của nó”.
Những ngày sau này, hai ngoại thường bàn đến lễ cưới của dì Hạnh sắp đến. Hai ngoại muốn mời ba me Phượng ra Huế dự ngày vui của cô em gái. Riêng dì Hạnh, dì muốn tổ chức một lễ cưới thật đơn giản, âm thầm, Chỉ cần mời một số người quen thân là đủ. Phượng cũng đồng ý với dì. Ở tuổi của dì, không cần linh đình trọng thể mà chỉ cần đơn giản tối đa, miễn là hai người trong cuộc biết thương yêu nhau chân thành là quý lắm rồi.
*
Sáng chủ nhật cuối mùa hè, mơi rơi đằm thắm. Những hạt mưa bụi thật nhỏ bàng bạc không gian, lấp lánh ánh nắng mai rực rỡ như những giọt kim tuyến vương lên hàng cây đầu ngõ. Ngày cưới của dì Hạnh được tổ chức đơn sơ, thân mật. Những nghi lễ Huế lần lượt diễn ra trước những câu chúc tụng khách sáo của bà con quyến thuộc. Dì Hạnh duyên dáng trong chiếc áo dài gấm đỏ, vành khăn vàng màu vua chúa. Bên cạnh ông Long luộm thuộm trong chiếc áo thụng xanh. Bữa tiệc thịnh soạn được bày ra trước hàng hiên, đèn hoa giăng khắp nơi tưng bừng.
Phượng cảm thấy bực bội và lúng túng vì sự hiện diện của Hoàng. Đúng là khách không được mời.
- Hôm nay Phượng rất đẹp.
Lại tán tỉnh, cái trò rẻ tiền, xưa như quả đất. Phượng bực mình gắt:
- Hoàng lại muốn gặp chú Long chứ gì. Không phải lúc đâu.
- Chú Long thật kín, đến ngày cưới cũng giấu biệt.
- Thôi xin phép anh, Phượng phải lo tiếp khách.
Phượng đi ra cổng, gặp bác Vinh:
- Thưa bác, Diệu Hương đâu bác?
- Nó đau cháu nờ. Không biết mấy bữa ni nó buồn chuyện chi mà cứ dật dật dờ dờ, xanh xao vàng vọt.
Phượng lại nghĩ đến Hoàng. Trời ơi, sao anh ta tàn nhẫn đến như vậy nhỉ? Ông Long nói thật đúng, một con người vô đạo đức không thể đảm nhận một vai đạo đức được.
Phượng đưa bác Vinh vào ngồi cạnh ngoại. Một lát, bạn bè của dì Hạnh đến thật đông. Phượng bận rộn quá đến quên cả Hoàng. Anh chàng vẫn không buông tha:
- Phượng, Phượng nên nghĩ đến tình bạn mà giúp đỡ anh một lần cuối. Em hãy nói với chú Long...
Hoàng thật kỳ, chỉ vì chút hư danh mà bán rẻ cả phẩm giá của mình. So với Minh, Hoàng thua xa. Chàng thanh niên trường Mỹ thuật đó đã đối đãi rất tốt với Phượng, đã chỉ vẽ cho Phượng nhiều vấn đề liên quan đến học hành, xã hội và những giao tiếp ngoài đời. Minh là người bạn chân thành, vậy mà có lúc Phượng đã xem thường, thậm chí còn ghét Minh bởi vẻ đẹp rực rỡ như ánh hào quang của Hoàng. Bây giờ thì vầng sáng quanh Hoàng đã tắt lịm, Hoàng phải trả giá cho những hành động xấu xa bỉ ổi của mình. Sau ngày Thùy Linh bỏ về Sài Gòn, bộ mặt thật của Hoàng đã lộ nguyên hình, Phượng nghe ông Long nói rằng, dạo này, những người trong giới nghệ sĩ đều chán ghét Hoàng, cho nên anh ta mới bám riết theo ông như vậy.
Bên tai Phượng, giọng Hoàng vẫn mè nheo:
- Phượng tạm ráng xin chú Long...
Phượng gắt:
- Phim chú Long đã có người đóng rồi, khỏi cần đến anh.
Phượng che miệng lại không kịp, chết, nàng đã bật mí điều bí mật của ông Long rồi. Nhưng khỏi lo, làm sao Hoàng tin cho được:
- Phượng chưa đọc báo sao, chú Long đang tìm diễn viên mà.
May có bà ngoại đi đến:
- Ai như cậu kịch sĩ bạn con Phượng?
Hoàng cúi đầu:
- Cháu xin chào bà, cháu là Hoàng đây ạ.
Bà ngoại vui vẻ:
- Minh ơi, đưa cậu Hoàng vào bàn thanh niên cho vui cháu.
Hoàng miễn cưỡng đi theo Minh.
*
Rừng Thiên An vào một buổi sáng. Nắng mai nhuộm vàng cây lá, ngàn cánh hoa dại đủ màu sắc vươn mình thức dậy chào đón bình minh. Minh sửa soạn giá vẽ dưới gốc cây thông già. Trong khi chờ đợi, Phượng đi dạo chơi thơ thẩn khắp nơi. Đất trời quê ngoại nắng mới đẹp làm sao, một màu xanh bao la bàng bạc không gian, khung trời xanh, ngàn thông xanh, thảm cỏ xanh, mạch sống lan tràn trong những búp non đầu gió, trong những thân cây leo mạnh mẽ tưởng chừng vươn lên tới những đám mây trắng bềnh bồng trên kia... và tuyệt vời hơn cả là triền đồi hoa tím, những cơn mưa dễ thương mùa hạ đã tưới mát bồn hoa, cho hoa xoè từng cánh nhỏ li ti phơn phớt tím rợp một vùng trời.
- Phượng ơi.
Phượng nghe tiếng Minh nhưng vẫn không quay lại, đồi hoa tím đã thật sự chiếm mất tâm hồn nàng. Minh đã đến sau lưng Phượng:
- Cô nương đang mơ mộng gì đó?
Phượng quay lại:
- Minh thấy thế nào?
- Rất đẹp. Minh sẽ vẽ Phượng bên đồi hoa tím, bên hàng thông xanh và dưới những làn mây trắng bồng bềnh...
- Sắp hết hè rồi.
- Mình sẽ chạy đua với thời gian, dù có vắt giò lên cổ.
Phượng thở dài:
- Thời gian... nhanh thật, mới hôm nào...
Minh đỡ lời:
- Hôm nào hai đứa mình gặp nhau trên máy bay, hồi đó sao mà Phượng ghét Minh thế!
- Thôi đừng nhắc nữa, Minh tưởng đến bây giờ Phượng hết ghét Minh chắc?
- Ghét cũng có nhiều cách. Cách hiện nay Minh khoái hơn.
Phượng nghiêm nghị:
- Thôi không giỡn nữa. Mình làm việc nhanh lên, trưa rồi đó.
- Ô kê. Lần này Phượng đứng giữa ngàn thông nhé, tha hồ cho Phượng gửi hồn lên chín tầng mây.
Có tiếng xe máy nổ rõ dần từ cuối con đường đất ngoằn ngoèo dẫn vào rừng, ngang qua chỗ Minh và Phượng.
Chưa tới nơi, người ngồi phía trước đã reo lên:
- A, hai cháu đây rồi.
Phượng vỗ tay:
- Chú Long, dì Hạnh kìa.
Chú Long dừng xe lại:
- Không ngờ gặp cô cậu ở đây.
- Chú và dì đi đâu thế?
Dì Hạnh nhanh nhẹn nhảy xuống xe:
- À, dì đang làm hướng dẫn viên du lịch cho khách đi tìm cảnh để quay phim đấy.
Minh nói:
- Trời đất, bộ chú Long không chịu để cuốn phim của chú ra khỏi thời gian trăng mật được sao.
Chú Long làm vẻ mặt đau khổ:
- Thật là oan Thị Kính - Quay qua dì Hạnh - Kìa, em, bào chữa dùm anh đi chứ.
Dì Hạnh cười tươi như hoa:
- Tại dì đó, dì muốn giới thiệu cho chú Long một phong cảnh thơ mộng của xứ Huế mình.
Dì đến bên Minh:
- Minh sắp vẽ Phượng đứng dưới cây thông à? Không đẹp mô, để dì chỉ chỗ cho, tới nơi đồi hoa bâng khuâng mới hết ý. Rồi dì sẽ kể chuyện cho mà nghe.
Phượng thoáng đỏ mặt, không biết tự bao giờ, dì Hạnh đã thay cách xưng hô với Minh, tiếng “chị” được thay bằng tiếng “dì” một cách êm ái ngọt ngào. Nàng lặng lẽ nhìn người bạn trai trước mặt. Minh với đầu óc khôi hài vui nhộn, nhưng khi Minh nghiêm trang, trông chàng thật điềm đạm dễ thương. Một niềm vui rộn ràng trong tim Phượng khi nàng nghĩ đến những ngày sắp tới, ngày trở lại Sài Gòn giữa sân trường Tổng Hợp nồng nàn hương hoa sứ, bên cạnh các bạn bè quen thuộc, còn có Minh... Minh có thay thế được Hoàng trong trái tim Phượng không?
Lời dì Hạnh thúc dục:
- Mau lên, mau lên.
Giờ này, mặt trời lên cao, đồi hoa tím càng rực rỡ.
- Dì ơi, dì định kể chuyện chi rứa dì?
- Chà, bữa ni Phượng của dì bày đặt nói giọng Huế nữa chớ.
- Giống không dì?
- Cháu nói y hệt như cô Hồng Vân trong chương trình kịch “trong nhà ngoài phố” quá, người Huế nào cũng muốn bỏ Huế mà đi cho rồi.
Phượng cười nói lảng:
- Thôi dì đừng chọc quê cháu nữa, dì kể đi dì.
Dì Hạnh mơ màng nhìn lên đồi hoa tím.
- Loài hoa này có một truyền thuyết. Thuở ấy, có hai người yêu nhau tha thiết, họ thường đưa nhau lên đồi thề nguyện hẹn ước, sau người con trai ra trận và bị mất tích. Chiều nào, người con gái cũng lên đồi vọng tưởng và cuối cùng rũ chết, linh hồn nàng hòa vào lòng đất, mọc lên một loài hoa màu tím. Cháu thử hái một nhành hoa mà xem, cánh hoa nhỏ tí lúc nào cũng rưng rưng như sắp khóc. Hoa có tên là bâng khuâng cháu à.
Minh nói với ông Long:
- Trong người dì Hạnh luôn có những “truyền thuyết”, nào là truyền thuyết cơm âm phủ, truyền thuyết hoa bâng khuâng, truyền thuyết Hạnh Long... Chú ơi, chú đã có một kho tàng kịch bản trong tay rồi đấy nhé, tha hồ làm đạo diễn.
Ông Long cười sung sướng:
- Anh bạn nhỏ này, bây giờ định chĩa mũi dùi qua tôi chắc?
Rồi ông bảo dì Hạnh:
-Thôi mình đi cho nhà danh họa làm việc.
Phượng nheo mắt với Minh:
- Một đều.
Minh không vẽ gì được nữa, vì đã quá trưa.