Hoài Liên dịch
từ bản tiếng Đức Ansichten Eines Clowns
Chương 15

Tôi nhận ra tiếng động ấy nhưng không biết nên xử sự như thế  nào. Rõ ràng tôi đã nghe thấy tiếng động ấy không phải một lần  nhưng tôi vẫn không hề có ý định động đậy. ở nhà bố mẹ tôi thường  là gia nhân ra mở cửa khi có người bấm chuông. ở nhà già Derkum,  đã nhiều lần tôi nghe thấy tiếng gọi ngoài cửa hàng tôi vẫn không  phải động chạm chân tay một lần nào. ở Cologne, chúng tôi đã sống, Marie và tôi, trong một nhà trọ ở đấy người ta chỉ dùng  telephon.
Như vậy là tôi không động đậy khi nghe thấy tiếng chuông. Tiếng  chuông nghe lạ tai. Tôi chỉ nghe thấy nó hai lần trong ngôi nhà này:  hôm người giao hàng đem sữa đến và hôm Zỹpfner gửi tặng Marie  một bó hoa trà.
Khi người đưa hoa tới, tôi còn nằm ở giường. Marie bước vào, rất  vui chìa ra cho tôi xem bó hoa, em vục mặt vào bó hoa hít hương  thơm của chúng. Nhưng tiếp theo sau đó là một sự việc đau buồn:  thực ra tôi tưởng là hoa người ta tặng tôi, có nhiều người hâm mộ  tôi vẫn thỉnh thoảng gửi hoa đến khách sạn tặng tôi. "Những bông  hoa thật đẹp, em giữ lấy", tôi nói với Marie. Em nhìn tôi ngạc  nhiên: "Nhưng đây là hoa của em!" Tôi đỏ mặt, càng ngượng nghịu  khi chợt nhận ra tôi chưa hề lần nào tặng hoa em. Cố nhiên là tôi  đã mang về tất cả những bó hoa người ta tặng tôi ở trên sân khấu,  nhưng đúng là tôi chưa thật sự tặng hoa em. Hơn nữa nhiều khi,  chính tôi phải bỏ tiền túi ra mua hoa để người ta mang lên sâu  khấu cho tôi.
- Ai gửi hoa cho em đấy? Tôi hỏi.
- Zỹpfner.
- Mẹ kiếp! Thế là thế nào?
Tôi bỗng nhớ lại là họ đã cùng nhau bước ra ngoài hội quán, tay cầm tay.
- Tại sao anh ta lại không thể gửi hoa cho em? Marie nói, mặt đỏ  lên.
- Cần phải đặt câu hỏi khác đi: tại sao hắn lại gửi hoa cho em?
- Chúng em đã biết nhau từ lâu rồi, và có thể là anh ấy mến em.
- Tuyệt vời! Anh ta có mến em bao nhiêu cũng được! Nhưng tặng  em cả một đống hoa đắt tiền như thế thì anh cho đó là một cử chỉ  không đúng chỗ, nếu không muốn nói là bất nhã!
Bị xúc phạm, em bước ra khỏi phòng.
Hôm người giao hàng đem sữa đến, chúng tôi, Marie và tôi,  đương ở phòng khách, chính em ra mở cửa và trả tiền cho ông ta.  Rút cục chúng tôi chỉ tiếp khách ở nhà có một lần, đó là Léo trước  ngày nó quy đạo, nhưng vì nó cùng đi với Marie, nên không bấm  chuông.
Tiếng chuông lần này kêu một cách lạ lùng, vừa rụt rè vừa dai  dẳng. Tôi rất sợ đó là Monika - biết đâu? - Sommerwild có thể lấy cớ  gì đó phái cô đến. Chuyện phức tạp những người lùn Nibelungen  đương choán ngợp tôi. Tôi chạy vội ra phòng ngoài với đôi păngtúp  ẩm ướt, không tìm ra nút bấm để mở cửa. Trong khi loay hoay, tôi  nghĩ là Monika cũng có chìa khoá nhà này. Cuối cùng cũng tìm ra  nút bấm, tôi ấn vào và nghe thấy phát ra từ tầng dưới một tiếng  động giống như tiếng vo ve của một con ong va đầu vào cửa kính. Tôi  bước ra bậc cầu thang và đứng vào cửa buồng thang máy. Tín hiệu  đỏ "bận", sau đó số 1 bật ra, rồi số 2. Tôi dán mắt vào các con số khi  bất thình lình nhận thấy có người đứng ở ngay cạnh tôi. Giật mình  tôi quay lại: một người phụ nữ xinh đẹp, có bộ tóc rất hoe, người  không quá mảnh khảnh, với đôi mắt trìu mến. Theo thị hiếu của tôi  thì chiếc mũ của bà ta màu đỏ hơi quá rực rỡ. Tôi mỉm cười, bà ta  cũng vậy.
- Hẳn là tôi đương đứng trước ông Schnier, bà ta nói. Tôi là bà  Grebsel, người hàng xóm cùng tầng với ông, và rất sung sướng được  trông thấy ông bằng xương, bằng thịt.
- Tất cả sự vui thích là về phía tôi, tôi đáp lại.
Đúng như thế. Mặc dù màu đỏ của chiếc mũ quá rực rỡ, bà  Grebsel trông vẫn rất ngon mắt. Tôi thấy cánh tay bà kẹp tờ báo:  Tiếng nói của Bonn. Bà ta nhận thấy cái nhìn của tôi và đỏ mặt bà  nói:
- Không nên cho việc này có gì đáng quan trọng.
- Cái tên đểu cáng ấy, tôi kêu lên, tôi sẽ tát vào mặt hắn khi có  dịp. Nếu bà biết hắn là một con người hôi thối như thế nào - tên đạo  đức giả bẩn thỉu!... Và thêm vào đó, hắn đã mặc cả để rồi lừa tôi có  một chai rượu!
Bà ta cười trước khi nói:
- Nhà tôi và tôi sẽ rất sung sướng nếu có thể hôm nào được cụ thể  hoá mối quan hệ hàng xóm giữa chúng ta, ông có ý định ở lại đây  một thời gian không?
- Vâng, và nếu bà cho phép, tôi sẽ tới gõ cửa chỗ ông bà một hôm  nào đó. ở bên ông bà, tất cả cũng đều một màu gỉ sắt?
- Đúng vậy, màu gỉ sắt là dấu hiệu riêng biệt của tầng năm.
Thang máy dừng lại một lúc ở tầng ba, rồi con số 4 bật sáng và  cuối cùng đến con số 5. Tôi bất thình lình mở cánh cửa và bật lùi lại  vì kinh ngạc: bố tôi từ buồng thang máy bước ra. Ông giữ cho cửa  mở để bà Grebsel bước vào, rồi quay lại. "Trời ơi, bố!" Tôi thốt lên.  Đây là lần đầu tiên tôi không gọi ông là ba(1). Ông nói "Hans" và  vụng về định ôm hôn tôi. Tôi đi trước đưa ông vào phòng tôi, cởi áo  khoác và cất mũ cho ông, mở cửa phòng khách và mời ông ngồi vào  ghế tràng kỉ. Ông ngồi xuống một cách nghiêm trang.
Cả hai chúng tôi đều tỏ ra rất ngượng nghịu. Hình như sự  ngượng nghịu là mối quan hệ duy nhất có thể xảy ra giữa bố mẹ và  con cái. Người "bố" mà tôi chào hẳn là đã đáp lại bằng một lời thống  thiết, điều đó chỉ có thể làm tăng thêm sự ngượng nghịu, dù sao  cũng không tránh khỏi. Bố tôi, ông vẫn khoái ngồi trong một ghế  bành màu gỉ sắt, nhìn tôi và lắc đầu: lúc đó tôi đi đôi giầy păngtúp  thấm nước, tôi bít tất ẩm và khoác chiếc áo choàng tắm quá dài, ngoài ra nó lại có màu đỏ gắt hoàn toàn không cần thiết. Bố tôi  không cao lớn, mảnh khảnh, ông mặc quần áo với một sự cẩu thả có  nghiên cứu kĩ lưỡng đến nỗi các nhân viên đài truyền hình có thể  phải tranh nhau mời ông mỗi khi họ quyết định đưa lên màn ảnh  cuộc tranh luận về một vấn đề kinh tế nào đấy. Sự khôn ngoan và  lòng nhân từ của ông toát ra bên ngoài làm ông càng trở nên nổi  tiếng như một ngôi sao màn ảnh nhỏ, điều đó ông không thể có được  nếu chỉ là một Schnier - than linhít. Ông ghê tởm bóng dáng một sự  thô bạo nhỏ nhất. Chính vì dáng vẻ ấy mà người ta ngờ là ông còn  phải hút xì gà nữa, không phải loại xì gà gộc, mà là những điếu xì  gà mảnh và nhẹ, và việc ông chỉ hút có thuốc lá đã làm ông, một  nhà tư bản gần bảy mươi tuổi, có một vẻ thư thái và tân tiến kì lạ.  Tôi biết là người ta kéo ông vào tất cả các cuộc bàn luận chung  quanh vấn đề tiền bạc. Người ta nhận thấy ông không chỉ toát ra  lòng nhân từ, mà chính ông nhân từ. Tôi đưa thuốc ra mời ông và  bật lửa cho ông.
- Bố không hiểu nhiều, đúng thế, về các diễn viên hài, lúc ấy ông  nói, nhưng bố hoàn toàn không biết là họ lại tắm bằng cà phê.
Bố tôi có thể rất dí dỏm.
- Con không tắm bằng cà phê, bố ạ, con chỉ muốn rót ra một ít  nhưng lại làm đổ ấm cà phê! (Lẽ ra tôi phải nhân cơ hội này gọi ông  là ba, nhưng đã quá chậm).
- Bố có muốn dùng chút gì không?
Ông mỉm cười và nhìn tôi vẻ nghi ngờ trước khi hỏi:
- Anh có gì mời bố đấy?
Tôi đi vào bếp mở tủ lạnh ra: trong đó ngoài cognac, còn có mấy  chai nước khoáng, nước chanh và một chai vang đỏ. Tôi lấy ra mỗi  thứ một chai mang sang buồng khách và xếp chúng lên bàn trước  mặt bố tôi. Ông rút kính trong túi ra đeo vào, xem xét các nhãn  hiệu. Lắc đầu, ông bắt đầu gạt ra chai cognac. Thế mà tôi biết là  ông thích thứ rượu này, vì thế tôi tự ái:
- Hình như đấy là loại tốt.
- Loại hảo hạng, nhưng rượu cognac tốt nhất cũng không còn ra gì khi đã làm lạnh.
- Bố muốn nói là không nên để cognac trong tủ lạnh...?
Ông nhìn tôi qua phía trên mắt kính của ông như thể tôi là một  tên có thói lắp đít. Theo cách của ông, bố tôi là một nhà duy mĩ, ông  rất có thể trả lại nhà bếp ba hoặc bốn lần các lát bánh mì nướng ở  bữa điểm tâm cho đến khi Anna đã làm cho chúng có được độ vàng  như ý muốn; cuộc chiến đấu thầm lặng lặp đi lặp lại mỗi buổi sáng.  Anna cho là dù sao đi nữa, những lát bánh mì nướng bao giờ cũng  chỉ là một sự "phi lí ănglô xắcxông".
- Thế con thật không biết là không được ướp lạnh rượu cognac, bố  tôi hỏi tôi bằng một giọng khinh thường, hay là con giả vờ đấy? Với  con, người ta không biết thế nào!
- Con không biết thế...
Ông chăm chú quan sát tôi và bề ngoài hình như đã được thuyết  phục, ông cười to:
- Thế mà bố đã phải bỏ ra biết bao nhiêu tiền của cho việc học  hành của con.
Nhận xét này muốn được coi là hóm hỉnh, như vậy thích hợp  trong một câu chuyện giữa một người bố gần bảy mươi tuổi và một  người con đã trưởng thành, nhưng ông thất bại: từ "tiền của" làm cho  sự mỉa mai trở nên lạnh lùng. Lắc đầu, ông cũng gạt ra cả chai nước  chanh và chai rượu vang.
- Trong điều kiện này, ông nói, nước khoáng có thể chắc chắn đảm  bảo hơn cả.
Tôi lấy trong tủ ra hai chiếc cốc và mở chai nước khoáng. Cũng có  một cái gì ít ra tôi còn có thể làm được một cách đúng đắn. Nhìn tôi  mở chai, ông gật đầu với một vẻ khoan dung.
- Bố có thấy phiền lòng nếu lúc này con mặc áo choàng tắm  không? Tôi hỏi ông.
- Mặc như vậy không được. Mời anh mặc quần áo tử tế vào đi.  Quần áo lố lăng và... mùi cà phê của anh so với hoàn cảnh một  người đóng vai khôi hài không thích hợp đâu. Bố có chuyện nghiêm  túc cần nói với con. Và hơn nữa - con không nên giận bố đã nói thẳng
- con biết là bố ghê tởm sự bừa bãi bất cứ dưới dạng nào.
- Không không phải là một dạng bừa bãi, mà là thư dãn.
- Bố không biết đã có được bao nhiêu lần con thực sự nghe lời bố,  nhưng nếu bây giờ con vẫn không muốn, bố đơn giản yêu cầu con  làm vui lòng bố lần này.
Thật lạ lùng! Tôi vẫn hình dung bố tôi dưới vẻ một con người rụt  rè và hầu như ít nói. Như vậy là ở truyền hình ông đã học được cách  tranh luận và lí lẽ với cái vẻ "duyên dáng có sức lôi cuốn". Tôi đã quá mệt mỏi để có thể tìm cách khước từ sự lôi cuốn ấy.
Tôi trở vào buồng tắm, tụt ra đôi giầy đẫm cà phê, lau chân, mặc  áo sơmi, quần và áo ngoài, chạy chân không ra bếp đổ đậu trắng đã hâm nóng vào đĩa, bỏ đi lòng đỏ của mấy quả trứng chần nước sôi,  rồi dùng thìa bóc lấy lòng trắng trứng sau đó, lấy thêm một lát  bánh mì và thìa mang tất cả ra phòng khách. Bố tôi nhìn vào đĩa ăn  của tôi với một vẻ ngạc nhiên khéo nghiên cứu xen lẫn sự kinh tởm.
- Xin lỗi bố, tôi nói, nhưng từ chín giờ sáng đến giờ con chưa ăn gì  và con không nghĩ là bố đến đây để thấy con lăn ra bất tỉnh dưới  chân bố.
Ông đã có được một nụ cười rồi lo lắng ông lắc đầu, thở dài nói:
- Thôi được... nhưng con xem, chỉ lòng trắng trứng, bố thấy thức  ăn như vậy không lành lắm.
- Con sẽ ăn tráng miệng một quả táo.
Tôi trộn đậu với trứng, cắn bánh mì và nuốt một thìa món hổ lốn  của tôi. Cũng không tồi chút nào.
- ít ra con cũng nên thêm vào một ít tương cà chua, bố tôi nhận  xét.
- Nhưng vấn đề là phải có nó đã!
Tôi ăn một cách quá vội vã, không khỏi không phát ra những  tiếng động làm bố tôi có vẻ bực mình. Ông đã cố kìm lại sự kinh tởm  của ông, nhưng với một cách quả là thiếu che đậy đến nỗi tôi phải  đứng lên mang đĩa thức ăn vào bếp đặt lên mặt tủ lạnh, vừa đứng  ăn vừa ngắm mình trong chiếc gương treo ở trên. Thời gian qua tôi hoàn toàn bỏ mất sự tập luyện quan trọng nhất: cơ bắp mặt. Một  diễn viên hài muốn gây được ấn tượng bằng sự trơ ì của vẻ mặt thì  phải nuôi dưỡng cho được sự cơ động của nó. Trước kia, trước khi  tập, bao giờ tôi cũng để cho mình khát khô cổ, như vậy để đi vào sự  tiếp xúc với bản thân trước khi trở thành xa lạ với chính mình. Sau  này, tôi bỏ phương pháp ấy và tập bằng cách tự nhìn mình trừng  trừng nửa tiếng mỗi ngày, không dùng một tí mẹo nào, cho đến khi  cuối cùng không còn thấy mình nữa. Tránh mọi xu hướng đi đến  quá tự say mê, tôi thường gần như lên cơn điên. Kết thúc buổi tập,  quên mất là tôi đương đứng nhìn bộ mặt của tôi phản chiếu trong  gương, tôi quay ngược mặt gương vào tường và rồi sau đó, trong cả  ngày, gặp lúc nhìn thấy mình khi đi qua một mặt gương, tôi sợ hãi:  kẻ lạ mặt nào kia đang làm gì thế ở trong buồng tắm của tôi, rửa  ráy? Một kẻ tôi không biết là bi hay hài, một bóng ma mặt tái xanh  với chiếc mũi dài ngoẵng... lúc ấy tôi lao đến với Marie để nhìn cho  thấy được tôi trong mắt em. Từ khi em bỏ tôi, tôi không còn có thể  tập luyện như thế được nữa: tôi sợ trở thành điên dại. Trước kia,  sau buổi tập, tôi đều đứng sững trước mặt Marie, tôi gần như áp  mặt tôi sát mặt Marie, tự nhìn tôi trong măt em. Nhỏ xíu, hơi méo  mó, nhưng nhận ra được, đấy là tôi và cũng như thế tôi lại sợ sệt  khi soi gương. Làm sao tôi có thể giải thích cho Zỹpfner là, không có  Marie tôi không thể tập trước gương được? Ngắm nhìn mình trong  gương khi đương ăn thì không có gì đáng sợ, mà chỉ thấy buồn. Tôi  có thể bíu vào chiếc thìa, nhận ra những hạt đậu lẫn lộn với lòng  đỏ, lòng trắng trứng, lát bánh mì đương dần dần nhỏ đi. Mặt gương  chứng nhận với tôi sự tồn tại một thực tế thật xúc động về một chiếc  đĩa trơn, một lát bánh mì cứ nhỏ đi mãi và một cái miệng hơi nhờn  mỡ tôi lấy tay áo quệt vào. Đấy không phải là một buổi tập, và  không còn ai để bứt tôi ra khỏi tấm gương. Tôi chậm chạp trở lại  phòng khách.
- Con ăn quá nhanh đấy, quá nhanh, bố tôi nhắc. Ngồi xuống đi.  Con không uống gì sao?
- Không, con muốn uống cà phê, nhưng không pha được.
- Con có muốn bố pha cho con không?
- Bố biết pha cà phê à?
- Bố có tiếng là pha cà phê tuyệt vời.
- Chà, thôi bố ạ! Con uống một ít nước ga cũng được.
- Nhưng bố sẵn sàng pha cà phê cho con mà.
- Thôi, cám ơn bố. Bếp bừa bãi kinh khủng: lai láng nước cà phê,  lỏng chỏng những vỏ hộp, rải rác đầy vỏ trứng...
- Tuỳ con.
Bố tôi có vẻ bị xúc phạm một cách quá mức. Ông rót nước khoáng  cho tôi, ông rút trong hộp thuốc lá đưa tôi một điếu và châm lửa cho  tôi. Chúng tôi cùng hút thuốc. Tôi thấy thương ông. Có lẽ cái đĩa  đậu của tôi làm ông bối rối. Ông đã trông chờ ở chỗ tôi cái mà từ  "lãng tử" gọi ra trong đầu ông: một sự mất trật tự thông thái và các  công trình hiện đại đủ loại trên trần và trên tường. Thế nhưng sự  tình cờ lại biết cách bài thiết trong căn hộ không ra gì, còn có vẻ  tiểu thị dân, và điều đó rất rõ đương đè nặng lên ông. Chúng tôi đã mua chiếc tủ buýp phê theo catalogue. Và trừ hai bức tranh mẫu  thuốc nước đẹp của Monika Silvs treo trên tủ commốt: phong cảnh  Rênan III và phong cảnh Rênan IV (loại màu xám đậm với vài  đường nét màu trắng lơ thơ mờ ảo), những bức khác đều là các bản  sao, trong đó chỉ có hai bức vẽ trừu tượng. Những đồ vật đẹp nhất  chúng tôi có như thế, bình để cắm hoa và bàn uống chè di động là  do Marie sắm. Bố tôi là một người cần sống có không khí, và không  khí phòng tôi làm ông bị lạc hướng, trở nên trầm lặng. Khi chúng  tôi đã đốt đến điếu thuốc lá thứ hai, vẫn chưa ai nói gì, cuối cùng tôi  hỏi:
- Có phải mẹ cho bố biết con ở đây?
- Phải, nhưng con thật không thể tránh cho mẹ con cái kiểu đùa  ác ấy được sao?
- Nếu mẹ đã không trả lời con bằng cái giọng của ủy ban của mẹ  thì các chuyện đã không đi theo kiểu ấy.
- Thế con có điều gì phản đối cái ủy ban ấy? Ông hỏi giọng bình  tĩnh.
- Không. ý muốn chống phân biệt chủng tộc là tốt, nhưng ý kiến  của con về vấn đề chủng tộc rất khác với ý kiến của ủy ban. Vấn đề người da đen chẳng hạn là mốt mới nhất đấy... vả lại con muốn tặng  mẹ làm vật thờ một người da đen mà con rất quen... và khi người ta  cho rằng có hàng vài trăm giống người da đen! ủy ban còn lâu mới  thất nghiệp! và rồi còn cả người Gitan... hôm nào đó mẹ cần mời vài  người trong số họ đến nhà uống chè sau khi đã tuyển mộ được họ ở  ngoài đường. Mẹ không thiếu gì việc làm!
- Đấy không phải là chuyện bố định đến nói với con.
Tôi im lặng. Bố tôi nhìn tôi, rồi ông khẽ nói:
- Bố muốn nói chuyện với con về chuyện tiền nong (tôi vẫn im  lặng). Bố cho là con đương gặp lúc rủi ro. Này, con nói đi, nói điều gì  đi!
- Rủi ro, còn hơn thế! Có thể con sẽ không thể đi biểu diễn được  trong một năm. Đây, bố xem!
Kéo ống quần lên, tôi chìa chân tôi ra, chỉ cho bố tôi xem chỗ sưng  ở đầu gối, rồi kéo ống quần xuống, tay phải tôi chỉ vào ngực bên  trái, tôi nói:
- Và ở đây nữa...
- Trời ơi, tim.
- Vâng, tim.
- Bố đi gọi cho ông Drohmert yêu cầu ông ta đến khám cho con.  Đấy là người thày thuốc khoa tim mạch cừ nhất của chúng ta.
- Bố hiểu lầm con rồi, con cần gì ở ông Drohmert.
- Vậy mà con nói là: đau tim.
- Có lẽ nên nói là tâm hồn, tình cảm, nội tâm, biết nói thế nào...  có thể trái tim là từ đúng nhất.
- Bố hiểu, ông nói xẵng. Cái chuyện ấy...
Hẳn là Sommerwild đã nói với ông về "chuyện" ấy ở câu lạc bộ ca  hát ngẫu hứng, trước một đĩa sivê thỏ và một vại bia.
Ông đứng lên, đi đi lại lại một lúc rồi dừng lại sau thành ghế của  ông, tì tay vào lưng ghế nhìn tôi.
- Bố thấy việc dùng những từ to lớn là hơi ngu xuẩn, ông nói, nhưng con biết con thiếu cái gì không? Con thiếu cái điệu ai cũng  cần phải có nếu muốn trở thành một con người chân chính: khả  năng thích nghi với số phận của mình.
- Hôm nay, đây là lần thứ hai người ta nói với con điều ấy!
- Vậy thì hãy nghe một lần thứ ba nữa, con cần tập làm quen với  số phận của con!
- Đủ rồi, tôi mệt mỏi nói lại.
- Con có biết bố cảm thấy như thế nào khi Léo đến báo cho bố biết  là nó quy đạo? Bố cũng đau khổ như đối với việc chúng ta mất  Henriette. Có thể bố sẽ ít xúc động hơn nếu được biết nó gia nhập  Đảng Cộng sản. Một thanh niên tự huyễn hoặc mình, mơ ước công  bằng xã hội... bố còn có thể tưởng tượng được. Nhưng chuyện này!  (ông bíu vào lưng ghế của ông và lắc đầu mạnh). Không thể thế  được! Không!
Ông nói với một niềm tin tuyệt đối. Mặt ông bỗng tái xanh, trông  ông già đi rất nhiều.
- Ngồi xuống, bố, và uống một ít cognac!
Ông ngồi xuống và nhìn vào chai cognac ra hiệu đồng ý. Tôi lấy  ra một chiếc li trong tủ và rót đầy rượu đưa ông. Ông cầm uống  không cám ơn, cũng không nâng chén chúc sức khỏe tôi.
- Đấy là điều hẳn con không thể hiểu được, ông nói.
- Vâng, đúng thế.
- Bố đã run sợ biết bao khi thấy thanh niên đi theo thứ tín  ngưỡng ấy, con sẽ hiểu là việc quy đạo của Léo đã tác động sâu sắc  đến bố như thế nào; nhưng bố cũng tập làm quen dần đi với chuyện  đó, cũng như với chuyện khác. Tại sao con nhìn bố như thế?
- Con cần phải xin lỗi bố về một cái gì đó. Khi con thấy bố trên  màn ảnh ti vi, con thấy bố tuyệt vời, đúng như một diễn viên, không  có chút nào gọi là pha trò.
Ông nhìn tôi nghi hoặc, như bị xúc phạm. Tôi vội nói tiếp.
- Con đảm bảo với ba đấy, thật tuyệt vời!
Tôi sung sướng thấy mình đã trở về được với tiếng "ba"(1).
- Đơn giản là người ta ép ba phải đóng vai ấy, chàng trai của ba ạ.
- Nó rất hợp với ba đấy. Về phương diện đóng trò, ba còn đóng tốt  là khác.
- Ba không đóng trò, ông nói một cách trịnh trọng, tuyệt đối  không, ba không thấy cần thiết đóng bất cứ trò gì.
- Thật đáng buồn cho các đối thủ của ba.
- Ba không có đối thủ! Ông phẫn nộ.
- Như vậy còn tệ hại hơn đối với họ!
Ông lại nhìn tôi nghi hoặc, rồi cười thú thật:
- Họ không đủ sức làm đối thủ của ba.
- Thế thì còn tệ hại hơn là con nghĩ. Những kẻ mà với họ ba  không ngớt nói chuyện về tiền nong, họ có biết là ba vẫn lờ đi điều  chủ yếu không... hay là ba đã thu xếp ổn với họ rồi trước khi lên  màn ảnh?
Ông tự rót cho mình một li cognac rồi nhìn tôi hỏi:
- Ba muốn chúng ta nói chuyện về tương lai của con.
- Khoan đã, ba, con thấy hứng thú với tình hình công việc của ba.  Ba luôn luôn nói về những tỉ lệ phần trăm, mười, hai mươi, năm  mươi phần trăm... nhưng không bao giờ ba nói rõ những khoản mà  những tỉ lệ phần trăm đó được áp dụng.
Ông nhấc li cognac lên, vừa uống vừa nhìn tôi với một vẻ gần như khờ khạo.
- Con muốn nói là, tôi nói tiếp, tuy kém cỏi về số học, ít ra con  cũng biết một trăm phần trăm của một nửa penning là một nửa  penning trong khi năm phần trăm của một tỉ đồng là năm mươi  triệu đồng. Bố có hiểu không?
- Trời ơi! Con bỏ ra nhiều thời gian đến thế để ngồi xem ti vi ư?
- Vâng. Từ sau cái "chuyện" như ba nói, con thường ngồi xem ti
vi. Nó có tác dụng làm cho con trở nên trống rỗng một cách kì diệu!  Hoàn toàn trống rỗng! Và khi người ta chỉ gặp lại ông bố của mình  ba năm một lần, thỉnh thoảng được trông thấy bố mình trên ti vi  cũng thích thú, dù trước một vại bia trong một quán rượu nào đó  vào lúc trời chập choạng tối. Có lúc con thật tự hào về ba, về việc ba  khéo léo tránh né câu hỏi của người nào đó về khoản tiền theo tỉ lệ  phần trăm này nọ.
- Con nhầm đấy, ông nói xẵng, ba không tránh né gì hết.
- Có thể làm nản lòng các đối thủ mà không bao giờ cần giáp mặt  họ không, ba?
Ông đứng lên ném vào tôi một cái nhìn không hay ho gì. Đến lượt  tôi, tôi cũng đứng lên. Chúng tôi đều đứng ở phía sau ghế của  chúng tôi, tay tì vào lưng ghế.
- Chính do nghề nghiệp của mình, tôi vừa nói vừa cười, con không  tránh khỏi không quan tâm đến những hình thức biểu hiện hiện đại  của kịch câm. Có một hôm, ngồi một mình trước máy ti vi, ở trong  phòng của một quán rượu, con đã tắt tiếng đi. Tuyệt vời! Đem "l'art  pour l'art"(1) vào chính sách tiền lương và vào kinh tế! Rất tiếc là ba  chưa bao giờ xem tiết mục Hội đồng quản trị họp của con.
- Còn phải nói với con là ba đã nói về con với Genneholm. Ba đã yêu cầu ông ta xem một số tiết mục của con và cho ba một... một  thứ báo cáo.
Tôi không thể kìm mình không ngoác mồm ra ngáp. Một sự phản  ứng thô tục, nhưng không tránh được. Điều đó không ngăn cản tôi ý  thức hoàn toàn sự khó coi của một biểu hiện như vậy. Sau một đêm  rất khó ngủ, quả là hôm nay tôi thấy người rất mệt. Dù sao khi đã ba năm không gặp bố mình và nhất là khi đương nói chuyện  nghiêm chỉnh với ông lần đầu tiên trong đời, ngoác mồm ra ngáp  nhất định là một phản ứng không đúng chỗ tí nào. Tôi hết sức bực  bội, nhưng mệt chết người và ân hận là đã không thể kìm lại cái  ngáp của mình. Tên của Genneholm tác động vào tôi như một thứ thuốc ngủ. Những người như bố tôi nhất định chỉ sử dụng "những gì  cừ nhất": Drohmert, người thày thuốc khoa tim mạch cừ nhất thế  giới, Genneholm nhà phê bình sân khấu cừ nhất liên bang, rồi thợ  may cừ nhất, rượu champagne, cừ nhất, khách sạn cừ nhất, nhà  văn cừ nhất. Thật là phiền! cái ngáp của tôi chuyển thành một  chứng co cứng và hàm tôi kêu răng rắc. Cho dù Genneholm có là  tay lắp đít đi nữa, điều đó cũng không làm cho việc nhắc đến tên  hắn có thể gây ra cho tôi một sự chán ngán đến như vậy. Hẳn là  những tay lắp đít rất vui nhộn, nhưng chính những tay vui nhộn đó  lại làm tôi chán, và những tay có tính nết kì quặc còn đáng chán  hơn. Thế mà Genneholm lại là một tay lắp đít có thêm tính nết kì  quặc. Có thể thấy không có buổi tiếp khách nào của mẹ tôi mà ở đó  hắn lại quên thói quen đến khó chịu của hắn bám riết lấy người đối  thoại, buộc con người đáng thương này, mặc dầu không muốn, cũng  phải nín thở ngồi lại với hắn cho đến cuối bữa tiệc. Lần cuối cùng  gặp hắn, cách đây bốn năm, tôi lại thấy hắn sặc mùi khoai tây; vì  cái mùi khoai tây ấy mà chiếc áo màu hồng điều và bộ ria quỷ quái  màu mật ong của hắn không còn có vẻ gì là kì quặc nữa. Hắn rất dí  dỏm, mọi người đều biết như vậy, nên họ cũng phải tỏ ra hóm hỉnh.  Đời sống thật là khổ cực!
- Xin lỗi ba, tôi nói sau khi tôi gần như chắc chắn là hàm tôi tạm  thời hết co cứng, thế Genneholm nói sao?
Bố tôi bị xúc phạm. Ông vẫn như thế trước mỗi sự buông thả, và  cái ngáp của tôi tác động đến ông không phải một cách chủ quan  mà là một cách khách quan. Ông lắc đầu như lúc ông nhìn vào đĩa  đậu của tôi.
- Genneholm hết sức quan tâm theo dõi sự tiến triển của con. Ông  ấy rất có thiện ý đối với con.
- Không bao giờ một tên lắp đít nào lại chịu tuyệt vọng, cái bọn ấy  dai như đỉa ấy.
- Đủ rồi, giọng bố tôi trở nên quả quyết, con cần thấy hạnh phúc  có được một người bảo trợ có kinh nghiệm và có ảnh hưởng như ông  ta.
- Nhưng con thấy rất hạnh phúc mà.
- Tuy vậy, ông ta phản đối không ít những tiết mục từ trước đến  nay của con.
- Ông ta cho rằng bằng bất cứ giá nào con cũng phải tránh thể  loại Pierrot(1), rằng đúng là con có tài làm trò hề nhưng đáng tiếc là,  và rút cuộc... nghệ thuật hề của con chẳng ra gì. Theo ý ông ta, con  chỉ nên tập trung vào kịch câm... Con có nghe ba không đấy?
Giọng ông mỗi lúc một thêm quả quyết.
- Con nghe đây mà, tôi nói, con nghe thấy từng lời, đầy đủ từng  lời một. Những lời thông minh, thích đáng làm sao. Ba không nên  nghĩ ngợi gì việc con nhắm mắt khi nghe ba nói.
Trong khi ông nhắc lại lời Genneholm, đúng là tôi nhắm mắt.  Như vậy tôi thấy thư thái và hơn nữa khỏi phải nhìn thấy chiếc tủ  commốt kê sát tường, sau lưng bố tôi. Thứ đồ đạc xấu xí, không  hiểu tại sao lại gợi lên ở tôi về trường học với màu hạt dẻ sẫm, các  núm đen và các đường viền mép bên trên của nó. Chiếc tủ này  Marie mang từ nhà bố mẹ em đến.
- Xin ba cứ nói tiếp, giọng tôi nói lúc này nhỏ.
Tôi mệt đứt hơi; nhức đầu, đau bụng; đứng sau lưng ghế người tôi  co lại làm cho đầu gối tôi càng sưng thêm. Qua mí mắt khép vào  của tôi, tôi thấy bộ mặt tôi hiện ra như nó đã đạt được sau hàng  nghìn giờ tập trước một tấm gương: hoàn toàn im sững, trát đầy  phấn, lông mi cũng bất động, và cả lông mày cũng thế, chỉ có hai  con mắt di chuyển chậm chạp từ trái sang phải, từ phải sang trái  như những con mắt sợ sệt của một con thỏ, và như vậy để có được  kết quả mà những nhà phê bình như Genneholm cho là "khả năng  kì lạ biểu lộ sự u buồn của loài động vật". Tôi đã chết và tự giam  mình đến hàng nghìn giờ với bộ mặt của tôi... mà không thể tự giải  thoát được trong đôi mắt của Marie.
- Ba nói đi, tôi nhắc lại.
- Ông ta khuyên ba nên gửi con đến một trong những giáo sư cừ  nhất của chúng ta. Trong một hoặc hai năm, có thể trong sáu tháng. Ông ta cho rằng con cần có sự tập trung tư tưởng và nghiên  cứu để đạt được một sự hiểu biết về chính mình tới mức con có thể  trở lại hồn nhiên. Và cũng để tập luyện, tập luyện không ngừng...  Con vẫn nghe ba đấy chứ?
Giọng ông, may thay, đã dịu đi.
- Vâng, thưa ba.
- Như vậy, ba sẵn sàng trả tiền học cho con.
Tôi có cảm giác như đầu gối tôi to và tròn ra như một bể chứa khí.  Vẫn không mở mắt, như một người mù, tôi đi vòng qua ghế, ngồi  xuống và sờ soạng tìm bao thuốc lá trên mặt bàn. Bố tôi bật ra một  tiếng kêu hốt hoảng. Tôi có thể bắt chước một người mù hoàn hảo  đến mức bất cứ ai cũng có thể lầm được. Tôi tự tạo ngay cho bản  thân mình ấn tượng bị mù... Có lẽ tôi sẽ là như vậy... Tôi không  đóng vai người mù mà là đóng vai người mất khả năng về thị giác,  vậy mà khi điếu thuốc vừa mới để vào môi, tôi đã cảm thấy lửa từ  chiếc bật lửa của bố tôi, và tôi cũng cảm thấy nó rung rinh thật dữ  dội.
- Con trai của ba, ông nói vẻ lo âu, con có ốm đấy không?
- Vâng, tôi thì thầm, kéo hết hơi thuốc và hít thật sâu, con đau  chết đi được, nhưng không bị mù. Đầu con nhức, bụng đau, đầu gối  sưng và buồn phát ốm... nhưng điều tệ hại hơn cả là con biết chính  xác Genneholm nói trăm phần có lí và con còn biết là ông ta còn nói  thêm gì đó. Ông ta nhắc đến Kleist(1).
- Có đấy, bố tôi nói.
- Ông ta có nói là con cần phải từ bỏ tâm hồn của con, tóm lại tự  trút sạch hoàn toàn để có thể lúc đó tạo được cho mình một tâm hồn  mới? Có phải đúng là ông ta nói thế không?
- Phải... sao con biết?
- Trời, con biết các lí thuyết của ông ta, con còn biết cả nguồn gốc  của chúng. Nhưng con không muốn đánh mất tâm hồn của con, trái lại con còn muốn tìm lại nó.
- Con để mất nó ư?
- Vâng.
- ở đâu?
- ở Rome!
Tôi mở mắt ra phá lên cười.
Tôi thấy bố tôi đúng là tái mặt lại và già đi. Ông thốt ra một  tiếng cười khe khẽ, tất nhiên có vẻ thấy nhẹ người đi, nhưng rõ  ràng cáu kỉnh.
- Đồ chết tiệt, ông nói, tất cả chuyện vừa qua là đóng kịch à?
- Chẳng may lại không phải thế. Genneholm còn có thể nói thế  này, còn quá nhiều tính tự nhiên chủ nghĩa và ông ta có thể đúng.  Những tên lắp đít bao giờ cũng đúng, chúng có khiếu lạ lùng hòa  theo trình độ... và biết ngừng lại đúng chỗ. Nhưng như vậy cũng  không đến nỗi tồi!
- Đồ chết tiệt, bố tôi nhắc lại, đúng là con đã đánh lừa được ba  đấy!
- Không đâu, không một người mù thực sự nào làm thế. Ba hãy  tin con, anh ta hoàn toàn không cần phải sờ soạng hoặc tìm một sự  giúp đỡ. Rất nhiều người mù, dù họ thật sự mù, vẫn "đóng vai"  người mù. Con có thể dễ dàng, nhảy lò cò ra đến tận cửa, làm cho ba  khóc lên vì đau xót và thương hại, đến nỗi ba phải chạy vội ra  telephon để gọi cho bác sĩ... Fretza, nhà phẫu thuật cừ nhất thế  giới. Ba có muốn con biểu diễn cho ba xem không?
Tôi đã đứng dậy.
- Không, này con, hãy ngồi yên! Ông nói hốt hoảng. Tôi lại ngồi  xuống. - Ba ngồi xuống đi, ba, tôi nói với ông, nhìn ba đứng con dễ  bị kích động.
Ông ngồi xuống, tự rót cho mình một ít nước khoáng rồi nhìn tôi,  bối rối.
- Với con, người ta không biết thế nào, hãy trả lời ba một cách  rành mạch. Ba sẵn sàng trả tiền học cho con, bất kể con muốn học ở đâu, ở London ở Paris, ở Bruxelles... trong trường hợp này, nơi tốt  nhất cũng không thừa.
- Không cần, tôi mệt mỏi nói, đó sẽ là một sai lầm. Con không cần  học mà cần làm việc. Con đã học từ lúc mười ba tuổi cho đến lúc hai  mươi mốt tuổi. Đơn giản là ba đã không nhận ra đấy thôi. Và nếu  Genneholm cho là con còn có thể học ở thời điểm này thì ông ta còn  ngốc hơn là con tưởng đấy.
- Ông ấy là một chuyên gia, bố tôi nói, cừ nhất mà ba biết.
- Và còn là cừ nhất mà chúng ta có thể có được ở đây, nhưng chỉ  thế thôi. Ông ta biết một chút gì đó về sân khấu, về bi kịch, về kịch  ứng khẩu, và hài kịch, về kịch câm, nhưng hãy nhìn qua những tiết  mục hài đầu tay của ông ta khi ông ta bỗng nhiên xuất hiện với  chiếc áo sơmi màu tím và một chiếc nơ lụa màu đen. Bất cứ người  ham thích nghệ thuật nào khi xem cũng phải đỏ mặt lên vì xấu hổ.  Cứ để mặc những nhà phê bình với đầu óc phê phán của họ, điều đó  không có gì là tai hại, nhưng điều tai hại chính là ở chỗ họ không có  đầu óc phê phán và hài hước chút nào đối với chính bản thân họ.  Thật đáng buồn. Genneholm là một người chuyên nghiệp, đúng thế,  nhưng thử nghĩ xem, sau sáu năm với sân khấu con lại còn phải đi  học thì ông ta quả phi lí!.
- Vậy ra con không cần đến số tiền ấy? Bố tôi hỏi. Tôi cảnh giác  khi phát hiện ra vẻ thoải mái trong giọng nói của ông.
- Cần chứ ạ, tôi nói, đúng là cần!
- Thế con có những ý định như thế nào? Tiếp tục đi biểu diễn... ở  tình cảnh này?
- Tình cảnh nào?
- Thế... ông nói có vẻ ngượng nghịu, con biết là báo chí nói về  con...
- Nói về con? Nhưng đã ba tháng nay con chỉ đi biểu diễn ở địa  phương.
- Ba đã cho tìm các bài báo, ông nói, và ba đã cùng nghiên cứu với  ông Genneholm.
- Chết thật! Ba đã phải xì ra bao nhiêu tiền vào việc ấy?
Ông đỏ mặt.
- Điều đó không liên quan gì đến con! Nào, ý định của con ra sao?
- Tập dượt, làm việc trong sáu tháng hay một năm. Con còn xem.
- ở đâu?
- ở đây. Nếu không ở đây thì còn ở đâu con có thể tập dượt được.
Ông không giấu được vẻ hốt hoảng.
- Con không quấy rầy ba, cũng không làm gì hại đến thanh danh  của ba đâu, ba cứ yên tâm. Con cũng không xuất hiện vào jour fixe(1) ở nhà ta đâu.
Ông đỏ mặt. Tôi đã một hai lần về nhà vào jour fixe, không phải  với tư cách là người trong gia đình, mà như bất cứ ai khác. Tôi đã nốc rượu cocktail, ăn ô liu, uống chè và, trước khi ra đi, còn nhét  thuốc lá đầy túi. Tôi làm các việc đó công khai đến nỗi những người  hầu bàn phải đỏ mặt quay đầu đi.
- A! Bố tôi thốt ra.
Ông xoay người trên ghế. Chắc ông muốn đứng dậy đi ra cửa sổ.  Nhưng rồi, mắt nhìn xuống, ông nói:
- Ba muốn con chọn con đường chắc chắn hơn theo lời khuyên của  ông Genneholm. Chẳng hay ho gì khi phải bỏ tiền ra cho một việc  không có gì là chắc chắn. Vậy ra con không dành dụm được gì ư?  Con đã kiếm được khá trong suốt những năm qua cơ mà?
- Con không dành dụm được gì hết và tất cả chỉ còn có một mác,  duy nhất một mác.
Móc đồng mác trong túi ra, tôi giơ ra cho bố tôi xem. Ông cúi  xuống nhìn và ngắm nghía như đó là một con côn trùng lạ.
- Ba thấy thật khó tin được, ông nói. Ba có dạy con vứt tiền qua  cửa sổ đâu. Con cần bao nhiêu mỗi tháng? Con dự định tiến hành  công việc như thế nào?
Tim tôi đập dữ dội. Tôi đã không tin là ông có thể nghĩ đến việc giúp đỡ tôi trực tiếp như vậy. Tôi nghĩ: không nên đòi hỏi nhiều  quá, không nên đòi hỏi ít quá, nhưng dù sao cũng phải kha khá;  nhưng tôi lại không có một ý niệm nào về khoản tiền cần thiết cho  tôi. Tiền điện, tiền telephon, và tiền sinh hoạt hàng ngày. Tôi toát  mồ hôi vì thần kinh căng thẳng.
- Trước hết, tôi nói, con cần có một tấm đệm cao su bằng kích  thước của gian phòng này, bảy mét trên năm. Nhà máy chế biến cao  su vùng Re Nan của ba có thể cung cấp cho con với giá hạ.
- Được, ông mỉm cười, ba còn có thể tặng nó cho con. Bảy mét trên  năm... Nhưng theo ý kiến của ông Genneholm thì con không được  mất thì giờ vào việc tập nhào lộn.
- Hoàn toàn không có chuyện đó. Ngoài tấm đệm ra, con cần mỗi  tháng một nghìn mác.
- Nghìn mác!
Ông nhảy lên. Ông hốt hoảng thực sự, môi ông run lên.
- Kìa ba, ba ngỡ thế nào?
Tôi không có một ý niệm nào về tài sản của ông. Nghìn mác một  tháng - đấy là sự tính toán ở sức của tôi - như vậy là mười hai nghìn  mác một năm, và đó đâu đã là một khoản chi có thể làm ông sạt  nghiệp. Ông là nhà triệu phú, bố của Marie một hôm đã đảm bảo  với tôi như vậy, không phải là đã không tính toán một cách chặt  chẽ. Tôi không nhớ chi tiết. Ông có cổ phần ở khắp nơi, "những lợi  tức trong tất cả". Ngay cả trong cái xưởng sản xuất dầu tắm kia.
Ông bắt đầu chầm chậm đi đi lại lại sau ghế của ông, môi mấp  máy như đương tính nhẩm, có lẽ trường hợp này cần phải thế,  nhưng kéo dài quá lâu.
Tôi nghĩ đến trò bẩn thỉu của họ khi tôi cùng với Marie rời khỏi  Bonn. Bố tôi đã viết cho tôi là ông từ chối mọi sự cứu trợ vì lí do đạo  đức, là ông để tôi tự nuôi lấy thân anh bằng chính đôi tay của anh,  anh và người con gái đáng thương mà anh đã quyến rũ, là ông - tôi  biết - vẫn tôn trọng già Derkum như một người đàn ông, cũng như địch thủ của ông, và cuối cùng đây thực sự là một chuyện tai tiếng.
Chúng tôi trú ngụ trong một nhà trọ ở Cologne - Ehrenfeld. Sau một tháng chúng tôi đã tiêu hết bảy trăm mác. Marie được thừa  hưởng của mẹ em, và tuy vậy tôi vẫn có cảm giác là chúng tôi đã rất  tiết kiệm.
Nơi chúng tôi ở nằm trong vùng lân cận ga Ehrenfeld. Phòng  chúng tôi quay về hướng bức tường chắn xây bằng gạch màu đỏ.  Các đoàn tàu chở đầy than vào ga, rồi ra khỏi ga sau khi đã dỡ  hàng. Quang cảnh khái hoạt, tiếng ồn ào xao xuyến, rất phù hợp với  cảm giác chắc chắn về sự cân bằng tài chính của gia đình. Nhà tắm  công cộng quay về hướng sân đầy những chậu kẽm đựng nước và  dây phơi quần áo. Thỉnh thoảng người ta nghe thấy những tiếng  động ngoài sân trong đêm tối: vỏ hộp mứt hoặc túi giấy đựng đầy  rác ai đó lén lút tống qua cửa sổ. Tôi thường xuyên sử dụng buồng  tắm, hàng giờ nằm trong bể tắm hát các bài lễ ca, cho đến hôm bà  chủ nhà bắt đầu cấm tôi không được hát ("những khách trọ khác  tưởng là bà cho một thày tu hoàn tục ở trọ"), rồi cuối cùng hạn chế  cả việc tôi sử dụng buồng tắm. Bà ta đã phải dùng đến cả que cời lò  để moi các thứ trong những gói rác vứt ra ở sân, cố phát hiện ra  những chủ nhân của chúng: vỏ hành tây, bã cà phê hoặc xương  cốtlét, đem đối chiếu tỉ mỉ với nhiều nguồn tin bà điều tra được ở  người bán rau hoặc người bán thịt, mặc dầu vô tích sự. Tất nhiên  không bao giờ những đồ thừa vứt đi có thể giúp bà ta kết luận được  dứt khoát ai là kẻ chịu trách nhiệm. Thế là bà ta phun lên mảng  trời tắc nghẽn các loại quần áo phơi phóng những lời đe dọa dưới  các dạng đủ cho mỗi người thấy là mình đang được chĩa vào: "Không  phải tôi, tôi rất biết giữ gìn!" Buổi sáng, chúng tôi đứng ở cửa sổ  ngóng người đưa thư đôi khi mang đến cho chúng tôi một gói đồ của  Léo, của Anna hoặc của một người bạn gái của Marie, và thỉnh  thoảng rất không đều - cả một tấm séc của ông nội. Về phía bố mẹ  tôi, tôi chỉ nhận được những lời cổ vũ: "nắm lấy vận mệnh của mình  trong tay và khắc phục nỗi bất hạnh bằng mồ hôi của mình".
Sau này, mẹ tôi đã đi đến chỗ viết cho tôi là bà đã "truất quyền  thừa kế" của tôi. Sự thiếu tế nhị của bà gần như là ngu ngốc. Công  thức của bà rút ra từ quyển chuyện đề Coeur divise(1). Người ta thấy trong cuốn chuyện này một thiếu nữ bị bố mẹ "truất quyền  thừa kế" vì cô không chịu cho ra đời đứa trẻ mà một tay "nghệ sĩ có  tấm lòng cao thượng nhưng tinh thần nhu nhược" làm cô mang  thai, hình như anh ta là một diễn viên. Mẹ tôi dẫn ra nguyên văn  một câu ở chương thứ tám của cuốn truyện: "lương tâm của mẹ  buộc phải truất quyền thừa kế của con". Hẳn là bà đã thấy công  thức này hoàn toàn thích hợp. Dù sao, bà cũng "truất quyền thừa  kế" của tôi. Tôi tin chắc rằng đó chỉ là cách để bà đồng thời bảo vệ  được lương tâm của mình cùng tài khoản của bà ở ngân hàng. Bố  mẹ tôi tin là, để nuôi người tình của tôi, tôi phải sống một cuộc  sống anh hùng: đi làm công nhân nhà máy hay công nhân xây  dựng. Đối với tôi, chuyện đó không xảy ra và sự thất vọng của bà  mới cay đắng làm sao. Bản thân Léo và Anna cũng không che giấu  sự thất vọng. Mọi người đã như thấy tôi sáng sớm ra đi, chuẩn bị  qua loa bữa ăn trưa, ngửng mặt lên phía cửa sổ chào từ biệt Marie  một lần chót, buổi chiều trở về "mệt nhoài nhưng hài lòng", ngồi  đọc báo và nhìn Marie đan áo. Nhưng tôi lại không có một chút cố  gắng nào để cụ thể hoá hình ảnh ấy. Tôi ngồi bên Marie, và Marie  rất thích có tôi ở bên em. Lúc ấy tôi tự coi mình thật sự là một  "nghệ sĩ" (nhiều hơn vào thời gian sau này), và chúng tôi thực hiện  những ý nghĩ như của trẻ con, sống bừa bãi, treo lên tường các chai  rượu vang Kiangti(1), vải đay và những mẩu đồ dệt đủ màu. Bây giờ  tôi vẫn còn đỏ mặt lên vì xúc động mỗi khi nhớ lại thời kì ấy. Đến  ngày cuối tuần, để xin hoãn trả tiền trọ, Marie tìm đến bà chủ nhà  và không thoát được cơn giận của bà ta và câu hỏi là tại sao tôi  không đi làm. Và Marie trả lời giọng thống thiết tuyệt vời: "Chồng  tôi là một nghệ sĩ, bà thấy không, một nghệ sĩ!" Một hôm, từ trên  bậc thang bẩn thỉu Marie hét lên với bà ta: "Vâng, một nghệ sĩ  đấy!" Bà chủ nhà tru tréo với cái giọng khàn khàn của bà ta: "Sao!  một nghệ sĩ? và thêm vào đó là chồng của cô! Hẳn là người ta phải  cười rất vui ở phòng hộ tịch!" Điều làm cho bà ta bực nhất là thấy  chúng tôi cứ nằm dài trên giường cho đến tận mười hoặc mười một  giờ trưa. Bà ta thiếu óc tưởng tượng để có thể quan niệm được rằng  bỏ một bữa ăn là cách tốt nhất để tiết kiệm điện lò sưởi. Vả lại bà ta cũng không biết là chúng tôi chỉ có thể tập dượt từ buổi trưa  trong ngôi nhà nhỏ của cha xứ, ngôi nhà này bận suốt buổi sáng:  khám bệnh cho các trẻ sơ sinh, giảng giáo lí, hướng dẫn nghệ thuật  nấu ăn hoặc có các cuộc thảo luận của một hội chia lô Cơ Đốc giáo  nào đó. Nơi chúng tôi ở rất gần ngôi nhà thờ ở đó Heinrich Behlen  làm phó linh mục. Cùng lúc thuê phòng trọ cho chúng tôi, ông ta  đã để tôi sử dụng gian buồng nhỏ có cả sân khấu làm chỗ luyện  tập. Nhiều giáo dân khi đó tỏ ra ân cần đối với chúng tôi. Như bà  hướng dẫn nghệ thuật nấu ăn ở bếp nhà cha xứ, bao giờ bà cũng  cho chúng tôi những thứ còn lại: thường là súp và bánh puđinh,  đôi khi cả thịt nữa. Khi Marie giúp bà thu dọn, nếu gặp dịp bà còn  giúi vào tay Marie cả một gói bơ hay một túi đường. Thỉnh thoảng  bà ra xem tôi tập và cười đến đau bụng, rồi pha cà phê mời chúng  tôi. Một hôm bà biết được là chúng tôi chưa cưới nhau, nhưng  không vì thế mà thay đổi thái độ. Tôi có cảm tưởng là bà không thể  ngờ được một nghệ sĩ lại có thể "cưới vợ". Vào những ngày trời  lạnh, chúng tôi thường đến rất sớm. Như vậy, Marie có thể cùng  dự nghe nghệ thuật nấu ăn, còn tôi ngồi đọc sách ở phòng gửi quần  áo bên một lò sưởi điện nhỏ. Qua vách ngăn mỏng, tôi nghe thấy  những tiếng cười bịt miệng, các bản tường trình nghiêm túc về  calo, về vitamin, về liều lượng... cả một không khí vui vẻ trong  suốt buổi họp. Khi có buổi khám bệnh trẻ sơ sinh, chúng tôi chỉ  được phép vào sau buổi khám. Người nữ bác sĩ trẻ đến khám bệnh  trông rất dễ thương, nhưng cô rất nguyên tắc... và sợ kinh khủng  bụi tôi gây ra do những động tác tôi thực hiện trên sân khấu. Về  sau, cô còn khẳng định là cho đến ngày hôm sau bụi vẫn còn đọng  trong không khí và nguy hại cho trẻ nhỏ; do đó cô đòi tôi chỉ được  sử dụng sân khấu trước hai mươi bốn giờ trước buổi khám.  Heinrich Behlen cũng bị rắc rối với cha xứ về chuyện đó, ông này  hoàn toàn không biết việc tôi sử dụng gian buồng vào việc luyện  tập. Khi ông biết chuyện, ông bảo Heinrich "không nên đẩy quá xa  tình thương đồng loại". Thỉnh thoảng tôi cũng đưa Marie đi nhà  thờ. Không khí ở đó hết sức dễ chịu, nhất là khi được ngồi trên ống  dẫn khí nóng. Hơn nữa ở đây bao trùm một sự yên ắng hoàn toàn -  tiếng động ngoài đường có vẻ vô cùng xa xôi - và số tín đồ hiếm hoi  (không bao giờ quá bảy hoặc tám người đến cùng một lúc), tạo nên một không khí rất từ thiện: đôi khi tôi có cảm giác như mình là  một bộ phận của cái cử tọa buồn rầu và lặng lẽ những người sống  sót của một thế giới trong đó sự yên tĩnh đạt tới sự hùng vĩ. Ngoài  Marie và tôi ra chỉ có các bà già. Và cách Heinrich Behlen làm lễ,  không có gì là thống thiết, rất hợp với ngôi nhà thờ tối om và xấu  xí này. Một hôm vào cuối buổi lễ, người tu sĩ hầu lễ đi vắng, tôi còn  giúp vào việc chuyển sách kinh từ bên phải sang bên trái bàn thờ.  Đúng lúc thấy Heinrich lúng túng như mất tập trung tư tưởng, tôi  vội bước tới phía bên phải bàn thờ cầm lấy sách kinh đặt nó sang  phía bên trái, không quên giữa chừng làm động tác quỳ gối bắt  buộc. Sẽ thật là thô bỉ nếu không cứu giúp bạn bè. Mặt Marie đỏ  lên như quả cà chua còn Heinrich thì mỉm cười. Chúng tôi biết  nhau đã từ lâu, ông ta và tôi. Hơn tôi mấy tuổi, ở nội trú ông làm  đội trưởng đội bóng của chúng tôi. Nhiều khi sau buổi lễ, chúng tôi  đứng lại chờ Heinrich ở trước kho nhà thờ. Sau khi mời chúng tôi  cùng dùng buổi điểm tâm nhẹ với ông, ông mua chịu ở một quán  hàng trứng, giăm bông, cà phê và thuốc lá. Khi người ở gái làm  công chỗ ông bị ốm không đến được, ông tỏ ra sung sướng gần như trẻ con.
Tôi nghĩ đến tất cả những người đã giúp đỡ tôi trong khi gia đình  tôi, ngồi chồm hỗm trên hàng đống tiền triệu điếm nhục, truất  quyền thừa kế của tôi và nhấm nháp những lí lẽ đạo đức đã chi phối  quyết định của họ.
Bố tôi, môi mấp máy, tiếp tục đi đi, lại lại phía sau ghế. Tôi đã chực tuyên bố không nhận tiền của ông, nhưng kịp thời thay đổi y  kiến: dù sao, tôi cũng có quyền chờ đợi ở ông một cái gì đó, và chỉ có  một mác trong túi tôi không thể tự cho phép mình có hành động  anh hùng đến thế để rồi sau này lại sẽ phải hối tiếc. Tôi thật rất  cần có tiền, cần một cách thúc bách là đằng khác, mà ông thì đã không cho tôi đến một xu từ khi tôi bỏ nhà ra đi. Léo, nó đã cho  chúng tôi tất cả tiền túi của nó, Anna về phần mình thỉnh thoảng  vẫn gửi đến chỗ chúng tôi bánh mì trắng do cô làm, và về sau chính  ông tôi cũng gửi tiền cho chúng tôi, bằng những tấm séc gạch chéo  mười lăm và hai mươi mác, một lần - có trời biết tại sao - cả đến hai  mươi hai mác. Những tấm séc đó mỗi lần tới lại gây ra sự ồn ào ở  chỗ chúng tôi: bà chủ nhà không có tài khoản ở ngân hàng, Heinrich cũng thế, ông ta không hiểu gì hơn chúng tôi về séc gạch  chéo. Thế là ông nộp luôn tấm séc gạch chéo đầu tiên vào quỹ Caritas(1) của nhà thờ xứ, đến quỹ tiết kiệm hỏi ý nghĩa và mục đích  của séc gạch chéo, rồi đi tìm cha xứ đòi lấy một tấm séc theo người  mang tên mười lăm mác; tức giận đến đỏ mặt khi ông này cho biết  là ông ta không thể cấp séc trả tiền cho người xuất trình giấy tờ mà  không ghi rõ lí do dùng nó vào việc gì, tài khoản Caritas là một  chương mục gai góc người ta thường xuyên kiểm tra, và nếu ghi "séc  không xuất cho cha xứ Behlen để đổi lấy một séc gạch chéo tư nhân" thì ông sẽ bị lôi thôi, bởi vì dù sao, chương mục Caritas cũng  không phải để dùng cho việc chuyển đổi lấy séc gạch chéo "nguồn  gốc mờ ám". Ông ta nói ông chỉ có thể công bố tấm séc gạch chéo sử  dụng vào một mục đích nhất định như một khoản tiền trợ cấp trực  tiếp của Schnier này cho một Schnier khác và đưa cho tôi số tiền  tương đương dưới danh nghĩa một món quà từ thiện. Có thể làm  được như thế, ông ta nói thêm, mặc dầu không bình thường lắm.  Rút cục, chúng tôi phải đợi mất mười ngày mới thực tế nhận được  mười lăm mác, dĩ nhiên Heinrich còn hàng trăm nghìn việc khác để  làm, không thể bỏ hết thì giờ vào việc đi điều đình cho các tấm séc  gạch chéo của tôi. Từ sau đó, mỗi lần một tấm séc gạch chéo ông tôi  gửi đến, là cả một nỗi kinh hoàng. Loại tiền hoàn toàn quỷ quái,  nhất là khi chúng tôi thực không cần đến nó: phải là tiền mặt hẳn  hoi kia! Cuối cùng Heinrich phải mở một tài khoản ở ngân hàng,  như vậy ông ta mới có thể chuyển tới cho tôi được những tấm séc có  thể trả tiền cho người xuất trình giấy tờ lấy những tấm séc gạch  chéo của tôi. Nhưng ông thường đi vắng nhiều ngày và tấm séc nổi  tiếng hai mươi hai mác gửi đến đúng vào lúc ông đi phép ba tuần.  Khi đó tôi quyết định tìm đến người bạn độc nhất hồi thơ ấu của tôi,  Edgar Wieneken, một chức trách thực thụ gì đó ở ban văn hoá của  SPD(1) tại Cologne. Tôi tìm ra địa chỉ của anh ta ở danh bạ điện  thoại, nhưng tôi không có đến hai groschen để gọi telephon, tôi  đành phải cuốc bộ từ Cologne Ehrenfeld đến Cologne Kalk. Anh ta  không có nhà, vì vậy tôi đứng đợi ở trước cửa nhà anh ta đến tám giờ tối, bà chủ nhà không đồng ý để tôi vào nhà trong lúc anh ta đi  vắng. Cách nơi anh ta ở không xa lắm là một ngôi nhà thờ lớn và tối  om phố Engels (tôi vẫn không hiểu tại sao là đảng viên SPD anh ta  lại cho là mình có thể trú ngụ được ở phố Engels). Tôi mệt lử, sụn cả  lưng, đói, không có lấy một điếu thuốc lá và tôi biết là Marie, hết  sức lo lắng, đương chờ tôi trở về. Vậy mà ở Cologne Kalk, phố  Engels và nhà máy hoá chất ở cạnh đó không có chút gì để an ủi  một con người đương khắc khoải lo âu. Cuối cùng tôi bước vào một  cửa hàng bánh mì để hỏi xin một người phụ nữ đứng sau quầy hàng  một chiếc bánh nhỏ. Mặc dù còn trẻ, trông bà ta không có vẻ dễ dãi.  Trước hết tôi đứng chờ ở gần cửa. Đợi lúc cửa hàng không có khách,  chạy bổ vào trong và hỏi người phụ nữ đứng sau quầy hàng, không  cả chào bà ta nữa. "Bà có thể cho tôi xin một chiếc bánh mì nhỏ  được không?" Tôi chỉ lo nhỡ có một khách hàng nào đó bước vào.  Người phụ nữ nhìn tôi, miệng bà ta mỏng và cau có, càng mỏng đi  rồi tròn ra và phình lên. Sau đó, không nói gì, bà ta nhét ba chiếc  bánh mì nhỏ và một khoanh bánh xốp vào một túi giấy đưa cho tôi.  Tôi cho là tôi đã cầm lấy cái túi ấy và lủi vội không cả cám ơn bà ta.  Tôi ngồi ở bậc thềm nhà Edgar ngốn mấy chiếc bánh mì và bánh  xốp, vẫn nhớ thỉnh thoảng xem lại tấm séc gạch chéo hai mươi hai  mác có còn nguyên ở trong túi tôi không. Hai mươi hai mác, một số  tiền kì cục! Tôi moi óc một cách vô ích để cố hiểu cho ra ý nghĩa của  nó: có thể là số dư của một tài khoản, có thể là một việc đùa chơi  hoặc đơn giản chỉ là do ngẫu nhiên. Cũng lạ lùng, vì số tiền hai  mươi hai lại vừa ghi bằng chữ số vừa ghi bằng chữ viết, chắc là ông  nội có ý nghĩ gì đó trong đầu. Tuy nhiên cho đến bây giờ tôi vẫn  không biết là ông tôi đã có ý nghĩ gì. Sau tôi phát hiện ra là tôi đã chỉ phải đợi Edgar có một tiếng rưỡi đồng hồ... song là một tiếng  rưỡi đồng hồ dài dằng dặc đầy đau khổ: những mặt nhà tối đen,  những cuộn khói của nhà máy hoá chất. Edgar hớn hở sung sướng  khi thấy tôi. Anh ta vỗ vai tôi và kéo tôi vào trong phòng của anh, ở  đấy tôi thấy một bức ảnh lớn của Brecht(1) treo trên tường, một cây đàn ghi ta và cả một dãy sách bỏ túi xếp trên một chiếc giá do anh  tự tạo. Anh rời tôi một lúc - tôi nghe thấy anh thóa mạ bà chủ nhà  vì đã không để tôi vào nhà - rồi trở lại với một chai rượu và hớn hở,  đầy hưng phấn, kể tôi nghe về việc anh vừa gành được thắng lợi ở  ủy ban sân khấu đối với việc chống lại "bọn đểu cáng CDU(2)". Cuối  cùng anh yêu cầu tôi cho anh biết về cuộc sống của tôi từ sau lần  chót gặp nhau. Chúng tôi cặp kè với nhau nhiều năm hồi bé. Bố  anh, huấn luyện viên bơi lội, trở thành người coi sân vận động gần  nơi chúng tôi ở. Tôi muốn anh miễn cho tôi chuyện đã qua, rồi trình  bày ngắn gọn với anh hoàn cảnh của chúng tôi và yêu cầu anh tìm  cách thanh toán bằng tiền tấm séc của tôi. Anh hết sức tử tế, đầy  thông cảm, đưa ngay cho tôi ba mươi mác tiền mặt, còn muốn từ  chối nhận tấm séc mặc dầu tôi đã nằn nì yêu cầu anh cầm lấy nó.  Tôi cho là tôi đã phải năn nỉ gần như phát khóc. Cuối cùng anh  nhận tấm séc, tuy có hơi phật ý, rồi tôi mời anh hôm nào đó đến  thăm chúng tôi để xem tôi tập. Anh tiễn chân tôi đến tận chỗ xe  điện đỗ, trước nhà bưu điện phố Kalk. Tôi chợt thấy một chiếc xe  taxi còn trống đỗ lại. Tôi chạy vội đến, nhảy lên xe và chỉ còn  thoáng thấy bộ mặt nhợt nhạt, bực tức và sửng sốt của người bạn  Edgar của tôi. Đây là lần thứ nhất tôi tự cho phép mình đi taxi, và  nếu bao giờ có ai thật xứng đáng được hưởng điều này chiều hôm ấy  thì đó chính là tôi. Tôi không còn có thể chịu đựng được việc phải  kéo lên bằng xe điện qua suốt Cologne để sau một tiếng đồng hồ  nữa mới được gặp lại Marie. Chuyến xe lấy đi của tôi tám mác,  thêm năm mươi pfennig thù lao lái xe. Tôi nhảy bốn bậc một lên gác  nhà trọ. Marie nhảy lên ôm lấy cổ tôi khóc, và tôi cũng khóc với em.  Chúng tôi đều lo lắng, đều thấy như đã vắng nhau cả một thời gian  dài, quá tuyệt vọng, ôm hôn nhau chúng tôi chỉ có thủ thỉ với nhau  là sẽ không bao giờ nữa, không bao giờ nữa xa rời nhau, "cho đến  khi nào cái chết chia lìa chúng ta", Marie nói thêm. Rồi em "trang  điểm công phu" như em nói, đánh phấn, tô môi và chúng tôi đến  một quán rượu phố Venloerstrasse ăn mỗi người hai suất gulat(1).  Tiếp theo chúng tôi còn mua một chai vang đỏ và trở về nhà trọ.
Edgar không bao giờ hoàn toàn tha thứ cho tôi về việc tôi trở về  bằng xe taxi khi ấy. Về sau chúng tôi thường hay gặp lại nhau; anh  ta còn giúp đỡ chúng tôi tiền nong một lần nữa khi Marie bị sẩy  thai. Tất nhiên anh không nhắc đến chuyện xe taxi, nhưng sự ngờ  vực của anh đối với tôi cho đến ngày nay vẫn chưa hoàn toàn tiêu  tan.
Trời ơi, bố tôi rên rỉ với một giọng tôi chưa hề thấy ở ông, con nói  to và rõ ràng hơn được không và mở mắt ra chứ! Ba không còn bị  mắc lợm với cái trò khỉ của con nữa đâu!
Tôi mở mắt ra: ông có vẻ không bằng lòng.
- Con đã nói gì nhỉ?
- Con không ngớt lẩm bẩm; nhưng trong những tiếng khó hiểu đó,  ba chỉ có thể hiểu được một điều ấy là: "những đồng tiền triệu điếm  nhục".
- Đấy cũng là điều ba có thể và cần phải hiểu ra.
- Ba cũng hiểu: tấm séc gạch chéo, ông nói thêm.
- Vâng, vâng... ba lại đây đi, ba ngồi xuống và nói con biết ba  định trợ cấp cho con bao nhiêu mỗi tháng?
Tôi đến bên ông, nắm nhẹ vào vai ông đặt ông ngồi xuống, nhưng  ông lại đứng ngay lên. Chúng tôi mặt đối mặt cách nhau chừng vài  xentimet.
- Ba đã cân nhắc vấn đề trên nhiều khía cạnh, ông nói dịu dàng.  Nếu con khước từ yêu cầu của ba không chịu theo một lớp đào tạo  vững vàng, và có kiểm tra, mà lại muốn làm việc ở nhà... ba cho  rằng... vậy thì hai trăm mác cho con là đủ.
Tôi tin chắc là ông đã định nói hai trăm năm mươi hoặc ba trăm,  nhưng vào phút cuối cùng ông đã nghĩ lại. Tuy nhiên vẻ mặt của tôi  đã làm ông hốt hoảng vì ông nói tiếp giọng thô bạo không ăn nhập  chút nào với dáng vẻ thanh lịch của ông:
- Genneholm coi sự tu luyện khổ hạnh là nền tảng ngay cả của  nghệ thuật kịch câm.
Tôi giữ im lặng, chỉ nhìn ông với "đôi mắt trống rỗng" như một con rối của Kleist. Tôi còn không cả nổi nóng mà chỉ kinh ngạc. Sự  kinh ngạc làm cho bộ mặt của tôi trở lại với cái vẻ tự nhiên mà tôi  đã phải mất rất nhiều công phu mới có thể đạt được: với cái nhìn  trống rỗng. Bố tôi bị kích động, mồ hôi toát ra thành giọt lấm chấm  ở môi trên của ông. Vậy mà tôi vẫn không thấy tức giận, không oán  hận, không đắng cay: đôi mắt trống rỗng của tôi dần dần tràn ngập  sự thương cảm.
Ba thân yêu, tôi nói thì thầm, hai trăm mác không ít như ba nghĩ  đâu, đấy còn là một món tiền lớn nữa. Con không muốn tranh cãi  với ba, nhưng ba biết không, sự tu luyện khổ hạnh là một trò tốn  kém, cái mà Genneholm ít muốn dựa vào nhất? Thực ra, nói tu  luyện khổ hạnh là ông ta muốn nói đến chế độ ăn uống ít thịt và  rau... Còn hình thức tu luyện khổ hạnh ít tốn kém là nhịn đói,  nhưng một diễn viên hài đói... thực ra vẫn tốt hơn là một diễn viên  say rượu.
Tôi lùi lại một chút để khỏi nhìn thấy những giọt mồ hôi dày đặc  lên ở môi trên của ông, cảnh tượng ấy làm tôi đau lòng.
- Ba nghe con, tôi nói tiếp, chúng ta hãy xử sự như những  "gentlemenÕ(1) thực sự và thôi nói chuyện về tiền nong.
- Nhưng ba thực sự muốn giúp đỡ con mà! Ông kêu lên tuyệt  vọng. Ba sẵn sàng bỏ ra đến ba trăm mác!
- Con không muốn nói chuyện về tiền nữa. Con chỉ đơn giản  muốn tiết lộ với ba một kinh nghiệm lạ lùng nhất đối với con, kinh  nghiệm mà con đã trải qua hồi nhỏ.
- A! Như thế nào? Ông hỏi và nhìn tôi như thể ông ngờ là tôi sắp  sửa tuyên bố án tử hình ông. Chắc ông cho là tôi sẽ nói với ông về  người tình của ông, vì bà ta mà ông đã cho xây một biệt thự ở  Godesberg.
- Ba hãy bình tĩnh, bình tĩnh, tôi nói. Đây là sự bất ngờ đối với  ba... Kinh nghiệm lạ lùng nhất hồi nhỏ của chúng con, là ở nhà ta  chúng con không bao giờ được người ta cho ngốn tạm đủ. Từ "ngốn"  làm ông giật nảy lên. Ông nuốt nước bọt rồi hỏi, với cái cười hơi ngượng nghịu:
- Con muốn nói là các con không bao giờ được ăn no?
- Đúng thế, tôi bình tĩnh nói, chúng con không bao giờ được ăn no.  ít ra là ở nhà ta. Cho đến bây giờ con vẫn còn chưa biết đó là do hà  tiện hay đó là vấn đề nguyên tắc. Con cho là do hà tiện thì đúng  hơn... Nhưng thật ra ba có biết một đứa trẻ cảm thấy như thế nào  sau cả một buổi chiều phóng xe đạp, đá bóng hoặc bơi lội dưới sông  Rhin?
- Thèm ăn, tất nhiên, ông đập lại.
- Không, nó thấy đói bụng... Mẹ kiếp! Khi chúng con còn bé.  Chúng con đã biết là nhà ta giàu, rất giàu nữa, nhưng sự giàu có đó  ích lợi gì cho chúng con đâu, cho đến cả việc muốn được ăn uống tử  tế.
- Các con có thiếu thốn gì bao giờ đâu?
- Có đấy, con đã nói rồi, thức ăn và cả tiền bỏ túi nữa. Ba có biết  thứ gì, khi còn bé, con luôn luôn thèm được ăn không?
- Trời ơi, ông kêu lên vẻ kinh hoàng, con thèm ăn gì?
- Khoai tây! Nhưng thời kì đó mẹ sợ người béo ra. Ba biết là mẹ  bao giờ cũng đi trước thời đại của mẹ, và ở nhà ta lúc nhúc những  bọn ngu xuẩn, mỗi tên có một lí luận riêng về vệ sinh ăn uống.  Khốn thay không một thứ lí luận nào trong đó khoai tây lại có được  vai trò tích cực. Thỉnh thoảng khi bố mẹ đi khỏi nhà, các gia nhân  vẫn nấu khoai tây: khoai tây nấu cả vỏ với bơ, muối và hành. Đôi  khi, ban đêm họ còn đánh thức chúng con dậy và với điều kiện là  phải tuyệt đối giữ miệng, chúng con được phép mặc quần áo ngủ đi  xuống nhà bếp, ở đấy chúng con tha hồ tọng khoai tây. Hầu hết các  ngày thứ sáu, chúng con đến nhà Wieneken, ở đấy bao giờ cũng có  xà lách trộn khoai tây, và bà Wieneken chất đầy vào đĩa cho chúng  con. Thật là tuyệt... và nữa, ở nhà ta, giỏ bánh mì không bao giờ có  đủ bánh. Thật là tệ hại: chỉ có vài lát bánh mì đã để se lại "vì lí do  vệ sinh". Còn ở nhà Wieneken và khi Edgar đi lấy bánh mì về, mẹ  cậu ta tay trái lập tức ôm ngay ổ bánh mì vào ngực, còn tay phải cắt  bật ra từng khoanh, bột mới tinh, chúng con bắt lấy và phết nước  khoai tây nấu sệt vào ăn thoải mái.
Bố tôi lắc đầu chán nản. Tôi đưa ông bao thuốc lá, ông rút ra một  điếu và tôi châm lửa cho ông, ông làm tôi thương hại. Là một người  bố, hẳn ông rất đau lòng lần đầu tiên phải nói chuyện một cách  nghiêm túc với đứa con trai sắp đủ tuổi hai mươi tám.
- Còn nhiều chuyện khác nữa, tôi nói, như về những "viên kẹo  cam thảo và những quả bóng của trẻ con". Mẹ cho việc mua bóng  cho trẻ con chơi là một sự lãng phí không hơn không kém. Đó là một  sự lãng phí không hơn không kém, đồng ý, nhưng sự ham chơi bóng  của trẻ con không bao giờ có thể làm bay lên trời tất cả những đồng  tiền điếm nhục của bố mẹ, dưới dạng các quả bóng được. Còn về  những viên kẹo gần như không tốn kém gì, mẹ có những lí luận đặc  biệt chí lí nhằm chứng minh rằng chúng chẳng qua chỉ là chất độc.  Nhưng mẹ lại không cho chúng con thứ gì khác ít độc hại hơn: đơn  giản là chúng con không bao giờ có kẹo. ở nội trú, con làm các bạn  con ngạc nhiên, vì con là đứa duy nhất không bao giờ chê các món  ăn và ngốn tất, còn tuyên bố là thấy chúng rất ngon.
- A! Con thấy đấy, giọng bố tôi nghẹn ngào, dù sao vấn đề cũng có  mặt tốt của nó.
Nhưng giọng ông thật thiếu tin tưởng và không có gì là vui vẻ.
- Ô, tôi nói, con hoàn toàn tin vào giá trị tính lí luận và tính sư phạm của một sự dạy dỗ như vậy, nhưng tất cả chỉ là lí thuyết, là  giáo dục học, là tâm lí học, là hoá học... chán chết, ở nhà Wieneken,  con biết ngày thứ sáu là ngày trong nhà họ có tiền, cũng như ở nhà  Schniewind và ở nhà Holerath. Sự khác biệt rất rõ của ngày hôm đó  so với những ngày khác là bao giờ cũng có món ăn bổ sung: mỗi  người một khoanh xúc xích đặc biệt dày hoặc một chiếc bánh ga tô.  Và sáng thứ sáu nào bà Wieneken cũng đến cửa hiệu làm đầu bởi vì  vào cuối ngày... phải: người ta dâng lễ hiến sinh lên thần Vệ nữ, bố  sẽ nói như vậy đấy.
- Sao! Bố tôi kêu lên, lẽ nào con không muốn nói là...
Ông tím mặt lại và nhìn tôi lắc đầu.
- Đúng thế, chính đó là việc con muốn nói tới. Vào chiều thứ sáu,  người ta cho bọn trẻ đi xem phim. Trước kia chúng được phép đi ăn  kem để khi người mẹ sau khi đi làm đầu và người bố trở về với tiền lương, có được một buổi cuối ngày hoàn toàn của riêng họ. Ba biết là  những căn hộ của những người thợ không rộng rãi...
- Con muốn nói... con muốn nói là các con biết lí do người ta cho  trẻ con đi xem phim?
- Tất nhiên không thật chính xác. Chỉ đến sau này, suy nghĩ lại  con mới hiểu ra nhiều chuyện, và không cần lâu lắm về sau con đã hiểu tại sao bà Wieneken đỏ mặt đến cảm động khi chúng con đi  xem phim về để ăn món khoai tây trộn xà lách. Cũng sau này, khi  ông Wieneken nhận nhiệm vụ trông coi sân thể thao, mọi việc thay  đổi: ông ta thường hay ở nhà. Điều duy nhất con nhận ra là cứ vào  ngày thứ sáu thì bà Wieneken lúng túng, và chỉ đến sau này rất lâu  con mới hiểu ra lí do chuyện đó. Nhưng một căn hộ chỉ gồm có một  phòng lớn và một gian bếp, với ba đứa con, thật họ không thể có  cách nào khác.
Bố tôi có vẻ ngán ngẩm đến mức tôi không còn dám nghĩ đến  chuyện lại đưa ra vấn đề tiền nong nữa: chắc ông sẽ thấy vấn đề đó  thật vô duyên. Sự gặp gỡ của chúng tôi, dưới con mắt của ông, hoàn  toàn rõ ràng mang tính chất bi thảm, nhưng ông đã bắt đầu nếm tí  chút "nỗi đau khổ thanh cao" và còn bén mùi nó nữa, và nếu để  chậm lại hơn nữa thì rất khó có thể nhắc lại rằng ông đã hứa cho tôi  ba trăm mác. Tiền nong, nó như là "sự ham muốn nhục dục", không  ai có thể nói ra được một cách cụ thể, ngay cả nghĩ đến một cách cụ  thể. Hoặc là người ta "thanh cao hoá nó" - như một giáo sĩ đã nói với  Marie về sự ham muốn nhục dục - hoặc người ta cho nó vốn là dung  tục, nhưng không bao giờ nghĩ đến nó trong chức năng nó trực tiếp  biểu thị: thức ăn hoặc xe taxi, bao thuốc lá hoặc phòng ngủ có  buồng tắm.
Bố tôi rõ ràng đương đau khổ, trông thật đáng thương. Ông quay  người về phía cửa sổ, rút khăn tay trong túi ra lau nước mắt. Tôi  chưa bao giờ thấy ông khóc, ngay cả dùng khăn tay. Mỗi buổi sáng  người ta để ra cho ông hai khăn tay sạch, đến tối ông quẳng chúng  vào sọt quần áo bẩn trong buồng tắm, hơi nhầu nhưng không có vết  nhơ. Có một thời gian, để tiết kiệm xà phòng lúc đó khan hiếm, mẹ  tôi đã tranh luận với ông rất lâu xem ông có thể cứ dùng những  chiếc khăn tay của ông hai hoặc ba ngày được không. "Ông mới dắt chúng trong túi áo ông, chưa hề bẩn chút nào..." và chúng ta dù sao  cũng phải có trách nhiệm đối với cộng đồng dân tộcÕ. Nói vậy, bà  muốn ám chỉ "cuộc đấu tranh chống tệ lãng phí" theo lệnh của  thượng cấp. Nhưng - theo như tôi nhớ ra, đây là lần duy nhất - bố  tôi đã tỏ ra cương quyết, ông đòi mỗi buổi sáng vẫn phải có hai chiếc  khăn tay sạch cho ông. Tôi chưa hề thấy ở ông một giọt nhỏ, một  hạt bụi hoặc một vấy bẩn nào để ông phải dùng đến khăn tay. Vậy  mà giờ đây, đứng trước cửa sổ, không chỉ lau nước mắt, ông còn có  một cử chỉ đến tầm thường là lau mồ hôi đọng giọt ở môi trên của  ông. Vì ông vẫn cứ khóc, tôi quyết định đi vào trong bếp và ở đó tôi  nghe thấy cả tiếng ông còn thổn thức tí tỉnh. Hiếm có người nào  muốn thấy ai đó khi mình đang khóc và tôi cho rằng trong trường  hợp này nếu đó lại chính là người con trai của mình mà mình còn  biết rất ít thì càng không đúng lúc chút nào. Riêng tôi, tôi biết chỉ  có một người trước mặt người đó tôi có thể khóc: Marie, và tôi không  biết người tình của bố tôi có phải là loại người trước mặt người đó  ông có thể khóc được không. Tôi chỉ thấy bà ta có một lần, trông bà  ta đẹp, dễ ưa và ngốc nghếch một cách có thể nói là dễ chịu. Nhưng  ngược lại tôi được nghe nói nhiều về bà ta. Một số người họ hàng  của chúng tôi đã miêu tả bà ta như một người phụ nữ hám của,  nhưng ở nhà chúng tôi nếu nhận xét ai đó đôi khi cần ăn, cần uống  hay cần mua giày dép là hám của thì thật là xấc xược. Còn ai tuyên  bố thuốc lá, tắm nước nóng, hoa và rượu là cần thiết cho cuộc sống  thì có khả năng được đưa vào biên niên của gia đình với nét đặc sắc  là "kẻ hoang phí mất trí". Theo tôi nghĩ chức năng của bà chủ gia  đình kéo theo những nhu cầu lớn về tiền bạc: dĩ nhiên bà ta cần  phải mua sắm bít tất, áo dài, trả tiền nhà và lại phải luôn luôn tỏ  ra vui vẻ, điều đó chỉ có thể có được - như bố tôi đã công thức hoá -  "chừng nào mà hoàn cảnh tài chính tỏ ra hoàn toàn lành mạnh".  Sau khi đã tắm trong đại dương những buồn phiền ở các hội đồng  quản trị, bố tôi tìm đến bà, lúc ấy bà phải tỏ ra có tâm trạng vui vẻ  trông ngon mắt và đã qua hiệu làm đầu rồi. Tôi không thể tưởng  tượng được là bà ta xấc xược. Bà ta chỉ có thể tiêu hoang, nhưng ở  nhà chúng tôi hai từ đó đồng nghĩa với nhau. Khi người trưởng vườn  Henkels, thỉnh thoảng đến giúp ông già Furhmann nơi chúng tôi, có  lưu ý chúng tôi - với một sự kín đáo đến lạ lùng! - về việc đã từ ba năm nay những người phụ vườn ở nơi khác được trả tiền hậu hơn  ông ta ở nơi chúng tôi, là mẹ tôi nói đến chối tai trong suốt hai tiếng  đồng hồ về "tính hám lợi" của một số người. Một hôm bà đã đưa hai  mươi nhăm pfenning, tiền phong bao cho người đưa thư, đến hôm  sau bà hết sức công phẫn khi thấy trong hòm thư một chiếc phong bì  trong đó có hai mươi nhăm pfenning của bà, với lời nói nhỏ của người  đưa thư diễn đạt như sau: "Thưa bà, tôi sẽ tự trách mình nếu tước  đoạt hết tiền của bà". Tất nhiên bà có quen biết một ông tổng trưởng  tổng cục bưu điện và bà đã phàn nàn ngay với ông ta "về tính hám  tiền và sự xấc xược của người đưa thư".
Vòng qua bãi nước cà phê, tôi ra khỏi bếp, đi qua phòng ngoài và  vào buồng tắm để tháo nước ở bể tắm... và bỗng nhận thấy đây là lần  đầu tiên từ nhiều năm nay, tôi đã tắm rửa mà không cất tiếng hát,  dù là những bài Kinh Cầu nguyện. Vừa lấy vòi hoa sen cọ rửa cho  hết rêu bám vào thành bể tắm, tôi vừa hát lầm rầm bài Tantum  ergo(1). Rồi tôi bắt giọng sang bài Kinh Cầu nguyện chúc tụng Marie,  tôi luôn luôn mê người thiếu nữ Do Thái Marie, đến nỗi thỉnh thoảng  lòng tin của tôi gần như thành kính. Nhưng bài Kinh Cầu nguyện,  cũng như bài Tantum ergo không giúp ích gì cho tôi: quá nặng chất  đạo Cơ Đốc mà tôi thì lại đương điên đầu với đạo Cơ Đốc nói chung  và những tín đồ Cơ Đốc nói riêng. Lúc ấy tôi quyết định gọi cho  Heinrich Behlen và Karl Edmonds. Từ việc kinh khủng đã xảy ra  giữa chúng tôi, hai năm trước đây, tôi không nói gì với Karl  Edmonds nữa... và chúng tôi không bao giờ viết thư cho nhau.
Hắn xử sự một cách hèn mạt đối với tôi, như vậy vì một lí do hoàn  toàn ngớ ngẩn: tôi trộn trứng tươi vào sữa cho đứa con út của hắn,  bé Gregor lúc ấy lên một, tôi trông giúp để Sabine và hắn đi xem  phim với Marie ở "Câu lạc bộ" của họ. Sabine dặn tôi hâm lại  bibơrông sữa và cho đứa bé uống vào lúc mười giờ. Tôi thấy đứa bé  tội nghiệp xanh xao và ốm yếu (nó không có cả sức để khỏe, chỉ rên  rỉ rất đáng thương) tôi cho là một quả trứng tươi đập vào sữa chỉ có  lợi cho nó. Trong khi sữa đang được đun sôi, tôi ôm đứa bé trong tay  đi trong bếp, vừa đi vừa lên tiếng diễn thuyết với nó: "Người ta sắp cho nó cái gì đây, hả bé con? Một quả trứng nhỏ! Nó sẽ có được cái  gì ngon lành đây, con người bé nhỏ của chúng ta? Một quả trứng  nhỏ!" và vân vân. Rồi khi đập trứng, tôi cho trứng vào máy trộn  thực phẩm, trộn lên và đổ vào sữa của Gregor. Những đứa trẻ khác  nhà Karl đương ngủ say; chúng tôi hoàn toàn được yên ổn ở trong  bếp, đứa bé và tôi. Tôi cho nó bú bầu sữa và có cảm giác sữa có đập  trứng rất tốt đối với nó. Nó nhoẻn miệng cười và sau đó ngủ luôn,  hết rên rỉ. Đi xem phim về, Karl trông thấy vỏ trứng trong bếp và đi  theo Sabine và tôi ra phòng khách, nói với tôi: "Cậu ăn một quả  trứng là rất nên". Tôi mới vừa cho hắn biết không phải tôi ăn mà là  tôi cho Gregor ăn trứng, lập tức những lời thóa mạ trút lên đầu tôi.  Sabine nổ ra một cơn ictêri thực sự và gán cho tôi là "tên sát nhân",  còn Karl thì hét lên: "Thằng lang thang, tên macô!" Những lời phỉ  báng ấy làm tôi giận điên lên, mắng hắn là "mất dạy" và cầm lấy áo  ra đi luôn. Hắn còn đi theo tôi đến tận đầu cầu thang và chúng tôi  tiếp tục sỉ vả nhau khi tôi lao xuống cầu thang. "Thằng diễn viên  tồi khốn khổ!" hắn hét lên, và tôi: "Đồ tiểu thị dân bẩn thỉu ictêríc".  Tôi rất yêu trẻ con, nhất là trẻ sơ sinh và tôi rất hợp với chúng. Vả  lại tôi không hiểu làm sao một quả trứng lại có thể tai hại đối với  một đứa bé một tuổi. Tôi phải nói rằng từ "sát nhân" của Sabine ít  tác động đến tôi hơn là từ" ma cô" của Karl. Dù sao, cư xử của một  người mẹ bị xúc động, trong lúc thảng thốt còn có thể hiểu được, kể  cả đáng được tha thứ, và Karl thì hắn biết chính xác tôi không phải  là một tên macô. Mối bất hòa giữa chúng tôi không phải vì thế mà  kém ngớ ngẩn bởi vì, trong thâm tâm hắn khâm phục "cuộc sống tự  lập" của tôi, tôi cũng vậy trong thâm tâm tôi bị lôi cuốn bởi cuộc  sống tiểu thị dân của hắn. Không bao giờ tôi có thể làm cho hắn  hiểu được là tôi phải sống theo giờ giấc một cách đến thảm hại chết  người được (hành trình bằng xe lửa, thuê phòng ở khách sạn, tập  luyện và trình diễn và ngoài ra là chơi cờ tào cáo và uống bia) trong  khi cuộc sống của hắn trái lại lôi cuốn tôi chính là ở khía cạnh tiểu  thị dân của nó. Cũng như những người khác, Karl tất nhiên nghĩ  việc chúng tôi không có con, việc Marie mấy lần sẩy thai là có chủ  định, do chúng tôi không muốn có con, đối với họ những lần sẩy thai  của Marie là rất "đáng ngờ", hắn không biết rằng chúng tôi tha  thiết muốn có con đến chừng nào. Tuy nhiên tôi vẫn muốn điện cho hắn yêu cầu hắn telephon cho tôi, dứt khoát không có ý định moi  tiền của hắn: là một người bố có bốn đứa con, hắn khó có thể đủ chi  tiêu.
Tôi cọ lại bể tắm một lẫn nữa, rón chân đi ra phòng ngoài và, qua  cánh cửa mở, tôi ghé nhìn vào phòng khách: bố tôi, bây giờ đứng  quay lưng vào cửa sổ, ông không còn khóc. Mũi ông đỏ lên, đôi má  nhăn dúm và ướt làm ông giống như bất cứ một người có tuổi nào đó  đã hơi run rẩy và, điều lạ lùng, hơi kì cục. Tôi rót một ít cognac vào  một chiếc li mang ra mời ông. Ông uống cạn một hơi mặt vẫn không  mất đi vẻ ngơ ngẩn. Cái lối uống cạn một hơi của ông rồi đưa chiếc  li lại cho tôi với một con mắt cầu khẩn, vẻ đần độn của ông, tất cả  những cái đó thật mới mẻ đối với tôi. Người ta có thể coi đây là một  loại người đã chán hết mọi thứ ngoài những cuốn tiểu thuyết trinh  thám, rượu vang tốt và những trò đùa tầm thường. Ông đã bỏ chiếc  khăn tay ướt, nhầu của ông lên mặt bàn và cái cử chỉ không thích  đáng ấy (một khiếm khuyết quan trọng về phần ông) đối với tôi rõ  ràng là sự biểu hiện của một tâm trạng bực bội đúng như là của  một đứa trẻ con khó bảo đã được người ta nhắc hàng trăm lần là  không được để khăn tay của mình lên mặt bàn. Tôi rót cho ông một  ít cognac nữa. Sau khi uống, ông phác ra một cử chỉ có ý nghĩa rõ  rệt là "xin đi lấy áo khoác cho tôi". Tung đồng mác một lần nữa lên  trần nhà và bắt lấy nó lần này trên các ngón chân phải mà tôi nhấc  cao lên gần như dưới mũi ông; nhưng ông chỉ phát ra một tiếng càu  nhàu kèm theo một cử chỉ tỏ vẻ phật ý: "Như thế đủ rồi!", tôi nhún  vai, đi lấy áo khoác đem vào cho ông, nhặt lên đôi găng tay từ mũ  ông rơi ra và đưa chúng cho ông. Một lần nữa, như gần phát khóc  và với một cái nhăn mũi kì cục, ông thì thầm:
- Vậy là con không có điều gì tử tế để nói với ba sao?
- Có đấy, tôi nói nhẹ nhàng, thật là tử tế khi ba đã đặt tay lên vai  con hôm bọn ngu xuẩn ấy kết án con và còn rất tử tế nữa, khi ba đã ngăn không cho cái tên chỉ huy đần độn đưa xử bắn bà Wieneken.
- A, ba đã gần như quên hết những chuyện đó...
- Thói hay quên đặc biệt thanh tao của ba... Trái lại con không  quên gì hết.
Ông nhìn tôi, với một cái nhìn như muốn van xin tôi đừng nhắc  đến tên của Henriette. Vì vậy, kìm lại, mặc dầu thật ra tôi sẵn  sàng muốn hỏi vì sao ông đã không đủ tốt để ngăn cản không cho  con gái của ông tham gia vào cái D.C.A. ấy. Trước vẻ đồng tình của  tôi, ông hiểu là tôi sẽ không nói gì về chuyện của chị. Trong nhiều  buổi họp hội đồng quản trị mà ông đến dự, hẳn là ông đã nguệch  ngoạc vào lốc lịch bỏ túi các hình vẽ người, đôi khi viết một chữ H,  biết đâu hoàn toàn cả cái tên, Henriette. Ông không phải là thủ  phạm, nhưng chỉ dại dột đến nỗi không nghĩ ra mặt bi thảm của  vấn đề, nếu không nói là sự báo hiệu cho vấn đề đó, ai biết đâu?  Sao mà ông tế nhị, tinh tế và có vẻ tốt bụng đến như thế! Điều đó  không ngăn cản ông nghĩ đến chuyện không cho tôi một xu nào  trong suốt thời gian tôi sống ở Cologne với Marie. Vậy điều gì đã làm cho ông, con người đáng mến ấy, bố tôi, lại cứng rắn và quá  quắt đến như thế. Tại sao lại có những bài thuyết lí dài dòng trên  màn ảnh truyền hình về nghĩa vụ đối với xã hội, về ý thức trách  nhiệm đối với xã hội, về nước Đức, ngay cả về cái đạo Cơ Đốc mà  chính ông đã thú thực là không tin tưởng? Và tại sao ông lại có thể  nói dông dài như vậy với cái vẻ bề ngoài hoàn toàn tin tưởng đến  nỗi người ta bắt buộc phải tin vào những lời nói của ông? Chỉ có  tiền mới có thể tạo cho ông sức mạnh ấy, không phải theo ý nghĩa  cụ thể (để mua sữa, đi taxi, bao gái hay đi xem phim) mà là theo  ý nghĩa trừu tượng. Tôi e ngại ông và ông e ngại tôi, chúng tôi  biết rằng chúng tôi, cả ông lẫn tôi, đều không phải là những con  người có đầu óc thực tế và đều một lòng coi thường những ai nói  chính sách thực tế. Cái đó bỏ qua khá xa những gì mà bọn ngu  xuẩn kia có thể hiểu được. Tôi đọc thấy trong mắt ông điều mà  ông không thể tự giải quyết được về chuyện ông đưa tiền cho một  diễn viên hài không biết gì hơn là tiêu nó cho bằng hết, ngược lại  với đúng điều người ta phải đối xử với đồng tiền. Vả chăng tôi biết  là, dù có cho tôi một triệu đồng, thì tôi cũng tiêu hết. Mà tiêu tiền  đối với ông là đồng nghĩa với hoang phí.
Trong khi rút lui trước hết vào trong bếp, rồi vào buồng tắm,  tôi để ông khóc một mình, tôi hi vọng trong lúc tâm hồn bị xáo  động, ông sẽ cho tôi một số tiền lớn mà không áp đặt với tôi  những điều kiện ngu ngốc nào; nhưng bây giờ tôi đọc thấy trong mắt ông là điều đó vượt quá sức của ông. Chúng tôi không phải  là những con người thực tế và chúng tôi biết rằng, trong tất cả  tính tầm thường của họ, những con người thực tế cũng ngu ngốc  như các con rối, đưa tay hàng trăm lần lên cổ vẫn không bao giờ  tìm ra được sợi dây chúng đương cựa quậy ở cuối đoạn.
Để cho ông được hoàn toàn yên tâm, tôi biểu lộ thêm một dấu  hiệu đồng tình: tôi không nói gì nữa về vấn đề tiền, về Henriette,  nhưng không phải tôi ít nghĩ nhiều hơn đến chị và điều đó biểu  hiện trong thái độ của tôi bề ngoài rõ ràng rất bất lịch sự: tôi thấy  chị như hiện diện hôm nay, ba mươi ba tuổi đời và có thể đã li dị  với một nhà công nghiệp. Tôi không thể tưởng tượng được là chị đã dính líu vào tất cả những chuyện vô vị kia: những cuộc hẹn hò,  những cuộc họp mặt với giới ăn chơi trong xã hội thượng lưu,  những uỷ ban đủ loại, mù quáng tuân theo những khẩu hiệu: "hãy  trung thành với đạo Cơ Đốc", hãy tỏ ra đặc biệt tử tế đối với những  người của SPD để tránh cho họ thêm mặc cảm". Tôi chỉ có thể  tưởng tượng được chị sẽ thất vọng khi thấy sau mỗi hành động  thiếu đầu óc tưởng tượng những con người thực tế kia sẽ coi như là  một biểu hiện của thói đua đòi: đổ rượu cocktail vào cổ một trong  những người có danh hiệu chủ tịch hoặc dùng xe hơi của họ va móp  chiếc xe Mercédès của một tay lang băm cao cấp khoa răng hàm  mặt. Chị có thể làm được điều gì khác nếu không phải là vẽ tranh  hoặc làm những chiếc bình nhỏ trên một bàn quay của thợ gốm?  Nếu Henriette còn sống trên đời này, chị cũng không tránh khỏi  cảm thấy như bản thân tôi là ở đâu có sự biểu hiện của sự sống, thì  ở đấy có bức tường vô hình của đồng tiền bất khả xâm phạm,  không phải làm ra để tiêu đi mà là để găm lại trong các khám thờ  dưới dạng những con số.
Tôi quyết định buông tha bố tôi: ông đã lại bắt đầu toát mồ hôi  làm tôi mủi lòng. Mau chóng trở lại phòng khách, tôi cầm lên chiếc  khăn tay bẩn còn bỏ lại trên mặt bàn, nhét nó vào túi áo khoác của  ông. Hàng tháng, lúc mẹ tôi soát lại quần áo lót, mẹ tôi có thể sẽ  kêu toáng lên khi thấy thiếu bất cứ thứ gì và sẽ buộc tội các gia  nhân là đã ăn cắp hoặc cẩu thả.
- Con có cần gọi taxi cho ba không? Tôi hỏi.
- Không, cám ơn, ba đi bộ một quãng, Fuhrmann đợi bố ở gần nhà  ga.
Ông bước qua tôi, tôi mở cửa, đưa ông ra cầu thang máy và ấn  nút. Rút ở túi ra một lần nữa đồng mác, tôi đặt nó lên gan bàn  tay trái của tôi, trừng trừng nhìn nó. Bố tôi quay nhìn đi chỗ  khác, vẻ chán ghét và lắc đầu. Tôi nghĩ là có thể ông sẽ rút ví  của ông ra lấy cho tôi năm mươi hoặc một trăm mác, nhưng sự  đau khổ, phẩm giá và ý thức về sự bi thảm trong tình thế của  ông đã đặt ông vào bình diện của một sự thanh cao hoá mà một  chút gợi ý nào đó về tiền bạc đối với ông cũng đều bỉ ổi và mọi  mưu toan đưa ông vào lĩnh vực ấy đối với ông đều là phạm  thượng. Tôi mở cửa khoang thang máy cho ông, ông ôm hôn tôi  và bỗng sịt mũi ông nhăn mặt nói:
- Người con sặc mùi cà phê... Tiếc quá, ba đã sẵn sàng pha cà phê  cho con... Con biết không, ba thạo chuyện này!
Chia tay tôi, ông bước vào khoang thang máy và trước khi  thang máy chuyển động tôi còn kịp thấy ông ấn nút thang máy,  miệng mỉm cười ranh mãnh. Tôi đứng đó, bất động, nhìn các chữ  số bật sáng: bốn, ba, hai, một... rồi ánh sáng phụt tắt.
--------
(1) Cách xưng hô trong gia đình Schnier.
(1) Từ lúc này cách xưng hô thay đổi như khi còn ở trong gia đình (N.D).
(1) Nghệ thuật vì nghệ thuật.
(1) Vai hề kịch câm.
(1) Henri de Kleist (1777-1811): nhà viết kịch, nhà văn và nhà thơ Đức, tác giả cuốn Cái hũ vỡ, một trong  những vở hài kịch hay của Đức. Các sáng tác của K. có nhiều khía cạnh phi lí tính, lãng mạn.
(1) Đúng ngày (định trước).
(1) Chia rẽ.
(1) Kiangti: rượu vang của Italia.
(1) Quỹ từ thiện.
(1) Đảng xã hội dân chủ.
(1) Brecht (1898-1956): nhà hoạt động sân khấu Đức nổi tiếng thế giới, nhà thơ, nhà lí luận, nhà viết truyện,  trước hết được coi là người sáng lập nền sân khấu tự sự biện chứng. Thơ ca của B, rất độc đáo, mang tính dân  gian, tính dân tộc và tính trí tuệ. Với vở Ca kịch ba xu, (1928), B. nổi danh khắp Âu châu. B. trước hết được coi  là người sáng lập nền sân khấu tự sự biện chứng.
(2) Liên minh dân chủ Cơ Đốc giáo.
(1) Gulat (goulasch): món thịt bò theo kiểu Italia.
(1) Con người hào hoa.
(1) Tên một bài Thánh ca.