Chương 15

Chiến dịch Ngôi sao Bắc đẩu.
Ngôi sao Bắc đầu đã cháy sáng nhưng tiểu đoàn bị xóa sổ. Tôi còn mười hai lính.
Sau bốn mươi tám giờ, quân số được bổ sung. Lính tử miền Bắc vào ào ào như thác lũ. Cơ man nào là con cháu của nòi giống Lạc Hồng.
Chúng tôi tiến về phương Nam.
Chân trời đỏ rực lửa.
- Pằng pằng pằng... pằng pằng...
- Pằng pằng pằng... pằng pằng pằng...
Tôi đứng bật dậy:
- Cậu nào bắn ẩu thế?
Tạo đứng lên theo:
- Thủ trưởng để em ra xem sao.
Cậu ta lao vút ra ngoài bóng đêm. Chỉ còn tôi và cậu y tá. Đèn sáng đến chói mắt. Chưa bao giờ tôi ngập tràn ánh sáng như bây giờ! Căn phòng còn nguyên vẹn, cả những chiếc phô-tơi bọc da màu huyết dụ, cả những tấm rèm ni- lông trong suốt, cả máy đàm thoại, những chồng giấy viết thư trắng tinh có in bông hoa tím...
Kẻ địch sống sang trọng thế này, làm sao chúng chống chọi lại chúng tôi?... Chiến tranh cần chó gì thứ giấy viết thư kìa với những bông hoa li ti màu tím?
- Thủ trưởng để yên, chưa xong đâu...
Cậu y tá nhắc. Cậu ta đang thay băng cho tôi. Hình như vết thương sắp có mủ, nó cứ cắn rưng rứt như kiến đốt.
- Pằng pằng pằng... pằng pằng pằng pằng...
Tôi bảo:
- Quái lạ, đứa nào bắn như động rồ mãi thế. Có lẽ tôi phải đi xem sao. Xong chưa?
Cậu y tá nói:
- Tí tẹo nữa thôi ạ.
Cậu ta cuốn vòng băng cuối, thắt nút một cách khéo léo và dịu dàng. Tôi nghĩ: "Cái mặt nó đáng ghét nhưng bàn tay của nó bằng vàng! Giá nó làm thợ khắc, thợ chạm thì tuyệt ".
Thắt xong nút băng, cậu y tá xin:
- Thủ trưởng cho em đi theo?
- Ừ, thì đi.
Chúng tôi rời khỏi phòng, vượt qua khoảng sân xi- măng mênh mông về phía tiếng súng. Đó là dãy kho quân dụng. Ánh đèn lấp lóa với mấy cánh tay cần câu đen sì, những mảnh vải trắng, vải dù mắc trong đám dây điện phất phơ bay. Mùi thuốc súng, mùi khói lẫn mùi các vết thương và máu người, hờa trong khí trời đêm như những chiếc vòi bạch tuộc hút chặt trí não. Tôi nghe bước chân mình vang lên, lạ lùng. Tiếng gõ trên nền xi-măng cứng lạnh.
Xưa nay, tôi chỉ nghe tiếng chân mình lẫn trong tiếng cỏ xạc xào, tiếng sột soạt của lá rừng, tiếng lép nhép của bùn lầy tiếng va chạm của vỏ đạn và vũ khí.
Lần đầu tiên, chúng tôi bước xuống thành phố...
- Rảo bước lên...
Tôi bảo cậu y tá, vội vã chúng tôi tiến về dãy nhà lô nhô dưới chân cây đèn cao áp trắng. Người chạy ra đầu tiên đón tôi là Tạo:
- Vào cũng không được...
- Bắn ai?
- Không ạ. Gặp gì bắn nấy. Lung tung cả...
- Dẫn tôi đi, mau lên...
Cậu ta chạy trước. Chúng tôi vào kho. Mái tôn cao ước trên hai chục thước, tựa trên khung sắt lớn, vừa đơn giản, vừa quái dị. Các thùng hàng chồng chất, sừng sững cho tới áp mái, chỉ để lọt những lối đi hẹp hình bàn cờ. Chúng tôi đi theo các lối hẹp ấy. Phía trước, tiếng súng thỉnh thoảng lại rộ lên từng tràng, lẫn tiếng cười oang oang, tiếng hát và tiếng nói líu lưỡi của kẻ say.
Tôi hỏi:
- Những đứa nào thế?
Tạo đáp:
- Báo cáo thủ trưởng, tiểu đội của thằng Lành.
- Chúng nó say rượu cả hay sao?
- Có thằng say, có thằng tỉnh.
Đoạn, cậu ta ngăn tôi lại:
- Thủ trưởng rẽ sang lối này...
Chúng tôi bước sang gian kho khác, lối đi rộng hơn, với một chuỗi đèn chạy dọc theo mái kho, chiếu xuống. Nền kho láng bóng. Đang đi, chợt một dòng nước màu hồng thắm chảy tới, bò từ từ đến mũi giày tôi. Tôi chưa kịp dừng chân, một dòng suối nữa tràn đến, màu hồng trong suốt lóng lánh dưới đèn, như si-rô lựu ai tưới xuống mặt đất.
Tôi hỏi:
- Cái quái gì thế này?
Tạo đáp:
- Báo cáo thủ trưởng, thuốc ạ.
Thuốc gì?
- Thuốc tiêm B12. Toàn thuốc cao cấp của Mỹ. Ở kho đằng kia, chúng nó đã bắn tan bốn công-ten-nơ, B12 chảy ngập tới mắt cá chân... Giờ lại thế...
Lại một dòng nước hồng đặc sánh chảy tràn qua lối đi.
Giày chúng tôi ướt. Lội trong dòng nước sóng sánh, chúng tôi đi
- Pằng pằng pằng... pằng pằng pằng pằng...
Tiếng súng vọng trong kho, chối óc. Tạo chạy lên phía trước quát:
- Thủ trưởng đến đấy... dừng lại...
Tiếng cậu ta lấp trong tiếng súng. Khi tôi và cậu y tá đến nơi, Tạo vẫn còn đang hò hét.
Cách Tạo hai bước chân, một cậu đen đủi, thấp bé cầm tiểu liên quạt như điên vào chiếc hòm gỗ trước mặt. Tên nó là Tu, dân Hà tĩnh. Nó đứng chạng đôi chân cong queo, gầy như hai que củi, bậm môi bóp cò. Cặp mắt Tu đỏ vằn, chắc nó say. Khi Tạo đập liên hồi vào vai Tu, cậu ta mới quay ra, nhìn thấy tôi. Tu ngước cặp mắt đờ đẫn lên, nhe răng cười.
Tôi hỏi:
- Ai cho cậu bắn?
Tu kẹp súng, đáp:
- Báo cáo thủ trưởng, hắn là đồ của đế quốc Mỹ, em bắn cho hắn không thể ngóc đầu lên.
- Cậu không có mắt à? Câụ không biết đó là cái gì à?
- Em có trộ chi mô... Dưng mà em biết đó là đồ của đế quốc Mỹ.
Tôi bảo:
- Đó là thuốc bổ. Thứ thuốc người ta đã tiêm cho cậu khi cậu nằm trong quân y viện.
Tu kêu:
- Không, thủ trưởng lộn rồi... Hồi í, em toàn tiêm thuốc bổ của Liên xô...
Dứt lời, cậu ta loạng choạng lùi lại. Đường gân xanh đập phập phồng nơi cổ. Tôi hỏi:
- Lành đâu?
Mấy cậu đứng sau Tu đáp:
- Báo cáo, anh Lành say quá đã ngủ rồi.
Tôi bảo:
- Đẹp mặt nhỉ, các cậu lấy rượu ở đâu?
- Báo cáo anh, trong bếp của ban chỉ huy cứ điểm. Có cả một kho... đủ các loại rượu...
Mặt cậu nào cậu nấy lấm lét. Tôi biết chắc thủ phạm chính chưa xuất hiện. Mấy bộ mặt cù lần không thể nghĩ ra cái trò chơi tàn bạo này. Tôi hỏi:
- Ai dẫn các cậu đến đây?
Mấy đứa cúi gằm mặt xuống.
Tôi quát:
- Ai?... Các cậu muốn ra tòa án binh cả nút hả?
Lúc ấy, Tu lảo đảo bước lên:
- Thủ trưởng, tha cho em... tụi em có làm... chi mô.
Tôi gằn giọng:
- Ai đưa các cậu tới đây?
Tu ngẩng lên, ngất ngưỡng:
- Báo cáo thủ trưởng... là... anh Kha... Anh Kha bảo...
“Thảo nào... Thằng ôn con chuyên bày trò khỉ..." Tôi quát:
- Tìm cậu Kha lại đây.
Nhưng đám lính chưa kịp chạy đi, Kha đã từ sau lưng tôi bước lên:
- Báo cáo, em có mặt.
Hóa ra cậu ta rúc vào khe giữa hai hòm hàng. Mặt Kha trắng xanh, hoàn toàn tỉnh táo. Tôi bảo:
- Hóa ra cậu!
Kha im lặng.
Tôi hỏi:
- Đã uống mấy chén rồi? Tôi ngửi hơi cậu không có mùi rượu. Cậu giữ cho tỉnh để đưa mấy thằng say đi làm trò càn dở phải không?
Kha cúi gầm mặt, lặng im.
Tôi bảo:
- Về phòng tôi.
Tạo đưa mấy chàng say và Tu về chỗ ngủ. Kha đi cùng tôi. Cậu y tá lẽo đẽo bước sau. Khi chúng tôi băng qua sân phi trường, một đám cháy lớn bùng lên phía tây in chóp nhọn của một ngôi nhà thờ như lưỡi lê chĩa ngược vào trời đêm. Đối điện với cái lưỡi lê ấy, vài ngôi sao thoi thóp sáng.
Có tiếng chuông từ nơi nào xa lắm vọng tới. Cậu y tá nói:
- Báo cáo thủ trưởng, đã nửa đêm.
Tôi bảo:
- Cho cậu về nghỉ.
Tôi dẫn Kha về phòng. Căn phòng sáng choang, cửa ngỏ. Gió thổi những tờ giấy viết thư bay khắp nơi trong khi cục thủy tinh chặn giấy hình quả chuông nằm choáng lộn trên bàn. Tôi bảo Kha ngồi xuống, mở tủ lấy chai vang trắng rót hai cốc.
- Nào, bây giờ đến lượt tôi và cậu cùng uống. Uống xong, không có gì bắn thì bắn lẫn nhau...
Kha đỡ cốc rượu, ngước mắt nhìn tôi:
- Anh Quân, tha tội cho em...
Tôi bảo:
- Hãy uống đi đã.
Tôi uống trước. Kha uống theo. Vẻ mặt nó không mảy may lo ngại.! Thằng mất dạy, nó ỷ thế... Nó biết mình mến nó.!! Trong đại đội, sau khi Hoàng chết, tôi gần gũi với Kha. Nó không trong trắng như Hoàng, nó khôn lỏi, láu cá vặt, lười nhưng tốt bụng và, khi cần, biết hy sinh cho lẽ phải.
Trong chiến đấu, bao giờ Kha cũng tìm được phương pháp tối ưu tiết kiệm xương máu. Nó không ham sục gái, thích mộng mơ và vẽ ra những trò oái oăm để trêu cợt mọi người.
Rượu đã cạn, tôi nói:
- Tửu lượng cậu cũng khá... Uống hết chai này chăng?
- Nếu anh thích.
- Trông cứng cỏi ra phết. Tựa như là tôi mời cậu lên đây để bồi dưỡng báo cáo điển hình.
Cậu ta cúi mặt, mân mê chiếc cốc trong tay. Tôi nhìn những vòng ánh sáng chao đảo quanh miệng cốc pha lê, như những vòng sóng bất tận, không bờ bến. Những vòng sóng trên mặt đầm ấu thơ của tôi, - nơi những con sâm cầm ngã dưới làn đạn ghém tàn ác của những người săn chim từ thành phố đổ về, máu đỏ tưới nhau trên đám cỏ hoặc rơi xuống tan hòa cùng làn nước, - nơi đám trẻ ngụp lặn giữa cỏ và bùn phóng tầm mắt tới chân trời mộng tưởng - không có chi ngoài con tàu cổ lỗ chạy hơi nước, phun ra từng đám hơi lẫn bụi than, như con ngựa ghẻ của hiệp sĩ Xéc-văng-tát từ thế kỷ nào đó lạc tới, - nơi những đứa bé gái cưỡi trâu nhông nhông chạy trên đồng lần đầu tiên nhìn thấy hai núm vú nhỏ xíu giữa làn nước trong suốt - sợ hãi như con người tiền sử thấy sấm sét - vụng lén như tên trộm cất dấu của bất chính - hồi hộp đợi chờ nó nảy nở thành hai trái đào tiên - Và rồi hằn học chai lì nhìn chúng dăn dúm, teo tóp lại trên lồng ngực lép kẹp chưa một bàn tay đàn ông chạm tới chưa cặp môi non dại nào đòi sữa... Vòng sáng óng ánh kia... con đầm... những giấc mơ trong suốt như thủy tinh.
Quả pháo thăng thiên vụt tan thành trăm ngàn vụn giấy...
- Choang...
Giờ cuốn tấm rèm, giật chiếc cốc trên bàn rơi xuống. Những mảnh pha lê bắn trên sàn đá hoa. Tôi thấy Kha đưa mắt nhìn. Cậu ta vẫn chờ lời phán quyết. Tôi ngồi xuống bên nó:
- Tại sao?
Kha nói khẽ:
- Anh tha cho em.
Nhưng tại sao cậu làm như vậy?
Em không biết.
- Cậu có biết.
Kha im lặng. Tôi hỏi gặng:
- Cậu làm như thế để được cái gì?
Kha ngẩng lên, nhìn vào mắt tôi:
- Nhưng không làm như thế em cũng chẳng được gì.
- Cậu nhầm rồi! Cậu đã phá hoại tài sản của nhân dân. Tất cả những gì chúng ta đổi xương máu để có đều thuộc về nhân dân.
Kha cười:
- Làm gì có nhân dân?
Cái vẻ nhếch mép chán chường của nó... Cái ánh mắt chán chường trên gương mặt tái xanh... Thằng lỏi khốn kiếp, vốn được tôi o bế, giờ coi tôi như một gã khờ đáng thương hại. Tôi cố nén cơn giận, mỉm cười:
- Cứ nói đi... Ngày hôm nay cậu đã tàn phá bao nhiêu thứ?
- Tụi em bắn tan ba công-ten-nơ đựng thứ đài to có mặt kính. Nghe thủy tinh nổ như mưa rào khoái cả tai. Rồi xơi đến mấy chiếc tủ lạnh trong bếp ban chỉ huy cứ điểm.
Còn buổi tối thì...
- Đủ rồi!
Tôi ngắt lời:
- Các cậu đã phá hủy một số thuốc đủ tiêm cho hàng vạn bệnh nhân. Còn thứ đài to có mặt kính là máy truyền hình, có thể chiếu cho hàng ngàn người...
- Vâng...
Kha ngắt lời tôi:
- Nhưng số người được xem chiếu hình không phải là nhân dân... Nhân dân, trong đó có bố mẹ anh, bố mẹ em, có đám lính tráng này... đừng hòng xơ múi...
Tôi bảo:
- Tại sao cậu dám nói thế?
Kha đặt tay lên vai tôi:
- Anh Quân, đừng to tiếng... Năm em mười bảy tuổi, ở thị trấn, người ta quyên tiền xây dựng nghĩa trang cho các liệt sĩ hồi kháng Pháp. Tinh cờ, lúc nộp tiền, em ở nhà. Trong số tiền mẹ em nộp cho chính quyền có một tờ bạc có lỗ thủng bằng hột vừng đúng giữa hình bông lúa.
Năm hôm sau, một đứa bạn gái học cùng lớp rủ em lên tỉnh chơi. Nó kém em vài tháng, được nước da trắng hồng nhưng mắt lác và rụt cổ. Nó mê em như điếu đổ. Trong chuyến đi ấy con bé tiêu tiền như ném rác. Cửa hàng nào nó cũng sà vào, mua toàn đồ xa xỉ, không cần trả giá. Số tiền nó tiêu một ngày gấp sáu lần số lương tháng của bố nó, ông chủ tịch thị trấn. Và trong số tiền hôm ấy, em nhìn thấy tờ giấy bạc có lỗ thủng bằng hột vừng đúng giữa hình bông lúa, đó rõ ràng là tiền của mẹ em!
Tôi lặng im, Kha cũng lặng im. Chúng tôi nghe gió lang thang qua phi trường, nghe tiếng nổ lép bép của đám cháy nào đó chưa lụi hết. Lát sau, tôi nói:
- Cậu làm tôi choáng cả đầu!
Kha đáp:
- Em nghĩ nhiều... Em cũng nghe chán vạn điều thiên hạ nói. Nhưng mà, nhân dân lúc có thật, lúc như bóng ma: Nếu cần lúa, nhân dân là con bò kéo cày. Lúc có chiến tranh, con bò ấy mặc áo giáp và cầm súng. Rồi, khi mọi sự đã qua, vào những ngày lễ lạt, hội hè... người ta tôn xưng nhân dân như hú vọng các hồn ma, tưởng thưởng cho khói thơm và tro tiền, còn phần xôi thịt thì kẻ khác hưởng...
Tôi choáng váng thật sự, như bị đè dưới đáy nước, giống hệt cảm giác hồi năm tuổi bị thằng anh họ điên khùng dìm dưới sông.
Rồi Kha nói:
- Anh đưa em ra tòa án binh cũng được... Nhưng mà em đã trót biết sự thật... em đã trót nghĩ như thế...
Nó cúi đầu, mái tóc đen lánh đổ xuống... "Thằng khốn kiếp... Nó làm mình tái tê..." Tôi nhớ đôi bàn tay xanh lét của nó hơ trên lửa dạo ở trong hang Bò cạp. Tôi nhớ miếng thịt chim ưng núi vừa dai vừa khét nó chia cho tôi ở bên kia đường. Tôi nhớ thân hình mảnh dẻ của nó, trần truồng lông nhông chạy bên bờ suối, lúc nó bị sốt rét ác tính hành. Tôi nhớ... Bỗng dưng, toàn thân tôi run bần bật. Tôi quát:
- Đồ khỉ... Lẽ ra cậu phải lãnh một viên đạn ở tòa án binh... Về ngủ... Từ ngày mai, bỏ trò phá hoại ấy đi...
Kha đứng lên, lẳng lặng ra khỏi phòng.
Tôi ngồi lại một mình. Gió ùa vào, cuốn những tờ giấy viết thư liệng khắp nơi. Tôi vớ quả chuông thủy tinh rồi ngồi nhìn những tờ giấy chao liệng như đàn bướm trắng khổng lồ. Những tờ giấy tiếp tục bay. Căn phòng tán loạn màu trắng. Tôi thấy lạnh. Không phải vì gió đêm, mà vì một bàn tay thần bí nào đó rút lửa khỏi xương tủy, da thịt tôi.
Tôi lạnh hơn mười mấy mùa mưa lạnh buốt Trường sơn, mười mấy mùa chìm ngập giữa sương giá của rừng núi... Tất cả rét mướt mười mấy năm dồn lại cho buổi tối này... Tay chân bủn rủn, tôi đặt quả chuông xuống sàn đá, mặc cho gió lồng lộn thổi đám giấy trên bàn, vãi tung tóe, cuốn khỏi ra cửa, mang vào khoảng đêm đen ngoài kia...
Một con gà gáy gọi bình minh.
- Cúc cù cu cu cu cúc cù cu.
Tôi ngồi dậy, đi tìm nó. Suốt đêm tôi không chợp mắt, người nhão như vải thưa. Cậu liên lạc mới, vừa tới:
- Thủ trưởng dậy sớm thế?
Tôi bảo:
- Đun nước pha cho tôi ấm chè.
Cậu ta đập gót chân:
- Rõ.
Trông cậu ta hớn hở ra mặt. Mười tám tuổi rưỡi, vừa gia nhập quân ngũ vài tháng đã được tiến về giải phóng đồng bằng. Anh chàng chưa biết đói khát, sốt rét, u sầu, thèm gái, nhớ quê... Nó được bổ xung thay cậu liên lạc cũ tử vong trong chiến dịch Ngôi sao Bắc đẩu. Tôi đi qua phi trường, khí lạnh ban mai khiến đầu óc dần tỉnh táo.
- Cúc cù cu cu cu
Tiếng gà gáy cất lên lần thứ hai, hào hển hơn, vang từ phía sau bức tường đổ. Tôi dẫm qua đống gạch vụn, lổn nhổn vỏ đạn, vỏ đồ giải khát, bông băng và bắt gặp một chú gà trống trắng đứng lẻ loi trong chiếc chuồng đan bằng thép mắt cáo. Chiếc chuồng rất đẹp đứng giữa đống đổ nát của tòa nhà. Đúng là phép lạ của thần linh.
Trong chuồng, còn nửa lon gạo tấm, nửa lon ngô xay với bát nước. Một mảnh pháo nhỏ nằm cong queo giữa đáy ý tưởng như tia chớp vọt qua: "Mày là con gà trắng yêu quái trong chuyện cổ An Dương Vương hay sao mà hiện ra trong buổi sớm này?" Con gà trắng nghiêng đầu nhìn tôi: "Sao không?... Ta cất tiếng gáy ở đâu, ở đó những thành trì sụp đổ "
- Báo cáo thủ trưởng...
Tôi giật mình quay lại. Cậu liên lạc đã đứng trước mặt tôi:
- Báo cáo thủ trưởng, một nồi luộc ạ...
Cậu ta chỉ con gà, hấp háy:
- Con này vừa nồi luộc. Trưa nay thủ trưởng cho phép...
Tôi cố gắng nén cảm giác khó chịu, hỏi:
- Có việc gì?
Thấy vẻ lạnh lùng của tôi, cậu liên lạc cụt hứng. Cậu ta thò tay gãi đầu, nói:
- Báo cáo, nước đã sôi... Em đã pha chè... Mời thủ trưởng...
Tôi bảo:
- Về trước đi.
Cậu ta đi, tôi cũng đi luôn, tâm hồn nặng trĩu. Cho tới khi uống chè với Thái, tôi vẫn không thoát được tâm trạng ngột ngạt. Tôi thầm oán hận Kha, nhưng không hiểu vì sao tôi thấy Kha có lý. Những lời tiên tri mơ hồ bay chập chờn như đàn quạ đen trên nghĩa địa thành phố.
Thái bảo tôi:
- Theo lệnh trên, bảy giờ tối nay đơn vị xuất phát. Tôi cho anh em ăn tươi buổi trưa.
Tôi nói:
- Phải đấy. Mà làm sớm lên. Bữa chiều ăn lúc bốn giờ ba mươi cho nhẹ bụng.
Thái gặng:
- Anh có cần dặn dò các trung đội không?
Tôi lắc đầu:
- Không.
Thái ăn nốt mẩu lương khô rồi đi.
Tôi ngồi lại một mình, bị vây bọc giữa nghi ngờ và oán hận. Ngoài sân phi trường, đám lính lăng xăng chạy đi chạy lại. Một không khí nao nức đến cuồng nhiệt hun đốt mọi người. Ánh mắt khát khao, nụ cười bồn chồn, cử chỉ hăm hở vội vã. Tất cả bị cuốn trong guồng quay của bánh xe. Tất cả lăn tới chân trời phía trước, nơi khải hoàn môn đã sừng sững hiện lên sau những đám cháy và sau màn bụi đỏ...
Tôi cô lẻ. Tôi bị câu chuyện của Kha làm tê liệt. Trái tim yếu hèn của tôi không chịu được dày vò. Thằng lính trong tôi mạnh hơn tôi. Nó đã chiến đấu cừ, nó đã chịu đựng hết thảy mọi gian khổ, một trong số mười hai người ít ỏi còn lại từ con số một trăm năm mươi chiến sĩ của đại đội ban đầu.
Vậy mà nó đã đi qua cuộc hành trình dằng dặc ấy không một giấc mơ, không thèm khát vinh quang, không trông đợi một phần xôi thịt. Trong trí óc lạnh lẽo của nó, khải hoàn môn đã hiện ra như một chiếc cầu vồng sặc sỡ nhưng khi đi qua nửa vòng tròn mộng tưởng ấy, người ta sẽ lại lội trong bùn thuở nguyên sơ, với những rạch cày từ thuở nguyên sơ...
Trưa ấy, trong bữa cơm khao quân, sâm banh nổ đôm đốp vang tuôn chảy như suối. Tôi cố tình không nhìn Kha nhưng tôi biết cậu ta nhìn tôi. Cái nhìn thương cảm. Có lẽ, vẻ xanh xám ngơ ngác của tôi, với nó là bộ mặt của một thằng bé lần đầu bị bỏ trong phòng tối...!! Sư mày... thằng lỏi con chơi nước kiệu. Mình đã quá mềm yếu... Phải trị cho nó một trận..." Tôi cố giữ cảm giác điên khùng. Tôi đưa mắt hằm hằm nhìn xung quanh. Đúng lúc tôi nhìn Kha, cậu ta mỉm cười. Nụ cười xẻ chia, buồn như nắng cuối đông. Trong nụ cười của nó có vẻ ngượng ngùng của một kẻ vác nặng xẻ gánh cho người khác. Nó đã vác gánh nặng ấy quá lâu, một mình, và thời gian không còn cho đủ lòng kiên nhẫn...
Bốn bề xung quanh, tiếng nói cười, tiếng ly cốc ồn ào sôi động. Hưng phấn tràn trề. Những gương mặt hừng hực lửa hy vọng. Đoàn xe đã nổ máy ngoài kia, chuẩn bị cho cuộc hành quân vào lúc lặn mặt trời. Tôi chợt hiểu rằng chỉ có tôi và Kha là hai kẻ bất hạnh duy nhất trong đoàn quân nồng nhiệt này, chúng tôi đã bị trói buộc cùng nhau bởi đã xẻ chia một điều bí mật...
Rạng đông đỏ lừng lững như sóng đỏ tràn trên mặt đất.
Xe chúng tôi lăn qua mặt lộ rải rác đầy giày dép, quần áo mũ, túi xách, ba-lô, đạn vàng choa, bàn chải gãy, su- chiêng của đàn bà, bánh mì kẹp thịt bị xéo nát, búp bê nhựa nát đầu, dấu vết của cuộc rút chạy nóng hổi.
- Tiến về đồng bằng, ta tiến về đồng bằng...
Một cậu hét to. Cả đám hòa theo:
- Tiến về đồng bằng, anh em ơi i i...
Gió thốc lại. Bụi đỏ bay mờ mịt. Một cậu sau lưng tôi cất tiếng cười:
- Ha ha... Bao nhiêu năm nay chúng ông rúc trên rừng.
– Đ. mẹ chúng mày. Giờ chúng ông đã về đây, sướng sướng sường sương nhé...
Tiếng cười rộ lên trong tiếng gió gào và tiếng máy. Tới ngã ba cao nguyên, gặp một đoàn tăng từ cánh trái đi tới.
Phía trước, một chiếc jeep trắng của quân ngụy bỏ lại, bánh cháy lụi, tên lính lái xe chết gục mặt vào vô-lăng. Đám lính hét to:
- Anh em tăng đâu... nghiến mẹ nó đi... nghiến đi...
Đám lính tăng ngồi trên tháp giơ tay vẫy.
- Hoan hô... hoan hô...
- Xin chào...
Tụi lính của tôi hào hứng đứng lên, hoa chân múa tay, gào tới rách cổ: - Nghiến mẹ nó đi, anh em ơi...
Đám lính tăng hình như nghe thấy. Một cậu từ tháp pháo tụt xuống. Vài giây sau, chiếc tăng quay đầu từ từ bò tới nghiến chiếc jeep:
- Hoan hô... hoan hô...
- Anh em tăng tuyệt vời i i...
Tôi quay đi, chợt bắt gặp ánh mắt của Kha. Mặt cậu ta thản nhiên, môi khẽ nhếch lên cười. Đám lính của tôi còn hò hét vẫy chào mãi khi đoàn tăng vượt qua ngã ba cao nguyên rẽ sang đường khác. Xe chúng tôi tiến lên, tiến lên...
Và tôi dần dần ngủ thiếp đi trong tiếng hát của bọn lính mới được bổ sung. Sức lực còn dư nên chúng gào mãi không chán...
Trong lúc ngủ, tôi vẫn hình dung ra trận đánh tới. Có lẽ nó sẽ ít hiểm nguy hơn những trận đã qua một trăm lần.
Quân địch đã rút lui hỗn độn. Một cuộc rút lui như thế sẽ huỷ diệt tới giọt cuối cùng tinh thần kháng cự. Chúng tôi sẽ thắng... Khải hoàn môn lấp ló phía chân trời. Tim tôi trào lên niềm hoan lạc đau đớn cùng lúc óc não tôi hiện lên một ảnh tượng lạnh lẽo: Tôi thấy tôi tách khỏi đám đông, đang níu lấy những cây cột sơn son thếp vàng để dò dẫm tiến về cánh đồng phía trước. Cánh đồng ấy trơ trụi những gốc rạ, loang loáng mặt đầm xa. Một đàn cò đang lặn lội mò tép. Tôi đi theo chúng, câm lặng như cái bóng, đôi chân trần sục giữa cỏ và bùn.
Trận đánh đã diễn ra như một màn giáo đầu tiếp tới đoạn kết thúc, chóng vánh không ngờ, và, so với những trận đánh trong mười mấy năm vừa qua, nó tựa như trò chơi...
Tôi không nhớ qua bao lâu mình ngồi giữa sở chỉ huy của địch, hầu như nguyên vẹn, và nghe tiếng đồng hồ quả lắc đong đưa trên tường. Cứ nửa giờ lại một giai điệu thánh thót ngân nga. Trong ngăn kéo bàn chỉ huy, có một đống giấy tờ, sơ đồ, hóa đơn và ảnh đàn bà cởi truồng màu sắc chói lọi như lưỡi quỉ. Đột nhiên, cậu liên lạc chạy vào:
- Báo cáo thủ trưởng...
Tôi hỏi:
- Cái gì?
Trong đám tù binh có một thằng Mỹ. Anh em hỏi thủ trưởng xem xử lý ra sao?
- Quái lạ! Lính Mỹ rút từ hai năm trước. Sao còn một thằng rớt lại đây? - Báo cáo thủ trưởng, nó to như hộ pháp, nói xí xồ không ai hiểu gì...
- Đem nó lên đây.
Cậu liên lạc dạ một tiếng ngoan ngoãn rồi chạy đi. Tôi lơ đãng nhìn ra cửa ngập nắng, lòng trống rỗng. Rồi ít phút sau, đám lính của tôi giải thằng Mỹ vào. Có tới bốn cậu nhăm nhăm tay súng. Tù binh bị trói quặt tay ra sau, đi quanh quạng. Hắn cao lớn thật, tóc vàng trơn bóng, mắt xanh lơ. Đám lính của tôi dúi hắn quỳ giữa nền nhà. Cả cây thịt to rơi huỵch xuống, mặt hắn nhăn lại vì đau và đôi mắt xanh lơ của hắn ngước nhìn tôi. Một cái nhìn không thể diễn tả. Tôi hỏi:
- Đại đội ta có ai biết nói tiếng Anh không?
Một cậu đáp:
- Báo cáo, lúc bắt được hắn, thủ trưởng Thái cũng đã hỏi khắp rồi, nhưng chẳng ai biết tiếng Anh. Đồng chí Kiệm biết tiếng Nga hỏi hắn thì hắn lắc đầu.
Tôi bảo:
- Cởi trói cho nó. Súng ống như rừng vây quanh, làm sao nó trốn được!?
Đám lính cởi trói cho tên tù binh. Hắn nói gì đó, chắc là lời cảm ơn, và co duỗi những ngón tay bầm tím. Tôi nhìn những ngón tay trắng nõn của hắn, trắng như những mầm giá đỗ. Hắn lại nói với tôi từng tràng tiếng Anh, vừa nói vừa làm điệu bộ. Hình như hắn muốn chứng minh hắn không phải là lính, chỉ là một phóng viên hay thợ chụp ảnh nên hắn hết đập vào ngực, lại chỉ vào chiếc áo sơ-mi và làm động tác của mấy anh phó nhòm.
Da hắn hồng, với những đám lông nâu loăn xoăn trên ngực. Màu da trắng hồng, màu tóc vàng, màu lông hung nâu, màu mắt lơ... Những hình sắc dị biệt ấy xưa kia đã là tiêu điểm cho lòng căm thù truyền kiếp... Kẻ ngoại xâm... Kẻ ngoại bang. Những ông tổ xa xưa của tôi từng căm thù cái đuôi sam của bọn rợ Hung nô như vậy. Lòng thù hận ấy đặt sức mạnh vào cái lẫy nỏ hoặc lưới gươm. Chúng tôi cũng đã có cùng một sức mạnh ấy khi phóng những quả đạn B40 và B41, khi lia từng tràng tiểu liên, khi xọc lưới lê...
- Mất thì giờ quá...
Một cậu lính kêu.
Một cậu khác nói:
- Em nghi nó là gián điệp. Tống giam.
Cậu kia kêu lên:
- Giam hả?... Lấy ai canh giữ. Cho mẹ nó một viên kẹo đồng.
Cậu thứ ba bảo:
- Phải đấy thủ trưởng ạ... Đơn vị mình còn tiếp tục đi. Giữ làm quái gì cái của nợ này...
Tên tù binh đưa mắt nhìn quanh. Nó nhìn đám lính của tôi đang bàn cãi, mỉm cười làm thân. Đồ bò, nó chẳng hiểu gì cả. Nó tưởng người ta đang bàn cách làm các món ăn chắc?... Mái tóc vàng lúc lắc khi nó cười. Rồi nó khẽ nhún vai... Lúc ấy tôi mới thấy đôi vai nó to và dày làm sao! Cả tấm lưng đồ sộ kia nữa!
Vai và lưng nó hoàn toàn giống Biền. Dường như đôi vai ấy và tấm lưng ấy sinh ra để gánh mỗi ngày hơn trăm gánh lúa. Hắn vẫn cười ngô nghê nhìn tôi.
Bỗng dưng, tôi thấy lòng thù hận trong tôi dời chỗ. Hình như nó đã đi dạo chơi đâu đó, như con hổ bị nhốt đã xổ cũi dạo chơi trong rừng... Dã thú cũng tới lúc mệt mỏi...
Trước đây, cứ nhìn màu da trắng hồng kia, mái tóc vàng óng kia là tôi nổ súng không nghĩ ngợi! Kẻ ngoại xâm, - tiêu điểm của hận thù! Lòng tự tôn đã bó kết với thù hận! Sự bảo tồn gắn với hủy diệt!!...
- Thủ trưởng...
Đám lính của tôi lên tiếng:
- Thủ trưởng quyết định đi...
Một cậu hạ giọng:
- Tụi Mẽo này chuyên ăn thịt, thủ trưởng ạ... Mình lấy đâu của thừa mà nuôi nó?... Thủ trưởng đồng ý đi... Em đòm cho. Tích tắc là xong...
Tên tù binh nhìn tên lính của tôi, nheo nheo mắt như suy ngẫm. Tôi chợt hình dung trái đồi xanh rờn, gã trai trẻ này ôm người đàn bà của hắn lăn trên cỏ. Có thể là một đứa con gái thành thật như lũ ngợm tôi vừa xem ảnh cởi truồng.
Cũng có thể là một thôn nữ, có cái tên mộc mạc như tên con gái quê tôi: con Hoa, con Hòa, con Vinh, con Lài, con Mơ, con Mận...
Cũng có thể một đêm xuân mát rượi, hắn từng gác chân lên chân bạn và mơ tưởng đến cuộc ái ân sấm sét giữa các thánh thần như Biền từng mơ tưởng đến bà Nữ Oa với ông Tứ Tượng...
Rồi hắn phải từ bỏ tất thảy những vui thú ấy để mặc áo lính ra đi vì lý tưởng quốc gia, vì những giọng nhật ký miên man cuốn hút, vì một buổi rạng đông nào đó hắn bị cám dỗ bởi hình ảnh của chính mình nơi chân trời khói lứa, ngực lủng lẳng những tấm mề-đay... Mọi ý tưởng ấy làm tôi lạnh toát sống lưng.
- Báo cáo thủ trưởng...
Một cậu lính kêu:
- Sắp tới giờ ăn, tụi em đói quá... Xin thủ trưởng quyết định cho.
Tôi nói, giọng lạnh lùng:
- Các cậu nghĩ mọi việc đơn giản như đùa! Chiến tranh sắp kết thúc, không còn là thuở sống giữa rừng. Lúc này, bất kỳ ai, kể cả bản thân tói, vi phạm chính sách tù binh sẽ phải ra tòa án binh lãnh tội.
Nói xong, tôi quay ngoắt đi.
Thái độ đó có hiệu quả. Đám lính của tôi giải tên Mỹ đi lặng lẽ, không dám xô đẩy hắn thô bạo như trước.
Tôi lại trở về chỗ ngồi cũ, nghĩ tới những sợi tơ nhện đong đưa trước gió, những trò ú tim tàn bạo của chiến tranh. Trên đường tiến quân, tôi đã chứng kiến biết bao thây người treo lủng lẳng trên cành cây, kẻ bị móc mắt, kẻ bị phanh thây làm đôi, kẻ bị cắt gân đầu gối buộc gập lên như con cào cào bị bẻ càng... Những cuộc trả hận không ai kiểm soát được. Vào lúc từng loạt pháo rền để báo trước tiếng đại bác ngày chiến thắng, tiếng kêu của bầy quạ cũng vang lên trên các nghĩa địa và quanh những thây ma chưa được vùi lấp. Mùi tử thi lẫn mùi thuốc súng hôn mê...
Mặt trời lặn trong lúc đèn bật sáng khắp nơi. Ánh tà dương trộn cùng ánh đèn, trộn cùng ánh nến. Đám lính của tôi vớ được một hộp nến, chúng cắm la liệt khắp các phòng và ngoài sân. Đêm tới cùng bữa ăn náo động. Tổ cấp dưỡng khui được cả hầm rượu, mở ra đổ vào chậu tắm. Một chậu tắm khổng lồ tràn đầy thứ rượu màu vàng: pha trộn đủ loại vang, sâm banh, cô-nhắc. Lính mạnh ai nấy thò ca múc tùy tửu lượng. Mỗi gương mặt như nhân lên hàng trăm lần vì hàng trăm ngọn đèn và nến... Cười, nói, chếnh choáng, hớn hở, ca hát...
Trên bàn ăn, bày đầy những món đồ hộp của ta và đồ chiến lợi phẩm: cá hộp Liên xô, cá hộp Mỹ, thịt hộp Trung quốc, bánh quy Mỹ, nho khô Mỹ, táo Tầu... Bữa ăn kéo dài lâu lắm. Thái ngồi bên tôi, hình như cậu ta nói gì đó rồi len lén cúi xuống chùi nước mắt. Tôi chắc Thái nhớ đứa em trai đã hy sinh.
Tôi định nói vài lời an ủi Thái nhưng tôi lại lặng im. Vì tôi cũng nhớ em trai tôi. Sau đó tôi chẳng nhớ ai nữa. Tôi nhớ tới một gương mặt vô danh, vừa câm lặng, vừa sống động trồi lên ngọn triều quá khứ... Mười mấy năm trôi qua...
Nó mỉm cười...
Một số cậu say loạng choạng ra về. Số khác chụm lại tán gẫu. Tôi chợt thấy Kha kéo Tạo đi ngang qua. Hai anh chàng ra cửa. Có tiếng va chạm của vỏ đồ hộp ngoài kia.
Tiếng cười hô hố. Rồi tiếng Tạo kêu:
- Anh Kha, đái đi.
Kha đáp:
- Ờ thì đái ì i...
- Em đố anh đái đầy hai hộp cá này.
- Mày muốn thi hả?... ơ... thì thi...
Tiếng tồ tồ của nước tiểu rót, lúc nhỏ, lúc to. Rồi Kha nói:
- Mày lợi hơn đấy nhé... Tao say, tao đái rớt ra ngoài.
- Nào, lấy nến ra xem cho rõ.
Tạo nhảy xổ vào phòng, lấy ngọn nến trên bàn đem ra.
Một phút sau, anh chàng reo vui vẻ:
- Bằng nhau... Của anh, hai hộp cá Mỹ. Em được nửa hộp thịt lợn Tàu... Coi như hòa...
Tiếng Kha:
- Ờ bọng đái tao với bọng đái mày to bằng nhau... Bố khỉ, từ thuở cha sinh mẹ đẻ chưa bao giờ say mà đêm nay thấy cái mặt mày nhảy nhót... Tạo, về ngủ thôi...
Tiếng chân bước xa dần. Đám lính quanh tôi cũng lục tục kéo nhau về. Sau rốt, còn lại hai chúng tôi. Thái hỏi:
- Bao giờ mình đi tiếp nhỉ?
Tôi trả lời:
- Chờ lệnh trên.
Thái ngậm ngùi:
- Bao nhiêu năm nay, đơn vị mình toàn là mũi tiến công chủ chốt.
Tôi cười:
- Mỗi năm mỗi khác. Giờ chỉ có mười hai thằng lính già. Còn lại toàn lính mới, đưa chúng nó lên các điểm nóng làm chả nướng à?...
Thái nói:
- Dù sao cũng buồn, anh Quân ạ...
Tôi bảo:
- Ờ, thời oanh liệt nào cũng qua.
Thái hỏi:
- Sau đây, rồi sẽ ra sao?
Tôi cười:
- Tôi biết gì mà hỏi tôi? Cá mè một lứa cả...
Thái im lặng một lát rồi hạ giọng:
- Đại đội ta là đại đội anh hùng... Chúng mình... anh với tôi sẽ được đề nghị phong hàm vượt bực đấy...
Tôi không trả lời Thái. Tiếng anh rót bên tai tôi đều đều nhưng tôi chỉ nghe thấy tiếng róc rách của lạch nước dưới chân cầu, tiếng lúa rì rào trên đồng. Một điệu ca lảnh lót giữa chốn quê hương u tịch:
" Trèo lên Quán Dốc, ngồi gốc cây đa "...
Giai điệu ấy cùng cây nhị ư ừ rền vang những năm tháng Trường sơn... Chú lính nhỏ bé của tôi... Chú lính tội nghiệp của tôi trong buổi sớm giá lạnh ấy đã trúng đạn rơi xuống...
Và máu trai loang đỏ tấm dù...

Hà nội, 11-12-1990

(25 tháng 10 năm Canh Ngọ)
DƯƠNG THU HƯƠNG

Xem Tiếp: ----